HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 61-LCT/HĐNN8
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 9 năm 1991
|
PHÁP
LỆNH
BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 61-LCT/HĐNN8 NGÀY
19/09/1991
Để bảo đảm cho người lao động
có quyền làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh; nâng cao trách nhiệm của
người sử dụng lao động và người lao động, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước
về bảo hộ lao động nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và từng
bước cải thiện điều kiện lao động;
Căn cứ vào Điều 58 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
Pháp lệnh này quy định về bảo hộ lao động.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Mọi tổ chức,
cá nhân sử dụng lao động, gọi chung là người sử dụng lao động và mọi người lao
động, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng lao động hoặc lao động trên
lãnh thổ Việt Nam, đều phải thực hiện việc bảo hộ lao động theo quy định của Pháp
lệnh này.
Điều 2
Nhà nước
chăm lo việc bảo đảm cho người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn,
vệ sinh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã
hội có trách nhiệm phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền của người lao động làm việc
trong điều kiện an toàn, vệ sinh.
Điều 3
Mọi người
lao động có quyền được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và có nghĩa
vụ thực hiện những quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Điều 4
Người sử dụng
lao động có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và không ngừng
cải thiện điều kiện lao động của người lao động.
Điều 5
Mọi người
lao động, người sử dụng lao động phải có hiểu biết về bảo hộ lao động, về các
tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động liên quan đến công việc, nhiệm vụ
của mình.
Điều 6
Tiêu chuẩn
an toàn lao động, vệ sinh lao động là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.
Tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ
sinh lao động áp dụng cho nhiều ngành trong phạm vi cả nước do Hội đồng bộ trưởng
hoặc cơ quan được Hội đồng bộ trưởng uỷ quyền ban hành.
Tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ
sinh lao động áp dụng riêng trong một ngành do cơ quan Nhà nước quản lý ngành
đó ban hành phù hợp với những tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động
do Hội đồng bộ trưởng ban hành.
Điều 7
Việc
nghiên cứu khoa học - kỹ thuật bảo hộ lao động, việc sản xuất, kinh doanh, nhập
khẩu các loại dụng cụ thiết bị, phương tiện bảo vệ người lao động được Nhà nước
khuyến khích bằng các chính sách, biện pháp thích hợp.
Chương 2:
AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ
SINH LAO ĐỘNG
Điều 8
Việc xây dựng
mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại
máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh,
phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động
đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh.
Luận chứng này phải được các cơ
quan thanh tra Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động chấp thuận.
Danh mục các loại máy, thiết bị,
vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh do Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Y tế quy định theo thẩm quyền quản lý của mình.
Điều 9
Máy, thiết
bị, nhà xưởng, kho tàng phải được thiết kế, chế tạo, xây dựng và định kỳ tu sửa
theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Máy, thiết bị, công nghệ nhập khẩu
phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Điều 10
Việc sản
xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng,
điện, hoá chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, phân bón; việc thay đổi
công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn
lao động, vệ sinh lao động; đối với các loại có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
vệ sinh thuộc danh mục theo quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh này, thì phải được
khai báo, đăng ký với cơ quan thanh tra Nhà nước về an toàn lao động, hoặc vệ
sinh lao động.
Điều 11
Nơi làm
việc phải bảo đảm về không gian, độ thoáng, độ sáng, tiêu chuẩn vệ sinh cho
phép về hơi, khí độc, bụi, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các
yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được kiểm tra đo lường định kỳ.
Nghiêm cấm việc thải vào không
khí, nguồn nước hoặc đất đai các chất gây độc, hại khi việc xử lý chưa đạt tiêu
chuẩn vệ sinh cho phép.
Điều 12
Nơi làm
việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có chất nguy hại phải có bảng chỉ dẫn về an
toàn lao động, vệ sinh lao động đặt ở vi trí mà mọi người dễ thấy, dễ đọc.
Điều 13
Trong trường
hợp nơi làm việc, máy, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
phải thực hiện ngay những biện pháp khắc phục nguy cơ đó hoặc phải ngừng hoạt động.
Thanh tra Nhà nước về an toàn
lao động hoặc vệ sinh lao động có quyền quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với
các trường hợp nói tại đoạn 1, Điều này, nếu chưa có biện pháp khắc phục có hiệu
quả. Quyết định của Thanh tra có hiệu lực bắt buộc thi hành.
Điều 14
Nơi làm
việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại dễ gây tai nạn lao động phải được trang bị
phương tiện kỹ thuật, y tế thích hợp để tổ chức cấp cứu kịp thời khi xẩy ra sự
cố, tai nạn lao động.
