BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2020/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
01 tháng 10 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH
NGHỀ NGHIỆP, BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG
CAO ĐẲNG SƯ PHẠM CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm
2014;
Căn cứ Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số
69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo
dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp,
bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư
phạm công lập.
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định
mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức
giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập, các trường cao đẳng công
lập có nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý
nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là trường cao đẳng sư phạm).
2. Thông tư này áp dụng
đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, viên chức các
trường cao đẳng công lập giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng
và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều
2. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp
Chức danh nghề nghiệp
viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm bao gồm:
1. Giảng viên cao đẳng
sư phạm cao cấp (hạng I) - Mã số: V.07.08.20
2. Giảng viên cao đẳng
sư phạm chính (hạng II) - Mã số: V.07.08.21
3. Giảng viên cao đẳng
sư phạm (hạng III) - Mã số: V.07.08.22
Điều
3. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
1. Tâm huyết với nghề,
giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, tôn trọng
và hợp tác với đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái,
bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, sinh viên, học viên (sau đây gọi
chung là người học); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học,
đồng nghiệp và cộng đồng.
2. Tận tụy với công việc;
thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục và các quy định
pháp luật của ngành.
3. Công bằng trong giảng
dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết
kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
4. Các tiêu chuẩn đạo
đức nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
Chương
II
TIÊU CHUẨN
CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều
4. Giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) - Mã số: V.07.08.22
1. Nhiệm vụ:
a) Giảng dạy; hướng dẫn
người học làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có);
b) Giáo dục phẩm chất
đạo đức nghề nghiệp và tác phong làm việc cho người học thông qua quá trình giảng
dạy. Đánh giá kết quả học tập, kết quả tốt nghiệp của người học;
c) Tham gia xây dựng,
phát triển chương trình đào tạo của chuyên ngành; đổi mới phương pháp giảng dạy
và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;
d) Tham gia công tác
chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm và thực
tập;
đ) Học tập, bồi dưỡng
nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng
dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu
khoa học;
e) Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực
hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và
quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tiêu chuẩn về trình
độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng đại học trở
lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng
nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại
học sư phạm kỹ thuật);
c)
Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng
sư phạm (hạng III).
3. Tiêu chuẩn về năng
lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững kiến thức
cơ bản của môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số
môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;
b) Hiểu và thực hiện
đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc
chuyên ngành đào tạo;
c) Sử dụng có hiệu quả
và an toàn các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học;
d) Có khả năng nghiên
cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy, sản
xuất và đời sống;
đ) Có khả năng ứng dụng
công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức
danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III).
Điều
5. Giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) - Mã số: V.07.08.21
1. Nhiệm vụ:
a) Giảng dạy; hướng dẫn
người học làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có);
b) Giáo dục phẩm chất
đạo đức nghề nghiệp và tác phong làm việc cho người học thông qua quá trình giảng
dạy. Đánh giá kết quả học tập, kết quả tốt nghiệp của người học. Tổ chức hướng
dẫn người học nghiên cứu khoa học; hướng dẫn người học phương pháp học tập,
nghiên cứu có hiệu quả; phát hiện năng lực sở trường của người học để tổ chức
đào tạo, bồi dưỡng tài năng;
c) Chủ trì hoặc tham
gia biên soạn, thẩm định chương trình; chủ động cập nhật thường xuyên những
thành tựu khoa học vào việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo; đổi mới
phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện
của người học;
d) Tham gia bồi dưỡng,
phát triển đội ngũ giảng viên cao đẳng sư phạm theo yêu cầu phát triển chuyên
môn, nghiệp vụ; chủ trì hoặc tham gia tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp
vụ trong bộ môn, khoa, cơ sở giáo dục;
đ) Tham gia công tác
chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm và thực
tập;
e) Tham gia biên soạn
giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, biên dịch sách và
giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi chung là sách phục
vụ đào tạo);
g) Học tập, bồi dưỡng
nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng
dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu
khoa học;
h) Tham gia công tác
quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ
chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và quy định khác của pháp luật có liên
quan.
