Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 238/HD-TLD Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Người ký: Đặng Ngọc Tùng
Ngày ban hành: 04/03/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

THI HÀNH ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013 - 2018) đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ như sau:

Chương 1.

ĐOÀN VIÊN VÀ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN

1. Đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam theo quy định tại Điều 1, bao gồm:

1.1. Đối tượng kết nạp vào tổ chức Công đoàn.

Người Việt Nam đang làm việc, hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động bao gồm:

a. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Riêng cơ quan xã, phường, thị trấn còn bao gồm cả những người hưởng định xuất lương, phụ cấp đang làm việc trong cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, phường, thị trấn.

b. Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.

c. Người Việt Nam đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

d. Người Việt Nam lao động tự do, hợp pháp có nguyện vọng gia nhập công đoàn thì được kết nạp vào nghiệp đoàn.

đ. Những người được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

e. Ngoài các đối tượng trên có thể xem xét kết nạp các đối tượng sau đây vào công đoàn, nghiệp đoàn khi có đủ điều kiện:

- Người Việt Nam lao động tự do, hợp pháp, bao gồm những lao động cá thể được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề nhưng không thuê mướn lao động trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế...

- Người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được ký kết giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, có thời hạn một năm trở lên.

1.2. Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn.

a. Người lao động có quốc tịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

b. Chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc; người được ủy quyền quản lý doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, giám đốc nhân sự.

c. Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

d. Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp.

đ. Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án.

1.3. Những đoàn viên công đoàn nay là chủ doanh nghiệp, đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

1. Đoàn viên công đoàn nay thuộc đối tượng quy định tại điểm b, điểm c, mục 1.2 Hướng dẫn này thì thôi là đoàn viên công đoàn. Trường hợp có nguyện vọng tiếp tục được tham gia sinh hoạt công đoàn thì ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét và công nhận là đoàn viên danh dự.

1.4. Đối với đoàn viên danh dự:

a. Được tham gia sinh hoạt công đoàn và các hoạt động do công đoàn tổ chức, được công đoàn khen thưởng theo quy định của Công đoàn. Là đại biểu mời dự đại hội toàn thể công đoàn cơ sở.

b. Không được biểu quyết và bầu cử khi tham dự các cuộc họp, hội nghị, đại hội của công đoàn. Không được ứng cử, đề cử để bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp và đại biểu dự đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu công đoàn các cấp.

c. Khuyến khích trường hợp tự nguyện đóng đoàn phí và công đoàn cơ sở có trách nhiệm thu.

2. Thủ tục kết nạp, công nhận, sử dụng, quản lý thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn quy định tại Điều 2 thực hiện như sau:

2.1. Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên:

a. Người vào công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam bao gồm: Đơn cá nhân bằng văn bản (có chữ ký bằng tay hoặc chữ ký điện tử) hoặc đơn của tập thể bằng văn bản (có đầy đủ chữ ký của người lao động theo danh sách trong đơn gia nhập công đoàn).

b. Ban chấp hành công đoàn cơ sở ra quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên. Trong buổi lễ kết nạp đoàn viên có thể tiến hành kết nạp nhiều người, những người được kết nạp phải có mặt tại buổi lễ kết nạp (trừ trường hợp có lý do đặc biệt), công đoàn cơ sở công bố và trao quyết định kết nạp đoàn viên đến người lao động. Những đơn vị có đông người lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận, tổ công đoàn trực thuộc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.

c. Nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở:

Khi người lao động có đơn gia nhập công đoàn, ban vận động thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu nhận đơn, công bố danh sách người lao động gia nhập công đoàn và có văn bản đề nghị công đoàn cấp trên công nhận đoàn viên. Việc công nhận đoàn viên theo quy định tại mục 13, Chương III, Hướng dẫn này.

Trường hợp những nơi chưa tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên có trách nhiệm xem xét đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động, ra quyết định kết nạp, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên và trao thẻ đoàn viên công đoàn. Đoàn viên sau khi được kết nạp, công đoàn cấp trên có trách nhiệm giới thiệu, liên hệ nơi sinh hoạt cho đoàn viên hoặc tạm thời sinh hoạt tại cơ quan nơi tổ chức kết nạp cho đến khi có tổ chức công đoàn tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập.

Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức công đoàn thì làm đơn và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại.

2.2. Sử dụng thẻ đoàn viên công đoàn trong các trường hợp sau:

- Biểu quyết trong sinh hoạt công đoàn khi cần thiết.

- Xuất trình thẻ đoàn viên khi: chuyển sinh hoạt công đoàn; tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức (khi có yêu cầu); cần tư vấn, giúp đỡ của các cơ quan công đoàn.

- Xuất trình thẻ đoàn viên với công đoàn cấp trên để được tham gia sinh hoạt tạm thời khi nơi làm việc chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn nơi làm việc bị giải thể hoặc trong thời gian nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động chưa tìm được việc làm.

2.3. Quản lý thẻ đoàn viên công đoàn:

- Thẻ đoàn viên công đoàn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quản lý về phôi thẻ và phân cấp cho liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương quản lý việc phát thẻ đoàn viên trong phạm vi trực tiếp quản lý và chỉ đạo.

- Thẻ đoàn viên được trao trong buổi lễ kết nạp hoặc sau khi kết nạp. Đoàn viên nhận thẻ phải thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng thẻ đoàn viên, khi mất hoặc hỏng phải báo ngay với công đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt để được cấp lại hoặc đổi thẻ đoàn viên. Khi phát hiện thẻ đoàn viên giả phải báo cáo kịp thời với công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên.

- Đoàn viên ra khỏi tổ chức công đoàn, bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt thu lại thẻ đoàn viên và xoá tên trong danh sách đoàn viên.

- Đoàn viên khi nghỉ hưu hoặc nghỉ làm việc được giữ lại thẻ đoàn viên công đoàn.

