BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
BỘ THƯƠNG BINH
******
|
VIỆT
NAM
DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
10-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 06 năm 1958
|
THÔNG TƯ
VỀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH ĐI XE LỬA
Chế độ thương binh đi xe lửa đã
được tạm thời quy định ngày 11-3-1955. Kết quả đã phục vụ được sự đi lại cần
thiết bằng xe lửa cho thương binh. Nhưng chế độ ưu đãi thương binh đi xe lửa
còn nhiều điểm chưa hợp lý (chưa phân biệt ưu đãi từng hạng thương tật, không
quy định số lần đi xe lửa hàng năm); thể thức thi hành chưa được quy định cụ thể
nên có người không phải thương binh cũng lợi dụng giấy tờ của thương binh để đi
xe lửa, ảnh hưởng đến danh dự của thương binh và thiệt công quỹ Nhà nước.
Để thi hành đúng đắn chính sách
ưu đãi thương binh và quản lý tốt xí nghiệp đường sắt, hội nghị Thủ tướng phủ
ngày 5-3-1958 đã quyết định sửa đổi lại chế độ miễn, giảm tiền vé đi xe lửa đối
với thương binh.
Thi hành quyết nghị của Thủ tướng
phủ, Liên Bộ Giao thông Bưu điện và Thương binh quy định một số điểm cụ thể về
chế độ miễn, giảm tiền vé đi xe lửa đối với thương binh và các biện pháp thi
hành như sau:
1) Phạm vi
miễn hay giảm tiền vé:
Thương binh còn tại ngũ, ở trong
trại thương binh, công tác ở các cơ quan, đã về địa phương, nếu đi xe lửa về việc
riêng, tiền vé đi xe lửa do thương binh tự đài thọ, thì được hưởng chế độ miễn
hay giảm giá vé.
2) Mức miễn,
giảm giá vé:
Mỗi năm, mỗi thương binh được miễn
hay giảm tiền vé đi xe lửa tám lần, mỗi lần đi tính là một lần, vô luận đi xa
hay đi gần. Việc miễn hay giảm trong phạm vi tám lần ấy áp dụng đối với thương
binh theo từng hạng thương tật như sau:
a) Thương binh hạng đặc biệt và
hạng một được miễn 100% tiền vé một chỗ ngồi ghế cứng. Phương tiện dùng để đi lại
của thương binh hỏng cả hai mắt, không đi được, hoặc đi lại khó khăn, cụt hai
tay thì được miễn 100% tiền cước và người đi phục vụ thương binh ấy cũng được
miễn 100% tiền vé một chỗ ngồi ghế cứng;
b) Thương binh hạng hai và hạng
ba được giảm 75% tiền vé một chỗ ngồi ghế cứng;
c) Thương binh hạng bốn và hạng
năm được giảm 50% tiền vé một chỗ ngồi ghế cứng;
d) Hàng hóa thương binh mang
theo không được giảm giá cước. Hành lý mang theo người tính theo thể lệ chuyên
chở hành khách hành lý hiện hành của đường sắt;
e) Trong một năm, thương binh
không đi xe lửa hết số lần quy định thì cũng không được tích lũy số lần còn lại
sang năm sau;
f) Ngoài những quy định trên,
thương binh đi xe lửa phải theo đúng thể lệ chuyên chở hành khách hành lý và
bao gửi hiện hành của đường sắt.
3. Thủ tục cấp
vé và lĩnh vé miễn hay giảm:
Thương binh được miễn hay giảm
tiền vé mỗi lần đi xe lửa phải xuất trình với nhân viên bán vé và kiểm soát vé
của nhà ga giấy chứng nhận thương binh và sổ phụ cấp thương tật do Bộ Thương
binh cấp để nhân viên bán vé và kiểm soát vé của nhà ga có căn cứ làm vé miễn
hay giảm. Thương binh nào không có giấy chứng nhận thương binh và sổ phụ cấp
thương tật thì không được cấp vé đi xe lửa. Khi cấp vé, nếu cần thiết nhân viên
bán vé của nhà ga có thể yêu cầu thương binh xuất trình giấy thông hành.
