HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05-CP
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 01 năm 1969
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM LO ĐỜI SỐNG VÀ SỨC KHỎE CỦA CÔNG
NHÂN, CÁN BỘ NGÀNH THAN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Từ ngày tiếp quản khu mỏ than Quảng-ninh
đến nay, đi đôi với việc mở rộng sản xuất, đội ngũ công nhân, cán bộ các mỏ
than phát triển rất nhanh, đời sống và sức khỏe của công nhân, cán bộ đã được cải
thiện từng bước. Mấy năm gần đây, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, mặc
dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng nhằm ổn định
một phần đời sống công nhân, cán bộ.
Tuy vậy, những thiếu sót trong
công tác chăm lo đời sống, sức khỏe của công nhân, cán bộ cũng còn nhiều, ảnh
hưởng không ít đến sản xuất, công tác và nhiệt tình của công nhân, cán bộ.
Trước mắt cũng như sau này,
ngành khai thác giữ một vị trí rất quan trọng. Điều kiện lao động của công nhân
ngành khai thác than, nhất là công nhân hầm lò lại nặng nhọc, vất vả. Hiện nay
hoàn cảnh kinh tế của ta còn nhiều khó khăn, toàn dân ta đang nỗ lực đánh thắng
giặc Mỹ xâm lược, chúng ta cần động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của công
nhân, cán bộ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hết sức cố gắng chăm lo đời sống, bảo
đảm sức khỏe của công nhân, cán bộ ngành than để đẩy mạnh nhịp độ sản xuất hoàn
thành kế hoạch than trước mắt và tạo cơ sở phát triển đội ngũ công nhân phục vụ
cho việc mở rộng quy mô sản xuất của ngành than sau này.
Hội đồng Chính phủ trong phiên họp
thường vụ ngày 05 tháng 9 năm 1968 đã quyết định một số chủ trương và chế độ,
chính sách sau đây, nhằm giải quyết một số yêu cầu cấp thiết trước mắt về đời sống,
sức khỏe của công nhân, cán bộ ngành than.
I. BẢO ĐẢM CUNG CẤP TRANG BỊ BẢO HỘ
LAO ĐỘNG CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC CỦA CÔNG NHÂN
a) Trong việc sản xuất và xây dựng
các mỏ, cần đặc biệt quan tâm đến bảo đảm kỹ thuật an toàn. Trong một thời gian
ngắn phải trang bị cho các mỏ hầm lò đủ quạt gió và các thiết bị tối thiểu khác
để chống nóng, chống bụi, chống ẩm và khí độc. Cần nghiên cứu cơ giới hóa từng
bước các khâu khai thác, vận chuyển trong hầm lò. Các quy tắc an toàn lao động
trong các mỏ lộ thiên và hầm lò phải được thi hành nghiêm chỉnh.
b) Ngành thương nghiệp có trách
nhiệm cung cấp đủ các mặt hàng trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, nhất là
giầy ủng, áo mưa, quần áo lao động, bi-đông… Bộ Công nghiệp nặng phải bảo đảm
cung cấp đủ đèn mỏ cho công nhân hầm lò. Các trang bị bảo hộ lao động phải được
ghi vào kế hoạch sản xuất hoặc nhập khẩu hàng năm. Trong trường hợp các ngành sản
xuất hoặc cơ quan nhập khẩu không cung cấp đủ các mặt hàng đó cho ngành thương
nghiệp để phân phối thì ngành thương nghiệp phải kịp thời báo cáo Chính phủ để
tìm cách giải quyết. Khi phân phối trang bị bảo hộ lao động, cần dành ưu tiên
cho ngành than, đặc biệt cho các mỏ hầm lò. Hàng năm Bộ Công nghiệp nặng cần có
dự trù cụ thể yêu cầu các loại trang bị bảo hộ lao động. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
và Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng có trách nhiệm bàn ngay với các ngành có
liên quan để phân công, giao chỉ tiêu sản xuất trang bị bảo hộ lao động cho các
cơ sở trong nước hoặc đặt hàng nước ngoài.
