BỘ
LAO ĐỘNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
03-LĐTT
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 01 năm 1959
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG QUỸ TIỀN THƯỞNG XÍ NGHIỆP Ở CÁC XÍ NGHIỆP
QUỐC DOANH
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi:
|
- Các Bộ,
- Các cơ quan trung ương
- Các Ủy ban Hành chính khu, thành phố tỉnh
- Các Sở, Khu và Ty Lao động
|
Thể lệ tạm thời số 133-TTg ngày
04-4-1957 của Thủ tướng phủ quy định cho trích lập và sử dụng quỹ tiền thưởng
xí nghiệp tại các xí nghiệp quốc doanh nhằm khuyến khích các xí nghiệp tiến tới
hạch toán kinh tế. Chỉ thị số 5.127-TN ngày 6-4-1958 của Thủ tướng phủ về việc
sử dụng quỹ tiền thưởng năm 1957 đã giải thích rõ thêm về mục đích ý nghĩa,
trách nhiệm và quyền hạn sử dụng quỹ tiền thưởng xí nghiệp.
Để thống nhất nguyên tắc và hướng
dẫn sử dụng quỹ tiền thưởng xí nghiệp, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, các
ngành quản lý sản xuất và Tổng liên đoàn Lao động Việt nam, Bộ Lao động ban
hành thông tư này hướng dẫn cách sử dụng quỹ tiền thưởng.
I. NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ VIỆC SỬ DỤNG QUỸ
TIỀN THƯỞNG XÍ NGHIỆP
Để việc sử dụng quỹ tiền thưởng
xí nghiệp được hợp lý và kết quả tốt. Bộ giải thích thêm một số điểm nguyên tắc
dưới đây:
1. Các khoản Nhà nước
cho sử dụng trong quỹ tiền thưởng xí nghiệp nằm ngoài kinh phí hàng năm mà Nhà
nước cấp cho các xí nghiệp về quỹ Xã hội (phúc lợi tập thể, bảo hiểm lao động)
và quỹ tiền thưởng cá nhân (thuộc quỹ tiền lương). Cho nên không vì có quỹ tiền
thưởng mà rút bớt chỉ tiêu về các khoản nói trên Nhà nước đã quy định trong kế
hoạch của xí nghiệp. Trái lại quỹ tiền thưởng xí nghiệp có thể bổ sung thêm các
khoản kinh phí Nhà nước đã cấp cho xí nghiệp theo kế hoạch hàng năm để mở rộng
thêm phạm vi và quy mô xây dựng các xí nghiệp phúc lợi tập thể, thiết bị sản xuất
và thiết bị an toàn lao động.
2. Phạm vi sử dụng quỹ
tiền thưởng phải đúng theo thể lệ Nhà nước đã quy định, không được vượt quá tỷ
lệ đã quy định cho mỗi khoản kinh phí, không dùng tiền của khoản kinh phí,
không dùng tiền của khoản này chi cho khoản khác (50% tiền thưởng dùng xây dựng
sự nghiệp văn hóa và phúc lợi cho công nhân, 15 % tiền thưởng để làm phần thưởng
cho cá nhân, 20% tiền thưởng dùng vào việc cải tiến hoặc bổ sung thiết bị sản xuất
và an toàn lao động, 15% tiền thưởng dùng để cứu tế tạm thời.
3. Các khoản chi tiêu
phải có dự trù, có kế hoạch sử dụng trước nhằm bảo đảm sử dụng quỹ tiền thưởng
thích hợp với yêu cầu cần thiết cải thiện điều kiện lao động và cải thiện đời sống
công nhân, viên chức và cũng để đảm bảo việc chi tiêu không quá tổng số quỹ tiền
thưởng đã được Nhà nước xét duyệt.
4. Quyền sử dụng quỹ
tiền thưởng là thuộc về toàn thể cán bộ, công nhân viên xí nghiệp. Giám đốc xí
nghiệp có trách nhiệm nghiêm chỉnh thi hành thể lệ Nhà nước, lập kế hoạch sử dụng
nhưng phải được Công đoàn và công nhân viên tham gia ý kiến một cách rộng rãi.
Giám đốc xí nghiệp định kỳ báo cáo tình hình thu-chi quỹ tiền thưởng xí nghiệp
trước Đại hội đại biểu công nhân viên chức.
