QUY CHẾ
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH HƯNG
YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 23/4/2008 của UBND
tỉnh Hưng Yên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này áp
dụng cho việc tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là
công chức cấp xã) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo quy định tại điểm 2, Điều 2
Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã,
phường, thị trấn, gồm các chức danh sau:
- Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công
an chính quy);
- Chỉ huy trưởng quân sự;
- Văn phòng - Thống kê;
- Tài chính - Kế toán;
- Tư pháp - Hộ tịch;
- Địa chính - Xây dựng;
- Văn hoá - Xã hội.
Điều 2. Quy chế này
được áp dụng đối với những người được tuyển dụng giao giữ một chức danh chuyên
môn, nghiệp vụ thuộc UBND xã, phường, thị trấn. Việc tuyển dụng công chức cấp
xã phải thông qua hình thức thi tuyển và căn cứ vào chỉ tiêu, biên chế còn
thiếu, tiêu chuẩn của chức danh chuyên môn cần tuyển.
Điều 3. Thẩm quyền của
các cơ quan tuyển dụng
Các cơ quan nhà nước sau đây có thẩm quyền quản lý
công chức và tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã:
1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi chung
là UBND cấp huyện) là cơ quan quản lý công chức cấp xã, có thẩm quyền tuyển
dụng công chức cấp xã theo quy định của pháp luật và của Quy chế này.
2. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung
là cấp xã) là cơ quan sử dụng công chức cấp xã, có trách nhiệm xây dựng kế
hoạch tuyển dụng theo từng chức danh công chức còn thiếu, báo cáo UBND huyện,
thị xã tuyển dụng và phân công công tác cho công chức cấp xã phù hợp với trình
độ năng lực và tổ chức cho công chức cấp xã làm việc theo đúng quy định của
pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc tuyển
dụng
- Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải đảm bảo nguyên
tắc công khai, công bằng, chất lượng; phải thông qua thi tuyển theo quy định
tại điểm 2, Điều 13 Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ.
- Mọi công dân có đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy
định đều được đăng ký dự tuyển công chức cấp xã.
Điều 5. Điều kiện và hồ
sơ dự tuyển công chức cấp xã
1. Người dự tuyển vào công chức cấp xã phải có đủ
các điều kiện sau:
- Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại
tỉnh Hưng Yên;
- Tuổi đời dự tuyển: Tuyển dụng lần đầu không quá
35 tuổi;
- Có lý lịch rõ ràng;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với chức
danh chuyên môn cần tuyển;
- Có đủ sức khoẻ để đảm nhận nhiệm vụ được giao;
- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình
sự; chấp hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở
giáo dục.
Đối với chức danh Xã đội trưởng, ngoài quy định tại
điểm 1 Điều này còn phải là người đã qua quân đội là sỹ quan, sỹ quan dự bị, hạ
sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp.
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm:
- Đơn xin dự tuyển;
- Bản khai sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan
có thẩm quyền (xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan nơi công tác);
- Giấy chứng nhận sức khoẻ của bệnh viện huyện, thị
xã trở lên);
- Các văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu tiêu chuẩn
của chức danh chuyên môn dự tuyển (bản sao, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền);
- Giấy chứng nhận ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền
xác nhận (nếu có);
- 03 phong bì dán tem ghi rõ họ tên và địa chỉ người
nhận, 02 ảnh cỡ 4x6 (1 ảnh dán vào lý lịch có đóng dấu giáp lai, 1 ảnh dán vào
giấy báo thi), hồ sơ của từng cá nhân được bỏ vào bì hồ sơ cỡ 24x34cm.
Điều 6. Đối tượng ưu
tiên trong tuyển dụng
1. Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động,
thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được cộng 30 điểm vào tổng
kết quả thi tuyển;
2. Con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con
của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945, con đẻ của người hoạt động
kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh
hùng lao động, người có học vị tiến sỹ về chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu
cầu tuyển dụng được cộng 20 điểm vào tổng kết quả thi tuyển;
3. Những người có học vị thạc sỹ đúng chuyên ngành
đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; những người tốt nghiệp loại giỏi và
xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã
hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức
trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ 2 năm trở lên đã hoàn thành nhiệm
vụ. Cán bộ không chuyên trách, có thời gian làm việc liên tục tại các cơ quan
tổ chức cấp xã từ 36 tháng trở lên được cộng 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.
Điều 7. Nội dung thi,
hình thức thi
1. Nội dung thi:
- Một số kiến thức cơ bản về hệ thống bộ máy nhà
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính quyền địa phương; văn bản quản lý
nhà nước;
- Một số vấn đề về công chức, công vụ và một số văn
bản quy phạm pháp luật có liên quan (Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân, Pháp lệnh cán bộ công chức…);
- Tiêu chuẩn chức danh các ngạch công chức cấp
xã.