Các mỏ phải có biện pháp giáo dục
công nhân sử dụng tốt các trang thiết bị bảo hộ lao động, phải tập trung để quản
lý tốt các trang bị đó và phải có người chuyên trách bảo quản, sửa chữa.
Ngoài tiêu chuẩn trang bị bảo hộ
lao động hiện hành, công nhân làm việc trong hầm lò được cấp thêm mỗi người một
năm 2 mét vải để làm xà cạp quấn chân và một bi-đông đựng nước uống. Quần áo bảo
hộ lao động được cấp cả 2 bộ vào đầu năm để công nhân tiện việc thay đổi.
c) Ở mỗi xí nghiệp hầm lò, được
tổ chức một lực lượng cấp cứu thường xuyên để làm nhiệm vụ cấp cứu, xử lý các
tai nạn xảy ra trong hầm lò, các đội cấp cứu này cần được huấn luyện, trang bị
đầy đủ và có tổ chức chặt chẽ để đủ khả năng làm được nhiệm vụ.
d) Các mỏ phải cố gắng tổ chức
phương tiện đi lại làm việc cho công nhân trong những đoạn đường xa bằng cách sử
dụng tốt số ô tô và xe lửa hiện có trong sản xuất của mình. Ủy ban Kế hoạch Nhà
nước cần soát lại khả năng, cung cấp thêm cho các mỏ một số xe ô tô để chở người
theo dự trù yêu cầu của Bộ Công nghiệp nặng. Mặt khác Bộ Nội thương có trách
nhiệm cung cấp cho khu mỏ một số xe đạp theo giá cung cấp để ưu tiên bán cho những
công nhân chưa có xe đạp mà phải đi làm xa.
II. TĂNG CƯỜNG
HƠN NỮA VIỆC CHĂM LO ĐỜI SỐNG, GIỮ GÌN SỨC KHỎE CHO CÔNG NHÂN, CÁN BỘ
1. Về ăn uống,
bồi dưỡng và cung cấp hàng hóa.
a) Tổ chức:
- Bộ Nội thương cùng Ủy ban hành
chính tỉnh Quảng–ninh và Bộ Công nghiệp nặng cần phối hợp bàn bạc và tổ chức
công ty thương nghiệp chuyên trách phục vụ công nhân khu mỏ Quảng-ninh. Bộ Công
nghiệp nặng cần xây dựng hệ thống dọc chuyên trách công tác đời sống, sức khỏe
cho công nhân, cán bộ các mỏ.
- Ngành thương nghiệp cần mở
thêm cửa hàng và tổ chức các tổ bán hàng lưu động, dựa vào các mỏ mà định giờ
bán hàng thích hợp để tiện cho việc mua bán của công nhân, cán bộ (nhất là đối
với số công nhân có gia đình) và phải cố gắng cung cấp đủ tiêu chuẩn đều đặn tại
xí nghiệp. Trường hợp khó khăn bất trắc không cung cấp đủ và đều mà cơ quan
thương nghiệp không đủ khả năng khắc phục thì phải báo cáo cấp trên tìm cách giải
quyết, đồng thời phải thông báo cho các mỏ biết lý do để thông báo lại công
nhân, cán bộ thông cảm.
Cần mở thêm các cửa hàng ăn uống,
để phục vụ công nhân mỏ như của hàng phở, cháo, các loại bánh, các loại giải
khát v.v…
- Các mỏ phải chấn chỉnh lại việc
quản lý và nâng cao kỹ thuật chế biến trong các nhà ăn tập thể để bảo đảm chất
lượng bữa ăn hàng ngày và thực hiện tốt các chế độ bồi dưỡng hiện vật, ca 3. Phấn
đấu xây dựng một cách rộng rãi nhà ăn 5 tốt, thực hiện đều đặn chế độ công khai
kế hoạch tài chính trong các nhà ăn và công khai kế hoạch phân phối
hàng hóa. Cần thường xuyên kiểm tra các nhà ăn tập thể nghiêm khắc trừng trị những
kẻ tham nhũng tại các nhà ăn tập thể.
