TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09b/NQ-BCH
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 8 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
HỘI
NGHỊ LẦN THỨ 8 BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM (KHÓA XI) VỀ CÔNG
ĐOÀN THAM GIA XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
I. Tình hình xây dựng và thực hiện
quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thời gian qua.
1. Kết quả công đoàn tham gia xây dựng và thực
hiện QCDC ở cơ sở:
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW
ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở
cơ sở, Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết số 4a/NQ-BCH
ngày 06/01/2005 về “Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tham gia xây dựng, thực
hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”. Sau 10 năm thực hiện
NQ4a đã đạt được những kết quả sau đây:
Các cấp công đoàn đã chủ động tích cực tham mưu cho
cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp chỉ đạo, triển khai
xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức
(CBCC), Đại hội công nhân, viên chức (CNVC), Hội nghị người lao động (NLĐ), đối
thoại tại nơi làm việc và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Đã phát huy quyền
dân chủ của công chức, viên chức và người lao động tham gia xây dựng quy chế
dân chủ cơ sở và các quy chế nội bộ, làm rõ quyền, trách nhiệm của người đứng đầu,
quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành,
góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp.
Trong các cơ quan, đơn vị nhà nước đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính, tăng cường chế độ công vụ, thực hành rộng rãi cơ chế một
cửa, nâng cao chất lượng giải quyết công việc. Trong các doanh nghiệp, việc thực
hiện chế độ, chính sách cho người lao động được công khai, minh bạch hơn, chất
lượng thỏa ước lao động tập thể được nâng lên, quyền và lợi ích của người lao động
được đảm bảo, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa và ổn định, tiến bộ
trong doanh nghiệp. Kết quả đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu
hút vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tăng việc làm, cải thiện thu nhập
cho người lao động.
Thông qua Hội nghị CBCC, Đại hội CNVC, Hội nghị NLĐ
hàng năm, người lao động đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ý kiến, đề xuất
nhiều sáng kiến, kiến nghị góp phần hoàn thiện nội quy, quy chế điều hành quản
lý hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác của
cơ quan, đơn vị, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm việc
làm, thu nhập cho người lao động.
Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao vị thế của Công đoàn, thu hút đông đảo người
lao động gia nhập Công đoàn, phát triển tổ chức Công đoàn góp phần xây dựng
giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Tồn tại, hạn chế:
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn
còn có nhận thức chưa đầy đủ về tác dụng của thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,
nhất là nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là
khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Chưa kịp thời phát hiện, tôn vinh những tập thể cá
nhân có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và thực hiện
quy chế dân chủ còn chậm.
Ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp việc tổ chức
hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ vẫn còn biểu hiện hình thức, nội dung, thời gian thực
hiện chưa bảo đảm đúng quy định, chưa phát huy được quyền tham gia ý kiến trực
tiếp của người lao động nên hiệu quả tổ chức hội nghị còn thấp; Một số cơ quan,
đơn vị và doanh nghiệp chưa thực hiện công khai cho người lao động biết về quyền
lợi, nghĩa vụ của NLĐ, nhất là các lợi ích trực tiếp liên quan đến NLĐ.
Hoạt động của đa số Ban Thanh tra nhân dân còn mang
tính hình thức, chưa hiệu quả.
3. Nguyên nhân.
Một số công đoàn cấp trên cơ sở chưa thường xuyên
chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp; công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, ý
nghĩa, lợi ích việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chưa thuyết phục, vì thế
chưa làm thay đổi được nhận thức của người đứng đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp
về lợi ích của việc thực hiện quy chế dân chủ mang lại; Một số cấp ủy, chính
quyền vẫn coi việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ là việc của công đoàn,
có biểu hiện "khoán trắng" cho tổ chức Công đoàn.
Chưa xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến
trong lĩnh vực dân chủ. Chưa có chế tài xử phạt hoặc cắt các danh hiệu thi đua
đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy định về xây dựng và thực hiện
quy chế dân chủ. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ tham gia
xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ chưa được quan tâm thường xuyên.
