HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2019/NQ-HĐND
|
Hậu Giang,
ngày 11 tháng 7 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC VÀ THU HÚT
NHÂN LỰC TỈNH HẬU GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01
tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày
08 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định
số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 ngày 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày
30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý
và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức;
Xét Tờ trình số 1449/TTr-UBND ngày 14 tháng 6
năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ
trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang; Báo cáo thẩm tra của
Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định
chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức của
tỉnh Hậu Giang được cử đi đào tạo (trừ các trường hợp đi học theo các
Chương trình học bổng, Đề án trong và ngoài nước) và chính sách thu hút nhân lực
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Đối tượng áp dụng
a) Đối tượng hỗ trợ đào tạo sau đại học được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học trong
nước
Cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Công chức, viên chức
lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp
công lập; Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Cán bộ,
công chức, viên chức thuộc các cơ quan Trung ương, ngành dọc đóng trên địa bàn
tỉnh; cán bộ, sĩ quan lực lượng vũ trang thuộc tỉnh.
b) Đối
tượng thu hút nhân lực
Người có học hàm Giáo
sư, Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ, trình độ Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa cấp II,
bác sĩ Nội trú có hộ khẩu trong và ngoài tỉnh tự nguyện đến công tác tại
các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều
2. Điều kiện hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực
1. Điều kiện được hỗ
trợ đào tạo sau đại học
Cán bộ, công chức,
viên chức được hỗ trợ đào tạo sau đại học khi đảm bảo các điều kiện sau:
a) Được
cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định cử đi học sau đại học đối với
học vị Tiến sĩ, trình độ Thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II;
b) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, phù hợp chức danh quy hoạch lãnh đạo, quản lý (riêng đối
với những vị trí yêu cầu trình độ chuyên môn sâu của ngành Y tế theo danh mục của
Bộ Y tế thì không nhất thiết phải có quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý như
các ngành khác);
c) Có 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi
đào tạo được cấp thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
d) Đối với cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học khi có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời
gian tập sự); không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại
học lần đầu; đối với viên chức được cử
đi đào tạo sau đại học khi đã kết thúc
thời gian tập sự (nếu có);
đ) Được
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong danh sách quy hoạch đào tạo trình độ sau đại
học đối với cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của tỉnh theo đúng quy định
hiện hành;
e) Có cam kết thực hiện
nhiệm vụ, công vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành
chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
g) Tốt nghiệp đúng tiến
độ thời gian đào tạo sau đại học theo quy định của cơ sở đào tạo và quy chế đào
tạo theo từng trình độ tương ứng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
2. Điều kiện thu hút
nhân lực
a) Người có học hàm
Giáo sư, Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ, trình độ Thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ
chuyên khoa cấp II có chuyên môn đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, danh mục
ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu thu hút (do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố hàng
năm), cam kết bằng văn bản tự nguyện về công tác tại các cơ quan hành chính,
đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ít nhất từ 05 năm trở
lên.
b) Về độ tuổi: Không quá 30 tuổi đối với trình độ Thạc
sĩ, bác sĩ nội trú; không quá 35 tuổi đối với học
vị Tiến sĩ, trình độ bác sĩ
chuyên khoa cấp II; không quá 50 tuổi đối với nam,
45 tuổi đối với nữ là người có học hàm Giáo
sư, Phó
Giáo
sư.
c) Những người chưa là
công chức, viên chức phải thực hiện việc tuyển dụng, xét tuyển theo đúng quy định
hiện hành; được nhận kinh phí thu hút 01 lần sau khi có quyết định bổ nhiệm ngạch
công chức hoặc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
d) Những người đang là
công chức, viên chức thì được nhận kinh phí thu hút 01 lần sau khi nhận nhiệm vụ
theo quyết định tiếp nhận, điều động của cơ quan có thẩm quyền.
đ) Trường hợp một người
đáp ứng nhiều điều kiện, chỉ được hưởng thu hút nhân lực tương ứng với trình độ,
tiêu chuẩn cao nhất.