Điều 15
Người lao
động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được trang bị phương tiện
bảo vệ cá nhân.
Phương tiện bảo vệ cá nhân phải
đạt tiêu chuẩn chất lượng, quy cách đã được Nhà nước ban hành. Việc trang bị
phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thực hiện theo quy định của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chương 3:
BẢO VỆ SỨC KHỎE NGƯỜI
LAO ĐỘNG TRONG LAO ĐỘNG
Điều 16
Khi sắp xếp
lao động, phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khoẻ quy định cho từng loại việc.
Người lao động phải được khám sức
khoẻ trước khi tuyển dụng, khám sức khoẻ định kỳ theo chế độ quy định.
Điều 17
Người làm
việc trong điều kiện có yếu tố nguy hại được bồi dưỡng bằng hiện vật, được hưởng
chế độ ưu đãi về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.
Người làm việc ở nơi có yếu tố
gây nhiễm độc, nhiễm trùng, khi hết giờ làm việc phải thực hiện các biện pháp
khử độc, khử trùng, vệ sinh cá nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 18
Người tàn
tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu còn tiếp tục làm việc, thì được
sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y
khoa.
Điều 19
Không được
sử dụng lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hại hoặc những công việc
phải trực tiếp với hoá chất độc, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột có ảnh hưởng
xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con. Không được sử dụng người dưới 18 tuổi
làm công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực và trí lực của họ.
Danh mục những công việc không
được sử dụng lao động nữ, người dưới 18 tuổi do Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội quy định.
Chương 4:
TAI NẠN LAO ĐÔNG, BỆNH
NGHỀ NGHIỆP
Điều 20
Tai nạn lao
động là tai nạn làm chết người hoặc làm tổn thương bất kỳ bộ phận, chức năng
nào của cơ thể người lao động xẩy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc
thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Người bị tai nạn lao động phải
được cấp cứu kịp thời.
Điều 21
Bệnh nghề
nghiệp là bệnh phát sinh do tác động của điều kiện lao động có hại đối với người
lao động. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Người bị bệnh nghề nghiệp được
điều trị bệnh chu đáo, được khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khoẻ theo quy định
của Bộ Y tế. Không được sử dụng người đang bị bệnh nghề nghiệp tiếp tục làm việc
ở môi trường đã gây ra bệnh.
Điều 22
Người bị
tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được hưởng nguyên tiền công, tiền lương kể
cả phụ cấp trong thời gian điều trị, điều dưỡng; được trợ cấp, bồi thường theo
quy định của pháp luật.
Điều 23
Tất cả
các vụ tai nạn lao động, các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp đều phải được khai
báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp
luật.
Nghiêm cấm mọi hành vi che giấu,
khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chương 5:
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 24
Người sử
dụng lao động có nghĩa vụ:
1- Thực hiện các tiêu chuẩn an
toàn lao động, vệ sinh lao động, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, chế
độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, chế độ báo cáo điều
kiện lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác về bảo hộ
lao động.
2- Phải chịu trách nhiệm về việc
để xẩy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thuộc quyền
quản lý của mình.
3- Phải thoả thuận với Ban chấp
hành công đoàn hoặc người đại diện của tập thể người lao động về các biện pháp
bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động.
4- Tổ chức việc khám sức khoẻ định
kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thanh toán các khoản
chi phí khám sức khoẻ, điều trị, điều dưỡng người bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp.
5- Xây dựng các quy định về an
toàn lao động, vệ sinh lao động cho từng loại máy, thiết bị và nơi làm việc
theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động của Nhà nước.
6- Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn
người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh liên quan
đến nhiệm vụ, công việc của họ.
7- Tổ chức việc tự kiểm tra công
tác bảo hộ lao động, thực hiện những biện pháp loại trừ các nguy cơ gây tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng phương án xử lý và cấp cứu khi xẩy ra sự cố
hoặc tai nạn lao động.
8- Phải cung cấp tài liệu, số liệu,
tình hình liên quan đến nội dung thanh tra, điều tra theo yêu cầu của thanh tra
Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động; chấp hành các quyết định của
thanh tra.
Điều 25
Người sử
dụng lao động có quyền:
1- Buộc người lao động phải chấp
hành các quy định chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động khi làm việc;
2- Khen thưởng người thực hiện tốt
quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và xử lý kỷ luật những người vi
phạm;
3- Khiếu nại với cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền về các quyết định của thanh tra Nhà nước về an toàn lao động, vệ
sinh lao động.
