ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/2013/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 05
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
“QUỸ HỖ TRỢ DẠY NGHỀ, VIỆC LÀM” TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số
20/2011/QĐ-UBND ngày 19/7/2011 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Hà Tĩnh về việc thành lập “Quỹ hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc
làm cho người dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh
Hà Tĩnh;
Căn cứ Quyết định số 3156/QĐ-UBND
ngày 29/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc thành lập Hội đồng quản lý “Quỹ hỗ trợ dạy nghề, việc
làm” tỉnh Hà Tĩnh;
Theo đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 49/TTr-LĐTBXH ngày 06/5/2013,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quy định
một số nội dung cụ thể về quản lý và sử dụng “Quỹ hỗ trợ dạy nghề, việc làm” tỉnh
Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 87/QĐ-HĐQL ngày 17/12/2012 của Hội đồng Quản
lý “Quỹ hỗ trợ dạy nghề, việc làm” tỉnh Hà Tĩnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các thành
viên Hội đồng Quản lý và Tổ giúp việc cho Hội đồng Quản lý “Quỹ hỗ trợ dạy nghề,
việc làm” tỉnh Hà Tĩnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Quyết
định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Chủ tịch các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tài chính;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, TH, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thiện
|
QUY CHẾ
QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG “QUỸ HỖ TRỢ DẠY
NGHỀ, VIỆC LÀM” TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 15/05/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)
Chương 1.
CẤP THẺ HỌC NGHỀ
Điều 1. Đối tượng,
điều kiện được cấp thẻ học nghề
Người lao động, học sinh, sinh viên
có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thuộc hộ gia đình, cá nhân bị
thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm
nghiệp, diêm nghiệp, đất nuôi trồng thủy hải sản được Nhà nước giao hoặc thuộc
hộ gia đình đánh bắt thủy hải sản phải di dời tái định cư,
chuyển đổi nghề, chưa được hỗ trợ kinh phí đào tạo, dạy nghề từ ngân sách nhà
nước, bao gồm:
- Học sinh, sinh viên đang học tại
các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong
và ngoài tỉnh;
- Người trong độ tuổi lao động chưa
có việc làm và đang theo học nghề một trong ba cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung
cấp nghề, cao đẳng nghề tại các cơ sở dạy nghề được thành lập hợp pháp theo quy
định của pháp luật;
- Người trong độ
tuổi lao động chưa có việc làm tại thời điểm xét hỗ trợ học
nghề, có nhu cầu học nghề.
Điều 2. Hồ sơ
xin cấp thẻ học nghề.
- Đơn xin cấp thẻ học nghề (theo mẫu
01);
- Bản sao chứng minh thư nhân dân (có
chứng thực);
- Bản sao sổ Hộ khẩu (có chứng thực);
- Tài liệu chứng minh đối tượng thuộc
hộ gia đình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm
nghiệp, diêm nghiệp, đất nuôi trồng thủy hải sản hợp pháp, bị thu hồi trên 30%
hoặc thuộc hộ gia đình đánh bắt thủy hải sản phải di dời
tái định cư, chuyển đổi nghề (bản phô tô có chứng thực);
- 02 ảnh hồ sơ cỡ 3cm x 4cm (bỏ trong phong bì có ghi rõ: họ và tên; ngày,
tháng, năm sinh; địa chỉ).
Điều 3. Quy trình
cấp thẻ học nghề
Bước 1: Đối tượng nộp hồ sơ đề nghị cấp
thẻ về UBND cấp xã.
Bước 2: UBND cấp xã rà soát hồ sơ, lập danh sách đề nghị cấp thẻ (theo mẫu 02), gửi danh sách và hồ sơ liên
quan của đối tượng về UBND cấp huyện.
Bước 3: UBND cấp huyện tổ chức thẩm định
hồ sơ xin cấp thẻ học nghề cho từng đối tượng và gửi danh
sách (theo mẫu 02) đề nghị cấp thẻ cùng hồ sơ liên quan của đối tượng về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 4: Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội thẩm định, cấp thẻ học nghề (theo mẫu 11) và chuyển trả thẻ cho đối tượng
thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố, thị xã.
Điều 4. Ưu tiên
trong cấp thẻ học nghề.
Để đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ,
số lượng thẻ học nghề được cấp căn cứ vào nguồn quỹ hàng năm và theo thứ tự ưu
tiên sau:
- Lao động thuộc diện được hưởng
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; hộ nghèo, người
dân tộc thiểu số, người tàn tật.