2.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng thạc sĩ trở
lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành và chuyên ngành giảng dạy;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng
nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại
học sư phạm kỹ thuật);
c)
Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng
sư phạm chính (hạng II).
3. Tiêu chuẩn về năng
lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Có kiến thức chuyên
sâu về các môn học, ngành học được phân công giảng dạy; có kiến thức về môn học,
ngành học liên quan; có hiểu biết sâu rộng về thực tiễn nghề nghiệp;
b) Nắm vững thực tế và
xu thế phát triển của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của chuyên ngành; vận
dụng thành thạo các kỹ năng, phương pháp sư phạm vào giảng dạy; có khả năng
đánh giá, tổng kết các kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy để phổ biến, áp dụng
trong cơ sở giáo dục;
c) Chủ trì thực hiện
ít nhất 01 (một) nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã
nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
d) Chủ trì hoặc tham
gia biên soạn ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo, được hội đồng khoa học (do
Thủ trưởng cơ sở giáo dục hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập) thẩm định,
nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ trung cấp trở
lên phù hợp với chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo của giảng viên cao đẳng sư
phạm và có mã số chuẩn quốc tế ISBN;
đ) Tác giả của ít nhất
02 (hai) bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên cao
đẳng sư phạm đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN;
e) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại
ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm
chính (hạng II);
g)
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm
chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng
III) hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm đối với người có bằng đại học,
đủ 06 (sáu) năm đối với người có bằng thạc sĩ; trong đó phải có ít nhất 01 năm
(đủ 12 tháng) giữ chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) tính đến
ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều
6. Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) - Mã số: V.07.08.20
1. Nhiệm vụ:
a) Giảng dạy; hướng dẫn
người học làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có);
b) Giáo dục phẩm chất
đạo đức nghề nghiệp và tác phong làm việc cho người học thông qua quá trình giảng
dạy. Đánh giá kết quả học tập, kết quả tốt nghiệp của người học. Tổ chức hướng
dẫn người học nghiên cứu khoa học; hướng dẫn người học phương pháp học tập,
nghiên cứu có hiệu quả; phát hiện năng lực sở trường của người học để tổ chức
đào tạo, bồi dưỡng tài năng;
c) Chủ trì xây dựng,
phát triển chương trình đào tạo của chuyên ngành; đề xuất phương hướng, biện
pháp phát triển của ngành hoặc chuyên ngành. Chủ động cập nhật thường xuyên những
thành tựu khoa học vào việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo; đổi mới
phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện
của người học;
d) Chủ trì hoặc tham
gia biên soạn hoặc thẩm định chương trình, sách phục vụ đào tạo;
đ) Chủ trì hoặc tham
gia thực hiện chương trình khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học; định hướng
nghiên cứu khoa học cho tổ, nhóm chuyên môn; tổ chức hoạt động tư vấn khoa học,
công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng và an
ninh; viết các báo cáo khoa học, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục trong và
ngoài nước;
e) Chủ trì hoặc tham gia bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng
viên cao đẳng sư phạm theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; chủ trì tổ
chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong bộ môn, khoa, cơ sở giáo dục;
g) Học tập, bồi dưỡng
nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng
dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu
khoa học;
h) Tham gia công tác
quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ
chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và quy định khác của pháp luật có liên
quan.
2.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tiến sĩ phù
hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng
nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại
học sư phạm kỹ thuật);
c)
Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng
sư phạm cao cấp (hạng I).
