BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH
******
|
VIỆT
NAM
DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
13-TT-LB
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1956
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CÁC KHOẢN PHỤ CẤP CHO
LÁI XE VÀ PHỤ LÁI XE Ô TÔ
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-BỘ
TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi:
Đồng kính gửi:
|
- Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành
chính Liên khu 3, 4, Việt bắc, Khu tự trị Thái – Mèo, Hồng - quảng, Hà Nội, Hải
Phòng.
- Các vị Bộ trưởng các Bộ
|
Chế độ “phụ cấp đặc biệt” của
lái xe, phụ lái xe ô tô … ấn định trong nghị định Liên Bộ số 52-NĐ-LB ngày
4-7-1954 và số 42-LB-NĐ ngày 29-8-1954 lâu nay thi hành không thống nhất và có
nhiều lệch lạc. Có ngành, hễ xe lăn bánh là cho anh em hưởng phụ cấp đặc biệt,
mặc dầu có khi chỉ lái một chiếc xe con hay xe hàng vừa xung quanh thành phố,
không phải ăn một bữa cơm nào ở ngoài, không nặng nhọc và tốn kém gì hơn một
công nhân ở xí nghiệp. Có ngành lại tự ý năng phụ cấp khá cao (1kg600-2kg100)
hàng tháng cho anh em lĩnh 2, 3 vạn đồng, ngang lương hoặc cao hơn lương bản
thân. Sự thi hành lệch lạc và không thống nhất đó gây tình trạng suy lị, thắc mắc
trong anh em lái xe và phụ xe, đồng thời ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và kế hoạch
vận chuyển.
Mặt khác, chế độ “phụ cấp đặc biệt”
nói trên đến nay xét có những điểm không thích hợp với điều kiện giao thông vận
tải mới đã có nhiều thuận lợi hơn.
Để bổ cứu tình trạng trên, Liên
Bộ đã ban hành nghị định số 89-NĐ-LB ngày 20-8-1956 nhầm sửa đổi và quy định cụ
thể chế độ phụ cấp cho công nhân lái xe và phụ xe ô tô và cán bộ phụ trách các
đoàn xe.
Nghị định Liên bộ số 89-NĐ-LB
ngày 20-8-1956 bãi bỏ phụ cấp đặc biệt và cho anh em hưởng các khoản phụ cấp
sau đây:
1- Phụ cấp đi đường 100đ một
ngày nếu phải ăn cơm ở ngoài.
2- Phụ cấp bồi dưỡng sức khoẻ chỉ
trả cho công nhân phụ và lái xe lớn (xe hàng vừa có kéo “rơ moóc” hoặc chạy
trên đường Tây bắc, xe than, xe cần trục cũng coi như xe hàng lớn).
3- Phụ cấp làm thêm giờ chỉ áp dụng
cho các loại xe vận tải.
Thông tư này nhầm giải thích và
hướng dẫn thi hành các khoản phụ cấp nói trên.
I. PHỤ CẤP ĐI
ĐƯỜNG
Phụ cấp đi đường nhầm chiếu cố đến
sự chi tiêu tốn kém dọc đường nên thi hành thống nhất cho tất cả cán bộ và công
nhân đoàn xe: là 400đ một ngày, 200đ nửa ngày.
Phụ cấp đi đường sẽ căn cứ vào số
bữa cơm chính phải ăn ở ngoài, cụ thể nếu ăn hai bữa cơm chính ở ngoài thì được
tính một ngày (400đ) ăn một bữa cơm chính ở ngoài được tính ½ ngày (200đ).
Trường hợp xe chạy đường trường
từ 100 cây số trở lên, thì mặc dầu đã ăn cơm ở cơ quan nhưng nếu đã chạy trên
150 km cũng được tính ½ ngày và 300 km được tính cả ngày. Thí dụ: một người lái
xe đã ăn cơm trưa ở Hà Nội lúc 11 giờ, đến 12 giờ bắt đầu lái xe đi Hải Phòng,
rồi trở về Hà Nội ăn cơm lúc 6 giờ chiều. Mặc dầu ăn hai bữa cơm chính ở cơ
quan, nhưng cũng được hưởng phụ cấp đi đường 200đ, vì xe đã chạy trên 150 km
(Hà Nội - Hải Phòng 105 Km đi và về 210 km). Đối với những quãng đường dưới
100km (thí dụ: xe chạy xung quanh thành phố) căn cứ vào bữa cơm ăn ngoài là
chính, không căn cứ theo cây số.
Phụ cấp đi đường cho lái xe và
phụ lái xe các thủ trưởng các cơ quan ấn định trong thông tư Liên Bộ Lao động –
Giao thông và Bưu điện – Tài chính số 1-TT-LB ngày 6-10-1955 vẫn thi hành như
trước.
II. PHỤ CẤP BỒI
DƯỠNG SỨC KHOẺ
Trong tiền lương hiện nay đã có
chiếu cố đến công việc có tính chất nặng nhọc vất vả. Cho nên phụ cấp này chỉ đặt
ra đối với những trường hợp thật cần thiết, công việc rất vất vả nặng nhọc, hao
tổn sức khoẻ nhiều. Nói chung nó chỉ áp dụng đối với lái và phụ xe lớn.
