Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: Hồ Xuân Sơn, Vũ Đại Vĩ
Ngày ban hành: 18/11/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “hai Bên”);

Tuân thủ các nguyên tắc bất khả xâm phạm về lãnh thổ và biên giới quốc gia; tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi và chung sống hòa bình; cố gắng cùng nhau xây dựng biên giới trên đất liền hai nước thành biên giới mãi mãi hòa bình, đời đời hữu nghị;

Để giữ gìn sự ổn định của biên giới trên đất liền và tình hình an ninh, trật tự xã hội; tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của dân cư hai bên biên giới; đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới hai nước; trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, đã thỏa thuận ký kết Hiệp định này.

Chương 1.

GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

Điều 1.

Trong Hiệp định này, hai Bên sử dụng các thuật ngữ sau:

1. “Biên giới” hoặc “đường biên giới” có ý nghĩa giống nhau, chỉ đường và mặt thẳng đứng theo đường đó xác định giới hạn lãnh thổ trên đất liền (bao gồm lòng đất, vùng nước, vùng trời) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

2 “Văn kiện hoạch định biên giới” là “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 30 tháng 12 năm 1999; “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ” ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 và “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 10 tháng 10 năm 2006.

3. “Văn kiện phân giới, cắm mốc” là “Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày tháng năm 2009 cùng các phụ lục kèm theo bao gồm: bản đồ đính kèm Nghị định thư phân giới, cắm mốc, “Bảng đăng ký mốc giới”, “Bảng kê tọa độ và độ cao mốc giới” và “Bảng kê sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông, suối biên giới” …..

4. “Văn kiện kiểm tra liên hợp” là các văn kiện được ký kết sau kiểm tra liên hợp biên giới, bao gồm Nghị định thư kiểm tra liên hợp cùng các phụ lục kèm theo và các văn kiện liên quan khác.

5. “Mốc giới” bao gồm mốc chính và mốc phụ, được cắm trên đường biên giới hoặc hai bên đường biên giới, là vật thể dùng để đánh dấu đường biên giới và thể hiện hướng đi của đường biên giới tại thực địa. Tọa độ của các mốc giới được đo tại thực địa và thể hiện trong văn kiện phân giới, cắm mốc hoặc trong văn kiện kiểm tra liên hợp.

6. “Vật đánh dấu đường biên giới” là các vật thể nằm trên đường biên giới, được hai Bên cùng xây dựng hoặc xác nhận, dùng để đánh dấu hướng đi của đường biên giới tại thực địa như khối đá tự nhiên, cây cối, tường, rãnh ….

7. “Đường thông tầm nhìn biên giới” là chỉ khoảng rộng từ 5m-7m (mỗi bên rộng từ 2,5m đến 3,5m), do hai Bên cùng mở ra hai phía tại những đoạn được xác định trên đường biên giới, mục đích làm cho cho đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết.

8. “Vùng biên giới” là chỉ khu vực hành chính cấp huyện của hai Bên tiếp giáp đường biên giới.

9. “Cư dân biên giới” là chỉ dân cư thường trú của mỗi nước thuộc xã (trấn) tiếp giáp đường biên giới.

10. “Ngành chủ quản” là cơ quan, tổ chức được pháp luật của mỗi Bên quy định chức năng và quyền hạn giải quyết các vấn đề được quy định tại Hiệp định này.

11. “Vùng bước biên giới” là vùng nước trên các đoạn sông, suối biên giới hoặc các vùng nước khác mà đường biên giới trên đất liền đi qua.

12. “Công trình cắt qua đường biên giới” là các công trình nhân tạo cắt qua đường biên giới như đường sắt, đường bộ, đường ống dầu khí, đường dẫn điện, cáp điện, cáp quang, cầu, ngầm, đập nước …

13. “Thiết bị bay” là chỉ máy bay, tàu lượn, khí cầu …

14. “Sự kiện biên giới” là các sự kiện do con người hoặc nguyên nhân khác gây ra, vi phạm quy chế quản lý biên giới, văn kiện hoạch định biên giới hoặc văn kiện phân giới, cắm mốc giữa hai nước.

15. “Đại diện biên giới” là cá nhân được bổ nhiệm theo pháp luật của mỗi Bên, phụ trách xử lý các sự kiện biên giới và duy trì, bảo vệ Quy chế quản lý biên giới.

16. “Người xuất, nhập cảnh trái phép” là người từ lãnh thổ của Bên này đi vào lãnh thổ của Bên kia vi phạm pháp luật của một Bên hoặc những quy định của điều ước quốc tế liên quan mà hai Bên ký kết hoặc tham gia; không đi qua cửa khẩu, đường qua lại do hai Bên thỏa thuận hoặc không mang theo giấy tờ qua lại biên giới hợp pháp có hiệu lực.

17. “Trường hợp bất khả kháng” là trường hợp xảy ra do khách quan không thể dự đoán được, không thể tránh được và không thể khắc phục được.

Chương 2.

QUẢN LÝ, DUY TRÌ VÀ BẢO VỆ HƯỚNG ĐI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI, MỐC GIỚI VÀ ĐƯỜNG THÔNG TẦM NHÌN BIÊN GIỚI

Điều 2.

Đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được xác định theo các văn kiện sau:

1. “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 30 tháng 12 năm 1999;

2. “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ” ký ngày 25 tháng 12 năm 2000;

3. “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 10 tháng 10 năm 2006;

4. “Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày tháng năm 2009;

5. Các văn kiện kiểm tra liên hợp có hiệu lực do hai Bên ký kết.

Điều 3.

1. Hai Bên cần tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ mốc giới, vật đánh dấu đường biên giới, đường thông tầm nhìn biên giới nhằm cùng nhau duy trì đường biên giới rõ ràng, ổn định.

2. Hai Bên cần tiến hành tuyên truyền, giáo dục cư dân biên giới nước mình, khuyến khích họ ủng hộ và tham gia bảo vệ mốc giới, vật đánh dấu đường biên giới và đường thông tầm nhìn biên giới.

Điều 4.

Căn cứ các quy định liên quan của văn kiện phân giới, cắm mốc và văn kiện kiểm tra liên hợp, mỗi Bên tự phụ trách việc bảo dưỡng, sửa chữa, khôi phục các mốc giới do Bên mình cắm và đường thông tầm nhìn biên giới trong lãnh thổ Bên mình.

Điều 5.

1. Hai Bên cần áp dụng các biện pháp để bảo vệ và ngăn ngừa việc mốc giới bị phá hoại, dịch chuyển, hoặc bị đánh cắp.

2. Nếu Bên nào phát hiện mốc giới bị hư hỏng nghiêm trọng, hủy hoại, bị dịch chuyển hoặc bị mất, cần thông báo ngay cho phía Bên kia để tiện cho hai Bên cùng nhau xác nhận sự thật có liên quan. Bên phụ trách việc quản lý, bảo vệ mốc giới này phải kịp thời tiến hành sửa chữa, khôi phục hoặc xây dựng lại mốc giới tại vị trí cũ và cần thông báo cho Bên kia ít nhất 10 ngày trước khi triển khai công việc.

Khi ngành chủ quản của một Bên tiến hành công việc nói trên, cần phải có sự có mặt của đại diện ngành chủ quản của Bên kia tại hiện trường. Sau khi hoàn thành công việc, phải ghi biên bản xác nhận. Biên bản này được lập thành hai bản, mỗi bản viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung, do đại diện ngành chủ quản hoặc chuyên gia hai Bên ký (mẫu biên bản nêu trong Phụ lục 1, Phụ lục 2).

Khi mốc giới được xây dựng lại hoặc khôi phục lại, phải tiến hành chụp ảnh và đo xác định tọa độ, độ cao mốc giới này theo các quy định đã được hai Bên thống nhất.

3. Đối với các mốc giới không thể khôi phục hoặc xây dựng lại tại vị trí cũ, hai Bên tiến hành lập biên bản (mẫu biên bản nêu trong Phụ lục 3), ghi rõ lý do không thể khôi phục hoặc xây dựng lại tại vị trí cũ và báo cáo tình hình lên Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được thành lập theo Điều 50 của Hiệp định này. Ủy ban liên hợp cần quyết định và xác định một vị trí thích hợp khác để cắm lại mốc này nhưng không được thay đổi vị trí của đường biên giới. Việc cắm mốc giới tại vị trí mới cần làm biên bản ghi nhận (xem Phụ lục 4).

4. Hồ sơ và biên bản về việc sửa chữa, khôi phục, xây dựng và xây dựng cột mốc tại vị trí mới nêu tại khoản 2, 3 Điều này phải được chuyển lên Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam – Trung Quốc để lưu hồ sơ.

5. Kiểu dáng, quy cách, chất liệu và vị trí của mốc giới được sửa chữa, khôi phục hoặc cắm lại đều phải phù hợp với yêu cầu của văn kiện phân giới, cắm mốc và văn kiện kiểm tra liên hợp.

6. Không Bên nào được đơn phương thay đổi vị trí, xây dựng thêm mốc giới hoặc vật đánh dấu đường biên giới.

7. Mỗi Bên tiến hành truy cứu trách nhiệm theo pháp luật nước mình đối với những người làm hư hỏng, dịch chuyển hoặc hủy hoại mốc giới.

Điều 6.

1. Để làm rõ ràng hơn vị trí của đường biên giới, khi cần thiết, hai Bên có thể thỏa thuận bố trí thêm vật đánh dấu đường biên giới tại các đoạn biên giới có dân cư đông đúc hoặc các đoạn đường biên giới khó nhận biết.

2. Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc phụ trách tổ chức việc xây dựng, sửa chữa và bảo vệ vật đánh dấu đường biên giới.

Điều 7.

1. Hai Bên cần kịp thời phát quang cây cối và các loại thực vật khác che lấp tầm nhìn, đảm bảo cho đường biên giới được rõ ràng.

Nếu ngành chủ quản của một Bên cần tiến hành công tác phát quang đường thông tầm nhìn biên giới trong lãnh thổ Bên mình, phải thông báo cho ngành chủ quản của Bên kia ít nhất 10 ngày trước khi bắt đầu tiến hành công việc.