2.4. Thủ tục chuyển sinh hoạt công đoàn:

- Khi chuyển nơi làm việc, đoàn viên xuất trình thẻ để được sinh hoạt công đoàn tại nơi đến. Trường hợp đoàn viên chưa được nhận thẻ, công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn chuyển đi có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt công đoàn cho đoàn viên.

- Trường hợp nơi đoàn viên làm việc chưa có tổ chức công đoàn thì đoàn viên liên hệ với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất theo địa giới hành chính để được hướng dẫn, giúp đỡ tiếp tục sinh hoạt công đoàn.

3. Về quyền của đoàn viên theo Điều 3 thực hiện như sau:

- Đoàn viên ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền tập hợp người lao động để tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Đoàn viên được ứng cử, đề cử để bầu vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của tổ chức công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Khi nghỉ hưu, nếu đoàn viên tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc ổn định thường xuyên thì tiếp tục sinh hoạt công đoàn tại nơi làm việc.

4. Về cán bộ công đoàn theo Điều 5, Điều 6thực hiện như sau:

4.1. Cán bộ công đoàn bao gồm: Tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp; ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, ủy viên các ban quần chúng công đoàn các cấp thông qua kết quả bầu cử, hoặc cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định. Cán bộ, công chức làm công tác nghiệp vụ công đoàn trong bộ máy tổ chức của công đoàn các cấp.

4.2. Quản lý Cán bộ công đoàn:

- Cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách công đoàn do tổ chức công đoàn ra quyết định công nhận (theo phân cấp đối với từng cấp công đoàn).

- Cán bộ công đoàn chuyên trách hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn do công đoàn trực tiếp quản lý toàn diện và thực hiện chính sách cán bộ theo quy định và phân cấp của Đảng và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Cán bộ công đoàn chuyên trách không hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn và cán bộ công đoàn không chuyên trách thì việc quản lý và thực hiện chính sách cán bộ do tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, đơn vị cùng phối hợp thực hiện theo nguyên tắc: doanh nghiệp, đơn vị thực hiện trả lương, nâng ngạch, bậc lương và các chế độ, chính sách quản lý cán bộ theo quy định chung của doanh nghiệp, đơn vị. Công đoàn cấp trên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về nghiệp vụ và nội dung hoạt động công đoàn; giám sát việc thực hiện chính sách đối với cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật và thực hiện chế độ phụ cấp theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4.3. Những trường hợp không kiêm nhiệm chức danh chủ tịch công đoàn gồm: Đoàn viên công đoàn giữ chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc trong các doanh nghiệp và thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khu vực nhà nước không được kiêm nhiệm chức danh chủ tịch công đoàn đồng cấp

Chương 2.

NGUYÊN TẤC VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo Điều 7 thực hiện như sau:

5.1. Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức công đoàn các cấp và đoàn viên trong hệ thống Công đoàn phục tùng Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nghị quyết đại hội, nghị quyết của công đoàn cùng cấp và công đoàn cấp trên. Nghị quyết của các cấp công đoàn chỉ có giá trị khi có trên 50% sô thành viên dự họp tán thành.

5.2. Đại hội công đoàn cấp nào quyết định phương hướng nhiệm vụ hoạt động của công đoàn cấp đó, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

6. Huy hiệu Công đoàn theo Điều 8 thực hiện như sau:

6.1. Huy hiệu Công đoàn được thống nhất sử dụng rộng rãi trong hoạt động của các cấp công đoàn.

6.2. Sử dụng huy hiệu Công đoàn phải thống nhất theo đúng màu sắc, bố cục quy định tại Điều 8, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

6.3. Những trường hợp bắt buộc sử dụng huy hiệu Công đoàn gồm:

- Đại hội công đoàn các cấp;

- Lễ kết nạp đoàn viên, lễ thành lập tổ chức công đoàn, lễ kỷ niệm ngày truyền thống của công đoàn;

- Trụ sở hoặc nơi làm việc của công đoàn các cấp;

- Văn kiện in thành sách của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên.

7. Về các cấp công đoàn theo Điều 9:

Hệ thống tổ chức Công đoàn được tổ chức theo các cấp cơ bản sau:

7.1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

7.2. Cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương gồm:

- Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là liên đoàn lao động cấp tỉnh);

- Công đoàn ngành trung ương và tương đương;

7.3. Cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm:

- Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);

- Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là công đoàn giáo dục huyện);

- Công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);

- Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Công đoàn tổng công ty trực thuộc liên đoàn lao động cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương;

- Công đoàn cơ quan trung ương khi có đủ điều kiện, bao gồm:

+ Công đoàn các ban của Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ.

+ Công đoàn cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

+ Công đoàn bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.

+ Công đoàn tổng cục, cục, đại học quốc gia, đại học vùng.

- Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định.

- Nghiệp đoàn theo nghề.

7.4. Cấp cơ sở gồm:

- Công đoàn cơ sở trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp).

- Nghiệp đoàn.

8. Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp theo Điều 10, Điều 11, Điều 12:

8.1. Nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp cơ sở.

a. Đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn: 5 năm 1 lần. Nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận theo nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

b. Những trường hợp sau đây, nếu có đề nghị bằng văn bản của công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp công đoàn cơ sở xem xét, quyết định nhiệm kỳ đại hội 5 năm 2 lần, gồm:

- Công đoàn cơ sở có dưới 10 đoàn viên.

- Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng năm có tỷ lệ thay đổi trong danh sách đoàn viên từ 20% trở lên hoặc trong nhiệm kỳ thay đổi ủy viên ban chấp hành từ 50% trở lên.

c. Tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn 5 năm 2 lần tổ chức hội nghị toàn thể để bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn và đánh giá thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn cơ sở. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị bất thường. Công đoàn cơ sở quyết định công nhận kết quả bầu cử tổ trưởng, tổ phó công đoàn.

8.2. Cách tính nhiệm kỳ đại hội:

- Đối với các tổ chức công đoàn khi chia tách được kế thừa nhiệm kỳ trước lúc chia tách tổ chức.

