TỔNG
CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
44-TT/3A
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1966
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG TẠI CHỖ CHO
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
- Các Cơ quan, đòan thể trung ương
- Các Ủy ban hành chính, khu, thành, tỉnh,
- Các Liên hiệp công đòan và công đòan ngành dọc trung ương.
|
Thi hành Chỉ thị số 135-CP ngày 20-07-1966 của Hội
đồng Chính phủ về việc tăng cường giữ gìn sức khỏe cho công nhân, viên chức, Tổng
công đoàn Việt Nam giải thích và hướng dẫn thi hành chế độ bồi dưỡng tại chỗ
như sau.
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI
HÀNH
Nói chung là tất cả công nhân,
viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường Nhà nước, kể
cả các xí nghiệp công tư hợp doanh đã thống nhất chế độ tiền lương và xí nghiệp
địa phương đã thi hành điều lệ bảo hiểm xã hội, đều là đối tượng thi hành chế độ
bồi dưỡng tại chỗ. Nhưng vì khả năng có hạn nên trong khi thi hành những
công nhân viên chức làm việc trong những điều kiện sau đây được ưu tiên xét để
hưởng chế độ này.
a) Là những người giữ những nhiệm
vụ chủ chốt trong công tác, trong dây chuyền sản xuất, mà do làm việc quá sức
trong những điều kiện khẩn trương căng thẳng, nên mất ăn, mất ngủ, sức khỏe bị
giảm sút;
b) Hoặc là những người làm việc ở
những nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe, mà sức khỏe đã bắt đầu giảm sút.
Ngoài ra những công nhân, viên
chức tuy không làm việc trong những điều kiện nói trên (a,b), nhưng đột xuất vì
yêu cầu của sản xuất, chiến đấu, làm việc quá căng thẳng sau đó sức khỏe bị giảm
sút, nếu xét cần phải bồi dưỡng thì cũng được hưởng chế độ này.
Những người do bệnh tật, ốm đau
mà sức khỏe giảm sút không áp dụng chế độ bồi dưỡng tại chỗ, nếu cần sẽ áp dụng
chế độ điều trị, điều dưỡng, bồi dưỡng theo chế độ chữa bệnh hiện hành.
Những nghề được coi là nặng nhọc,
có hại sức khỏe là:
a) Những nghề tiêu chuẩn gạo ăn
hàng tháng được cấp từ 19 kg trở lên;
b) Những nghề được hưởng chế độ
bồi dưỡng bằng hiện vật theo Thông tư số 2-TTg ngày 09-01-1963 của Thủ tướng
Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động.
Việc xét cho công nhân, viên chức
được bồi dưỡng sẽ tiến hành thường xuyên, kịp thời sau mỗi đợt sản xuất, công
tác, chiến đấu khẩn trương, căng thẳng.
Riêng đối với những người làm việc
ở những nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe thì không nhất thiết phải qua những đợt
sản xuất, chiến đấu khẩn trương, căng thẳng mới được xét, cứ khi nào sức khỏe
giảm sút nhiều thì được xét để bồi dưỡng.
Hiện nay việc xác định tình hình
sức khỏe bị giảm sút nhiều, ít của từng người chưa thể có tiêu chuẩn cụ thể,
cho nên phải căn cứ vào điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt và kết quả của
các đợt kiểm tra sức khỏe để quyết định. Do đó, chuyên môn, và công đoàn cơ sở
phải phối hợp chặt chẽ, dựa vào tổ sản xuất, tổ công tác để nhận xét, giải quyết
cho thỏa đáng, vừa đảm bảo được nội dung chính sách, vừa bảo đảm được đoàn kết
nội bộ công nhân, viên chức. Khi xét, cần quán triệt tinh thần chỉ thị của Hội
đồng Chính phủ là phục vụ được những yêu cầu ấưc thiết nhất của sản xuất, công
tác, tránh tư tưởng suy bì, bình quân và cách làm tràn lan, không đúng đối tượng.
Theo chỉ thị của Hội đồng Chính
phủ, việc xét và quyết định bồi dưỡng tại chỗ cho công nhân, viên chức do tổ chức
y tế cơ sở đề nghị, thủ trưởng và công đoàn cơ sở đồng ý. Như khi tiến hành giữa
y tế, thủ trưởng và công đoàn phải có kế hoạch cụ thể nhất trí với nhau để giải
quyết cho tốt. Nếu có trường hợp chưa nhất trí thì phải xin ý kiến của Đảng ủy
cơ sở, tránh gây dư luận không tốt trong quần chúng.