2. Hình thức thi:
- Thi viết thời gian 150 phút, theo nội dung thi
tuyển quy định ở điểm 1 Điều này; tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngạch, Chủ
tịch Hội đồng thi tuyển có thể quy định thêm thực hành soạn thảo văn bản;
- Thi vấn đáp (hoặc thi trắc nghiệm) theo nội dung
thi tuyển quy định tại khoản 1 Điều này và một số kiến thức liên quan đến công
việc mà thí sinh tham gia dự tuyển.
Điều 8. Điểm thi tuyển
và nguyên tắc xác định người trúng tuyển
1. Mỗi môn thi được chấm theo thang điểm 100. Điểm
môn thi viết tính hệ số 2, điểm môn thi vấn đáp (hoặc thi trắc nghiệm) tính hệ
số 1;
2. Người trúng tuyển trong kỳ thi là người thi đủ
các môn thi, có số điểm của mỗi môn thi đạt từ 50 điểm trở lên (chưa tính hệ số)
và tính từ người có tổng số điểm cao nhất cho đến hết chỉ tiêu được tuyển;
3. Trường hợp nhiều người có tổng số điểm bằng nhau
ở chỉ tiêu cuối cùng được tuyển thì thứ tự ưu tiên như sau:
- Người có điểm môn thi viết cao hơn sẽ được chọn
là người trúng tuyển.
- Nếu điểm thi viết bằng nhau thì người có trình
độ đào tạo cao hơn là người trúng tuyển.
- Nếu điểm thi viết, trình độ đào tạo như nhau thì
người có điểm tổng kết trung bình chung toàn khoá cao hơn là người trúng tuyển.
Điều 9. Công nhận kết
quả thi tuyển, tuyển dụng và nhận việc
1. Chậm nhất 30 ngày sau khi tổ chức thi tuyển, Hội
đồng tuyển dụng báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện để xem xét và quyết định phê
duyệt kết quả thi tuyển;
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết
quả thi tuyển, Chủ tịch UBND huyện, thị xã ra quyết định tuyển dụng;
3. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định tuyển
dụng, người được tuyển dụng phải đến cơ quan nhận việc (trừ trường hợp quyết
định tuyển dụng có quy định thời hạn khác);
4. Người được tuyển dụng có lý do chính đáng mà không
thể nhận việc đúng thời hạn thì phải làm đơn xin gia hạn và được cơ quan tuyển
dụng đồng ý, thời gian gia hạn không quá 30 ngày;
5. Người được tuyển dụng đến chậm thời gian nêu trên
mà không có lý do chính đáng thì cơ quan tuyển dụng huỷ bỏ quyết định tuyển
dụng.
Điều 10. Những người có
người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột) đăng ký dự tuyển thì không
được tham gia vào Hội đồng tuyển dụng, làm đề thi, coi thi, chấm thi và phục vụ
kỳ thi.
Chương II
HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG, BAN
COI THI, BAN CHẤM THI, LÀM ĐỀ THI, CHẤM PHÚC KHẢO
Mục 1. Hội đồng tuyển dụng
Điều 11. Thành phần Hội
đồng tuyển dụng
1. Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã có từ 5 đến
9 thành viên do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập; Hội đồng tuyển
dụng hoạt động theo từng kỳ thi và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ,
được sử dụng con dấu của cơ quan quyết định thành lập Hội đồng.
2. Hội đồng tuyển dụng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch
UBND cấp huyện;
- Phó chủ tịch Hội đồng là Trưởng phòng hoặc Phó
trưởng phòng Nội vụ cấp huyện;
- Các uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo
phòng, ban chuyên môn, đơn vị có liên quan ở cấp huyện;
- Uỷ viên kiêm Thư ký Hội đồng là công chức của phòng
Nội vụ phụ trách tuyển dụng công chức cấp xã.
Điều 12. Nhiệm vụ quyền
hạn của Hội đồng tuyển dụng
1. Thông báo công khai kế hoạch thi tuyển, thể
lệ, quy chế, tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, môn thi, hình thức thi, cơ cấu chỉ
tiêu cần tuyển ở từng ngạch, địa điểm thi, dự kiến thời gian ôn tập, thời gian
thi trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, thị xã và trụ sở UBND
cấp huyện trước ngày tổ chức thi tuyển 15 ngày;
2. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự tuyển, lập danh
sách những người đủ điều kiện tiêu chuẩn dự tuyển và thông báo danh sách những
người không đủ điều kiện tiêu chuẩn dự tuyển;
3. Niêm yết danh sách thí sinh dự thi tại các phòng
thi trước ngày thi ít nhất 1 ngày;
4. Tổ chức hướng dẫn ôn thi cho thí sinh trước ngày
thi ít nhất 5 ngày;
5. Thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi, tổ chức chấm
phúc khảo bài thi viết hoặc trắc nghiệm (nếu có);
6. Tổ chức thi tuyển theo quy chế;
7. Giải quyết các khiếu nại tố cáo về thi tuyển (nếu
có);
8. Báo cáo kết quả thi tuyển, tuyển dụng về UBND
tỉnh (qua Sở Nội vụ).
