Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1416/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực Điện Biên 2020 2016

Số hiệu: 1416/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Mùa A Sơn
Ngày ban hành: 07/11/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1416/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 07 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Kết luận số 02-KL/TU ngày 20 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ-TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh, về việc thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký.

2. Quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 của UBD tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 07 tháng năm 2016 của UBND tỉnh Điện Biên)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an - ninh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên xác định là nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Để triển khai có hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng mục tiêu đưa Điện Biên sớm chóng thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập Quốc tế, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, làm cơ sở để các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Qua 4 năm thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô nguồn nhân lực, cơ cấu lao động, trình độ chuyên môn, thể chất nguồn nhân lực được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô học sinh phát triển khá ổn định ở các cấp học; tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, chú trọng đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động nâng lên. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng thể chất được chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu nguồn nhân lực chuyển dịch chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chất lượng giáo dục ở một số vùng khó khăn còn hạn chế. Quy mô và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập, cơ sở, vật chất thiết bị còn thiếu. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế, đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng. Vì vậy, để phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, thì việc xây dựng và tiếp tục triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020 là cần thiết.

Đề án được xây dựng dựa trên các cơ sở pháp lý và thực tiễn như sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 23/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

- Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2020.

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

- Kết luận số 02-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

- Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 24/10/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN (THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2015)

1. Quy mô và cơ cấu nguồn nhân lực

- Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2012 là 519.663 người, đến năm 2015 là 547.785 người; trong đó: Dân số thành thị 82.691 người, chiếm 15,1%; dân số nông thôn 465.094 người, chiếm 84,9%.

- Số dân đến độ tuổi lao động của tỉnh trong giai đoạn vừa qua không ngừng tăng lên, chất lượng nguồn nhân lực đã có những cải thiện tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động năm 2012 là 301.186 người, chiếm 57,96%; đến năm 2015 là 319.887 người, chiếm 58,4%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2012 là 282.149 người, chiếm 93,68% dân số trong độ tuổi lao động; đến năm 2015 là 302.203 người, chiếm 94,47% dân số trong độ tuổi lao động. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân năm 2012 là 280.366 người, chiếm 99,37% lực lượng lao động; đến năm 2015 là 300.297 người, chiếm 99,37% lực lượng lao động. (Chi tiết phụ biểu số 01).

- Cơ cấu nguồn nhân lực: Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng tích cực, cơ cấu lao động của tỉnh trong 4 năm qua từng bước đã chuyển dịch theo xu hướng lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ; bên cạnh đó xu hướng lao động nông nghiệp tham gia lao động những ngành nghề khác vào thời điểm nông nhàn ngày càng tăng, lực lượng lao động địa phương tham gia hoạt động xây dựng và kinh doanh dịch vụ thương mại cũng tăng lên, từng bước thay thế dần lượng lao động thời vụ từ các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ lên tham gia lao động trong các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn. Kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng trong 4 năm qua khá rõ nét, cụ thể như sau:

+ Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 70,10% năm 2012, xuống còn 65,89% năm 2015.

+ Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 10,73% năm 2012, lên 12,40% năm 2015.

+ Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 19,17% năm 2012 lên 21,71% năm 2015 (Chi tiết phụ biểu số 02).

2. Hiện trạng chất lượng nguồn nhân lực

2.1. Thể chất nguồn nhân lực

- Trong giai đoạn 2012-2015, các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được đẩy mạnh với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ... nhằm giảm tỷ lệ sinh và tình trạng tảo hôn; đặc biệt đã chú trọng vào vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, độ tuổi kết hôn thấp; mục tiêu cơ bản là duy trì mức tăng dân số hợp lý, đảm bảo chất lượng sức khỏe sinh sản, để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch và thông tin, đây là nền tảng bền vững của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành y tế và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động và thực hiện các giải pháp hỗ trợ đưa mức giảm tỷ lệ sinh hằng năm đạt từ 0,4%o đến 0,5%o.

- Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, thôn bản và các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ nhiều nguồn vốn đã giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến năm 2015, số giường bệnh quốc lập/vạn dân đạt 29,8 giường bệnh, tăng 2,1 giường bệnh so với năm 2012. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã là 33,8%. Công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hằng năm đã thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 1 triệu lượt người. Nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả cao.

- Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế, các hoạt động phòng chống dịch bệnh ở người, các loại bệnh truyền nhiễm gây dịch được khống chế, không để xảy ra dịch lớn; thực hiện có hiệu quả chính sách dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện và nâng cao tuổi thọ của người dân... góp phần phát triển chất lượng và thể chất nguồn nhân lực. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin năm 2012 đạt 93,3%, đến năm 2015 đạt 92,1%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai trên 3 lần trên 3 kỳ năm 2012 đạt 47,7% tăng lên 57,4 vào năm 2015. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng/tuổi) năm 2012 là 21,17% giảm xuống còn 18,84% vào năm 2015. Tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh đến năm 2015 là 67,4 tuổi.

- Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp, người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi lao động đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nghèo đói, thất nghiệp, làm suy giảm chất lượng dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh. Tính đến 31/12/2015, có 112/130 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.726 ca nhiễm HIV; số nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS tích lũy 5.366 ca; tử vong do AIDS 3.349 ca; số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn quản lý được 3.521 ca, tỷ lệ còn sống quản lý được 80%. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,64%.

2.2. Trình độ nguồn nhân lực

2.1.1. Về trình độ học vấn của lao động

- Thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực cả về quy mô và chất lượng. Quy mô học sinh phát triển khá ổn định ở các cấp tiểu học, THCS, THPT, phát triển nhanh ở cấp mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng mạnh ở cấp mầm non và khá ổn định ở các cấp học còn lại. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên (1). Cụ thể như sau:

+ Năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 96%, tăng 7,7% so với năm 2012. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,1%, tăng 1,3% so với năm 2012. Tỷ lệ huy động trẻ 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,2%, tăng 0,2% so với năm 2012. Tỷ lệ huy động trẻ 11-14 tuổi học THCS đạt 90,2%, tăng 3,1% so với năm 2012. Tỷ lệ trẻ 15-18 tuổi học THPT đạt 55,2%, tăng 7% so với năm 2012. Năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh lên lớp ở tất cả các cấp học đạt 99%, tăng 0,1% so với năm 2012. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 92,57%.

