ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO,
QUẢN LÝ CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1024/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2010
của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG VỀ ĐÀO TẠO
SAU ĐẠI HỌC VÀ BỒI DƯỠNG Ở NƯỚC NGOÀI
I. Thực trạng và kết quả
1. Về đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công
chức, viên chức:
Trong những năm qua, mặc dù với nguồn ngân sách
còn hạn hẹp nhưng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương, chỉ đạo đẩy mạnh
việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng,
năng lực đội ngũ tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ cấp tỉnh
đến cơ sở; đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của
địa phương; kịp thời xác lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
hằng năm; ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức,
viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; đặc biệt là chế độ khuyến khích đối với
các đối tượng được cử đi đào tạo sau đại học như: hỗ trợ 15.000.000 đồng sau
khi tốt nghiệp thạc sĩ, 25.000.000 đồng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ; tạo điều kiện
để cán bộ, công chức tham gia dự tuyển các chương trình liên kết học bổng quốc
tế.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh
có 252/11.563 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học (chiếm tỷ lệ
2,18%); trong đó bao gồm 135 đối tượng đã tốt nghiệp (số lượng theo trình độ: 6
tiến sĩ, 68 thạc sĩ, 61 chuyên khoa Y cấp I và cấp II) và 117 đối tượng đang
đào tạo (với số lượng theo trình độ: 7 tiến sĩ, 68 thạc sĩ, 42 chuyên khoa Y cấp
I và cấp II) - chuyên ngành cụ thể theo Phụ lục 1 đính kèm Đề án này,
trong đó có 8 cán bộ, viên chức được đào tạo ở nước ngoài.
Riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ từ
Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ
là 27 đồng chí; cán bộ lãnh đạo, quản lý là Trưởng, Phó phòng cấp Sở và tương
đương có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là 34 đồng chí (tính cả số đã tốt nghiệp và
đang học). Kết quả nêu trên cho thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình
độ thạc sĩ, tiến sĩ (đặc biệt là được đào tạo ở nước ngoài) trong các cơ quan Đảng,
Nhà nước, đoàn thể là rất ít, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay và trong những năm
tiếp theo.
Nguyên nhân của hạn chế trên do chưa có kế hoạch
chủ động thực hiện cụ thể, nguồn kinh phí dành cho đào tạo còn hạn chế, đặc biệt
là chưa quan tâm việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức để tiếp
cận với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
2. Về bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước
ngoài:
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi
nước ngoài tham quan, nghiên cứu, học tập, hợp tác đầu tư, … trong thời gian
qua ngày càng tăng theo tiến độ các dự án nước ngoài đầu tư tại địa phương và
các chương trình hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Kết quả trong năm 2009 đã có 97 lượt cán bộ,
công chức, viên chức được cử đi nước ngoài với đối tượng chủ yếu là cán bộ lãnh
đạo tỉnh, cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, cán
bộ lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và cán bộ, viên chức thuộc một số đơn vị sự nghiệp
của tỉnh; nội dung của các chuyến đi nhằm đáp ứng nhu cầu khảo sát, nghiên cứu
tiến bộ trong phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật, … tại một số nước tiến
tiến trong khu vực nhằm phục vụ cho yêu cầu xúc tiến thương mại, xuất - nhập khẩu
và triển khai thực hiện các dự án đầu tư của nước ngoài tại địa phương đồng thời
qua đó tạo điều kiện cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý được tham quan, học tập kinh
nghiệm của các nước trên các lĩnh vực: quản lý xã hội, kinh tế, khoa học, giáo
dục, y tế, ...
Tuy nhiên, việc tổ chức để cán bộ lãnh đạo, quản
lý đi nước ngoài học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ ngoại ngữ, nâng cao
năng lực quản lý, tầm nhìn lãnh đạo, quản lý công, chính sách công và tiếp cận
với các nước tiên tiến trên thế giới là chưa được đầu tư đúng mức. Nguyên nhân
vẫn do chưa xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể và chủ động thực hiện trong lĩnh vực
này - nội dung và kinh phí các chuyến đi chủ yếu do các tổ chức của các dự án
và chương trình hỗ trợ, hợp tác bố trí nhằm đảm bảo tiết kiệm cho nguồn ngân
sách của tỉnh vốn vẫn còn khó khăn.
