Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 681/LĐTBXH-TTr Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Trần Trung Dũng
Ngày ban hành: 20/02/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 681/LĐTBXH-TTr

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG CHẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRONG NĂM 2007.

Trong năm 2007 các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã xảy ra 89 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 89 người, làm bị thương 6 người, giảm 10 vụ tai nạn lao động chết người so với năm 2006 (giảm 10%).

Phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động: có 28/89 vụ do thiết bị không đảm bảo an toàn (chiếm tỷ lệ 22,47%); 19/89 vụ do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 21,35%); 15/89 vụ do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 16,85%); 8/89 vụ do điều kiện làm việc không an toàn (chiếm tỷ lệ 9%); 5/89 vụ do không có phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm tỷ lệ 5,62%); 5/89 vụ do người lao động bất cẩn trong khi làm việc (chiếm tỷ lệ 5,62%); 3/89 vụ do không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm tỷ lệ 3,37%); 2/89 vụ do không được huấn luyện (chiếm tỉ lệ 2,24%), 4/89 vụ do các nguyên nhân khác (chiếm tỉ lệ 4,5%). So với năm 2006 số vụ do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn tăng 72,7% (19/11 trường hợp), số vụ do thiết bị không bảo đảm an toàn giảm 24,3% (28/37 trường hợp), số vụ do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn toàn giảm 31,8% (15/22 trường hợp).

Phân tích theo yếu tố gây tai nạn lao động: do yếu tố điện: 32/89 vụ (chiếm tỷ lệ 35,95%); ngã từ trên cao 22/89 vụ (chiếm tỉ lệ 24,72%); do vật rơi, đổ 9/89 vụ (chiếm tỉ lệ 10,1%); do máy cuốn, ép 9/89 vụ (chiếm tỉ lệ 10,1%); do vật văng, bắn 5/89 vụ (chiếm tỉ lệ 5,62%); do ngạt nước 4/89 vụ (chiếm tỉ lệ 4,5%); do thiết bị nâng 3/89 vụ (chiếm tỉ lệ 3,37%); do các yếu tố khác 5/89 vụ (xe cán, cháy nổ hóa chất, nổ thiết bị áp lực, sét đánh - chiếm tỉ lệ 5,7%). So với năm 2006 số vụ do yếu tố điện giảm 15,8% (32/38 trường hợp), số vụ do ngã cao giảm 15,4% (22/26 trường hợp), số vụ do máy cuốn, ép tăng 80% (9/5 trường hợp). Có 15/89 (chiếm tỷ lệ 16,85%) vụ tai nạn lao động chết người liên quan đến thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (14 vụ có liên quan đến thiết bị nâng, 1 vụ có liên quan đến thiết bị áp lực).

Phân tích theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: doanh nghiệp hoạt động xây dựng có 43 trường hợp (chiếm tỷ lệ 48,3%), sản xuất công nghiệp có 17 trường hợp (chiếm tỷ lệ 19,1%), cơ sở dịch vụ, trường học, vận tải có 16 trường hợp (chiếm tỷ lệ 17,9%); cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp 13/89 (chiếm tỷ lệ 14,6%). So với năm 2006, tai nạn lao động chết người trong hoạt động xây dựng giảm 17,3% (43/52 trường hợp), trong hoạt động sản xuất giảm 6% (30/32 trường hợp), trong lĩnh vực dịch vụ tăng 6,7% (16/15 trường hợp).

Phân tích theo loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH có 37/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 41,6%), Công ty cổ phần 24/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 27%); cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh có 13/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 14,6%); Công ty TNHH Một thành viên có 4/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,5%); doanh nghiệp có vốn nước ngoài 4/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,5%); doanh nghiệp tư nhân, hơp tác xã có 4 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,5%); trường học, nhà hàng có 3/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,4%). Doanh nghiệp trong Các Khu chế xuất, khu công nghiệp có 8/89 trường hợp, tăng 3 trường hợp so với năm 2006.

Phân tích số liệu thống kê các vụ tai nạn lao động chết người cho thấy:

- Trong hoạt động xây dựng tai nạn lao động chết người có giảm so với năm 2006 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yếu tố gây mất an toàn lao động (ngã cao từ giàn giáo, sàn thao tác; sập đổ giàn giáo, giàn chống đổ bê tông; điện giật do máy trộn bê tông, do máy khoan đục bê tông, do hệ thống điện trên công trường, do các tời nâng thủ công …);

- Trong sản xuất công nghiệp, sản xuất cơ khí do máy móc thiết bị không đảm bảo an toàn; một số máy móc tự chế không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn (máy ó keo, máy nâng chuyển hàng, tời nâng thủ công…), sử dụng các máy cầm tay, máy khoan đục bê tông, máy bơm, … không đảm bảo an toàn về điện. Lưu ý yếu tố gây tai nạn lao động do điện giật là rất cao, khi di chuyển máy, thiết bị điện nhưng không cắt điện, do sử dụng máy hàn nhưng trang bị kìm hàn tự chế; yếu tố do ngạt nước khi di chuyển, làm việc trên sông nước không được trang bị áo phao, làm việc trong hầm kín không có phương án làm việc an toàn, không thông gió, không có phương tiện cứu hộ phù hợp; do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm quy trình biện pháp làm việc an toàn, bất cẩn trong khi làm việc…

- Trong loại hình doanh nghiệp tư nhân (CT TNHH, CTCP, DNTN, Hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất…) hầu hết các trường hợp tai nạn lao động người sử dụng lao động thiếu sự hiểu biết về pháp luật lao động, không có bộ máy bảo hộ lao động, không tổ chức tự kiểm tra trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Liên tịch Bộ Lao động –TBXH – Bộ Y tế- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Trong kỳ báo cáo năm 2007 chỉ có 534 đơn vị, cơ sở (trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố phải báo cáo thống kê tai nạn lao động định kỳ theo quy định của nhà nước) có báo cáo định kỳ về tai nạn lao động năm 2007 cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin thông báo đến các Sở Ngành, quận huyện, các doanh nghiệp tình hình tai nạn lao động trong năm 2007 và đề nghị các đồng chí thủ trưởng các Sở, Ngành thành phố, UBND Quận - Huyện, các Tổng Công ty, cơ quan quản lý cấp trên doanh nghiệp thực hiện các nội dung sau đây:

1. Phối hợp tuyên truyền thông tin về tình hình tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố trong năm 2007 đến các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhân dịp Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ năm 2008 (từ 16/03/2008 đến 22/03/2008) để rút kinh nghiệm phòng chống tai nạn lao động, sự cố sản xuất; chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp trong phạm vi quản lý rà soát kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện AT-VSLĐ-PCCN tổ chức thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, chấp hành đúng các quy định pháp luật của nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, công tác phòng chống cháy nổ.

2. Đề nghị các Sở, Ngành thành phố, UBND Quận - Huyện, các Tổng Công ty, cơ quan quản lý cấp trên doanh nghiệp tăng cường hoạt động kiểm tra AT-VSLĐ-PCCN đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; tập trung kiểm tra về an toàn điện, an toàn lao động trong xây dựng; kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

3. Tăng cường hoạt động huấn luyện cho đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, các cơ sở sản xuất cơ khí, ép nhựa, các cơ sở có sử dụng hàn điện, các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng thiềt bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động (vận thăng, tời nâng hàng, nồi hơi, chai chứa khí nén, bình chịu áp lực…) theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ Lao động TBXH. Kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc các đơn vị cá nhân để xảy ra tai nạn lao động.