- Đối với tổ chức công đoàn khi sáp nhập, hợp nhất nếu giữ nguyên tên gọi của tổ chức công đoàn nào thì tiếp tục kế thừa nhiệm kỳ trước của tổ chức công đoàn đó, nếu có tên gọi mới thì tính theo nhiệm kỳ lần thứ nhất.

- Đối với công đoàn cơ sở do có sự thay đổi về mô hình tổ chức được nâng cấp thành công đoàn cấp trên cơ sở thì tính theo nhiệm kỳ lần thứ nhất của công đoàn cấp trên cơ sở (không kế thừa nhiệm kỳ của cấp cơ sở đối với cấp trên cơ sở).

8.3. Đại hội bất thường đối với các cấp công đoàn:

a. Đại hội bất thường phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý khi có một trong các điều kiện sau:

- Có thay đổi cơ bản về nhiệm vụ so với nghị quyết đại hội đề ra và được ban chấp hành biểu quyết tán thành.

- Khi số ủy viên ban chấp hành khuyết trên năm mươi phần trăm (50%).

- Nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc có hai phần ba (2/3) số ủy viên ban chấp hành bị tổ chức công đoàn xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên

b. Đại biểu dự đại hội bất thường:

- Đối với đại hội toàn thể là toàn thể đoàn viên.

- Đối với đại hội đại biểu: áp dụng một trong hai hình thức sau:

+ Triệu tập các ủy viên ban chấp hành đương nhiệm; đại biểu dự đại hội đầu nhiệm kỳ đang là đoàn viên cấp triệu tập trực tiếp quản lý và có đủ tư cách đại biểu. Trường hợp số lượng đại biểu dự đại hội đầu nhiệm kỳ thiếu, đại biểu thuộc cơ cấu ở đơn vị nào thiếu thì bầu bổ sung ở đơn vị đó cho đủ số lượng cần triệu tập.

+ Thực hiện bầu toàn bộ số đại biểu từ dưới lên theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

8.4. Hình thức tổ chức đại hội.

Đại hội công đoàn các cấp có hai hình thức: Đại hội đại biểu, đại hội toàn thể đoàn viên.

a. Các trường hợp sau đây tổ chức đại hội đại biểu:

- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên.

- Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận có từ 150 đoàn viên trở lên. Trường hợp có dưới 150 đoàn viên nhưng hoạt động phân tán, lưu động, khó khăn trong việc tổ chức đại hội toàn thể thì có thể tổ chức đại hội đại biểu khi được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.

b. Đại hội toàn thể là đại hội của tất cả đoàn viên (trừ những trường hợp đang trong thời hạn kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, bị khởi tố, truy tố, tạm giam hoặc đang trong thời hạn chấp hành các hình phạt của tòa án) được tổ chức tại công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận có dưới 150 đoàn viên. Trường hợp có từ 150 đoàn viên trở lên, nếu đoàn viên yêu cầu đại hội toàn thể do công đoàn cấp trên xem xét quyết định.

8.5. Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội.

a. Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội, hoặc hội nghị đại biểu công đoàn các cấp do ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập quyết định căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng CĐCS, nghiệp đoàn và tình hình cụ thể của đơn vị, theo quy định sau:

- Đại hội công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên và nghiệp đoàn không quá 150 đại biểu; CĐCS có từ 5.000 đoàn viên trở lên không quá 200 đại biểu.

- Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Không quá 200 đại biểu.

- Đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương có:

+ Dưới 80.000 đoàn viên: Không quá 250 đại biểu.

+ Từ 80.000 đoàn viên đến dưới 100.000 đoàn viên: Không quá 300 đại biểu.

+ Từ 100.000 đoàn viên đến 300.000 đoàn viên: Không quá 400 đại biểu.

+ Trên 300.000 đoàn viên: Không quá 500 đại biểu.

- Đại hội công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Không quá 250 đại biểu.

- Số lượng đại biểu Đại hội Công đoàn Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

Trường hợp đặc biệt, nếu cần phải tăng thêm số lượng đại biểu chính thức phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. Số đại biểu tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên.

b. Đại biểu đi dự đại hội công đoàn, hoặc hội nghị đại biểu công đoàn cấp trên được bầu từ đại biểu chính thức của đại hội, hoặc hội nghị cấp dưới.

- Trường hợp đã bầu đại biểu, nhưng có quyết định chia, tách công đoàn cấp đó thành một số công đoàn mới, thì công đoàn cấp triệu tập đại hội có thể quyết định cho bầu bổ sung một số đại biểu ở các công đoàn mới chia, tách cho phù hợp với quy định tại điểm a mục 8.5 Chương II, Hướng dẫn này.

- Trường hợp đã bầu đại biểu, nhưng do yêu cầu chia, tách, công đoàn đó được về trực thuộc công đoàn cấp trên mới, nếu công đoàn cấp trên mới chưa tiến hành đại hội, công đoàn cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm triệu tập số đại biểu của công đoàn mới chuyển về và tính vào tổng số đại biểu được triệu tập của đại hội.

- Trường hợp đã bầu đại biểu, nhưng có quyết định giải thể công đoàn cấp đó, thì các đại biểu được bầu không còn là đại biểu chính thức đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

8.6. Triệu tập đại biển đại hội, hội nghị.

Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội, hội nghị chỉ triệu tập các đại biểu chính thức dự đại hội, hội nghị khi:

- Đại biểu chỉ định và đại biểu bầu do đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới bầu lên đúng nguyên tắc, thể lệ bầu cử và quy định của ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập.

- Đại biểu là ủy viên ban chấp hành đương nhiệm của ban chấp hành cấp triệu tập đại hội trong nhiệm kỳ có tham dự trên 50% số kỳ họp.

8.7. Trình tự nội dung đại hội công đoàn các cấp.

Đại hội công đoàn các cấp được tiến hành trình tự theo các nội dung chủ yếu sau:

- Chào cờ.

- Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu.

- Diễn văn khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Thông qua chương trình, quy chế làm việc của đại hội.

- Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu (đại hội toàn thể đoàn viên do đoàn chủ tịch đại hội báo cáo về số lượng và tư cách đoàn viên dự đại hội).

- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới.

- Thảo luận các văn kiện của đại hội.

- Phát biểu của công đoàn cấp trên, đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, chuyên môn.

- Tổ chức bầu cử (thực hiện các công việc theo quy trình bầu cử).

- Thông qua nghị quyết đại hội.

- Bế mạc (chào cờ).

8.8. Nguyên tắc, thủ tục tổ chức điều hành đại hội.

a. Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội:

- Chịu trách nhiệm xây dựng chương trình làm việc của đại hội; dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần và danh sách đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội trình đại hội thảo luận, thông qua bằng biểu quyết giơ tay (có thể biểu quyết thông qua một lần cả danh sách hoặc biểu quyết thông qua từng người). Trường hợp có ý kiến không tán thành về một hay nhiều thành viên trong đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu thì đại diện ban chấp hành cấp triệu tập đại hội trình lại dự kiến cơ cấu để xin ý kiến đại hội. Nếu vẫn còn ý kiến không đồng ý thì ban chấp hành hoặc đại hội có quyền giới thiệu người khác bổ sung và đại hội thông qua bằng biểu quyết giơ tay.

- Xem xét, giải quyết và báo cáo ban thẩm tra tư cách đại biểu về kết quả giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu.

b. Đoàn chủ tịch đại hội.

- Đoàn chủ tịch đại hội là những đại biểu chính thức của đại hội. Nếu thấy cần thiết có thể mời đại biểu là khách mời của đại hội tham gia đoàn chủ tịch với tư cách là thành viên danh dự (thành viên đoàn chủ tịch danh dự không trực tiếp tham gia điều hành đại hội), số lượng thành viên danh dự tham gia đoàn chủ tịch không quá một phần năm (1/5) tổng số thành viên đoàn chủ tịch đại hội.

Đoàn chủ tịch đại hội có quyền hạn và nhiệm vụ:

- Điều hành công việc của đại hội, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số.

- Phân công thành viên điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội biểu quyết thông qua, chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết, lãnh đạo, điều hành các hoạt động của đại hội.

- Điều hành việc bầu cử, quyết định các trường hợp cho rút hoặc không cho rút khỏi danh sách đề cử.

- Nhận biên bản kết quả bầu cử và phiếu bầu đã niêm phong từ ban bầu cử để bàn giao cho ban chấp hành công đoàn khóa mới.

- Chỉ định triệu tập viên kỳ họp thứ nhất của ban chấp hành sau khi công bố kết quả bầu cử ban chấp hành công đoàn.

c. Đoàn thư ký đại hội.

Đoàn thư ký đại hội có các nhiệm vụ sau:

- Ghi biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội.

- Quản lý và phát hành tài liệu có liên quan đến đại hội theo sự chỉ đạo của đoàn chủ tịch đại hội.

- Thu nhận, bảo quản và gửi đến ban chấp hành khóa mới đầy đủ hồ sơ, văn kiện chính thức của đại hội.

Trưởng đoàn thư ký chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch đại hội về nhiệm vụ của đoàn thư ký, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

8.9. Thẩm tra tư cách đại biểu và nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội.

a. Thẩm tra tư cách đại biểu: Đại biểu dự đại hội được công nhận đủ tư cách đại biểu khi có trên 50% số đại biểu chính thức có mặt tại đại hội biểu quyết nhất trí bằng giơ tay. Đại hội toàn thể đoàn viên không biểu quyết công nhận tư cách đại biểu; ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội báo cáo trước đại hội về số lượng và tư cách đoàn viên dự đại hội.

b. Ban thẩm tra tư cách đại biểu: Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội là những đại biểu chính thức của đại hội. Đại hội toàn thể đoàn viên không bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu.

c. Nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu:

- Nghiên cứu các tài liệu về đại biểu do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội cung cấp. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu và các nguyên tắc để xem xét tư cách đại biểu. Tổng hợp, phân tích và báo cáo về tình hình đại biểu (cần có sự phối hợp của đoàn thư ký đại hội).

- Xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu gửi đến trước ngày đại hội, hội nghị khai mạc chính thức 10 ngày, tính từ ngày nhận được đơn, thư. Các đơn thư gửi sau không giải quyết trong đại hội, hội nghị, chuyển ban chấp hành mới hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.-

- Báo cáo việc thẩm tra tư cách đại biểu và kết luận việc xem xét các đơn thư để đoàn chủ tịch điều hành đại hội thảo luận và quyết định bằng biểu quyết giơ tay.

- Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội chấm dứt nhiệm vụ sau khi đại hội biểu quyết thông qua tư cách đại biểu.

d. Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội xem xét, quyết định tư cách đại biểu: Trường hợp đại biểu đang còn trong thời gian chấp hành kỷ luật từ khiển trách trở lên (kỷ luật đảng, chính quyền, công đoàn, các đoàn thể) ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội xem xét tư cách đại biểu và báo cáo để đại hội biết.

8.10. Hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể.

- Số lượng đại biểu chính thức dự hội nghị đại biểu và thẩm tra tư cách đại biểu thực hiện như mục 8.5, 8.9 Chương II Hướng dẫn này

- Trường hợp không thể tổ chức được hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể thì công đoàn cấp trên trực tiếp cho phép tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng để bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên, số lượng, thành phần dự hội nghị ban chấp hành mở rộng do ban chấp hành triệu tập hội nghị quyết định. Người được bầu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên phải là đại biểu có mặt dự hội nghị. Ban chấp hành cấp triệu tập hội nghị mở rộng có trách nhiệm báo cáo tư cách đại biểu trước hội nghị (không biểu quyết tư cách đại biểu).