2. Nghiêm cấm biện pháp sử dụng lửa, chất hóa học và các biện pháp khác có thể gây nguy hại cho hai Bên để phát quang đường thông tầm nhìn biên giới.

3. Trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới, nghiêm cấm tiến hành việc canh tác, đào bới, xây dựng công trình, các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên hoặc tiến hành các hoạt động khác có thể ảnh hưởng đến đường biên giới, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

Chương 3.

KIỂM TRA LIÊN HỢP BIÊN GIỚI

Điều 8.

1. Sau khi văn kiện phân giới, cắm mốc có hiệu lực, hai Bên cứ 10 năm tiến hành kiểm tra liên hợp một lần các mốc giới và hướng đi của đường biên giới.

2. Để tiến hành kiểm tra liên hợp, hai Bên thành lập Ủy ban kiểm tra liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Nhiệm vụ, nguyên tắc, trình tự, phương pháp làm việc và các vấn đề liên quan khác của công tác kiểm tra liên hợp do Ủy ban này thỏa thuận xác định trong Điều lệ của Ủy ban.

3. Mỗi lần trước khi kiểm tra liên hợp, hai Bên sẽ thỏa thuận thời gian và phạm vi bắt đầu kiểm tra liên hợp qua đường ngoại giao. Hai Bên cũng có thể thỏa thuận về việc thay đổi thời gian kiểm tra, hoặc chỉ tiến hành kiểm tra liên hợp đối với một số đoạn biên giới.

4. Sau mỗi lần kiểm tra liên hợp, hai Bên sẽ ký văn kiện kiểm tra liên hợp. Sau khi văn kiện kiểm tra liên hợp có hiệu lực sẽ trở thành văn kiện bổ sung của văn kiện phân giới, cắm mốc.

Chương 4.

VÙNG NƯỚC BIÊN GIỚI

Điều 9.

1. Hai Bên hợp tác giải quyết các vấn đề sử dụng và bảo vệ vùng nước biên giới trên nguyên tắc hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lợi ích và tránh gây thiệt hại to lớn cho phía Bên kia.

2. Để đáp ứng các nhu cầu về sinh hoạt, sản xuất và giao thông, hai Bên có quyền sử dụng vùng nước biên giới; đồng thời, tiến hành các biện pháp để bảo vệ môi trường sinh thái đối với vùng nước biên giới.

Điều 10.

1. Hai Bên có quyền tiến hành sản xuất nghề cá trong phạm vi vùng nước biên giới thuộc lãnh thổ bên mình.

2. Ngành chủ quản hai Bên cần cùng nhau hoặc đơn phương áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc đánh bắt trái phép, đặc biệt là hành vi sử dụng vật gây nổ, chất có độc, xung điện và các hành vi khác nhằm hủy diệt các loài cá và tài nguyên sinh vật khác.

3. Nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bắt trong khu vực cấm đánh bắt và trong thời kỳ cấm đánh bắt, ngoại trừ việc đánh bắt vì mục đích nghiên cứu khoa học.

4. Vấn đề bảo vệ, phát triển các loài cá và tài nguyên sinh vật khác tại vùng nước biên giới cần căn cứ các thỏa thuận liên quan của hai Bên để giải quyết.

Điều 11.

1. Hai Bên không được đơn phương làm thay đổi địa thế của vùng nước biên giới bằng hành vi nhân tạo.

2. Nhằm duy trì sự ổn định của địa thế vùng nước biên giới, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và việc phòng chống lũ của hai Bên, hai Bên có thể xây dựng công trình bảo vệ bờ tại vùng nước biên giới nhưng không được làm thay đổi hướng dòng chảy, mặt thoát lũ cũng như ảnh hưởng tới sự ổn định bờ sông, suối của phía Bên kia.

3. Khi cần thiết, hai Bên có thể xây dựng, cải tạo hoặc dỡ bỏ vật kiến trúc hoặc các công trình (bao gồm cả các công trình cắt qua đường biên giới) tại vùng nước biên giới, nhưng không được làm ảnh hưởng đến tuyến vận tải trên sông, suối, việc thoát lũ hoặc gây ra ảnh hưởng xấu đến lòng sông và bờ sông.

4. Để đảm bảo nhu cầu vận tải trên sông, suối và thoát lũ, hai Bên có thể thỏa thuận tiến hành nạo, vét bùn, đất ở vùng nước biên giới. Bùn, đất nạo vét lên cần được xử lý thỏa đáng, tránh gây ảnh hưởng xấu đến lòng sông, bờ sông và môi trường.

5. Các công trình và dự án (kể cả các dự án thăm dò, khai thác các nguồn lợi kinh tế và các dự án có quy mô lớn khác) tại vùng nước biên giới được nêu trong Điều này đều phải giao cho các ngành chủ quản của hai Bên cùng đánh giá và sau khi được Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc phê duyệt mới được thực hiện. Trong thời gian thi công, ngành chủ quản hai Bên và Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc có thể cử người trực tiếp giám sát hiện trường.

Trong trường hợp các đoạn sông, suối biên giới ảnh hưởng cấp bách đến cơ sở hạ tầng hoặc an toàn tính mạng của cư dân, ngành chủ quản Bên này sau khi thông báo cho phía Bên kia, có thể đơn phương xây dựng tạm thời các công trình phòng chống khẩn cấp.

6. Bất cứ Bên nào đều có quyền yêu cầu Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc bàn bạc xử lý các hành vi xây dựng công trình vùng nước biên giới có thể gây tổn hại đến lợi ích của phía Bên kia hoặc lợi ích chung của hai Bên.

Trong trường hợp các công trình bảo vệ bờ hiện có vùng nước biên giới ảnh hưởng đến việc an toàn phòng lũ hoặc an toàn tính mạng, tài sản của cư dân, hai Bên cần thông qua Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc tiến hành cùng đánh giá mức độ nguy hại của các công trình này và áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết.

Điều 12.

1. Tàu thuyền của hai Bên có thể đi lại theo luồng chính của sông, suối biên giới tàu thuyền đi lại được, hoặc theo dòng chảy hoặc dòng chảy chính của sông, suối tàu thuyền không đi lại được.

Nghiêm cấm tàu thuyền của nước thứ ba qua lại trong phạm vi sông, suối biên giới, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

2. Các vấn đề liên quan việc qua lại của tàu thuyền như loại tàu thuyền, quy tắc qua lại, dấu hiệu chỉ dẫn luồng lạch, nạo vét luồng lạch, cầu bắc qua sông, độ sâu, bề rộng thông thuyền …vv trên sông, suối biên giới do ngành chủ quản giao thông của hai Bên bàn bạc, thỏa thuận xác định.

3. Ngành chủ quản của hai Bên thông qua bàn bạc hữu nghị, kịp thời xử lý tàu thuyền bị chìm và các chướng ngại vật ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu thuyền trong vùng nước biên giới.

4. Tàu thuyền một Bên gặp tai nạn (bão, sự cố) có thể neo đậu vào bờ hoặc cồn, bãi của Bên kia, nhưng phải tìm cách thông báo ngay cho ngành chủ quản hai Bên. Ngành chủ quản Bên kia cần có sự trợ giúp cần thiết.

Điều 13.

Để phòng ngừa thiên tai như lũ, lụt, … hai Bên có thể hợp tác triển khai những công việc sau:

1. Triển khai đo đạc địa hình, thủy văn sông, suối biên giới.

2. Khi cần thiết và được ngành chủ quản hai Bên bàn bạc thống nhất, một Bên có thể lắp đặt, sửa chữa và bảo vệ các thiết bị đo quan trắc thủy văn đơn giản, không có người thao tác trên bờ sông của Bên kia.

3. Tiến hành trao đổi thông tin cần thiết về điều tiết và phòng chống lũ, lụt.

Chương 5.

HOẠT ĐỘNG VÀ SẢN XUẤT TẠI VÙNG BIÊN GIỚI

Điều 14.

Hai Bên nghiêm cấm cư dân biên giới hoặc các đối tượng khác vượt qua đường biên giới để chôn cất, xây mồ mả, chặt phá, chăn thả gia súc, canh tác, săn bắn, khai khoáng, khai thác nông lâm sản, thủy sản hoặc tiến hành các hoạt động có mục đích trái phép khác.

Điều 15.

1. Khi một Bên tiến hành các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng … tại khu vực gần biên giới không được làm tổn hại đến lợi ích của Bên kia.

2. Ngành chủ quản hai Bên cần tiến hành giám sát đối với các hoạt động sản xuất tại khu vực gần biên giới và kịp thời thông báo cho Bên kia thời gian và địa điểm cụ thể của hoạt động có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của Bên kia.

3. Hai Bên cần áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái tại vùng biên giới, nghiêm cấm lắp đặt các thiết bị lưu giữ chất hóa học nguy hiểm và xây dựng nơi xử lý chất thải nguy hiểm trong phạm vi 1000m tính từ đường biên giới về mỗi Bên.

4. Nếu một Bên cần tiến hành việc gây nổ trong phạm vi 2000m tính từ đường biên giới về phía Bên mình, phải thông báo cho Bên kia trước ít nhất 48 giờ; đồng thời, cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra cho tính mạng của công dân và các lợi ích khác của Bên kia.

5. Nghiêm cấm việc đốt cây khai hoang trong phạm vi 1000m tính từ đường biên giới về mỗi Bên.

6. Nghiêm cấm việc khai khoáng trong phạm vi 500m tính từ đường biên giới về mỗi Bên, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

7. Nghiêm cấm việc nổ súng săn bắn trong phạm vi 1000m tính từ đường biên giới về mỗi Bên và nghiêm cấm bắn vào lãnh thổ của Bên kia.

Điều 16.

1. Việc xây dựng, công trình cắt qua đường biên giới chỉ tiến hành sau khi được ngành chủ quản hai Bên và Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc bàn bạc nhất trí.

