ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1523/QĐ-UBND
|
Lào Cai, ngày 30
tháng 5 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ
NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT TRONG LĨNH
VỰC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Bộ Luật Lao động
ngày 18/6/2012;
Căn cứ Luật Phòng, chống
thiên tai ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số
160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Thông tư số
31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định thời giờ
làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất
đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai;
Xét đề nghị của Giám đốc
Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 91/TTr-SNN ngày 21/5/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy chế quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối
với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống
thiên tai.
Điều
2. Mọi quy định
trước đây liên quan đến công tác trực ban phòng, chống thiên tai đều được bãi bỏ.
Điều
3. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Lao động
Thương binh và Xã hội; Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực
kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, TC, LĐTB&XH,
KH&ĐT;
- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- Văn phòng TT BCH PCTT và TKCN tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố;
- CVP, PCVP3;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, TH1, NLN1, TNMT2.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Dương
|
QUY CHẾ
QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI
NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT TRONG LĨNH VỰC PHÒNG CHỐNG
THIÊN TAI
(Kèm theo Quyết định số: 1523/QĐ-UBND ngày 30/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Lào Cai)
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về
thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có
tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thường trực
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; cơ quan thường trực phòng
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố (Phòng Nông nghiệp và
PTNT/Kinh tế thành phố); bộ phận Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn (sau đây gọi là Ban Chỉ huy) cấp xã có sử dụng
hoặc huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân
sách nhà nước làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống
thiên tai hoặc tại khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai (sau đây gọi là trực
ban).
2. Quy chế này không áp dụng
đối với các tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm: Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ, người lao động không hưởng lương từ
ngân sách nhà nước.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Công việc có tính chất đặc
biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai là công việc phải thường trực 24/24
giờ để bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong
phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều
4. Quy định về truyền đạt thông tin, cung cấp thông tin
1. Cách thức truyền đạt
thông tin
a) Gửi Fax trực tiếp cho
nơi cần báo thông tin, sau đó gửi bản gốc bằng đường chuyển công văn để đối chiếu,
lưu trữ. Đối với các thông tin quan trọng cần liên lạc bằng điện thoại để kiểm
tra thông tin đã Fax (ghi tên người nhận điện, ngày giờ nhận điện).
b) Gửi văn bản qua đường
chuyển phát của ngành bưu điện.
c) Nhận thông tin, chuyển
thông tin trực tiếp bằng điện thoại (ghi tên người nhận tin, ngày giờ nhận
tin).
d) Đưa thông tin lên
trang Website của cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai.
đ) Phát trực tiếp trên
phương tiện thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh truyền hình.
2. Cung cấp thông tin và
phát ngôn thông tin liên quan đến thiên tai
a) Khi thiên tai xảy ra
gây thiệt hại mà chưa được cơ quan ban hành bằng văn bản thì cán bộ trực ban chỉ
được cung cấp thông tin cho lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ
huy các cấp để chỉ đạo, xử lý. Đối với những trường hợp khác chỉ được cung cấp
thông tin khi có văn bản ban hành.
b) Đối với cơ quan thông
tin đại chúng thì người có quyền phát ngôn là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh,
lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Văn phòng Thường trực hoặc người được
ủy quyền mới được cung cấp thông tin liên quan đến tình hình thiệt hại do thiên
tai gây ra.
Điều
5. Nhiệm vụ của trực ban
1. Trực ban liên tục tại
phòng trực; tiếp nhận đầy đủ, chính xác mọi thông tin liên quan đến thiên tai;
kịp thời tham mưu cho lãnh đạo xử lý mọi tình huống xảy ra trong ca trực, Thu
thập các thông tin về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn từ Trung tâm dự
báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai; các nguồn
thông tin khác để xử lý.
2. Tiếp nhận các chỉ thị,
công điện, mệnh lệnh, thông báo, các văn bản chỉ đạo của cấp trên để báo cáo Ủy
ban nhân dân, lãnh đạo Ban Chỉ huy cùng cấp; truyền đạt thông tin kịp thời xuống
Ban Chỉ huy cấp dưới và ngược lại.
3. Theo dõi diễn biến thời
tiết, mưa, lũ, bão và các loại thiên tai khác; cập nhật diễn biến thiên tai,
tình hình thiệt hại, công tác chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự huy động
nguồn lực để đối phó với thiên tai (bao gồm: Nhân lực, vật tư, phương tiện,
các cơ sở vật chất kỹ thuật khác).
4. Khi có thiên tai xảy
ra phải báo cáo kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ huy cùng cấp; cấp
trên; thường xuyên cập nhật thông tin về thiên tai. Xây dựng các báo cáo, các
văn bản chỉ đạo theo yêu cầu của cấp trên và các văn bản quy định trong ca trực.