4. Phổ biến và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Liên tịch Bộ Lao động –TBXH – Bộ Y tế- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra về AT-VSLĐ trong phạm vi doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra máy, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc đảm bảo cho người lao động làm việc trong môi trường an toàn; xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn và hướng dẫn cho người lao động thực hiện.

5. Định kỳ (6 tháng và 1 năm) báo cáo về bảo hộ lao động, báo cáo tai nạn lao động về Sở Lao động TBXH theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Liên tịch Bộ Lao động –TBXH – Bộ Y tế- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08/03/2005 của Liên Bộ Lao động TBXH – Bộ Y tế – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về khai báo, điều tra thống kê báo cáo định kỳ tai nạn lao động.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH; “để b/c”
- TT.UBND/TP; VP.UBND TP “để b/c”
- Các sở ban ngành TP,TW; “để phối hợp”
- UBND quận, huyện; “để phối hợp”
- Ban QL KCX-KCN; “để phối hợp”
- Các TCT, CT; “để phối hợp”
- Các báo, đài; “để phối hợp thông tin”
- Lưu.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC




Trần Trung Dũng

 

PHỤ LỤC:

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP TAI NẠN LAO ĐỘNG CHẾT NGƯỜI, SỰ CỐ THIẾT BỊ NGHIÊM TRỌNG XẢY RA TRONG NĂM 2007

1. Lúc 12 giờ 25 phút ngày 06/01/2007 tại Công ty TNHH SX-TM L.H.T, (quận.Gò Vấp) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Nguyễn Tuấn Kiệt (1982). Diễn biến: Công ty L.H.T hoạt động sản xuất giấy. Công nhân Kiệt có nhiệm vụ cho giấy vào miệng cối nghiền. Công nhân Kiệt thấy máy bơm nước vào cối nghiền hụt nước nên đến máy bơm dự định mồi nước. Khi đi ngang qua thùng lọc dù của máy xeo giấy, công nhân Kiệt chạm vào thùng inox và bị điện rò từ moteur điều khiển cánh khuấy giật dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: hệ thống điện phục vụ sản xuất không đảm bảo an toàn, thiết bị moteur điện không được nối đất, nối không để phát hiện dòng điện rò.

2. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 15/01/2007 tại hộ kinh doanh cá thể BTV (quận 8) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Bùi Văn Trung (1977). Diễn biến: Cơ sở BTV sản xuất bún tươi, công nhân Giang phụ trách máy xay gạo thành bột, công nhân Trung phụ việc. Đến 10 giờ 30 phút ngày 15/01/2007, khi công nhân Trung đang vận hành máy xay gạo thì bị điện giật dẫn đến tử vong. Khám nghiệm hiện trường cho thấy tại hộp nối dây điện của moteur có 1 sợi dây điện do quấn băng keo không kín nên lộ ra lõi dây đồng chạm vào vỏ moteur gây rò điện. Nguyên nhân: Hệ thống điện thiết bị máy xay gạo không an toàn, moteur được nối đất nhưng không đúng kỹ thuật, không có tác dụng cắt điện khi có dòng điện rò ra vỏ moteur.

3. Lúc 5 giờ 10 phút ngày 26/01/2007 tại xưởng sản xuất của Công ty K.VN (quận Thủ Đức) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Nguyễn Văn Thêu (1982) là công nhân bộ phận cơ khí 1. Diễn biến: Công nhân Thêu được phân công nhiệm vụ vận hành máy dập (450 tấn) tạo hoa văn trên sản phẩm cán dao inox trong ca làm việc từ 20 giờ 00' ngày 25/01/2007 đến 4 giờ 00' ngày 26/01/2007, sau đó được bố trí tăng ca từ 4 giờ 00' đến 6 giờ 30'. Lúc 5 giờ 10' ngày 26/01/2007, trong lúc đưa phôi vào khuôn máy dập do sơ ý, công nhân Thêu để phôi nằm không đúng vị trí giữa tâm khuôn dập làm phôi bị đứt và văng trúng bụng công nhân Thêu gây tai nạn. Nguyên nhân: công nhân vi phạm quy trình hướng dẫn vận hành máy dập do giám đốc công ty ban hành.

4. Lúc 4 giờ 30 phút ngày 07/03/2007 tại CTLD PA (quận Bình Tân) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Đinh Văn Ưng (1987). Diễn biến: nhóm công nhân gồm 04 người sử dụng tời nâng móc vào một thùng thép để chuyển phôi bánh lên lầu, đến chuyến thứ 3, khi kéo xe ra thì bánh xe bị kẹt vào khe hở giữa sàn và thùng sắt. Công nhân Ưng vào đẩy xe ra thì thùng sắt bị rời khỏi móc của tời nâng nên rơi xuống đất, làm cho công nhân Ưng bị kẹt đầu vào giữa vách và thùng sắt dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: Thiết bị tời nâng tự chế, không được kiểm định kỹ thuật an toàn, không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn.

5. Lúc 13 giờ 45 phút ngày 07/03/2007 tại lầu 7 Công trình xây dựng Lô B Chung cư Bàu Cát 2, thuộc phường 10 quận Tân Bình, xảy ra vụ tai nạn ngã cao làm chết anh Nguyễn Văn Hải (1975) là công nhân của XN XLCT 2 (quận Tân Bình). Diễn biến: Vào lúc 13 giờ 30' ngày 07/3/2007, 02 công nhân Nguyễn Văn Hải và Trần Văn Đỉnh được phân công làm sơn nước trong phòng khu vực lầu 7 tại công trình. Các anh Hải và Đỉnh sử dụng sàn thao tác cao 0,9 mét để thi công. Sàn được đặt trên đống gạch, gần khu vực giếng trời. Sau khi lắp xong sàn thao tác, công nhân Hải trèo lên sàn, sơ ý té lọt qua khoảng trống của giếng trời rơi xuống đất từ độ cao 22 mét dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: không có biện pháp thi công an toàn gần khu vực giếng trời, mép sàn tầng; giếng trời không có lưới bảo vệ chống người, vật rơi.

6. Lúc 14 giờ 00 phút ngày 13/03/2007 tại công trình xây dựng nhà số 14 đường Phan Tôn, phường Đa Kao quận 1, xảy ra vụ điện giật làm chết anh Lê Đăng Sáng (1969) là công nhân của Công ty TNHH TV-ĐT-XD AQA (quận 3). Diễn biến: Công trình xây dựng nhà số 14 Phan Tôn đang thực hiện phá dỡ nền đất cũ để thi công phần hầm, móng. Công nhân Sáng sử dụng 01 máy khoan đục bê tông để khoan phá bê tông nền. Trong khi đang làm thì công nhân Sáng la lên, có người phát hiện chạy đi cúp điện và đưa Sáng đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Công nhân Sáng chết vào lúc 0 giờ 37 phút ngày 19/3/2007 tại nhà riêng. Nguyên nhân: máy khoan đục bê tông không đảm bảo độ cách điện, rò điện ra vỏ máy gây điện giật làm chết công nhân Sáng; hệ thống điện trên công trường không có biện pháp chống rò điện ngăn ngừa tai nạn lao động.