Khi cấp vé miễn hay giảm cho
thương binh, nhân viên bán vé của nhà ga phải ghi ngày tháng và đóng dấu ga vào
mặt sau cuống phiếu hoặc tờ dành riêng trong sổ phụ cấp thương tật của thương
binh để chứng nhận mỗi lần đi.
Thương binh mỗi lần lĩnh vé cũng
có nhiệm vụ đòi hỏi nhân viên bán vé của nhà ga phải đóng dấu của nhà ga vào cuống
phiếu hoặc tờ dành riêng trong sổ phụ cấp thương tật nói trên.
Trên xe lửa, xa trưởng kiểm soát
nếu thấy thương binh có vé miễn, giảm hợp lệ, nhưng cuống phiếu hoặc tờ dành
riêng trong sổ phụ cấp thương tật còn thiếu dấu của nhà ga cấp vé chứng nhận,
xa trưởng phải dùng bút mực ghi vào cuống phiếu hoặc tờ dành riêng ấy số hiệu
vé đi xe lửa, số hiệu chuyến tàu, ngày, tháng, năm và ký tên để chứng nhận lần
thương binh đã đi xe lửa miễn hay giảm.
Phương tiện dùng để đi lại và
người phục vụ của thương binh được miễn tiền cước và tiền vé quy định ở điểm a)
của thông tư này, đều phải có giấy chứng nhận của Ủy ban hành chính địa phương
hay cơ quan nơi thương binh cư trú hoặc làm việc, có ghi rõ:
- Tên họ thương binh;
- Tên họ người đi theo phục vụ;
- Loại phương tiện.
4. Xử lý đối
với trường hợp không hợp lệ:
a) Thương binh đi xe lửa không
có vé miễn hay vé giảm, mặc dù có giấy chứng nhận thương binh và sổ phụ cấp
thương tật, đều coi như đi xe lửa trốn vé, phải trả tiền vé phạt và thủ tục phí
theo quy định trong thể lệ chuyên chở hành khách, hành lý, bao gửi hiện hành của
đường sắt.
b) Thương binh nào cho người
khác mượn giấy chứng nhận thương binh và sổ phụ cấp thương tật để mua vé sẽ bị
kỷ luật như sau: Thương binh sẽ bị rút quyền lợi đi xe lửa miễn hay giảm từ 6
tháng trở lên tùy theo mức độ lỗi nặng hay nhẹ.
c) Người lợi dụng giấy chứng nhận
và sổ phụ cấp thương tật của thương binh để đi xe lửa thì coi như một hành
khách trốn vé, nhân viên kiểm soát ở nhà ga hay xa trưởng lập biên bản thu lại
giấy chứng nhận và sổ phụ cấp thương tật, đường sắt sẽ gửi về Ủy ban hành chính
địa phương hay cơ quan nơi thương binh (chủ của giấy chứng nhận và sổ phụ cấp
thương tật) ở để xử lý, người đang dùng gian trá giấy tờ này bị xử lý theo đúng
thể lệ chuyên chở hành khách, hành lý, bao gửi hiện hành của đường sắt và nếu
xét cần có thể bị truy tố trước pháp luật.
Thông tư này thi hành từ ngày 1
tháng 9 năm 1958. Những văn bản quy định về việc ưu đãi thương binh đi xe lửa
trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Tổng cục Đường sắt phổ biến và
hướng dẫn cán bộ nhân viên ngành đường sắt nghiêm chỉnh thi hành thông tư này.
Ủy ban hành chính các cấp và Ty
thương binh phổ biến và theo dõi đôn đốc anh em thương binh chấp hành đầy đủ
thông tư này.
K.T.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH
Bác sĩ Vũ Đình Tụng
|
BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Mai
|