2. Ranh giới quản lý của các công trình cắt qua đường biên giới trên vùng nước biên giới là đường trung tuyến, đường giữa hoặc đường trục kết cấu của công trình, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

3. Ranh giới quản lý của các công trình khác cắt qua đường biên giới trùng với đường biên giới, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

4. Ranh giới quản lý của các công trình cắt qua đường biên giới không ảnh hưởng đến hướng đi của đường biên giới tại thực địa.

Điều 17.

1. Ngành chủ quản hai Bên cần áp dụng các biện pháp giám sát, quản lý đối với việc chăn thả gia súc, gia cầm gần biên giới, tránh để gia súc, gia cầm đi vào lãnh thổ Bên kia.

2. Khi gia súc, gia cầm đi vào lãnh thổ Bên kia, ngành chủ quản hai Bên cần nhanh chóng thông báo cho nhau và áp dụng các biện pháp tìm kiếm, trông giữ; đồng thời, nhanh chóng bàn giao cho nhau, không được sử dụng, cất giấu, giết mổ, bán hoặc các hình thức chiếm hữu khác.

Điều 18.

1. Khi có dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm ở người, bệnh truyền nhiễm ở động vật, bệnh ký sinh trùng ở động vật, các bệnh và côn trùng, cỏ dại nguy hiểm ở thực vật cùng những sinh vật có hại khác … trong vùng biên giới của một Bên, ngành chủ quản Bên đó phải nhanh chóng thông báo ngay cho Bên kia đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống. Ngành chủ quản của Bên được thông báo cần hỗ trợ tích cực.

2. Ngành chủ quản hai Bên cần tăng cường hợp tác để phòng, chống các loại dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm … nêu tại khoản 1 Điều này lan truyền qua biên giới.

3. Khi ngành chủ quản hai Bên thấy cần thiết, có thể tiến hành trao đổi về các vấn đề bảo vệ, sử dụng rừng và tài nguyên thiên nhiên khác tại vùng biên giới cũng như việc phòng ngừa các bệnh dịch và côn trùng gây bệnh nói trên lan truyền qua biên giới.

Điều 19.

Khi xảy ra thiên tai (lũ lụt, lở đất, hỏa hoạn …) tại vùng biên giới, Bên bị thiên tai cần kịp thời thông báo cho phía Bên kia và áp dụng biện pháp ngăn ngừa thiên tai lan tràn vào lãnh thổ của phía Bên kia. Khi cần thiết, một Bên có thể nhận lời đề nghị của Bên gặp nạn để tiến hành các hoạt động cứu trợ cần thiết.

Điều 20.

Khi một Bên tiến hành bay chụp ảnh hàng không và sử dụng các thiết bị bay khác với mục đích đo đạc thăm dò cảm ứng từ xa tại khu vực và công trình trong phạm vi 25km tính từ đường biên giới về phía Bên mình, phải thông báo cho Bên kia trước ít nhất 15 ngày qua đường ngoại giao (mẫu thông báo nêu trong Phụ lục 5).

Nếu hoạt động bay nêu trên cần phải vào lãnh thổ của Bên kia, phải xin phép Bên kia đồng ý trước ít nhất 30 ngày qua đường ngoại giao (mẫu công hàm nêu trong Phụ lục 6). Bên kia cần trả lời đề nghị nêu trên chậm nhất trước khi bắt đầu bay 10 ngày, trường hợp không đồng ý thì hoạt động bay không được vào trong lãnh thổ của phía Bên kia.

Điều 21.

1. Sau khi Nghị định thư phân giới, cắm mốc có hiệu lực, trong phạm vi 30m về mỗi bên tính từ đường biên giới, hai Bên không được xây dựng mới các công trình vĩnh cữu.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với:

a. Đường tuần tra biên giới; hàng rào dây thép gai; thiết bị giám sát, khống chế và ngăn chặn.

b. Các công trình cửa khẩu;

c. Các công trình khác mà hai Bên bàn bạc, thỏa thuận.

3. Không được mở rộng các công trình đã có trong phạm vi nêu trên.

Chương 6.

QUA LẠI BIÊN GIỚI VÀ DUY TRÌ, BẢO VỆ TRẬT TỰ VÙNG BIÊN GIỚI

Điều 22.

1. Cư dân biên giới hai Bên có thể mang giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới đi vào hoạt động tại vùng biên giới của phía Bên kia thông qua các cửa khẩu hoặc đường qua lại biên giới được hai Bên thỏa thuận.

Cán bộ, công chức nhà nước công tác tại vùng biên giới được sử dụng giấy thông hành biên giới qua cửa khẩu hoặc đường qua lại sang vùng biên giới của Bên kia để trao đổi công vụ.

2. Giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước cấp, phải ghi rõ họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của người được cấp giấy, lý do xuất, nhập cảnh, cửa khẩu (đường qua lại) xuất, nhập cảnh, nơi đến, thời hạn có hiệu lực của giấy và dán ảnh của người mang giấy. Nếu người mang giấy thông hành biên giới có trẻ em chưa đủ 16 tuổi đi cùng, phải ghi rõ họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh và dán ảnh của trẻ em cùng đi trên giấy thông hành.

Giấy thông hành biên giới viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung (mẫu giấy thông hành nêu trong Phụ lục 7).

Trong trường hợp người mang giấy thông hành bị mất giấy thông hành trong lãnh thổ Bên kia, cần kịp thời báo cáo cho cơ quan chức năng của Bên kia. Cơ quan chức năng nước sở tại cần kịp thời làm các thủ tục để xác nhận việc mất giấy thông hành và tạo điều kiện cho người bị mất giấy thông hành nhanh chóng xuất cảnh.

Nếu một Bên thay đổi mẫu giấy thông hành cần thông qua đường ngoại giao thông báo mẫu giấy thông hành mới cho phía Bên kia.

3. Người của một Bên hoạt động trong lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Lợi ích chính đáng của họ khi hoạt động trong lãnh thổ của Bên kia cần được bảo vệ.

4. Khi ngành chủ quản của Bên này không cho nhập cảnh hoặc trục xuất người của Bên kia theo pháp luật của mình, phải thông báo cho ngành chủ quản của Bên kia biết lý do không cho nhập cảnh hoặc trục xuất. Ngành chủ quản của Bên kia cần phối hợp tích cực.

Điều 23.

Hai Bên sẽ mở cửa khẩu, đường qua lại biên giới để cho người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải xuất, nhập cảnh và sẽ ký Hiệp định riêng về việc mở và quản lý các cửa khẩu, đường qua lại biên giới.

Điều 24.

1. Vấn đề lưu trú của nhân viên phục vụ vận tải đường sắt và đường thủy của hai nước qua lại trong phạm vi giữa biên giới và ga biên giới, phạm vi thuộc hành lang đường sắt trong khu vực giữa các ga biên giới và trong phạm vi vận tải đường thủy đã khai thông và khu vực bến tàu thuyền được thực hiện theo các thỏa thuận liên quan của hai Bên hoặc ngành chủ quản hai Bên.

2. Vấn đề đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh của nhân viên xây dựng và quản lý công trình cắt qua đường biên giới, nhân viên đi vào vùng đặc biệt thuộc vùng biên giới và nhân viên công tác trong khu vực nêu trên của hai nước được xác định theo các thỏa thuận liên quan của hai Bên.

3. Phương tiện vận tải đường bộ của hai nước xuất, nhập cảnh qua biên giới, hoạt động trong vùng biên giới và khu thương mại, cặp chợ biên giới phải tuân thủ “Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, các quy định trong Nghị định thư của Hiệp định đó hoặc các thỏa thuận liên quan của ngành chủ quản giao thông hai Bên, đồng thời chịu sự giám sát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền khác.

Điều 25.

Khi trong vùng biên giới xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh hoặc thiên tai khác, nhân viên phòng cháy hoặc nhân viên cứu trợ của một Bên có thể nhận lời đề nghị của ngành chủ quản Bên kia tiến hành các hoạt động cứu trợ qua biên giới theo danh sách và giấy tờ tùy thân được ngành chủ quản hai Bên xác nhận. Địa điểm và thời gian cụ thể xuất, nhập cảnh của các nhân viên nói trên do ngành chủ quản hai Bên thỏa thuận.

Điều 26.

Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ an toàn về tính mạng hoặc sức khỏe của người, động vật, thực vật hoặc xuất phát từ các nguyên nhân an toàn, thiên tai hay tình trạng bất khả kháng …, mỗi Bên đều có thể tạm thời hạn chế hoặc cấm việc xuất, nhập cảnh đối với người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải của họ. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế nêu trên cần thông báo trước cho cơ quan chủ quản Trung ương và chính quyền địa phương biên giới của Bên kia.

Điều 27.

1. Hai Bên tăng cường hợp tác trong việc duy trì trật tự xuất, nhập cảnh và trật tự pháp luật tại vùng biên giới, cùng phòng chống và ngăn chặn các loại hoạt động phạm pháp qua biên giới như khủng bố; cướp; bắt cóc; buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ; mua bán, vận chuyển chất ma túy; sản xuất, buôn lậu, vận chuyển, lưu hành tiền giả; mua bán thuốc kích thích; buôn lậu, vận chuyển các vật phẩm cấm khác; buôn bán phụ nữ và trẻ em; xuất, nhập cảnh trái phép; cư trú bất hợp pháp và lao động bất hợp pháp …

2. Để thực hiện các quy định được nêu tại khoản 1 Điều này, ngành chủ quản hai Bên có thể ký các thỏa thuận liên quan, thiết lập quy chế liên hệ và cơ chế hợp tác.

Chương 7.

QUY CHẾ LIÊN HỆ VÀ HỢP TÁC KINH TẾ TẠI VÙNG BIÊN GIỚI

Điều 28.

1. Hai Bên sẽ thúc đẩy việc thiết lập quy chế liên hệ giữa các tỉnh biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tỉnh, khu biên giới của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

a. Liên hệ đối đẳng giữa chính quyền địa phương hai Bên là:

Tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu, tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

b. Chính quyền địa phương hai Bên tiến hành liên hệ theo phương thức hội đàm. Nội dung, thời gian và địa điểm hội đàm cần thông qua cơ quan ngoại vụ địa phương xác định. Thành quả hội đàm do đại diện của chính quyền địa phương hai Bên ký, thành hai bản, mỗi bản viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung, có giá trị pháp lý như nhau.