II. Sự cần thiết và cơ sở
pháp lý để xây dựng và thực hiện Đề án
1. Sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện Đề
án:
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng
đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, đề ra
mục tiêu phấn đấu trong mười năm đầu của thế kỷ XXI đưa đất nước ta thoát khỏi
tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp
hoá theo hướng hiện đại. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, một
trong những giải pháp có tính chiến lược là xây dựng và nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ
khoa học, kỹ thuật cao.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 08/NQ/TU ngày
16 tháng 10 năm 2006 của Tỉnh ủy về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đến
năm 2010 và Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 09 tháng 02 năm 2009 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề giai đoạn
2008 - 2010 và định hướng đến năm 2015 (đã xác định quan điểm đẩy mạnh “đào tạo
nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý; cán bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; giáo viên, thầy thuốc, doanh nhân, nghệ
nhân, … nhất là các chuyên gia giỏi, đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn,
để tạo động lực, làm khâu then chốt đột phá” để “phấn đấu đến năm 2015 đào tạo
được trình độ sau đại học cho 150 cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ doanh
nghiệp và sinh viên của tỉnh, trong đó có 50 người được đào tạo ở nước ngoài”),
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là trong giai đoạn
đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế của địa
phương.
Đồng thời từ thực trạng và kết quả đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài nêu trên cho thấy việc xây dựng
và thực hiện Đề án đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học ở
nước ngoài, giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Ninh Thuận là một yêu cầu khách quan
và cần thiết.
2. Cơ sở pháp lý để xây dựng và thực hiện Đề án:
Ngoài cơ sở là Nghị quyết số 08/NQ/TU ngày 16
tháng 10 năm 2006 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 09 tháng 02 năm
2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nêu trên), Đề án còn được xây dựng trên cơ sở:
- Quyết định số
137/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế,
giai đoạn 2003 - 2010;
- Quyết định số
770/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chương trình xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính
Nhà nước giai đoạn 2008 - 2010;
- Quyết định số 104/2005/QĐ-BNV ngày 03 tháng 10
năm 2005 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy chế cử cán bộ, công chức đi đào tạo,
bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách;
- Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm
2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo bồi
dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước;
- Nghị quyết số 21/2007/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12
năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt chương trình cải
cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2008 - 2010 tỉnh Ninh Thuận.
Phần thứ hai
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. Mục tiêu và chỉ tiêu
1. Mục tiêu chung:
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất đạo đức,
năng lực, có trình độ quản lý cao; đào tạo một đội ngũ chuyên gia giỏi, thông
thạo về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu pháp luật ở các ngành, các lĩnh vực then
chốt của tỉnh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ công nghiệp hoá,
hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể:
- Đào tạo trình độ sau đại học ở nước ngoài cho
50 cán bộ lãnh đạo, quản lý; bao gồm 15 tiến sĩ và 35 thạc sĩ;
- Bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài (từ 02 tuần đến
06 tháng) cho 50 cán bộ lãnh đạo, quản lý.
II. Thời gian thực hiện:
từ năm 2010 đến năm 2015.
III. Các chuyên ngành đào tạo,
bồi dưỡng
1. Về lĩnh vực khoa học quản lý: quản lý kinh tế,
quản lý công, chính sách công, quy hoạch - kế hoạch, quản lý tài chính - tín dụng,
kiểm toán, quản lý đô thị, quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, quản
lý môi trường, quản lý thương mại - du lịch.
2. Về lĩnh vực khoa học - kỹ thuật: công nghệ
thông tin (gồm viễn thông và tin học); công nghệ sinh học, nuôi trồng, chế biến
thủy sản, nông sản; nghiên cứu - ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp và
nông nghiệp; bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y; công nghệ vật liệu xây dựng,
môi trường, kỹ thuật giao thông.
3. Về khoa học xã hội và luật pháp: quản lý hành
chính công, quản lý nhân sự, luật pháp quốc tế, quản lý văn hoá - giáo dục - y
tế, bảo tồn di sản; quản lý - nghiên cứu - giảng dạy tại các trường đại học,
cao đẳng và trường nghề.
