BỘ
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
15-TBXH
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1980
|
THÔNG TƯ
SỐ 15 - TBXH CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NGÀY 18 THÁNG 7
NĂM 1980 HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC QUẢN LÝ, SINH HOẠT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ QUÂN
NHÂN VỀ HƯU, NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
Căn cứ chỉ thị số 27 - CTTƯ
ngày 24 tháng 12 năm 1977 của Ban bí thư trung ương Đảng;
Căn cứ quyết định số 296 - CP ngày 20 tháng 11 năm 1978 của Hội đồng Chính
phủ bổ sung và sửa đổi một số điểm về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức
về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động;
Sau khi đã trao đổi với Ban tổ chức trung ương Đảng, Ban tổ chức của Chính
phủ, Tổng công đoàn Việt Nam và Bộ Quốc Phòng, nay Bộ Thương binh và xã hội hướng
dẫn việc tổ chức quản lý và sinh hoạt của công nhân, viên chức và quân nhân về
hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động như sau:
I. Ý NGHĨA CỦA
VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ SINH HOẠT ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ QUÂN NHÂN VỀ
HƯU, NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
Trước đây, Bộ Thương binh và xã
hội đã hướng dẫn việc quản lý, chăm sóc đời sống cán bộ, công nhân viên về hưu,
nghỉ việc vì mất sức lao động. Đến nay, số người về nghỉ ngày càng đông; nhiều
địa phương lực lượng này có đến hàng vạn người, nhiều xã, tiểu khu có hàng trăm
người về nghỉ. Do vậy, cần củng cố kiện toàn tổ chức quản lý và sinh hoạt của
những người đã về nghỉ cho phù hợp với tình hình mới; tạo điều kiện cho các đồng
chí đó tiếp tục phát huy truyền thống, giữ gìn đạo đức phẩm chất cách mạng của
người cán bộ, đảng viên, làm tròn nghĩa vụ của người công dân; hăng hái đóng
góp xây dựng địa phương trên các mặt công tác. Đồng thời, để phối hợp với tổ chức
đó, các cơ quan Nhà nước bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với
người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.
II. TỔ CHỨC
QUẢN LÝ VÀ SINH HOẠT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ QUÂN NHÂN VỀ HƯU, NGHỈ VIỆC VÌ
MẤT SỨC LAO ĐỘNG.
A. Tổ hưu trí: Tổ hưu trí được tổ
chức theo đơn vị xã, phường, tiểu khu và tương đương là một tổ chức sinh hoạt của
công nhân, viên chức và quân nhân sau khi về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động,
kể cả những người về nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo các quyết định số
206 - CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 và số 174 - CP ngày 4 tháng 6 năm 1980 của Hội
đồng Chính phủ.
Ở các đơn vị nói trên, nếu có từ
3 đến 30 người về nghỉ thì thành lập một tổ, nếu đông hơn thì chia ra 2, 3 ...
tổ. Việc lập tổ hưu trí nhằm:
- Bảo đảm sinh hoạt thường xuyên
cho những người sau khi về nghỉ có điều kiện nắm chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước, tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương, để tích
cực thực hiện và vận động nhân dân thực hiện.
- Xây dựng cuộc sống lành mạnh,
giúp nhau khắc phục những khó khăn về đời sống, ngăn ngừa và chống mọi biểu hiện
tiêu cực.
- Động viên nhau phát huy mọi khả
năng tham gia đóng góp xây dựng địa phương tuỳ theo điều kiện sức khoẻ, hoàn cảnh
gia đình và trình độ khả năng của từng người.
Tổ hưu trí có một tổ trưởng, một
hoặc hai tổ phó do tổ bầu ra. Tổ trưởng, tổ phó phải là người có tín nhiệm với
địa phương và anh em hưu trí,có nhiệt tình và trách nhiệm với tập thể, có sức
khoẻ phù hợp.
Tổ trưởng, tổ phó có nhiệm vụ:
- Nắm chắc tình hình tổ viên,
duy trì đều đặn chế độ sinh hoạt của tổ;
- Chăm lo xây dựng tổ vững mạnh,
phấn đấu đạt tổ khá toàn diện;
- Thay mặt tổ, quan hệ với các
cơ quan cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể ở địa phương để góp ý về thực hiện các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phản ánh những ý kiến, nguyện vọng
của tổ lên cấp trên; và quản lý việc chi tiêu của tổ (nếu có).
Tổ hưu trí sinh hoạt ít nhất ba
tháng một lần (nơi có điều kiện mỗi tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường),
cuối năm có tổng kết hoạt động, bình xét thành tích, xếp loại tổ và bầu lại tổ
trưởng, tổ phó (nếu cần).
Sinh hoạt tổ phải hết sức nhẹ
nhàng, ngắn gọn, có chất lượng. Có thể mời đại diện cấp uỷ và chính quyền tới dự
để biết thêm tình hình và đóng góp ý kiến với tổ.
Nội dung sinh hoạt tổ:
- Nghe báo cáo tình hình hoạt động
.........tổ đã làm được và những công việc sắp tới để mọi người trao đổi, góp
ý;
- Bàn biện pháp giúp đỡ những
người có khó khăn trong đời sống, những vướng mắc về tư tưởng nhận thức;
- Bàn việc thực hiện các nhiệm vụ
và quyền lợi của người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, biểu dương người
tốt, việc tốt của tổ;
- Nghe báo cáo viên nói lại tình
hình thời sự, chính sách, nhiệm vụ của địa phương để mọi người biết và thực hiện
và góp ý về thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương.
Tổ cần có bản nội quy sinh hoạt,
sổ ghi danh sách tổ viên, ghi biên bản các cuộc họp và các hoạt động khác.
