QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ
QUẢN LÝ VIỆC XUẤT CẢNH CỦA CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC BẰNG HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày
17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày
11/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hành chính trong
công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
Quy chế quản lý việc xuất cảnh của công chức, viên chức bằng hộ chiếu phổ thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Bãi bỏ các quy định trước đây của UBND tỉnh
trong quản lý xuất cảnh của cán bộ, công chức bằng hộ chiếu phổ thông trái với
Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận và
các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành./.
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VIỆC XUẤT
CẢNH CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, BẰNG HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2008/QĐ-UBND ngày 09/4/2008 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Để bảo đảm quyền xuất cảnh của công chức, viên
chức và thực hiện việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của các đối tượng trên đúng
các quy định hiện hành của Nhà nước, UBND tỉnh ban hành Quy chế về quản lý việc
xuất cảnh của công chức, viên chức bằng hộ chiếu phổ thông như sau:
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Công chức, viên chức công tác tại các cơ quan
Nhà nước, cơ quan Đảng, Mặt trận, các đoàn thể và công chức cấp xã (sau đây gọi
tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương) có nhu cầu xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ
thông để giải quyết việc riêng, không sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà
nước.
Điều 2. Đối tượng không áp dụng
1. Công chức, viên chức thuộc diện UBND tỉnh
quản lý và diện UBND tỉnh giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (theo phân cấp
quản lý công chức, viên chức hiện hành của UBND tỉnh).
2. Công chức, viên chức thuộc diện chưa được
xuất cảnh theo quy định tại Điều 21 Chương IV Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày
17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, cụ thể:
a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có
liên quan đến công tác điều tra tội phạm;
b) Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự;
c) Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự,
kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế;
d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ
những trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để
thực hiện nghĩa vụ đó;
đ) Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây
lan;
e) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự
an toàn xã hội;
g) Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập
cảnh theo quy định của Chính phủ.
Điều 3. Quản lý hộ chiếu phổ thông
1. Hộ chiếu phổ thông là tài sản của Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp cho công chức, viên chức và giao công
chức, viên chức có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định
của pháp luật.
2. Cơ quan, đơn vị và địa phương quản lý công
chức, viên chức không thu, giữ hộ chiếu phổ thông của công chức, viên chức.
Điều 4. Quản lý việc xuất cảnh của công chức,
viên chức
Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Nội
vụ ra quyết định cho phép xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông đối với các đối
tượng quy định tại Điều 1 Quy chế này.
Điều 5. Trách nhiệm của công chức, viên chức
1. Công chức, viên chức có nhu cầu xuất cảnh
bằng hộ chiếu phổ thông phải có đơn đề nghị được xuất cảnh gửi thủ trưởng cơ
quan, đơn vị, địa phương mình.
2. Công chức, viên chức chỉ được xuất cảnh khi
có quyết định cho phép xuất cảnh của Giám đốc Sở Nội vụ quy định tại Điều 4 Quy
chế này.
Điều 6. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan,
đơn vị, địa phương
1. Trên cơ sở đơn xin xuất cảnh của công chức,
viên chức; căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, trong
thời hạn 03 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét có
văn bản đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho phép hoặc chưa cho phép công chức, viên
chức xuất cảnh.
2. Đối với công chức, viên chức thuộc đối tượng
nêu tại điểm d khoản 2 Điều 2 Quy chế này, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và địa
phương có văn bản gửi Sở Nội vụ và Công an tỉnh biết về việc chưa cho xuất cảnh
đối với người đó để thực hiện các thủ tục tiếp theo. Văn bản báo cáo phải nêu
rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn đề nghị chưa được
xuất cảnh.
3. Không được gây khó, chậm trễ, không lợi dụng
để sách nhiễu, tiêu cực trong việc giải quyết cho công chức, viên chức xuất
cảnh.
Điều 7. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ
1. Trên cơ sở đề nghị của thủ trưởng cơ quan,
đơn vị, địa phương, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ quyết
định cho xuất cảnh hoặc chưa xuất cảnh đối với công chức, viên chức và chịu
trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Quyết định cho phép công
chức, viên chức xuất cảnh đồng thời được gửi đến Công an tỉnh để phối hợp quản
lý theo quy định.
2. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có liên
quan, Giám đốc Sở Nội vụ có văn bản thông báo cho công chức, viên chức việc
chưa cho xuất cảnh đối với những đối tượng nêu tại điểm d khoản 2 Điều 2 Quy
chế này, đồng thời có văn bản thông báo đến Công an tỉnh, Cục Quản lý xuất nhập
cảnh - Bộ Công an về vấn đề trên. Khi hủy bỏ thông báo chưa cho xuất cảnh đối
với công chức, viên chức cũng phải thông báo bằng văn bản cho Công an tỉnh, Cục
Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để cùng phối hợp thực hiện.
Điều 8. Hồ sơ đề nghị cho phép xuất cảnh
Hồ sơ đề nghị cho phép xuất cảnh gửi về Sở Nội
vụ gồm:
1. Đơn xin xuất cảnh của công chức, viên chức.
2. Văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa
phương đề nghị Sở Nội vụ cho phép hoặc chưa cho phép xuất cảnh đối với công
chức, viên chức. Văn bản phải nói rõ lý do đề nghị cho phép hoặc chưa cho phép
xuất cảnh, thời gian đi, nước đến, nguồn kinh phí.
3. Thư mời của các tổ chức, cá nhân (nếu có).
Điều 9. Tổ chức thực hiện
Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy
định hiện hành của Nhà nước và quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng
mắc, đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương; các cá nhân có liên quan
có văn bản kiến nghị UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp./.