Điều 26
Người lao
động có quyền:
1- Yêu cầu người sử dụng lao động
bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh theo quy định của Nhà nước và huấn
luyện, hướng dẫn cho mình các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;
2- Từ chối làm công việc hoặc rời
bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động, đe doạ nghiêm trọng
tính mạng hoặc sức khoẻ của mình, nhưng phải báo ngay với người có trách nhiệm;
hành vi này không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động;
3- Khiếu nại, tố cáo với cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền khi phải làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn,
vệ sinh hoặc khi người sử dụng lao động vi phạm các quy định về bảo hộ lao động.
Điều 27
Người lao
động có nghĩa vụ:
1- Nắm vững các quy định về an
toàn lao động, vệ sinh lao động liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao;
2- Thực hiện những quy định, chỉ
dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động; giữ gìn và sử dụng các dụng cụ, thiết
bị an toàn, vệ sinh, phương tiện bảo vệ cá nhân; trong trường hợp làm hư hỏng
hoặc làm mất các dụng cụ, thiết bị, phương tiện đó thì phải bồi thường;
3- Báo cáo kịp thời với người có
trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tham
gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động.
Điều 28
Tranh chấp
phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động về bảo hộ lao động được
giải quyết theo trình tự giải quyết tranh chấp lao động.
Chương 6:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VẾ BẢO
HỘ LAO ĐỘNG
Điều 29
Quản lý
Nhà nước về bảo hộ lao động bao gồm:
1- Xây dựng và ban hành các quy
định về bảo hộ lao động;
2- Xây dựng chương trình quốc
gia về bảo hộ lao động và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân
sách của Nhà nước;
3- Thanh tra việc thực hiện các
quy định về bảo hộ lao động.
Điều 30
Hội đồng
bộ trưởng thực hiện thống nhất việc quản lý Nhà nước về bảo hộ lao động trong
phạm vi cả nước.
Điều 31
1- Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Hội đồng bộ trưởng quản lý việc
thực hiện công tác bảo hộ lao động; đề xuất phương hướng, chương trình quốc gia
về: cải thiện điều kiện lao động; nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo
hộ lao động; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn an
toàn lao động; thanh tra Nhà nước về an toàn lao động; đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ thanh tra viên; hợp tác quốc tế về bảo hộ lao động.
2- Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Hội
đồng bộ trưởng quản lý việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh lao động; đề xuất
phương hướng, chương trình quốc gia về: vệ sinh lao động; xây dựng, sửa đổi, bổ
sung các tiêu chuẩn vệ sinh lao động, các loại bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ
người lao động; tổ chức giám định y khoa, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và điều
trị người bị bệnh; thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao động; đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ thanh tra viên; hợp tác quốc tế về vệ sinh lao động.
3- Uỷ ban khoa học Nhà nước có
trách nhiệm giúp Hội đồng bộ trưởng quản lý việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học
kỹ thuật bảo hộ lao động, việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn an toàn lao động,
vệ sinh lao động, tiêu chuẩn chất lượng, quy cách phương tiện bảo vệ người lao
động.
Điều 32
Bộ Giáo dục
và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc đưa nội dung bảo hộ lao động vào chương
trình giảng dạy trong các trường, lớp kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý.
Điều 33
Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi
chức năng của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành pháp luật về bảo hộ lao
động; tổ chức và phân cấp trách nhiệm hợp lý để bảo đảm việc thực hiện.
Điều 34
Hội đồng
quốc gia về bảo hộ lao động do Hội đồng bộ trưởng thành lập làm nhiệm vụ tư vấn
cho Hội đồng bộ trưởng và tổ chức việc phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp
về bảo hộ lao động.
Thành phần của Hội đồng gồm đại
diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nội vụ, Tài chính, Uỷ ban kế
hoạch Nhà nước, Uỷ ban khoa học Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch.
Chương 7:
THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ AN
TÒAN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 35
Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, thương binh và
xã hội ở địa phương thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về an toàn lao động.
Bộ Y tế và cơ quan quản lý Nhà
nước về y tế ở địa phương thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao
động.
Hội đồng bộ trưởng quy định tổ
chức thanh tra Nhà nước về an toàn lao động, thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao
động.