II. Quan điểm, mục tiêu
1. Quan điểm
Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó
Công đoàn có vai trò quan trọng, nhằm thực hiện phương châm người lao động được
biết, được bàn, được tham gia ý kiến và được kiểm tra, giám sát việc thực hiện
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người
lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
và xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu tổng quát
Tạo ra bầu không khí dân chủ, công bằng, công khai,
minh bạch trong cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến
bộ tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan, đơn vị
doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Thông qua xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở
cơ sở nhằm củng cố và nâng cao vị thế công đoàn, thu hút người lao động gia nhập
công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu từ nay đến năm 2020, công đoàn tham gia
xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đạt được một số chỉ tiêu sau đây:
- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà
nước, có 98% trở lên số cơ quan, đơn vị có ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt
động cơ quan, đơn vị; có 95% trở lên số cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC;
70% trở lên số Ban Thanh tra nhân dân hoạt động đạt loại tốt.
- Đối với doanh nghiệp có tổ chức công đoàn:
+ Với doanh nghiệp nhà nước: Có 97% trở lên số
doanh nghiệp ban hành quy chế dân chủ; 95% trở lên số doanh nghiệp tổ chức Hội
nghị người lao động; 70% trở lên số doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm
việc; có 55% trở lên số Ban Thanh tra nhân dân hoạt động đạt loại tốt.
+ Với doanh nghiệp ngoài nhà nước: Có 60% trở lên
doanh nghiệp ban hành quy chế dân chủ; 50% trở lên số doanh nghiệp tổ chức Hội
nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc.
III. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Nâng cao năng lực và hiệu quả
Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Nghiên cứu quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương
của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chủ động đề xuất
với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng
và thực hiện quy chế dân chủ. Công đoàn tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo,
tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện
quy chế dân chủ.
- Công đoàn chủ động chuẩn bị tốt nội dung, tham
gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở
cơ sở; Nội dung quy chế dân chủ phải thể hiện đầy đủ quyền của người lao động
được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra giám sát những chủ
trương, chính sách, chế độ liên quan đến người lao động. Tổ chức để người lao động
được tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Căn cứ vào
điều kiện, đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đề xuất
các hình thức thực hiện dân chủ khác, nhằm phát huy đầy đủ quyền dân chủ của
người lao động như: Tổ chức hòm thư góp ý, góp ý kiến thông qua hộp thư điện tử,
tổ chức ngày tiếp người lao động hàng tháng; tổ chức hội nghị đối thoại.
- Phối hợp với người đứng đầu tuyên truyền, phổ biến
quy chế dân chủ ở cơ sở tới người lao động; phân công cán bộ công đoàn theo dõi,
giám sát thực hiện ở từng bộ phận trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cùng người
đứng đầu định kì kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Công đoàn chủ động đề xuất với người đứng đầu cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các quy chế, quy định nội bộ khác, như quy
chế đối thoại, quy chế tiền lương, tiền thưởng, quy chế sử dụng các quỹ trong
doanh nghiệp, nội quy lao động và các quy chế, quy định khác có liên quan đến
quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động.
2. Công đoàn chủ động tham gia
chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động.
- Đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp xây dựng quy chế Hội nghị người lao động, hàng năm có văn bản liên tịch,
hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ. Nghiên cứu, nắm vững
các quy định hiện hành, chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm công đoàn, như báo
cáo kiến nghị của người lao động; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích NLĐ, tình hình
thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp; kết quả đối thoại tại cơ sở v.v...
- Công đoàn tham gia chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp
các ý kiến, kiến nghị của NLĐ ở cấp cơ sở và các đơn vị trực thuộc, khuyến
khích NLĐ phát huy tinh thần dân chủ, chủ động tích cực tham gia đề xuất sáng
kiến, kiến nghị nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp. Đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
của Ban Thanh tra nhân dân và Tổ đối thoại tại cơ sở.