8.11. Ứng cử, đề cử vào ban chấp hành công đoàn và đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên.

a. Ứng cử:

- Đoàn viên công đoàn là đại biểu hoặc không là đại biểu dự đại hội đều có quyền ứng cử vào ban chấp hành công đoàn các cấp.

- Đoàn viên công đoàn ứng cử không phải là đại biểu chính thức của đại hội thì phải có đơn và nhận xét của ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi công tác, sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền gửi cho đoàn chủ tịch đại hội.

- Đoàn viên ứng cử đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên phải là đại biểu chính thức dự đại hội.

b. Đề cử.

- Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội có quyền đề cử người tham gia vào ban chấp hành khóa mới, đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có) và cung cấp lý lịch trích ngang từng người. Danh sách đề cử người tham gia ban chấp hành khóa mới của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên phải nhiều hơn mười phần trăm (10%) so với số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định.

- Các đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị có quyền đề cử người là đại biểu đại hội, hội nghị, hoặc đoàn viên công đoàn không phải là đại biểu đại hội, hội nghị vào ban chấp hành.

- Trường hợp người được đề cử vào ban chấp hành không phải là đại biểu chính thức của đại hội thì người giới thiệu có trách nhiệm cung cấp cho đại hội sơ yếu lý lịch người mình giới thiệu, có nhận xét của công đoàn cơ sở nơi sinh hoạt và nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được giới thiệu.

- Người được đề cử để bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên phải là đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị.

- Việc ứng cử, đề cử của đoàn viên công đoàn là đảng viên thực hiện theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam.

8.12. Công tác bầu cử.

a. Danh sách bầu cử.

Đoàn chủ tịch đại hội có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo đầy đủ danh sách đề cử, ứng cử, người xin rút khỏi danh sách và ý kiến của đoàn chủ tịch cho rút hoặc không cho rút khỏi danh sách đề cử, ứng cử để đại hội thảo luận. Danh sách bầu cử được đại hội thông qua bằng biểu quyết giơ tay.

b. Ban bầu cử.

Ban bầu cử gồm những đại biểu chính thức trong đại hội không có tên trong danh sách bầu cử, do đoàn chủ tịch đại hội giới thiệu để đại hội thông qua bằng biểu quyết giơ tay.

Ban bầu cử có nhiệm vụ sau:

- Phổ biến nguyên tắc, thể lệ bầu cử, hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, phát phiếu, thu phiếu. Kiểm tra thùng phiếu trước khi bỏ phiếu và niêm phong thùng phiếu.

Kiểm phiếu (ban bầu cử không phải đếm số phiếu bầu trước đại hội), lập biên bản kiểm phiếu và thông qua biên bản kiểm phiếu trong ban bầu cử, công bố kết quả bầu cử, kết quả trúng cử trước đại hội; niêm phong phiếu bầu chuyển cho đoàn chủ tịch đại hội.

- Nếu kiểm phiếu bằng các phương tiện kỹ thuật, ban bầu cử được sử dụng một số kỹ thuật viên không phải là đại biểu đại hội. Ngoài các thành viên ban bầu cử, các kỹ thuật viên và đại diện của công đoàn cấp trên giám sát việc kiểm phiếu, ban bầu cử không được phép cho người không có nhiệm vụ vào khu vực kiểm phiếu.

8.13. Phiếu bầu.

a. Thể thức của phiếu bầu cử:

- Phiếu bầu cử phải ghi đầy đủ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có tên trong danh sách bầu cử do đại hội thông qua, xếp theo thứ tự bảng chữ cái Tiếng Việt đối với toàn bộ danh sách bầu cử hoặc theo khối công tác. Trong trường hợp bầu số lượng ít và được đại hội nhất trí thì có thể dùng phiếu bầu viết tay.

- Phiếu bầu cử phải được đóng dấu của ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập ở góc trái phía trên.

Phiếu bầu cử của công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên không có con dấu được sử dụng con dấu của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn. Trường hợp đặc biệt, nếu công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên ở xa, không thể đóng dấu của ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có chữ ký của trưởng ban bầu cử ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

b. Phiếu bầu hợp lệ:

Là phiếu bầu do ban bầu cử phát ra theo thể thức nêu tại điểm a, mục 8.13.

Phiếu bầu đủ hoặc thiếu số lượng ủy viên ban chấp hành đã được đại hội biểu quyết thông qua.

c. Phiếu không hợp lệ gồm những trường hợp sau:

- Phiếu bầu cử không đúng thể thức được nêu trong nguyên tắc, thể lệ bầu cử của ban bầu cử và không do ban bầu cử phát ra.

- Phiếu không đóng dấu của ban chấp hành theo quy định.

- Phiếu gạch hết tên trong danh sách bầu ở phiếu in sẵn, hoặc không ghi tên ai ở phiếu viết tay.

- Phiếu bầu thừa số lượng đã được đại hội biểu quyết.

- Phiếu bầu ghi tên người ngoài danh sách bầu cử đã được đại hội thông qua.

- Phiếu bầu có đánh dấu riêng, hoặc gạch từ hai màu mực trở lên.

- Phiếu bầu bị rách rời, nhàu nát.

- Phiếu bầu viết tay không ghi tên, chỉ ghi họ, tên đệm (chữ lót), chức vụ, đơn vị công tác. Trường hợp danh sách bầu cử do đại hội thông qua có nhiều người trùng tên mà phiếu bầu chỉ ghi tên, không ghi họ, tên đệm, chức vụ, đơn vị công tác.

d. Một số trường hợp lưu ý khi kiểm phiếu:

- Trường hợp số phiếu do ban bầu cử thu về nhiều hơn số phiếu do ban bầu cử phát ra, thì ban bầu cử phải báo cáo ngay với đoàn chủ tịch đại hội để báo cáo đại hội và hủy kết quả bầu cử để thực hiện bầu lại.

- Đối với phiếu bầu in sẵn, những trường hợp sau được tính là phiếu không gạch:

+ Gạch phía dưới hoặc phía trên họ và tên.

