ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1910/QĐ-UBND
|
Tiền Giang, ngày 20 tháng 7 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG (LAO ĐỘNG TỰ
DO) BỊ MẤT VIỆC LÀM, GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN
GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 Tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày
01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1441/TTr-SLĐTBXH ngày 16 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng
và điều kiện hỗ trợ
Hỗ trợ người lao động không có giao kết
hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch
Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính
sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
Covid-19, cụ thể như sau:
1. Đối tượng hỗ trợ:
a) Người lao động tự làm hoặc làm
thuê thuộc các nhóm, lĩnh vực sau:
- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ
không có địa điểm cố định.
- Làm công việc thu gom rác, phế liệu.
- Làm công việc bốc vác, vận chuyển
hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách.
- Người bán lẻ xổ số lưu động.
- Người tự làm hoặc làm thuê tại các
hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch,
chăm sóc sức khỏe. Trường hợp có từ 02 người trở lên tự làm tại các hộ kinh
doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe không đủ điều
kiện được hỗ trợ theo chính sách đối với hộ kinh doanh theo quy định tại điểm
10 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thì chỉ 01 người đại diện hộ kinh doanh được hỗ
trợ.
- Người tự làm hoặc làm thuê trong cơ
sở làm đẹp (thẩm mỹ, xăm mình, cắt tóc, uốn tóc, nail, spa và làm đẹp khác).
- Phục vụ trong quán bar, vũ trường,
karaoke, câu lạc bộ bi-da, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, rạp hát,
câu lạc bộ khiêu vũ, các điểm truy cập internet và trò
chơi điện tử.
- Phục vụ tại các cơ sở tập luyện thể
dục thể thao: Thể dục thẩm mỹ, aerobic, phòng tập gym, hồ bơi, yoga, võ thuật
(huấn luyện viên, người hướng dẫn, phục vụ,...).
- Lao động giúp việc gia đình.
b) Người lao động không có giao kết hợp
đồng lao động làm việc thời vụ, khoán việc tại các doanh nghiệp bị mất việc làm
thuộc các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch.
2. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Bị mất việc làm từ 15 ngày liên tục
trở lên khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc phải tạm dừng
hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian từ ngày
01/5/2021 đến ngày 31/12/2021;
b) Có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận
nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng
Chính phủ về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020
trong thời gian bị mất việc;
c) Cư trú hợp
pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo quy định của Luật Cư trú.
Điều 2. Mức hỗ trợ,
thời gian hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần.
2. Hỗ trợ 01 lần, thời gian hỗ trợ
trong năm 2021.
Điều 3. Nguyên tắc
hỗ trợ và hồ sơ, trình tự thực hiện
1. Nguyên tắc
a) Đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng,
công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
b) Thành phần hồ sơ, thủ tục và quy
trình thực hiện đơn giản, ngắn gọn dễ thực hiện.
c) Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một
chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP hoặc theo quy định tại
Quyết định này, nếu đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì chỉ giải quyết hỗ
trợ theo chính sách cao nhất, không để xảy ra trùng lắp, không hỗ trợ đối tượng
tự nguyện không tham gia.
d) Phát huy tính chủ động, trách nhiệm
của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc
tuyên truyền, phổ biến chính sách, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát; đảm
bảo việc chi hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng chính sách được hỗ trợ.
2. Hồ sơ thực hiện:
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội hướng dẫn hồ sơ (biểu mẫu) thực hiện chính sách này theo nguyên tắc: Đơn giản,
ngắn gọn, dễ thực hiện, nhưng phải đảm bảo xác định chính xác, đúng đối tượng.
3. Trình tự thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, hướng
dẫn người lao động đáp ứng điều kiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Thời gian tiếp
nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/01/2022.
b) Trong 05 ngày làm việc, Ủy ban
nhân dân cấp xã lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, tổ chức
họp xét với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và
công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề
nghị hỗ trợ trong 02 ngày làm việc; đồng thời gửi danh sách người lao động đủ
điều kiện về Ủy ban nhân dân cấp huyện (thông qua Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội).
c) Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan
liên quan thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh
trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
đ) Căn cứ Quyết định phê duyệt danh
sách, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định bổ sung dự
toán cho các địa phương hoặc có công văn hướng dẫn địa phương sử dụng nguồn cải
cách tiền lương để thực hiện.
Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy
ban nhân dân cấp xã thực hiện chi trả cho người lao động ngay khi được bố trí
kinh phí.
Điều 4. Nguồn
kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí hỗ trợ đối với người
bán lẻ xổ số lưu động được đảm bảo từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH MTV xổ số
kiến thiết Tiền Giang.
2. Các đối tượng còn lại do ngân sách
địa phương đảm bảo từ nguồn cải cách tiền lương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Điều 5. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp, thẩm định và chỉ đạo tổ chức thực
hiện, chi hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Tài chính, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các sở,
ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ LĐTBXH;
- Bộ Tư pháp;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- TT. UBMTTQ VN tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- VPUB: CVP và các PCVP, các phòng nghiên cứu;
- Lưu: VT, KGVX (Hương).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Mười
|