II. MỨC BỒI DƯỠNG, THỜI GIAN
BỒI DƯỠNG
Mức bồi dưỡng mỗi ngày 0đ80
trong thời gian 07 ngày, 10 ngày, 15 ngày tùy theo tình hình sức khỏe của từng
người, nhưng người được bồi dưỡng nhiều nhất trong năm không quá hai lần. Trong
thời gian đó, nói chung, người công nhân, viên chức vẫn tiếp tục làm việc.
Riêng đối với một số người nếu xét thấy cần thiết thì có thể nghỉ việc. Những
ngày nghỉ này sẽ trừ vào ngày nghỉ hàng năm hoặc ngày nghỉ bù. Trường hợp đặc
biệt có thể cho nghỉ thêm.
Việc cho công nhân, viên chức
nghỉ thêm, ngoài số ngày nghỉ hàng năm cần phải cân nhắc thận trọng để khỏi ảnh
hưởng đến kế hoạch sản xuất và công tác. Vì vậy, sẽ giải quyết theo hướng sau
đây:
- Đối với những người do hoàn cảnh
công tác được nghỉ bù chủ nhật thì số ngày nghỉ việc để bồi dưỡng sẽ trừ vào những
ngày nghỉ bù chủ nhật;
- Những người được nghỉ bồi dưỡng
ngoài số ngày nghỉ hàng năm và số ngày nghỉ bù chủ nhật, phải là những người có
thành tích trong sản xuất và công tác, họ đã hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức
kế hoạch sản xuất, công tác của cá nhân trong quý, năm; những người giữ những
nhiệm vụ chủ chốt trong công tác, trong dây chuyền sản xuất do làm việc quá sức
trên sức khỏe bị giảm sút, xét cần thiết phải cho nghỉ, bồi dưỡng trong một thời
gian nhất định, sức khỏe họ phục hồi nhanh sẽ có lợi nhiều cho sản xuất và công
tác nhiều hơn.
Trong những ngày nghỉ việc này, công
nhân, viên chức được trả đủ lương (do quỹ lương đài thọ).
III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ
KINH PHÍ BỒI DƯỠNG
1. Hình thức tổ chức
Những nơi có điều kiện, dựa vào
những cơ sở sẵn có như bệnh xá, trạm xá, nhà điều dưỡng... sẽ tổ chức theo quy
mô nhỏ cho công nhân, viên chức ăn, nghỉ tại chỗ; nơi không có điều kiện như
trên thì dựa vào nhà ăn tập thể hoặc căng-tin để tổ chức cho công nhân, viên chức
ăn tại chỗ (không phát thực phẩm cho cá nhân mang về nhà).
Về bữa ăn, tùy theo hoàn cảnh từng
nơi, tổ chức bồi dưỡng cho công nhân, viên chức cùng với hai bữa ăn chính trong
ngày hoặc các bữa ăn sáng, trưa, tối.
Về vấn đề thực phẩm bồi dưỡng, Hội
đồng Chính phủ đã quy định “cơ quan thương nghiệp địa phương cần cố gắng cung cấp
thực phẩm cho những người được bồi dưỡng; xí nghiệp, công trường cần trích một
phần thích đáng kết quả tăng gia sản xuất (nếu có) để bảo đảm mức ăn tương đối
đủ cả về lượng và chất”.
Để thực hiện quy định trên, các
Liên hiệp công đoàn địa phương có nhiệm vụ tập hợp yêu cầu về thực phẩm bồi dưỡng
của các cơ sở của địa phương và các cơ sở do các cơ quan trung ương quản lý
đóng tại địa phương để làm dự trụ tổng quát với cơ quan thương nghiệp sở tại
theo cách thức sau đây:
- Khi các Bộ, các cơ quan chủ quản
ở trung ương phân phối kinh phí bồi dưỡng cho cơ sở trực thuộc thì các cơ sở đó
phải đến đăng ký với Liên hiệp công đoàn sở tại về số tiền bồi dưỡng và số
lương thực phẩm yêu cầu.
