VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 76/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm
2000
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa
Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sáng ngày 27 tháng 5 năm 2000,
tại Trụ sở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có
buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đánh giá
tình hình phối hợp công tác giữa hai bên trong thời gian qua, đồng thời bàn biện
pháp để giải quyết các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng dự
buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan: Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào
tạo, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân vận TW, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Đổi mới
quản lý doanh nghiệp TW.
Sau khi nghe đồng chí Cù Thị Hậu, Chủ tịch Đoàn
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo về phong trào công nhân, viên
chức, lao động cũng như các hoạt động của Công đoàn cả nước và lãnh đạo các Bộ,
cơ quan liên quan phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận như sau:
I - CÁC VẤN ĐỀ CHUNG:
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
và tổ chức Công đoàn các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục công
nhân, viên chức và người lao động; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước
thiết thực, có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã
hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và
hoan nghênh sự đóng góp to lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đánh giá
cao kết quả phối hợp hoạt động giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chính
phủ trong thời gian qua.
Hiện nay, khó khăn và thách thức còn nhiều, đòi
hỏi chúng ta phải ra sức phát huy nội lực, ngăn chặn bằng được đà giảm sút tốc
độ tăng trưởng
kinh tế và phấn đấu để năm 2000 đạt thành tích
cao hơn năm 1999. Phải tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để tăng khả
năng cạnh tranh của nền kinh tế; chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển
nhân tài, giải quyết việc làm, tăng mức thu nhập cho các tầng lớp dân cư, thực
hiện tốt chương trình xoá đòi giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; đấu
tranh quyết liệt chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, đồng thời phải giữ vững ổn
định chính trị - xã hội, bảo đảm môi trường an ninh, trật tự và kỷ cương trong
xã hội. Trong những nhiệm vụ đó, tổ chức Công đoàn có vai trò và vị trí đặc biệt
quan trọng. Chính phủ mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt
chẽ hơn nữa với các cơ quan của Chính phủ, đề ra những chương trình và biện
pháp cụ thể về giáo dục, đào tạo, nâng cao giác ngộ chính trị, trình độ văn
hoá, tay nghề nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân với quy mô và chất
lượng ngày càng cao, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp
hoá và hiện đại hoá đất nước. Công đoàn các cấp cần có phương thức hoạt động
thiết thực, phù hợp với tình hình mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động về mọi
mặt, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp và ý chí của dân tộc trong sự nghiệp
phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
II/ VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM :
1. Về chế độ nghỉ dưỡng sức, phục
hồi sức khoẻ cho người lao động.
Việc bổ sung chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức
khoẻ cho người lao động là cần thiết, nhưng phải đúng đối tượng. Giao Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt
Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan khẩn
trương hoàn chỉnh đề án để trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đề nghị nâng tuổi nghỉ
hưu đối với lao động nữ.
Về cơ bản, thực hiện theo các quy định của Bộ Luật
Lao động và các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đối với một số chức
danh trong khu vực hành chính sự nghiệp có thể vận dụng nâng tuổi nghỉ hưu của
nữ giới lên 60 tuổi bằng nam giới nhằm sử dụng tối đa tri thức và kinh nghiệm của
lao động nữ, theo một cơ chế phù hợp, nhưng phải trên nguyên tắc người lao động
tự nguyện, cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, các ngành chức năng và Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành chế độ này.
3. Về một số chính sách liên
quan đến lao động và việc làm.
3.1. Việc xử lý số lao động dôi dư trong quá
trình sắp xếp, đổi mới quản lý doanh nghiệp Nhà nước là một trong những vấn đề
bức xúc cần phải giải quyết. Về nguyên tắc, Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính
sách giải quyết thoả đáng cho số lao động dôi dư do quá trình sắp xếp lại sản
xuất của doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề này sẽ được xử lý trong quá trình thực
hiện đề án tổng thể của Chính phủ về việc sắp xếp lại quản lý doanh nghiệp Nhà
nước.
3.2. Về chính sách đào tạo lao động, công nhân kỹ
thuật cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đây là vấn đề rất quan trọng, cần khuyến khích
các ngành và địa phương cùng thực hiện. Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ ban hành trong
tháng 6 năm 2000 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động và
Luật Giáo dục về lĩnh vực dạy nghề; trình Chính phủ xét duyệt trong Quý IV/2000
Quy hoạch tổng thể mạng lưới các cơ sở dạy nghề, trong đó có cơ sở dạy nghề của
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thủ tướng C hính phủ nhất trí với Tổng Liên đoàn
lao động Việt Nam về việc cần củng cố Trường Đại học Công đoàn và hai trường
Công đoàn ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội
và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hỗ trợ kinh phí đầu tư cho Trường Công
đoàn Hà Nội.
3.3. Về chính sách cho các Trung tâm dịch vụ việc
làm của Công
đoàn.
Về nguyên tắc, chính sách, chế độ đối với Trung
tâm dịch vụ việc làm, trong đó có các Trung tâm dịch vụ việc làm của Công đoàn
là thống nhất. Riêng biên chế của các Trung tâm dịch vụ việc làm của Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam do Ban Tổ chức Trung ương quyết định. Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam làm việc cụ thể với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Cán bộ
Chính phủ để giải quyết.
3.4. Về các tổ chức xuất khẩu lao động của Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Xuất khẩu lao động là một chính sách quan trọng
nhằm góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Giao Bộ Lao động Thương
binh và Xã hội làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xem xét cụ thể
các kiến nghị của Tổng Liên đoàn trên cơ sở các quy định của Nhà nước về xuất
khẩu lao động.
