QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUY ĐỊNH CHÍNH
SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐI HỌC VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LUÂN CHUYỂN,
TĂNG CƯỜNG VỀ CÔNG TÁC Ở XÃ THUỘC TỈNH VĨNH LONG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2006/NQ-HĐND K7, ngày
16/02/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp lần thứ 6;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, tại Tờ
trình số 200/TTr-SNV, ngày 27 tháng 02 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
Quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức đi học và cán bộ, công
chức luân chuyển, tăng cường về công tác ở xã thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc
Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định
số 781/2002/QĐ-UB, ngày 28/3/2002, của Uỷ ban nhân dân tỉnh, về việc quy định
tạm thời về chính sách trợ cấp cho cán bộ, công chức đi học và cán bộ, công
chức luân chuyển tăng cường về công tác ở xã của tỉnh Vĩnh Long.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành chức
năng có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện thị xã chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ
ngày ký và được đăng trên Công báo tỉnh./.
QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH TRỢ
CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐI HỌC VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG
VỀ CÔNG TÁC Ở XÃ THUỘC TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 409/2006/QĐ-UBND, ngày 06 /3 /2006, của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Nhằm thu hút nguồn nhân lực, động viên và tạo điều
kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức có trình độ khoa học kỹ thuật cao về công
tác ở địa phương, cũng như cán bộ, công chức trong tỉnh, không ngừng học tập
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định chính
sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức đi học và cán bộ, công chức luân chuyển
tăng cường về công tác ở xã thuộc tỉnh Vĩnh Long với những nội dung chủ yếu sau
đây:
I. CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC ĐI HỌC.
1. Đối tượng được áp dụng:
a) Là cán bộ, công chức đang công tác trong các
cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh, huyện, thị xã và cán bộ, công
chức xã, phường, thị trấn được hưởng lương từ ngân sách nhà nước cấp.
b) Việc cử cán bộ, công chức và cán bộ, công chức
xã, phường, thị trấn đi học phải theo quy hoạch cán bộ, theo chuẩn hóa chức
danh, theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và được cấp có thẩm quyền phê
duyệt (theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
c) Đối với cán bộ đào tạo sau đại học phải do
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xét duyệt hoặc ủy nhiệm cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy, căn cứ
vào quy hoạch xét duyệt.
d) Đối với cán bộ chuyên môn kỹ thuật đào tạo
sau đại học (không thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy) giao cho Giám đốc Sở, ban,
ngành lập danh sách thông qua Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy, khi được duyệt
thì mới thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này.
2. Chế độ trợ cấp:
Ngoài chế độ trợ cấp theo quy định của Chính phủ
và Thông tư Hướng dẫn số 150/1998/TT-BTC , ngày 19/11/1998 của Bộ Tài chính, được
tính trợ cấp thêm, cụ thể như sau:
a) Trợ cấp tiền ăn:
- Học ở khu vực phía Bắc được hỗ trợ thêm tiền
ăn 400.000đ/người/tháng đối với nam; 450.000đ/người/tháng đối với nữ và dân tộc
ít người.
- Học ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ
thêm tiền ăn 300.000đ/người/tháng đối với nam; 350.000đ/người/tháng đối với nữ
và dân tộc ít người.
- Học ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long
được hỗ trợ thêm tiền ăn 250.000đ/người/tháng đối với nam; 300.000đ/người/tháng
đối với nữ và dân tộc ít người.
b) Trợ cấp tiền nghiên cứu thực tế, tiền biên tập
luận văn tốt nghiệp:
- Đối với cán bộ, công chức đi học đại học
chuyên môn, đại học chính trị và đại học hành chính được hỗ trợ tiền nghiên cứu
thực tế, biên tập luận văn tốt nghiệp 2.000.000đ/sau khi tốt nghiệp.
- Đối với cán bộ, công chức được tuyển chọn đào
tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II) ngoài các chế
độ được hưởng theo quy định, còn được tỉnh hỗ trợ một khoản tiền làm luận văn
tốt nghiệp như sau:
- Thạc sĩ: 20.000.000đ/ sau khi tốt nghiệp.
- Tiến sĩ: 35.000.000đ/sau khi tốt nghiệp.
- Chuyên khoa I: 14.000.000đ/sau khi tốt nghiệp.