7. Lúc 13 giờ 45 phút ngày 20/03/2007 tại công trình xây dựng số 44 đường 14, ấp Bình Khánh 3 P.Bình An Quận 2, xảy ra vụ điện giật làm chết anh Nguyễn Xuân Hưởng (1985) là công nhân của Công ty TNHH THP (quận Phú Nhuận). Diễn biến: Công nhân Hưởng cùng công nhân Lắm sử dụng máy khoan đục bê tông để phá bê tông hố móng. Trong quá trình làm việc công nhân Hưởng kêu lên, công nhân Lắm chạy đi cúp điện, công nhân Hưởng bò lên gần miệng hố thì bị ngã trở xuống. Các công nhân làm chung chuyển Hưởng đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện. Nạn nhân chết trước khi nhập viện. Nguyên nhân: máy khoan đục bê tông không đảm bảo độ cách điện, rò điện ra vỏ máy gây điện giật làm chết công nhân Hưởng; hệ thống điện trên công trường không có biện pháp chống rò điện ngăn ngừa tai nạn lao động.

8. Lúc 13 giờ 20 phút ngày 24/03/2007 tại Hộ KD cá thể NTN (quận Tân Bình) xảy ra vụ tai nạn làm chết công nhân Trần Thị Hạnh (1984). Diễn biến: có khách hàng đặt làm 20 cái bánh cốm, người làm công tên Hạnh lấy cốm nguyên liệu và đường cho vào chảo để nấu. Chị Hạnh đi bật công tắc điện để khuấy nguyên liệu, do sơ ý chị Hạnh bị té vào trong chảo khuấy dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: Thiết bị chảo khuấy bánh cốm không đảm bảo an toàn an toàn: không có cơ cấu ngăn ngừa người, vật rơi vào trong chảo; vi trí mặt bằng đặt máy chật hẹp, khó thao tác bật công tắc điện.

9. Lúc 9 giờ 40 phút ngày 24/03/2007 tại công trình xây dựng Chung cư cao cấp A VIEW, xã Phong Phú huyện Bình Chánh, xảy ra vụ ngã cao làm chết anh Lâm Thanh Hải (1983) là công nhân của CTCP KT XD AP (quận 10). Diễn biến: công trình xây dựng A-VIEW đang thi công coffa đổ bê tông sàn tầng 9. Công trình có lắp 1 sàn thao tác giữa giếng trời tại tầng 7 để chứa vật tư để chờ cần cẩu chuyển lên sàn tầng phía trên. Sàn thao tác được lót bằng các tấm coffa nhựa. Công nhân Hải trong khi chuyển đồ từ sàn tầng 7 ra sàn thao tác thì bị té từ tầng 7 xuống tầng 1 chết tại chỗ. Nguyên nhân: Giá đỡ, sàn thao tác không có thiết kế, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khi đưa vào sử dụng không được kiểm tra, nghiệm thu: để hình thành các lỗ kỹ thuật giữa sàn thao tác và sàn tầng, không có biện pháp che chắn chống vật rơi tại các lỗ trống kỹ thuật, giếng trời; không có các biển báo hiệu, cảnh báo cho người lao động biết tại các khu vực nguy hiểm có nhiều nguy cơ ngã cao.

10. Lúc 15 giờ 50 phút ngày 30/03/2007 tại công trình xây dựng, số 357 Lê Văn Lương, P.Tân Quy Quận 7, xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết anh Nguyễn Hoàng Minh Thông (1984) là công nhân của CTCP xây dựng HĐ (quận 10). Diễn biến: chiều ngày 30/3/2007, ba công nhân Thông, Dương, Vũ thi công chống thấm và vệ sinh hồ nước khu vực hầm để xe tại khối nhà blok A. Sau khi làm xong, các công nhân dùng một móc sắt để kéo ghế sắt lên đồng thời kéo bộ đèn chiếu sáng lên nhưng không cắt điện. Khi đang thực hiện thì 02 công nhân Dương, Vũ bị điện giật liền buông ghế ra, Vũ rút dây điện của bóng đèn ra khỏi ổ cắm và phát hiện công nhân Nguyễn Hoàng Minh Thông bị điện giật nằm bất tỉnh, đưa đến bệnh viện cấp cứu sau đó thì chết. Nguyên nhân: công nhân vi phạm quy trình biện pháp làm việc an toàn, không cắt nguồn vào thiết bị điện khi di chuyển thiết bị, thu dọn nơi làm việc.

11. Lúc 8 giờ 30 phút ngày 21/04/2007 tại Công ty TNHH SX thép ND (huyện Bình Chánh) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Lương Minh Chánh (1970). Diễn biến: nhóm công nhân Nam, Chánh, Tường, Đạt, Lợi (do Lợi làm tổ trưởng) vận hành máy cán sắt (cán từ phôi ra sắt phi 6). Hệ thống truyền động từ bộ phận giảm tốc ra 03 trục máy cán có bố trí các vòi nước giải nhiệt trục máy cán. Trong khi đứng chờ phôi để đưa vào trục máy cán công nhân Chánh đưa khăn mặt vào hứng nước của vòi giải nhiệt trục máy để rửa vô ý bị máy cuốn gây chấn thương nặng dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: Công nhân vi phạm nội quy vận hành máy cán phôi sắt.

12. Lúc 19 giờ 30 phút ngày 21/04/2007 trên sông Sài Gòn, thuộc Quận 7 TP.Hồ Chí Minh, xảy ra vụ té sông làm chết anh Lê Anh Tuấn (1978) là công nhân của Công ty TNHH TM-DV-VT THL (quận 7). Diễn biến: Nhóm 04 công nhân của CTCP BT 620 CT chuyển 9 thanh dầm và 02 xe cẩu về Cần Thơ bằng xà lan (tàu kéo số SG 230). Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 21/4/2007, công nhân Tuấn ngồi phía mũi xà lan, sau đó di chuyển trên sà lan và bị rơi xuống sông. Đến 6 giờ 45 phút ngày 23/4/2007 thì tìm thấy xác tại phường Phú Thuận, quận 7. Nguyên nhân: Công nhân bất cẩn khi di chuyển trên sà lan; công nhân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân áo phao khi làm việc trên sông nước.

13. Lúc 10 giờ ngày 24/4/2007 tại công trình xây dựng nhà dân Lô D11-D12 Khu dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm thành phố, ấp Mỹ Hòa 4 xã Xuân Thới Đông huyện Hóc Môn, xảy ra vụ tai nạn lao động do sập đổ công trình đang thi công làm chết công nhân Phạm Văn Đón và bị thương 2 công nhân Phạm Văn Tài, Lâm Văn Hiếu là công nhân của Công ty TNHH XD – TM – DV TB (quận Thủ Ðức). Diễn biến: Công trình được khởi công từ ngày 27/3/2007. Ngày 24/4/2007, ông Hưởng chỉ huy tiến hành công việc đổ bê tông sàn tầng 1 có diện tích 6m x 12m. Sau khi đổ bê tông được khoảng 95% diện tích sàn, đến 10 giờ xảy ra sự cố sập đổ toàn bộ tấm sàn đang thi công làm chết công nhân Phạm Văn Đón và bị thương 02 công nhân Phạm Văn Tài và Lâm Văn Hiếu. Nguyên nhân: không có thiết kế hệ giá đỡ giàn cốp pha sàn lầu 1 hệ giàn chống cốp-pha đổ bê tông sàn lầu 1 không đảm bảo an toàn, không chịu được trọng lượng của khối bê tông, bị gãy gây sụp đổ toàn bộ hệ thống cốp pha trong quá trình thi công đổ bê tông.

