BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
07/2013/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 05 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CỘNG TÁC VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn
2010-2020;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội
xã, phường, thị trấn như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng
tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cộng tác viên
công tác xã hội cấp xã).
2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội
cấp xã là căn cứ để thực hiện việc sử dụng và quản lý đội ngũ cộng tác viên
công tác xã hội làm việc tại cấp xã.
Điều 2. Đối tượng phục vụ của cộng
tác viên công tác xã hội cấp xã
Đối tượng phục vụ của cộng tác viên công tác xã hội
gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; người tâm thần và người rối nhiễu tâm
trí; người nhiễm HIV/AIDS; người nghèo; trẻ em; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân
của bạo lực gia đình và phân biệt đối xử về giới; đối tượng xã hội cần sự bảo vệ
khẩn cấp quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày
30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức,
hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội (sau đây gọi là Nghị định số 68/2008/NĐ-CP); người nghiện ma túy, người bán
dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp;
đối tượng khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi là đối
tượng).
Điều 3. Nhiệm vụ cộng tác viên
công tác xã hội cấp xã
1. Nhiệm vụ chung
Cộng tác viên công tác xã hội cấp xã thực hiện các
nghiệp vụ công tác xã hội theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Thu thập, tiếp nhận thông tin, yêu cầu trợ giúp
của đối tượng trên địa bàn để báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã, công chức văn hóa-xã hội cấp xã có hướng giải quyết; sàng lọc, phân loại đối
tượng và đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu chuyển tuyến đối
tượng đến các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội, cơ sở y tế-phục
hồi chức năng, cơ sở giáo dục-đào tạo và các cơ sở khác phù hợp.
b) Theo dõi, đánh giá diễn biến tình trạng sức khỏe,
quan hệ gia đình, xã hội và các nhu cầu trợ giúp của đối tượng, đề xuất cấp có
thẩm quyền thực hiện hoặc các biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp, trực tiếp
giải quyết, như: Tư vấn, tham vấn, trị liệu, hòa giải, giáo dục thuyết phục,
ngăn chặn, cách ly.
c) Tham gia triển khai thực hiện các chính sách,
chương trình trợ giúp cho đối tượng, nhóm đối tượng trên địa bàn.
d) Kiểm tra, giám sát, rà soát và định kỳ tổng hợp,
báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp xã hội trên địa
bàn với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
đ) Tham gia các cuộc điều tra, khảo sát về lao động
- người có công và xã hội do cấp trên tổ chức tại địa bàn (nếu có).
e) Tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông
nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt
động trợ giúp xã hội tại cộng đồng.
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 4. Tiêu chuẩn cộng tác
viên công tác xã hội cấp xã
1. Tiêu chuẩn năng lực
a) Nắm được quy trình, kỹ năng thực hành công tác
xã hội ở mức độ cơ bản để trợ giúp đối tượng;
b) Hiểu biết về chế độ chính sách trợ giúp đối tượng;
c) Nắm vững chức trách, nhiệm vụ của cộng tác viên
công tác xã hội;
d) Tổ chức phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị
liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội.
2. Tiêu chuẩn về trình độ
Có chứng chỉ, chứng nhận đã tham gia các lớp tập huấn,
bồi dưỡng kiến thức hoặc có bằng cấp về nghiệp vụ công tác xã hội, tâm lý, xã hội
học, giáo dục đặc biệt và các chuyên ngành xã hội khác phù hợp với nhiệm vụ
công tác xã hội.
Từ năm 2015, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã đạt
chuẩn tối thiểu trình độ trung cấp nghề công tác xã hội hoặc chuyên ngành khác
có liên quan đến công tác xã hội.
3. Tiêu chuẩn về đạo đức
Cộng tác viên công tác xã hội cấp xã phải có tư
cách đạo đức tốt; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật
của Nhà nước; chưa có tiền án, tiền sự.
Điều 5. Chế độ phụ cấp cộng tác
viên công tác xã hội cấp xã
Cộng tác viên công tác xã hội cấp xã làm việc theo
chế độ hợp đồng cộng tác viên công tác xã hội, được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng
mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có trách nhiệm chỉ đạo:
1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính:
a) Tổng hợp kế hoạch tuyển chọn, bố trí, sử dụng và
đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội của tỉnh,
thành phố; báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
b) Lập dự toán kinh phí chi trả phụ cấp cộng tác
viên công tác xã hội cấp xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hướng dẫn việc lựa chọn, ký hợp đồng cộng tác
viên công tác xã hội; thanh tra, kiểm tra thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ và
Phòng Tài chính - Kế hoạch:
a) Tổng hợp kết quả tuyển chọn, sử dụng, quản lý cộng
tác viên công tác xã hội cấp xã của các xã, phường, thị trấn; nhu cầu và kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã
hội;
b) Lập dự toán kinh phí chi trả phụ cấp cộng tác
viên công tác xã hội cấp xã gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp, thống
nhất với Sở Tài chính và Sở Nội vụ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm
a) Tuyển chọn người làm cộng tác viên công tác xã hội
bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định;
b) Ký kết hợp đồng cộng tác viên, tạo điều kiện để
cộng tác viên hoàn thành công việc;
c) Tạo điều kiện để cộng tác viên được tham gia các
khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội do cấp trên tổ chức.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09
tháng 7 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để
nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng CP, các Phó TTg CP;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT CP);
- VP BCĐ Phòng, chống tham nhũng TW;
- Ủy ban giám sát tài chính quốc gia;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở LĐTBXH thuộc các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Ban thuộc Bộ NV và Bộ
LĐTBXH;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Cục BTXH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trọng Đàm
|