2. Chính quyền cấp huyện biên giới hai Bên có thể tiến hành liên hệ nghiệp vụ dưới sự chỉ đạo của chính quyền cấp tỉnh hoặc cơ quan được chính quyền cấp tỉnh ủy quyền.

3. Danh sách khu vực hành chính vùng biên giới hai nước nêu trong Phụ lục 8. Khi một Bên điều chỉnh địa giới hành chính, cần kịp thời thông báo cho Bên kia.

Điều 29.

Hai Bên sẽ thúc đẩy tiến hành trao đổi nghiệp vụ giữa các lực lượng: Bộ đội biên phòng, kiểm tra biên phòng, hải quan, kiểm nghiệm kiểm dịch, giao thông vận tải, thương mại cũng như các ngành quản lý biên giới khác.

Điều 30.

1. Hai Bên thúc đẩy triển khai mậu dịch biên giới và hợp tác du lịch ở vùng biên giới, khuyến khích hợp tác mậu dịch biên giới dưới nhiều hình thức, đồng thời có thể ký kết các thỏa thuận liên quan về vấn đề này.

2. Hai Bên căn cứ vào pháp luật của nước mình triển khai mậu dịch biên giới. Phương pháp cụ thể thực hiện mậu dịch biên giới do Chính phủ hai nước bàn bạc xác định theo pháp luật hiện hành của mỗi nước và các điều ước liên quan giữa hai Bên.

3. Hai Bên có thể mở các khu thương mại, cặp chợ biên giới (điểm, chợ thương mại biên giới) ở các xã (trấn) trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Địa điểm cụ thể của khu thương mại, cặp chợ biên giới (điểm, chợ thương mại biên giới) do chính quyền địa phương cấp tỉnh hai Bên thỏa thuận theo pháp luật hiện hành của hai nước. Việc kiểm tra, quản lý người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải xuất, nhập cảnh qua biên giới do ngành chủ quản hai Bên thỏa thuận theo pháp luật mỗi nước.

4. Hàng hóa thương mại xuất, nhập khẩu và phương tiện giao thông vận tải xuất – nhập cảnh của hai Bên phải phù hợp với quy định pháp luật của mỗi Bên về ngoại thương, hải quan, kiểm nghiệm kiểm dịch và các quy định của cơ quan kiểm tra, kiểm nghiệm khác.

5. Hai Bên tiến hành thu thuế và các lệ phí liên quan khác đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước.

6. Hai Bên căn cứ các quy định pháp luật của nước mình, nghiêm cấm xuất, nhập cảnh hàng cấm, vật phẩm cấm; đồng thời kiểm tra, ngăn chặn buôn lậu.

7. Hai Bên áp dụng các biện pháp cần thiết bảo vệ động, thực vật hoang dã quý hiếm, đồng thời nghiêm cấm buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã.

8. Ngành chủ quản hai Bên cần tăng cường hợp tác trong công tác phòng, chống, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; nếu cần thiết có thể thiết lập cơ chế liên hệ.

Chương 8.

XỬ LÝ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI

Điều 31.

Đại diện biên giới được thiết lập theo Điều 38 của Hiệp định này hoặc các ngành chủ quản của hai Bên tiến hành hợp tác phòng ngừa và phối hợp điều tra xử lý các sự kiện sau:

1. Phá hoại, dịch chuyển, đánh cắp mốc giới, vật đánh dấu đường biên giới hoặc các công trình biên giới khác;

2. Xây dựng công trình biên giới trên sông, suối trái với các quy định của Điều 11 Hiệp định này;

3. Nổ súng sang bên kia biên giới;

4. Gây nổ vi phạm quy định Điều 15 Hiệp định này;

5. Hành vi đứng từ một bên của đường biên giới hoặc vượt qua đường biên giới gây thương tích, giết hại hoặc hành vi gây nguy hại khác đối với công dân trong lãnh thổ Bên kia;

6. Người, gia súc, gia cầm và phương tiện giao thông vận tải (thiết bị bay, tàu thuyền, xe cộ) … vượt qua biên giới;

7. Hoạt động vượt qua biên giới chặt phá, trồng trọt, an táng, đánh bắt, săn bắn, hái lượm hoa quả, cây thuốc hoặc các hoạt động sản xuất khác;

8. Cư trú bất hợp pháp;

9. Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

10. Cướp giật, cướp bóc, lừa đảo, trộm cắp, phá hoại hoặc làm hư hỏng tài sản … trong lãnh thổ của phía Bên kia.

11. Bệnh truyền nhiễm ở người, bệnh truyền nhiễm ở động vật, bệnh ký sinh trùng ở động vật, các bệnh và côn trùng, cỏ dại mang tính nguy hiểm ở thực vật và những sinh vật có hại khác truyền qua biên giới.

12. Tổ chức, dụ dỗ công dân Bên kia xuất cảnh đánh bạc;

13. Hỏa hoạn, lũ lụt và các thiên tai khác lan tràn qua biên giới;

14. Buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em qua biên giới;

15. Buôn bán, vận chuyển, chế biến các chất ma túy, nguyên liệu và các chất pha chế ma túy, các chất gây mê và thuốc hướng thần … qua biên giới;

16. Buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, chất gây nổ và các nguyên liệu hạt nhân … qua biên giới;

17. Buôn bán, vận chuyển tiền giả qua biên giới;

18. Tổ chức, dụ dỗ và hoạt động mại dâm qua biên giới;

19. Bắt giữ trái phép, đánh đập, ngược đãi, tra tấn, ép cung hoặc các hành vi khác trực tiếp gây nguy hại cho công dân của phía Bên kia;

20. Các sự kiện biên giới khác.

Điều 32.

1. Đại diện biên giới hoặc các ngành chủ quản của hai Bên cần dùng tìm các biện pháp cần thiết phòng ngừa và ngăn chặn hành vi của người xuất, nhập cảnh trái phép và các hoạt động phạm pháp tại vùng biên giới.

2. Khi phát hiện dấu hiệu có người xuất, nhập cảnh tiến hành các hoạt động phạm pháp, Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của hai Bên cần kịp thời thông báo cho nhau để cùng tìm các biên pháp ngăn chặn.

3. Hiệp định này không áp dụng cho trường hợp người nước thứ ba và người không quốc tịch xuất, nhập cảnh trái phép. Hai Bên cần tăng cường hiệp thương và hợp tác, tránh xảy ra trường hợp người nước thứ ba và người không quốc tịch xuất, nhập cảnh trái phép.

Điều 33.

1. Đại diện biên giới hoặc các ngành chủ quản của hai Bên phải nhanh chóng cùng nhau tiến hành điều tra, xác định thân phận, sự thực và nguyên nhân vượt qua biên giới của người xuất, nhập cảnh trái phép trong lãnh thổ mỗi Bên; đồng thời trong vòng 7 ngày kể từ khi bắt giữ phải trao trả người xuất, nhập cảnh trái phép cho Bên kia xử lý. Trước khi trao trả cần thông báo trước cho Bên kia biết.

Nếu không thể trao trả hoặc tiếp nhận người xuất, nhập cảnh trái phép trong thời gian quy định, cần thông báo cho Bên kia tình hình liên quan đến người xuất, nhập cảnh trái phép và nguyên nhân không thể trao trả hoặc tiếp nhận đúng thời gian.

2. Nếu người xuất, nhập cảnh là công dân của Bên bắt giữ thì không phải trao trả.

3. Ngoài việc xuất, nhập cảnh trái phép, nếu người xuất, nhập cảnh trái phép còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lãnh thổ của Bên bắt giữ, ngành chủ quản của Bên bắt giữ căn cứ vào pháp luật nước mình tạm giữ những đối tượng này trong thời gian cần thiết để điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người đó. Đồng thời, Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của Bên bắt giữ cần thông báo cho Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của Bên kia về tình hình liên quan đến người xuất, nhập cảnh trái phép, hành vi vi phạm pháp luật, kết quả điều tra và các biện pháp xử lý.

Nếu người xuất, nhập cảnh trái phép có hành vi phạm tội nghiêm trọng hoặc liên quan đến nhiều người, hai Bên có thể căn cứ theo các quy định tại “Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 19 tháng 10 năm 1998 và các thỏa thuận có liên quan để triển khai hợp tác hỗ trợ tư pháp.

Bản lấy cung thừa nhận hành vi phạm tội của người xuất, nhập cảnh trái phép không thể dùng làm chứng cứ buộc tội duy nhất.

4. Khi trao trả người xuất, nhập cảnh trái phép, Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của Bên bắt giữ phải cung cấp cho Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của Bên tiếp nhận hồ sơ vi phạm; đồng thời bàn giao toàn bộ tài sản hợp pháp mang theo và phương tiện giao thông vận tải mà người đó sử dụng khi xuất, nhập cảnh trái phép.

Điều 34.

1. Ngành chủ quản hai Bên không được dùng hành động thô bạo và bất kỳ phương thức vô nhân đại nào đối xử với người xuất, nhập cảnh trái phép.

2. Không được phép sử dụng vũ khí đối với người xuất, nhập cảnh trái phép không trực tiếp uy hiếp tới an toàn tính mạng và thân thể của nhân viên biên giới hoặc những người khác.

Trước khi sử dụng vũ khí đối với người xuất, nhập cảnh trái phép, lực lượng biên phòng phải hô cảnh cáo rõ ràng về việc chuẩn bị sử dụng vũ khí và bắn cảnh cáo. Tuy nhiên, nếu không kịp cảnh cáo hoặc sau khi cảnh cáo có khả năng dẫn đến hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn thì có thể trực tiếp sử dụng vũ khí.

Việc nhân viên biên phòng sử dụng vũ khí đối với người xuất, nhập cảnh trái phép chỉ được coi là hành động bất đắc dĩ trong trường hợp sử dụng các biện pháp khác không hiệu quả; sử dụng vũ khí chỉ nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật.