B. Ban liên lạc hưu trí ở cơ sở
Ở những xã nếu có từ ba tổ hưu
trí trở lên mà số người mỗi tổ quá đông thì thành lập ban liên lạc hưu trí.
Ban liên lạc hưu trí ở cơ sở là
một đầu mối thống nhất để liên hệ với các cơ quan cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể
địa phương và ngành thương binh và xã hội.
Thành viên của ban liên lạc gồm
các tổ trưởng tổ hưu trí. Ban liên lạc bầu một trưởng ban, một hoặc hai phó ban
để duy trì sinh hoạt chung.
Ngoài các nhiệm vụ như của tổ
trưởng hưu trí, ban liên lạc còn phải thường kỳ tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt
động giữa các tổ hưu trí. Mỗi thành viên của ban có trách nhiệm với phong trào
chung của những người hưu trí trong địa phương.
Ban liên lạc hưu trí sinh hoạt
ba tháng một lần (khi cần có thể họp bất thường) để nghe phản ánh tình hình của
các tổ hưu trí, tình hình nhiệm vụ của địa phương và bàn kế hoạch thống nhất để
triển khai thực hiện trong các tổ hưu trí, trao đổi những vấn đề có liên quan đến
các tổ hưu trí.
Tổ hưu trí và ban liên lạc hưu
trí ở cơ sở sau khi được thành lập phải báo cáo với chính quyền cơ sở.
C. Ban đại diện hưu trí ở cấp huyện
Để giúp chính quyền địa phương
và ngành thương binh và xã hội quản lý chăm sóc tốt đời sống cũng như động viên
được đông đảo công nhân viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao
động tham gia công tác với địa phương, các huyện thành lập ban đại diện hưu trí
dưới hình thức hoạt động không chuyện trách nhằm:
- Hỗ trợ cho ngành thương binh
và xã hội trong việc tổ chức phổ biến chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, phổ biến
tình hình thời sự, chính sách, nhiệm vụ chính trị của địa phương trong công
nhân viên chức và quân nhân về nghỉ để nâng cao sự hiểu biết và từ đó vận động
mọi người gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện;
- Góp phần xây dựng, củng cố và
phát huy vai trò, tác dụng của các tổ hưu trí và ban liên lạc hưu trí ở cơ sở,
tổ chức các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí bổ ích lành mạnh phù hợp với đặc
điểm và yêu cầu của người về nghỉ như thể dục chữa bệnh, tham quan, sinh hoạt cầu
lạc bộ, hiến kế cho địa phương, vận động tham gia các phong trào cách mạng của
quần chúng, v.v...;
- Đề xuất ý kiến giúp cấp uỷ,
chính quyền, các cơ quan, đoàn thể ở huyện trong việc thực hiện các chính sách,
chế độ của Nhà nước đối với người về nghỉ;
- Thông qua các tổ và ban liên lạc,
tập hợp ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức và quân nhân về
hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động phản ánh lên cấp trên để có chủ trương biện
pháp chỉ đạo kịp thời.
Ban đại diện hưu trí cấp huyện
do hội nghị các đại diện ban liên lạc (hoặc tổ hưu trí ở những nơi chưa có ban
liên lạc) bầu và được Uỷ ban nhân dân huyện công nhận; nhiệm kỳ là hai năm (những
nơi chưa bầu được thì do Uỷ ban nhân dân tạm thời chỉ định), số lượng khoản từ
10 đến 15 người (tuỳ theo số người về nghỉ và địa dư từng địa phương). Bộ phận
thường trực của ban gồm một trưởng ban, một đến hai phó ban và uỷ viên thường
trực là đồng chí trưởng phòng hoặc trưởng ban thương binh và xã hội huyện. Các
uỷ viên khác, theo khả năng, sở trường và điều kiện hoạt động để phân công phụ
trách từng mặt công tác như thời sự, chính sách, thi đua, câu lạc bộ, đời sống
vật chất... và theo dõi, giúp đỡ một số tổ hưu trí.
Sinh hoạt của ban ba tháng một lần,
bộ phận thường trực sinh hoạt mỗi tháng một lần, theo nguyên tác bàn bạc dân chủ,
tập thể lấy việc trao đổi thoả thuận làm chính.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Các Ty, Sở thương binh và xã hội
giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố kiểm tra, nắm tình hình công nhân viên chức
và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức ở địa phương để tiến hành xây dựng, củng
cố lại tổ chức theo quy định trên và đưa các tổ chức đó vào sinh hoạt có nền nếp.
Hàng năm và sáu tháng một lần,
các Ty, Sở thương binh và xã hội tổ chức sinh hoạt với các ban đại diện hưu trí
huyện để nghe phản ánh tình hình, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các địa
phương, và tuỳ tình hình cụ thể của địa phương mà tạo mọi điều kiện thuận lợi
(đi lại, phương tiện làm việc, bồi dưỡng vật chất, tinh thần, v.v...) để các đồng
chí đó hoạt động tốt, làm tròn nhiệm vụ được giao.
Các Ty, Sở và các phòng, ban
thương binh và xã hội phân công cán bộ chuyên trách theo dõi và từng thời kỳ có
chương trình, kế hoạch bồi dưỡng về nhiệm vụ, phương pháp hoạt dộng cho các ban
đại diện hưu trí, các ban liên lạc hưu trí ở cơ sở và các tổ trưởng tổ hưu trí.
Quá trình thực hiện thông tư
này, nếu còn gì vướng mắc các địa phương phản ánh cho Bộ Thương binh và xã hội
để kịp thời giải quyết.