Điều 13. Nhiệm vụ quyền
hạn của các thành viên Hội đồng tuyển dụng
1. Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng:
- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ
của Hội đồng tuyển dụng quy định tại Điều 12 Quy chế này và chỉ đạo quá trình
thi;
- Quyết định thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi,
chấm phúc khảo bài thi viết (hoặc trắc nghiệm);
- Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Hội đồng;
- Bảo quản đề thi, bài thi theo quy định;
- Cùng với Phó chủ tịch Hội đồng, thư ký Hội đồng
đánh mã phách, khớp phách bài thi, lập bảng điểm và danh sách kết quả thi;
- Thông báo kết quả thi, kết quả tuyển dụng cho
thí sinh.
2. Phó chủ tịch Hội đồng tuyển dụng:
- Giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ của Hội
đồng và điều hành công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công;
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình
coi thi, chấm thi;
- Đề xuất danh sách cán bộ trong Ban coi thi, Ban
chấm thi và dự kiến phân công nhiệm vụ cho các uỷ viên Hội đồng tuyển dụng.
3. Các uỷ viên Hội đồng tuyển dụng thực hiện nhiệm
vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.
4. Thư ký Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng:
- Tiếp nhận hồ sơ của người xin dự tuyển;
- Tập hợp các tài liệu và ghi biên bản các phiên
họp Hội đồng;
- Thu nhận bài thi và tài liệu có liên quan, lập
biên bản bàn giao bài thi cho Ban chấm thi;
- Thu nhận các bài chấm thi và tài liệu chấm thi.
Điều 14. Ban coi thi do
Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã quyết định thành lập
1. Thành phần Ban coi thi:
- Trưởng Ban coi thi do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch
Hội đồng tuyển dụng đảm nhiệm;
- Thư ký Ban coi thi do Thư ký Hội đồng tuyển dụng
đảm nhiệm;
- Cán bộ Ban coi thi: Giám thị trong phòng thi và
giám thị biên
- Cán bộ phục vụ kỳ thi: Bảo vệ kỳ thi, nhân viên
y tế, nhân viên phục vụ;
- Cán bộ trong Ban coi thi khi làm nhiệm vụ phải
đeo phù hiệu do Hội đồng tuyển dụng phát hành;
2. Nhiệm vụ quyền hạn của Ban coi thi:
- Tổ chức sắp xếp và phân công giám thị tại các phòng
thi (bằng hình thức bắt thăm ngẫu nhiên);
- Phối hợp với lực lượng công an địa phương, tổ chức
và sắp xếp người bảo vệ ở bên ngoài các phòng thi và khu vực thi;
- Thực hiện đúng nội quy phòng thi;
- Kiểm tra giấy báo thi, giấy chứng minh thư nhân
dân và các điều kiện đảm bảo tốt kỳ thi;
- Phát đề thi, thu bài thi;
- Giải quyết các trường hợp vi phạm quy chế thi,
lập biên bản và báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng xem xét giải quyết.
Điều 15. Nhiệm vụ quyền
hạn của các thành viên Ban coi thi
1. Trưởng Ban coi thi:
- Tổ chức chỉ đạo Ban coi thi thực hiện tốt nhiệm
vụ theo quy định tại Điều 14 của Quy chế này;
- Phân công giám thị làm nhiệm vụ tại các phòng thi
đảm bảo mỗi phòng có 2 cán bộ coi thi và giám thị biên;
- Nhận và bảo
quản đề thi theo đúng quy định của bảo vệ tài liệu mật và tuyệt mật;
- Tạm đình chỉ việc coi thi của giám thị hoặc đình
chỉ việc thi của thí sinh nếu thấy có căn cứ vi phạm quy chế, nội quy thi và
báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng để xem xét quyết định;
- Nhận bài thi của các phòng thi, niêm phong và bàn
giao cho Thư ký Hội đồng theo quy định.