5. Thời gian báo cáo, số
lần báo cáo: Khi thiên tai xảy ra phải báo cáo 02 lần/ngày; thời gian báo cáo
vào 7 giờ và 14 giờ hàng ngày. Trường hợp thiên tai xảy ra trên diện rộng gây
thiệt hại lớn thì phải báo cáo 3 - 4 lần/ngày; thời gian báo cáo vào 7 giờ và
10 giờ, 13 giờ và 16 giờ hàng ngày. Ngoài việc báo cáo bằng văn bản, Ban chỉ
huy phải thường xuyên thông tin và báo cáo qua điện thoại khi có tình huống
thiên tai khẩn cấp xảy ra.
6. Tham mưu cho Ban Chỉ
huy trong việc tổ chức phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xử lý
các sự cố công trình phòng chống thiên tai.
7. Tham mưu cho Ban Chỉ
huy tổ chức điều động lực lượng để chi viện các địa phương khác khi vượt quá khả
năng của địa phương.
8. Thực hiện nghiêm túc
thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định tại Quy chế này; chịu trách
nhiệm toàn diện về mọi thông tin thiên tai liên quan trong ca trực.
Chương
II
THỜI GIỜ LÀM
VIỆC, THÀNH PHẦN CA TRỰC, CHẾ ĐỘ, KINH PHÍ TRỰC BAN
Điều
6. Thời giờ làm việc
1. Thời giờ làm việc quy
định tại Điều 4 Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp
và PTNT Quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động
làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
2. Quy định về trực ban
phòng chống thiên tai: Thời gian trực ban bắt đầu từ ngày 01/01 đến hết ngày
31/12 hàng năm; trong đó:
a) Trực ban từ ngày 01/01
đến hết ngày 31/3 và từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hàng năm.
- Đối với những ngày làm
việc bình thường: Trực ban từ 20 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau; trong đó: Thời
gian được tính làm thêm giờ vào ban đêm là 8 giờ; làm thêm giờ vào ban ngày là
3 giờ.
- Đối với những ngày nghỉ,
ngày lễ: Trực ban 24/24 giờ; bắt đầu từ 7 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau; thời
gian được tính làm thêm giờ là 24 giờ; trong đó 8 giờ làm đêm và 16 giờ làm
ngày.
b) Trực ban từ ngày 01/4
đến hết ngày 31/10 hàng năm.
- Đối với những ngày làm
việc bình thường: Trực ban từ 17 giờ hôm trước đến 7 giờ ngày hôm sau; thời
gian được tính làm thêm giờ là 14 giờ; trong đó: 8 giờ làm đêm và 6 giờ làm
ngày.
- Đối với những ngày nghỉ,
ngày lễ: Trực ban 24/24 giờ; bắt đầu từ 7 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau; thời
gian được tính làm thêm giờ là 24 giờ; trong đó: 8 giờ làm đêm và 16 giờ làm
ngày.
c) Cách tính thời gian trực
ban vào ban đêm và trực ban vào ban ngày
- Trực ban từ 7 giờ đến
22 giờ và từ 6 giờ đến 7 giờ hôm sau được tính làm việc vào ban ngày.
- Trực ban từ 22 giờ hôm
trước đến 6 giờ sáng hôm sau được tính là thời gian làm việc vào ban đêm.
Điều
7. Thành phần, số lượng người ca trực
1. Đối với cấp tỉnh
a) Trực ban từ ngày 01/01
đến hết ngày 31/3 và từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hàng năm: số lượng người
lao động tham gia trực ban mỗi ca ít nhất 2 người (trong đó: 01 lãnh đạo; 01
cán bộ chuyên môn).
b) Trực ban từ ngày 01/4
đến hết ngày 31/10 hàng năm: số lượng người lao động tham gia trực ban mỗi ngày
ít nhất là 3 người (trong đó: 01 lãnh đạo: 02 cán bộ chuyên môn).
2. Đối với cấp huyện, cấp
xã: Trực ban từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 hàng năm: số lượng người lao động
tham gia trực ban mỗi ca ít nhất 2 người (trong đó: 01 lãnh đạo; 01 cán bộ
chuyên môn).
3. Trường hợp thiên tai
diễn biến phức tạp hoặc xảy ra thiệt hại trên diện rộng, thủ trưởng hoặc người
đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai được huy động thêm người lao động để thực
hiện nhiệm vụ trực ban.
