BỘ
Y TẾ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
03-BYT/TT
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1962
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC HIỆN CÔNG
TÁC TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐI ĐIỀU DƯỠNG Ở CÁC ĐIỀU DƯỠNG LẠCH TRAY (HẢI
PHÒNG), CỬA LÒ (NGHỆ AN)
Kính gửi:
|
- Các Bộ và cơ quan ngang Bộ,
- Các Ủy ban, Ban, các đoàn thể trung ương,
- Tổng công đoàn Việt nam,
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
- Các Sở, Ty Y tế,
- Các bệnh viện trung ương và địa phương,
- Các bệnh viện xí nghiệp, công trường.
|
Để giải quyết nhu cầu cho
các cán bộ, công nhân, viên chức bị bệnh kinh niên, mãn tính và các thể bệnh
khác sau khi được điều trị tại các bệnh viện đã hết thời gian cấp tỉnh hay ở cơ
quan mà cơ thể bị suy nhược không thể sản xuất, công tác được cần phải điều trị,
nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe thêm một thời gian nữa; dựa vào cơ sở hiện có,
sau khi đã thỏa thuận với Liên bộ Nội vụ, Lao động, Tài chính và Tổng công đoàn
Việt Nam.
Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chế độ và thể thức đi điều dưỡng như sau:
I. TIÊU CHUẨN VÀO ĐIỀU DƯỠNG
a) Được vào điều dưỡng: tất cả cán bộ, công nhân,
viên chức hiện công tác trong các cơ quan nhà nước mà được hưởng chế độ chính
sách bảo hiểm xã hội.
b) Về bệnh tật: được vào điều dưỡngk hi
có các thể bệnh:
- Cơ thể suy nhược sau khi bị bệnh
cấp tính đã chữa khỏi, cần tiếp tục điều trị, nghỉ ngơi để bồi dưỡng thêm sức
khỏe.
- Các bệnh kinh niên, mãn tính sức
khỏe bị suy nhược cần điều trị và bồi dưỡng để nâng thêm lên một mức nhất định.
c) Không nhận vào điều dưỡng những thể bệnh và các loại bệnh
sau đây:
- Những bệnh không thể chữa được
hay đã thành cố tật.
- Những thể bệnh tiên lượng quá
xấu, triển vọng không thể cứu chữa được.
- Những bệnh tính thần kinh có
lên cơn đập phá hoặc mất trí.
- Những thể bệnh lây đang thời kỳ
tiến triển, chưa ổn định.
- Những bệnh bại liệt không đi lại
được.
- Những bệnh sau khi đã được điều
trị tại các bệnh viện, bệnh xá, cơ quan, xí nghiệp mà chỉ cần nghỉ ngơi bồi dưỡng
dưới 1 tháng thì nên giải quyết nghỉ dưỡng ở gia đình hoặc ở cơ quan.
II. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG, BỒI DƯỠNG, THUỐC MEN
a) Thuốc men:
Thuốc dự trù trung bình mỗi ngày
cho một bệnh nhân là 0đ60, cơ quan của bệnh nhân trả theo thực chi dùng cho bệnh
nhân.
b) Mức ăn và bồi dưỡng:
Vẫn áp dụng như hiện nay. Khi
nào chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội ban hành thì sửa đổi theo quy định của bảo
hiểm xã hội.
III. THỂ THỨC GIỚI THIỆU BỆNH NHÂN
a) Trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện:
Bệnh viện trưởng xét bệnh nhân
là cán bộ, công nhân, viên chức hiện công tác trong các cơ quan nhà nước mà được
hưởng chế độ chính sách bảo hiểm xã hội đang điều trị tại bệnh viện còn một
trong các loại bệnh quy định ở múc I điểm b cần điều dưỡng thì bệnh viện đề nghị
phải kèm đủ giấy tờ như sau:
1. Tóm tắt bệnh án, phiếu
điều trị, xét nghiệm, điện quang và kết luận bệnh trạng hiện nay.