4. Bồi dưỡng ngắn hạn về: trình độ ngoại ngữ, kiến
thức hội nhập, kỹ năng quản lý, tầm nhìn lãnh đạo, khả năng dự báo, quản lý kinh
tế - xã hội; nâng cao kiến thức tầm nhìn chiến lược trên lĩnh vực khoa học - kỹ
thuật, giáo dục, y tế, môi trường, ...
IV. Đối tượng và điều kiện
đào tạo, bồi dưỡng
- Cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học ở nước
ngoài hoặc bồi dưỡng ở nước ngoài là cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
hoặc là cán bộ thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp Phó Giám đốc
Sở và tương đương trở lên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và lực lượng
vũ trang cấp tỉnh; cấp Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và tương đương trở
lên ở các huyện, thành phố; cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh;
- Công chức, viên chức trẻ tuy chưa được quy hoạch
cấp Phó Giám đốc Sở, cấp Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và tương đương trở
lên (ở tỉnh và huyện) nhưng đã tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên hoặc
có bằng tốt nghiệp thạc sĩ, đã làm việc trong biên chế của các cơ quan thuộc hệ
thống chính trị; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; hoàn thành tốt nhiệm vụ
cũng được xem xét, tuyển chọn đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài;
- Sinh viên mới tốt nghiệp (hệ chính quy), có phẩm
chất đạo đức tốt, lai lịch chính trị rõ ràng, học lực loại khá trở lên - chuyên
ngành phù hợp với nhu cầu của tỉnh; có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Thuận
cũng được xem xét, tuyển chọn; ưu tiên cho con em của gia đình thuộc diện chính
sách.
Ngoài ra, cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở
nước ngoài còn phải đảm bảo điều kiện về tuyển sinh của cơ sở đào tạo và phù hợp
với quy chế tuyển chọn của Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời có độ tuổi tương ứng
với cấp độ đào tạo, bồi dưỡng như sau:
+ Đào tạo thạc sĩ, không quá 35 tuổi.
+ Đào tạo tiến sĩ, không quá 40 tuổi.
+ Tất cả các ứng viên được tuyển chọn (cán bộ,
công chức và sinh viên mới tốt nghiệp) phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định
của Đề án trong quá trình học tập trung ở trong nước và ngoài nước; có cam kết
(thông qua hợp đồng trách nhiệm) thực hiện theo sự phân công, bố trí công tác của
Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và công tác tại tỉnh
Ninh Thuận trong thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo.
+ Trường hợp bồi dưỡng nói chung, không quá 55
tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ; trong đó bồi dưỡng - nâng cao
trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài, không quá 50 tuổi đối với nam và không quá 45
tuổi đối với nữ.
IV. Kế hoạch triển khai Đề
án
Hoạt động 1. Chuẩn bị nguồn
Tuyển chọn người đi học (đảm bảo điều kiện tham
gia đề án và có trình độ tiếng Anh ít nhất phải tương đương trình độ B) - theo
Quy chế do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt
cho đi đào tạo, bồi dưỡng; thời gian tuyển chọn vào quý III hằng năm.
Hoạt động 2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ
ngoại ngữ, chuyên môn
Bố trí ứng viên (được tuyển chọn) đi đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn thông qua các cơ sở đào tạo trong
nước, thời gian từ 01 năm đến 02 năm; trước khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài
phải đảm bảo trình độ ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu
cầu của cơ sở đào tạo ở nước được gửi đến.
Hoạt động 3. Lựa chọn để thông qua trường đại học
hoặc cơ sở đào tạo có năng lực, tổ chức liên kết làm đầu mối tổ chức kiểm tra,
đánh giá khả năng, trình độ của ứng viên (được tuyển chọn) để đưa đi đào tạo ở
nước ngoài.
Hoạt động 4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế
hoạch.
Tuyển chọn ứng viên đảm bảo đối tượng, điều kiện,
chuyên ngành, … theo quy định của đề án; đảm bảo số lượng đào tạo gồm 15 tiến
sĩ, 35 thạc sĩ và bồi dưỡng ngắn hạn đối với 50 cán bộ, công chức.