Người xuất, nhập cảnh trái phép bị thương tật trong khi bị bắt, Bên bắt giữ cần cứu chữa kịp thời.

Điều 35.

1. Khi phát hiện ở gần biên giới có thi thể người không nhận dạng được, Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản hai Bên cần nhanh chóng thông báo cho nhau để cùng xác định thi thể đó là người của Bên nào; khi cần thiết có thể cùng tiến hành nhận dạng, hiệp thương giải quyết vấn đề trao trả hoặc biện pháp xử lý liên quan. Nếu quá 48 giờ mà Bên được thông báo không cử người đến hiện trường hoặc không có văn bản yêu cầu khác, Bên phát hiện sẽ tiến hành xử lý và lập biên bản một cách chi tiết theo quy định của pháp luật Bên mình.

Khi phát hiện ở gần biên giới có xác gia súc, gia cầm không nhận dạng được, Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản hai Bên tùy theo tình hình cần thông báo ngay cho nhau để hiệp thương xử lý.

2. Thi thể người, xác gia súc, gia cầm nêu tại khoản 1 Điều này cần phải được kiểm dịch và áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết khác.

Điều 36.

1. Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của hai Bên cần cùng nhau điều tra, xử lý vấn đề bồi thường dân sự do các sự kiện biên giới gây ra.

2. Cùng với việc xử lý các sự kiện biên giới, Đại diện biên giới hoặc ngành chủ quản của hai Bên còn phải giải quyết vấn đề trao trả tài sản bị thất lạc trong lãnh thổ Bên kia.

Điều 37.

1. Một Bên hoặc ngành chủ quản của một Bên sau khi xác nhận có thiết bị bay từ không phận Bên kia bay vượt qua biên giới trái phép vào không phận Bên mình, cần lập tức thông báo cho Bên kia hoặc ngành chủ quản Bên kia những thông tin cần thiết về số hiệu, thời gian vượt qua biên giới, địa điểm (ghi rõ tọa độ địa lý), độ cao và hướng bay (tuyến bay) của thiết bị bay nói trên.

Sau khi nhận được thông tin thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép, Bên có thiết bị bay vượt qua biên giới hoặc ngành chủ quản của Bên đó cần lập tức tiến hành xác minh sự thực; đồng thời thông báo nguyên nhân bay vượt qua biên giới trái phép cho Bên kia hoặc ngành chủ quản của Bên kia. Trong trường hợp sau khi xác minh mà không có thông tin của thiết bị bay này. Bên có thiết bị bay vượt qua biên giới hoặc ngành chủ quản của Bên đó phải thông báo cho Bên kia hoặc ngành chủ quản của Bên kia; đồng thời áp dụng các biện pháp tìm kiếm.

Hai Bên hoặc ngành chủ quản hai Bên có thể phối hợp cùng điều tra nguyên nhân thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép.

2. Trình tự trao đổi thông tin về thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép xử lý theo thỏa thuận liên quan của hai Bên hoặc ngành chủ quản hai Bên.

Chương 9.

ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI VÀ CHỨC NĂNG, QUYỀN HẠN TRÌNH TỰ CÔNG TÁC CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Điều 38.

1. Nhằm giải quyết vấn đề duy trì và bảo vệ quy chế quản lý biên giới, kịp thời xử lý các sự kiện biên giới mà Hiệp định này đề cập, hai Bên thiết lập Đại diện và Phó Đại diện biên giới tại các đoạn biên giới tương ứng.

Hai Bên thông báo cho nhau việc bổ nhiệm Đại diện và Phó Đại diện biên giới.

Đoạn quản lý của Đại diện biên giới nêu trong Phụ lục 9.

2. Đại diện biên giới hai Bên tiến hành công việc theo pháp luật mỗi nước, quy định của Hiệp định này và các điều ước song phương khác liên quan đến biên giới giữa hai Bên.

3. Khi Đại diện biên giới vắng mặt, phải ủy quyền cho một Phó Đại diện biên giới thực thi quyền hạn và trách nhiệm của Đại diện biên giới.

4. Để tạo thuận lợi cho công việc, Đại diện biên giới có thể bổ nhiệm trợ lý và những nhân viên công tác khác (thư ký, phiên dịch, chuyên gia, nhân viên liên lạc …).

Điều 39.

1. Đại diện, Phó Đại diện, Trợ lý Đại diện biên giới và các nhân viên công tác khác của một Bên khi thực thi công vụ liên quan đến Hiệp định này trong lãnh thổ Bên kia phải được đảm bảo an toàn thân thể, văn kiện công vụ và tài sản mang theo không bị xâm phạm. Bên kia cần cung cấp nơi làm việc, phương tiện giao thông và những hỗ trợ cần thiết khác.

2. Những người nêu tại khoản 1 của Điều này trong thời gian lưu trú trên lãnh thổ Bên kia phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Điều 40.

Để duy trì và bảo vệ quy chế quản lý biên giới, phòng tránh và xử lý các sự kiện biên giới, Đại diện biên giới hai Bên cần kịp thời trao đổi những thông tin sau:

1. Tình hình biên giới và vùng biên giới; những thay đổi đã xảy ra và có khả năng xảy ra.

2. Các biện pháp đã sử dụng nhằm thực hiện, duy trì Hiệp định quy chế quản lý biên giới và phòng ngừa các sự kiện biên giới.

3. Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép có khả năng xảy ra hoặc được chuẩn bị trước.

4. Tình hình của người xuất, nhập cảnh trái phép bị bắt trong lãnh thổ Bên mình.

5. Tình hình cư trú, canh tác và các hoạt động trái phép khác có liên quan trong vùng biên giới.

6. Các vấn đề quan trọng khác có liên quan đến thực hiện Hiệp định này.

Điều 41.

1. Đại diện và Phó Đại diện biên giới của hai Bên thông qua phương thức hội đàm để tiến hành công tác liên hợp. Hội đàm thông thường được tổ chức luân phiên trong lãnh thổ hai nước.

Kết quả mỗi lần hội đàm phải làm thành biên bản. Biên bản hội đàm làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung và do Đại diện biên giới hai Bên ký (đóng dấu). Biên bản hội đàm phản ánh quá trình hội đàm, quyết định được thông qua và thời hạn thực hiện quyết định.

Đại diện biên giới của hai Bên cũng có thể giải quyết vấn đề bằng cách trao đổi thư hoặc các phương thức khác.

2. Việc gặp gỡ của Trợ lý Đại diện biên giới chỉ có thể tiến hành theo sự ủy quyền của Đại diện biên giới. Kết quả hội đàm của Trợ lý Đại diện biên giới cần làm thành biên bản, sau khi được Đại diện biên giới hai Bên xác nhận mới có hiệu lực.

Điều 42.

1. Hội đàm của Đại diện biên giới diễn ra theo định kỳ hoặc theo kiến nghị của một Bên và cố gắng tổ chức vào thời gian Bên kiến nghị đề xuất. Đề nghị cần được nêu ra ít nhất 10 ngày trước khi bắt đầu hội đàm; bao gồm thời gian, địa điểm, nội dung hội đàm. Phía Bên kia cần trả lời trong vòng 07 ngày sau khi nhận được kiến nghị. Nếu không thể đáp ứng thời gian hội đàm như kiến nghị, cần đề xuất thời gian khác trong văn bản trả lời.

Việc gặp gỡ của Trợ lý Đại diện biên giới có thể tổ chức tùy theo nhu cầu thực tế. Sau khi Bên đề nghị đưa ra yêu cầu gặp gỡ, Bên được đề nghị cần có mặt đúng giờ.

2. Hội đàm do Đại diện biên giới một Bên đề nghị tổ chức, Đại diện biên giới Bên kia cần đích thân tham dự. Nếu có lý do chính đáng (bệnh tật, đi công tác, nghỉ phép …) không thể có mặt thì Phó Đại diện biên giới dự thay, nhưng phải thông báo trước cho Đại diện biên giới Bên kia.

Nếu không có lý do chính đáng thì Đại diện, Phó Đại diện, Trợ lý Đại diện biên giới đều không được từ chối hội đàm hoặc cuộc gặp gỡ đã được kiến nghị.

Điều 43.

1. Hội đàm hoặc gặp gỡ thông thường diễn ra vào ban ngày, trường hợp khẩn cấp có thể tổ chức vào ban đêm.

2. Hội đàm hoặc gặp gỡ do Đại diện, Phó Đại diện hoặc Trợ lý Đại diện biên giới của Bên tổ chức chủ trì.

3. Thời gian, địa điểm, nội dung thảo luận và nhân viên tham gia hội đàm hoặc gặp gỡ, biện pháp liên lạc … có thể thỏa thuận thông qua trao đổi thư. Khi cần thiết, qua thỏa thuận, hai Bên có thể thảo luận những vấn đề ngoài nội dung hội đàm.

Điều 44.

1. Để xử lý các sự kiện biên giới, thông qua hiệp thương trước, Đại diện, Phó Đại diện, Trợ lý Đại diện biên giới của hai Bên có thể tiến hành điều tra liên hợp tại thực địa. Trường hợp cần thiết, có thể đưa chuyên gia, người làm chứng và người bị hại đến hiện trường.

Kết quả điều tra cần làm thành ghi nhận chung hoặc các văn bản khác để làm phụ lục của biên bản liên quan. Đại diện biên giới thỏa thuận xác định mẫu của các văn bản này.

2. Trong quá trình điều tra liên hợp, nếu Đại diện biên giới của hai Bên có ý kiến khác nhau về nguyên nhân, quá trình và hậu quả của sự kiện biên giới đang điều tra, cần phản ánh trong biên bản hoặc các văn bản phụ lục liên quan.

Điều 45.

1. Đại diện biên giới hai Bên phải chấp hành các quyết định hai Bên đã đạt được về việc xử lý các sự kiện biên giới và kịp thời thông báo cho nhau các biện pháp đã áp dụng để thực hiện các quyết định này.