Tùy theo tính chất ngành nghề và
tiêu chuẩn định lượng, các mỏ cần tổ chức các nhà ăn, bữa ăn theo những chế độ
khác nhau, cố gắng bảo đảm cho công nhân từng loại ngành nghề ăn đủ và đúng
tiêu chuẩn. Đặc biệt đối với công nhân hầm lò và lái các loại máy cơ giới nặng
nhọc (kể cả công nhân lái ô tô trọng tải 20 tấn) cần tổ chức bếp ăn riêng. Số
người cấp dưỡng phục vụ trong các bếp ăn riêng này cần được quy định cho sát với
yêu cầu thực tế.
Cần bố trí các bữa ăn chính, bữa
ăn bồi dưỡng hiện vật cho thích hợp với điều kiện lao động, giờ làm việc, giờ
thay ca của công nhân. Phải cố gắng tổ chức cho công nhân hầm lò và công nhân
lái xe, lái máy xúc được bồi dưỡng hiện vật, ca 3 tại chỗ làm việc và giữa giờ
làm việc.
- Đối với công nhân ăn ở gia
đình, cần phải tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm cho đúng và đầy đủ theo
tiêu chuẩn đã được quy định; cần tổ chức các cửa hàng cung cấp ở những nơi thuận
tiện cho công nhân đến mua, cố tránh việc xếp hàng mất thì giờ vô ích. Cần vận
động, tổ chức gia đình chăm sóc chu đáo đời sống của người công nhân; chống
quan niệm coi thường, coi rẻ người công nhân ăn ở gia đình; phải coi trọng việc
chăm sóc đời sống công nhân ăn ở gia đình cũng như công nhân ăn ở nhà ăn tập thể.
- Đẩy mạnh phong trào tăng gia tự
cải thiện trong khu mỏ và vận động công nhân, cán bộ tiết kiệm lương thực, hàng
hóa. Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm giúp đỡ giải quyết việc
tăng gia tự cải thiện.
Để bảo đảm tăng thêm nguồn cung
cấp rau tươi, thịt cá, trứng cho các mỏ, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng-ninh và
các tỉnh có mỏ than phải giao chỉ tiêu sản xuất rau và chăn nuôi gia súc cho
các huyện và hợp tác xã chung quanh mỏ. Bộ Nông trường có trách nhiệm giúp địa
phương mở các nông trường chung quanh khu mỏ. Việc giải quyết chính sách lương
thực và thu mua các thực phẩm trên được áp dụng theo quy định hiện hành đối với
vùng trồng rau và chăn nuôi ở các khu công nghiệp.
- Bộ Kiến trúc có trách nhiệm
khai thác các nguồn nước. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm cấp vốn đầu
tư cho Bộ Kiến trúc hoặc cho các mỏ để xây dựng thêm các công trình cung cấp nước
mới và trước mắt cải tạo nguồn cung cấp nước hiện có để bảo đảm nước cho sản xuất
và sinh hoạt của khu mỏ.
b) Về chế độ:
- Bột mì ăn thay gạo phải được
gia công chế biến bán cho công nhân, cán bộ theo giá quy định của Nhà nước.
Trong khi chờ đợi giải quyết tốt vấn đề này, công nhân hầm lò và công nhân lái
một số máy cơ giới nặng nhọc (kể cả công nhân lái ô tô trọng tải 20 tấn) được tạm
thời cung cấp 100% gạo. Khi đã chế biến tốt bột mì để ăn thay gạo, những công
nhân nói trên cũng được cung cấp tỷ lệ gạo cao hơn các loại công nhân khác.