Hoạt động 5. Quản lý và đánh giá chất lượng học
viên.
Quản lý, theo dõi đánh giá chất lượng học viên
theo định kỳ hoặc đột xuất/các khoá đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo
các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Hoạt động 6. Tổ chức đánh giá Đề án.
Tổ chức đánh giá đề án là tiêu chí quan trọng để
kiểm tra tiến độ và hiệu quả, những tác động ảnh hưởng đến mục tiêu đề án đề
ra; đánh giá đề án chia thành 3 đợt: đợt 1 - sau 2 năm thực hiện, đợt 3 - sau 3
năm thực hiện và đợt 3 sau khi khi đề án kết thúc; qua đó kịp thời rút kinh
nghiệm, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện cho khoá sau.
V. Giải pháp thực hiện
1. Kinh phí thực hiện:
- Tổng chi phí để thực hiện đề án:
68.669.750.000 đồng (sáu mươi tám tỷ, sáu trăm sáu mươi chín triệu, bảy trăm
năm mươi nghìn đồng chẵn; chi tiết cụ thể và phân kỳ đầu tư kinh phí theo số lượng
đào tạo hằng năm, nêu tại Phụ lục 2 và Phụ lục 3 đính kèm Đề án này) - chi phí
được ước tính bình quân theo số liệu, thông tin tham khảo tại một số cơ sở đào
tạo trong và ngoài nước và tỷ giá ngoại tệ hiện hành; khi thực hiện sẽ thanh
quyết toán theo thực tế và phù hợp theo quy định của chế độ tài chính hiện
hành;
- Kinh phí chủ yếu cân đối từ nguồn ngân sách của
địa phương - dự toán được xây dựng trên cơ sở căn cứ Quyết định số
104/2005/QĐ-BNV ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế
cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách
Nhà nước; Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính
về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức Nhà nước.
Ngoài ra, cán bộ được tuyển chọn cũng được bố
trí tham gia đào tạo sau đại học ở nước ngoài theo các chương trình, dự án của
Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương hoặc học
bổng của các chương trình đào tạo quốc tế.
2. Xác định cơ sở đào tạo:
- Theo chương trình, thông báo tuyển chọn, giới
thiệu của các Bộ, ngành Trung ương hoặc theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung
ương;
- Lựa chọn liên kết với trường đại học có năng lực
(như các trường đại học quốc gia: Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh; các trường đại
học: Nông lâm, Kiến trúc, Khoa học - Xã hội và Nhân văn - thành phố Hồ Chí
Minh, …) hoặc cơ sở có chức năng chuyên về lĩnh vực đào tạo cán bộ, công chức ở
nước ngoài để hỗ trợ tư vấn, làm đầu mối ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở đào
tạo ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo hiệu quả, chất
lượng đào tạo;
- Theo chương trình học bổng đào tạo sau đại học
của các nước: Singapore, Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, …
3. Quy định về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ
của học viên:
a) Quyền lợi:
- Cán bộ đi học được cơ quan, đơn vị sắp xếp thời
gian, tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm học tập.
- Trong thời gian đi học được hưởng 100% tiền
lương, phụ cấp và được nâng bậc lương theo quy định của Nhà nước.
- Khi được tuyển chọn đi đào tạo ở nước ngoài,
được cấp kinh phí để đi học ngoại ngữ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn
theo chuyên ngành được đào tạo.
- Trong quá trình học ở nước ngoài được Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt tạm ứng kinh phí để thanh toán các khoản chi phí đi học,
bao gồm: phí xuất - nhập cảnh, vé máy bay đi và về (một lần), học phí, sinh hoạt
phí, bảo hiểm y tế và các chi phí dịch vụ bắt buộc tại các cơ sở đào tạo.
- Sau khi học về:
+ Được ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi
phí nêu trên.
+ Được bố trí công tác trong môi trường phù hợp
với kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo;
b) Trách nhiệm và nghĩa vụ:
- Trong quá trình học tập ở nước ngoài, cán bộ
được cử đi học phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước đối
với cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, công tác ở nước ngoài.