+ Gạch họ và tên đệm, không gạch tên.

+ Gạch chức vụ, đơn vị công tác, không gạch họ và tên.

- Đối với phiếu bầu viết tay, những trường hợp sau được tính là phiếu bầu:

+ Phiếu ghi đầy đủ họ và tên người trong danh sách bầu cử do đại hội thông qua, không ghi chức vụ, đơn vị công tác.

+ Phiếu bầu chỉ ghi tên, không ghi họ, tên đệm, chức vụ, đơn vị công tác trong trường hợp danh sách bầu cử do đại hội thông qua không có người trùng tên.

đ. Quản lý phiếu bầu.

Phiếu bầu xong phải được niêm phong để lưu trữ trong 6 tháng. Trong trường hợp cần thiết phải mở niêm phong phiếu bầu, chỉ ban chấp hành hoặc ban thường vụ (Đoàn Chủ tịch) có quyền mở niêm phong. Sau 6 tháng, nếu không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử, ban thường vụ (Đoàn Chủ tịch), hoặc ban chấp hành quyết định cho hủy phiếu.

8.14. Kết quả bầu cử.

Người trúng cử phải có số phiếu bầu đạt quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về.

- Trường hợp số người có số phiếu quá một phần hai (1/2) nhiều hơn số lượng ủy viên ban chấp hành đã được đại hội biểu quyết, thì người trúng cử được lấy theo thứ tự, từ người có số phiếu cao, đến người có số phiếu thấp hơn cho đến khi đủ số lượng.

- Trường hợp có nhiều người có số phiếu quá một phần hai (1/2) ngang nhau mà chỉ cần lấy một hoặc một số người cho đủ số lượng cần bầu, thì phải xin ý kiến đại hội quyết định bầu tiếp trong số những người có số phiếu ngang nhau để chọn người có số phiếu cao hơn, trong trường hợp này không cần phải đạt số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về. Trường hợp bầu lần thứ hai mà số phiếu vẫn ngang nhau thì việc có bầu nữa hay không do đại hội quyết định.

- Trường hợp số người có số phiếu quá một phần hai (1/2) ít hơn số lượng cần bầu, thì đại hội thảo luận và quyết định bầu tiếp cho đủ số lượng ban chấp hành, hoặc không bầu mà lấy số lượng đã trúng cử (ít hơn số lượng đại hội đã quyết định).

8.15. Bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên.

Bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên thực hiện như hướng dẫn bầu ban chấp hành công đoàn. Đại hội, hội nghị có thể bầu đại biểu dự khuyết, số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội, hội nghị quyết định; có thể bầu riêng đại biểu dự khuyết, hoặc xin ý kiến đại hội, hội nghị lấy đại biểu dự khuyết là người có số phiếu quá một phần hai (1/2) liền kề với người có số phiếu thấp nhất đã trúng cử đại biểu chính thức. Nếu chưa đủ số lượng đại biểu dự khuyết theo quyết định của đại hội, hội nghị thì việc có tiếp tục bầu nữa hay không do đại hội, hội nghị quyết định.

Trường hợp bầu riêng đại biểu dự khuyết dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên chỉ được thực hiện khi đã bầu đủ số lượng đại biểu chính thức.

8.16. Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức của đại hội do ban chấp hành, ban thường vụ (Đoàn Chủ tịch) cấp triệu tập đại hội, hội nghị quyết định theo đề nghị của ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp có đại biểu dự khuyết được bầu. Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức phải được thể hiện trong nội dung báo cáo của ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội.

9. Ban chấp hành công đoàn các cấp theo Điều 13.

9.1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn quyết định công nhận.

9.2. Số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn mỗi cấp do đại hội công đoàn cấp đó quyết định, theo quy định sau:

- Ban chấp hành công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận: Từ 03 đến 07 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên: Từ 03 đến 15 ủy viên. Công đoàn cơ sở có từ 3.000 đoàn viên trở lên không quá 19 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Không quá 27 ủy viên. Riêng ban chấp hành công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 35 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn ngành trung ương và tương đương, ban chấp hành LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 39 ủy viên; Trường hợp công đoàn ngành trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố có từ 100.000 đoàn viên trở lên ban chấp hành không quá 49 ủy viên. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Mình không quá 55 ủy viên.

Trường hợp cần phải tăng thêm số lượng ban chấp hành vượt quá quy định phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. số lượng ban chấp hành tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên.

9.3. Chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn:

a. Công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn cấp dưới và các chức danh trong cơ quan thường trực của ban chấp hành lâm thời công đoàn (quyết định bằng văn bản) trong các trường hợp sau:

- Khi thành lập mới các công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận.

- Khi ban chấp hành bị thi hành hình thức kỷ luật giải tán.

- Khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức các công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận do yêu cầu sắp xếp lại về tổ chức, sản xuất, kinh doanh, hoặc thay đổi địa giới hành chính...

- Khi nâng cấp công đoàn cơ sở thành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

- Khi công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận quá thời gian kéo dài theo quy định của Điều lệ mà không thể tổ chức được đại hội theo nhiệm kỳ.

- Khi khuyết số lượng ban chấp hành quá một phần ba (1/3) đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, quá một phần hai (1/2) đối với công đoàn cơ sở, mà không tổ chức được đại hội bất thường theo quy định tại mục 8.3. Chương II của Hướng dẫn này.

b. Thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời công đoàn không quá 12 tháng. Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời nhưng không quá 6 tháng; hoặc chấm dứt hoạt động của ban chấp hành lâm thời công đoàn cũ và chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn mới.

c. Khi giải thể tổ chức công đoàn thì đồng thời chấm dứt hoạt động của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.