Nhà nước sẽ trang bị cho tỉnh Quảng-ninh
một số cơ sở chế biến bột mì để bảo đảm cung cấp nhu cầu trong tỉnh, trước tiên
cung cấp cho công nhân, cán bộ ngành than và gia đình họ. Trước mắt, các mỏ phải tự
trang tự chế lấy một số máy cán mì loại nhỏ hoặc lò bánh mì để sử dụng trong
các nhà ăn tập thể.
- Tiêu chuẩn lương thực ăn hàng
tháng của cán bộ, nhân viên có nhiệm vụ thường xuyên đi các công trường mỏ lộ
thiên và hầm lò trước đây hưởng 13kg500 nay được nâng lên 15kg (kể cả cán bộ,
nhân viên các cơ quan của Đảng và các đoàn thể quần chúng).
- Trong khi chờ đợi Bộ Công nghiệp
nhẹ nghiên cứu chế biến loại nước uống chống nóng cho công nhân, tạm thời cấp gạo
để nấu nước uống thường xuyên cho công nhân hầm lò và trong những tháng nóng (từ
tháng 4 đến tháng 10 hàng năm) cho công nhân than luyện, công nhân làm việc
trên các công trường mỏ lộ thiên (kể cả sản xuất và kiến thiết cơ bản) theo
tiêu chuẩn bình quân đầu người, mỗi ngày 0kg20 gạo với giá cung cấp.
- Mức cung cấp thực phẩm đối với
đội công nhân đi lò nhanh, trước đây Bộ Nội thương đã quy định tạm thời, nay
chính thức ghi vào tiêu chuẩn bán thường xuyên hàng tháng như sau cho mỗi người
công nhân:
Thịt 4kg
Đường 1kg
Sữa 2 hộp
Bia 26 chai
Rượu 2 lít cho công nhân lớn tuổi
Ngoài tiêu chuẩn trên, địa
phương cố gắng cung cấp hàng tháng cho mỗi công nhân khoảng 5kg cá, 3 kg đậu phụ,
3 đến 5 quả trứng, 12kg rau, nước chấm, hoa quả v .v…Nếu người công nhân trong
đội đi lò nhanh ăn ở gia đình thì cũng được cung cấp đúng tiêu chuẩn kể trên.
Trong khi tiến hành nghiên cứu
việc điều chỉnh thang lương của ngành mỏ, để bảo đảm sức khỏe cho công nhân,
ngoài các mức phụ cấp bồi dưỡng hiện vật đã quy định. Chính phủ quyết định tăng
thêm phụ cấp bồi dưỡng hiện vật cho mỗi công nhân trong đội đi lò nhanh, mỗi
công nhân hầm lò, mỗi công nhân lái các loại máy cơ giới nặng nhọc và lái xe ô
tô trọng tải 20 tấn, mỗi cán bộ có nhiệm vụ phải làm việc thường xuyên trong hầm
lò theo 3 mức 1đ20, 0đ90 và 0đ60 một ngày. Khoản bồi dưỡng hiện vật tặng thêm
này sẽ sử dụng vào hai bữa ăn chính của công nhân ăn tại nhà ăn tập thể hoặc ăn
ở gia đình. Bộ Công nghiệp nặng sau khi bàn với Bộ Lao động và Tổng công đoàn sẽ
quy định cụ thể các đối tượng được hưởng mỗi mức nói trên.
Bộ Công nghiệp nặng quy định
tiêu chuẩn năng suất, kỹ thuật và tổ chức các đội lò nhanh để làm cơ sở cho các
mỏ lập dự trù xin cấp thực phẩm.
- Đối với các công nhân khác phải
bảo đảm mức cung cấp thịt là 3kg đối với công nhân hầm lò và 2,5kg đối với công
nhân lái các loại máy cơ giới nặng nhọc kể cả lái ô tô 20 tấn. Các loại thực phẩm
khác phải bảo đảm theo mức ăn quy định.