2. Giám thị trong phòng thi:
- Đánh số báo danh theo quy định của Ban coi thi;
- Kiểm tra giấy báo thi, giấy chứng minh thư nhân
dân của thí sinh khi vào phòng thi và hướng dẫn thí sinh ngồi đúng theo số báo
danh;
- Phổ biến nội quy thi cho thí sinh;
- Phát giấy thi và ký vào giấy thi;
- Nhận đề thi, phát đề thi hoặc đọc và chép chính
xác đề thi lên bảng. Không được giải thích đề thi hoặc trao đổi với thí sinh
trong phòng thi;
- Thực hiện nhiệm vụ coi thi trong phòng thi theo
đúng quy định;
- Thu bài thi và tài liệu có liên quan nộp cho trưởng
Ban coi thi.
3. Giám thị biên:
- Giám thị biên có thể được giao nhiệm vụ giám sát
cả 2 phòng thi liền kề;
- Giữ gìn trật tự và bảo đảm an toàn bên ngoài
phòng thi;
- Lập biên bản những giám thị trong phòng thi hoặc
thí sinh vi phạm quy chế khi ở ngoài phòng thi và báo cáo ngay với trưởng Ban
coi thi;
- Không được vào trong phòng thi.
4. Cán bộ phục vụ kỳ thi, chỉ được thực hiện nhiệm
vụ ở khu vực quy định, không tự ý đi lại trong khu vực thi.
Mục 3. Ban chấm thi
Điều 16. Ban chấm thi
do Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết định thành lập
1. Thành lập Ban chấm thi:
- Trưởng ban: Do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng
tuyển dụng đảm nhiệm;
- Thư ký Ban chấm thi: Do Thư ký Hội đồng tuyển dụng
đảm nhiệm;
- Cán bộ chấm thi là cán bộ Trung tâm Chính trị huyện,
thị xã và phòng chuyên môn cấp huyện liên quan đến chức danh chuyên môn cần
tuyển;
- Cán bộ giám sát chấm thi là cán bộ, công chức của
Thanh tra cấp huyện.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấm thi:
- Tổ chức trao đổi, thảo luận đáp án, thang điểm
trước khi chấm thi và chấm bài thi mẫu để thống nhất;
- Nhận bài thi của Hội đồng và tổ chức cho cán bộ
chấm thi bắt thăm nhận bài thi để chấm;
- Phân công cán bộ chấm thi viết, vấn đáp, đảm bảo
nguyên tắc mỗi bài thi, mỗi bàn thi vấn đáp phải có 2 người chấm thi.
Đối với chấm thi viết: Nếu có từ 2 cặp chấm thi trở
lên thì sau mỗi buổi chấm thi phải tổ chức bắt thăm lại cặp chấm thi.
Đối với chấm thi vấn đáp: Nếu có từ 2 bàn chấm thi
trở lên thì sau mỗi buổi phải tổ chức bắt thăm lại bàn chấm thi. Cặp chấm thi,
bàn chấm thi lần sau không trùng với cặp chấm thi, bàn chấm thi lần trước;
- Bàn giao kết quả chấm thi viết, chấm thi vấn đáp
cho Thư ký Hội đồng tuyển dụng;
- Trong khi chấm thi phát hiện bài thi của thí sinh
vi phạm quy chế, lập biên bản bài thi đó và báo cáo với Hội đồng tuyển dụng xem
xét và giải quyết;
- Không được tiết lộ kết quả thi khi chưa công bố.
Điều 17. Nhiệm vụ của
các thành viên Ban chấm thi
1. Trưởng Ban chấm thi:
- Tổ chức chỉ đạo, phân công các thành viên của Ban
chấm thi;
- Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban chấm thi
quy định tại Điều 16 của Quy chế này;
- Quyết định điểm thi khi 2 cán bộ chấm thi của cặp
chấm cho điểm chênh lệch;
- Tổng hợp kết quả chấm thi, bàn giao cho Thư ký
Hội đồng tuyển dụng.
2. Cán bộ chấm thi:
- Chấm điểm các bài thi viết, thi vấn đáp đảm
bảo nghiêm túc, chính xác theo đúng thang điểm, đáp án;
- Báo cáo các dấu hiệu vi phạm trong các bài thi
với trưởng Ban chấm thi và đề nghị hình thức xử lý;
- Chấm thi vấn đáp: 2 giám khảo độc lập cho điểm.