5. Công đoàn cơ sở cần
phối hợp chặt chẽ với Giám đốc xí nghiệp trong việc lập kế hoạch sử dụng, giáo
dục công nhân hiểu rõ tính chất, mục đích của quỹ tiền thưởng và tổ chức cho
công nhân nhân viên tham gia lập lao động sử dụng được thích đáng, đôn đốc kiểm
tra việc thực hiện và báo cáo với quần chúng.
6. Các Bộ, các ngành đề
ra phương hướng sử dụng đồng thời kiểm tra đôn đốc việc thực hiện cho đúng hướng
đúng yêu cầu, tránh tình trạng xét duyệt quá chi tiết, hạn chế việc phát huy
sách kiến của cơ sở làm chậm trễ hoặc trở ngại cho việc sử dụng quỹ tiền thưởng.
II. HƯỚNG SỬ DŨNG QUỸ TIỀN THƯỞNG XÍ NGHIỆP
A. PHÚC LỢI TẬP THỂ
Thông tư 133 quy định “Phí tổn
dùng vào việc cải thiện hoặc xây dựng các sự nghiệp về văn hóa và phúc lợi cho
công nhân (như nhà ở, nhà ăn, nhà giữ trẻ, bệnh viện câu lạc bộ và những xây dựng
về thể thao thể dục…) có thể chiếm độ 50% so với số tiền thưởng xí nghiệp được
trích trong kỳ kế hoạch”.
- Việc chi tiêu về những khoản
phúc lợi nói trên hàng năm đã có dự trù theo kế hoạch Nhà nước quy định cho từng
xí nghiệp, những tình hình và yêu cầu về đời sống của mỗi đơn vị có đặc điểm
khác nhau mà khả năng quỹ Nhà nước không đủ chi tiêu; số tiền 50% tiền thưởng
dùng để bổ sung cho thích hợp. Tuy nhiên số tiền cũng có hạn mà yêu cầu còn nhiều
nên phải tập trung giải quyết có trọng điểm việc nào cấp thiết hoặc có tác dụng
cải thiện cho nhiều người thì làm trước, việc nào chưa cần thiết thì chưa làm,
không phân tán chi tiêu ra nhiều việc vụn vặt.
Thí dụ: Đơn vị ở rừng núi, xa đô
thị trước tiên cần chú trọng tổ chức việc ăn uống giải trí cho tốt. Ở những xí
nghiệp có nhiều phụ nữ có con chú trọng tổ chức và chấn chỉnh nhà giữ trẻ, vườn
trẻ tạo điều kiện cho chị em an tâm sản xuất. Các xí nghiệp có nhiều công nhân ở
xa thường xuyên phải làm ca, làm kíp thì tổ chức nghỉ trưa, tối, quán cơm lao động
v .v…
Khi sử dụng quỹ phúc lợi không
những chỉ chú ý những người ăn ở tập thể mà còn phải lưu ý đến những người ăn ở
ngoài nữa.
Tóm lại việc sử dụng quỹ phúc lợi
tập thể phải tùy hoản cảnh tính chất của mỗi xí nghiệp, tùy sự cần thiết từng
thời gian, giám đốc xí nghiệp phối hợp chặt chẽ với Công đoàn. Đoàn Thanh niên
Lao động và tranh thủ ý kiến của công nhân viên chức một cách rộng rãi mà định
kế hoạch cho sát, phải nhằm trọng tâm trọng điểm giải quyết để có tác dụng thiết
thực cải thiện đời sống cho công nhân viên chức.
B. CẢI TIẾN HOẶC BỔ SUNG THIẾT BỊ
SẢN XUẤT VÀ THIẾT BỊ AN TOÀN LAO ĐỘNG
Thông tư 133 quy định: “Phí tổn
dùng vào việc cải tiến, hoặc bổ sung thiết bị sản xuất và thiết bị an toàn lao
động chiếm độ 20% so với số tiền thưởng xí nghiệp được trích trong kỳ thực hiện
kế hoạch”
Trong kế hoạch hàng năm của xí
nghiệp, đã có dự trù khoản chi phí thiết bị sản xuất và thiết bị an toàn lao động.
Vì vậy khoản 20% được trích trong số tiền thưởng nhằm để bổ sung thêm cho dự trù
sẵn có của đơn vị, để mở rộng phạm vi thực hiện thiết bị an toàn lao động và
thiết bị sản xuất để cải thiện điều kiện lao động làm cho công nhân kịp thời cải
tiến dụng cụ đưa năng suất lên cao tạo điều kiện vựôt kế hoạch sản xuất nhiều
hơn.
