QUY CHẾ
PHỐI HỢP VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 27 tháng 3 năm
2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều
chỉnh
a) Quy chế này
quy định về nguyên tắc, cơ chế, trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ
quan quản lý Nhà nước của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc giải quyết thủ tục
hành chính và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
b) Quy định
trách nhiệm của người nước ngoài, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý
nhà nước trong việc tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc
trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng
áp dụng: là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động là
người nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo quy định
tại Điều 2 của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước
ngoài làm việc tại Việt Nam, bao gồm:
a) Doanh nghiệp,
tổ chức có sử dụng người nước ngoài, bao gồm:
- Doanh nghiệp
hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, bao gồm:
+ Công ty nhà
nước hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hiện nay tiếp tục hoạt
động theo quy định tại Điều 166 của Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm
2005.
+ Công ty
trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh
đã thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 hiện nay tiếp tục hoạt
động theo quy định tại khoản 1 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11
năm 2005.
+ Doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp liên doanh; Doanh nghiệp 100% vốn nước
ngoài; Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Nghị định số
38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ về việc chuyển đổi một số
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ
phần; Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cấp Giấy
phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam.
- Các nhà thầu
(thầu chính, thầu phụ) nước ngoài nhận thầu tại Việt Nam;
- Văn phòng đại
diện, chi nhánh của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo
hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế;
- Các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức phi chính phủ;
- Các đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước;
- Các cơ sở y
tế, văn hoá, giáo dục, thể thao (kể cả các cơ sở thành lập theo Luật Doanh nghiệp,
Luật Đầu tư), bao gồm:
+ Các cơ sở thể
thao được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thể dục, thể
thao;
+ Các trường,
trung tâm, cơ sở về giáo dục, đào tạo, dạy nghề được thành lập và hoạt động
theo quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo, dạy nghề và pháp luật lao động;
+ Các bệnh viện,
viện có giường bệnh, trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm phòng chống bệnh xã hội,
trung tâm y tế dự phòng, trại điều trị và các cơ sở y tế được thành lập và hoạt
động theo quy định của pháp luật về y tế Việt Nam;
+ Các cơ sở
văn hoá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Văn phòng dự
án nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam;
- Văn phòng điều
hành của bên hợp doanh nước ngoài theo hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt
Nam;
- Các tổ chức
hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Hợp tác xã,
Liên hiệp Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
- Hội, hiệp hội
doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Hộ kinh
doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Người nước
ngoài làm việc theo các hình thức sau:
- Thực hiện hợp
đồng lao động với doanh nghiệp, tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu theo quy định của
pháp luật lao động Việt Nam;
- Di chuyển
trong nội bộ doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Thực hiện
các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học
kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, dạy nghề và y tế;
- Nhà cung cấp
dịch vụ theo hợp đồng;
- Chào bán dịch
vụ;
- Người nước
ngoài đại diện cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo
quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tình nguyện viên;
- Người chịu
trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
- Tham gia thực
hiện các gói thầu, dự án tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Điều 2. Mục đích và yêu cầu
1. Mục đích
công tác phối hợp
a) Tăng cường
chức năng quản lý nhà nước của từng ngành đối với người nước ngoài làm việc tại
các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đảm bảo
tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
b) Quản lý chặt
chẽ người nước ngoài làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tranh thủ trình độ quản lý
và tay nghề cao của người nước ngoài ở những ngành, lĩnh vực mà người lao động ở
Bà Rịa - Vũng Tàu và trong nước chưa đáp ứng được; kiên quyết ngăn chặn việc tiếp
nhận lao động nước ngoài không có chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý kém vào
làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp.
c) Quản lý lao
động người nước ngoài làm việc và kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích phục
vụ cho công tác quản lý toàn diện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
d) Lao động nước
ngoài làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu phải có giấy phép lao động do Sở Lao động-Thương
binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp; những đối tượng quy định
tại điều 172 của Bộ luật Lao động và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP
ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động-Thương
binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp về việc người nước ngoài
không thuộc diện cấp giấy phép lao động, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam
và những điều ước quốc tế có liên quan mà phía Việt Nam cam kết.
2. Yêu cầu
công tác phối hợp
a) Sự phối hợp
giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý lao động nước ngoài theo kế
hoạch hoạt động chung hàng năm. Đồng thời đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu
quả việc giải quyết các thủ tục hành chính và những vấn đề có liên quan đến người
nước ngoài.
b) Chủ động thực
hiện tốt quy chế phối hợp quản lý người nước ngoài làm việc trong các doanh
nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đúng theo quy định của pháp
luật hiện hành.
c) Tăng cường
công tác thông tin tuyên truyền để doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động là
người nước ngoài làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu hiểu rõ và tự giác chấp hành
pháp luật của Việt Nam.
d) Tạo điều kiện
thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động và lao động là người
nước ngoài làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Không làm ảnh hưởng đến tiến độ của
dự án hoặc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Chương II
TRÁCH
NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN
Điều 3. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hàng năm xây
dựng kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý lao
động nước ngoài.