2. Nếu Đại diện biên giới hai Bên chưa đạt được ý kiến thống nhất về việc xử lý các sự kiện biên giới, phải báo cáo vấn đề này lên cấp trên hoặc giải quyết qua đường ngoại giao.

Điều 46.

1. Để thực hiện chức trách của mình, Đại diện, Phó Đại diện biên giới có thể cầm Thư ủy nhiệm được Hiệp định này quy định để đi qua biên giới (mẫu Thư ủy nhiệm nêu trong Phụ lục 10).

2. Trợ lý, thư ký, phiên dịch, nhân viên liên lạc của Đại diện biên giới có thể cầm thẻ do Đại diện biên giới cấp để đi qua biên giới (mẫu “Thẻ trợ lý, thư ký, phiên dịch, nhân viên liên lạc của Đại diện biên giới” nêu trong Phụ lục 11).

3. Chuyên gia và các nhân viên khác được yêu cầu đi làm rõ một vấn đề nào đó có thể cầm thẻ qua lại có giá trị một lần do Đại diện biên giới cấp để đi qua biên giới (mẫu “Thẻ qua lại biên giới Việt Nam – Trung Quốc có giá trị một lần” xem Phụ lục 12).

4. Những người được nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này chỉ được đi qua biên giới tại địa điểm đã được thỏa thuận trước; đồng thời thông báo cho Đại diện biên giới Bên kia về ngày, giờ cụ thể của mỗi lần đi qua biên giới trước ít nhất 24 giờ.

Điều 47.

1. Đại diện biên giới hai Bên trong phạm vi chức trách và quyền hạn được quy định trong Hiệp định này, cùng với đại diện ngành chủ quản biên giới và cơ quan hành chính vùng biên giới xác định kế hoạch hoạt động liên hợp hàng năm về duy trì và bảo vệ quy chế quản lý biên giới trong đoạn biên giới mình quản lý và triển khai thực hiện kế hoạch này.

2. Đại diện biên giới tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác giữa bộ đội biên phòng, kiểm tra biên phòng, hải quan, kiểm nghiệm kiểm dịch, giao thông vận tải, thương mại cũng như các ngành quản lý biên giới khác.

Điều 48.

Để thực thi Hiệp định này, mỗi Bên tự bảo đảm kinh phí liên quan trong lãnh thổ Bên mình. Kinh phí hội đàm hoặc gặp gỡ do Bên tổ chức bảo đảm.

Điều 49.

1. Việc trao đổi thư, tiếp nhận và bàn giao người xuất, nhập cảnh trái phép, gia súc, gia cầm, thi thể người, tài sản, xác động vật phải tiến hành tại địa điểm được Đại diện biên giới hai Bên thỏa thuận.

Phương thức liên lạc cụ thể do Đại diện biên giới hai Bên bàn bạc xác định.

2. Việc bàn giao người xuất, nhập cảnh trái phép và thi thể người do Đại diện, Phó đại diện hoặc Trợ lý Đại diện biên giới đích thân thực hiện. Những nhân viên công tác khác của hai Bên có thể bàn giao gia súc, gia cầm, tài sản và chuyển giao thư theo sự ủy thác của Đại diện biên giới.

3. Mẫu biên bản bàn giao thư của Đại diện biên giới và mẫu bàn giao người xuất, nhập cảnh trái phép, gia súc, gia cầm, thi thể người, tài sản được nêu trong các Phụ lục 13, Phụ lục 14, Phụ lục 15, Phụ lục 16Phụ lục 17 đính kèm Hiệp định.

Chương 10.

CƠ CHẾ THỰC HIỆN

Điều 50.

Để thực hiện Hiệp định này, hai Bên sẽ thành lập Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Ủy ban này sẽ triển khai công việc theo Điều lệ của Ủy ban nêu tại Phụ lục 18 của Hiệp định này và mỗi năm tổ chức họp toàn thể ít nhất 1 lần.

Chương 11.

CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 51.

Mọi bất đồng nảy sinh liên quan đến giải thích và thực hiện Hiệp định này hai Bên sẽ thông qua Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc thương lượng giải quyết.

Điều 52.

1. Hiệp định này có thể sửa đổi, bổ sung theo sự thỏa thuận của hai Bên.

Tất cả các Phụ lục của Hiệp định là bộ phận không thể tách rời của Hiệp định này.

2. Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc có thể sửa đổi hoặc bổ sung các Phụ lục 9, Phụ lục 13, Phụ lục 14, Phụ lục 15, Phụ lục 16Phụ lục 17 của Hiệp định này.

Điều 53.

Sau khi có hiệu lực, Hiệp định này sẽ thay thế “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 07 tháng 11 năm 1991.

Điều 54.

Hai Bên sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo cuối cùng.

Hiệp định này có giá trị trong thời gian 10 năm, nếu 06 tháng trước khi Hiệp định hết hạn, không Bên nào thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hiệu lực của Hiệp định cho phía Bên kia thì Hiệp định này sẽ tự động kéo dài thêm 10 năm và cứ tiếp tục như vậy.

Ký tại Bắc Kinh, ngày 18 tháng 11 năm 2009, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

ĐẠI DIỆN CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Hồ Xuân Sơn

ĐẠI DIỆN CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN
TRUNG HOA




Vũ Đại Vĩ

DANH SÁCH

CÁC PHỤ LỤC CỦA “HIỆP ĐỊNH VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA”

Phụ lục 1:

MẪU BIÊN BẢN SỬA CHỮA CỘT MỐC TẠI VỊ TRÍ CŨ SỐ …

Phụ lục 2:

MẪU BIÊN BẢN KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI CỘT MỐC TẠI VỊ TRÍ CŨ SỐ …

Phụ lục 3:

MẪU BIÊN BẢN GHI NHẬN CỘT MỐC SỐ … BỊ HƯ HỎNG, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT KHÔNG THỂ KHÔI PHỤC, XÂY DỰNG LẠI ĐÚNG VỊ TRÍ CŨ

Phụ lục 4:

MẪU BIÊN BẢN KHÔI PHỤC, XÂY DỰNG LẠI CỘT MỐC SỐ …. BỊ HƯ HỎNG, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT TẠI VỊ TRÍ MỚI

Phụ lục 5:

MẪU CÔNG HÀM THÔNG BÁO THIẾT BỊ BAY TIẾN HÀNH BAY TRONG PHẠM VI 25KM TÍNH TỪ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VỀ PHÍA BÊN MÌNH

Phụ lục 6:

MẪU CÔNG HÀM XIN PHÉP THIẾT BỊ BAY VƯỢT QUA BIÊN GIỚI VÀO LÃNH THỔ BÊN KIA

Phụ lục 7:

MẪU GIẤY THÔNG HÀNH XUẤT, NHẬP CẢNH VÙNG BIÊN GIỚI

Phụ lục 8:

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÙNG BIÊN GIỚI

Phụ lục 9:

ĐOẠN QUẢN LÝ CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Phụ lục 10:

MẪU THƯ ỦY NHIỆM CỦA ĐẠI DIỆN VÀ PHÓ ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Phụ lục 11:

MẪU THẺ TRỢ LÝ, THƯ KÝ, PHIÊN DỊCH, NHÂN VIÊN LIÊN LẠC CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Phụ lục 12:

MẪU THẺ QUA LẠI BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC CÓ GIÁ TRỊ MỘT LẦN

Phụ lục 13:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO THƯ CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Phụ lục 14:

MẪU BIÊN BẢN BẢN GIAO NGƯỜI XUẤT, NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Phụ lục 15:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO GIA SÚC (GIA CẦM) VƯỢT QUA ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Phụ lục 16:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO THI THỂ NGƯỜI

Phụ lục 17:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO TÀI SẢN

Phụ lục 18:

ĐIỀU LỆ CỦA ỦY BAN LIÊN HỢP BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Phụ lục 1

BIÊN BẢN

SỬA CHỮA CỘT MỐC TẠI VỊ TRÍ CŨ SỐ …

Căn cứ quy định tại Điều 5 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Được sự ủy quyền của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, ngày … tháng … năm …, chuyên gia hai Bên đã tiến hành sửa chữa cột mốc số … (Danh sách Nhóm chuyên gia xem Phụ lục kèm theo).

Cột mốc số … (mô tả tình hình sửa chữa).

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

CHUYÊN GIA PHÍA VIỆT NAM
(Ký, ghi rõ họ tên)

CHUYÊN GIA PHÍA TRUNG QUỐC
(Ký, ghi rõ họ tên)

Phụ lục 2

BIÊN BẢN

KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI CỘT MỐC TẠI VỊ TRÍ CŨ SỐ …

Căn cứ quy định tại Điều 5 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Được sự ủy quyền của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, ngày … tháng … năm …, chuyên gia hai Bên đã tiến hành khôi phục hoặc xây dựng lại cột mốc tại vị trí cũ số … (Danh sách Nhóm chuyên gia xem Phụ lục kèm theo).

Cột mốc số … (ghi rõ nguyên nhân khôi phục hoặc xây dựng lại cột mốc).

Cột mốc số … đã được khôi phục hoặc xây dựng lại đúng vị trí cũ theo quy định của văn kiện phân giới, cắm mốc hoặc văn kiện kiểm tra liên hợp ký ngày … tháng … năm....

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

CHUYÊN GIA PHÍA VIỆT NAM
(Ký, ghi rõ họ tên)

CHUYÊN GIA PHÍA TRUNG QUỐC
(Ký, ghi rõ họ tên)

Phụ lục 3

BIÊN BẢN GHI NHẬN

CỘT MỐC SỐ … BỊ HƯ HỎNG, BỊ HƯ HẠI, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT KHÔNG THỂ KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI ĐÚNG VỊ TRÍ CŨ

Căn cứ quy định tại Điều 5 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Được sự ủy quyền của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, ngày … tháng … năm …, chuyên gia hai Bên đã xác nhận cột mốc số … đã … (bị hư hỏng, bị hư hại, bị dịch chuyển hoặc bị mất) và không thể khôi phục hoặc xây dựng lại đúng vị trí cũ (theo quy định của văn kiện phân giới, cắm mốc hoặc văn kiện kiểm tra liên hợp ký ngày … tháng … năm …). (Danh sách Nhóm chuyên gia xem Phụ lục kèm theo).