Điều
3. Mức hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực
1. Mức hỗ trợ đào tạo
sau đại học
Được hưởng hỗ trợ một
lần (sau khi có bằng tốt nghiệp) như sau:
a) Học
vị Tiến sĩ: 100 triệu đồng.
b)
Trình độ chuyên khoa cấp II: 80 triệu đồng.
c) Trình độ Thạc sĩ: 70 triệu đồng.
d)
Trình độ chuyên khoa cấp I: 50 triệu đồng.
đ) Đối với các đối tượng
thuộc các cơ quan Trung ương, ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, đối tượng thuộc
lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được hỗ trợ 70%
mức hỗ trợ đào tạo sau đại học được quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều
3 Nghị quyết này chỉ áp dụng đối với trường hợp không được nhận chế độ hỗ trợ từ
cơ quan Trung ương, ngành dọc và phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác nhận
có trong danh sách quy hoạch đào tạo sau đại học hàng năm của đơn vị và đáp ứng
đầy đủ các điều kiện còn lại đối với việc cử đi đào tạo sau đại học giống như
cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được quy định tại các Điểm a, b, c, d, e,
g Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này).
2. Mức thu hút nhân lực
a) Học
hàm Giáo sư, Phó Giáo sư: 200 triệu đồng.
b) Học
vị Tiến sĩ: 180 triệu đồng.
c)
Trình độ Bác sĩ chuyên khoa cấp II: 160 triệu đồng.
d)
Trình độ Bác sĩ nội trú: 160 triệu đồng.
đ)
Trình độ Thạc sĩ: 140 triệu đồng.
3. Các chính sách ưu
đãi khác
a) Người có học hàm
Giáo sư, Phó Giáo sư, học vị tiến sĩ khi đến nhận công tác tại tỉnh Hậu Giang
được hỗ trợ kinh phí để thuê nhà ở (kinh phí hỗ trợ 05 triệu đồng/tháng, trong
thời hạn 12 tháng).
b) Đối với người ngoài
tỉnh nếu có vợ (chồng), con ruột có nhu cầu đến công tác tại tỉnh Hậu Giang thì
được xem xét bố trí công tác theo quy định hiện hành về tuyển dụng.
4. Nguồn kinh phí thực
hiện
Kinh phí thực hiện
chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều
4. Hoàn trả kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực
1. Những người đã nhận
kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực không thực hiện đúng thời
gian công tác như đã cam kết phải hoàn trả kinh phí đã nhận. Nếu hoàn trả không đầy đủ thì bị xem xét xử lý theo quy định.
a) Những
người đã có thời gian phục vụ theo cam kết dưới 02 năm thì phải hoàn trả toàn bộ
kinh phí đã nhận.
b) Những
người đã có thời gian phục vụ theo cam kết từ đủ 02 năm trở lên thì phải hoàn
trả kinh phí đã nhận theo tỷ lệ thời gian còn lại. Mỗi năm công tác của cán bộ,
công chức, viên chức (không tính thời gian gian tập sự và thời gian công tác
sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% kinh phí hoàn trả. Trường hợp là nữ hoặc
là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% kinh
phí hoàn trả.
2. Không giải quyết
cho cán bộ, công chức, viên chức đã nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học,
thu hút nhân lực chuyển công tác ra ngoài tỉnh khi chưa thực hiện hoàn trả đủ
kinh phí đã nhận và những chính sách ưu đãi khác, trừ những trường
hợp đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều
5. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với những đối
tượng đang làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo hoặc chưa hoàn thành
khóa học đã được cấp thẩm quyền cử đi đào tạo trước khi Nghị quyết này có hiệu
lực thì tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2014
của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang.
2. Những trường hợp được
cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học từ khi Nghị quyết này có hiệu lực
thi hành thì thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học theo đúng nội dung
của Nghị quyết này.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh
giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định.
2. Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.
3. Nghị quyết này thay
thế Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND ngày 08 tháng 07 năm 2014 của Hội đồng
nhân dân tỉnh về việc thông qua chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách
thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang.
Nghị quyết này đã được
Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 11 tháng
7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 7 năm 2019./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (HN, TP.HCM);
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN và đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Huỳnh Thanh Tạo
|