- Định kỳ hằng tháng, sau mỗi học kỳ và kết thúc
năm học, các học viên phải báo cáo tình hình và kết quả học tập và nghiên cứu về
Ban điều hành Đề án và cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để theo dõi, đánh giá.
- Sau khi tốt nghiệp phải trở về nước đúng thời
gian quy định và chấp hành quyết định phân công công tác của cơ quan có thẩm
quyền; trường hợp không đúng thời hạn, không chấp hành sự phân công hoặc bỏ việc
thì cá nhân và gia đình phải có trách nhiệm bồi thường gấp 3 lần toàn bộ các
khoản chi phí liên quan đến quá trình đào tạo (tính đúng, đủ, theo tỷ giá ngoại
tệ tại thời điểm xử lý) và chịu trách nhiệm pháp lý theo hợp đồng đã cam kết.
VI. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Ban chỉ đạo và Ban điều hành thực
hiện Đề án:
Ban chỉ đạo và Ban điều hành thực hiện Đề án đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học ở nước ngoài
giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Ninh Thuận do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định thành lập.
a) Thành viên của Ban chỉ đạo bao gồm Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, các thành viên là cán bộ lãnh đạo: Ban Tổ chức
Tỉnh ủy (làm Phó Trưởng Ban), Sở Nội vụ (làm Phó Trưởng Ban thường trực), Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và
Đào tạo.
Ban chỉ đạo Đề án có trách nhiệm tham mưu Tỉnh ủy
và Ủy ban nhân dân tỉnh: xây dựng - triển khai thực hiện kế hoạch, tổ chức liên
kết hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng thông qua đơn vị đại diện, đầu mối; xây dựng
quy chế tuyển chọn học viên, quy chế quản lý đảm bảo tổ chức thực hiện đề án đạt
hiệu quả; yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức,
viên chức; tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định làm ảnh hưởng đến mục tiêu của
đề án;
b) Ban điều hành đề án gồm: Trưởng Ban là lãnh đạo
Sở Nội vụ và các thành viên là cán bộ, công chức do Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục đào tạo, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề cử
tham gia.
Ban điều hành có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo thực
hiện các hoạt động của đề án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và đảm
bảo đề án đạt mục tiêu đề ra.
2. Phân công thực hiện:
a) Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ (thường trực
Ban điều hành đề án) chủ trì, tham mưu trực tiếp cho Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân
tỉnh trong việc:
- Ban hành quy chế tuyển chọn ứng viên; quy chế
tổ chức, quản lý quá trình thực hiện Đề án, cơ chế ràng buộc thời gian công tác
tại địa phương đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo; quyết
định cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài trên cơ sở đảm bảo phù hợp
theo quy định quản lý cán bộ đi nước ngoài và quy định về phân cấp quản lý cán
bộ hiện hành.
- Theo dõi, đánh giá hiệu quả, chất lượng học tập
của cán bộ, công chức trong quá suốt quá trình thực hiện Đề án để đảm bảo đề án
đạt mục tiêu, hiệu quả.
- Quy hoạch, bố trí, tạo điều kiện công tác phù
hợp đối với cán bộ, công chức sau khi được đào tạo;
b) Sở Tài chính chịu trách nhiệm cân đối đủ ngân
sách để kịp thời thực hiện Đề án theo các khoản chi phí nêu trên; đảm bảo việc
cấp phát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật
hiện hành; có trách nhiệm trong việc phối hợp đàm phán, ký kết hợp đồng với các
đối tác đào tạo và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy chế tạm ứng,
thanh toán tài chính, bồi thường kinh phí và các nội dung có liên quan, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành;
c) Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trong
việc: chọn lựa cơ sở đào tạo có chất lượng, thẩm định chương trình giảng dạy, tổ
chức liên kết hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng thông qua đơn vị đại diện, đầu mối;
phối hợp trong việc tuyển chọn ứng viên theo yêu cầu của Ban chỉ đạo thực hiện
Đề án;
d) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm
phối hợp trong việc tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác đào tạo;
theo dõi, đánh giá hiệu quả, chất lượng của quá trình triển khai thực hiện Đề
án;
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công
nghệ, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan có trách nhiệm
phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án để việc
triển khai, tổ chức thực hiện Đề án đạt kết quả./.