14. Lúc 19 giờ 00 phút ngày 27/4/2007 tại xưởng sản xuất, số 2/181 ấp Tân Lập xã Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn, xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết anh Nguyễn Quang Hưng (1979) là công nhân của Công ty TNHH SX - TM TB (quận Gò Vấp). Diễn biến: ngày 27/4/2007, ông Khôi quản đốc xưởng thông báo tăng ca và giao việc quản lý tại xưởng cho Nguyễn Quang Hưng. Sau đó Hưng thực hiện công việc nghiền nguyên liệu nitrophenal. Đến 19 giờ trong khi sử dụng máy nghiền búa để nghiền nitrophenol thành bột thì xảy ra sự cố phát nổ gây cháy làm anh Hưng bị thương nặng sau đó chết khi cấp cứu tại BV Chợ Rẩy. Nguyên nhân: sử dụng sai chủng loại máy nghiền, không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

15. Lúc 3 giờ 45 phút ngày 07/5/2007 tại Cơ sở giấy CB (Thủ Đức) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Trương Văn Tuyến (1983). Diễn biến: Trong ca sản xuất, công nhân Tuyến tiến hành xử lý sự cố khi máy xeo giấy đang hoạt động (máy xeo bị đứt giấy cuốn vào trục) bị máy cuốn gây tai nạn. Nạn nhân chết tại chỗ. Nguyên nhân: công nhân vi phạm quy trình vận hành máy xeo giấy.

16. Lúc 10 giờ ngày 10/5/2007 tại DNTN cơ khí TTC (Bình Chánh) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Nguyễn Hữu Huy (1986). Diễn biến: DNTN cơ khí TTC hoạt động sản xuất bu lông đai ốc. Ngày 05/5/2007, 02 công nhân Vũ, Huy được phân công sửa chữa cơ cấu đòn gánh của máy dập 300 tấn. Sau khi dùng búa máy liên kết kéo thớt máy lên, 02 công nhân Huy và Vũ tiến hành công việc sửa chữa. Sáng ngày 10/5/2007, sau khi làm vệ sinh máy, công Vũ cho khởi động máy dập để chuẩn bị điều khiển hạ thớt máy xuống. Khi đó công nhân Huy phát hiện chưa tháo dây ràng cơ cấu đòn gánh bên dưới thớt máy nên chui người xuống dùng dao cắt dây curoa treo đòn gánh. Trong khi cắt thì Huy để chân phải chạm vào bàn đạp điều khiển làm cho búa đi xuống và thớt máy đè lên người công nhân Huy gây tai nạn. Nguyên nhân: công nhân vi phạm quy trình vận hành thiết bị, không có biện pháp làm việc an toàn.

17. Lúc 11 giờ 05 phút ngày 16/5/2007 tại Công trình xây dựng nhà xưởng số 240 đường Võ Văn Ngân quận Thủ Đức xảy ra vụ điện giật làm chết anh Nguyễn Lâm Sơn (1989) là công nhân của CT TNHH DN (Q.Tân Phú). Diễn biến: sáng ngày 16/5/2007, sau khi đổ bê tông xong, công nhân Dũng dùng nước làm vệ sinh máy trộn bê tông. Trong lúc rửa máy và khi lấy vòi nước ra công nhân Dũng thấy công nhân Sơn đang dùng tay cầm vô lăng và la "điện giật". Các công nhân cúp điện và đưa công nhân Sơn đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết. Nguyên nhân: không ngắt điện khi tiến hành vệ sinh máy.

18. Lúc 15 giờ ngày 19/5/ 2007 tại Công trình xây dựng Tân Hoàng Thân (quận Bình Thạnh) do COTEC LAND thi công xảy ra vụ điện giật làm chết anh Nguyễn Khắc Chính (1969) là thợ khoan cắt bê tông tự do. Diễn biến: do nhu cầu cắt đầu cọc, Ban chỉ huy công trường khoán cho 01 nhóm thợ khoan cắt bê tông tự do vào công trường làm việc. Vào chiều ngày 19/5/2007, sau khi nạo vét bùn xung quanh vị trí làm việc, công nhân Nguyễn Khắc Chính cắm điện cho máy khoan bê tông và bấm cò cho máy hoạt động thì bị điện rò ra vỏ máy gây tai nạn điện giật, anh Chính tử vong sau đó. Nguyên nhân: Máy khoan đục bê tông không đảm bảo độ cách điện, rò điện ra vỏ máy gây điện giật làm chết công nhân Chính; hệ thống điện trên công trường không có biện pháp chống rò điện ngăn ngừa tai nạn lao động.

19. Lúc 9 giờ ngày 22/5/2007 tại công trình xây dựng nhà dân số 214 Lê Quang Định phường 14 quận Bình Thạnh, xảy ra vụ tai nạn ngã cao làm chết anh Mai Văn Giàu (1967) là công nhân của Công ty TNHH XD-CK TL (quận Gò Vấp). Diễn biến: sáng ngày 22/5/2007, ông Nguyễn Phi Hải chỉ huy 01 nhóm thợ gồm 7 người thi công chuyển bồn chứa nước inox (dung tích 3000 lít) từ sàn tầng thượng lên khung chân đế đặt trên nóc phòng máy có độ cao 3,7 mét. Các công nhân Hùng, Tỉnh, Giàu leo lên nóc phòng máy và dùng dây kéo bồn chứa nước lên, các công nhân còn lại đứng phía dưới phụ nâng bồn lên. Khi đã đưa bồn lên đặt trên nóc phòng máy và chuẩn bị nghiêng hạ bồn nằm vào trị khí chân đế thì có gió thổi làm cho bồn chứa bị nghiêng về hướng công nhân Giàu. Khi đó công nhân Giàu mất thăng bằng và té rơi xuống tầng thượng căn nhà số 218 Lê Quang Định dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: Không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn khi làm việc trên cao, công nhân không được trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân.

20. Lúc 8 giờ ngày 29/5/2007 tại CTCP Phát triển SG (quận 9) xảy ra vụ ngã cao làm chết anh Đinh Công Đức (1961) là công nhân của Cơ sở sắt DL. Diễn biến: CTCP Phát triển SG thuê một nhóm thợ vào thực hiện lợp tôn firôximăng chống dột cho xưởng gia công gỗ. Sáng ngày 29/5/2007, khi đang di chuyển trên mái thì công nhân Thịnh đạp chân vào tấm tôn nhựa rơi xuống nền xưởng từ độ cao 10,5 mét dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: không có quy trình biện pháp làm việc an toàn trên mái nhà.

21. Lúc 1 giờ 30 phút ngày 28/5/2007 tại Cơ sở NH (quận Bình Tân) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Lê Quang Út (1983). Diễn biến: ngày 28/5/2007, anh Út vào ca sản xuất. Đến 1 giờ 00', sau khi bật máy chạy, công nhân Vinh đứng máy thổi keo ni lông cách máy anh Út khoảng 7 mét nghe tiếng rên liền cúp cầu dao điện và dùng đèn pin kiểm tra. Khi đến gần thì thấy anh Út nằm phía trong lồng máy thổi liền tri hô và đưa anh Út ra ngoài cấp cứu. Kiểm tra tại vị trí đấu nối điện của tủ điện điều khiển không kín gây chạm điện ra khung thép của máy thổi bao nhựa. Nguyên nhân: Hệ thống dây điện, mối nối không đúng kỹ thuật, thiết bị điện không được nối đất – nối không theo TCVN..

