CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
31/2006/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2006
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí và chức năng
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội là tổ
chức thanh tra thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; ở Trung ương có
Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề; ở tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về lao động,
thương binh và xã hội trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Đối tượng thanh tra
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý
trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động
theo quy định của Bộ luật Lao động.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
thuộc lĩnh vực dạy nghề, người có công và xã hội trong phạm vi cả nước.
4. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định
này thì áp dụng Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
1. Hoạt động của Thanh tra Lao động - Thương
binh và Xã hội phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung
thực, công khai, dân chủ và kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của
cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
2. Khi tiến hành thanh tra, người ra quyết định
thanh tra, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên
Đoàn thanh tra phải thực hiện các quy định về pháp luật công tác thanh tra,
pháp luật khác có liên quan và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của
mình.
Điều 4. Mối quan hệ công tác
1. Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội hoạt
động dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước
về lao động, thương binh và xã hội cùng cấp và sự chỉ đạo về công tác, tổ chức
và nghiệp vụ thanh tra của cơ quan thanh tra cấp trên.
a) Thanh tra Bộ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực
tiếp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự chỉ đạo,
hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Chính phủ
theo quy định của pháp luật;
b) Thanh tra Tổng cục Dạy nghề chịu sự lãnh đạo,
chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đồng thời chịu sự chỉ
đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ thanh tra hành chính và thanh
tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ;
c) Thanh tra Sở chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực
tiếp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Giám
đốc Sở), đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ
thanh tra hành chính của Thanh tra cấp tỉnh và hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ
thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
2. Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội phối
hợp với Thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ
quan khác ở địa phương trong quá trình thanh tra các vấn đề liên quan đến công
tác lao động, thương binh và xã hội để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả
thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Chương 2:
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN
HẠN CỦA THANH TRA LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Điều 5. Tổ chức của Thanh
tra Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Thanh
tra Bộ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ) và Thanh tra Tổng cục Dạy nghề.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có Thanh tra Sở (sau đây gọi tắt là Thanh tra Sở).
3. Tổ chức thanh tra quy định tại khoản 1, khoản
2 Điều này có con dấu và tài khoản riêng.
Điều 6. Tổ chức của Thanh
tra Bộ
1. Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra và
thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân
thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm
vụ của đơn vị; thanh tra chuyên ngành đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt
động trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội trên phạm vi cả nước.
2. Thanh tra Bộ có Chánh thanh tra, Phó Chánh
thanh tra và Thanh tra viên. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh thanh tra, Phó
Chánh thanh tra và Thanh tra viên thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra Bộ được tổ chức cấp phòng; Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ
chức bộ máy và biên chế của Thanh tra Bộ.
Điều 7. Tổ chức của Thanh
tra Tổng cục Dạy nghề
1. Thanh tra Tổng cục Dạy nghề là cơ quan của Tổng
cục Dạy nghề; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên
ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Dạy nghề.
2. Thanh tra Tổng cục Dạy nghề có Chánh thanh
tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.
Chánh Thanh tra Tổng cục Dạy nghề do Bộ trưởng Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của
Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, sau khi thống nhất ý kiến với Chánh Thanh
tra Bộ.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh
Thanh tra Tổng cục Dạy nghề thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp
quản lý cán bộ.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Thanh tra
viên thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Tổ chức của Thanh
tra Sở
1. Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng thanh tra hành chính
đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Giám đốc Sở về việc
thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đơn vị; thanh tra chuyên ngành đối
với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Thanh tra Sở có Chánh thanh tra, Phó Chánh
thanh tra và Thanh tra viên. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh thanh tra, Phó
Chánh thanh tra và Thanh tra viên thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Giám đốc Sở quy định cụ thể về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và biên chế của Thanh tra Sở.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Thanh tra Bộ
1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội.
2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội.
3. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật
thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội của các cơ quan, tổ chức, cá
nhân trên phạm vi cả nước.
4. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao
động, thương binh và xã hội.
5. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ
hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiến nghị huỷ bỏ quyết
định trái pháp luật về lao động, thương binh và xã hội khi có đủ căn cứ cho rằng
hành vi hoặc quyết định đó gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của công dân.
6. Giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của
pháp luật.
7. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống
tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực
lao động, thương binh và xã hội.
8. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra hành
chính và thanh tra chuyên ngành đối với Thanh tra Tổng cục Dạy nghề; thanh tra
chuyên ngành về lao động, thương binh và xã hội đối với Thanh tra Sở; hướng dẫn,
kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định của pháp luật về công tác
thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
9. Tổng hợp, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và Tổng Thanh tra về công tác thanh tra, giải quyết khiếu
nại, tố cáo, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định; tổng kết kinh nghiệm,
nghiệp vụ thanh tra lao động, thương binh và xã hội.
10. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực thanh tra.
11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy
định của pháp luật hoặc Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Chánh Thanh tra Bộ
1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra hành
chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng;
công tác thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra
trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định và tổ chức thực
hiện chương trình, kế hoạch đó.
3. Trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về
lao động, thương binh và xã hội.
4. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao
động, thương binh và xã hội theo quy định của pháp luật.
5. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về lao
động, thương binh và xã hội thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng; phối hợp với
người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có
hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
6. Trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc thành lập Đoàn thanh
tra, cử Thanh tra viên, trưng tập Cộng tác viên thanh tra thực hiện nhiệm vụ
thanh tra theo quy định của pháp luật.
7. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Bộ trưởng phối hợp với Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý việc chồng chéo, trùng
lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra về lao động, thương
binh và xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
8. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội tạm đình chỉ việc thi hành quyết định của cơ quan, tổ chức thuộc quyền
quản lý trực tiếp của Bộ trưởng khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp
luật hoặc gây cản trở đến hoạt động thanh tra.
9. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội xử lý, giải quyết các nội dung công việc về công tác thanh tra theo
thẩm quyền.
10. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, Tổng Thanh tra về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo,
tiếp công dân, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của
mình.
11. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật hoặc Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Thanh tra Tổng cục Dạy nghề
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Tổng cục trưởng
Tổng cục Dạy nghề.
2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật thuộc lĩnh
vực dạy nghề của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước.
3. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy
nghề theo quy định của pháp luật.
4. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái với văn bản quy phạm
pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra của Thanh tra Tổng cục Dạy
nghề.
5. Giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề hướng
dẫn, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền
của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề theo quy định của pháp luật về khiếu nại,
tố cáo.
6. Giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề hướng
dẫn, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề theo quy định của pháp luật về
chống tham nhũng.
7. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Tổng cục Dạy
nghề.
8. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng
cục Dạy nghề theo quy định.
9. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, tổ chức trực
thuộc Tổng cục Dạy nghề thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh
tra.
10. Tổng kết kinh nghiệm, nghiệp vụ thanh tra
trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Thanh tra Tổng cục Dạy nghề.
11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy
định của pháp luật hoặc do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề giao.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Chánh Thanh tra Tổng cục Dạy nghề
1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm
vi quản lý nhà nước của Thanh tra Tổng cục Dạy nghề.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra
trình cấp có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch
đó sau khi được phê duyệt.
3. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề quyết
định việc thanh tra khi phát hiện vi phạm pháp luật về dạy nghề.
4. Kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy
nghề tạm đình chỉ việc thi hành quyết định của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền
quản lý của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm
pháp luật.
5. Xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
6. Kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy
nghề xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản
lý của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; phối hợp với người đứng đầu cơ quan,
tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc
quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
7. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề quyết
định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc thành lập Đoàn Thanh tra, cử Thanh
tra viên, trưng tập Cộng tác viên thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo
quy định của pháp luật.
8. Kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,
Chánh Thanh tra Bộ xử lý, giải quyết các nội dung công việc về công tác thanh
tra theo thẩm quyền.
9. Báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,
Chánh Thanh tra Bộ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật hoặc do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Chánh Thanh tra Bộ giao.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Thanh tra Sở
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Giám đốc
Sở.
2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật
về lao động, thương binh và xã hội của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa
bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Giúp Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao
động, thương binh và xã hội.
5. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ
hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị huỷ bỏ quyết định trái pháp luật về lao động,
thương binh và xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có đủ căn cứ cho rằng
hành vi, quyết định đó gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích
hợp pháp của công dân trong quá trình thanh tra.
6. Thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham
nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng trong lĩnh vực lao động,
thương binh và xã hội.
7. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Sở thực
hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
8. Tổng hợp, báo cáo về công tác thanh tra, giải
quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước
của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo quy định.
9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định
của pháp luật hoặc Giám đốc Sở giao.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Chánh Thanh tra Sở
1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra hành
chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của
Giám đốc Sở; công tác thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực lao động, thương binh
và xã hội.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra
trình Giám đốc Sở quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
3. Trình Giám đốc Sở quyết định việc thanh tra
khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lao động, thương binh và xã hội.
4. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao
động, thương binh và xã hội theo quy định của pháp luật.
5. Kiến nghị Giám đốc Sở xem xét trách nhiệm, xử
lý người có hành vi vi phạm pháp luật về lao động, thương binh và xã hội thuộc
thẩm quyền quản lý của Giám đốc Sở; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức
trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản
lý của cơ quan, tổ chức đó.
6. Trình Giám đốc Sở quyết định hoặc quyết định
theo thẩm quyền việc thành lập Đoàn thanh tra, cử Thanh tra viên, trưng tập Cộng
tác viên thanh tra thực hiện nhiệm vụ của thanh tra theo quy định của pháp luật.