- Công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn phổ biến
Nghị quyết Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ tới toàn thể người lao động trong cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức giám sát, kiểm tra và định kỳ đánh giá kết
quả thực hiện Nghị quyết.
3. Công đoàn chủ động đề xuất nội
dung đối thoại với người sử dụng lao động, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài
hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
- Công đoàn chủ động đề xuất với người sử dụng lao
động xây dựng và ban hành quy chế đối thoại tại doanh nghiệp; Tổ chức cho người
lao động, cán bộ, đoàn viên công đoàn đề xuất nội dung đối thoại; lựa chọn nội
dung ưu tiên đối thoại nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích của
đa số người lao động; lựa chọn thành viên tham gia đối thoại phù hợp với nội
dung đối thoại sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.
- Đối với những vấn đề bức xúc, cấp bách của người
lao động, công đoàn cần khẩn trương đề nghị người sử dụng lao động tiến hành đối
thoại để sớm tháo gỡ, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh.
- Kết quả đối thoại cần được thông báo công khai
cho người lao động biết; Công đoàn cần tổ chức giám sát việc thực hiện kết quả
đối thoại đã đạt được.
4. Nâng cao năng lực và hiệu quả
công đoàn tham gia phản biện trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Cán bộ công đoàn phải chủ động tham gia từ khi
chuẩn bị tài liệu liên quan đến dự thảo nội dung văn bản, cần phản biện để nâng
cao chất lượng các quy định, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Những nội quy, quy chế, chế độ chính sách có liên
quan trực tiếp đến người lao động, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tới cán bộ,
đoàn viên công đoàn và người lao động; cần tạo ra bầu không khí dân chủ để người
lao động tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào các nội quy, quy chế,
quy định của doanh nghiệp.
5. Nâng cao chất lượng hoạt động
Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.
- Ban Thanh tra nhân dân được tổ chức và hoạt động
trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, có nhiệm
vụ giám sát hoạt động của tổ chức, cá nhân, góp phần phòng ngừa, chống lãng
phí, tham nhũng, tiêu cực.
- Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của
Ban Thanh tra nhân dân, công đoàn cần lựa chọn những người có đủ điều kiện,
tiêu chuẩn, bản lĩnh; có trình độ và kiến thức chuyên môn sâu, giới thiệu để Hội
nghị CBCC, Hội nghị NLĐ bầu vào Ban Thanh tra nhân dân.
- Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ
thanh tra và có cơ chế, chính sách, động viên khen thưởng kịp thời đối với
thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo, kiểm
tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
- Tham gia với Đảng, Nhà nước hoàn thiện pháp luật
về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bảo đảm ngày càng nâng cao hiệu
lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
- Tham gia cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các Bộ, ngành giám sát, phản biện việc tổ chức thực hiện các chính
sách, pháp luật liên quan đến NLĐ.
- Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu khung sử dụng
chung trong hệ thống tổ chức công đoàn, trên cơ sở bộ tài liệu này địa phương,
ngành phát triển phù hợp với đặc điểm của địa phương, ngành.
- Ban Chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng
là đầu mối tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn triển khai thực hiện Nghị
quyết; theo dõi, kiểm tra đánh giá, báo cáo sơ, tổng kết việc thực hiện Nghị
quyết.
2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn
ngành Trung ương và tương đương
- Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết
này đến công đoàn cấp dưới; xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo kiểm tra,
đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này phù hợp với tình hình, đặc điểm
của địa phương, ngành.
- Tổ chức tập huấn kỹ năng tham gia xây dựng và thực
hiện quy chế dân chủ, đối thoại tại nơi làm việc, tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị
CBCC; hoạt động Ban Thanh tra nhân dân cho công đoàn cơ sở.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Nghị
quyết theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn./.
Nơi nhận:
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy viên BCHTLĐ;
- Ủy viên UBKTTLĐ;
- LĐLĐ tỉnh, tp; CĐNTW;
- CĐT cty trực thuộc TLĐ;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: Văn thư; CSKTXH&TĐKT.
|
TM. BAN CHẤP
HÀNH
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Cường
|