+ Năm 2015 toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 với 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 125/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Chất lượng giáo dục được cải thiện góp phần đưa trình độ học vấn của lực lượng lao động trong độ tuổi nâng lên; nhóm lao động có trình độ văn hóa THCS và THPT tăng nhanh qua các năm, cụ thể như sau: Tỷ lệ tốt nghiệp THCS năm 2012 là 19,12%, đến năm 2015 tăng lên 31,36%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2012 là 22,7%, đến năm 2015 tăng lên 28,22%.

- Số lao động chưa biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học giảm dần qua từng năm, cụ thể: Tỷ lệ chưa biết chữ năm 2012 là 24,56%, đến năm 2015 giảm xuống còn 10,94%; tỷ lệ chưa tốt nghiệp tiểu học năm 2012 là 12,1%, đến năm 2015 giảm xuống còn 4,33% (Chi tiết phụ biểu số 03)

2.2.2. Trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, viên chức

- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh năm 2015 là 28.737 người, tăng 5,58% so với năm 2012. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh có sự chuyển biển tích cực. Trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2012 chiếm 57,36%, đến năm 2015 giảm xuống còn 48%. Trình độ đại học năm 2012 chiếm 31,49%, đến năm 2015 đạt 42,58%. Trình độ trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) năm 2012 chiếm 1,57%, đến năm 2015 đạt 2,24%. (Chi tiết theo phụ biểu số 04)

- Cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đáp ứng trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định và yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra, cụ thể:

+ Về trình độ chuyên môn: Trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2012 chiếm 34%, đến năm 2015 giảm xuống còn 23% (giảm 11%); trình độ đại học tăng từ 56,23% năm 2012 lên 69,42% năm 2015 (tăng 13,19%); trình độ thạc sỹ tăng từ 2,73% năm 2012 lên 4,39% năm 2015 (tăng 1,66%). Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước có trình độ sau đại học còn thấp (đạt 4,39%), chưa có cán bộ, công chức nào có trình độ tiến sĩ. Đây là một trở ngại lớn cho việc hoạch định chính sách phát triển của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

+ Về trình độ lý luận chính trị: Trình độ sơ cấp lý luận chính trị giảm từ 8,63% năm 2012 xuống còn 7% năm 2015; trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên tăng từ 25% năm 2012 lên 26,8% năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước có trình độ lý luận chính trị từ cao cấp trở lên còn thấp, mới đạt 14,03% so với tổng số cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.

+ Về trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp và tương đương tăng từ 0,59% năm 2012 lên 0,94 % năm 2015; chuyên viên chính và tương đương tăng từ 9,09% năm 2012 lên 12,47% năm 2015; chuyên viên và tương đương tăng từ 35,7% năm 2012 lên 41,7% năm 2015. Số lượng công chức đã qua bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp trong cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh còn ít, chiếm tỷ lệ thấp, đây là một trong những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới để bảo đảm sự cân đối về ngạch bậc theo vị trí việc làm của tỉnh.

- Đối với cán bộ chuyên trách: Xét về mặt bằng chung so với cả nước hiện nay và yêu cầu của tình hình mới thì tỷ lệ cán bộ chuyên trách đạt chuẩn của tỉnh Điện Biên còn thấp, thiếu đồng bộ, cụ thể như sau:

+ Về trình độ văn hóa: Năm 2012 có 88,4% cán bộ đạt trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, đến năm 2015 đạt 93,6%, trong đó gần 42% đạt trình độ văn hóa trung học phổ thông.

+ Về trình độ chuyên môn: Năm 2012 có 45% cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn, đến năm 2015 tăng lên 65%;

+ Về trình độ lý luận chính trị: Năm 2012 cán bộ đã được đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị đạt 65,8%, đến năm 2015 tăng lên 67%;

+ Về trình độ quản lý nhà nước: Đến nay số lượng cán bộ chưa được đi bi dưỡng về quản lý nhà nước còn cao, đến tháng 12 năm 2015 là 50,5%.

- Đối với công chức cấp xã: Phần lớn công chức cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, tỷ lệ công chức cấp xã đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên năm 2012 chiếm 94,5%, đến năm 2015 tăng lên 97,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và quản lý nhà nước còn thấp. Về lý luận chính trị năm 2012 công chức cấp xã chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chiếm 86,3%, năm 2015 giảm xuống còn 84,5%. Về quản lý nhà nước từ năm 2012 đến năm 2015 đều có hơn 77% công chức xã chưa được bồi dưỡng về quản lý nhà nước.

3. Hiện trạng đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh

3.1. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục

- Về cơ sở vật chất dạy và học: Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách, nguồn xã hội hóa và công sức đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực.

3.2 Công tác giáo dục

Năm học 2015-2016 toàn tỉnh có 507 trường (trong đó: 491 trường mầm non, tiểu học và phổ thông các cấp; 12 trung tâm giáo dục và 04 trường Cao đẳng) với 168.194 học sinh mầm non, tiểu học và phổ thông các cấp; 11.056 học viên, sinh viên (1.854 sinh viên cao đẳng, 1.432 học viên trung cấp chuyên nghiệp, 7.770 học viên sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng). Ngoài ra, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp đang trực tiếp giảng dạy 2.355 học sinh, Trung tâm GDTX có 1.157 học viên, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Trung tâm Ngoại ngữ đã tổ chức dạy tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc cho 720 học viên.

- Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng hằng năm; đến năm 2015, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 58,2% góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2015 (năm học 2015-2016) toàn tỉnh có 264/491 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 53,8% (mầm non 77 trường, tiểu học 99 trường, THCS 73 trường, THPT 15 trường).

- Tỉnh đã hoàn thiện Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên với mục tiêu thành lập một trường Đại học đa cấp, đa ngành, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; đồng thời thúc đẩy mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Nan - Thái Lan và tỉnh Vân Nam Trung Quốc để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

3.3. Công tác đào tạo, đào tạo nghề

3.3.1. Về đào tạo

- Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng để tỉnh chủ động về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thị trường lao động, phục vụ tốt yêu cầu phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng giai đoạn, thời kỳ, đảm bảo phát triển bền vững.