3. Tiêu chuẩn về năng
lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Có kiến thức chuyên
sâu về các môn học, ngành học được phân công giảng dạy; có kiến thức về môn học,
ngành học liên quan; có hiểu biết sâu rộng về thực tiễn nghề nghiệp, về những
tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của ngành, nghề được phân công giảng dạy;
b) Nắm vững thực tiễn
và xu thế phát triển của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của chuyên
ngành; vận dụng thành thạo các kỹ năng, phương pháp sư phạm vào giảng dạy; có
khả năng đánh giá, tổng kết các kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy để phổ biến,
áp dụng trong cơ sở giáo dục;
c) Chủ trì thực hiện
ít nhất 02 (hai) nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc 01 (một) nhiệm vụ
khoa học và công nghệ cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở
lên;
d) Chủ trì biên soạn
ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo, được hội đồng khoa học (do Thủ trưởng cơ
sở giáo dục hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập) thẩm định, nghiệm thu
và đưa vào sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ trung cấp trở lên phù hợp
với chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo của giảng viên cao đẳng sư phạm và có
mã số chuẩn quốc tế ISBN;
đ) Tác giả của ít nhất
04 (bốn) bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên cao
đẳng sư phạm đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN;
e) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại
ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm cao
cấp (hạng I);
g)
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm
cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm
chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu đủ 06 (sáu) năm, trong đó phải có ít
nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng
II) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Chương
III
BỔ NHIỆM VÀ
XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều
7. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp
1. Căn cứ vào vị trí
việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo
quy định của pháp luật.
2. Không được kết hợp
nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Điều
8. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
1. Viên chức được cơ sở
giáo dục tuyển dụng theo quy định của pháp luật, đã thực hiện quy định về chế độ
tập sự đối với viên chức và được Thủ trưởng cơ sở giáo dục đánh giá đạt yêu cầu
sau thời gian tập sự.
2. Viên chức đã được bổ
nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học
công lập quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV
hoặc tương đương, nay được bổ nhiệm chúc danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy
trong các trường cao đẳng sư phạm quy định tại Thông tư này, cụ thể như sau:
a) Bổ nhiệm vào chức
danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20
đối với viên chức hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng
I), mã số V.07.01.01 hoặc tương đương.
b) Bổ nhiệm vào chức
danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21
đối với viên chức hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng
II), mã số V.07.01.02 hoặc tương đương.
c) Bổ nhiệm vào chức
danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III), mã số V.07.08.22 đối với
viên chức hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số
V.07.01.03 hoặc tương đương.
3. Viên chức được thay đổi chức danh nghề nghiệp theo quy định
của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn.
Điều
9. Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề
nghiệp viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương
chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của
Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp
giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên
chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
b) Chức danh nghề nghiệp
giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên
chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
c) Chức danh nghề nghiệp
giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức
loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
2. Việc xếp lương chức
danh nghề nghiệp được thực hiện khi viên chức đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm
vào chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư này và thực hiện xếp lương theo
hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày
25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch,
chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Chương
IV
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều
10. Điều khoản áp dụng
1. Yêu cầu về chứng chỉ
bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng
III) quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư này áp
dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi
hành.
2. Viên chức đã tham dự
bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
giảng viên cao cấp (hạng I) hoặc giảng viên chính (hạng II) trước ngày Thông tư
này có hiệu lực thi hành được sử dụng thay thế tương ứng đối với chứng chỉ bồi
dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp
(hạng I) hoặc giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II).
Điều
11. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này là căn
cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, xếp lương và quản lý viên
chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập. Các trường cao đẳng
sư phạm ngoài công lập có thể vận dụng quy định tại Thông tư này để tuyển dụng,
sử dụng và quản lý đội ngũ giảng viên tại cơ sở.
2. Thủ trưởng các trường
cao đẳng sư phạm trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát
các vị trí việc làm của đơn vị; quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm
chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền.
Điều
12. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2020.
2. Chánh Văn phòng, Cục
trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, thủ trưởng các đơn vị có liên
quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và thủ trưởng các trường cao đẳng sư phạm chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực
hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét,
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo;
- Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Như Điều 12;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT;
- Công đoàn giáo dục Việt Nam;
- Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Lưu: VT, Vụ PC, NGCBQLGD (15b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|