- Lao động thuộc diện phải di đời,
tái định cư;
- Lao động bị thu hồi từ 70% đất sản
xuất trở lên;
- Lao động thuộc các xã chịu ảnh hưởng
của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Lao động bị thu hồi đất khác.
Chương
2.
HỖ TRỢ KINH PHÍ
ĐÀO TẠO, DẠY NGHỀ
Điều 5. Điều kiện
hỗ trợ
- Lao động có thẻ học nghề đang còn
thời hạn sử dụng (5 năm tính từ ngày
cấp thẻ);
- Đã tốt nghiệp các khóa đào tạo theo
các cấp trình độ: đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp,
cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề ở các cơ sở đào
tạo, dạy nghề được Nhà nước cho phép;
- Chưa được hỗ trợ kinh phí đào tạo từ
ngân sách nhà nước.
Điều 6. Hồ sơ đề
nghị hỗ trợ
1. Thành phần hồ sơ, gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ học phí đào tạo
(theo mẫu 03);
- Thẻ học nghề (bản chính);
- Bản sao chứng minh thư nhân dân (có
chứng thực);
- Bản sao bằng, chứng chỉ tốt nghiệp
hoặc hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp (có chứng thực).
2. Hồ sơ là căn cứ để thực hiện chế độ
và lưu tại Tổ giúp việc Hội đồng Quản lý quỹ sau khi đã chi trả.
Điều 7. Mức hỗ trợ
- Đào tạo trình độ đại học; cao đẳng
nghề: 05 triệu đồng/người/khóa học;
- Đào tạo trình độ cao đẳng; trung cấp
nghề: 04 triệu đồng/người/khóa học;
- Đào tạo trình độ trung cấp chuyên
nghiệp: 03 triệu đồng/người/khóa học;
- Đào tạo trình độ sơ cấp nghề: Áp dụng
các chính sách đối với lao động nông thôn học nghề thuộc
diện bị thu hồi đất canh tác quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg
ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của
UBND tỉnh ban hành danh mục, mức chi đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 03 tháng tại các cơ sở dạy nghề.
Điều 8. Phương thức
hỗ trợ
Quỹ thực hiện chi trả một lần thông
qua Thẻ học nghề cho người học nghề hoặc thanh toán một lần cho các cơ sở dạy nghề
trên địa bàn tỉnh vào cuối khóa; thời gian thực hiện chi trả: 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp
lệ.
Điều 9. Quy
trình, thủ tục chi hỗ trợ
1. Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động:
Bước 1: Người lao động nộp hồ sơ đề
nghị hỗ trợ về UBND cấp xã.
Bước 2: UBND cấp xã rà soát hồ sơ, lập danh sách đề nghị hỗ trợ (theo mẫu 04) và gửi hồ sơ của các đối
tượng về UBND huyện.
Bước 3: UBND huyện thẩm định hồ sơ và
lập danh sách đề nghị hỗ trợ (theo mẫu 04) gửi về Hội đồng
quản lý Quỹ (qua Tổ giúp việc cho Hội đồng Quỹ tại Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội).
Bước 4: Tổ giúp việc kiểm tra và trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét quyết định cấp
kinh phí về UBND huyện, thành phố, thị xã và UBND huyện, thành phố, thị xã chuyển
kinh phí về UBND xã, phường, thị trấn để chi trả cho các đối
tượng.
2. Hỗ trợ thông qua cơ sở đào tạo nghề
tại địa bàn tỉnh:
Bước 1: Cơ sở dạy nghề lập văn bản,
danh sách đề nghị hỗ trợ (theo mẫu 05) và hồ sơ đối tượng theo quy định tại Điều
6 Quy chế này, gửi về Hội đồng quản lý Quỹ.
Bước 2: Tổ giúp việc Hội đồng quản lý
Quỹ kiểm tra và trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét quyết định
cấp kinh phí về cho cơ sở dạy nghề.
Chương 3.