Sau mỗi buổi thống nhất để ghi điểm vào biểu quy định. Trường hợp điểm của 2
giám khảo chênh lệch nhau từ 10 điểm trở xuống thì cộng vào chia đôi, lấy điểm
đó là điểm cuối cùng. Trường hợp chênh lệch nhau từ 10 điểm trở lên thì trao
đổi lại để thống nhất, nếu không thống nhất thì báo cáo với trưởng Ban chấm thi
quyết định;
- Chấm bài thi viết: 2 giám khảo chấm độc lập ở mỗi
bài thi bằng phiếu chấm thi, không cho điểm thành phần vào bài làm của thí sinh,
sau đó thống nhất điểm. Trường hợp điểm của 2 giám khảo chênh lệch nhau từ 10
điểm trở xuống thì cộng vào chia đôi, lấy điểm đó là điểm cuối cùng. Trường hợp
chênh lệch nhau từ 10 điểm trở lên thì trao đổi lại để thống nhất, nếu không
thống nhất thì báo cáo với trưởng Ban chấm thi để tổ chức chấm lần thứ 3. Lấy
điểm trung bình của 3 lần chấm làm điểm chính thức của bài thi.
3. Cán bộ giám sát chấm thi:
- Đối với chấm thi vấn đáp: Gọi thí sinh vào phòng
thi, giữ gìn trật tự trong phòng thi và giám sát thí sinh làm bài;
- Giám sát việc chấm thi của cán bộ chấm thi;
- Nếu có nghi vấn báo cáo với trưởng Ban chấm thi
xem xét, giải quyết.
Điều 18. Ban chấm phúc
khảo bài thi viết do Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã quyết định
thành lập
1. Thành phần Ban chấm phúc khảo:
- Trưởng ban: Do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng
tuyển dụng đảm nhiệm;
- Cán bộ chấm thi là cán bộ của Trung tâm Chính trị
huyện, thị xã và phòng chuyên môn cấp huyện liên quan đến chức danh chuyên môn
cần tuyển và không phải là người chấm thi lần một.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấm phúc khảo:
- Nhận và kiểm tra các bài thi của thí sinh;
- Tổ chức chấm lại bài thi của thí sinh xin phúc
khảo;
- Quyết định điểm chấm phúc khảo và báo cáo kết quả
chấm phúc khảo theo quy định.
Điều 19. Quy định việc
chấm phúc khảo bài thi viết
1. Hội đồng tuyển dụng:
- Nhận đơn xin phúc khảo trong vòng 15 ngày kể từ
ngày thông báo kết quả thi tuyển;
- Khi nhận đơn xin chấm phúc khảo của thí sinh, tiến
hành rút bài thi, kiểm tra lại số tờ giấy thi của thí sinh. Sau đó đánh lại
phách, che điểm chấm thi lần 1 và niêm phong bài thi;
- Đầu phách do Hội đồng tuyển dụng quản lý;
- Trả lời kết quả chấm phúc khảo cho thí sinh chậm
nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo.
2. Trưởng ban chấm phúc khảo nhận bài thi phúc khảo
và phân công cán bộ chấm thi.
3. Cán bộ chấm phúc khảo thực hiện quy trình chấm
thi như quy trình chấm bài thi viết quy định tại Điều 17 của Quy chế này, bàn
giao kết quả chấm thi, bài thi cho trưởng Ban chấm phúc khảo.
4. Xử lý điểm chấm phúc khảo như sau:
- Nếu điểm của 2 cán bộ chấm phúc khảo chênh lệch
nhau từ 10 điểm trở xuống thì cộng vào chia đôi và lấy điểm đó là điểm phúc
khảo. Trường hợp chênh lệch nhau trên 10 điểm thì trao đổi lại để thống nhất, nếu
không thống nhất thì báo cáo với trưởng Ban chấm phúc khảo để chấm lần thứ 3,
lấy điểm trung bình của 3 lần chấm làm điểm chấm phúc khảo;
- Trưởng Ban chấm phúc khảo ký xác nhận vào các bài
thi đã chấm phúc khảo.
5. Nếu điểm chấm phúc khảo chênh lệch với điểm chấm
lần đầu từ 5 điểm trở lên thì mới được điều chỉnh điểm bài thi, nếu chênh lệch
trên 10 điểm và từ không trúng tuyển thành trúng tuyển thì Hội đồng tuyển dụng
tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chấm thi lần đầu và cán bộ chấm phúc
khảo để thống nhất, nếu không thống nhất thì Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết
định điểm cuối cùng và báo cáo UBND cấp huyện.
Mục 5. Công tác làm đề thi
Điều 20. Quy định về
làm đề thi
1. Đề thi tuyển công chức cấp xã do Trường Chính
trị Nguyễn Văn Linh và các sở, ngành có liên quan đến chức danh chuyên môn cần tuyển
đảm nhiệm.
2. Yêu cầu của việc làm đề thi:
- Đề thi phải phù hợp với nội dung thi và tiêu chuẩn
chức danh chuyên môn cần tuyển;
- Đề thi viết cho thí sinh làm bài 150 phút, đề thi
vấn đáp cho thí sinh chuẩn bị từ 15 đến 20 phút. Đề thi phải có đáp án, thang
điểm chi tiết tới 5 điểm;
- Phải đảm bảo tính chính xác, khoa học và quy trình
bảo mật của đề thi.