- Thực hiện đầy
đủ quy định công tác cải cách thủ tục hành chính:
1. Công khai
các thủ tục cần thiết, địa điểm, bộ phận, cán bộ phụ trách liên quan đến cấp
phép cho lao động là người nước ngoài.
2. Công khai
thời gian giải quyết, phí và lệ phí (nếu có).
3. Thực hiện đầy
đủ trách nhiệm được quy định tại Điều 13 của Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH
ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi
hành một số điều của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của
Chính phủ.
Điều 4. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh
1. Thực hiện
các công việc theo sự ủy quyền của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, gồm: Tiếp
nhận, lưu trữ hồ sơ và thực hiện việc cấp mới và cấp lại giấy phép lao động;
xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
2. Tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định, nhu cầu sử dụng người
lao động nước ngoài vào từng trí công việc tại địa phương, chấp thuận theo ủy
quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo bằng văn bản về những vị
trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng người sử dụng
lao động.
3. Ban Quản lý
các khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo định kỳ
quý, 6 tháng, năm về tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp,
tổ chức trong các khu công nghiệp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Công thương
- Sở Công
Thương có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các Văn phòng đại diện của thương
nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh có sử dụng lao động là người nước ngoài thuộc
đối tượng cấp phép liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý
các Khu công nghiệp thực hiện việc cấp giấy phép lao động và định kỳ hàng qúy,
6 tháng, năm cung cấp danh sách Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
có sử dụng lao động là người nước ngoài cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phối hợp với
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh trong việc xác định người lao động
nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch
vụ trong Biểu can kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới
(WTO) không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Điều 6. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Công an tỉnh
phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu
công nghiệp trong việc cấp và cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài:
Trong vòng 01 tháng, kể từ ngày quy định này có hiệu lực, người nước ngoài thuộc
đối tượng phải cấp giấy phép lao động nhưng chưa được cấp phép, nếu xin cấp bổ
sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú phải có giấy xác nhận của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp; Công an tỉnh chỉ cấp
bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú với giá trị không vượt quá thời hạn
cấp lần đầu để người lao động hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép lao động; gia
hạn lần sau lao động nước ngoài buộc phải có giấy phép lao động.
2. Công an tỉnh
tiến hành thủ tục cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực; gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm
trú cho người nước ngoài theo quy định chung của pháp luật và hướng dẫn thống
nhất của Bộ Công an.
3. Tăng cường
công tác quản lý, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các đối tượng là người lao
động nước ngoài thuộc diện cấp phép nhưng không thực hiện đúng các quy định
pháp luật lao động Việt Nam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp nhận thông
báo của cơ quan quản lý lao động về những trường hợp lao động là người nước
ngoài có hành vi vi phạm pháp luật và tiến hành các thủ tục trục xuất hoặc buộc
xuất cảnh theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
- Phối hợp chặt
chẽ với các sở, ban, ngành trong việc quản lý người nước ngoài làm việc trong
khu vực biên giới biển: chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành để kiểm tra, kiểm
soát ra, vào, hoạt động của lao động là người nước ngoài tại khu vực biên giới,
khu vực cửa khẩu của tỉnh, xử lý và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật
những vi phạm pháp luật Việt Nam của lao động là người nước ngoài mà Bộ đội
Biên phòng phát hiện khi người đó hoạt động, ra, vào khu vực biên giới, khu vực
cửa khẩu của tỉnh và thường xuyên thông báo việc phát hiện, xử lý trên cho Sở
Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp.
- Thông báo
cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp những
trường hợp lao động là người nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không
có văn bản xác nhận về việc người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao
động nhưng vẫn đang làm việc cho người sử dụng lao động trong khu vực biên giới,
khu vực cửa khẩu của tỉnh mà Bộ đội Biên phòng phát hiện được.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:
1. Cấp phiếu
lý lịch tư pháp cho người nước ngoài khi có yêu cầu theo đúng quy định của pháp
luật.
2. Phối hợp với
các cơ quan liên quan, các huyện, thành phố thuộc tỉnh để thực hiện công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm
việc trong các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
Cung cấp danh
sách các tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên địa bàn tỉnh cho Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, hướng dẫn cho các tổ chức có đối tượng thuộc diện cấp
phép lao động liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để làm thủ tục xin cấp
giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Chủ trì phối hợp
với các ngành chức năng giải quyết các vấn đề có yếu tố lao động nước ngoài.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
Sở Xây dựng có
trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh có sử
dụng lao động nước ngoài thuộc đối tượng cấp phép liên hệ với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện việc cấp giấy phép
lao động và định kỳ hàng qúy, 6 tháng, năm cung cấp danh sách các nhà thầu xây
dựng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Y tế
Hướng dẫn, chỉ
đạo cho các cơ sở y tế trực thuộc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người nước
ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Y tế và và định kỳ hàng
qúy, 6 tháng, năm cung cấp danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe
cho người nước ngoài bổ túc hồ sơ cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Hàng quý cung
cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách các doanh nghiệp mới
thành lập có liên quan đến yếu tố nước ngoài hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 13. Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh:
1. Thực hiện
chức năng thanh tra nhà nước về hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức
có sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
2. Lập biên bản
và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức
có sử dụng lao động nước ngoài và lao động là người nước ngoài theo thẩm quyền.