- Ngành thương nghiệp có trách
nhiệm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho bồi dưỡng hiện vật và bồi dưỡng ca
3 theo mức tiền quy định cho mỗi người. Trong bước đầu còn khó khăn thì ít nhất
cũng phải bảo đảm cung cấp 75% theo mức tiền được Nhà nước bồi dưỡng.
Riêng đối với các loại công nhân
có tiêu chuẩn bồi dường ca 3 cao hơn 1 đồng thì ít nhất cũng phải bảo đảm cung
cấp đủ 1 đồng thực phẩm và lương thực (không kể các thứ giải khát). Đối với những
công nhân được hưởng chế độ ăn ca 3 ở mức thấp dưới 0đ40 thì phải bảo đảm cung
cấp 100% mức bồi dưỡng.
2. Một số công
trình phúc lợi khác
a) Để có đủ chỗ ở tạm
thời cho công nhân, Tổng cục Lâm nghiệp cùng với ty lâm nghiệp Quảng-ninh phải
cố gắng cung cấp gỗ, tranh, tre, nứa, lá đủ bảo đảm cho các mỏ sửa lại số nhà
hiện có (khoảng 50.000 mét vuông) và làm thêm một số khác (khoản 40.000 mét
vuông). Ngoài ra cần cố gắng cung cấp vật liệu cho những công nhân có gia đình ở
nhà riêng bị hư hỏng cần sửa chữa.
b) Các mỏ than, nhất là các mỏ hầm
lò phải tổ chức nhà ngủ ca 3 thuận tiện, gần nơi làm việc, có đủ tiện nghi cần
thiết (giường, chiếu, chăn, màn) và có người trông nom, quản lý, tạo điều kiện
cho công nhân ngủ yên tĩnh. Bộ Nội thương có trách nhiệm cung cấp đủ những tiện
nghi cần thiết nói trên.
c) Các mỏ phải xây dựng và sửa
chữa lại các nhà tắm nước nóng cho công nhân (ít nhất cũng phải có nước nóng
trong mùa rét) và phải quản lý tốt các nhà tắm này. Đối với các hầm lò, phải tổ
chức tắm nắng cho công nhân, và các bệnh viện mỏ phải có nhà tắm tia điện cực
tím cho những công nhân khi cần thiết.
d) Ngay từ bây giờ, Bộ Kiến
trúc, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và Ủy ban hành chính địa phương cần phối
hợp với Bộ Công nghiệp nặng và các mỏ để nghiên cứu các quy hoạch xây dựng các
khu công nhân mỏ hoặc các thị xã, thị trấn trong các vùng mỏ để việc sắp xếp chỗ
ở, đi lại, học hành, giải trí của công nhân và gia đình sau này được hợp lý.
3. Phòng và chữa
bệnh
a) Về tổ chức:
- Các mỏ phải tích cực đẩy mạnh
phong trào vệ sinh yêu nước, thường xuyên bổ sung, củng cố và vận động sử dụng
tốt các công trình vệ sinh cơ bản.
Phải tăng cường và củng cố mạng
lưới y tế trong các mỏ để có đủ khả năng làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh,
chấn chỉnh công tác phòng bệnh, khám bệnh, kịp thời phục vụ công nhân đau ốm, cấp
cứu hoặc sơ cứu khi xẩy ra tai nạn lao động hay tai nạn chiến tranh.
- Bộ Y tế có trách nhiệm điều động
bổ sung cho các mỏ một số bác sĩ, y sĩ, y tá và xe cứu thương cần thiết, cố
gắng bố trí mỏ nào cũng có bác sĩ.
- Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng
cho vùng mỏ Quảng-ninh một bệnh viện lao, đồng thời phải tăng thêm thiết bị, dụng
cụ, cán bộ để xây dựng thêm các chuyên khoa, tăng thêm số giường nằm nhằm mở rộng
khả năng điều trị và chất lượng điều trị của các bệnh viện, bệnh xá hiện có của
các mỏ, tạo điều kiện để các bệnh viện, bệnh xá đó làm cả nhiệm vụ nghiên cứu,
điều trị các bệnh nghề nghiệp. Mặt khác cần cố gắng ưu tiên cung cấp thuốc chữa
bệnh cho ngành than.
- Bộ Công nghiệp nặng phải gấp
rút tổ chức một số cơ sở điều dưỡng để phục hồi sức khỏe cho những công nhân ốm
yếu chóng phục hồi sức khỏe và trở lại sản xuất. Các Bộ y tế, Bộ Nội thương và
các địa phương nơi có trại điều dưỡng của các mỏ có nhiệm vụ tích cực giúp việc
xây dựng kịp thời các cơ sở điều dưỡng này và cung cấp thực phẩm, thuốc men
theo chế độ của Nhà nước.
- Cần có quan hệ chặt chẽ giữa tổ
chức y tế mỏ than và y tế địa phương. Ty y tế Quảng-ninh có trách nhiệm giúp đỡ
y tế mỏ than tổ chức mạng lưới y tế; ty y tế địa phương còn có trách nhiệm kiểm
tra đôn đốc chặt chẽ các hoạt động của mạng lưới y tế mỏ.
Giám đốc các mỏ và xí nghiệp với
sự giúp đỡ của ty y tế địa phương phải tăng cường quản lý hệ thống y tế của
ngành mỏ nhằm phục vụ tốt cho việc phòng chữa bệnh của công nhân, cán bộ.
b) Về chế độ y tế:
- Thực hiện chế độ khám sức khỏe
toàn diện cho công nhân hầm lò và công nhân lái các loại máy cơ giới nặng nhọc
(kể cả công nhân lái ô tô trọng tải 20 tấn) 6 tháng một lần.
- Tiền thuốc chữa bệnh, tiền bồi
dưỡng và chế độ thực phẩm, khi nằm bệnh viện, bệnh xá đối với công nhân hầm lò
và công nhân lái các loại máy cơ giới nặng nhọc (kể cả ô tô trọng tải 20 tấn)
được nâng lên cao hơn các loại công nhân khác. Mức tăng cụ thể do Bộ Công nghiệp
nặng bàn với Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định.
- Gia đình công nhân sinh sống tại
chỗ với người công nhân cũng được khám và chữa bệnh tại các bệnh viện của mỏ và
của địa phương.
4. Tăng cường
các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao.
Các mỏ, xí nghiệp phải đẩy mạnh
phong trào học tập bổ túc văn hóa cho công nhân để nâng cao từng bước trình độ
văn hóa từ phổ cập cấp I lên phổ cập cấp II và dần dần tiến lên phổ cập cấp
III.
- Đẩy mạnh các hoạt động văn
hóa, văn nghệ ở các mỏ, đặc biệt chú ý bảo đảm việc nghe tin tức và thời sự cho
công nhân, cán bộ. Nhà nước sẽ cấp thêm một số máy chiếu bóng, loa, báo chí v
.v… để tổ chức phục vụ cho công nhân, cán bộ. Bộ Văn hóa và ty văn hóa các địa
phương có mỏ than cần có kế hoạch hướng dẫn nghiệp vụ cho các mặt hoạt động văn
hóa, văn nghệ trong các mỏ và tăng cường hoạt động của các đội chuyên nghiệp phục
vụ cho công nhân, cán bộ các mỏ.
Phải đẩy mạnh các hoạt động thể
thao, thể dục để nâng cao sức khỏe của công nhân, cán bộ. Ủy ban Thể dục thể
thao các cấp cần tăng cường hoạt động để hướng dẫn phong trào này trong các mỏ
than và cùng Bộ Y tế nghiên cứu hướng dẫn tập thể dục đối với từng loại công
nhân cho thích hợp với nghề nghiệp.
III. THỰC HIỆN
TỐT CÁC CHẾ ĐỘ KHUYẾN KHÍCH VẬT CHẤT, TINH THẦN VÀ QUAN TÂM HƠN NỮA ĐỐI VỚI ĐỜI
SỐNG GIA ĐÌNH CÔNG NHÂN, CÁN BỘ.
a) Thực hiện rộng rãi chế độ trả
lương theo sản phẩm trong các mỏ nói chung và từng bước thực hiện chế độ trả
lương theo sản phẩm có thưởng cho công nhân hầm lò nói riêng. Đối với công nhân
đi lò nhanh, bước đầu có thể thực hiện chế độ thưởng lũy tiến. Chế độ trả lương
sản phẩm có thưởng và chế độ thưởng lũy tiến này sẽ do Bộ Lao động cìmg với Bộ
Công nghiệp năng, Bộ Tài chính, Tổng công đoàn nghiên cứu và tạm thời quy định
rồi cho áp dụng thử để rút kinh nghiệm trình Chính phủ ban hành thức sau.
b) Thưởng cho các đội, tổ sản xuất
hoàn thành vượt mức kế hoạch một số hiện vật để sử dụng chung. Đối với cá nhân
công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất, sẽ tùy theo yêu cầu sinh hoạt và
chính sách chung được ưu tiên phân phối cho một số mặt hàng công nghệ phẩm. Chế
độ thưởng sáng kiến phát minh vẫn được áp dụng như thường lệ.
Ngoài ra, đối với một số hàng cần
thiết cho lao động và sinh hoạt của công nhân như chăn, chiếu, màn, nón…cần được
cung cấp tăng lên một cách thích đáng, đồng thời phải tùy theo nhu cầu, điều kiện
lao động mà bảo đảm phân phối công bằng và có ưu tiên với một số ngành nghề nhất
định.
Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm
bàn với Bộ Nội thương một cách cụ thể để biết khả năng và đối tượng cung cấp mà
hướng dẫn thực hiện.
c) Giám đốc các mỏ và Ủy ban
hành chính các địa phương, nhất là Ủy ban hành chính tỉnh Quảng-ninh, phải cố gắng
từng bước sắp xếp công ăn việc làm cho vợ, con… công nhân, cán bộ trong đó ưu
tiên giải quyết cho vợ, con công nhân hầm lò và công nhân lái các loại máy cơ
giới nặng nhọc (kể cả ô tô trọng tải 20 tấn) . Trước mắt phải giải quyết ngay
cho số vợ, con công nhân, cán bộ đã đến ở vùng mỏ mà chưa có công ăn việc làm.
Đối với các gia đình công nhân,
cán bộ nào hiện đã đến ở vùng mỏ nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu thì Ủy ban
hành chính các địa phương có trách nhiệm cho đăng ký và cấp lương thực, thực phẩm…theo
như quy định hiện hành đối với nhân dân ở thị trấn, thị xã hay khu công nghiệp.
Những công nhân, cán bộ khác có gia đình cần và có điều kiện đưa ra ở vùng mỏ
thì Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm thu xếp cho đăng ký hộ khẩu.
d) Các gia đình công nhân, cán bộ
các mỏ, than được phát than dùng để nấu ăn cho gia đình mình và được giúp đỡ giải
quyết việc chế biến bột mì trả tiền theo giá quy định của Nhà nước.
e) Bộ Giáo dục có trách nhiệm
cùng Ủy ban hành chính địa phương có kế hoạch xây dựng thêm trường học, phát
triển các lớp mẫu giáo, đào tạo thêm giáo viên cho vùng mỏ, cố gắng có đủ trường
hợp để thu nhận hết con em công nhân, cán bộ có điều kiện đi học. Phải mở rộng
các trường cấp II, cấp III để thỏa mãn việc học hành của con cái công nhân mỏ.
Đối với con cái công nhân mỏ đã học hết cấp III phải được ưu tiên khi tuyển vào
các trường đại học. Giám đốc các mỏ có trách nhiệm giúp đỡ thêm điều kiện thuận
lợi để phát triển các trường, lớp. Bộ Công nghiệp nặng cần bàn với Bộ Giáo dục
và địa phương về các vấn đề có liên quan đến sự phát triển sự nghiệp giáo dục
trong vùng mỏ như việc tổ chức hệ thống trường phổ thông công nghiệp trong vùng
mỏ, việc bổ túc văn hóa cho công nhân và con cái công nhân.
Những biện pháp và chủ trương được
quy định trên đây nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn các chế độ
đã có và bổ sung mới một số chế độ khác. Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Lao động có
trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban
hành chính sách, chế độ toàn diện và lâu dài cho công nhân, cán bộ ngành mỏ.
Hiện nay, cả nước đang có chiến
tranh. Toàn Đảng, toàn dân đang tập trung sức lực chống Mỹ, cứu nước. Công
nhân, cán bộ chúng ta còn phải hy sinh và ra sức chịu đựng nhiều thiếu thốn,
khó khăn, nên chưa có điều kiện ban hành chính sách, chế độ một cách toàn diện
và giải quyết một cách rộng rãi được. Cán bộ, công nhân các mỏ than cần nhận rõ
sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tự mình tham gia tích cực vào việc tổ chức đời
sống của mình; hăng hái, phấn khởi thi đua sản xuất và công tác tốt hơn nữa,
góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục
than, các xí nghiệp liên hiệp than Hòn-gai, Cẩm-phả và các mỏ than phải nâng
cao tinh thần phụ trách của mình đối với việc tổ chức đời sống, giữ gìn sức khỏe
của công nhân, cán bộ, phải phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của các
ngành, các địa phương nhằm thực hiện tốt nghị quyết này.
Công đoàn các cấp một mặt làm tốt
công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để động viên công nhân bảo đảm thực hiện
tốt chế độ ngày công, giờ công, bảo đảm kỷ luật lao động nhằm sản xuất vượt mức
kế hoạch Nhà nước, mặt khác có quyền giám sát việc thực hiện, làm cho nghị quyết
này được các ngành, các cấp chấp hành kịp thời, đầy đủ.
Các ngành nội thương, lương thực,
y tế, lâm nghiệp, kiến trúc, giáo dục, văn hóa v .v… Ủy ban hành chính các địa
phương, nhất là Ủy ban hành chính tỉnh Quảng-ninh cần thấy rõ vị trí của ngành
khai thác than và điều kiện lao động vất vả, nặng nhọc của công nhân ngành này,
để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ra sức làm tròn trách nhiệm của mình trong
việc phục vụ, giúp đỡ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc chăm lo đời sống, giữ
gìn sức khỏe của công nhân các mỏ than.
Trước mắt, Bộ Công nghiệp nặng cần
phối hợp với Bộ Y tế, Tổng công đoàn phát động trong các mỏ phong trào chăm lo
đời sống, bảo đảm sức khỏe cho công nhân, cán bộ ngành than để đẩy mạnh sản xuất,
thực hiện kế hoạch quý I và kế hoạch năm 1969, lấy nghị quyết này làm nội dung
chính của cuộc vận động. Các ngành và Ủy ban hành chính các địa phương nhất là
tỉnh Quảng-ninh phải giáo dục, động viên cán bộ, nhân viên ngành mình, địa
phương mình phục vụ tốt đời sống, sức khỏe của công nhân, cán bộ ngành than,
trước mắt phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện nghị quyết
này.
Nghị quyết này phải được phổ biến
đến công nhân, cán bộ các mỏ than và đến các cán bộ, nhân viên các ngành, các địa
phương có trách nhiệm phục vụ tốt đời sống công nhân, cán bộ các mỏ than.
|
TM.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|