22. Lúc 16 giờ 45 phút ngày 08/6/2007 tại Công trình xây dựng nhà dân, số 24A đường Nguyễn Hiến Lê P.13 quận Tân Bình, xảy ra vụ điện giật làm chết anh Nguyễn Văn Đức (1980) là công nhân của CT TNHH DV-TM PH (quận Tân Bình). Diễn biến: Công nhân Đức sau khi dọn dẹp vệ sinh lầu 1 đi lên lầu 2. Khi đến bậc nghỉ của cầu thang thì bước lên tấm sắt bị rò điện và bị điện giật gây tử vong. Nguyên nhân: Hệ thống điện phục vụ thi công không đảm bảo an toàn: dây điện rải trên nền đất, dưới tấm sắt không được bao che, bảo vệ, khi công nhân bước trên tấm sắt làm dập vỏ cáp điện gây tai nạn.

23. Lúc 7 giờ 30 phút ngày 16/6/2007 trên tàu BM19 neo đậu tại Cầu cảng 6/7 thuộc Cảng Sài Gòn (quận 4) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết anh Nguyễn Hải Quan (1983) là lao động tự do. Diễn biến: tàu BM19 chở hàng (bao phân DAP) cập Cảng Sài Gòn. Tổ bốc xếp số 5 thực hiện việc bốc xếp tại hầm hàng số 2. Khi việc bốc dỡ hàng gần xong, các công nhân trong tổ xuống hầm để thu gom phân bị rơi vãi. Vào thời điểm cần cẩu đang nâng chuyển 01 mã hàng từ góc hầm ra giữa thì có 2 công nhân khom người kéo 1 bao phân từ trong be xà lan ra ngoài. Công nhân đánh tín hiệu ra hiệu cho cần cẩu ngưng chuyển mã hàng. Ngay lúc này một bao phân rơi xuống trúng vào người công nhân Quan gây tai nạn tử vong do chấn thương sọ não. Nguyên nhân: công nhân vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn với thiết bị nâng

24. Lúc 16 giờ ngày 10/07/2007 tại công trường đang xây dựng tòa nhà WASECO (quận Tân Bình) xảy ra vụ ngã cao làm chết anh Thạch Ruôi (1964) là công nhân của XN XD số 3 - CTCP XD14. Diễn biến: Các công nhân Ruôi, Sơn, Xê được phân công tháo dỡ cốp pha tầng mái và giàn giáo tại tầng 12 của công trình. Trong khi tháo dỡ các thanh thép U (dài khoảng 3 mét) và đưa xuống sàn tầng 12 công nhân Ruôi té rơi khỏi khung giàn giáo và rơi xuống tầng 3 của nhà bên cạnh, tử vong. Nguyên nhân: điều kiện làm việc không an toàn, sàn thao tác không có lan can bảo vệ, không có lưới bảo vệ bao che chống người và vật rơi.

25. Lúc 16 giờ 15 phút ngày 17/07/2007 tại xưởng sản xuất của CT TNHH SX CK HV (huyện Bình Chánh) xảy ra vụ điện giật làm chết công nhân Trương Hoàng Phương (1977). Diễn biến: Các công nhân Phôn, Hiếu, Hải, Phương cùng thực hiện việc hàn ráp các thanh thép I để chế tạo khung nhà tiền chế. Công nhân Phương tay phải nâng thanh thép I (đã được định vị), tay trái với lấy kìm hàn thì bị điện giật ngã ra đất sau đó thì chết. Nguyên nhân: Thiết bị máy hàn có sử dụng kiềm hàn tự chế không đảm bảo kỹ thuật an toàn. Công nhân chạm tay vào đầu kìm hàn bị điện giật gây tử vong.

26. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 18/07/2007 tại công trình đang xây dựng thuộc dự án đường Cao tốc Trung Lương–TP.HCM, đoạn từ Tân Tạo đến Chợ Đệm, xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết anh Hoàng Văn Thăng (1960) là công nhân vận hành máy búa đóng cọc tự hành của CT TNHH ST (quận 10). Diễn biến: các công nhân Thăng (tổ trưởng), Bình, Văn Sơn, Thanh Sơn tiến hành lắp đặt máy búa đóng cọc. Để đưa một thanh ty ben vào vị trí cố định trên máy búa bánh xích, anh Thăng nhờ 1 xe gàu bánh xích hiệu KOMATSU (lái xe tên Thắng) dùng gàu có móc liên kết vào một đầu của thanh ty ben thủy lực bằng một sợi cáp Ф18 và kéo. Do đầu dây cáp tại móc sắt trên gàu bị tuột nên thanh ty ben thủy lực văng ngược lại và đập trúng vào anh Thăng đang đứng gần. Công nhân Thắng chết sau đó. Nguyên nhân: công nhân vi phạm Quy trình biện pháp lắp dựng máy búa đóng cọc an toàn; công nhân lái xe gàu vi phạm nội quy vận hành thiết bị xe gàu.

27. Lúc 19 giờ ngày 20/07/2007 tại Nhà máy Cơ khí AP (huyện Củ Chi) xảy ra vụ điện giật làm chết công nhân Hồ Minh Đức (1985). Diễn biến : trong khi tăng ca hàn lắp vì kèo sắt, nhóm công nhân gồm Đức, Linh (nhóm trưởng), Phương tiến hành công việc hàn. Công nhân Đức vô tình để tay chạm vào đầu kìm hàn bị điện giật dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: thiết bị máy hàn không đảm bảo an toàn, trang bị kìm hàn tự chế không đảm bảo kỹ thuật.

28. Lúc 14 giờ 30 phút ngày 21/07/2007 tại công trình đang xây dựng (quận Bình Thạnh) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Trần Văn Cường (1981) và bị thương công nhân Vũ Văn Giám (1974) là công nhân của CTCP Xây dựng TPV (quận Tân Phú). Diễn biến: ngày 21/07 nhóm công nhân thực hiện việc tô vách tường bên ngoài của công trình. Trên giàn giáo đã có 02 công nhân đang làm việc. Các công nhân Cường và Giám cùng bước ra giàn giáo chuẩn bị làm thì giàn giáo gãy làm công nhân Cường và Giám rơi xuống mái nhà bên cạnh và rơi xuống đât. Các công nhân được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngày 23/07/2007 công nhân Cường tử vong. Nguyên nhân: không có hồ sơ thiết kế giàn giáo và nghiệm thu giàn giáo, do thiết bị giàn giáo không đảm bảo an toàn, công nhân không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân khi làm việc trên cao.

