THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI
NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC CÔNG VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT TRONG LĨNH VỰC THĂM DÒ,
KHAI THÁC DẦU KHÍ TRÊN BIỂN
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12
tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được
Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Dầu khí năm 1993; Luật số
19/2000/QH10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí và Luật số
10/2008/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư
quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm
các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí
trên biển.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về thời giờ làm việc, thời
giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt
trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ
quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động
hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
2. Người lao động làm việc tại các công trình dầu
khí trên biển.
3. Người lao động thuộc các chức danh thuyền
viên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Công trình dầu khí trên biển bao
gồm các phương tiện nổi, tổ hợp các thiết bị, các kết cấu công trình được xây dựng
trang bị và lắp đặt cố định, tạm thời trên biển để phục vụ các hoạt động dầu
khí.
2. Phiên làm việc là khoảng thời gian làm
việc của người lao động được tính liên tục từ khi có mặt đến khi rời khỏi công
trình dầu khí trên biển nhưng không bao gồm thời gian đi đường.
3. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc
của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi bàn giao nhiệm vụ
cho người khác, bao gồm: thời giờ làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Chương II
THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI
GIỜ NGHỈ NGƠI
Mục 1. Thời giờ làm việc
Điều 4. Thời giờ làm việc đối
với người lao động làm việc thường xuyên
1. Người lao động làm việc thường xuyên theo
phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:
a. Ca làm việc tối đa 12 giờ;
b. Phiên làm việc tối đa 28 ngày.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định
cụ thể ca làm việc và phiên làm việc tại công trình dầu khí trên biển vào Nội
quy lao động và thông báo cho người lao động trước khi đến làm việc.
Điều 5. Thời giờ làm việc đối
với người lao động làm việc không thường xuyên
1. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn
Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 1 năm của
người lao động làm việc không thường xuyên được tính như sau:
SGLVN=
|
(SNN – SNHN) x
12h
|
2
|
Trong đó:
SGLVN: Số giờ làm việc chuẩn trong năm
SNN: Số ngày trong năm
SNHN: Số ngày nghỉ hàng năm của người lao động
theo quy định của Bộ luật lao động
Trường hợp người lao động chưa làm đủ 12 tháng
trong năm, số ngày trong năm (SNN) và số ngày nghỉ hàng năm (SNHN) được tính tỷ
lệ theo thời gian làm việc từ thời điểm người lao động bắt đầu làm việc cho người
sử dụng lao động trong năm đấy.
Ví dụ 1: Anh A làm việc cho Công ty Dầu
khí X liên tục từ năm 1999 đến 2015.
Số ngày nghỉ hàng năm tăng thêm tương ứng với 16
năm làm việc là 3 ngày.
Số ngày nghỉ hàng năm của anh A trong năm 2015
theo quy định của Bộ luật lao động là: SNHN = 12 + 3 = 15 ngày
Tổng số ngày trong năm 2015: SNN = 365 ngày
Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2015 của anh
A sẽ là:
SGLVN =
|
(365 – 15) x
12h
|
= 2100 giờ
|
2
|
Ví dụ 2: Anh B làm việc cho Công ty Dầu
khí Y từ ngày 01/4/2015.
Số ngày nghỉ hàng năm của anh B tại công ty Dầu
khí Y trong năm 2015 theo quy định của Bộ luật lao động là: SNHN = 12 x 9/12 =
9 ngày
Tổng số ngày còn lại trong năm 2015 là: SNN =
275 ngày
Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2015 của anh
B sẽ là:
SGLVN =
|
(275 – 9) x 12h
|
= 1596 giờ
|
2
|
2. Khi làm việc trên công trình dầu khí trên biển,
người lao động làm việc không thường xuyên theo phiên và theo ca làm việc, cụ
thể như sau:
a. Ca làm việc tối đa 12 giờ;
b. Phiên làm việc tối đa 45 ngày.
3. Người sử dụng lao động thỏa thuận với người
lao động về ca làm việc và phiên làm việc trước khi cử người lao động làm việc
không thường xuyên trên công trình dầu khí trên biển.
4. Trong thời gian không làm việc trên công
trình dầu khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí
nghỉ bù hoặc thực hiện công việc trên đất liền theo quy định pháp luật về lao động.
5. Tổng số giờ làm việc bình thường trong năm của
người lao động làm việc không thường xuyên không được vượt quá thời giờ làm việc
tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 6. Làm thêm giờ
1. Thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc
ngoài phiên làm việc quy định tại Khoản 1 Điều 4 đối với người
lao động làm việc thường xuyên được tính là thời gian làm thêm giờ. Thời gian làm
việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc quy định tại Khoản
2 Điều 5 hoặc thời gian làm việc vượt quá số giờ làm việc tiêu chuẩn trong
năm quy định tại Khoản 1 Điều 5 đối với người lao động làm
việc không thường xuyên được tính là thời gian làm thêm giờ.
2. Tổng số giờ làm việc và giờ làm thêm của người
lao động không quá 14 giờ/ngày.
3. Số giờ làm thêm của người lao động không vượt
quá 50 giờ/phiên làm việc và trong mọi trường hợp không vượt quá 300 giờ/năm.
Điều 7. Làm thêm giờ trong
trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp đặc biệt gồm: thực hiện lệnh động
viên, huy động đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về
quốc phòng, an ninh; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người,
tài sản và môi trường xung quanh công trình dầu khí trong phòng ngừa và khắc phục
hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, thảm họa.
2. Trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao
động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không
bị tính vào giới hạn số giờ làm thêm trong ngày và số ngày làm việc trong phiên
theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6.
3. Người sử dụng lao động phải trả lương và các
chế độ khác về làm thêm giờ cho người lao động.
Mục 2. Thời giờ nghỉ ngơi
Điều 8. Thời giờ nghỉ ngơi
1. Sau mỗi ca làm việc trên biển, người lao động
được bố trí nghỉ liên tục tối thiểu 10 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc mới.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí
thời gian nghỉ giải lao giữa ca làm việc tính vào thời giờ làm việc, trong đó tổng
thời gian nghỉ giữa ca làm việc tối thiểu 60 phút.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa ca làm việc, sau mỗi
phiên làm việc, người lao động làm việc thường xuyên được bố trí nghỉ liên tục
với số ngày bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó. Người lao
động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ phù hợp với tình hình công việc,
nhưng không được thấp hơn 5 ngày liên tục.
Điều 9. Nghỉ hàng năm
1. Người lao động được nghỉ hàng năm, ngoài thời
gian nghỉ giữa phiên làm việc, phù hợp với quy định pháp luật về lao động.
2. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho
người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc
nghỉ hàng năm vào thời gian nghỉ giữa các phiên.
Điều 10. Nghỉ Lễ, Tết; Nghỉ
việc riêng; Nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được bố trí nghỉ Lễ, Tết; nghỉ
việc riêng và nghỉ không hưởng lương phù hợp với quy định pháp luật về lao động.
2. Trường hợp ngày nghỉ Lễ, Tết trùng với phiên
làm việc, người lao động được thanh toán tiền lương làm thêm giờ phù hợp với quy
định của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công Thương chủ trì,
phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan để hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc
thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện
các quy định tại Thông tư này và các chế độ có liên quan.
3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm hướng
dẫn, chỉ đạo các đơn vị thành viên, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thuộc
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện các quy định tại Thông tư này.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo
Bộ Công Thương định kỳ trước ngày 15 tháng 1 hàng năm và báo cáo đột xuất trong
trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện các quy
định tại Thông tư này.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 10 năm 2015.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc,
các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.