HỖ TRỢ TƯ VẤN,
HƯỚNG NGHIỆP, TẠO VIỆC LÀM
Điều 10. Hỗ trợ
các doanh nghiệp giải quyết việc làm
1. Đối tượng, điều kiện: Doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các cơ sở kinh
tế, doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tiếp nhận, tự tổ
chức đào tạo và bố trí việc làm cho lao động có thẻ học nghề sử dụng cho các đối
tượng của Quỹ, đang còn thời hạn sử dụng (5 năm tính từ
ngày cấp thẻ); lao động có thời gian làm việc ít nhất 06
tháng tại đơn vị và tham gia đóng nộp đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Mức hỗ trợ: Áp dụng mức hỗ trợ kèm
nghề cho lao động nông thôn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
theo quy định tại Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 21/1/2013 của UBND tỉnh ban
hành danh mục, định mức kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho
lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở dạy
nghề và mức hỗ trợ kèm nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
3. Thủ tục hồ sơ:
- Tờ trình đề nghị hỗ trợ kinh phí;
- Danh sách người lao động thuộc hộ
gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất được tiếp nhận, bố trí việc làm tại
đơn vị (theo mẫu 06; có xác nhận của UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đóng);
- Thẻ học nghề của người lao động (bản
chính);
- Bản sao chứng minh thư nhân dân (có
chứng thực);
- Bản sao hợp đồng lao động (có chứng
thực);
- Bản sao sổ bảo hiểm xã hội (có chứng
thực).
Điều 11. Hỗ trợ
các đơn vị của Nhà nước có chức năng làm công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề và
giới thiệu việc làm
1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Các đơn vị của Nhà nước có chức năng làm công tác hướng nghiệp, tư vấn
học nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của
Quỹ có tổ chức các hoạt động sau:
- Tổ chức hội nghị về hướng nghiệp,
tư vấn nghề, giới thiệu việc làm;
- Tổ chức ngày hội việc làm, đào tạo
nghề;
2. Mức hỗ trợ: Căn cứ tình hình cụ thể
Hội đồng Quản lý Quỹ xem xét, quyết định mức hỗ trợ.
Chương 4.
HỖ TRỢ ĐỜI SỐNG,
ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
Điều 12. Hỗ trợ
mua Thẻ bảo hiểm y tế
1. Đối tượng: Là những người đã hết tuổi
lao động (nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên) có hộ khẩu thường
trú tại tỉnh Hà Tĩnh; thuộc hộ gia đình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, diêm nghiệp bị thu hồi trên 30% diện
tích đất được Nhà nước giao hoặc thuộc hộ gia đình đánh bắt thủy hải sản phải
di dời tái định cư, chuyển đổi nghề.
2. Điều kiện hỗ trợ: Lao động chưa có
thẻ Bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày
27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Bảo hiểm y tế.
3. Mức hỗ trợ: 100% giá trị mua thẻ
theo mệnh giá thẻ Bảo hiểm; thời gian hỗ trợ: 03 năm kể từ lần đầu tiên được cấp
thẻ Bảo hiểm y tế.
4. Hình thức hỗ trợ: Mua thẻ Bảo hiểm
y tế cấp cho từng đối tượng được hưởng.
5. Quy trình hỗ trợ:
- Bước 1: UBND cấp xã căn cứ các điều
kiện quy định, lập danh sách (theo mẫu 07) gửi UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt.
- Bước 2: UBND cấp huyện tổng hợp và
gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Hội đồng quản lý Quỹ (qua Tổ giúp việc cho Hội đồng
quản lý Quỹ).
- Bước 3: Tổ giúp việc cho Hội đồng
quản lý Quỹ kiểm tra trình Hội đồng quản lý Quỹ quyết định
và chuyển kinh phí hỗ trợ về UBND cấp huyện.
Bước 4: UBND cấp huyện căn cứ quyết định
hỗ trợ của Hội đồng quản lý Quỹ, ký hợp đồng với Bảo hiểm
xã hội cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho từng đối tượng.
Điều 13. Hỗ trợ
lương thực
1. Đối tượng: Là những người đã hết tuổi lao động (nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ
đủ 55 tuổi trở lên) có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Tĩnh; thuộc hộ gia đình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, diêm nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất được
Nhà nước giao hoặc thuộc hộ gia đình đánh bắt thủy hải sản phải di dời tái định
cư, chuyển đổi nghề.
2. Điều kiện hỗ trợ:
- Không thuộc đối tượng đang hưởng
lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thường xuyên hàng tháng do xã, phường,
thị trấn quản lý theo Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 01/7/2011 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc quy định đối tượng và mức hưởng trợ cấp thường xuyên, trợ
cấp đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh;
- Chưa được hỗ trợ lương thực từ ngân
sách nhà nước theo các chính sách quy định tại Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND
ngày 16/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc
ban hành Quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước
thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh.