Điều 14. Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh
Chi phí tiền
lương, tiền công, phụ cấp mà người sử dụng lao động trả cho lao động là người
nước ngoài chỉ được trừ vào thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy
định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hàng quý chủ động
đối chiếu danh sách lao động nước ngoài với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để đảm bảo việc thu thuế đúng đối tượng quy định.
Điều 15. Trách nhiệm của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Thông tin
tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của pháp luật
về sử dụng lao động người nước ngoài để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp biết và
thực hiện đúng theo quy định.
Điều 16. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan:
1. Giải quyết
những vấn đề có liên quan đến người lao động nước ngoài theo thẩm quyền và gửi
báo cáo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
2. Phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị và đề xuất các biện pháp giải quyết
đối với những trường hợp vượt thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định.
3. Cử cán bộ,
chuyên viên tham gia phối hợp công tác theo đề nghị của Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội.
4. Thực hiện
chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về lao động nước ngoài thuộc lĩnh vực
mình phụ trách với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
Điều 17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
1. Chỉ đạo các
cơ quan chức năng tổ chức thống kê, rà soát, nắm chắc số lao động nước ngoài
đang làm việc và sinh sống trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức kiểm
tra, quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài cư trú, làm việc trên địa bàn theo
quy định pháp luật.
Chương III
TRÁCH
NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI VÀ TỔ CHỨC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
Điều 18. Trách nhiệm của người lao động nước ngoài
1. Người nước
ngoài làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu phải có đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2012.
2. Người lao động
nước ngoài vào làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu phải nghiên cứu đầy đủ các quy định
của pháp luật Việt Nam do người sử dụng lao động cung cấp, người lao động đăng
ký dự tuyển lao động và nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao
động làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc
tại Việt Nam.
3. Trước khi đến
làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp người nước ngoài phải có đầy đủ các giấy
tờ: Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài cư
trú cấp, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc xác nhận ít nhất
5 (năm) kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý được
cơ quan thẩm quyền của nước ngoài xác nhận.
4. Khi đến làm
việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong khu vực biên giới, khu vực cửa
khẩu của tỉnh phải có giấy phép vào khu vực biên giới, giấy phép vào khu vực cửa
khẩu do Công an tỉnh cấp và phải trình giấy phép đó cho Đồn Biên phòng, Trạm
biên phòng cửa khẩu nơi có khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu đó, phải chấp
hành và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng.
5. Trong thời
hạn 02 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài bị thu hồi giấy phép lao động
theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP thì người lao động
nước ngoài phải nộp lại giấy phép lao động đó cho người sử dụng lao động.
Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức sử dụng lao động nước
ngoài
1. Người sử dụng
lao động phải cung cấp đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến
quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài vào Việt Nam làm việc cho lao động là
người nước ngoài.
2. Thực hiện đầy
đủ trách nhiệm được quy định tại Điều 14 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH ngày 20
tháng 01 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một
số điều của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ.
3. Đăng ký nhu
cầu sử dụng lao động là người nước ngoài hàng năm về Sở Lao động-Thương binh và
Xã hội (đối với các doanh nghiệp/tổ chức ngoài khu công nghiệp) và với Ban quản
lý các khu công nghiệp (đối với các doanh nghiệp/tổ chức trong khu công nghiệp)
và kế hoạch đào tạo người Việt Nam thay thế, tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch
đó.
4. Định kỳ
hàng quý, 06 tháng, năm hoặc khi có sự thay đổi về lao động nước ngoài thì các
tổ chức, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài với Sở
Lao động - Thương binh - Xã hội hoặc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Công an
tỉnh theo mẫu quy định.
5. Doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu của tỉnh
có sử dụng lao động nước ngoài phải cung cấp danh sách lao động là người nước
ngoài kèm theo các loại giấy tờ như: Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu,
giấy phép vào khu vực biên giới, giấy phép vào khu vực cửa khẩu, giấy phép lao
động, văn bản xác nhận về việc người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép
lao động, cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Đồn biên phòng, Trạm biên
phòng cửa khẩu nơi có khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu đó.
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Khen thưởng, kỷ luật
1. Những tổ chức,
cá nhân làm tốt công tác tuyển dụng và quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu, được đề nghị khen thưởng theo Luật Thi đua - Khen thưởng.
2. Những tổ chức,
cá nhân vi phạm việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài sẽ bị xử lý theo
pháp luật.
Điều 21. Điều khoản thi hành
1. Thủ trưởng
các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm
vi, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm
túc quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Giám đốc Sở
Lao đông - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và tổng hợp
báo cáo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá
trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở ngành họp thống nhất và báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy
chế này cho phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn địa phương./.