Thí dụ: Trường hợp một số khoản
nào do xí nghiệp đã dự trù để cải tiến điều kiện lao động vì hoàn cảnh chung
Nhà nước không duyệt y, nay nhờ có tiền thưởng xí nghiệp cần thiết chi để thiết
bị thêm. Những công việc đột xuất không có ghi trong kế hoạch hoặc trong lúc xây
dựng theo kế hoạch thiếu tiền, nay có thể dùng số 20% tiền thưởng để chi đặng kịp
thời cải thiện điều kiện lao động cho công nhân viên chức.
Các xí nghiệp cần phát huy khả
năng sáng tạo của công nhân, động viên công nhân dùng số tiền đó mà góp phần
thêm công sức của mình để cải tiến điều kiện lao động cho được nhiều.
Mặt khác mỗi khi làm kế hoạch
không thể căn cứ vào xí nghiệp đã có khoản tiền thưởng mà không chú ý dự trù những
khoản chi phí cần thiết về thiết bị sản xuất và an toàn trong kế hoạch hàng năm.
Mỗi xí nghiệp phải căn cứ tình
hình thiết bị máy móc, điều kiện làm việc từng xí nghiệp mà có kế hoạch sử dụng
cho thích hợp không nên chỉ nặng về phần bổ sung thiết bị sản xuất mà nhẹ phần
thiết bị an toàn hoặc ngược lại.
C. CỨU TẾ TẠM THỜI
Thông tư 133 quy định; “Phí tổn
cứu tế tạm thời cho công nhân viên chức gặp khó khăn đặc biệt, không quá
15% so với số tiền thưởng xí nghiệp được trích trong kỳ thực hiện kế hoạch”.
Không đạt thành định kỳ để xét cứu tế thường xuyên, khi nào ai có khó khăn nhiều
thì người đó sẽ được đề nghị xét giúp đỡ kịp thời. Mỗi xí nghiệp để ra nội quy
sử dụng và cử ra một số người gồm có chính quyền, Công đoàn, đại biểu công nhân
để giải quyết thích đáng và kịp thời. Tùy hoàn cảnh và mức độ khó khăn của công
nhân viên, số tiền cứu tế được nhiều hay ít, có thể giải quyết bằng 2 cách: Cứu
tế và cho vay tạm.
a) Trường hợp cứu tế:
- Bản thân đau ốm dài ngày, bị
hoạn nạn, gia đình đông con gặp khó khăn thiếu việc làm và bị nợ nần nhiều.
- Gia đình vợ, chồng, con đau ốm,
sinh đẻ chết chóc mà người cán bộ, công nhân, nhân viên đã phải vay mượn nợ nần
nhiều nên gia đình quá khó khăn chật vật.
- Trong phạm vi quỹ cứu tế có
nhiều thì giúp đỡ nhiều, quỹ có ít thì giúp đỡ ít, ai có khó khăn đặc biệt sẽ
được xét trước. Đối với các anh hùng, chiến sĩ, những cán bộ, công nhân có
thành tích trong sản xuất và công tác nếu gặp khó khăn cần được ưu tiên xét
giúp đỡ kịp thời.
b) Trường hợp vay tạm
Nhằm giải quyết khi cán bộ, công
nhân, nhân viên gặp khó khăn nếu được giúp đỡ kịp thời thì sau một thời gian có
thể tự giải quyết được khó khăn và có khả năng trả lại ho cho xí nghiệp. Tuyệt
đối không cho vay để chi tiêu một cách lãng phí theo tập quán cũ như: sắm sửa
tiêu Tết quá tốn kém, ma chay giỗ kỵ hoặc cưới xin linh đình.
Tóm lại hai trường hợp: (cứu tế
và vay tạm) đều là khó khăn túng thiếu nhưng tùy tình hình đời sống công nhân của
từng xí nghiệp, quỹ cứu tế có nhiều hay ít mà sử dụng cho thích ứng nhằm giải
quyết kịp thời cho những người có khó khăn. Không quá khắt khe mà không sử dụng
đến hoặc quá dễ dãi cứ tiêu cho tiền quỹ. Cần giáo dục công nhân viên tinh thần
hữu ái giai cấp, nhường nhịn lẫn nhau, không tỵ nạnh nhau trong việc cứu tế. Nếu
không sẽ dễ phát sinh thắc mắc, ảnh hưởng đến đoàn kết trong nội bộ công nhân.
D. KHEN THƯỞNG CÁ NHÂN:
“Phí tổn dùng vào việc phát tiền
thưởng cá nhân xuất sắc, chiến sĩ thi đua và tập thể cho đơn vị gương mẫu có thể
chiếm độ 15% so với tiền thưởng xí nghiệp được trích trong kỳ kế hoạch” (Thông
tư 133-TTg)
- Quỹ tiền thưởng xí nghiệp chủ
yếu sử dụng cho các lợi ích tập thể nhưng để động viên khen thưởng kịp thời cho
cá nhân và đơn vị có thành tích trong sản xuất và công tác. Chính phủ cho trích
một phần tiền để khen thưởng cá nhân.
Thể lệ tạm thời 133-TTg quy định
cho các xí nghiệp có thể trích từng quy, nếu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất, kế
hoạch lợi nhuận và nộp lợi nhuận từng quý…Vì vậy tùy tình hình từng xí nghiệp nếu
xí nghiệp nào đã quyết toán kịp thời thì có thể tạm trích từng quý hay 6 tháng
để sử dụng.
1. Khen thưởng cá nhân từng quý
hay 6 tháng:
Việc khen thưởng lao động xuất sắc,
tổ xuất sắc từng quý hay 6 tháng sẽ theo sự hướng dẫn của Tổng liên đoàn về sơ
kết thi đua và bình bầu lao động xuất sắc.
2. Khen thưởng cuối năm:
Việc khen thưởng cuối năm sẽ căn
cứ vào thông tư số 30-LĐ-TT ngày 5-12-1958 và số 54-LĐ-TT ngày 17-17-1955 của Bộ
Lao động hướng dẫn thưởng hoàn thành kế hoạch cuối năm 1958. Các thông tư số
30-LĐ-TT và số 54-LĐ-TT đã quy định đối tượng khen thưởng, tỷ lệ, mức khen thưởng,
tổ chức liên hoan đã quy định cho những xí nghiệp quốc doanh đã bước đầu tiến tới
hạch toán kinh tế.
III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH
Chế độ khen thưởng này chỉ áp dụng
cho các xí nghiệp quốc doanh đã bước đầu hạch toán kinh tế và được trích lập quỹ
tiền thưởng xí nghiệp.
Đối với những đơn vị đã hạch
toán kinh tế nhưng không được trích lập quỹ tiền thưởng và những đơn vị chưa hạch
toán kinh tế thì chỉ được khen thưởng theo thông tư số 26-LĐ ngày 18-12-1957, của
Liên Bộ Tài chính – Lao động
Việc thực hiện quỹ tiền thưởng
xí nghiệp là một chủ trương nhằm khuyến khích việc quản lý xí nghiệp đi vào hạch
toán kinh tế. Việc sử dụng quỹ tiền thưởng xí nghiệp là do quần chúng công nhân
viên chức quyết định dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự hướng dẫn của Công
đoàn. Vậy các xí nghiệp cần làm cho toàn thể công nhân viên chức thấu triệt
chính sách và nguyên tắc tiền thưởng này, khi tiến hành cần làm đúng đường lối
quần chúng vì quan hệ thiết thân đến quần chúng, nó có tác dụng gây phấn khởi,
động viên tinh thần tích cực thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất.
Thông tư chỉ giải thích và hướng
dẫn những điểm chính về nguyên tắc và hướng dẫn sử dụng quỹ tiền thưởng. Đề nghị
các Bộ,các Ủy ban Hành chính địa phương căn cứ vào địa điểm của mỗi ngành, mỗi
xí nghiệp mà có kế hoạch hướng dẫn cụ thể sát hoàn cảnh hơn cho các cơ sở thi
hành. Trong khi thi hành nếu gặp những mắc mứu khó khăn, yêu cầu các ngành, các
Ủy ban Hành chính các xí nghiệp phản ảnh cho Thủ tướng phủ và Bộ Lao động để kịp
thời bổ sung cho thể lệ tạm thời thời 133-TTg của Thủ tướng phủ và thông tư
này.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Nguyễn Văn Tạo
|