3. Quy trình làm đề thi:
a) Đối với cán bộ được phân công giới thiệu đề
thi:
- Người giới thiệu đề thi phải căn cứ vào yêu cầu
của việc ra đề thi để biên soạn và giới thiệu đề thi;
- Người giới thiệu đề thi phải nộp bản gốc viết tay
cho Giám đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh hoặc thủ trưởng sở, ngành, không
sao chép thành nhiều bản, không lưu trữ riêng và không được để lộ đề thi đã
giới thiệu dưới bất kỳ hình thức nào;
- Nộp đề thi đúng thời gian quy định.
b) Chọn đề thi:
- Trong thời hạn từ 3 đến 5 ngày trước khi thi, Giám
đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh hoặc thủ trưởng sở, ngành chọn đề thi chính
thức và dự trữ bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã trước
ngày thi 1 ngày;
- Toàn bộ đề thi được giới thiệu đề thi chính thức,
đề thi dự trữ, các đáp án thang điểm và tài liệu liên quan được cất giữ theo
chế độ bảo mật.
4. Đánh máy, in, đóng gói, bảo quản phân phối sử
dụng đề thi:
a) Đánh máy, in đề thi:
- Đề thi phải được đánh máy, in rõ ràng, chính xác,
sạch đẹp, đúng quy cách đúng số lượng ấn định. Những giấy tờ đánh máy hỏng đều
phải nộp lại cho Giám đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh hoặc Thủ trưởng sở,
ngành;
- Người đánh máy, in đề thi được quản lý cho đến
khi thi xong từng ngạch công chức.
b) Đóng gói đề thi:
- Căn cứ vào số
lượng thí sinh dự thi, số lượng phòng thi, đóng đủ số lượng đề thi và bì đựng
đề thi. Bì đựng đề thi dán nhãn niêm phong và đóng dấu, ngoài bì đựng đề thi
phải ghi rõ đề thi vào ngạch, thời gian thi, địa điểm thi và số lượng đề thi;
- Đối với đề thi
vấn đáp in đủ số lượng cho từng bàn hỏi thi. Đáp án thang điểm của đề thi vấn
đáp được đánh máy in đủ cho số lượng bàn hỏi thi, mỗi bàn 2 cán bộ chấm thi.
Quy trình đánh máy, in thực hiện như làm đề thi viết. Việc đóng gói đề thi do
Giám đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh hoặc thủ trưởng sở, ngành đảm nhận.
c) Bảo quản và phân phối đề thi:
Đề thi phải được bảo quản trong hòm tủ có khoá chắc
chắn, được niêm phong, khi giao nhận đề thi phải có biên bản.
d) Sử dụng đề thi chính thức và đề thi dự trữ:
Đề thi chính thức chỉ được mở, sử dụng tại phòng
thi theo đúng ngày giờ quy định.
Đề thi dự trữ (áp dụng cho môn thi viết, hoặc trắc
nghiệm) chỉ sử dụng trong trường hợp đề thi chính thức bị lộ. Trong trường hợp
bị lộ đề thi, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng tạm đình chỉ thi và báo cáo ngay với
Chủ tịch UBND huyện, thị xã để có phương án xử lý.
Điều 21. Công tác chuẩn
bị kỳ thi
1. Trước ngày thi ít nhất 15 ngày, Hội đồng tuyển
dụng gửi giấy báo thi cho thí sinh nêu rõ thời gian thi, địa điểm thi, địa điểm
và thời gian tổ chức ôn tập (nếu có) cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi.
2. Trước ngày thi 1 ngày Hội đồng tuyển dụng niêm
yết danh sách thí sinh theo số báo danh và theo phòng thi, sơ đồ vị trí các
phòng thi, nội quy thi, thời gian thi đối với từng môn tại địa điểm tổ chức
thi.
3. Chuẩn bị các biểu mẫu liên quan đến tổ chức
thi:
Bản ghi tên, ghi điểm của thí sinh dự thi theo từng
phòng, mẫu biên bản giao nhận đề thi, mẫu biên bản mở đề thi, mẫu biên bản để
xử lý vi phạm quy chế thi, mẫu biên bản bàn giao bài thi, mẫu biên bản tạm giữ
các giấy tờ vật dụng của thí sinh vi phạm quy chế thi.
4. Chuẩn bị phù hiệu cho các thành viên tổ chức kỳ
thi, phục vụ kỳ thi.