7. Kiến nghị Giám đốc Sở tạm đình chỉ việc thi
hành quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của
Giám đốc sở khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật hoặc gây cản trở
đến hoạt động thanh tra.
8. Kiến nghị Giám đốc Sở xử lý, giải quyết các nội
dung công việc về công tác thanh tra theo thẩm quyền.
9. Báo cáo Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Bộ về
công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng ngừa, đấu
tranh chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của mình.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật hoặc Giám đốc Sở giao.
Điều 15. Thanh tra viên Lao
động - Thương binh và Xã hội
1. Thanh tra viên Lao động - Thương binh và Xã hội
là công chức nhà nước, được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện thanh tra
hành chính; thanh tra chuyên ngành về lao động, thương binh và xã hội.
2. Thanh tra viên Lao động - Thương binh và Xã hội
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 50 và Điều
51 Luật Thanh tra; Điều 186 và Điều 187 Bộ luật Lao động.
3. Ngoài những quy định chung về điều kiện, tiêu
chuẩn của ngạch thanh tra, Thanh tra viên Lao động - Thương binh và Xã hội phải
đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khác phù hợp với ngành, lĩnh vực theo quy định
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
quy định cụ thể chức danh, điều kiện, tiêu chuẩn, nghiệp vụ của ngạch Thanh tra
viên Lao động - Thương binh và Xã hội; trình tự cấp, thu hồi thẻ Thanh tra viên
Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cấp
thẻ Thanh tra viên Lao động, Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Cộng tác viên
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Cộng tác viên Thanh tra Lao động - Thương
binh và Xã hội là người được trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh Thanh tra Bộ; Tổng cục trưởng
Tổng cục Dạy nghề, Chánh Thanh tra Tổng cục Dạy nghề; Giám đốc Sở, Chánh Thanh
tra sở để thực hiện nhiệm vụ thanh tra về lao động, thương binh và xã hội.
2. Cộng tác viên thanh tra phải có đủ các tiêu
chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm,
liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;
b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với
nhiệm vụ thanh tra về lao động, thương binh và xã hội;
c) Có kiến thức pháp luật và kiến thức về lao động,
thương binh và xã hội theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Quy chế cộng tác viên thanh tra lao động, thương binh và xã hội.
Chương 3:
HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA
LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Điều 17. Hoạt động thanh
tra hành chính
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Giám đốc Sở.
Điều 18. Hoạt động thanh
tra chuyên ngành
Thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân về
việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực:
1. Lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội,
xuất khẩu lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, dạy nghề.
2. Ưu đãi người có công với cách mạng.
3. Phòng chống tệ tạn xã hội, bảo trợ xã hội.
4. Các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Hình thức thanh
tra
1. Thanh tra được thực hiện với hình thức thanh
tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất.
2. Thanh tra theo chương trình, kế hoạch sau khi
được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy
nghề hoặc Giám đốc Sở phê duyệt.
3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện
cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền giao.
Điều 20. Phương thức hoạt động
thanh tra
1. Việc thanh tra được thực hiện theo phương thức
Đoàn Thanh tra hoặc thanh tra độc lập.
2. Đoàn Thanh tra và Thanh tra viên hoạt động
theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.
Chương 4:
TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, CẤP
HIỆU, BIỂN HIỆU, PHƯƠNG TIỆN VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 21. Trang phục, phù hiệu,
cấp hiệu, biển hiệu
1. Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội có
trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu riêng.
Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng
trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu tương tự, gây sự nhầm lẫn với Thanh
tra Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của Thanh tra Lao động -
Thương binh và Xã hội sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra.
Điều 22. Bảo đảm điều kiện
làm việc
1. Các cơ quan Thanh tra Lao động - Thương binh
và Xã hội được bố trí trụ sở làm việc, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ
công tác thanh tra.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Giám đốc Sở quy định về phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan Thanh tra
Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Kinh phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của Thanh tra lao động,
thương binh và xã hội do ngân sách nhà nước cấp và nguồn kinh phí khác theo quy
định của pháp luật.
2. Việc cấp phát, quản lý kinh phí thực hiện
theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan.
Chương 5:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 24. Khen thưởng
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt
động thanh tra lao động, thương binh và xã hội được xét khen thưởng theo quy định
của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 25. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động của
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội; mua chuộc, trả thù Thanh tra viên;
trả thù người khiếu nại, tố cáo; lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình vi phạm
các quy định của Nghị định này hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp
luật.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,
kể từ ngày đăng Công báo.
Những quy định trước đây trái với quy định của
Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 27. Trách nhiệm thi
hành
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có liên quan
hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCB (5b). Hà.
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phan Văn Khải
|