4. Về cơ chế phối hợp, tăng cường
thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.
4.1. Về công tác bảo hộ lao động. Bảo đảm an
toàn, vệ sinh lao động đang là vấn đề bức xúc, đòi hỏi các cơ quan chức năng của
Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tích cực hơn nữa trong việc
kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Giao Bộ Lao động Thương binh
và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các
Bộ, ngành liên quan rà soát lại các quy chế; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm
tra an toàn - vệ sinh lao động, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, phấn
đấu trong vài năm tới giải quyết bằng được vấn đề an toàn lao động. Chính phủ
mong có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các tổ chức công đoàn trong nhiệm vụ
này.
4.2. Về việc thành lập Hội đồng quốc gia về Bảo
hộ lao động.
Giao Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành hữu quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề
án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III/2000.
5. Về chính sách đối với các
nhà văn hoá Lao động của Công đoàn.
Nhìn chung, hiệu quả quản lý và sử dụng hệ thống
các nhà văn hoá, trong đó có các nhà văn hoá của các tổ chức Công đoàn còn thấp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá -Thông tin và Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng đề án quy hoạch và sắp xếp
lại hệ thống các nhà văn hoá lao động, từng bước thực hiện chính sách xã hội
hoá theo tinh thần Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến
khích xã hội hoá đối với các hoạt động y tế, văn hoá, thể thao nhằm phục vụ tốt
hơn nhu cầu văn hoá của công nhân, viên chức và người lao động. Đối với một số
nhà văn hoá lớn có liên quan đến quan hệ quốc tế, sau khi sắp xếp và chấn chỉnh
quản lý mà vẫn không tự trang trải được kinh phí thì Bộ Tài chính làm việc với
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét từng trường hợp cụ thể để có sự hỗ trợ
một phần kinh phí giúp họ vượt qua khó khăn, tiến tới tự trang trải.
6. Về vai trò đại diện của tổ
chức Công đoàn trong Hội đồng quản trị doanh nghiệp.
Để phát huy quyền giám sát và thực hiện dân chủ
cơ sở của tổ chức Công đoàn, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận đề nghị của Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam về đại diện của tổ chức công đoàn là thành viên Hội đồng
quản trị trong các doanh nghiệp Nhà nước có Hội đồng quản trị và trong các Công
ty được cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp
TW, các Bộ, ngành hữu quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu sửa đổi,
bổ sung Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan
trình Quốc hội trong năm 2001.
7. Về đề nghị các cấp Chính quyền
hỗ trợ thêm kinh phí, ngân sách cho hoạt động của các cấp Công đoàn.
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam và tổ chức Công đoàn các cấp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn kinh
phí công đoàn 2% trích từ quỹ lương. Trường hợp do yêu cầu của nhiệm vụ, cần có
sự hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách thì tổ chức công đoàn làm việc cụ thể
với cơ quan tài chính cùng cấp xem xét giải quyết. Bộ Tài chính thống nhất với
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có văn bản hướng dẫn các ngành, các cấp thực
hiện.
8. Về đề nghị Chính phủ giành
cho mỗi doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài một định suất lương
cho cán bộ công đoàn chuyên trách.
Để bảo vệ quyền lợi người lao động trong các
doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, nhất thiết phải thành lập tổ
chức Công đoàn tại doanh nghiệp. Đây là tổ chức hợp pháp duy nhất, đại diện cho
người lao động ở các cơ sở này. Về nguyên tắc, chi phí hoạt động của tổ chức
công đoàn do tập thể người lao động tự nguyện đóng góp và đề nghị các doanh nghiệp
hỗ trợ. Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mỗi doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu
tư nước ngoài và mỗi doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn một định biên làm công tác
công đoàn. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ,
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản hướng dẫn để thực hiện.
9. Về Chính sách bảo hiểm thất
nghiệp.
Đây là chính sách quan trọng cần hình thành sớm.
Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các
ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và
trình Chính phủ hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền
lợi của người lao động. Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dự án Pháp
lệnh Bảo hiểm thất nghiệp.
10. Về chính sách nhà ở cho
công nhân, viên chức, lao động có thu nhập thấp ở đô thị và khu công nghiệp.
Đây là một phần trong chính sách nhà ở nói chung
mà Chính phủ đã có chủ trương. Tuy vậy, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng và Uỷ
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW triển khai chủ trương này còn rất
chậm. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các UBND địa
phương cấp tỉnh, các trung tâm công nghiệp, đặc biệt là thành phố Hà Nội, triển
khai nhanh chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động có
thu nhập thấp ở đô thị và các khu công nghiệp. Cần nghiên cứu và nhân rộng các
mô hình tốt trong việc giải quyết nhà ở của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở những vấn đề đã nhất trí trong hội
nghị này, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ
có liên quan khẩn trương triển khai các công việc thuộc trách nhiệm Bộ, ngành
mình phụ trách. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn
chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ngành chức năng có chương trình
hành động cụ thể nhằm thực hiện tốt các vấn đề đặt ra và phối hợp với Văn phòng
Chính phủ trong việc giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ,
ngành, địa phương và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện./.
Nơi nhận:
-Thường vụ BCT,
-TTg, các PTTg,
- Tổng liên đoàn Lao động VN
- Ban Dân vận TW,
-Các Bộ,cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ,
-HĐND,UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW,
-VPCP, BTCN, các PCN,
-Các Vụ, Cục và các đơn vị trực thuộc,
-Lưu:QHQH(3),VT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP
PHÓ CHỦ NHIỆM
Vũ Đình Thuần
|