- Hiện tại, hệ thống đào tạo nhân lực về chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 03 trường Cao đẳng công lập (01 trường Cao đẳng Sư phạm, 01 trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, 01 trường Cao đẳng Y Điện Biên) các trường có ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, trong đó Trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo 2 trình độ cao đẳng và trung cấp, với tổng số 24 ngành; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đào tạo 2 trình độ cao đẳng và trung cấp, với tổng số 16 ngành; Trường Cao đẳng Y tế đào tạo 3 trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp), với tổng số 7 ngành. Trong giai đoạn 2012-2015, các trường Cao đẳng của tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 12.798 học sinh, sinh viên.

- Kết quả trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp của học sinh trong tỉnh tăng lên theo từng năm. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh có khoảng 24.767 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, số học sinh trúng tuyển, đi học tại các trường chuyên nghiệp là 11.532 học sinh, chiếm tỷ lệ 46,6% tổng số học sinh đã tốt nghiệp THPT, trong đó số học sinh theo học tại các trường trong tỉnh là 3.432 học sinh (chiếm 29,8%), học tại các trường ngoài tỉnh là 8.100 học sinh (chiếm 70,2%), cụ thể:

+ Bậc đại học có 5.140 học sinh trúng tuyển, toàn bộ học tại các trường ngoài tỉnh; bậc cao đẳng có 4.286 học sinh trúng tuyển, trong đó học tại các trường ngoài tỉnh 2.097 học sinh (chiếm 48,9%), học tại các trường trong tỉnh 2.189 học sinh (chiếm 51,1%); bậc trung cấp có 2.106 học sinh trúng tuyển, trong đó học tại các trường ngoài tỉnh 863 học sinh (chiếm 41,0%), học tại các trường trong tỉnh 1.243 học sinh (chiếm 59,0%). Đối tượng học sinh cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ gồm 536 học sinh, trong đó bậc đại học 316 học sinh, cao đẳng 135 học sinh, trung cấp 85 học sinh.

3.3.2. Về đào tạo nghề

- Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở đào tạo nghề (gồm 01 trường cao đẳng nghề; 08 trung tâm dạy nghề cấp huyện và 04 đơn vị có chức năng đào tạo nghề), đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo nghề từng bước được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

- Các cơ sở đào tạo nghề đã đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đa dạng loại hình đào tạo; nhân rộng các mô hình đào tạo có hiệu quả; mở rộng đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo. Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên đập trung đẩy mạnh triển khai đào tạo nghề trọng điểm cấp quốc gia, trong đó tập trung đào tạo nghề lâm sinh và chế biến mủ cao su... Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề để sử dụng lao động sau đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với tạo và tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Kết quả thực hiện đào tạo nghề như sau:

+ Giai đoạn 2012-2015, đã đào tạo nghề cho 32.640 lao động (trong đó, cao đẳng nghề: 467 người; trung cấp nghề: 723 người; sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng: 31.450 người), bình quân 8.160 lao động/năm; tạo việc làm mới cho 34.350 người, bình quân 8.587 người/năm.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên qua từng năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2012 đạt 35,62% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 17,9%), đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 43,77% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 24,37%)(2).

3.3.3. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước

- Nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hằng năm tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát huy năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh, tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo của Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, hành chính và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Qua 4 năm (2012-2015) thực hiện, toàn tỉnh đã cử 86.075 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó:

+ Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị: 5.848 lượt người.

+ Đào tạo, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước: 1.629 lượt người.

+ Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn: 32.918 lượt người.

+ Đào tạo về văn hóa: 75 lượt người.

+ Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ: 37.857 lượt người.

+ Bồi dưỡng kỹ năng quản lý lãnh đạo: 972 lượt người.

+ Đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ: 460 lượt người.

+ Đào tạo, bồi dưỡng về tin học: 1.467 lượt người.

+ Đào tạo tiếng dân tộc: 509 lượt người.

+ Bồi dưỡng các loại hình khác: 4.340 lượt người.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tính đến ngày 31/12/2015([1]), trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị của cán bộ, công chức như sau:

+ Cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên có trình độ từ đại học trở lên đạt 93,6 % (trong đó 9,4% có trình độ trên đại học); 58,6% được đào tạo lý luận chính trị; 72,1% được bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước.

+ Cán bộ, công chức, viên chức cấp xã có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên tăng từ 88,4% năm 2012 lên 93,6% năm 2015 (trong đó 42% có trình độ trung học phổ thông, tăng 18,7% so với năm 2012); 67% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, tăng 1,2% so với năm 2012; 64,8% được đào tạo về chuyên môn, tăng 19,8% so với năm 2012 (trong đó: 44,6% có trình độ trung cấp và tương đương, tăng 4,57% so với năm 2012).

4. Hiện trạng sử dụng nhân lực

4.1. Thực trạng phân bổ nhân lực

- Năm 2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 302.203 người, tăng 7,1% so với năm 2012 (năm 2012 là 282.149 người). Phân bố lao động không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và ít ở thành thị. Năm 2015, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn là 256.268 người (chiếm 84,8%) và ở khu vực thành thị là 45.935 người (chiếm 15,2%).

- Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tập trung phần lớn ở khu vực ngoài nhà nước, ít ở khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2015, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại khu vực ngoài nhà nước là 254.393 người (chiếm 84,71%), tăng 5,74% so với năm 2012; làm việc tại khu vực nhà nước là 45.904 người (chiếm 15,29%), tăng 15,4% so với năm 2012 (Nguồn số liệu Niên giám thống kê 2015).

4.2. Thực trạng việc làm của nhân lực

- Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,9%, giảm xuống còn 3,4% vào năm 2015; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn năm 2012 là 0,19%, giảm xuống còn 0,13% vào năm 2015.

- Tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo nghề đạt 71,63%, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động; số lượng lao động nông thôn sau khi học nghề được doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tuyển dụng vào làm việc còn hạn chế. Tỷ lệ lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định chưa cao, cụ thể như sau:

+ Số lao động tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập tăng lên chiếm 77,3% số người có việc làm sau học nghề;

+ Số lao động được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tuyển dụng chiếm 16,93% số người có việc làm sau học nghề;

+ Số lao động được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, chiếm 5,18% số người có việc làm sau học nghề;

+ Số lao động thành lập tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, chiếm 0,59% số người có việc làm sau học nghề.