29. Lúc 12 giờ 50 phút ngày 21/07/2007 tại Phòng mẫu của Công ty TNHH S.(quận Bình Tân) xảy ra vụ điện giật làm chết công nhân Ung Thị Mỹ Dung (1974). Diễn biến: trong ca làm việc sáng ngày 21/07/2007 công nhân Dung (tổ trưởng bộ phận giày mẫu) giao cho công nhân Trường vận hành máy tháo From giày. Lúc 9 giờ 30 phút và lúc 10 giờ công nhân Trường báo cho chị Dung biết là mình bị điện giật khi vận hành máy tháo From giày. Đến 12 giờ 50 phút, sau giờ nghỉ trưa, công nhân Dung kêu công nhân Trường cùng với Dung kéo máy tháo from giày ra để dễ vận hành. Công nhân Trường đang tìm cầu dao để cắt điện thì nghe chị Dung kêu lên. Các công nhân gần đó chạy đi cắt cầu dao tổng và đưa chị Dung đi cấp cứu. Công nhân Dung chết do bị điện giật. Hiện trường cho thấy sợi dây điện nguồn của máy tháo From giày bị kẹt dưới chân đế của máy và làm chóc lớp vỏ cao su, lộ lớp kim loại phía trong dây dẫn điện ra và gây rò điện lên máy tháo From giày. Nguyên nhân: thiết bị máy tháo From giày không đảm bảo an toàn, không được nối đất, nối không bảo vệ chống điện giật; công nhân không được huấn luyện về an toàn lao động, không có ý thức đề phòng tai nạn điện giật; không cắt điện khi di chuyển máy, vi phạm quy trình biện pháp làm việc an toàn.

30. Lúc 17 giờ 15 phút ngày 23/07/2007 xảy ra vụ tai nạn lao động tại xưởng sản xuất của CT TNHH Nhựa VL (quận Bình Tân) làm chết công nhân Đinh Nhật Tân (1988). Diễn biến: công nhân Tân vận hành máy thổi nhựa số 7 (máy đã bị hỏng cơ cấu an toàn tại cửa lùa) do một dây ống nước giải nhiệt bị đứt nên anh Tân mở cửa buồng máy và cúi người xuống để nối sợi dây ống nước trong khi máy vẫn hoạt động, bị kẹp vào giữa hai bệ máy gây tử vong. Nguyên nhân: thiết bị không đảm bảo an toàn: cơ cấu an toàn tại cửa lùa bị hư nhưng không được sửa chữa; công nhân vi phạm quy trình biện pháp làm việc an toàn.

31. Lúc 8 giờ 20 phút ngày 07/08/2007 tại huyện Bình Chánh xảy ra vụ tai nạn ngã cao làm chết anh Nguyễn Công Hoài (1989) là công nhân của CT TNHH DV Tư vấn Kỹ thuật và Xây dựng MT. Diễn biến: Sáng ngày 08/7/2007, nhóm công nhân gồm 07 người do Võ Chí Khanh làm tổ trưởng lên sàn tầng thượng để tổ vách tường phía ngoài công trình. Khi các công nhân trong tổ đang lắp giàn giáo để thực hiện công việc, công nhân Hoài đi vào trong khu vực hố thang máy ở tầng thượng. Khoảng 8 giờ 20', các công nhân làm việc trên sàn tầng thượng nghe tiếng động lớn từ hố thang máy và không thấy công nhân Hoài, liền tri hô và đi đến hố thang phát hiện thấy tấm sắt đậy hố thang bị lệch để lộ một lỗ trống kích thước khoảng 50cmx30cm và công nhân Hoài nằm ở góc phải của hố thang máy. Nguyên nhân : điều kiện làm việc không an toàn; công nhân không được huấn luyện ATLĐ.

32. Lúc 12 giờ ngày 14/08/2007 tại CTCP CP(huyện Bình Chánh) xảy ra vụ điện giật làm chết công nhân Danh Vùng (1988) và làm bị thương công nhân PhùngVăn Trọng. Diễn biến: công trình xây dựng nhà số 64 Nguyễn Văn Cự, quận Bình Tân do Công ty CP thi công. Ngày 14/8/2007, ông Lê Văn Thảng - cai công tại công trình - thuê 1 máy trộn bê tông phục vụ đổ bê tông khoảng sân phía trước công trình. Khoảng 12 giờ 00', công nhân Phùng Văn Trọng rút 02 đầu sợi dây điện của moteur ra khỏi ổ cắm điện được treo trên khung máy trộn bằng sợi dây kẽm và cùng công nhân Danh Dàng dịch chuyển máy sang vị trí khác. Trong quá trình dịch chuyển máy, 1 đầu của sợi dây kẽm chọc vào phía sau ổ cắm gây rò điện giật làm chết công nhân Danh Dàng và làm công nhân Phùng Văn Trọng bị bất tỉnh. Nguyên nhân: Công nhân không được huấn luyện ATLĐ, vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

33. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 15/08/2007 tại CT TNHH TM CK ĐT (huyện Hóc Môn) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Nguyễn Thanh Tuấn (1977). Ông Mai Đà - Giám đốc DNTN ĐT nhận khoán công lắp đặt cầu trục dầm đôi tải trọng 5 tấn, khẩu độ 15 mét tại Công ty Đồng Tiến. Sau đó ông Mai Đà thuê 01 cần trục ô tô của Công ty Vận tải Ô tô số 2 để thi công lắp ráp cầu trục. Khoảng 16 giờ 00' ngày 15/8/2007, ông Mai Đà chỉ đạo 02 công nhân Phi và Tuấn leo lên 02 dầm dọc để định vị đầu dầm ngang của cầu trục vào khớp đường ray ở độ cao cách mặt đất 4 mét. Sau khi đã đặt 1 đầu dầm ngang lên đường ray (phía công nhân Phi) và chuẩn bị đưa đầu còn lại vào vị trí thì 1 đầu thanh dầm rơi khỏi vị trí làm cho đầu còn lại bị bập bênh và đập vào đầu công nhân Nguyễn Thanh Tuấn gây tai Nguyên nhân: Không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

34. Lúc 17 giờ 10 phút ngày 27/8/2007 tại công trình xây dựng EVR (Quận 11) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết anh Nguyễn Văn Hồng (1955) là công nhân CT TNHH XD-CN&TM TPT (Q.Tân Bình). Khi cần cẩu đang chuyển 20 tấm FUVI (nặng khoảng 4 kg/tấm) từ trong kho ra bãi thi công thì dây buộc bị đứt. Các tấm FUVI rơi từ độ cao 10 mét xuống trúng vào người công nhân Nguyễn Văn Hồng thuộc tổ coffa gây tử vong. Nguyên nhân: công nhân vi phạm nội quy, quy trình vận hành thiết bị nâng.

35. Lúc 14 giờ 30 phút ngày 27/08/2007 tại công trình xây dựng (quận Bình Thạnh) xảy ra vụ ngã cao làm chết anh Nguyễn Hồng Điệp (1963) là công nhân của CT TNHH XD và KD nhà EĐ. Diễn biến: Công trình xây dựng nhà số 83 đường 30/4, P.25, Bình Thạnh do Công ty EĐ thi công. Đầu giờ chiều ngày 27/8/2007, ông Lễ - cai công tại công trình - phân công cho các công nhân nam tiếp tục công việc tháo coffa và xây tô phía trên tầng thượng, riêng bà Điệp - là phụ hồ - được phân công làm vệ sinh từ tầng 2 đến tầng trệt và phía trên tấm sênô tại mặt trước công trình. Đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, có người nghe thấy tiếng động mạnh và phát hiện bà Điệp nằm dưới đất trong khung giàn giáo lắp đặt phía trước công trình. Nguyên nhân: Không có biện pháp thi công an toàn, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn cho người lao động.

