UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 50/KH-UBND
|
Yên Bái, ngày 24 tháng 4
năm 2013
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN XÁC ĐỊNH VỊ
TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Nghị định số 21/2010/NĐ-CP
ngày 08 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức; Thông tư
số 07/2010/TT-BNV ngày 26 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 21/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý biên chế công chức;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP
ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý công chức; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Nội
vụ Quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị
định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển
dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP
ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị
sự nghiệp công lập; Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ
Nội vụ Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012
của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập,
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban
hành Kế hoạch xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo
ngạch, viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ quan, đơn vị trên địa
bàn tỉnh Yên Bái, cụ thể như sau:
1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
a) Mục đích:
- Xác định thực trạng về tổ chức, mạng lưới và vị trí việc làm
trong các cơ quan, đơn vị để có kế hoạch phân bổ, điều chỉnh, bổ sung nguồn nhân lực, bố trí biên chế phù hợp với từng đối tượng gắn
với vị trí việc làm, ngạch công chức cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu
tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh;
- Rà soát lại toàn bộ đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn
tỉnh. Trên cơ sở đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyển
dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp với chức năng nhiệm
vụ của đơn vị, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, từng bước nâng
cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh;
- Đổi mới phương pháp quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên từng lĩnh vực cụ
thể; sắp xếp bố trí nhân lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy năng lực, khả năng công tác của cán bộ công chức, viên chức
ở từng cơ quan, đơn vị.
b) Yêu cầu:
- Đề án phải phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực tế của cơ quan, đơn vị;
- Mỗi vị trí việc làm phải
gắn với chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức vụ
lãnh đạo, quản lý tương ứng;
- Bảo đảm tính khoa học, khách
quan, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG
a) Cơ quan hành chính:
- Các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh bao gồm: Các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ bên trong
(phòng, ban); các Chi cục, Ban trực thuộc Sở và các tổ chức chuyên môn bên
trong của Ban, Chi cục;
- Các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố được thành lập đúng thẩm quyền
theo quy định của pháp luật.
b) Đơn vị sự nghiệp:
- Các đơn vị sự nghiệp trực
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp trực
thuộc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các
tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của
pháp luật.
3. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
a) Thống kê thực trạng vị trí
việc làm, biên chế, cơ cấu công chức theo ngạch, viên chức theo chức danh nghề
nghiệp;
b) Xác định thực trạng công
việc, số lượng người của từng vị trí việc làm;
c) Đề xuất vị trí việc làm,
số biên chế cần thiết để bố trí, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên
chức theo vị trí việc làm.
4. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN VÀ THẨM
QUYỀN PHÊ DUYỆT
a) Cơ quan hành chính nhà
nước:
Thủ trưởng các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố chỉ đạo các phòng, ban, chi cục trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao rà soát xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo
ngạch gửi Sở Nội vụ tổng hợp, thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê
duyệt, báo cáo Bộ Nội vụ theo qui định.
b) Đơn vị sự nghiệp:
- Đối với đơn vị sự nghiệp
trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Xây dựng, thẩm định đề án vị trí việc làm và
cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, thẩm định
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt;
- Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở,
Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các phòng chuyên môn
của UBND huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu
viên chức theo chức danh nghề nghiệp báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định, tổng
hợp gửi Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. CÁCH
THỨC TIẾN HÀNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
a) Đối với cơ quan hành chính
nhà nước:
- Xác định vị trí việc làm
thực hiện theo các bước sau:
+ Bước 1: Thống kê công việc
theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao;
+ Bước 2: Phân nhóm công
việc;
+ Bước 3: Xác định các yếu tố
ảnh hưởng đến công việc;
+ Bước 4: Thống kê, đánh
giá thực trạng chất lượng đội ngũ công chức hiện có;
+ Bước 5: Xác định danh mục
các vị trí việc làm cần có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ;
+ Bước 6: Xây dựng bản mô tả
công việc của từng vị trí việc làm;
+ Bước 7: Xây dựng khung năng
lực của từng vị trí việc làm;
+ Bước 8: Xác định ngạch công
chức tương ứng, chức danh lãnh đạo, quản lý (nếu có) cho từng vị trí việc làm.
- Vị trí việc làm được xác
định cho các vị trí sau:
+ Vị trí của công chức giữ
chức vụ lãnh đạo, quản lý, bao gồm: vị trí việc làm của Phó Trưởng phòng và
tương đương trở lên đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Vị trí của công chức thực
thi, thừa hành, bao gồm: vị trí việc làm của công chức không giữ chức vụ lãnh
đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Phân loại vị trí việc làm
và xác định tổng biên chế, trong đó phân tích số biên chế công chức theo vị trí
việc làm trong các trường hợp:
+ Mỗi vị trí việc làm tương
ứng với 01 biên chế hay 01 người làm việc;
+ Mỗi vị trí việc làm tương
ứng với nhiều hơn 01 biên chế hay nhiều hơn 01 người làm việc;
+ Mỗi vị trí việc làm tương
ứng với ít hơn 01 biên chế hay ít hơn 01 người làm việc.
- Xác định cơ cấu ngạch công
chức phù hợp với yêu cầu và nội dung công việc của đơn vị, gồm:
+ Chuyên viên cao cấp và
tương đương: Số lượng và tỷ lệ (%);
+ Chuyên viên chính và tương
đương: Số lượng và tỷ lệ (%);
+ Chuyên viên và tương đương:
Số lượng và tỷ lệ (%);
+ Cán sự và tương đương: Số
lượng và tỷ lệ (%);
+ Nhân viên: Số lượng và tỷ
lệ (%).
b) Đối với đơn vị sự nghiệp:
Xây dựng Đề án xác định vị
trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo qui định tại Nghị
định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của
Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12
năm 2012 của Bộ Nội vụ.
6. LỘ TRÌNH VÀ THỜI GIAN THỰC
HIỆN
Từ quí II, năm 2013 các cơ
quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện việc xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch
công chức, viên chức theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền gửi về Sở Nội vụ tổng hợp trước ngày 15
tháng 6 năm 2013; các năm tiếp theo gửi
về trước ngày 31 tháng 5 hàng năm. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tổng hợp,
báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.
7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
a) Sở Nội vụ:
- Tổ chức hướng dẫn các cơ
quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng,
hiệu quả, đúng qui định của pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa,
thống nhất về nhận thức và hành động của việc thực hiện xây dựng đề án xác định
vị trí việc làm;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kiến
thức, kỹ năng phân tích, mô tả công việc;
- Tổng hợp, đề xuất kinh phí
chi cho các nhiệm vụ phát sinh liên quan đến nội dung này gửi Sở Tài chính thẩm
định
- Thực hiện chế độ báo cáo theo
qui định.
b) Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội
vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thẩm định, đề xuất, bố trí nguồn
kinh phí xây dựng Đề án báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
c) Các Sở, Ban, ngành; đơn vị
sự nghiệp trực thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
- Theo chức năng nhiệm vụ
được giao và mục đích yêu cầu của đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch này theo
các văn bản qui định, hướng dẫn hiện hành.
- Tổ chức đánh giá sơ kết,
tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- TT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Yên Bái;
- Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Chánh, Phó Chánh VP UBND tỉnh (TH);
- Lưu: VT, TC, TH, VX, NC,
|
CHỦ TỊCH
Phạm Duy Cường
|