- Việc bố trí việc làm trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo đúng số lượng biên chế và số người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Trong giai đoạn 2012-2015, tổng số lượt đăng ký tuyển dụng là 7.235 người; tổng số thí sinh tham dự thi tuyển, xét tuyển là 6.481 người (chiếm 89,6%); tổng số lượt trúng tuyển là 2.511 người (chiếm 34,7%).

5. Đánh giá những tồn tại, hạn chế sau 4 năm thực hiện Đề án

5.1. Tồn tại, hạn chế

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Đề án tại một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

- Chất lượng nguồn nhân lực mặc dù đã có những cải thiện tích cực, song chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và còn thấp so với mặt bằng chung. Chất lượng đào tạo một số ngành nghề chưa đáp ứng yêu cầu, hiện tại đang thiếu lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và các chuyên gia đầu ngành... Còn bất cập giữa công tác đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, dẫn đến một số lượng lớn học sinh, sinh viên ra trường chưa được bố trí việc làm hoặc được bố trí trái với ngành nghề đào tạo.

- Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển nhưng cơ cấu chuyển dịch chậm so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dẫn tới sự chênh lệch về thu nhập giữa lao động nông nghiệp với các ngành nghề khác ngày càng lớn. Đặc biệt, sự chuyển dịch cơ cấu giữa lao động nông thôn và lao động thành thị diễn ra chậm.

- Về giáo dục đào tạo: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và học sinh trong độ tuổi ra lớp các cấp THCS, THPT của một số huyện còn thấp. Chất lượng giáo dục ở một số vùng khó khăn, biên giới chưa cao. Quy mô và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Mạng lưới cơ sở đào tạo chưa hoàn thiện, nhìn chung ở quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, thiết bị thiếu; trình độ, chất lượng đào tạo của một số cơ sở thấp.

- Lao động qua đào tạo nghề chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn, ngành nghề đào tạo đơn giản, mới chỉ tập trung vào các ngành nghề truyền thống, chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động của thị trường. Chưa đủ điều kiện đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ thấp, nhiều lao động phổ thông, lao động kỹ năng thấp và chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao.

- Công tác đào tạo nghề trong thời gian qua chủ yếu thực hiện dưới hình thức đào tạo nghề lưu động tại các huyện, thời gian ngắn (dưới 3 tháng) nên chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tình trạng không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp còn nhiều.

- Việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Môi trường và điều kiện công tác trên địa bàn tỉnh và chế độ chính sách ưu đãi, thu hút chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nguồn lực có chất lượng cao, làm hạn chế khả năng thu hút nhân tài của tỉnh.

- Việc chuẩn bị các điều kiện để thành lập Trường Đại học Điện Biên đã được triển khai thực hiện nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương để đủ điều kiện thành lập, đặc biệt là việc khẳng định các yếu tố khả thi của Đề án như: Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực giảng dạy và đối tượng tuyển sinh....

- Yêu cầu nâng cao thể chất nguồn nhân lực cũng còn hạn chế, các chỉ tiêu về tăng chiều cao trung bình chưa được theo dõi đánh giá. Tuổi thọ bình quân tăng chậm và còn thấp so với tuổi thọ bình quân chung toàn quốc.

- Trình độ ngoại ngữ của hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh còn hạn chế. Tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp.

5.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

5.2.1. Nguyên nhân khách quan

- Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới; hạ tầng cơ sở chưa phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao; có 19 dân tộc, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (81,58%); trình độ học vấn và dân trí thấp, phân bố không đồng đều nên sản xuất của người dân còn kém hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cao.

- Là một tỉnh nghèo chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương cấp trên 90% nên việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đào tạo nghề và y tế chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt là tuyến cơ sở còn nhiều khó khăn.

- Nền kinh tế có xuất phát điểm thấp và chậm phát triển nên trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có các cơ sở sản xuất lớn và các khu công nghiệp để thu hút sử dụng ổn định nhiều lao động. Tốc độ đô thị hóa diễn ra chậm.

5.2.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ sở và bản thân người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tự tìm việc làm còn hạn chế.

- Do đời sống của phần lớn bộ phận người dân ở vùng cao, vùng nông thôn còn khó khăn, nên công tác xã hội hóa cho giáo dục, đào tạo của tỉnh còn hạn chế. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết của đồng bào vùng cao còn khá phổ biến dẫn tới còn xảy ra tình trạng đông con - thất học - đói nghèo, đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình ở một số nơi chưa hiệu quả, nhất là đối với đồng bào các dân tộc ở vùng cao. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

- Tâm lý và tập quán sinh hoạt không muốn đi lao động ở xa nhà của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số là cản trở lớn cho việc chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn nông nghiệp sang các ngành nghề khác.

- Chính sách đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn thu hút đội ngũ nhân lực chuyên ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao về tỉnh công tác lâu dài để xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.

- Việc thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt. Việc thực hiện đề án gắn với công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý chưa thực sự chặt chẽ.

Từ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2015 và với yêu cầu cấp thiết của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra các yêu cầu cấp bách về cơ chế, chính sách và các giải pháp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU CHUNG

Xây dựng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập; tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo cho các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội trọng tâm của tỉnh và cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực, mở rộng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo. Từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục phát triển mạng lưới trường học các cấp, tập trung huy động dân số trong độ tuổi đến trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Duy trì, củng cố phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dc tiểu học.

Tập trung đào tạo, nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động qua đào tạo; tăng cường đào tạo nghề, chú trọng đào tạo lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động. Phân bổ nhân lực đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành nghề, khu vực.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực hiện có hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao thể chất và tuổi thọ bình quân; phát triển nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu hợp lý với chất lượng ngày càng cao.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2020

- Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý (lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 58,7%; công nghiệp - xây dựng 15,6%; dịch vụ 25,7%).

- Huy động trẻ 0-2 tuổi ra lớp đạt trên 50%; trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 98%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt trên 99,6%; dân số 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,5%; dân số 11-14 tuổi học trung học cơ sở đạt 95%; huy động dân số 15-18 tuổi học trung học phổ thông và tương đương đạt 70% trở lên.

- Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%; tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99,5%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 97%. Trên 60% số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

- Đến năm 2020, toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; có 60% đơn vị hành chính cấp xã và 03 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3. Duy trì và nâng cao các chỉ số về chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 tuổi, 4 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 7.800-8.200 lao động; tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 58,6%.

- Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện: Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hằng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; có 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Hằng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong thời gian 02 năm.

- Đối với viên chức: Đến năm 2020, có 60% viên chức trở lên được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; có 70% viên chức trở lên giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm. Hằng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.

- Nâng cao thể chất nguồn nhân lực: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng/tuổi) còn 10% vào năm 2020; tuổi thọ trung bình người dân đạt 75 tuổi.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực đối với sự phát triển bền vững

- Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò của phát triển nhân lực, là nền tảng, yếu tố quyết định trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong phát triển nguồn nhân lực.

- Huy động cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách và lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Chú trọng nâng cao chất lượng trình độ học vấn, chuyên môn của nhân lực

- Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho hệ thống trường học các cấp, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được đi học; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi các cấp đến trường, đặc biệt là cấp THPT. Từng bước nâng cao tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa cho tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông; đến năm 2020 đảm bảo trên 90% phòng học, nhà nội trú được kiên cố hóa.

- Tiếp tục phát triển mạng lưới trường học các cấp, tập trung huy động dân số trong độ tuổi đến trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Duy trì, củng cố phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiếp tục thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2016-2020.

- Đẩy mạnh liên kết, phối hợp đào tạo với các cơ sở đào tạo, trường đại học để đào tạo trình độ sau đại học nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của nhân lực theo hướng:

+ Rà soát, bổ sung kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động; đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường và phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. 

+ Đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, cán bộ quản lý, các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia kỹ thuật. Xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho lực lượng lao động trẻ để chuẩn bị đủ nguồn nhân lực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội và các Chương trình, dự án lớn của tỉnh. 

3. Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh

- Quy hoạch, củng cố, sắp xếp hợp lý các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh. Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các đoàn thể, hội khuyến học các cấp đối với xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

- Mở rộng quy mô, đa dạng hình thức, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo những ngành, nghề mà xã hội có nhu cầu; thực hiện phân bổ nhân lực đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành, nghề, khu vực.

- Tập trung đào tạo, nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động qua đào tạo; chú trọng đào tạo nghề lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Đào tạo nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động; đào tạo nhân lực có chất lượng cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Mở rộng phát triển thị trường lao động, phối hợp đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu cho các cơ sở tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu.

- Đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo theo kế hoạch của Trung ương, địa phương, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Tăng cường xã hội hóa, khuyến khích đầu tư đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thị trường.

4. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tổ chức điều tra, khảo sát nhân lực hiện đang làm việc và nhu cầu nhân lực trong các năm tới của các ngành, các địa phương để có định hướng phân bổ lao động hợp lý về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh trong các giai đoạn. Đặc biệt, coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài. 

- Thực hiện rà soát bổ sung, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục ban hành các chế độ chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề. Xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp; liên kết, hợp tác với các trường đại học đào tạo các ngành, nghề mà tỉnh có nhu cầu sử dụng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... và một số ngành nghề đặc thù tỉnh còn thiếu. Có cơ chế, chính sách, thu hút, tôn vinh, tạo điều kiện đối với những người có trình độ cao về tỉnh công tác (chế độ đãi ngộ, cơ chế đào tạo, quản lý...). Tập trung huy động các nguồn vốn, hằng năm chủ động bố trí vốn hợp lý đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

- Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và phát huy nhân tài.

- Đổi mới đồng bộ các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; gắn đào tạo với thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức kỷ luật cao, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thường xuyên rà soát để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp. Quan tâm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc ít người. Thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ phải gắn giữa đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị và kiến thức về quản lý nhà nước.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo. Thực hiện tốt Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách đối với người lao động.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động và dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động từ khâu tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong và ngoài nước cho người lao động.

5. Mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Tiếp tục phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài để hình thành, mở rộng quy mô các trường chuyên nghiệp. Tăng cường quan hệ giao lưu, trao đổi và hợp tác với các tỉnh trong khu vực và cả nước về đào tạo, sử dụng nhân lực. Khuyến khích liên doanh, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo lập mối quan hệ tương trợ giữa nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và người học trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động học nghề thông qua định hướng thông tin, cơ chế, chính sách… Người lao động chủ động nắm bắt thông tin, tự đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, tiếp cận thị trường lao động, tìm kiếm việc làm. Doanh nghiệp có trách nhiệm trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và lao động đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế.

- Cải thiện và tăng cường thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế - xã hội trong tỉnh và của quốc gia. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực chất lượng cao. Chủ động khảo sát thị trường lao động trong nước; thương thảo, ký kết hợp đồng lao động với các doanh nghiệp, tạo cơ chế chính sách để đưa người lao động đi lao động ở các tỉnh trong nước và xuất khẩu lao động.

- Xây dựng “xã hội học tập” là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người lao động được bồi dưỡng thường xuyên. Thông qua các hình thức đào tạo không chính quy giúp người lao động được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và kỹ thuật công nghệ mới ở các trung tâm đào tạo trong và ngoài tỉnh.

6. Cải thiện và nâng cao chất lượng dân số

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng về dân số, kế hoạch hóa gia đình, gắn sinh sản với dinh dưỡng để nâng chất lượng dân số, nâng cao thể trạng, thể lực, trí tuệ của người dân; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

- Tập trung giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; chú trọng giáo dục sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng học đường kết hợp với việc tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục - thể thao trong trường học. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; nâng cao tuổi thọ của người dân,... góp phần phát triển nguồn nhân lực theo chiều sâu.

- Chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

7. Tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nhân lực

- Tăng chi đầu tư cho phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án đào tạo, hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực ở các vùng sâu, vùng xa, cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách.

- Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở y tế, văn hóa, thể dục thể thao...

- Khuyến khích và quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng lao động địa phương khi triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Mở rộng các hình thức tín dụng ưu đãi cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và cho học sinh, sinh viên để học nghề, học đại học, cao đẳng, hỗ trợ người lao động học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ.

- Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ cho phát triển nhân lực.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo…, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động ở mỗi cấp, mỗi ngành, trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực

- Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác quản lý phát triển nhân lực. Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của UBND các cấp, của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong việc theo dõi, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.

- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh: Xây dựng quy chế tăng cường sự phối hợp giữa các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Nội vụ và UBND cấp huyện trong công tác quản lý Nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân lực tỉnh.

3. Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục, đào tạo, đào tạo nghề

- Xác định giáo dục là nền tảng của đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt; tiến hành đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; coi trọng giáo dục đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp; trong đó, đặc biệt chú ý phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo bậc đại học, phấn đấu đến năm 2020 thành lập Trường Đại học Điện Biên.

- Làm tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong các trường trung học, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện để định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tạo điều kiện và thường xuyên giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có ý thức tự học, học tập suốt đời, nghiên cứu, gắn bó với nghề nghiệp, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn công việc được giao.

- Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động; trong đó tăng thời lượng, nội dung thực hành trong chương trình đào tạo nghề; gắn kết chặt chẽ đào tạo lý thuyết với thực hành; thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của công việc.

4. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; yêu cầu việc thực hành pahir đồng bộ trên nhiều phương diện, từ cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo, cơ chế, chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đến cơ chế, chính sách thể dục, thể thao… làm cho con người phát triển toàn diện.

- Tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật tay nghề. Xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút lao động có trình độ cao về tỉnh công tác.

5. Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực

- Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực để có định hướng phân bổ lao động hợp ký về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh.

- Đặc biệt coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài và hỗ trợ các cán bộ công tác tại khu vực có điều kiện khó khăn.

6. Tăng cường và nâng cao thể lực cho nguồn nhân lực

- Các cấp, các ngành liên quan tích cực chỉ đạo thực hiện tốt Đề án nâng cao thể trọng, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2020. Tăng cường tuyên truyền chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đảm bảo dinh dưỡng sữa học đường cho trẻ em mầm non, tiểu học. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng nâng cao thể lực, sức khỏe nhân lực, cải tạo tầm vóc người Việt Nam; vận động mỗi người dân lựa chọn một hình thức luyện tập thể dục phù hợp.

- Tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao thể chất và tuổi thọ bình quân; phát triển nguồn nhân lực có quy mô và cơ cấu hợp lý với chất lượng ngày càng cao.

- Ngăn chặn, khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh. Huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và cộng đồng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm. Quyết tâm ngăn chặn, hạn chế tác hại do dịch HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm gây ra ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực nguồn nhân lực cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

7. Tăng cường đầu tư ngân sách và đổi mới cơ chế chính sách cho phát triển nguồn nhân lực

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để tăng nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

- Nâng dần tỷ trọng vốn đầu tư cho Giáo dục và Đào tạo, đầu tư thích đáng vào đào tạo nghề và cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ.

- Lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

8. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực

- Tăng cường huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi như: chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và các nguồn lực khác... để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư đào tạo nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội, thu hút nhân tài phục vụ nền kinh tế, xã hội.

- Huy động nguồn vốn của dân (kể cả các tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội...) để phát triển nguồn nhân lực và trong đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, tổ chức các loại quỹ khuyến học, khuyến tài...

9. Cải thiện và tăng cường thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế - xã hội trong tỉnh và của quốc gia. Mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực chất lượng cao.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn vốn ngân sách chi thường xuyên của tỉnh cho phát triển nhân lực (thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; dạy nghề; y tế...); nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương chi đầu tư phát triển cho phát triển nhân lực (thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế...) và nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho phát triển nhân lực, kinh phí của các tổ chức, cá nhân tự chi trả để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn.

Căn cứ khả năng huy động vốn thực hiện Đề án trong giai đoạn 2011-2015 và dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020, dự báo khả năng huy động vốn cho phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020 là 14.337 tỷ đồng, trong đó:

- Dự kiến tổng chi ngân sách chi thường xuyên cho phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 12.915 tỷ đồng.

- Tổng vốn ngân sách địa phương ước chi đầu tư phát triển cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 769 tỷ đồng.

- Tổng vốn ngân sách Trung ương chi đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, việc làm và dạy nghề (vốn chương trình mục tiêu, trái phiếu Chính phủ...) theo thông báo dự kiến ước tính khoảng 453 tỷ đồng.

- Dự kiến nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho phát triển nhân lực và kinh phí của các tổ chức, cá nhân tự chi trả để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn trong giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 200 tỷ đồng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa, lồng ghép các mục tiêu và giải pháp thực hiện phát triển nhân lực vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hằng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu đề xuất kế hoạch huy động và cân đối các nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển nhân lực và vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, đào tạo nghề có sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, nguồn cân đối ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư vào tỉnh trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

- Làm đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhân lực; kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Điện Biên.

- Chủ trì tổng hợp, tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức đánh giá định kỳ hằng năm và tổng kết giai đoạn về tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020 báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đề xuất chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của nhà nước cho các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan lồng ghép các mục tiêu, giải pháp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vào kế hoạch quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm của ngành theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan lồng ghép các mục tiêu, giải pháp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vào kế hoạch quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm của ngành theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

4. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu, lồng ghép các mục tiêu, giải pháp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vào kế hoạch quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm của ngành theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

5. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức cơ quan hành chính các cấp và các cơ sở đào tạo.

- Tổng hợp nhu cầu, xây dựng Quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, viên chức và cán bộ cơ sở của tỉnh theo giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch cụ thể hằng năm, đồng thời hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện.

- Thẩm định phương án tuyển dụng, kết quả tuyển dụng công chức, viên chức theo thẩm quyền và phân cấp của UBND tỉnh.

- Tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình HĐND tỉnh quyết định các chế độ, chính sách nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

6. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan cân đối, đảm bảo ngân sách chi thường xuyên hằng năm thực hiện các hoạt động của Đề án. Hướng dẫn, giám sát việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định. Phối hợp với các ngành, địa phương trong việc tham gia xây dựng, đề xuất các chính sách, giải pháp trong quá trình thực hiện.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, đào tạo nghề, y tế đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

7. Các sở, ban, ngành tỉnh liên quan

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển nhân lực của đơn vị; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hằng năm, kế hoạch giai đoạn gắn với chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được phân cấp quản lý.

- Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các giải pháp thực hiện phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Trên cơ sở chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của địa phương và tổ chức thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác đầu tư trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực tại địa phương; tích cực đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khảo sát, thống kê trình độ nguồn nhân lực hằng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

9. Các trường chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng khác

Xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác đào tạo và liên kết đào tạo theo từng năm. Xây dựng kế hoạch mở rộng ngành nghề, quy mô đào tạo; kế hoạch đào tạo sau đại học đội ngũ giảng viên. Cung cấp thông tin về đào tạo, nhu cầu việc làm; phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp xúc tiến việc làm cho sinh viên.

10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên

- Tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Đề án ở các cấp.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về các mục tiêu, chính sách và hoạt động của Đề án; vận động và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia học, tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển nguồn nhân lực được phân cấp quản lý, điều hành.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ, hằng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Đề án để báo cáo UBND tỉnh.

Trên đây là Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020 Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện đảm bảo nội dung, yêu cầu.

 

BIỂU 01: LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG

(Kèm theo Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020)

Số TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

 

 

1

Dân số trung bình

Người

519.663

528.465

538.069

547.785

 

 

Phân theo T.Thị, N.Thôn

 

 

 

 

 

 

 

Thành thị

Người

78.020

79.717

81.195

82.691

 

 

% so với tổng số

%

15,01

15,08

15,09

15,10

 

 

Nông thôn

Người

441.643

448.748

456.874

465.094

 

 

% so với tổng số

%

84,99

84,92

84,91

84,90

 

2

Dân số trong độ tuổi lao động

Người

301.186

305.528

312.080

319.887

 

 

% so với dân số TB

%

57,96

57,81

58,00

58,40

 

3

Lực lượng lao động

Người

282.149

289.492

295.393

302.203

 

 

% so với dân số trong độ tuổi lao động

%

93,68

94,75

94,65

94,47

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Nam

Người

145.179

150.382

153.598

157.277

 

 

% so với tổng số

%

51,45

51,95

52,00

52,04

 

 

Nữ

Người

136.970

139.110

141.795

144.926

 

 

% so với tổng số

%

48,55

48,05

48,00

47,96

 

4

Lao động trong ngành KTQD

Người

280.366

286.755

293.448

300.297

 

 

% so với lực lượng lao động

%

99,37

99,05

99,34

99,37

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Nam

Người

144.207

149.000

152.319

155.712

 

 

% so với tổng số

%

51,44

51,96

51,91

51,85

 

 

Nữ

Người

136.159

137.755

141.129

144.585

 

 

% so với tổng số

%

48,56

48,04

48,09

48,15

 

 

BIỂU 02: CƠ CẤU LAO ĐỘNG THEO NGÀNH, LĨNH VỰC

Số TT

Ngành kinh tế

Năm 2012

Năm 2015

Số người

Tỷ lệ

Số người

Tỷ lệ

(%)

(%)

 

Tổng số

280.366

100

300.297

100

1

Nông - Lâm - Ngư nghiệp

196.542

70,1

197.866

65,89

2

Công nghiệp - Xây dựng

30.090

10,73

37.237

12,4

3

Thương mại - Dịch vụ

53.734

19,17

65.194

21,71

 

BIỂU 03: TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN CỦA NHÂN LỰC

Đơn vị tính: Người

STT

Chỉ tiêu

Năm 2012

Năm 2013

Ước năm 2014

Ước năm 2015

 

Tổng số

282.149

289.492

297.026

304.756

 

Trong đó:

 

 

 

 

1

Chưa biết chữ

69.296

57.956

45.980

33.340

2

Chưa tốt nghiệp tiểu học

33.886

27.357

20.465

13.196

3

 Tốt nghiệp tiểu học

60.972

65.975

71.197

76.646

4

 Tốt nghiệp trung học cơ sở

53.947

67.162

81.029

95.571

5

Tốt nghiệp trung học phổ thông

64.048

71.042

78.355

86.003

 

Cơ cấu

100

100

100

100

 

Trong đó:

 

 

 

 

1

Chưa biết chữ

24,56

20,02

15,48

10,94

2

Chưa tốt nghiệp tiểu học

12,01

9,45

6,89

4,33

3

Tốt nghiệp tiểu học

21,61

22,79

23,97

25,15

4

Tốt nghiệp trung học cơ sở

19,12

23,20

27,28

31,36

5

Tốt nghiệp trung học phổ thông

22,70

24,54

26,38

28,22

(Số liệu ước năm 2014 và năm 2015 theo Cục Thống kê)

 

BIỂU 04: THỰC TRẠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO

Đơn vị tính: Người

STT

NỘI DUNG

ĐVT

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

A

CBCC trong cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

2.200

2.299

2.272

2.230

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

527

492

411

342

2

Cao đẳng

Người

223

213

183

173

3

Đại học

Người

1.237

1.393

1.503

1.548

4

Thạc sỹ

Người

60

67

78

98

5

Tiến sỹ

Người

-

-

-

-

6

Trình độ khác

Người

153

134

97

69

7

Chưa qua đào tạo

Người

-

-

-

-

II

Cơ cấu (tổng số = 100%)

 

 

 

 

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

23,95

21,40

18,09

15,34

2

Cao đẳng

%

10,14

9,26

8,05

7,76

3

Đại học

%

56,23

60,59

66,15

69,42

4

Thạc sỹ

%

2,73

2,91

3,43

4,39

5

Tiến sỹ

%

0,00

0,00

0,00

0,00

6

Trình độ khác

%

6,95

5,83

4,27

3,09

7

Chưa qua đào tạo

%

0,00

0,00

0,00

0,00

B

Cán bộ, công chức cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

1.955

2.093

2.101

2.128

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

613

650

597

400

2

Cao đẳng

Người

449

451

404

404

3

Đại học

Người

792

894

961

1.146

4

Thạc sỹ

Người

31

42

51

80

5

Tiến sỹ

Người

-

-

-

-

6

Trình độ khác

Người

70

56

88

98

7

Chưa qua đào tạo

Người

-

-

-

-

II

Cơ cấu ( tổng số = 100%)

 

 

 

 