36. Lúc 14 giờ 25 phút ngày 29/08/2007 tại (quận Tân Phú) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết anh Trần Văn Duy (1990) là công nhân của CTCP Xây lắp và Vật tư xây dựng số 2. Diễn biến: lúc 14 giờ 25 phút ngày 29/8/2007 trong khi công nhân Đặng Ngọc Bích vận chuyển đá 1x2 lên lầu bằng tời điện. Công nhân Duy dùng tay cầm móc cẩu tời điện để móc vào xô đá để vận chuyển lên lầu thì bị điện giật gây tai nạn. Nguyên nhân: do thiết bị không đảm bảo an toàn.

37. Lúc 12 giờ ngày 03/09/2007 tại cơ sở Phú Thái (quận 8) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Phan Thanh Sang (1974). Diễn biến: công nhân Sang vận hành máy ép nhựa sản xuất sợi PP. Trong khi điều chỉnh bộ phận cảm biến nhiệt công nhân Sang để hông trái chạm vào 1 vị trí đấu nối của dây điện bị điện giật gây tử vong. Nguyên nhân: hệ thống điện của máy ép nhựa không được nối đất, nối không theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.

38. Lúc 1 giờ 40 phút ngày 09/9/2007 tại Cảng ICD - Phước Long (Q.Thủ Đức) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Lê Nhật Thành (1983). Công nhân Nguyễn Chí Linh điều khiển cần cẩu để cẩu container từ xà lan lên bờ, công nhân Thành móc cáp khi công nhân Linh cẩu container lên, container xoay và ép công nhân Thành vào mạn xà lan gây tai nạn. Nguyên nhân: công nhân lái cẩu, công nhân móc cáp vi phạm quy trình vận hành thiết bị nâng.

39. Lúc 15 giờ 00 phút ngày 12/9/2007 tại công trình xây dựng số 109 Đồng Khởi, Quận 1 xảy ra vụ vật rơi làm chết công nhân Nguyễn Văn Hồng (1961). Công trình cải tạo khách sạn Hoàn Cầu do CTCP SG ĐT KT XD thi công. Vào đầu tháng 9/2007, tại công trình thực hiện công việc đập phá các kết cấu bê tông, tập kết xuống đất tại vị trí giếng trời. Lúc 15 giờ công nhân Nguyễn Văn Hồng đi từ sàn tầng 3 xuống đất, sau đó quay lại vị trí làm việc. Khi công nhân Hồng đi ngang khu vực giếng trời thì các công nhân đang lùa xà bần từ trên xuống. Công nhân Hồng bị gạch, bê tông rơi trúng lưng, gãy xương sườn, đâm vào gan gây tử vong. Nguyên nhân: Không có biện pháp thi công an toàn.

40. Lúc 12 giờ 00 phút ngày 18/9/2007 tại công trình xây dựng nhà dân đường Phạm Viết Chánh, Quận 1 do Công ty TNHH TM-XD-XNK TQ (Quận 3) thi công xảy ra vụ ngã cao làm chết công nhân Lê Phát Mùi (1954). Lúc 12 giờ ngày 18/9/2007, công nhân Lê Phát Mùi đứng trên sàn ô văng tầng 4 (sân thượng) dùng móc kéo thùng bê tông được máy tời kéo lên. Khi đó 1 thanh gỗ chống móc ròng rọc bị gãy làm hệ ròng rọc bị đổ sập và kéo công nhân Mùi rơi xuống đất từ độ cao 15 mét. Công nhân Mùi được đưa cấp cứu tại BV Từ Dũ, sau đó được chuyển sang BV Chợ Rẫy và chết vào lúc 13 giờ 10' cùng ngày. Nguyên nhân: công nhân không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

41. Lúc 16 giờ ngày 23/09/2007 tại DNTN SX TM TV (quận 12) xảy ra vụ ngã cao làm chết công nhân Nguyễn Thanh Khiết ((1988). Diễn biến: Ông Lê Quang Hiếu - Giám đốc DNTN TV nhận thi công lợp tole trên mái lá nhà hàng tại khu biệt thự MT. Sau đó, ông Hiếu giao khoán lại cho nhóm công nhân gồm Phạm Anh Kiệt, Nguyễn Hữu Tê, Luyện, Khánh và Nguyễn Thanh Khiết. Vào khoảng 16 giờ ngày 23/9/2007, công nhân Khiết đang lắp các thanh xà gồ trên mái lá của nhà hàng thì bị té lọt xuống đất từ độ cao khoảng 4 mét. Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nạn nhân Nguyễn Thanh Khiết đã tử vong. Nguyên nhân: không có biện pháp thi công an toàn.

42. Lúc 15 giờ 00 phút ngày 26/9/2007 tại Công ty TNHH Liên doanh NT –(Quận 12) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Bùi Văn Lập (1977). Chiều ngày 26/9/2007, tài xế xe tải hàng chở các cuộn thép đến kho của Công ty NT. Công nhân Bùi Văn Lập của Công ty Nhựt Thịnh cùng với tài xế và phụ xe dùng cổng trục bốc dỡ các cuộn thép xuống xe. Khi còn 1 cuộn thép, công nhân Lập leo lên xe móc cuộn thép và di chuyển cổng trục chuyển hàng vào trong. Khi đó tài xế cho xe di chuyển ra ngoài làm cuộn thép lăn ép vào người công nhân Lập gây tai nạn. Công nhân Bùi Văn Lập chết ngày 30/9/2007 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nguyên nhân: do người khác vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

43. Lúc 14 giờ 00 phút ngày 28/9/2007 tại công trình xây dựng nhà số A23 đường 232 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8 xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết anh Phạm Trí Thiên (1986) là công nhân của Công ty TNHH Xây dựng VN (Q.Tân Bình). Ngày 28/9/2007 lúc 14 giờ do mưa lớn nên công nhân Thiên thực hiện việc cắt sắt trong khu vực lán trại (dùng làm nhà kho, chứa vật tư). Đến 15 giờ công nhân Sang đi ngang và phát hiện thấy công nhân Thiên bất tỉnh, ngồi dựa vào máy cắt sắt (loại máy di động). Công nhân Sang và công nhân Tâm cắt điện đưa công nhân Thiên đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết trước khi nhập viện. Nguyên nhân: hệ thống điện trên công trường không đảm bảo kỹ thuật an toàn điện; sử dụng máy cắt sắt trong điều kiện ẩm ướt, không có biện pháp nối đất, nối không phòng ngừa điện giật.

44. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 14/10/2007 tại Công trình xây dựng nhà số 325 Bis Trần Hưng Đạo, Quận 1 do CTCP XL&VT XD số 2 (Quận Bình Thạnh) thi công xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Nguyễn Đình Thực (1980). Sau khi trộn hồ, cuối ca làm việc nhóm công nhân gồm 3 người rửa thùng trộn bê tông. Khi rửa thùng trộn, động cơ điện bị ẩm ướt và rò rỉ điện làm nhiểm điện ra thùng trộn. Công nhân Thực vịn tay vào thùng trộn bị điện giật chết. Nguyên nhân: Thiết bị máy trộn bê tông không đảm bảo an toàn.

