VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
308/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2009
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
Ngày 25 tháng 9 năm 2009 tại Văn
phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Phó
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về Chiến lược phát
triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Chiến lược). Tham dự Hội nghị
có đại diện lãnh đạo các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Quốc phòng, Công an và đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Dân tộc, Ban
Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
của Quốc hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội báo cáo công tác dạy nghề trong thời gian qua và Đề cương Chiến
lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn
Sinh Hùng đã kết luận như sau:
1. Cần đánh giá đầy đủ, nghiêm túc
những mặt được và chưa được của công tác dạy nghề trong những năm qua, đặc biệt
là từ 1998 trở lại đây để từ đó xây dựng Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm
2020 theo đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ về phát triển
nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội
thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới. Xác định rõ
mục tiêu, nội dung, giải pháp, trong đó có các giải pháp mang tính đột phá phải
bảo đảm tính khoa học, thiết thực và khả thi.
2. Tên của Chiến lược là: “Chiến
lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020” để phù hợp với Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến
năm 2020.
3. Về việc xây dựng nội dung dự thảo
Chiến lược
Đề cương dự thảo Chiến lược phát
triển dạy nghề đến năm 2020 đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị
khá công phu, đã xác định được những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức
thực hiện cơ bản. Tuy nhiên, để trình Bộ Chính trị có kết luận về vấn đề này, cần
phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm và làm rõ thêm những vấn đề sau:
a. Về căn cứ xây dựng Chiến lược, cần
bổ sung những Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về những vấn đề có liên quan như
Nghị quyết về giai cấp công nhân; Nghị quyết về nông dân, nông nghiệp, nông
thôn; Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, trong đó có hoàn thiện thể chế thị trường lao động; Nghị quyết về phát
triển nguồn nhân lực; Nghị quyết về xóa đói, giảm nghèo, Luật Giáo dục, Luật
Dạy nghề và các Chiến lược có liên quan;
b. Về đánh giá thực trạng, cần tổ
chức đánh giá và có báo cáo tổng kết công tác dạy nghề trong 10 năm qua, trong đó
có hệ thống luật pháp và chính sách dạy nghề. Trên cơ sở báo cáo tổng kết này,
rút ra những vấn đề cốt lõi để đưa vào phần đánh giá thực trạng của Chiến lược
phát triển dạy nghề. Cần tổng hợp, phân tích được thực trạng dạy nghề trong
nước, công bố kết quả khảo sát một số mô hình điển hình, kinh nghiệm của nước
ngoài, đánh giá được mức độ đạt được về dạy nghề; những vấn đề còn tồn tại, bất
cập cũng như sự lạc hậu về tư duy trong dạy nghề. Trong phát triển dạy nghề hiện
nay tồn tại những mâu thuẫn lớn là: cung với cầu (khả năng đào tạo của cơ sở
dạy nghề với nhu cầu xã hội); cơ cấu dạy nghề với cơ cấu lao động và cơ cấu
ngành nghề; quy mô và chất lượng; nguồn lực (đội ngũ giáo viên, chương trình,
cơ sở vật chất, kinh phí, chính sách đãi ngộ, thu hút và các điều kiện bảo đảm
chất lượng khác) với mong muốn về số và chất lượng … Cần xác định mục tiêu, giải
pháp phù hợp để khắc phục, giải quyết những mâu thuẫn này.
c. Về dự báo nhu cầu, định hướng
của Chiến lược đến năm 2020: cần dự báo cơ cấu lao động trong nền kinh tế (giữa
công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ - xuất khẩu) từ đó dự báo được nhu cầu đào
tạo nghề về số lượng, chất lượng và cơ cấu đào tạo cho phù hợp.
d. Về quan điểm, cần nhấn mạnh
những điểm sau:
- Chăm lo, phát triển dạy nghề là
trách nhiệm của Đảng, Nhà nước; của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội;
- Dạy nghề có tầm quan trọng đặc
biệt vừa có tính nhân văn vừa có tính xã hội rất cao, đó là dạy cho người lao
động có nghề và có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo. Đào tạo nghề phải là
một phần trong hệ thống chính sách giáo dục đào tạo, được coi là quốc sách hàng
đầu, đầu tư cho dạy nghề là đầu tư cho phát triển. Do đó, phải đào tạo cho
người lao động có nghề vừa để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục
vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu
nhập, mức sống cho người dân ở các vùng miền khác nhau.