- Các Liên hiệp công đoàn tập hợp
yêu cầu của các cơ sở do trung ương quản lý cộng với tiền bồi dưỡng và số lượng
thực phẩm theo yêu cầu của các cơ sở thuộc địa phương quản lý để lập dự trù với
cơ quan thưong nghiệp sở tại. Cố gắng bảo đảm cung cấp thịt, đường, sữa bằng
2/3 số tiền bồi dưỡng nhưng chủ yếu là thịt; còn lại 1/3 số tiền bồi dưỡng sẽ
cung cấp bằng thực phẩm phụ: tôm, gà, cá, trứng và nước ngọt v.v…
Cách cung cấp thực phẩm bồi dưỡng
cho cơ sở do cơ quan thương nghiệp địa phương thảo luận với Liên hiệp công đoàn
để quy định thủ tục thích hợp với hoàn cảnh từng địa phương. Nếu có khó khăn mắc
mứu về nghiệp vụ, yêu cầu cơ quan thương nghiệp địa phương phản ảnh, thỉnh thị
trực tiếp với Bộ chủ quản giải quyết.
Những nơi tăng gia, chăn nuôi được
thực phẩm sẽ trích một phần thích đáng để cải thiện thêm bữa ăn cho những người
được bồi dưỡng tại chỗ. Các cấp công đoàn cùng với thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp
giải thích cho công nhân, viên chức về điểm này để tránh sự suy bì, thắc mắc
trong công nhân, viên chức.
2. Kinh phí bồi dưỡng.
a) Nguồn kinh phí thuộc quỹ bảo
hiểm xã hội.
Hàng năm, tổng công đoàn sẽ lấy
một phần trong quỹ bảo hiểm xã hội (trước đây chỉ về tổ chức nghỉ mát) phân phối
cho các Bộ và một số cơ quan ở trung ương để các Bộ và một số cơ quan ở trung
ương để các Bộ, các cơ quan phân phối lại cho các cơ sở trực thuộc. Đối với một
số cơ quan khac ở trung ương, Tổng công đoàn sẽ phân phối kinh phí qua Liên hiệp
công đoàn các cơ quan trung ương.
Đối với các địa phương, để thống
nhất việc quản lý nguồn kinh phí này vào một mối thuộc quỹ bảo hiểm xã hội và
các Liên hiệp công đoàn đang phụ trách, Tổng công đoàn sẽ phân phối trực tiếp
khoản kinh phí này cho các Liên hiệp công đoàn và các Liên hiệp công đoàn cùng
với Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh sở tại có kế hoạch cụ thể phân phối lại
cho các cơ sở trực thuộc.
Cách phân phối khoản kinh phí
này dựa theo những nguyên tắc sau đây:
- Ngành giao thông vận tải, các
ngành nghề nặng nhọc và độc hại, các ngành trực tiếp phục vụ chiến đấu, các
vùng chiến đấu ác liệu được phân phối nhiều hơn các ngành và địa phương khác;
- Ngành và cơ sở có nhiều quỹ xí
nghiệp được chiếu cố thỏa đáng (kinh phí bảo hiểm xã hội phân phối có ít hơn,
nhưng bảo đảm số lần người được bồi dưỡng sẽ nhiều hơn các ngành và cơ sở có ít
hoặc không có quỹ xí nghiệp);
- Ngành và cơ sở nào, số công
nhân, viên chức ít, sẽ được giải quyết thỏa đáng từng trường hợp.
b) Nguồn kinh phí thuộc quỹ
xí nghiệp.
Các Bộ, các cơ quan chủ quản xí
nghiệp (kể cả Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh) sẽ huy động tập trung từ 10 đến
15% số tiền chi về phúc lợi tập thể thuộc quỹ xí nghiệp của các xí nghiệp trực thuộc.
Số tiền này bổ sung cho việc bồi dưỡng tại chỗ cho công nhân, viên chức. Cụ thể
là:
- Ở trung ương, các Bộ, các cơ
quan chủ quản xí nghiệp, khi xét duyệt quỹ xí nghiệp trong năm kế hoạch cho các
xí nghiệp trực thuộc, sẽ huy động tập trung luôn quỹ xí nghiệp theo tỷ lệ quy định
trên và cộng với số tiền do Tổng công đoàn phân phối để sử dụng chung trong
toàn ngành. Ở các địa phương, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cũng được tiến
hành như trên, nhưng số tiền huy động tập trung được sẽ chuyển thẳng đến Liên
hiệp công đoàn và Liên hiệp công đoàn sẽ cùng với Ủy ban hành chính vạch kế hoạch
phân phối cho cơ sở thuộc địa phương mình.