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

31,36

31,06

28,42

18,80

2

Cao đẳng

%

22,97

21,55

19,23

18,98

3

Đại học

%

40,51

42,71

45,74

53,85

4

Thạc sỹ

%

1,59

2,01

2,43

3,76

5

Tiến sỹ

%

0,00

0,00

0,00

0,00

6

Trình độ khác

%

3,58

2,68

4,19

4,61

7

Chưa qua đào tạo

%

0,00

0,00

0,00

0,00

C

Cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

2.468

2.795

2.883

2.802

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

1.400

1.614

1.643

1.602

2

Cao đẳng

Người

91

158

191

206

3

Đại học

Người

105

208

330

393

4

Thạc sỹ

Người

-

-

-

-

5

Tiến sỹ

Người

-

-

-

-

6

Trình độ khác

Người

136

195

163

125

7

Chưa qua đào tạo

Người

736

620

556

476

II

Cơ cấu ( tổng số = 100%)

 

 

 

 

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

56,73

57,75

56,99

57,17

2

Cao đẳng

%

3,69

5,65

6,63

7,35

3

Đại học

%

4,25

7,44

11,45

14,03

4

Thạc sỹ

%

0,00

0,00

0,00

0,00

5

Tiến sỹ

%

0,00

0,00

0,00

0,00

6

Trình độ khác

%

5,51

6,98

5,65

4,46

7

Chưa qua đào tạo

%

29,82

22,18

19,29

16,99

D

Viên chức trong các ĐVSN

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

20.595

20.733

20.840

21.577

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

7.029

7.029

6.234

6.375

2

Cao đẳng

Người

5.281

5.281

4.515

4.291

3

Đại học

Người

6.437

6.437

8.314

9.150

4

Thạc sỹ

Người

333

333

367

463

5

Tiến sỹ

Người

3

3

3

3

6

Trình độ khác

Người

1.512

1.650

1.407

1.295

7

Chưa qua đào tạo

Người

-

-

-

-

II

Cơ cấu ( tổng số = 100%)

 

 

 

 

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

34,13

33,90

29,91

29,55

2

Cao đẳng

%

25,64

25,47

21,67

19,89

3

Đại học

%

31,26

31,05

39,89

42,41

4

Thạc sỹ

%

1,62

1,61

1,76

2,15

5

Tiến sỹ

%

0,01

0,01

0,01

0,01

6

Trình độ khác

%

7,34

7,96

6,75

6,00

7

Chưa qua đào tạo

%

0,00

0,00

0,00

0,00

TỔNG CỘNG CHUNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

I

Tổng số

Người

27.218

27.920

28.096

28.737

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

9.569

9.785

8.885

8.719

2

Cao đẳng

Người

6.044

6.103

5.293

5.074

3

Đại học

Người

8.571

8.932

11.108

12.237

4

Thạc sỹ

Người

424

442

496

641

5

Tiến sỹ

Người

3

3

3

3

6

Trình độ khác

Người

1.871

2.035

1.755

1.587

7

Chưa qua đào tạo

Người

736

620

556

476

II

Cơ cấu ( tổng số = 100%)

 

 

 

 

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

35,16

35,05

31,62

30,34

2

Cao đẳng

%

22,21

21,86

18,84

17,66

3

Đại học

%

31,49

31,99

39,54

42,58

4

Thạc sỹ

%

1,56

1,58

1,77

2,23

5

Tiến sỹ

%

0,01

0,01

0,01

0,01

6

Trình độ khác

%

6,87

7,29

6,25

5,52

7

Chưa qua đào tạo

%

2,70

2,22

1,98

1,66

 

BIỂU 05: CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2016-2020

Số TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

KH 2016

KH 2017

KH 2018

KH 2019

KH 2020

I

Cơ cấu nguồn nhân lực

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

64,5

63

61,6

60

58,7

2

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng

%

13

13,7

14,3

15,1

15,6

3

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ

%

22,5

23,3

24,1

24,9

25,7

II

Giáo dục đào tạo

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp mẫu giáo

%

96,2

96,7

97,1

97,6

98

2

Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp

%

99,2

99,3

99,4

99,4

>99,5

3

Tỷ lệ trẻ 6-10 tuổi học tiểu học

%

99,1

99,2

99,3

99,4

99,5

4

Tỷ lệ trẻ 11-14 tuổi học THCS

%

90,3

91,5

92,6

93,8

95

5

Tỷ lệ trẻ 15-18 tuổi học THPT

%

56

59,5

63

66,5

>70

6

Tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp

%

99

99,1

99,2

99,3

>99

7

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp

%

90

92

94

96

>97

8

Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia

%

53,4

55

56,7

58,3

>60

III

Đào tạo nghề, tạo việc làm

 

 

 

 

 

 

1

Đào tạo nghề cho lao động

Người/năm

8.000

8.000

8.000

8.000

7.800-8.200

2

Tạo việc làm mới cho lao động

Người/năm

8.500

8.550

8.600

8.650

>8.500

3

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

46,1

49,7

52,1

55,5

58,6

IV

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QLNN

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý

%

12

34

56

78

100

2

Hằng năm, tỷ lệ cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ

%

80

80

80

80

80

3

Hằng năm, tỷ lệ cán bộ được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ

%

70

70

70

70

70

4

Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên

%

85,4

89

92,7

96,3

100

5

Tỷ lệ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm

%

63,9

70,4

77

83,5

90

6

Hằng năm, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ

%

60

60

60

60

60

7

Số lần bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động đối với Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Lần

 

 

1

 

1

8

Tỷ lệ viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

%

12

24

36

48

>60

9

Tỷ lệ viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm

%

15

30

45

60

>70

10

Tỷ lệ viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành

%

12

24

36

48

>60

11

Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức kỹ năng và phương pháp hoạt động

%

72,8

79,6

86,4

93,2

100

12

Số lần bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động đối với Đại biểu HĐND các cấp

Lần

1

 

 

 

 

V

Chất lượng nguồn nhân lực

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi (thể cân nặng/tuổi)

%

18,3

15,8

13,4

11,2

10

2

Tuổi thọ trung bình của người dân

Tuổi

68,9

70,4

71,9

73,9

75



1 Nguồn số liệu theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo.

2 Nguồn số liệu theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

[1] Nguồn số liệu theo báo cáo của Sở Nội vụ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1416/QĐ-UBND ngày 07/11/2016 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.896

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.237.231
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!