THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI HỘI NGHỊ LIÊN TỊCH
VỚI ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa
Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 17/9/201, tại Hà Nội, Thủ
tướng Phan Văn Khải chủ trì hội nghị liên tịch với Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn
Lao động Việt Nam nhằm đánh giá tình hình phối hợp công tác giữa hai bên và bàn
biện pháp giải quyết những kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng
dự họp có đại diện Ban Dân vận Trung ương, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng,
Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Cù Thị Hậu, Chủ tịch Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam thông báo về tình hình hoạt động của phong trào lao động sản xuất của công
nhân, viên chức và hoạt động Công đoàn trong cả nước; những kiến nghị của Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với Chính phủ năm 2001; ý kiến của các Bộ,
ngành liên quan; Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận như sau:
Chính phủ đánh giá cao vai trò của Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam trong việc chỉ đạo, tổ chức các hoạt động của phong trào
công nhân, viên chức, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội của đất nước. Hoạt động Công đoàn các cấp đã trực tiếp đi vào những vấn
đề xã hội trọng tâm như: chương trình xoá đói giảm nghèo, vấn đề lao động và việc
làm, mối quan hệ chủ - thợ và việc đình công của người lao động trong các Xí
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và
các cấp Công đoàn với nỗ lực cao nhất, thi đua lao động giỏi, góp phần hoàn
thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đã
giao, tạo đà cho kế hoạch năm 2002 và những năm tiếơ theo. Thủ tướng trân trọng
và cảm ơn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động phối hợp công tác với
Chính phủ ngày càng gắn bó thiết thực và có hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ
sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức Công đoàn các cấp trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Về một số kiến nghị cụ thể của Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam, Thủ tướng đồng ý:
1. Nâng cao hiệu quả của công
tác thanh tra lao động, thanh tra các doanh nghiệp.
Để công tác thanh tra nhà nước về lao động đạt
hiệu quả, không gây phiền hà cho cơ sở, cần nghiên cứu kiến nghị sửa đổi Bộ Luật
Lao động theo hướng tập trung các hoạt động thanh tra lao động về một Bộ, không
giao nhiều cơ quan như hiện nay. Nội dung thanh tra hướng vào những vấn đề xã hội
đang quan tâm như an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường đô thị, ô nhiễm
môi trường lao động trong nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề ... Giao cho
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam, Thanh tra Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và
các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng
dẫn Điều 191 Bộ Luật Lao động về tổ chức và hoạt động của thanh tra nhà nước về
lao động. Đối với công tác thanh tra các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị số 22/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, về
chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Cần tăng cường kiểm tra về
thời gian làm việc, thời gian làm thêm, nộp bảo hiểm xã hội, bảo đảm an toàn, vệ
sinh lao động, thời hạn của các hợp đồng lao động giữa người lao động và người
sử dụng lao động... trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người lao động.
Việc xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực lao động sản xuất cần được thực hiện nghiêm minh nhằm bảo đảm
hiệu quả của công tác thanh tra. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ
trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị sửa
đổi, bổ sung Nghị định 38/CP ngày 25/6/1996 về xử phạt hành chính đối với những
hành vi vi phạm pháp luật lao động.
2. Tăng cường quản lý nhà nước
trong hoạt động xuất khẩu lao động
Thời gian qua, việc đưa lao động ở nước ta đi
làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy,
công tác quản lý trong lĩnh vực này còn thiếu sót, để xảy ra một số vịêc làm
sai trái, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân. Chính phủ tiếp tục tăng cường
các biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động nhằm bảo đảm quyền
lợi của nhà nước và người lao động. Giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ngành chức năng
liên quan áp dụng các biện pháp tăng cường chức năng quản lý đối với hoạt động
xuất khẩu lao động; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của bản thân người lao động, của
những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này; nghiêm khắc xử lý những cá nhân, tập
thể thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước và người
lao động.
Về kiến nghị phải có đại diện Công đoàn ở những
nước có đông người Việt Nam lao động là cần thiết, song cần được giải quyết
trong tổng thể các vấn đề liên quan, với bước đi hợp lý, huy động được sự đóng góp,
tham gia của cộng đồng người lao động Việt Nam tại những nước đó. Thủ tướng
Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án giải quyết thí điểm,
trình Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Xây dựng chính sách nhà ở
cho công nhân viên chức và các đối tượng lao động khác.
Nhà ở là một trong những vấn đề bức xúc của nhiều
tầng lớp nhân dân trong cả nước, trước hết là đối với các bộ, công nhân ,viên
chức có thu nhập thấp ở đô thị, học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp,
công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, kể cả ở địa bàn các vùng sâu, vùng
xa, vùng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt đe doạ. Đây là một trong những nhiệm
vụ đã được đặt ra từ lâu song việc giải quyết còn rất chậm, đòi hỏi phải có cơ
chế, giải pháp đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc, giải quyết bằng được nhiệm
vụ này.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên
quan nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ một Dự án đồng bộ, tổng thể, toàn diện
về nhà ở cho nhân dân trong cả nước. Trước mắt, cần tập trung giải quyết tốt
nhu cầu bức xúc này tại các thành phố lớn đông dân, có nhiều khu công nghiệp,
khu chế xuất như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ sẽ xem xét sớm ban
hành Nghị định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê
nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề này.
4- Về Bảo hiểm thất nghiệp
Đây là một vấn đề lớn mới ở Việt Nam, cần tổ chức
thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng liên
đoàn Lao động Việt Nam và các ngành chức năng liên quan tổ chức thực hiện thí
điểm về Bảo hiểm thất nghiệp để đúc rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.
5- Chính sách đối với các nhà
Văn hoá Lao động của Công đoàn
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hoá -Thông
tin tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài
chính nghiên cứu các biện pháp cụ thể để giải quyết phù hợp với những quy định
hiện hành. Đối với một số Nhà Văn hoá có quy mô lớn, chức năng phục vụ toàn diện
các hoạt động của Đảng và Nhà nước như Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô .... cần
được ưu tiên khảo sát, đánh giá chính xác, cụ thể, trên cơ sở đó có biện pháp hỗ
trợ thoả đáng.
6- Việc thành lập Hội đồng Quốc
gia về Bảo hộ lao động
Đồng ý với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam. Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ngành chức
năng liên quan xây dựng đề án thành lập Hội đồng quốc gia về Bảo hộ lao động,
trình Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Tăng cường thực hiện Quy chế
dân chủ ở cơ sở
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một chủ
trương lớn của Đảng. Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn việc thực hiện
Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau thời gian thực hiện nhiệm vụ trên, chúng ta thu được
một số kết quả đáng phấn khởi, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, trong
đó có cả “lực cản” từ bộ máy hành chính cồng kềnh, hiệu quả chưa cao.Giao Ban Tổ
chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
theo dõi, đánh giá, tìm ra điển hình làm tốt, từ đó nhân ra diện rộng, nhằm
phát huy quyền làm chủ của nhân dân, gìn giữ và làm lành mạnh bộ máy nhà nước,
phát huy được bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Việc xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ ở các
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác là cần thiết. Chính phủ sẽ trình
xin kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở những vấn đề đã được nhất trí về kết
luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai những việc thuộc trách nhiệm
của mình và phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện những công
việc có liên quan. Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành,
địa phương và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện.