HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2020/NQ-HĐND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 11 tháng 7 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
QUY ĐỊNH CHỨC DANH, BỐ TRÍ SỐ LƯỢNG VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI
HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI
(Từ ngày 09 đến
ngày 11 tháng 7 năm 2020)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12
tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành
chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng
10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối
với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không
chuyên trách cấp xã;
Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng
4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức
cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng
11 năm 2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã
và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Xét Tờ trình số 2594/TTr-UBND ngày 06 tháng 7
năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định chức danh, bố trí số lượng
và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường,
xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số
456/BC-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành
phố; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân
thành phố.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã,
thị trấn được bố trí theo quy định về phân loại đơn vị hành chính phường, xã,
thị trấn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh:
1. Loại 1: tối đa 14 người;
2. Loại 2: tối đa 12 người;
3. Loại 3: tối đa 10 người.
Điều 2. Chức danh
1. Người hoạt động không chuyên trách phường, xã,
thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gồm 13 chức danh, cụ thể:
a) Văn phòng Đảng ủy;
b) Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
c) Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (đối với những
phường, xã, thị trấn còn tổ chức Hội Nông dân);
d) Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
đ) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
e) Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
g) Chủ tịch Hội Người cao tuổi;
h) Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ;
i) Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự phường, xã, thị
trấn;
k) Phụ trách Kinh tế;
l) Lao động - Thương binh và Xã hội;
m) Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bình đẳng giới -
Trẻ em;
n) Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ;
2. Bố trí chức danh
a) Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ tình hình thực
tế của địa phương xem xét, quyết định chức danh người hoạt động không chuyên
trách sắp xếp, bố trí cho phù hợp trên nguyên tắc không được vượt quá số lượng
quy định phân loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn và khuyến khích các
phường, xã, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn
trao đổi, thống nhất với Đảng ủy phường, xã, thị trấn trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận, huyện có ý kiến bằng văn bản trước khi thực hiện bố trí chức
danh. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên
trách ở phường, xã, thị trấn thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện.
Điều 3. Mức phụ cấp và trợ cấp
hàng tháng đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã,
thị trấn.
1. Những người hoạt động không chuyên trách ở phường,
xã, thị trấn được hưởng mức phụ cấp chức danh bằng 1,14 lần mức lương cơ sở; mức
đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc thực hiện theo quy định tại Luật
Bảo hiểm xã hội.
2. Những người hoạt động không chuyên trách ở phường,
xã, thị trấn ngoài chế độ quy định tại khoản 1 Điều này, hàng tháng còn được trợ
cấp thêm theo trình độ như sau:
a) Trình độ trên đại học: Trợ cấp tương đương 1,53
lần mức lương cơ sở.
b) Trình độ đại học: Trợ cấp tương đương 1,20 lần mức
lương cơ sở.
c) Trình độ cao đẳng: Trợ cấp tương đương 0,96 lần
mức lương cơ sở.
d) Trình độ trung cấp hoặc chưa qua đào tạo: Trợ cấp
tương đương 0,72 lần mức lương cơ sở.
đ) Mức trợ cấp quy định tại điểm a, b, c, d không
dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
3. Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên
trách khi kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác ở phường, xã, thị trấn
mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này, kể
từ ngày được cấp có thẩm quyền bố trí, quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng
mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp chức danh quy định tại khoản 1 Điều
này. Mức phụ cấp kiêm nhiệm không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế.
4. Người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất
sức lao động tham gia công tác giữ chức danh người hoạt động không chuyên trách
ở phường, xã, thị trấn được hưởng 100% mức phụ cấp chức danh quy định tại khoản
1, Điều này và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Điều 4. Một số chế độ hỗ trợ
khác đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn
1. Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự phường, xã, thị
trấn ngoài mức phụ cấp được hưởng theo quy định tại Điều 3 còn được hưởng các
chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật về Dân quân tự vệ.
2. Chế độ hỗ trợ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn
tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 07
tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố.
3. Chế độ bồi dưỡng trách nhiệm bằng 0,1 mức lương
cơ sở đối với 07 chức danh: Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (đối với những phường, xã, thị trấn còn tổ chức
Hội Nông dân); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch Hội
Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ. Trường hợp người hoạt động không
chuyên trách cấp xã khi kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách là Phó các
đoàn thể chính trị - xã hội thì được hưởng mức bồi dưỡng trách nhiệm của chức
danh đó.
4. Vận dụng giải quyết chế độ thôi việc theo quy định
tại Bộ Luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội để giải quyết thôi việc theo nguyện
vọng đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn.
5. Chế độ thôi việc sắp xếp dôi dư
a) Trường hợp người hoạt động không chuyên trách
phường, xã, thị trấn dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính theo quy định tại
Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội hoặc dôi dư theo số lượng quy định về người hoạt động không chuyên
trách xã, phường, thị trấn tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ được giải
quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo Bộ Luật lao động và hưởng thêm một khoản trợ
cấp một lần cho 01 năm công tác (đủ 12 tháng) được tính bằng 1,5 tháng tiền
lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm giải quyết nghỉ việc.
b) Nguồn chi trả do ngân sách nhà nước chi trả từ
nguồn cải cách tiền lương của ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện theo
phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 5. Khoán kinh phí hoạt động
đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã, thị trấn
Giao Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc khoán
kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã, thị trấn
đúng theo quy định.
Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện
các chế độ, chính sách
1. Thực hiện mức khoán kinh phí theo chế độ tự chủ,
tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính.
2. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối
với người hoạt động không chuyên trách cấp xã do ngân sách địa phương đảm bảo
theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp
1. Trường hợp các phường thực hiện đề án sắp xếp
các đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội phải đảm bảo chậm nhất 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực sẽ bố trí đúng số
lượng người hoạt động không chuyên trách theo quy định tại Nghị định số
34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số
04/2010/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2010 về bố trí chức danh, số lượng và chế độ
chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị
trấn theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 13
tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về điều chỉnh mức phụ cấp hàng
tháng theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ không chuyên trách ở
phường, xã, thị trấn.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực
hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban
của Hội đồng nhân dân thành phố, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân
thành phố phối hợp với Hội đồng nhân dân các quận, huyện tổ chức giám sát, kịp
thời đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ hai mươi thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2020 và
có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban công tác đại biểu QH;
- Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố;
- Ban Thường trực UB. MTTQ VN thành phố;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND thành phố;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố;
- Các Sở, ban, ngành thành phố;
- Thường trực HĐND-UBND-UBMTTQVN 24 Q-H;
- Thường trực HĐND-UBND các phường, xã, thị trấn;
- Trung tâm công báo thành phố;
- Lưu: VT, (P.CTHĐ-Cẩm)
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Lệ
|