BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------
|
Số: 4047/TB-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2009
|
THÔNG BÁO
KẾT QUẢ THANH TRA VIỆC THỰC HIỆN
PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI 20 CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐANG
THI CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện chương trình công tác năm 2009, Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội đã cử hai đoàn công tác gồm đại diện Thanh tra Bộ Lao
động – Thương binh và Xã hội; Cục An toàn lao động và Sở Lao động – Thương binh
và Xã hội thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra đột xuất về an toàn, vệ sinh lao
động đối với 27 doanh nghiệp đang thi công tại 20 công trình xây dựng trên địa
bàn thành phố Hà Nội từ ngày 21/8/2009 đến ngày 14/9/2009 (có danh sách các
doanh nghiệp được thanh tra kèm theo). Kết quả thanh tra như sau:
I. TÌNH HÌNH CHUNG CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ VÀ ĐƠN VỊ THI CÔNG
1. Đối với các chủ đầu tư
- Tại 20 công trình được thanh tra, có 01 công trình do
doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài làm chủ đầu tư, các công trình còn lại đều do
các doanh nghiệp, đơn vị trong nước làm chủ đầu tư.
- Các chủ đầu tư đã thành lập bộ máy quản lý và ban hành các
văn bản chỉ đạo công tác an toàn – vệ sinh lao động; thường xuyên tiến hành
kiểm tra, chỉ đạo về công tác an toàn tại các công trường. Một số chủ đầu tư,
ban quản lý của chủ đầu tư có triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền
về an toàn lao động trên công trường.
- Tại các công trình do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu
tư, hồ sơ thầu, thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công được lập và phê duyệt
đầy đủ.
- Tất cả các công trình xây dựng, chủ đầu tư đều thuê tư vấn
giám sát độc lập.
- Tại các công trình do các doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu
tư, các hồ sơ thầu, thiết kế kỹ thuật chưa được lập và phê duyệt đầy đủ: nhiều
sửa đổi, bổ sung chưa được phê duyệt hoàn chỉnh; chưa đầy đủ các biện pháp thi
công an toàn.
2. Đối với các đơn vị thi công
- Các cam kết về thực hiện công tác an toàn giữa đơn vị thi
công và chủ đầu tư được ghi trên các điều khoản của hợp đồng kinh tế.
- Tại các công trình có nhiều đơn vị thi công, chưa có biện
pháp đảm bảo về an toàn lao động chung giữa các đơn vị để cùng phối hợp và thực
hiện.
- Hầu hết các đơn vị chưa lập biện pháp an toàn chi tiết.
- Tất cả các đơn vị thi công đều đã ký kết hợp đồng lao động
với người lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nội dung các hợp
đồng lao động đã ký kết với người lao động chưa quy định cụ thể quyền lợi và
nghĩa vụ của người lao động: chưa ghi rõ mức tiền lương, tiền công mà người lao
động được hưởng; không quy định cụ thể công việc mà người lao động phải hoàn
thành; các nội dung về bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ ngơi, bảo hộ lao động ghi
chung chung “theo quy định của pháp luật hiện hành”. Đối với hợp đồng lao động ký
kết giữa người lao động với một người đại diện cho một nhóm người lao động,
trong danh sách nhóm người lao động chưa có đầy đủ các thông tin theo quy định
của pháp luật về năm sinh, quê quán, tên và địa chỉ người báo tin khi cần thiết.
- Tất cả các đơn vị thi công đều dùng hình thức phạt tiền,
cúp lương thay cho xử lý kỷ luật lao động: ban hành các quy định về xử phạt
người lao động nếu không chấp hành các quy định về an toàn lao động, vệ sinh
lao động trên công trường, mức xử phạt từ 50.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG CỦA
CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN CÔNG TRƯỜNG
1. Những quy định của pháp luật lao động về an toàn lao
động, vệ sinh lao động đã được các đơn vị thi công thực hiện
1.1. Về tổ chức công tác bảo hộ lao động
- Các doanh nghiệp đều có hệ thống quản lý về an toàn – vệ
sinh lao động, gồm: Hội đồng Bảo hộ lao động; phòng, ban an toàn lao động hoặc
bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn lao động.
- Ban hành đầy đủ quy định trách nhiệm về an toàn – vệ sinh
lao động; quy chế quản lý công tác an toàn lao động và sổ tay hệ thống quản lý
An toàn – sức khỏe; ban hành kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trên công trường.
- Đã tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn lao
động trên công trường.
- Đối với công trình có nhiều đơn vị thi công, đã có chỉ đạo
phối hợp giữa các đơn vị thi công về an toàn lao động trên công trường; tổ chức
giao ban giữa chủ đầu tư, tư vấn giám sát với các đơn vị thi công trên công trường
hàng tuần.
1.2. Triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các
công trường
- Các doanh nghiệp đã thành lập Ban An toàn công trường hoặc
bố trí cán bộ an toàn chuyên trách, bán chuyên trách theo dõi công tác an toàn
lao động.
- Đã ban hành quy định trách nhiệm cho các cán bộ trên công
trường.
- Đã lập nội quy an toàn lao động trên công trường một cách
cụ thể.
- Các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động đang được sử dụng trên các công trình đều được kiểm định theo quy định.
- Người lao động trên công trường được huấn luyện an toàn,vệ
sinh lao động, có lập sổ sách theo dõi.
- Đã thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho
người lao động.
- Người lao động trên các công trường đã sử dụng phương tiện
bảo vệ cá nhân đã được trang bị;
- Đã trang bị tủ thuốc, băng ca, nẹp y tế…
- Đã tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng và khám sức khỏe
định kỳ cho người lao động trên công trường.
- Trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, các công trình
được thanh tra không xảy ra tai nạn lao động chết người.
1.3. Thực tế tại công trường
- Đã xây dựng lán trại cho người lao động làm việc trên công
trường hoặc bố trí cho người lao động ở ngay trong công trình đang xây dựng.
- Đã bố trí hệ thống đèn chiếu sáng tại các vị trí người lao
động làm việc.
- Đã có hệ thống chống sét cho cẩu tháp, vận thăng theo quy
định.
- Đã lập sổ nhật ký an toàn lao động công trường.
- Đã có rào ngăn và bố trí trạm gác xung quanh khu vực.
- Đã có các biển báo nguy hiểm, lan can, rào chắn tạm theo
quy định.
- Các máy, thiết bị, dụng cụ sử dụng điện thi công đã nghiệm
thu trước khi đưa vào sử dụng.
2. Những quy định của pháp luật lao động về an toàn lao
động, vệ sinh lao động chưa được các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện
hoặc thực hiện chưa đầy đủ
2.1. Đối với chủ đầu tư các công trình
- Chưa lập đầy đủ các hồ sơ thiết kế tổ chức xây dựng và
thiết kế thi công đã tiến hành thi công công trình;
- Chưa làm đầu mối chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp chặt
chẽ trong việc thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động trên công trường;
2.2. Đối với các đơn vị thi công
Các nội dung sai phạm chủ yếu của các doanh nghiệp (có bảng
thống kê sai phạm của các doanh nghiệp kèm theo) bao gồm:
- 11 đơn vị chưa lập biện pháp thi công an toàn chi tiết đối
với từng hạng mục công trình.
- Tại một số công trình, công tác huấn luyện cho người lao
động còn mang tính hình thức: đề kiểm tra là lựa chọn phương án nên người lao
động chưa thực sự làm bài theo kiến thức đã tiếp thu được mà chỉ nhìn đáp án để
lựa chọn phương án và ký tên vào bài kiểm tra; nhiều công trường chưa kịp thời
huấn luyện cho một số người lao động mới vào làm việc.
- 2 đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ tự kiểm tra về công
tác bảo hộ lao động.
- Hầu hết các doanh nghiệp còn cấp phát trang bị bảo hộ lao
động thông qua tổ trưởng, đội trưởng sản xuất, không có ký nhận của người lao
động.
- Tất cả các doanh nghiệp đều phạt tiền, cúp lương thay cho
xử lý kỷ luật lao động.
- 8 doanh nghiệp chưa thực hiện việc huấn luyện sơ cứu, cấp
cứu ban đầu đối với mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
- 5 doanh nghiệp chưa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
cho người lao động.
- 14 doanh nghiệp chưa cấp thẻ an toàn cho lao động làm các
công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- 12 doanh nghiệp chưa lắp đặt biển báo nguy hiểm ở những vị
trí cần thiết.
- 17 doanh nghiệp chưa lắp đặt đầy đủ lan can, rào chắn tạm
ở những vị trí nguy hiểm.
- 12 doanh nghiệp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa
đầy đủ cho người lao động.
- 17 doanh nghiệp bố trí hệ thống điện thi công, điện chiếu
sáng tại công trường chưa đảm bảo an toàn.
- 3 doanh nghiệp chưa bố trí lưới dù chống vật rơi.
III. CÁC KIẾN NGHỊ
1. Đối với các chủ đầu tư
- Lập đầy đủ các hồ sơ thiết kế tổ chức xây dựng và thiết kế
thi công.
- Làm đầu mối chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ
trong việc thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động trên công trường.
- Thực hiện và phối hợp với các đơn vị thi công thực hiện
nghiêm túc các kiến nghị thanh tra.
2. Đối với các đơn vị thi công trên công trường
Kết thúc đợt thanh tra, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh
và Xã hội đã ban hành 293 kiến nghị yêu cầu 27 doanh nghiệp đang thi công tại
20 công trình xây dựng thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động về an
toàn, vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng. Các đoàn thanh tra đã lập
biên bản vi phạm hành chính tại 02 doanh nghiệp và Chánh thanh tra Bộ đã ban
hành quyết định xử phạt 01 doanh nghiệp với số tiền là 14.500.000 đồng.
3. Đối với Bộ Xây dựng
- Kiểm tra điều kiện khởi công của các công trình trên địa
bàn thành phố Hà Nội, tránh tình trạng chưa đủ điều kiện nhưng các doanh nghiệp
vẫn tiến hành khởi công công trình.
- Chỉ đạo các Trung tâm kiểm định do Bộ quản lý chỉ cấp giấy
chứng nhận kiểm định đối với các máy, thiết bị đã đảm bảo an toàn, tránh tình
trạng vẫn cấp giấy chứng nhận kiểm định, trong giấy chứng nhận lại kiến nghị
doanh nghiệp khắc phục một số tình trạng máy, thiết bị chưa đảm bảo an toàn.
4. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng
lao động cũng như người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo
an toàn – vệ sinh lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra đối với các công trình xây dựng nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm
pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên công trường.
- Phổ biến các sai phạm của 27 doanh nghiệp đã được thanh
tra đối với chủ đầu tư và các doanh nghiệp thi công khác trên địa bàn thành phố
nhằm tránh những sai phạm tương tự.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng Nguyễn
Thị Kim Ngân (để báo cáo);
- Bộ Xây dựng (để phối hợp, chỉ đạo);
- Ủy ban nhân dân tp Hà Nội (để phối hợp, chỉ đạo);
- Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội;
- Thanh tra Bộ;
- Cục An toàn lao động;
- Lưu VT, TTr.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Hồng Lĩnh
|