- Chuyên khoa II: 25.000.000đ/sau khi tốt
nghiệp.
c) Đối với cán bộ, công chức không thuộc đối tượng
quy định tại phần I Mục 1 của Quy định này, nếu được Thủ trưởng cơ quan cho đi
học sau đại học để nâng cao kiến thức trong quá trình học tập đã tự lực các
khoản chi phí cho học tập, khi tốt nghiệp ra trường về đơn vị công tác thì được
hưởng mức hỗ trợ như sau:
- Thạc sĩ: 10.000.000đ/sau khi tốt nghiệp.
- Tiến sĩ: 17.500.000đ/sau khi tốt nghiệp.
- Chuyên khoa I: 7.000.000đ/sau khi tốt nghiệp.
- Chuyên khoa II: 12.500.000đ/sau khi tốt
nghiệp.
d) Đối với cán bộ, công chức
được cử đi đào tạo dài hạn tại các trường trong tỉnh (Trường Chính trị, Trung
tâm Giáo dục thường xuyên...) được trợ cấp 10.000đ/người/ngày cho đối tượng
không hưởng lương; 5.000đ/người/ngày cho đối tượng hưởng lương (tính theo thực
tế ngày học).
e) Ngoài các chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền nghiên
cứu thực tế, biên tập luận văn tốt nghiệp cán bộ, công chức đi học còn được
hưởng một số chế độ như sau:
- Tiền học phí đóng cho trường và tiền tài liệu
học tập theo chương trình chính khóa.
- Tiền ở ký túc xá của nhà trường (trường hợp ký
túc xá không đủ chỗ cho học viên ở được nhà trường đồng ý cho nghỉ ngoài thì được
chi ở mức tương đương với ký túc xá).
- Học ở khu vực phía Bắc được thanh toán tiền
tàu xe nghỉ tết, nghỉ hè 02 lần/01 năm.
Học ở các tỉnh từ thành phố Hồ Chí Minh trở vào
được thanh toán tiền xe nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ 2/9, 30/4 và 1/5, 05 lần/01
năm.
- Học tại chức được thanh toán tiền tàu xe cho
chuyến đi và về của mỗi đợt học theo giấy báo nhập học của trường.
II. CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG CHO CƠ SỞ.
1. Đối tượng áp dụng:
Là cán bộ, công chức đang công tác ở các cơ quan
Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp huyện trở lên và phải nằm trong chỉ tiêu
biên chế được duyệt, được cấp có thẩm quyền quyết định tăng cường cho cơ sở từ
một năm trở lên (theo phân cấp quản lý cán bộ).
2. Chế độ trợ cấp:
a) Đối với các chức danh Bí thư, Chủ tịch xã,
phường, thị trấn ngoài mức lương hiện hưởng theo quy định của Nhà nước, được
trợ cấp thêm 200.000đ/tháng; đối với các chức danh khác được trợ cấp
150.000đ/tháng .
b) Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học tăng cường
cho xã (ngoài định biên): Có đủ tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức được
cấp có thẩm quyền quyết định phân công về công tác ở xã (theo phân cấp quản lý
cán bộ) mỗi xã không quá 02 lao động. Ngoài chế độ phụ cấp theo chức danh quy
định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP , ngày 21/10/2003 của Chính phủ còn được
trợ cấp thêm 250.000đ/người/tháng.
III. NGUỒN KINH PHÍ.
1. Trợ cấp cho cán bộ, công chức đi học được thực
hiện từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng do ngân sách Nhà nước phân bổ hàng
năm, theo kế hoạch cho các Sở, ban, ngành và huyện - thị xã (kể cả chỉ tiêu cho
đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Nội vụ thông báo hàng năm).
2. Đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng
cường cho cơ sở được trích từ nguồn kinh phí hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh
và các huyện - thị.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Hàng năm Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện - thị xã tiến hành xây dựng kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; kế hoạch điều động luân chuyển, tăng cường
cán bộ, công chức về công tác ở cơ sở, cũng như thu hút nguồn nhân lực ngoài
tỉnh về công tác ở địa phương (các ngành chủ động tìm nguồn, xây dựng đề án cụ
thể) của đơn vị, báo cáo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ xem xét theo thẩm quyền
và phân cấp quản lý cán bộ.
Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ
trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã
chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy định này./.