2. Giấy đề nghị của cơ
quan có bệnh nhân phải nói rõ bậc lương, số tiền lương chính hiện tại và bảo đảm
thanh toán các khoản viện phí do Bộ Y tế quy định.
b) Trường hợp bệnh ở cơ quan, xí nghiệp nông trường:
- Cán bộ, công nhân, viên chức bị
ốm đau không cần đi bệnh viện chỉ cần điều dưỡng, thì cơ quan, xí nghiệp nông
trường giới thiệu bệnh nhân đến các phòng khám bệnh của các Sở, Ty Y tế hay Hội
đồng giám định y khoa xét, nếu đúng tiêu chuẩn bệnh tật thì phải làm đủ thể thức
giấy tờ đã quy định trên.
Cả hai trường hợp (a và b) đã
làm đủ giấy tờ thì các Sở, Ty Y tế giới thiệu trực tiếp với các cơ sở điều dưỡng
trước, đợi khi nào có giấy báo nhận của các điều dưỡng đường mới được gửi bệnh
nhân đến.
Ngoài ra có số bệnh nhân thuộc
vào trường hợp đặc biệt do Bộ Y tế trực tiếp giới thiệu cũng phải đầy đủ những
thể thức như đã quy định trên.
c) Quy định địa điểm điều dưỡng:
Căn cứ số giường từng cơ sở, hợp
lý tương đối việc đi lại, Bộ quy định như sau:
1. Điều dưỡng đường Lạch
Tray, Hải Phòng:
Thu nhận các bệnh nhân khu Hồng
quảng, thành phố Hải Phòng, Hà Nội (kể cả các cơ quan, xí nghiệp), Khu Tự trị
Thái Mèo, Khu Tự trị Việt Bắc; các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng,
Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái Hải Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc
Ninh, Sơn Tây, Phú Thọ, Kiến An, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.
2. Điều dưỡng đường Cửa Lò,
Nghệ An:
Thu nhận các bệnh nhân các tỉnh
Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình và khu vực Vĩnh Linh.
Trường hợp nếu điều dưỡng đường
Lạch tray hết giường bệnh nhân thuộc các tỉnh quy định trên, thì cơ quan có bệnh
nhân liên hệ để đưa bệnh nhân vào điều dưỡng đường Cửa Lò, Nghệ An.
Vì hiện nay chúng ta chỉ mới tổ
chức được hai cơ sở điều dưỡng đành phải quy định theo địa dư, nhưng có số tỉnh
phải đi xa chưa hợp lý lắm.
3. Trong lúc điều dưỡng, nếu
bệnh cần phải cấp cứu bệnh cũ tái phát nặng hoặc những bệnh quá khả năng điều
trị của cơ sở điều dưỡng thì:
- Bệnh viện Việt - Tiệp có trách
nhiệm thu nhận và điều trị những bệnh nhân của điều dưỡng đường Lạch Tray.
- Bệnh viện Vinh có trách nhiệm
thu nhận và điều trị những bệnh nhân của điều dưỡng đường Cửa Lò.
Đối với những trường hợp chưa cần
đưa đi bệnh viện thì để lại điều dưỡng để điều trị nên tranh thủ sự giúp đỡ của
bệnh viện về các mặt chẩn đoán, xét nghiệm, hướng điều trị v.v…
IV. THỂ THỨC THANH TOÁN ĐIỀU DƯỠNG PHÍ
- Khi vào điều dưỡng, bệnh nhân
phải nạp tiền ăn đến cuối tháng.
- Phần cơ quan hàng tháng điều
dưỡng đường tính theo thực chi (tiền thuốc, bồi dưỡng) báo cho cơ quan, xí nghiệp,
nông trường có bệnh nhân biết số nợ để chuyển trả cho tài khoản của các điều dưỡng
đường.
V. BỆNH NHÂN RA VIỆN
Thời gian điều dưỡng và xuất viện
tùy thuộc bác, y sĩ hoặc Hội đồng giám định y khoa ấn định khi giới thiệu bệnh
nhân đến điều dưỡng; nếu trường hợp phải kéo dài thời gian phải được Hội đồng
giám định y khoa quyết định phương hướng giải quyết.
Khi bệnh nhân ra Viện phải có nhận
xét về sức khỏe, bệnh trạng, v.v… gửi về cơ quan bệnh nhân để theo dõi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày
01 tháng 03 năm 1962. Những điều khoản quy định về điều dưỡng trước đây trái với
thông tư này đều bãi bỏ.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
Y TẾ
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
|