ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/CT-UBND
|
Kon Tum, ngày 02
tháng 01 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, TRỪ SINH VẬT HẠI CÂY
TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Năm 2023, các cơ quan, đơn vị
và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu
quả các giải pháp phòng, trừ sinh vật gây hại cây trồng, không để phát sinh
thành dịch, giảm thiểu thiệt hại về năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên,
sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, nhiều loại cây trồng mới có giá trị
kinh tế cao được trồng tập trung mang tính hàng hóa đòi hỏi phải đầu tư thâm canh
cao nên sinh vật hại cũng dễ phát sinh, phát triển, nhiều loại sâu bệnh hại mới
có thể xuất hiện. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường
và không theo quy luật đã tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng,
tạo điều kiện cho sinh vật gây hại có thể phát sinh, gây hại và lây lan trên diện
rộng, có nguy cơ bùng phát thành dịch và rất khó kiểm soát. Để chủ động phòng,
trừ sinh vật gây hại trên các loại cây trồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt
hại trong sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân
trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TU,
ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ
2020-2025 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu
cầu các sở, ban ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập
trung triển khai thực hiện các nội dung sau[1]:
1. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức triển khai công tác
phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây trồng tại địa phương, trong đó tập trung
chỉ đạo giải quyết diệt trừ cây Mai dương, bệnh khảm lá trên cây sắn, sâu bệnh
hại trên cây dược liệu đặc biệt là cây Sâm Ngọc linh (nếu có) không để
lây lan ra diện rộng.
- Tập trung chỉ đạo cơ quan,
đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác
kiểm tra đồng ruộng, phát hiện xử lý sớm, dứt điểm ngay từ ban đầu các đối tượng
gây hại trên cây trồng; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa
phương trong công tác phòng trừ, khống chế sinh vật gây hại trên cây trồng,
tránh tình trạng chủ quan, lơ là, kiên quyết không để sinh vật gây hại lây lan
và phát triển thành dịch.
- Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều
hình thức để chủ thực vật (tổ chức, cá nhân) nắm được quyền và nghĩa vụ
của mình đã được quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
- Đẩy mạnh công tác thông tin
tuyên truyền đến người dân bằng các hình thức phù hợp về thời điểm phát sinh và
các biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh hại cụ thể trên từng loại cây
trồng ở từng thời điểm (trong đó lưu ý khuyến cáo giai đoạn phòng trừ
hiệu quả nhất) để người dân biết, áp dụng.
- Tổ chức tập huấn, triển khai
các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, có
giá trị kinh tế và có tiềm năng xuất khẩu ở địa phương theo Chỉ thị số
8141/CT-BNN-BVTV ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn[2]. Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng
quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam
giai đoạn 2022-2030[3].
- Chủ động chỉ đạo triển khai
các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng có khả năng phát
sinh trong thời gian tới[4]; khuyến cáo người dân
sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện
canh tác tại địa phương, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh; vệ sinh đồng ruộng;
bố trí thời vụ hợp lý; gieo trồng đúng kỹ thuật; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
khi thật cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”[5]
và đảm bảo đúng thời gian cách ly của thuốc; sử dụng phân bón cân đối hợp lý và
các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức chống chịu, hạn chế sự phát sinh,
phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích.
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra việc mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng
lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng,
kịp thời xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); có giải pháp chỉ đạo, thúc
đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng thuốc
bảo vệ thực vật, vật tư đầy đủ, kịp thời để phục vụ sản xuất.
- Bố trí nhân lực để thực hiện
tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo và hướng dẫn nông dân các biện pháp
phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả.
- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp
công tác và chế độ thông tin báo cáo giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về công tác chăn nuôi và thú y, trồng
trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Chủ động cân đối ngân sách địa
phương (nguồn dự phòng, sự nghiệp kinh tế,…) và các nguồn huy động,
đóng góp hợp pháp để triển khai thực hiện phòng, chống dịch hại trên cây trồng
theo đúng quy định pháp luật.
- Định
kỳ hằng tuần (trong ngày thứ Ba) báo cáo tình hình sinh vật gây hại cây
trồng, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh
nếu để sinh vật gây hại trên cây trồng phát sinh thành dịch hoặc làm lây lan ra
diện rộng trên địa bàn và ra các địa phương khác.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối
hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ
thông báo kịp thời về tình hình sâu, bệnh hại, dự báo thời điểm phát sinh, gây
hại của các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn c ác biện pháp, kỹ thuật, phòng
trừ hiệu quả để các địa phương, người nông dân biết, áp dụng.
- Tập
huấn, hướng dẫn người sản xuất và các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP[6], GloballGAP[7], kỹ thuật trong
quá trình canh tác để đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. Xây dựng
các mô hình IPM[8],
ICM[9], IPHM[10] trên các loại
cây trồng để người nông dân tham khảo, áp dụng và nhân rộng.
- Phối
hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thiết lập, giám sát, quản lý vùng
trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
- Tiếp
tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các giải pháp
ngăn chặn và xử lý bệnh khảm lá sắn, cây mai dương đảm bảo không để lây lan ra
diện rộng, gây thiệt hại cho người dân.
-
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, mua bán
giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; đồng thời
thông tin đến người dân những cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các quy định của
pháp luật, đảm bảo chất lượng, uy tín; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định
của pháp luật (nếu có).
-
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch theo đúng quy định
của pháp luật[11]
(trong trường hợp đủ điều kiện).
-
Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thời tiết, tình hình sinh vật gây hại
cây trồng trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng tuần (trước 11h00’
ngày thứ Tư), hằng tháng[12] tổng hợp báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo
triển khai các giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, không để
dịch hại lây lan phát sinh trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính:
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí
kinh phí triển khai thực hiện Chỉ thị này phù hợp với khả năng cân đối ngân
sách địa phương hàng năm theo quy định pháp luật.
4. Sở Công Thương: Phối hợp với các cơ quan thành
viên Ban Chỉ đạo
389 tỉnh
và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả đối với việc sản xuất, kinh doanh giống cây
trồng,
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và
các cơ quan thông tấn, báo chí khác:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng các chuyên mục để thông tin, tuyên truyền về tình hình tác hại
của sâu bệnh hại trên các loại cây trồng và các biện pháp phòng, phòng trừ.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và
các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh: Tổ chức quán triệt, vận
động Nhân dân, các hội viên, đoàn viên tích cực thực hiện tốt các biện pháp
phòng, trừ sinh vật hại cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ CVP, các PCVP;
+ Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NLTA.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
[1] Theo đề nghị của
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4553/SNN-TT&BVTV
ngày 25 tháng 12 năm 2023 về việc tham mưu các Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh.
[2] Về việc tiếp tục
triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ
lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu.
[3] Ban hành kèm
theo Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[4] Như: Sâu cuốn
lá nhỏ, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn,… trên cây lúa vụ ĐX 2023-2024; Bệnh
khảm lá, chổi rồng trên cây sắn; Sâu keo mùa Thu trên cây ngô; Sâu bệnh hại các
loại rau màu, cây ăn quả, cây Mắc ca, cây dược liệu, cây cà phê, cây cao su,...
[5] Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng
cách.
[6] VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành
sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam).
[7] GlobalGAP là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc
thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice).
[8] Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pests
Management, viết tắt theo tiếng Anh là IPM).
[9] ICM (Integrated Crop Management) có nghĩa là "Quản lý
tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng".
[10] IPHM là chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp
(Integrated Plant HealthManagement).
[11] Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Nghị định số
116/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số
điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
[12] Trước ngày 25 hằng tháng.