3. Mức hỗ trợ: Tính bằng tiền tương
đương 15 kg gạo/người/tháng theo mức giá trung bình ở địa phương tại thời điểm hỗ trợ; thời gian hỗ trợ 12 tháng.
4. Quy trình hỗ trợ:
- Bước 1: UBND cấp xã căn cứ các điều
kiện quy định rà soát, lập danh sách (theo mẫu 08) gửi UBND cấp huyện xem xét,
phê duyệt.
- Bước 2: UBND cấp huyện tổng hợp và
gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Hội đồng quản lý Quỹ (qua Tổ giúp việc cho Hội đồng
quản lý Quỹ).
- Bước 3: Tổ giúp việc cho Hội đồng
quản lý Quỹ kiểm tra trình Hội đồng quản lý Quỹ quyết định
và chuyển kinh phí hỗ trợ về UBND cấp huyện.
- Bước 4: UBND cấp huyện căn cứ quyết
định hỗ trợ của Hội đồng quản lý Quỹ, chuyển kinh phí về cho UBND xã chi trả
cho từng đối tượng.
Chương 5.
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
Điều 14. Trách
nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành
liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ
hỗ trợ giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, ổn định đời
sống dân sinh cho các đối tượng của Quỹ.
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện,
thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, cấp thẻ học nghề cho các đối tượng của
Quỹ theo quy định.
Điều 15. Trách
nhiệm của Sở Tài chính
1. Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND
tỉnh bố trí bổ sung nguồn Quỹ hàng năm.
2. Hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức
thực hiện việc thu, chi Quỹ đảm bảo quy định.
3. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện
quản lý, sử dụng Quỹ của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 15. Trách
nhiệm của Kho bạc Nhà nước tỉnh
1. Chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề
cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, dạy
nghề; hỗ trợ lương thực, bảo hiểm y tế
cho các huyện, thành phố, thị xã, khi có Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Hội
đồng quản lý Quỹ.
2. Thực hiện kiểm soát việc sử dụng
kinh phí đối với các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giải quyết
việc làm, ổn định đời sống dân sinh theo đúng quy định.
Điều 16. Trách
nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị, tổ chức có liên quan
1. Chịu trách nhiệm về tính chính
xác, trung thực trước pháp luật về hồ sơ các đối tượng đề nghị hỗ trợ.
2. Hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện chế
độ hỗ trợ giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, ổn định đời sống dân sinh cho các đối tượng của Quỹ.
3. Tổng hợp hồ sơ, rà soát và lập
danh sách các đối tượng được cấp thẻ học nghề; các đối tượng
được hỗ trợ kinh phí đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ lương thực, bảo hiểm y tế trình
cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
4. Rà soát, xác nhận danh sách người lao động thuộc đối tượng của Quỹ được các doanh nghiệp
trên địa bàn tiếp nhận, tự tổ chức đào tạo và bố trí việc
làm thường xuyên.
5. Chuyển kinh phí hỗ trợ cho các đối
tượng sau khi có quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản lý
Quỹ.
Điều 17. Trách
nhiệm của Tổ giúp việc cho Hội đồng quản lý Quỹ
1. Điều tra, khảo sát, lập dự toán nhu
cầu kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng của Quỹ gửi Sở Tài chính thẩm định,
trình UBND tỉnh.
2. Tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ hướng dẫn thực hiện các quy định của Quỹ cho các cấp, ngành,
đơn vị, đối tượng liên quan.
3. Tiếp nhận, rà soát hồ sơ đề nghị hỗ
trợ; đề xuất mức hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện hoạt động hướng
nghiệp, tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động
thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ, trình Hội đồng quản lý Quỹ
phê duyệt; chuyển kinh phí hỗ trợ theo quyết định của Hội
đồng quản lý Quỹ về UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan
để thực hiện chi trả cho đối tượng.
4. Giám sát việc thực hiện chi trả
kinh phí cho đối tượng.
5. Quản lý, sử dụng quỹ đảm bảo đúng
mục đích; mở sổ sách kế toán, hạch toán, thanh quyết toán theo quy định hiện
hành.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 18. Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Tổ giúp việc
cho Hội đồng quản lý Quỹ, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan có trách
nhiệm thực hiện theo đúng Quy chế này.
Điều 19. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng
mắc, thì tổ chức, cá nhân gửi ý kiến phản ánh về Tổ giúp việc cho Hội đồng quản
lý Quỹ (qua Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Hội đồng
quản lý Quy trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.