Điều 36
Thanh tra
Nhà nước về an toàn lao động có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1- Thanh tra việc chấp hành các
quy định về an toàn lao động; yêu cầu hoặc kiến nghị biện pháp bảo đảm an toàn
lao động, cải thiện điều kiện lao động; điều tra tai nạn lao động;
2- Đến những nơi thuộc đối tượng,
phạm vi thanh tra của mình bất kỳ lúc nào để thanh tra về an toàn lao động và
yêu cầu người có trách nhiệm nơi tiến hành thanh tra cung cấp tình hình, số liệu,
tài liệu liên quan đến thanh tra, điều tra;
3- Tạm đình chỉ việc sử dụng
máy, thiệt bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động và ấn định thời hạn
khắc phục nguy cơ đó;
4- Cảnh cáo, phạt tiền hoặc chuyển
hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hộ lao
động, nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm;
5- Xem xét, chấp thuận các tiêu
chuẩn an toàn lao động, các giải pháp an toàn lao động trong các luận chứng
kinh tế kỹ thuật, các đề án thiết kế; đăng ký và cho phép đưa vào sử dụng những
cơ sở, máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thuộc danh mục do
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định theo Điều 8 của Pháp
lệnh này.
Điều 37
Thanh tra
Nhà nước về vệ sinh lao động có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Thanh tra việc chấp hành các
quy định về vệ sinh lao động; yêu cầu hoặc kiến nghị biện pháp bảo đảm vệ sinh
môi trường lao động; điều tra những vụ vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh lao động;
2- Đến những nơi thuộc đối tượng,
phạm vi thanh tra của mình bất kỳ lúc nào để thanh tra về vệ sinh lao động và
yêu cầu người có trách nhiệm nơi tiến hành điều tra cung cấp tình hình, số liệu,
tài liệu liên quan đến việc thanh tra, điều tra;
3- Tạm đình chỉ nơi làm việc vi
phạm tiêu chuẩn vệ sinh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường lao động;
4- Cảnh cáo, phạt tiền hoặc chuyển
hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự trường hợp vi phạm về vệ sinh lao động, nếu
xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm;
5- Xem xét, chấp thuận địa điểm,
các giải pháp vệ sinh lao động khi xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để
sản xuất, sử dụng, lưu giữ các chất phóng xạ, chất độc thuộc danh mục do Bộ Y tế
quy định theo Điều 8 của Pháp lệnh này.
Điều 38
Việc
thanh tra an toàn lao động trong các lĩnh vực: phóng xạ; thăm dò, khai thác dầu
khí; các phương tiện vận chuyển đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng
không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang do các cơ quan quản lý Nhà nước
ngành đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra Nhà nước về an toàn lao động.
Điều 39
Thanh tra
Nhà nước về an toàn lao động, thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao động phải chịu
trách nhiệm về những quyết định và biện pháp xử lý trong quá trình thanh tra.
Chương 8:
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA
TỔ CHỨC CÔNG ĐÒAN
Điều 40
Công đoàn
tham gia với cơ quan Nhà nước hữu quan xây dựng văn bản pháp luật về bảo hộ lao
động, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; phối hợp với cơ quan Nhà
nước hữu quan đề xuất chương trình nghiên cứu và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật
về bảo hộ lao động; giáo dục, tuyên truyền vận động người lao động chấp hành
quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia việc xét khen thưởng
và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hộ lao động.
Điều 41
Công đoàn
kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động và có quyền yêu cầu cơ
quan Nhà nước hữu quan, các cấp chính quyền và người sử dụng lao động thực hiện
đúng pháp luật về bảo hộ lao động và tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động;
có quyền yêu cầu người có trách nhiệm tạm ngừng hoạt động những nơi có nguy cơ
gây tai nạn lao động; tham gia điều tra tai nạn lao động và có quyền yêu cầu cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý người có trách nhiệm để xẩy ra tai nạn lao động.
Điều 42
Căn cứ vào
tiêu chuẩn Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, ban chấp hành công
đoàn cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động các biện pháp bảo đảm an toàn
lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. Công đoàn vận động
xây dựng phong trào bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và tổ chức mạng
lưới an toàn, vệ sinh viên.
Chương 9:
XỬ LÝ CÁC VI PHẠM
Điều 43
Người
không thực hiện các tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động để xẩy ra tai
nạn lao động, gây ô nhiễm môi trường hoặc vi phạm các quy định khác của Pháp lệnh
này thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phát hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu gây thiệt hại, thì phải bồi
thường.
Điều 44
Người thiếu
tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hành vi vi phạm
pháp luật về bảo hộ lao động để xẩy ra tai nạn lao động, gây ô nhiễm môi trường,
thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu gây thiệt hại, thì phải bồi
thường.
Chương
10:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 45
Pháp lệnh
này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1992.
Điều 46
Những quy
định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.