Phụ cấp này chỉ làm hai mức:
- 300đ một ngày, 150đ ½ ngày cho
anh em lái xe lớn kéo “rơ moóc” lái cần trục và điều khiển cần trục 200đ một
ngày và 100đ một ngày cho phụ lái xe. Loại này thường thường nặng đến 20T, 30T
cho nên được hưởng một mức riêng.
- 200đ một ngày, 100đ ½ ngày cho
anh em lái và 150đ một ngày, 80đ ½ ngày cho phụ lái xe lớn (từ 7 tấn trở lên),
xe hạng vừa (trung xa) chạy trên đường Tây bắc (có nhiều đèo dốc) và xe than.
Những người lái xe cần trục hoặc điều khiển cần trục (làm một trong hai việc
đó) cũng được hưởng phụ cấp 200đ một ngày, 100đ ½ ngày.
Lái và phụ lái xe các xe con hoặc
các xe hàng vừa (trung xa) không có “rơ moóc” chạy các đường nói chung (ngoài
đường Tây bắc) đều không hưởng phụ cấp nói trên.
- Xe chạy từ 6 giờ trở lên được
tính một ngày.
- Xe chạy từ 3 giờ đến dưới 6 giờ
được tính ½ ngày.
- Xe chạy dưới 3 giờ không tính.
Bắt đầu từ 9 giờ tối đến 5 giờ
sáng, cứ mỗi giờ chạy thêm được tính thành một giờ rưỡi để tính phụ cấp bồi dưỡng.
Thì giờ chờ đợi nói chung không
được tính. Trừ những trường hợp chờ đợi dưới một tiếng để lui xe vào,
lên xuống khi bốc hàng, đỡ hàng, khi lên phà, xuống phà,… thì được tính để trả
phụ cấp bồi dưỡng.
III. PHỤ CẤP
LÀM THÊM GIỜ
Tính chất công việc lái xe không
liên tục và không có thì giờ nhất định như ở xí nghiệp. Có khi trong hai, ba
ngày xe chạy cả ngày đêm nhưng rồi lại nghĩ luôn một, hai ngày để chờ hàng.
Ngày nghỉ cũng không nhất thiết bố trí được vào ngày chủ nhật. Do điều kiện đặc
biệt như trên, cho nên phụ cấp làm thêm giờ không thể tính từng ngày hay từng
tuần mà phải tính theo tháng. Ngày này bù cho ngày kia, tuần trước bù cho tuần
sau, nếu tính đến cuối tháng làm quá số giờ nhất định thì anh em được hưởng phụ
cấp làm thêm giờ.
Thí dụ:
Giờ chính thức của đoàn xe A là
8 giờ mỗi ngày (giờ chính thức do từng ngành quyết định tuỳ theo tính chất công
việc và hoàn cảnh cụ thể của mỗi ngành trong phạm vi từ 8 đến 10 giờ).
- Tháng 5-1956 có 31 ngày, trừ 4
ngày chủ nhật và 2 ngày lễ, còn 25 ngày làm việc. Tổng số giờ làm việc trong
tháng là: 8 giờ X 25 = 200 giờ. Mặc dầu trong tháng có ngày anh em phải làm việc
đến 10, 11 giờ nhưng nếu tổng số giờ làm việc không quá 200 giờ thì không hưởng
phụ cấp làm thêm giờ. Nếu làm ít giờ hơn, không phải làm bù qua tháng sau. Vì số
giờ làm việc tính hàng tháng nên tất cả số giờ làm thêm trong một tháng đều
tính như giờ làm ban ngày (không thêm 25% hay 100% mặc dầu có ngày xe phải chạy
ban đêm).
Tất cả thì giờ chờ đợi, lau chùi
xe, sửa chữa xe, bốc hàng, đỡ hàng,… đều tính là giờ làm việc. Chí trừ trường hợp
công nhân được cơ quan, xí nghiệp báo trước cho ở nhà thì mới không tính là giờ
làm việc. Thí dụ: từ 9 giờ công nhân phải có mặt ở xí nghiệp nhưng phải chờ đến
11 giờ mới chuẩn bị xong để cho xe chạy thì giờ chờ đợi 9 giờ đến 11 giờ vẫn
tính là thì giờ làm việc.
Các chế độ trả phụ cấp trên đây
chỉ áp dụng đối với các loại xe vận tải không thi hành đối với xe các vị thủ
trưởng, các chuyên gia, nhân viên Uỷ ban Quốc tế,… Chế độ phụ cấp cho lái xe
các vị thủ trưởng, các chuyên gia sẽ do Liên Bộ quy định sau.
Chế độ này thi hành thống nhất
cho các đoàn xe vận tải các xí nghiệp, doanh nghiệp, các đoàn xe kể từ ngày ban
hành. Nhưng sau khi tiếp được nghị định và thông tư Liên Bộ nếu có trường hợp
anh em lãnh phụ cấp theo chế độ cũ cao hơn chế độ này thì không đặt vấn đề truy
nạp. Trái lại nếu tính thấp hơn chế độ mới thì cho anh em truy lĩnh từ ngày ban
hành.
Trong khi thi hành các ngành,
các địa phương gặp những khó khăn gì, yêu cầu báo cáo kịp thời cho Liên Bộ để
giải quyết.
QUYỀN
BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG
Lê Văn Hiến
|
K/T
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trịnh Văn Bính
|
K/T
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG
VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Mai
|