Điều 22. Khai mạc kỳ
thi, tổ chức các cuộc họp Ban coi thi, cách bố trí sắp xếp trong phòng thi
1. Khai mạc kỳ thi:
Kỳ thi theo quy định của Quy chế này phải tổ chức
lễ khai mạc kỳ thi theo trình tự: Chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu,
công bố quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng, quyết định thành lập Ban coi
thi. Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng tuyên bố khai mạc kỳ thi, phổ biến kế hoạch
thi, quy chế thi.
2. Tổ chức họp Ban coi thi:
- Sau lễ khai mạc, trưởng Ban coi thi tổ chức cuộc
họp Ban coi thi, phổ biến kế hoạch, quy chế, nội quy, nhiệm vụ, quyền hạn, trách
nhiệm của các thành viên Ban coi thi; hướng dẫn giám thị thực hiện và hướng dẫn
cho thí sinh trong quá trình thi;
- Đối với mỗi môn thi, trưởng Ban coi thi họp Ban
coi thi trước giờ thi 60 phút; phân công giám thị từng phòng thi trên nguyên
tắc không lặp lại giám thị đối với môn thi khác trên cùng 1 phòng thi; phổ biến
những hướng dẫn và lưu ý cần thiết cho các giám thị đối với môn thi;
- Trường hợp cần thiết khi kết thúc môn thi, trưởng
Ban coi thi có thể tổ chức họp Ban coi thi để rút kinh nghiệm.
3. Cách bố trí, sắp xếp trong phòng thi:
- Đối với các môn
thi theo hình thức viết, trắc nghiệm, mỗi phòng thi bố trí tối đa 35 thí sinh,
mỗi bàn có 2 thí sinh ngồi cách nhau ít nhất 0,5 mét. Trước giờ thi 30 phút,
giám thị đánh số báo danh của thí sinh tại phòng thi và gọi thí sinh vào phòng
thi;
- Đối với các môn thi theo hình thức vấn đáp, phòng
thi được bố trí bàn cho các thí sinh chuẩn bị trả lời, bàn hỏi thi vấn đáp.
Điều 23. Giấy làm bài
thi, xác định tình trạng đề thi và mở đề thi, thời gian làm bài thi
1. Giấy làm bài thi, giấy nháp:
- Đối với hình thức thi viết, giấy làm bài thi được
in sẵn theo mẫu quy định có chữ ký của các giám thị tại phòng thi;
- Đối với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh làm
bài trên trang dành riêng để làm bài;
- Giấy nháp, sử dụng thống nhất 1 loại giấy nháp
có chữ ký của giám thị phát tại phòng thi.
2. Xác nhận tình trạng đề thi và mở đề thi:
- Xác nhận tình trạng đề thi và mở đề thi: Giám
thị tại phòng thi mời 2 đại diện thí sinh kiểm tra và ký xác nhận bì đựng đề
thi được niêm phong theo quy định;
- Trường hợp bì đựng đề thi bị mất dấu niêm phong
hoặc có dấu hiệu nghi ngờ khác, giám thị phòng thi báo cáo trưởng Ban coi thi
xem xét giải quyết. Trường hợp sau khi đã mở đề thi nếu phát hiện đề thi có lỗi
về kỹ thuật (đề thi có sai sót, nhầm đề thi, thiếu trang, nhầm trang…) giám thị
phải lập biên bản ngay và báo cáo kịp thời trưởng Ban coi thi xem xét giải quyết.
- Chỉ có Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng có quyền
cho phép sử dụng đề thi dự trữ.
3. Thời gian làm bài thi:
- Đối với hình thức thi viết, thời gian bắt đầu làm
bài thi được tính từ sau khi giám thị viết đề thi lên bảng và đọc lại đề thi,
trường hợp đề thi đã được in sẵn phát cho từng thí sinh thì tính từ khi giám
thị phát đủ đề thi cho thí sinh và đọc lại đề thi. Thời gian làm bài thi được
ghi trên đề thi, giám thị ghi thời gian bắt đầu làm bài và thời gian nộp bài
lên bảng;
- Đối với hình thức thi trắc nghiệm thời gian bắt
đầu làm bài thi được tính sau 5 phút kể từ khi phát xong đề thi cho thí sinh.
Thời gian làm bài thi được ghi trên đề thi, giám thị ghi thời gian bắt đầu và
thời gian nộp bài lên bảng;
- Đối với hình thức thi vấn đáp, thời gian chuẩn
bị và trả lời câu hỏi cho mỗi thí sinh tối đa là 30 phút.