Tổng công đoàn sẽ có văn bản hướng
dẫn cụ thể về việc cấp kinh phí và chế độ thanh, quyết toán.
IV. VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC
HIỆN
Căn cứ vào quy định hiện hành về
nhiệm vụ, chức năng của chuyên môn, công đoàn, Tổng công đoàn hướng dẫn việc tổ
chức chỉ đạo thực hiện chế độ bồi dưỡng tại chỗ cho công nhân, viên chức như
sau:
1. Đối với các cơ quan Nhà nước.
Ở trung ương và địa phương, đề
nghị các Bộ, các cơ quan chủ quản và Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh căn cứ
vào chức năng nhiệm vụ đã được Hội đồng Chính phủ quy định để tiến hành hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành chế độ bồi dưỡng này tại các cơ sở trực thuộc.
Ở cơ sở, thủ trưởng các cơ quan,
xí nghiệp sử dụng bộ máy chuyên môn giúp việc để tổ chức việc bồi dưỡng tại chỗ
cho công nhân, viên chức theo đúng mục đích, yêu cầu của chế độ và cùng với
công đoàn cơ sở tổ chức phổ biến chế độ trong công nhân, viên chức; thường
xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ thừa hành thực hiện tốt chế độ này.
2. Đối với các cấp công đoàn.
Các Liên hiệp công đoàn, công
đoàn ngành dọc và công đoàn trực thuộc Tổng công đoàn căn cứ vào phạm vi trách
nhiệm, phối hợp với các ngành có liên quan, tham gia, giám sát việc thi hành chế
độ bồi dưỡng tại chỗ cho công nhân, viên chức.
Các Liên hiệp công đoàn được Tổng
công đoàn và Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, phân phối
kinh phí bồi dưỡng tại chỗ cho công nhân, viên chức thì ngoài nhiệm vụ, chức
năng tham gia, giám sát trên, cò có nhiệm vụ như một cơ quan Nhà nước ở địa
phương trong việc quản lý, tổ chức thực hiện chế độ này.
Các công đoàn cơ sở, ngoài chức
năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn như trên, còn được Nhà nước giao nhiệm vụ
cùng với thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp xét và quyết định cho công nhân, viên chức
được bồi dưỡng và tổ chức thực hiện chế độ này tại cơ sở.
Vì vậy, Tổng công đoàn quy định,
trưởng hoặc phó ban bảo hiểm xã hội của cơ quan xí nghiệp cùng với thủ trưởng
trực tiếp phụ trách công tác này. Khi cần sẽ sử dụng những cán bộ trong ban bảo
hiểm xã hội cùng với cán bộ giúp việc thủ trưởng để tiến hành tổ chức, hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện trong cơ sở mình. Tham gia ý kiến với thủ trưởng trong
việc sơ kết, tổng kết việc chấp hành chế độ đối với cấp trên.
Trong hoàn cảnh cả nước có chiến
tranh, đời sống và sinh hoạt của toàn dân còn có nhiều khó khăn, nhưng Đảng,
Chính phủ đã quan tâm giữ gìn sức khỏe lâu dài cho công nhân, viên chức để đề
phòng bệnh tật, ốm đau có thể xảy ra, đó là nguồn động viên thiết thực đối với
giai cấp công nhân để hăng hái thi đua đẩy mạnh sản xuất, công tác, đánh thắng
đế quốc Mỹ xâm lược. Yêu cầu các ngành, các cấp (nhất là cơ sở) cần coi trọng
việc chỉ đạo thực hiện. Trước hết cần coi trọng công tác tư tưởng làm cho mọi
người thấy rõ ý nghĩa của vấn đề. Trên cơ sở đó mà tránh những tư tưởng như tắc
trách, ngại khó trong cán bộ và tư tưởng suy bì trong công nhân, viên chức.
Qua thực hiện, có gì mắc mứu đề
nghị các ngành, các cấp phản ánh kịp thời để Tổng công đoàn nghiên cứu giải quyết.
|
T.M. CHỦ TỊCH ĐOÀN
TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT
NAM
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Công Hòa
|