Điều
8. Chế độ, kinh phí trực ban
1. Chế độ trực ban: Người
lao động tham gia trực ban được hưởng các chế độ kiêm nhiệm, làm thêm giờ, làm
đêm theo Điều 97, Điều 105 của Bộ Luật lao động.
a) Vào ngày làm việc bình
thường, thời gian làm thêm giờ được trả lương ít nhất bằng 150% tiền lương giờ
của ngày làm việc bình thường.
b) Vào ngày nghỉ hàng tuần,
thời gian làm thêm giờ được trả lương ít nhất bằng 200% tiền lương giờ của ngày
làm việc bình thường.
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày
nghỉ có hưởng lương, thời gian làm thêm giờ được trả ít nhất bằng 300% tiền
lương giờ của ngày làm việc bình thường chưa kế tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ
có hưởng lương đối với người lao động được hưởng lương ngày.
d) Người lao động làm việc
vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền
lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
đ) Người lao động làm
thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại điểm a, b, c, d
khoản 1 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn
giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
2. Trình tự xây dựng, thẩm
định kinh phí
a) Đối với cấp tỉnh: Văn
phòng Ban Chỉ huy cấp tỉnh xây dựng dự toán kinh phí trực ban; gửi Sở Tài chính
thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Đối với cấp huyện, xã:
Xây dựng dự toán kinh phí trực ban; gửi phòng Tài chính thẩm định, trình Ủy ban
nhân dân huyện phê duyệt.
c) Nguồn kinh phí: Chi
phí cho chế độ thường trực; bảo đảm ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động được thực
hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn ngân sách hợp pháp khác. Kinh phí
trực ban cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo.
d) Thời gian xây dựng dự
toán kinh phí trực ban: Được xây dựng cùng với thời gian xây dựng dự toán hoạt
động thường xuyên hàng năm theo quy định.
Chương
III
THỜI GIỜ NGHỈ
NGƠI
Điều
9. Nghỉ bù trực
1. Người lao động thực hiện
chế độ trực ban 24/24 giờ được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau:
a) Trực ban vào ngày thường:
Được nghỉ bù một ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.
b) Trực ban vào ngày nghỉ
hàng tuần, ngày lễ, tết được nghỉ bù hai ngày vào ngày làm việc sau phiên thường
trực.
2. Trường hợp do yêu cầu
công việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai hoặc do nhân lực của Văn phòng
Ban chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã không thể bố trí nghỉ bù thì thủ trưởng hoặc
người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải trả tiền
lương làm thêm giờ tương ứng với số giờ vượt quá thời gian làm việc trong chế độ
trực ban.
a) Vào ngày thường: số giờ
làm thêm tương ứng là 14 giờ (từ 17 giờ hôm trước đến 7 giờ ngày hôm sau).
b) Vào ngày nghỉ hàng tuần,
ngày nghỉ lễ, tết: số giờ làm thêm tương ứng là 24 giờ (từ 7 giờ hôm trước đến
7 giờ ngày hôm sau).
3. Số thời gian không nghỉ
bù được trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động quy định tại khoản 2 Điều
9 Quy chế này, không tính vào quỹ thời gian làm thêm giờ trong năm.
Điều
10. Thời giờ nghỉ ngơi
1. Khi thực hiện chế độ
thường trực 24/24 giờ tại Văn phòng Ban Chỉ huy, người tham gia thường trực được
nghỉ giải lao tối thiểu 45 phút vào ban ngày và 60 phút vào ban đêm tính vào thời
giờ thường trực. Trong thời gian nghỉ giải lao, người lao động không được rời
khỏi nơi thường trực.
2. Văn phòng thường trực
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp sử dụng hoặc huy động người
lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ phải bố trí nơi ăn, nghỉ theo
chế độ và các quy định hiện hành cho người lao động.
Điều
11. Nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết
Nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ,
tết quy định tại Điều 8 Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ
Nông nghiệp và PTNT Quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người
lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên
tai, bao gồm:
1. Người lao động làm
công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai được nghỉ
hàng tuần, nghỉ lễ, tết và những ngày nghỉ được hưởng lương khác theo quy định
của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động.
2. Trường hợp do yêu cầu
đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai không thể bố trí nghỉ hàng tuần,
nghỉ lễ, tết; thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình
quân một tháng ít nhất bốn ngày.
Chương
IV
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều
12. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ
quan, đơn vị liên quan; hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện
các nội dung Quy chế này trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố: Có trách nhiệm chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, phòng Lao động Thương binh và Xã hội, phòng Tài chính, các cơ quan, đơn vị
liên quan triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nội dung Quy chế này
tại văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy cấp huyện, bộ phận thường trực Ban Chỉ
huy cấp xã.
3. Văn phòng Thường trực
Ban Chỉ huy cấp tỉnh, cấp huyện; bộ phận thường trực Ban chỉ huy cấp xã; các cơ
quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
4. Trong quá trình triển
khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan đơn vị phản ánh kịp thời
về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp,báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.