Điều 24. Thu bài thi,
bàn giao bài thi, phách và quản lý phách
1. Thu bài thi:
- Khi hết giờ làm bài thi viết: Giám thị tại phòng
thi yêu cầu thí sinh dừng làm bài và nộp bài thi, giám thị kiểm tra số tờ, số
trang của bài thi của từng thí sinh và yêu cầu thí sinh ký vào danh sách nộp
bài thi;
- Đối với thi trắc nghiệm: giám thị thu toàn bộ bài
thi của thí sinh, sau đó gọi từng thí sinh lên kiểm tra bài thi và ký vào danh
sách nộp bài thi;
- Đối với hình thức thi vấn đáp: Kết quả chấm thi
phải được tổng hợp vào bảng kết quả thi có chữ ký của các thành viên chấm thi.
2. Bàn giao bài thi:
- Giám thị từng phòng thi nộp bài thi của thí sinh,
đề thi đã sử dụng, chưa sử dụng và các văn bản có liên quan cho trưởng Ban coi
thi, ký vào biên bản nộp bài thi và biên bản bàn giao bài thi;
- Trưởng Ban coi thi bàn giao bài thi cho Thư ký
Hội đồng tuyển dụng; đối với hình thức thi vấn đáp, ngay sau khi kết thúc từng buổi
thi, trưởng Ban coi thi bàn giao kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng tuyển
dụng và ký vào biên bản bàn giao kết quả chấm thi, niêm phong ngay kết quả chấm
thi và quản lý theo chế độ tài liệu mật;
- Bài thi chỉ được Hội đồng giao cho trưởng Ban chấm
thi sau khi đã được đánh mã phách và dọc phách. Khi tiếp nhận bài thi, trưởng
Ban chấm thi ký biên bản xác nhận đã nhận bài thi đối với từng môn thi.
3. Phách và quản lý phách:
Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng chịu trách nhiệm
chỉ đạo, tổ chức việc đánh mã phách, dọc phách từng môn thi, quản lý mã phách,
phách theo chế độ tài liệu mật.
Điều 25. Giám sát kỳ
thi, lưu trữ tài liệu thi
1. Giám sát kỳ thi:
- Việc giám sát kỳ thi được thực hiện bởi cơ quan
có thẩm quyền giám sát kỳ thi theo quy định;
- Nội dung giám sát gồm: Thực hiện các quy định về
tổ chức kỳ thi, về hồ sơ, tiêu chuẩn và điều kiện của người dự thi; về thực hiện
quy chế và nội dung tổ chức kỳ thi;
- Địa điểm giám sát: Tại nơi làm việc của Hội đồng
tuyển dụng, tại nơi tổ chức thi, nơi tổ chức chấm thi;
- Đoàn giám sát, thành viên đoàn giám sát được quyền
vào phòng thi và nơi chấm thi trong thời gian thi và chấm thi. Đoàn giám sát,
cán bộ giám sát có quyền yêu cầu giám thị phòng thi, giám thị biên thực hiện
đúng quy chế và nội quy thi. Đoàn giám sát có quyền lập biên bản về sai phạm
của thành viên Hội đồng tuyển dụng, giám thị và thành viên Ban chấm thi.
2. Lưu trữ tài liệu thi:
- Tài liệu về kỳ thi bao gồm: Văn bản về tổ chức
kỳ thi của Chủ tịch UBND cấp huyện, văn bản của Hội đồng tuyển dụng, biên bản các
cuộc họp Hội đồng tuyển dụng, bản ghi tên, ghi điểm thí sinh dự thi, biên bản
bàn giao đề thi, biên bản xác định tình trạng niêm phong đề thi, biên bản lập
về các vi phạm quy chế, nội quy thi, biên bản bàn giao bài thi, đề thi gốc, biên
bản chấm thi, bảng tổng hợp kết quả thi, quyết định công nhận kết quả thi, biên
bản phúc tra giải quyết khiếu nại của kỳ thi đều phải lưu trữ thành bộ tài liệu,
trước khi kết thúc nhiệm vụ, uỷ viên Thư ký Hội đồng tuyển dụng có trách nhiệm
bàn giao cho cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức cùng cấp quản lý;
- Bài thi, phách, tài liệu hướng dẫn ôn tập đối với
kỳ thi, do Thư ký Hội đồng tuyển dụng lưu trữ có thời hạn 1 năm kể từ ngày công
bố kết quả thi;
- Hồ sơ cá nhân của người dự thi, sau khi kết thúc
kỳ thi, uỷ viên Thư ký Hội đồng tuyển dụng bàn giao cho cơ quan, đơn vị được
phân cấp quản lý hồ sơ cán bộ, công chức.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Tổ chức thực
hiện
1. Cơ quan, đơn vị được giao tổ chức kỳ thi chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện theo Quy chế này.
2. Trong quá trình tổ chức thi, các cơ quan có thẩm
quyền quản lý công chức cấp xã, thực hiện việc giám sát kỳ thi theo thẩm quyền.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có
vướng mắc thì phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.