Hai Bên đồng ý, mỗi Bên tự báo cáo lên Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc … (tình trạng và nguyên nhân không thể khôi phục hoặc xây dựng lại đúng vị trí cũ cột mốc này).

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

CHUYÊN GIA PHÍA VIỆT NAM
(Ký, ghi rõ họ tên)

CHUYÊN GIA PHÍA TRUNG QUỐC
(Ký, ghi rõ họ tên)

Phụ lục 4

BIÊN BẢN

XÂY DỰNG LẠI CỘT MỐC SỐ … BỊ HƯ HỎNG, BỊ HƯ HẠI, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT TẠI VỊ TRÍ MỚI

Căn cứ quy định tại Điều 5 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Được sự ủy quyền của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, ngày … tháng … năm …, chuyên gia hai Bên đã xây dựng lại cột mốc số … bị hư hỏng, bị hư hại, bị dịch chuyển hoặc bị mất tại vị trí mới. (Danh sách Nhóm chuyên gia xem Phụ lục kèm theo).

Bảng đăng ký mốc giới của mốc số … sau khi được xây dựng lại tại vị trí mới (Phụ lục đính kèm). Bảng đăng ký mốc giới này soạn thảo theo đúng quy định của văn kiện kiểm tra liên hợp và văn kiện phân giới, cắm mốc) ký ngày … tháng … năm …

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

CHUYÊN GIA PHÍA VIỆT NAM
(Ký, ghi rõ họ tên)

CHUYÊN GIA PHÍA TRUNG QUỐC
(Ký, ghi rõ họ tên)

Phụ lục 5

CÔNG HÀM

THÔNG BÁO THIẾT BỊ BAY TIẾN HÀNH BAY TRONG PHẠM VI 25KM TÍNH TỪ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VỀ PHÍA BÊN MÌNH

Số …

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước … (tên nước) xin trân trọng kính chào Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước … (tên nước); căn cứ quy định tại Điều 20 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm...., và trân trọng thông báo như sau:

I. Mục đích bay:

II. Các thông số bay:

1. Lịch bay, ngày, thời gian cụ thể bắt đầu và kết thúc bay:

2. Phạm vi bay, tọa độ địa lý điểm ra vào khu vực 25km và hướng bay:

3. Độ cao bay:

III. Các thông số của máy bay:

1. Người sở hữu:

2. Loại hình và số hiệu:

3. Màu sắc:

4. Tiêu chí nhận biết:

5. Số hiệu thân máy bay:

6. Mã liên lạc:

7. Có hoặc không lắp thiết bị rada:

IV. Các thông số của máy ảnh

1. Loại hình và số hiệu:

2. Tiêu cự:

Bộ Ngoại giao nước (Đại sứ quán) … (tên nước) một lần nữa gửi tới Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước ... (tên nước) lời chào trân trọng.

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước … (tên nước)
…., ngày … tháng … năm …

Phụ lục 6

CÔNG HÀM

XIN PHÉP CHO THIẾT BỊ BAY VƯỢT QUA BIÊN GIỚI

Số …

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước … (tên nước) xin trân trọng kính chào Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước … (tên nước); căn cứ quy định tại Điều 20 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm......., và trân trọng thông báo như sau:

I. Mục đích bay:

II. Các thông số bay:

1. Lịch bay; ngày, thời gian cụ thể bắt đầu, kết thúc bay:

2. Phạm vi bay, tọa độ địa lý điểm ra, vào khu vực 25km và hướng bay:

3. Độ cao bay:

4. Địa điểm dự kiến vượt qua biên giới trong quá trình bay (ghi rõ tọa độ, điểm dân cư hoặc sơ đồ tuyến bay).

5. Chiều sâu bay vào trong lãnh thổ phía Bên kia.

III. Các thông số của máy bay:

1. Người sở hữu:

2. Loại hình và số hiệu:

3. Màu sắc:

4. Tiêu chí nhận biết:

5. Số hiệu thân máy bay:

6. Mã liên lạc:

7. Có hoặc không lắp thiết bị rada:

IV. Các thông số của máy ảnh

1. Loại hình và số hiệu:

2. Tiêu cự:

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước … (tên nước) một lần nữa gửi tới Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước ... (tên nước) lời chào trân trọng.

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước … (tên nước)
…., ngày … tháng … năm …

Phụ lục 7

GIẤY THÔNG HÀNH

XUẤT, NHẬP CẢNH VÙNG BIÊN GIỚI

Bìa:

Quốc huy, tên nước

Trang 2:

Ảnh, chữ ký người mang thẻ, số hiệu thẻ

Trang 3:

Họ tên, giới tính, nghề nghiệp, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ

Trang 4:

Lý do xuất cảnh, nơi đến, cửa khẩu xuất cảnh, cửa khẩu nhập cảnh, ghi chú.

Trang 5:

Thẻ có giá trị từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

Cơ quan cấp thẻ ……..
(ký và đóng dấu)
Ngày … tháng … năm …………..

Trang 6 đến trang 28:

Chứng thực

Trang 29:

Những điều cần chú ý

Phụ lục 8

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÙNG BIÊN GIỚI

Căn cứ quy định tại Điều 28 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …, xác định danh sách các đơn vị hành chính vùng biên giới như sau:

I. Phía nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tỉnh Điện Biên: huyện Mường Nhé.

Tỉnh Lai Châu: các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ.

Tỉnh Lào Cai: thành phố Lào Cai; các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai.

Tỉnh Hà Giang: các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Tỉnh Cao Bằng: các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An.

Tỉnh Lạng Sơn: các huyện Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.

Tỉnh Quảng Ninh: thành phố Móng Cái; các huyện Bình Liêu, Hải Hà.

II. Phía nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Tỉnh Vân Nam: các huyện Giang Thành, Lộc Xuân, Kim Bình, Hà Khẩu, Mã Quan, Ma Li Pho, Phúc Ninh.

Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây: thành phố Bằng Tường, các huyện Nà Po, Tĩnh Tây, Đại Tân, Long Châu, Ninh Minh; khu Phòng Thành; thành phố Đông Hưng.

Phụ lục 9

ĐOẠN QUẢN LÝ

CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Căn cứ quy định tại Điều 38 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày tháng năm 2009, xác định đoạn quản lý của đại diện biên giới như sau:

1. Đoạn biên giới 01: từ mốc giao điểm ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc đến mốc 17.

2. Đoạn biên giới 02: từ mốc 17 đến mốc 85.

3. Đoạn biên giới 03: từ mốc 85 đến mốc 167.

4. Đoạn biên giới 04: từ mốc 167 đến mốc 498.

5. Đoạn biên giới 05: từ mốc 498 đến mốc 820.

6. Đoạn biên giới 06: từ mốc 820 đến mốc 962.

7. Đoạn biên giới 07: từ mốc 962 đến mốc 1300/4.

8. Đoạn biên giới 08: từ mốc 1300/4 đến điểm kết thúc của đường biên giới.

Phụ lục 10

THƯ ỦY NHIỆM

CỦA ĐẠI DIỆN VÀ PHÓ ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Bìa: Quốc huy, tên nước

Trang 1: Thư ủy nhiệm

Trang 2:

Trang 3: Ảnh, dấu, chữ ký người mang thư.

Trang 4: Chính phủ nước ……. căn cứ quy định tại Điều 46 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …., bổ nhiệm ông/bà ….. (họ tên) làm Đại diện (Phó đại diện) biên giới đoạn biên giới …. (tên đoạn) biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

Ông/bà … (họ tên) được trao quyền hoàn thành các nhiệm vụ quy định trong Hiệp định nêu trên, có quyền qua lại biên giới Việt Nam – Trung Quốc và có thể lưu lại vùng biên giới nước ….

Người bổ nhiệm
(Ký, ghi rõ họ tên)
(Đóng dấu)
Ngày … tháng … năm

Trang 5: Bản dịch của trang 4 sang ngôn ngữ đối ứng

Trang 6

Trang 7

Trang 8

Phụ lục 11

THẺ TRỢ LÝ, THƯ KÝ, PHIÊN DỊCH, NHÂN VIÊN LIÊN LẠC

CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Bìa: Quốc huy, tên nước

Trang 1: Thư ủy nhiệm

Trang 2:

Trang 3: Ảnh, dấu, chữ ký người mang thẻ.

Trang 4: Chính phủ nước ……. căn cứ quy định tại Điều 46 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …., bổ nhiệm ông/bà ….. (họ tên) giữ chức vụ (thư ký, trợ lý, phiên dịch, nhân viên liên lạc) của đại diện biên giới đoạn … (tên đoạn) biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

Ông/bà … (họ tên) có nhiệm vụ trợ giúp Đại diện biên giới hoàn thành các nhiệm vụ quy định trong Hiệp định nêu trên, có quyền qua lại biên giới Việt Nam – Trung Quốc và có thể lưu lại vùng biên giới nước ….

Đại diện biên giới
đoạn biên giới … biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc
(Ký, ghi rõ họ tên)
(Đóng dấu)
Ngày … tháng … năm

Trang 5: Bản dịch của trang 4 sang ngôn ngữ đối ứng

Trang 6

Trang 7

Trang 8

Phụ lục 12

THẺ QUA LẠI BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

CÓ GIÁ TRỊ MỘT LẦN

Bìa: Quốc huy, tên nước

Trang 1: Thẻ qua lại biên giới Việt Nam – Trung Quốc có giá trị một lần.

Trang 2: Căn cứ quy định tại Điều 46 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …., Ông/bà ….. (họ tên) … có quyền qua lại biên giới Việt Nam – Trung Quốc một lần tại đoạn biên giới … và có thể lưu lại vùng biên giới nước … từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

Đại diện biên giới
Đoạn biên giới … biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc
(Ký, ghi rõ họ tên)
(Đóng dấu)
Ngày … tháng … năm

Trang 3: Bản dịch của trang 2 sang ngôn ngữ đối ứng

Trang 4:

Phụ lục 13

BIÊN BẢN BÀN GIAO THƯ

CỦA ĐẠI DIỆN BIÊN GIỚI

Số ……..

