BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
15-LĐTBXH/TT
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1990
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 15-LĐTBXH/TT NGÀY
29-10-1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP KHU VỰC, THÂM NIÊN VÀ CHÍNH SÁCH
TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN,VIÊN CHỨC CÔNG TÁC Ở MIỀN NÚI
Thực hiện điều 34, Quyết định số
72-HĐBT ngày 13 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương,
chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi, sau khi trao đổi ý kiến
với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ và một số Bộ, ngành liên quan,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ phụ
cấp khu vực, phụ cấp thâm niên và chính sách trợ cấp một lần đối với công nhân,
viên chức công tác ở miền núi như sau:
I- PHỤ CẤP
KHU VỰC
1- Đối tượng được hưởng phụ cấp
khu vực:
Những đối tượng đang được hưởng
phụ cấp khu vực 20% và 25% quy định tại Thông tư số 10/LĐ-TT ngày 18 tháng 9
năm 1985 và các văn bản bổ sung về phụ cấp khu vực của Bộ Lao động, nay được hưởng
mức phụ cấp khu vực mới quy định tài điều 34, Quyết định số 72-HĐBT ngày 13
tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
2- Mức phụ cấp khu vực mới:
Mức phụ cấp hiện đang hưởng 25%
nay điều chỉnh lên 35% và mức đang hưởng 20% nay điều chỉnh lên 25%.
Nguyên tắc, thủ tục điều chỉnh
và cách tính trả phụ cấp khu vực theo quy định tại Thông tư số 10/LĐ-TT ngày 18
tháng 9 năm 1985 của Bộ Lao động hướng dẫn chế độ phụ cấp khu vực.
Công nhân, viên chức làm việc ở
nơi có phụ cấp khu vực từ 25% trở lên, khi nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức
lao động hoặc trợ cấp tuất được tính thời gian công tác theo hệ số 1 + 6 (mỗi
năm công tác được tính thêm 6 tháng).
II- PHỤ CẤP
THÂM NIÊN
1- Đối tượng và phạm vi được hưởng
phụ cấp thâm niên:
Đối tượng được hưởng phụ cấp
thâm niên miền núi là cán bộ hành chính sự nghiệp công tác tại vùng cao, biên
giới - hải đảo, nơi có nhiều khó khăn, trên 15 năm, bao gồm:
- Công nhân, viên chức trong
danh sách lao động thường xuyên, quân nhân chuyển ngành bảo lưu lương hoặc sinh
hoạt phí quân đội làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến
huyện, thị xã, trong các đơn vị sự nghiệp (trừ các đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch
toán kinh doanh), các tổ chức Đảng, đoàn thể.
- Cán bộ hưởng lương làm việc tại
xã, phường, thị trấn.
2- Mức phụ cấp:
Các đối tượng nêu ở điểm 1, phần
II nêu trên có 16 năm (tính theo năm, không cần tính đủ tháng) công tác tại
vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều khó khăn (theo quy định của Nhà nước)
được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 16% lương cấp bậc hoặc chức vụ. Sau đó mỗi
năm thêm 1%, không khống chế mức tối đa.
- Những cán bộ được hưởng khoản
phụ cấp này vẫn được giữ nguyên các khoản phụ cấp thâm niên khác (nếu có).
- Khoản phụ cấp này không được cộng
vào lương để tính lương hưu, trợ cấp mất sức và trả trợ cấp thôi viên.
3- Thời gian tính thâm niên:
a) Thời gian thâm niên miền núi
được tính kể từ khi đến nhận công tác tại vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi có
nhiều khó khăn. Nếu có thời gian công tác trước đây ở vùng cao, biên giới, hải
đảo, nơi có nhiều khó khăn thì được cộng dồn để hưởng thâm niên.
b) Thời gian gián đoạn (chuyển
sang vùng khác không phải là vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều khó
khăn) từ 1 năm trở lên thì không được tính vào thời gian thâm niên. Thời gian
gián đoạn dưới 1 năm trong những trường hợp dưới đây được tính thời gian thâm
niên:
- Ốm đau phải điều trị, điều dưỡng
hoặc điều động tạm thời đi công tác nơi không phải là vùng cao, biên giới, hải
đảo, nơi có nhiều khó khăn.
- Được cử đi học bổ túc, đào tạo,
học tập khác nhau sau đó lại về nơi cũ.
4- Nguồn kinh phí trả phụ cấp
thâm niên:
Nguồn kinh phí trả lương cho cán
bộ hành chính sự nghiệp đồng thời cũng là nguồn kinh phí để chi trả phụ cấp
thâm niên cho các đối tượng nói trên.
III- CHÍNH SÁCH
TRỢ CẤP MỘT LẦN
1- Đối tượng được trợ cấp một lần:
- Các đối tượng quê ở miền xuôi
lên công tác ở miền núi từ 3 năm (36 tháng) trở lên, gồm: công nhân, viên chức
(kể cả lao động hợp đồng, bộ đội chuyển ngành hưởng bảo lưu lương), học sinh,
sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề mới
tốt nghiệp ra trường làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương
đến huyện, thị xã; trong các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể;
trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
- Cán bộ xã ở miền xuôi lên công
tác ở miền núi; cán bộ xã, huyện ở miền núi được điều động lên công tác ở huyện,
tỉnh miền núi hay vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều khó khăn.
2- Mức trợ cấp một lần:
Tuỳ theo thời giá của địa phương
nơi cơ quan, đơn vị cấp trợ cấp một lần, bảo đảm cho mỗi người (đối tượng quy định
tại điểm 1, phần III nói trên) mua được:
- 1 áo bông nội, vỏ bằng vải
kaki hoặc tương đương có lót bông.
- 1 chăn bông 3 kg, có vỏ bằng vải
chéo hoa nội.
- 1 màn cá nhân bằng vải xô nội.
3- Cách trả và nguồn kinh phí trợ
cấp một lần:
- Các đối tượng theo quy định chỉ
được trợ cấp một lần. Người nào về trước 3 năm phải hoàn trả số tiền đủ mua các
mặt hàng nói trên theo thời giá lúc hoàn trả cho cơ quan, đơn vị đang công tác.
- Đối tượng trước khi lên công
tác ở miền núi đang hưởng lương ở cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó trả
trợ cấp một lần; còn các đối tượng chưa hưởng lương thì cơ quan, đơn vị mới trả
trợ cấp một lần.
- Đối với các đơn vị sản xuất,
kinh doanh hoặc các đơn vị hạch toán kinh doanh, khoản trợ cấp này được hạch
toán vào giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông. Các đơn vị hành chính, sự nghiệp,
khoản trợ cấp này do ngân sách cấp.
IV- ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư có hiệu lực thi hành từ
ngày ký. Bãi bỏ tất cả các quy định trái với Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội nghiên cứu, giải quyết.