45. Lúc 14 giờ 30 phút ngày 14/10/2007 tại công trình xây dựng số 9/3 đường số 4, Cư xá Đô Thành, P.4, Quận 3 xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết anh Lê Thanh Minh (1965) là công nhân Công ty TNHH Xây dựng TT (Quận Tân Phú). Công nhân Lê Thanh Minh đứng xúc hồ vào xô, chuyển bằng tời điện lên sàn tầng. Ông Dương Quốc Trí - Giám đốc Công ty đứng điều khiển nút bấm cho tời lên xuống. Khoảng 14 giờ 30', công nhân Minh móc xô hồ vào móc tời, ông Trí bấm nút cho tời kéo lên thì xô hồ bị vướng vào thành máy trộn làm căng cáp tời dẫn đến xê dịch motor máy tời. Khi đó công nhân Minh nắm móc xô hồ và kêu lên 1 tiếng rồi ngã xuống đất. Nạn nhân Minh đã chết trước khi cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân. Nguyên nhân: Không có biện pháp thi công an toàn.

46. Lúc 7 giờ 45 phút ngày 25/10/2007 tại Công ty TNHH TM-SX thép NM (H.Bình Chánh) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Nguyễn Hoa Mao (1983). Công nhân Mao vận hành cầu trục chuyển sản phẩm thép từ máy cuốn số 1 đến nơi xếp dỡ (cách 10 mét). Một lần tải 2 bó thép, mỗi bó nặng 500KG, bằng dây luộc (loại dây polyme). Khi điều khiển cầu trục chuyển tải di chuyển được khoảng 3 mét sơi dây buộc tải vướng vào đầu ống của 1 bó thép vuông thành 6cm x 8cm làm bó thép rơi xuống trúng vào đầu công nhân Mao gây tử vong. Nguyên nhân: không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

47. Lúc 14 giờ 30 phút ngày 27/10/2007 trên tàu S.T.O neo đậu tại Cảng Rau quả (Quận 7) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết anh Nguyễn Văn Cấn (1989) là công nhân của HTX Xếp dỡ (Cảng Rau quả). Ông Lâm Ngọc Thế phân công 04 công nhân làm hàng ở dưới hầm số 1. Công nhân Thế ở trên boong đánh tín hiệu cho lái cẩu. Cách xếp dỡ gỗ như sau: Sau khi các công nhân móc cáp mồi vào 03 cây gỗ, lái cẩu nhận tín hiệu sẽ điều khiển cẩu nâng lên một đoạn để luồn cáp nâng vào phía dưới cây gỗ, khi luồn cáp xong thì lái cẩu sẽ nhận tín hiệu để hạ các cây gỗ xuống thấp để móc cẩu rồi nâng lên. Đến khoảng 14 giờ 30', sau khi đánh tín hiệu cho cẩu hạ xuống, công nhân Thế thấy công nhân Cần trượt chân ngã vào khoảng trống ở phía dưới vị trí 03 cây gỗ đang hạ xuống. Công nhân Thế ra hiệu cho lái cẩu dừng lại nhưng không kịp, công nhân Cần đã bị cây gỗ đập vào đầu chết tại chỗ. Nguyên nhân: công nhân đánh tín hiệu vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

48. Lúc 14 giờ 00 phút ngày 04/11/2007 tại Công trình xây dựng Nhà máy Xi măng Hạ Long - KCN Hiệp Phước, Nhà Bè xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết anh Trần Đình Vịnh (1982) là công nhân Công ty CP SĐ 505. Đầu giờ chiều ngày 04/11/2007, công nhân Trần Đình Vịnh - Tổ trưởng - đi kiểm tra hiện trường khu vực hố móng thì bị trượt chân té vào hố móng và bị điện giật chết. Kiểm tra hiện trường, phát hiện đoạn dây điện của máy bơm nước đặt chìm dưới nước có vị trí hỏng lớp vỏ bọc cách điện. Nguyên nhân: hệ thống điện phục vụ thi công không có nối đất, nối không, không đảm bảo an toàn về điện.

49. Lúc 16 giờ 00 phút ngày 16/11/2007Công ty TNHH SX-TM V.A (KCN Vĩnh Lộc) xảy ra vụ nổ chai chứa khí làm chết công nhân Phan Hùng Minh (1976) và làm bị thương 3 công nhân khác. Ngày 15/11/2007, xưởng sản xuất của Công ty nghỉ, các công nhân tập trung vào công việc cắt các miếng mốp. Chiều ngày 15/11/2007 hai công nhân Thắng và Phan Hùng Minh được tổ trưởng Tiến phân công vận chuyển chai Ni-tơ từ ngoài cổng vào xưởng. Hai công nhân dùng xe đẩy để đưa chai Ni-tơ vào trong xưởng. Sau khi chuyển chai Ni-tơ đặt phía ngoài khu vực đặt hệ thống bơm gas lỏng cho máy kéo màng, công nhân Minh kêu Tiến đưa xe đẩy trả lại chỗ cũ còn minh đặt chai Ni-tơ vào chỗ. Khoảng 15 phút sau, các công nhân nghe thấy tiến nổ lớn và cháy tại khu vực đặt chai gas lỏng.Giám đốc, quản đốc xưởng từ văn phòng chạy xuống xưởng dập lửa, phát hiện công nhân Minh nằm trong khu vực chai chứa gas. Nguyên nhân: Công an Quận Bình Tân đang thụ lý điều tra.

50. Lúc 19 giờ 00 phút ngày 14/12/2007 tại Công trình xây dựng chung cư tái định cư tại phường 1, Quận 5 do CTCP Đ.Ô 11 thi công, xảy ra vụ tai nạn rơi vận thăng chở hàng làm chết ông Kiều Văn Hớn (1954) là bảo vệ của công trường. Công trình xây dựng chung cư Nguyễn Biểu do TCT Đ.Ô SG làm chủ đầu tư, CTCP Đ.Ô 11 thi công. Tối ngày 14/12/2007, nhóm công nhân của Đội 1 thi công Block A làm thêm giờ. Ông Kiều Văn Hớn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh vận hành máy vận thăng để chuyển vật tư. Khoảng 19 giờ, sau khi chuyển gạch ống lên lầu 8 bà Minh bấm nút điều khiển cho máy vận thăng đi xuống, khi bàn nâng di chuyển xuống đến khoảng giữa sàn tầng 6 thì bị kẹt nhưng bà Minh vẫn tiếp tục bấm nút điều khiển vận thăng làm cho cáp tại vị trí máy tời bị rối. Khi đó, ông Hớn đến phụ tháo cáp để cuốn lại. Trong quá trình thực hiện thì bàn nâng rơi xuống trúng đầu ông Hớn gây tai nạn. Nguyên nhân: Công nhân vận hành vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn vận hành thiết bị nâng.

51. Lúc 15 giờ 30 phút ngày 31/12/2007 tại Công ty cổ phần K.Đ (quận Thủ Đức) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Hoàng Minh Tuấn (1959). Công ty cổ phần K.Đ thuê xe tải cẩu biển kiểm soát 54S-3787 do tài xế Nguyễn Tấn Tài điều khiển và phụ xe là Hoàng Minh Tuấn để nâng chuyển bình chứa không khí nén (3 m3) đến vị trí lắp đặt mới. Sau khi phụ xe dùng dây đai và xích buộc bình chứa không khí nén, tài xế điều khiển cần cẩu nâng bình chuyển lên thùng xe. Trong quá trình nâng chuyển thì bình bị dao động va đập và ép trúng đầu phụ xe Hoàng Minh Tuấn vào cột bê tông dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: Công nhân vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo số 681/LĐTBXH-TTr ngày 20/02/2008 về việc tình hình tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố trong năm 2007 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.835

DMCA.com Protection Status
IP: 18.216.207.209
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!