Ngày …………..

Thời gian: …………

Địa điểm: ……………….

Căn cứ quy định tại điều 49 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Ông/bà … (họ tên, chức vụ) chuyển giao,

Ông/bà … (họ tên, chức vụ) tiếp nhận thư,

Đại diện biên giới Đoạn biên giới (số, tên nước) gửi Đại diện biên giới Đoạn biên giới (số, tên nước) biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

Hai bên kiểm tra, xác nhận thư được niêm phong nguyên vẹn.

Biên bản bàn giao này làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Người chuyển giao
(Ký và ghi rõ họ tên)

Người nhận
(Ký và ghi rõ họ tên)

Phụ lục 14

BIÊN BẢN

BÀN GIAO NGƯỜI XUẤT, NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Số ……..

Ngày …………..

Thời gian: …………

Địa điểm: ……………….

Căn cứ quy định tại điều 49 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Ông/bà … (họ tên, chức vụ, tên nước) chuyển giao,

Ông/bà … (họ tên, chức vụ, tên nước) tiếp nhận,

người xuất, nhập cảnh trái phép … (quốc tịch, họ tên, giới tính, nơi sinh, ngày … tháng … năm … sinh). Người này xuất, nhập cảnh trái phép vào hồi … giờ, ngày … tháng … năm … tại ……… (địa danh, số hiệu cột mốc gần kề) và bị ……… (ai) bắt vào hồi … giờ, ngày … tháng … năm … tại … (địa danh, số hiệu cột mốc gần kề). Nguyên nhân xuất, nhập cảnh trái phép là …….

Tài sản và phương tiện giao thông vận tải được bàn giao cùng người xuất, nhập cảnh trái phép gồm: … (tên gọi, số lượng, đặc điểm chính).

(Nếu chưa thể bàn giao phương tiện giao thông vận tải hoặc tài sản, cần ghi rõ lý do chưa bàn giao được).

Trong khi bàn giao … (ghi cụ thể những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Người chuyển giao
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Người tiếp nhận
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Phụ lục 15

BIÊN BẢN

BÀN GIAO GIA SÚC (GIA CẦM) VƯỢT QUA ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Số ……..

Ngày …………..

Thời gian: …………

Địa điểm: ……………….

Căn cứ quy định tại điều 49 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Ông/bà … (họ tên, chức vụ, tên nước) chuyển giao,

Ông/bà … (họ tên, chức vụ, tên nước) tiếp nhận,

gia súc (gia cầm) … (chủng loại, số lượng, và các đặc trưng khác) từ lãnh thổ nước … vượt qua biên giới vào hồi … giờ, ngày … tháng … năm … tại ………….. (thời gian, địa danh, số hiệu cột mốc gần kề).

Trong khi bàn giao (ghi rõ những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Người chuyển giao
(Ký và ghi rõ họ tên)

Người tiếp nhận
(Ký và ghi rõ họ tên)

Phụ lục 16

BIÊN BẢN

BÀN GIAO THI THỂ NGƯỜI

Số ……..

Ngày …………..

Thời gian: …………

Địa điểm: ……………….

Căn cứ quy định tại điều 51 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Ông/bà … (họ tên, chức vụ) chuyển giao,

Ông/bà … (họ tên, chức vụ) tiếp nhận,

thi thể (số lượng, họ tên, giới tính, các đặc điểm chính). Thi thể người nói trên được … (ai) phát hiện vào hồi …, giờ, ngày … tháng … năm … tại … (địa danh, số hiệu cột mốc gần kề). Hai Bên xác nhận, người này lúc sống là công dân nước … (quốc tịch), nguyên nhân tử vong có khả năng là …

Tài sản được bàn giao cùng thi thể gồm: ........ (tên gọi, số lượng, đặc điểm chính).

(Nếu chưa thể chuyển giao tài sản, cần ghi rõ lý do chưa chuyển giao được).

Trong khi bàn giao … (ghi rõ những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Người chuyển giao
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Người nhận
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Phụ lục 17

BIÊN BẢN BÀN GIAO TÀI SẢN

Số ……..

Ngày …………..

Thời gian: …………

Địa điểm: ……………….

Căn cứ quy định tại điều 49 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày … tháng … năm …;

Ông/bà … (họ tên, chức vụ, tên nước) chuyển giao,

Ông/bà … (họ tên, chức vụ, tên nước) tiếp nhận,

tài sản … (tên gọi, số lượng, các đặc điểm chính).

Tài sản trên được … (ai) phát hiện vào hồi … giờ, ngày … tháng … năm … tại … (địa danh, số hiệu cột mốc gần kề). Hai Bên xác nhận tài sản này thuộc sở hữu của nước … (tên nước).

Trong khi bàn giao … (ghi rõ những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản bàn giao này làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Người chuyển giao
(Ký và ghi rõ họ tên)

Người nhận
(Ký và ghi rõ họ tên)

Phụ lục 18

ĐIỀU LỆ

CỦA ỦY BAN LIÊN HỢP BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Căn cứ quy định tại Điều 50 của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (sau đây gọi tắt là Hiệp định) ký ngày 18 tháng 11 năm 2009, xác định Điều lệ của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Ủy ban) như sau:

CHƯƠNG I

THÀNH PHẦN CỦA ỦY BAN

1. Mỗi Bên căn cứ trình tự quy định pháp luật của nước mình bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban với cấp bậc tương ứng và các thành viên với số lượng nhất định. Tùy theo nhu cầu công việc, Ủy ban có thể thành lập Nhóm chuyên gia trực thuộc. Lần bổ nhiệm đầu tiên thực hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và thông báo cho nhau qua đường ngoại giao.

2. Tùy theo nhu cầu, Ủy ban có thể bổ nhiệm đại diện phụ trách từng công việc biên giới cụ thể.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN

Ủy ban triển khai công việc theo quy định của Hiệp định với những chức năng và nhiệm vụ như sau:

1. Các vấn đề sửa chữa, khôi phục, xây dựng lại tại vị trí cũ và xây dựng mốc giới tại vị trí mới.

2. Xác nhận, sửa chữa, xây dựng và duy trì, bảo vệ các vật đánh dấu đường biên giới.

3. Đánh giá, thẩm định và giám sát các công trình, dự án tại vùng nước biên giới.

4. Thẩm định, giám sát các công trình cắt qua đường biên giới.

5. Tiến hành sửa đổi hoặc bổ sung các Phụ lục 9, Phụ lục 13, Phụ lục 14, Phụ lục 15, Phụ lục 16, Phụ lục 17 của Hiệp định.

6. Giải quyết những bất đồng nảy sinh trong việc giải thích các điều khoản của Hiệp định trong quá trình thực hiện Hiệp định.

7. Nghiên cứu giải quyết các sự kiện biên giới mà Đại diện biên giới chưa giải quyết được.

8. Giám sát tình hình thực hiện Hiệp định.

9. Trao đổi và giải quyết các vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc duy trì, bảo vệ Hiệp định và quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

CHƯƠNG III

PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN

1. Ủy ban tiến hành công việc bằng phương thức họp toàn thể hoặc họp Chủ tịch. Kết quả công việc được ghi nhận trong biên bản, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, có hiệu lực như nhau; sau khi được Chủ tịch hai Bên trong Ủy ban ký sẽ bắt đầu có hiệu lực. Nếu Chủ tịch của một Bên không thể gặp mặt hoặc tham dự họp, cần ủy quyền cho một thành viên trong Ủy ban của Bên mình ký thay.

Ủy ban cần đưa ra quyết định bằng văn bản về việc xử lý các vấn đề nêu tại Chương 2 của Điều lệ này; quyết định nêu trên phải được hai Bên thực hiện.

2. Ủy ban có thể tiến hành công việc thông qua trao đổi thư hoặc bằng các hình thức khác do hai Bên thỏa thuận.

CHƯƠNG IV

CƠ CHẾ HỘI HỌP CỦA ỦY BAN

1. Các phiên họp của Ủy ban có các hình thức: Họp toàn thể, họp Chủ tịch và họp Nhóm chuyên gia.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban diễn ra 2 lần mỗi năm, luân phiên tổ chức trong lãnh thổ hai nước. Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban cần tiến hành trong vòng 1 năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Thời gian, địa điểm và lịch trình phiên họp thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Khi cần thiết, Chủ tịch của bất kỳ bên nào đều có thể đề nghị tổ chức phiên họp Chủ tịch.

Khi cần thiết, phiên họp toàn thể và phiên họp Chủ tịch có thể mời chuyên gia hai Bên tham gia. Việc tổ chức các phiên họp của Nhóm chuyên gia căn cứ vào nhu cầu công việc thực tế.

2. Phiên họp toàn thể, phiên họp Chủ tịch và phiên họp Nhóm chuyên gia do bên tổ chức phiên họp chủ trì.

3. Ủy ban tự xác lập chương trình nghị sự. Chương trình nghị sự này có hiệu lực sau khi được thông qua tại phiên họp toàn thể.

4. Ngôn ngữ làm việc của Ủy ban là tiếng Việt và tiếng Trung.

CHƯƠNG V

KINH PHÍ CỦA ỦY BAN

1. Hội trường họp và phương tiện giao thông phục vụ các phiên họp toàn thể, phiên họp chủ tịch, phiên họp Nhóm chuyên gia của Ủy ban do Bên tổ chức phiên họp thu xếp, các kinh phí khác hai Bên tự đảm bảo.

2. Các kinh phí phát sinh khác của Ủy ban do hội nghị toàn thể hoặc phiên họp Chủ tịch kiến nghị, sau khi được Chính phủ hai nước phê duyệt sẽ thực hiện.

FOR THE GOVERNMENT OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM




Ho Xuan Son

FOR THE GOVERNMENT OF THE PEOPLE'S REPUBLIC OF CHINA




Vu Dai Vi

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Agreement on Vietnam - China land border management regulations between The Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of the People’s Republic of China

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.036

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.54.254
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!