BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 23/2023/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2023
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG, KỶ LUẬT LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ
ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng
6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông
vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải ban hành Thông tư quy định về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối
với nhân viên hàng không.
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về chế
độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Nhân viên hàng không gồm
các chức danh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về nhân viên
hàng không;
2. Người sử dụng lao động, cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc
thù đối với nhân viên hàng không.
Điều 3.
Kỷ luật lao động đặc thù
1. Kỷ luật lao động đặc thù
là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ, điều hành sản xuất,
kinh doanh đối với nhân viên hàng không theo quy định của Thông tư này.
2. Nhân viên hàng không phải
tuân thủ kỷ luật lao động đặc thù để đảm bảo an ninh, an toàn khai thác trong
hoạt động hàng không dân dụng.
Điều 4.
Hình thức xử lý kỷ luật lao động đặc thù
1. Tạm đình chỉ ngay công việc.
2. Hình thức xử lý kỷ luật
lao động đặc thù quy định tại khoản 1 Điều này không thay thế hình thức xử lý kỷ
luật lao động đối với nhân viên hàng không theo quy định của Bộ luật Lao động.
Điều 5.
Xử lý kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không
1. Người sử dụng lao động hoặc
người được ủy quyền theo quy định của pháp luật có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao
động đặc thù đối với nhân viên hàng không có hành vi vi phạm kỷ luật lao động đặc
thù.
2. Nhân viên hàng không bị tạm
đình chỉ ngay công việc trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm các quy định, nội
quy lao động gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không;
b) Bị điều tra, khởi tố
trong các vụ án hình sự;
c) Tự ý bỏ vị trí làm việc;
d) Uống rượu, bia trong giờ
làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ;
đ) Trộm cắp, chiếm đoạt trái
phép tài sản của tổ chức, cá nhân;
e) Lợi dụng vị trí làm việc
để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa;
g) Sử dụng hoặc có kết quả
dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng
khác theo quy định;
h) Đánh bạc, gây rối, làm mất
an ninh, trật tự tại nơi làm việc.
3. Việc tạm đình chỉ ngay được
người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền thực hiện bằng lời nói tại thời
điểm phát hiện hành vi vi phạm nêu tại khoản 2 Điều này. Trong thời hạn 48 giờ
kể từ khi tạm đình chỉ bằng lời nói, người sử dụng lao động hoặc người được ủy
quyền phải ban hành quyết định tạm đình chỉ, trong đó xác định rõ thời hạn tạm
đình chỉ. Thời hạn tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều
128 Bộ luật Lao động và được tính kể từ thời điểm thực hiện bằng lời nói.
Điều 6.
Chế độ lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không
1. Nhân viên hàng không được
áp dụng chế độ lao động đặc thù theo quy định của pháp luật về lao động và pháp
luật về hàng không dân dụng.
2. Người sử dụng lao động
không được bố trí người lao động là nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động
hoặc chấp hành xong các hình phạt trong vụ án hình sự vào làm việc tại các chức
danh nhân viên hàng không trong thời hạn 05 năm kể từ các thời điểm sau đây:
a) Kể từ khi có quyết định xử
lý kỷ luật lao động có hiệu lực đối với các trường hợp vi phạm quy định tại điểm
a, đ, e, g khoản 2 Điều 5 Thông tư này;
b) Kể từ khi được xóa án
tích trong vụ án hình sự.
Điều 7.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Thực hiện chế độ lao động,
kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không theo quy định tại Thông
tư này.
2. Báo cáo Cục Hàng không Việt
Nam bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử khi có nhân viên hàng không vi phạm
kỷ luật lao động đặc thù, đồng thời thông báo cho Cảng vụ hàng không trong trường
hợp hành vi vi phạm xảy ra tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của
Cảng vụ hàng không.
3. Tổng hợp, báo cáo Cục
Hàng không Việt Nam tình hình thực hiện chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc
thù đối với nhân viên hàng không, chi tiết báo cáo như sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo tình
hình thực hiện chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng
không;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo:
tình hình thực hiện chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên
hàng không;
c) Phương thức gửi, nhận báo
cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử; được
gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng
các hình thức khác đến Cục Hàng không Việt Nam;
d) Tần suất thực hiện báo
cáo: 02 lần/01 năm;
đ) Thời hạn gửi báo cáo: đối
với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm trước ngày 20 tháng 6 của kỳ báo cáo; đối
với báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 20 tháng 12 của kỳ báo cáo. Báo cáo 06
tháng cuối năm được thay thế bằng báo cáo năm;
e) Thời gian chốt số liệu
báo cáo: đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12
năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo. Đối với báo cáo định kỳ
hàng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của
kỳ báo cáo;
g) Mẫu đề cương, biểu mẫu số
liệu báo cáo: quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8.
Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không
1. Cục Hàng không Việt Nam
có trách nhiệm quản lý, theo dõi, tổng hợp, thông báo các trường hợp nhân viên
hàng không vi phạm kỷ luật lao động đặc thù đến các doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực hàng không để thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
2. Cục Hàng không Việt Nam,
Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện
Thông tư này.
Điều 9.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2023.
2. Bãi bỏ Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc
thù đối với nhân viên hàng không và Điều 2 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT
ngày 29 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực
hàng không.
3. Trường hợp các văn bản
quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay
thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Điều
10. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các
cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng Bộ GTVT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (Hg).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Anh Tuấn
|