- Tạo ra chuyển biến mạnh mẽ với sự
đổi mới toàn diện về công tác dạy nghề theo nguyên tắc của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả đổi mới tư duy và cách xây dựng
chính sách về đào tạo nghề, trong đó đổi mới cơ chế tài chính cho dạy nghề, tính
đúng, tính đủ chi phí cho dạy nghề;
- Dạy nghề phải đáp ứng đủ về số
lượng, đảm bảo về chất lượng và phù hợp về cơ cấu, phù hợp với cơ cấu kinh tế
và cơ cấu lao động. Dạy nghề phải phát triển nhanh, bền vững, phát triển ở cả
nông thôn, thành thị, vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu học
suốt đời, bảo đảm công bằng trong học tập của mọi người dân, mọi người lao động
đ. Về các mục tiêu, về cơ bản, mục
tiêu tổng quát nêu trong dự thảo Chiến lược khá rõ ràng, nhưng cần bổ sung phát
triển dạy nghề cả bề rộng và chiều sâu. Các mục tiêu cụ thể cần đưa thêm một số
chỉ tiêu định lượng cơ bản như quy mô phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo
nghề, chuẩn chất lượng cần đạt được …
e. Về các giải pháp, chỉ nêu những
giải pháp có tính định hướng, không quá chi tiết nhưng phải sát với thực tiễn,
chú ý đến một số điểm sau:
- Phát triển hệ thống của mạng lưới
cơ sở dạy nghề gắn với số lượng (theo ngành, địa phương), phù hợp với điều kiện
phát triển kinh tế - xã hội. Có cơ sở để dạy nghề chất lượng cao, đào tạo nghề
mũi nhọn, nhưng cũng có những cơ sở dạy nghề cho nông dân, người lao động ở thành
thị; chú ý đến các nhóm đối tượng đặc thù như bộ đội xuất ngũ, bộ đội làm kinh
tế; các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội;
- Có các giải pháp liên quan đến
bảo đảm chất lượng đào tạo, như phát triển đội ngũ giáo viên, chương trình đào
tạo; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy nghề. Trong các giải pháp về nguồn lực,
chú ý tới vai trò của việc đẩy mạnh xã hội hóa nhất là phát huy vai trò của các
doanh nghiệp trong việc dạy nghề;
- Giải pháp về cơ chế, chính sách
chú ý đến các chính sách liên quan đến người học, người dạy, cơ sở dạy nghề,
doanh nghiệp; cơ chế, chính sách tài chính; chính sách thu hút đầu tư trong
nước và nước ngoài, tăng cường hợp tác Quốc tế;
- Giải pháp quản lý nhà nước về dạy
nghề phải làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành về dạy nghề; phân cấp quản lý; tăng
cường tính tự chủ của cơ sở dạy nghề; bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp
luật về dạy nghề …;
- Nội dung Chiến lược phát triển
dạy nghề phải phù hợp với các Chiến lược khác có liên quan; thực hiện sự tương
thích đào tạo giữa các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng với các trường
trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng tăng cường ứng dụng thực tế sản xuất và
tăng kỹ năng nghề nghiệp đồng thời tạo bình đẳng liên thông đào tạo cao đẳng, đại
học đối với các cơ sở đào tạo và dạy nghề này; thực hiện tốt thu hút phân luồng
sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Xác định các giải pháp đột phá:
Xây dựng đội ngũ giáo viên; tăng cường quản lý nhà nước; tạo ra động lực mà
trực tiếp phải xây dựng hệ thống chính sách liên quan đến tăng lợi ích chính đáng
gắn với trách nhiệm của người học, người dạy, cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sử
dụng lao động; tạo cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào
công tác dạy nghề.
g. Về tổ chức thực hiện Chiến lược:
- Xác định trách nhiệm thực hiện
của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan;
- Cần làm rõ kế hoạch xây dựng,
triển khai những Đề án nhằm thực hiện Chiến lược khi được phê duyệt;
- Rà soát, trình sửa đổi, bổ sung
các văn bản pháp luật liên quan;
- Hoạt động giám sát, đánh giá việc
thực hiện Chiến lược để khẳng định được những tác động tích cực đối với xã hội
và sự phát triển bền vững của mục tiêu Chiến lược.
4. Tiến độ xây dựng Chiến lược
Giao Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo nói trên, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan
liên quan và các địa phương tiếp tục xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dạy
nghề giai đoạn 2011 - 2020, xin ý kiến thường trực Chính phủ vào tháng 11 năm
2009 để hoàn thiện trình Bộ Chính trị.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương biết và thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hữu Vũ
|