9.4. Bổ sung ủy viên ban chấp hành công đoàn.

Trường hợp bổ sung khi khuyết ủy viên ban chấp hành, hoặc cần bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành vượt quá số lượng đã được đại hội thông thông qua, thì ban chấp hành công đoàn cấp đó phải đề nghị bằng văn bản lên công đoàn cấp trên trực tiếp và phải được sự đồng ý bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp.

Trình tự bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành:

- Công bố văn bản của công đoàn cấp trên đồng ý cho bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành.

- Tiến hành bầu cử theo nguyên tắc, thể lệ bầu cử.

Người đã thôi tham gia ban chấp hành thì không tham gia bầu cử bổ sung ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Người được bầu bổ sung ban chấp hành có quyền ứng cử, đề cử và biểu quyết ngay sau khi công bố trúng cử ban chấp hành.

9.5. Ban chấp hành công đoàn cấp trên thực hiện quyền đại diện ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở khi có yêu cầu của tập thể người lao động đề nghị theo quy định của pháp luật và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

10. Tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công đoàn theo Điều 14.

Tổ chức bộ máy các cấp công đoàn và biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách trong hệ thống Công đoàn thực hiện thống nhất theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và phân cấp của Đảng. Ban chấp hành công đoàn các cấp căn cứ vào khả năng tài chính được phân cấp và nhiệm vụ để tổ chức bộ máy làm việc và bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn đảm bảo không vượt quá quy định của Tổng Liên đoàn. Hàng năm các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện báo cáo theo định kỳ tình hình tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách về Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo quy định.

11. Bầu Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) theo Điều 15.

11.1. Sau khi công bố kết quả bầu cử ban chấp hành mới, đoàn chủ tịch đại hội chỉ định một đồng chí trong ban chấp hành làm triệu tập viên để triệu tập hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành. Triệu tập viên có nhiệm vụ điều hành hội nghị ban chấp hành để bầu đoàn chủ tịch hội nghị hoặc chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị lần thứ nhất ban chấp hành có nhiệm vụ bầu Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ), bầu chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành cần được tiến hành trong thời gian đại hội. Trường hợp chưa tổ chức được hội nghị lần thứ nhất trong thời gian đại hội thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bế mạc đại hội, triệu tập viên phải triệu tập hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất để bầu Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ). Trong thời gian chưa tổ chức được hội nghị lần thứ nhất để bầu các chức danh trong ban chấp hành thì đồng chí triệu tập viên do đại hội chỉ định trực tiếp điều hành công việc của ban chấp hành khóa mới.

11.2. Bầu chủ trì hội nghị ban chấp hành.

- Hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất cử người chủ trì (nếu ban chấp hành có dưới 15 người), cử đoàn chủ tịch hội nghị (nếu ban chấp hành có từ 15 người trở lên) và thư ký hội nghị bằng biểu quyết giơ tay. Trường hợp đại hội CĐCS bầu trực tiếp chủ tịch, thì chủ tịch sẽ là người triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người chủ trì, hoặc đoàn chủ tịch báo cáo để hội nghị thông qua chương trình làm việc và điều hành hội nghị. Hội nghị ban chấp hành thảo luận và quyết định số lượng, cơ cấu của Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) và ủy ban kiểm tra. Việc ứng cử, đề cử, bầu cử Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) phải thực hiện theo đúng trình tự, nguyên tắc và thể lệ như bầu cử ban chấp hành.

11.3. Trình tự bầu.

- Bầu Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) trong số ủy viên ban chấp hành.

- Đối với đại hội CĐCS đã bầu trực tiếp chủ tịch, thì chủ tịch được tính trong tổng số ủy viên ban thường vụ và không phải bầu lại.

- Bầu chủ tịch trong số ủy viên Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ).

- Bầu phó chủ tịch trong số ủy viên Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ).

- Bầu ủy ban kiểm tra.

- Bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số các ủy viên ủy ban kiểm tra.

11.4. Bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn tại đại hội thực hiện như sau: Khi có quá một phần hai (1/2) số thành viên dự đại hội yêu cầu bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn tại đại hội thì đoàn chủ tịch đại hội báo cáo công đoàn cấp trên và thực hiện trình tự, thủ tục bầu cử như bầu cử ban chấp hành.

11.5. Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ), chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra có trách nhiệm điều hành công việc ngay sau khi được bầu; chủ tịch công đoàn, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra được ký các văn bản theo chức danh sau khi được bầu và nhận bàn giao từ Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ), ủy ban kiểm tra khóa trước trong thời hạn 15 ngày.

11.6. Công nhận kết quả bầu cử.

Sau đại hội, ban thường vụ, hoặc ban chấp hành (nơi không có ban thường vụ) khóa mới phải báo cáo lên công đoàn cấp trên trực tiếp để công nhận kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Đối với cấp Tổng Liên đoàn sau đại hội, đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn mới được bầu được quyền ký quyết định công nhận kết quả bầu cử Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn.

Các văn bản báo cáo lên công đoàn cấp trên trực tiếp để công nhận kết quả bầu cử gồm:

- Công văn đề nghị công nhận kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

- Biên bản bầu ban chấp hành, biên bản hội nghị ban chấp hành bầu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, biên bản hội nghị ủy ban kiểm tra bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

- Danh sách trích ngang ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn gồm: Họ và tên, tuổi, giới tính, chức vụ và đơn vị công tác, dân tộc, trình độ (chính trị, học vấn, chuyên môn nghiệp vụ).

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét và ra quyết định công nhận. Sau đại hội, nếu phát hiện có sự vi phạm về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục bầu cử thì công đoàn cấp trên có quyền bác bỏ kết quả bầu cử của đại hội hoặc của ban chấp hành cấp dưới, chỉ đạo tiến hành bầu lại; nếu thấy có một hoặc một số chức danh đã được bầu nhưng không đảm bảo nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn quy định thì công đoàn cấp trên có quyền không công nhận một hoặc một số chức danh đó.

Chương 3.

CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VÀ NGHIỆP ĐOÀN

12. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở theo Điều 16 thực hiện như sau:

12.1. Tổ chức cơ sở của công đoàn là nền tảng của tổ chức công đoàn.

a. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện:

- Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

- Có tư cách pháp nhân.

b. Được phép thành lập công đoàn cơ sở ghép trong những trường hợp sau:

- Các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân nhưng có dưới 20 đoàn viên hoặc dưới 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn;

- Các cơ quan, đơn vị có trên 20 đoàn viên hoặc trên 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn nhưng không có tư cách pháp nhân hoặc, tư cách pháp nhân không đầy đủ.

- Các doanh nghiệp có đủ điều kiện về đoàn viên, có tư cách pháp nhân nhưng có chung chủ sở hữu hoặc cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn nếu tự nguyện liên kết thì thành lập công đoàn cơ sở có cơ cấu tổ chức công đoàn cơ sở thành viên.

12.2. Nghiệp đoàn do liên đoàn lao động cấp huyện hoặc công đoàn ngành địa phương quyết định thành lập, giải thể và chỉ đạo hoạt động.

12.3. Công đoàn cơ sở thành viên do công đoàn cơ sở quyết định thành lập sau khi được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đồng ý. Công đoàn cơ sở chỉ đạo toàn diện đối với công đoàn cơ sở thành viên và phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn cho công đoàn cơ sở thành viên. Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thành viên gồm:

- Là tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc có tư cách pháp nhân không đầy đủ đang chịu sự chi phối trực tiếp của doanh nghiệp, đơn vị có công đoàn cơ sở.

- Công đoàn cơ sở có nhu cầu thành lập công đoàn cơ sở thành viên.

b. Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn có các đơn vị công tác, sản xuất khác nhau nếu cần thiết thì thành lập công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận do công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn chỉ đạo hoạt động và phân công nhiệm vụ. Tổ công đoàn do công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cơ sở thành viên, hoặc công đoàn bộ phận thành lập và chỉ đạo hoạt động.

13. Trình tự thành lập công đoàn cơ sở theo Điều 17  thực hiện như sau:

13.1. Tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở:

a. Người lao động có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì người lao động tự tập hợp, bầu trưởng ban vận động để tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp có một người lao động là đoàn viên công đoàn thì đoàn viên công đoàn có quyền tập hợp người lao động và làm trưởng ban vận động, nếu số đoàn viên công đoàn nhiều hơn (dưới 5 đoàn viên) thì bầu trưởng ban vận động trong số đoàn viên công đoàn.

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở chấm dứt nhiệm vụ sau khi bầu được ban chấp hành công đoàn cơ sở.

b. Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở ghép nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì mỗi đơn vị phải có ít nhất ba người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và có ít nhất một đại diện trong ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

13.2. Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở:

a. Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

b. Nội dung hội nghị thành lập công đoàn cơ sở gồm:

- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

- Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

- Bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Thông qua chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở.

c. Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá một phần hai (1/2) so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

13.3. Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở gồm có:

a. Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở.

b. Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.

c. Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

d. Biên bản kiểm phiếu bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở (có trích ngang lý lịch kèm theo).

13.4. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi có quyết định công nhận của công đoàn cấp trên, ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra có trách nhiệm tổ chức đại hội lần thứ nhất.

Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì thực hiện theo điểm b, mục 9.3, Chương II Hướng dẫn này.

13.5. Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

a. Cán bộ công đoàn cấp trên có quyền và trách nhiệm tiếp cận người lao động tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc để tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn.

b. Hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thành lập công đoàn cơ sở:

Khi người lao động tổ chức ban vận động hoặc khi có đề nghị về việc thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm cử cán bộ đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi chuẩn bị thành lập công đoàn cơ sở để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ việc tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ tổ chức một ban vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp người lao động tổ chức nhiều ban vận động trong cùng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động liên kết thành một ban vận động, hoặc chỉ định thành viên của ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

c. Thẩm định, quyết định công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm:

- Thẩm định quá trình tổ chức ban vận động, tập hợp người lao động, đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; quá trình tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở và bầu ban chấp hành theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo tính đại diện đối với tập thể người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Trường hợp đủ điều kiện công nhận thì ra các quyết định công nhận, bao gồm:

+ Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên.

+ Quyết định công nhận công đoàn cơ sở.

+ Quyết định công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra không quá 12 tháng.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông báo không công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở. Đồng thời cử cán bộ công đoàn trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn; quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

14. Công đoàn cơ sở trong các cơ quan nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, sự nghiệp công lập (gọi chung là công đoàn cơ sở khu vực nhà nước) theo Điều 18  gồm:

14.1. Công đoàn cơ sở các cơ quan hành chính nhà nước.

14.2. Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn.

14.3. Công đoàn cơ sở các cơ quan tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp và xã hội nghề nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn tài chính Công đoàn.

14.4. Công đoàn cơ sở các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao... của nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.

15. Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước theo Điều 19 gồm:

Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

16. Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Điều 20  gồm:

Công đoàn cơ sở trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân ... không có vốn sở hữu nhà nước hoặc vốn sở hữu nhà nước chiếm từ 50% trở xuống.

17. Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã theo Điều 21 gồm:

Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh hợp tác xã thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải...(hợp tác xã nông nghiệp không thuộc đối tượng tập hợp của tổ chức công đoàn).

18. Công đoàn cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo Điều 22 gồm:

Các công đoàn cơ sở thuộc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao ...

19. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn thực hiện theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương 4.

CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ

20. Thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 và Điều 29.

20.1. Các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương được quyền thành lập, giải thể tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định của Điều lệ. Khi thành lập mới công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải xây dựng đề án trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt. Không thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác khi Điều lệ Công đoàn Việt Nam không quy định. Trường hợp đặc biệt, nếu thấy cần thí điểm thành lập tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có trong quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam phải được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

20.2. Tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng không thành lập ban tham mưu giúp việc chuyên trách.

20.3. Công đoàn giáo dục huyện theo Điều 24 trực tiếp quản lý, chỉ đạo các công đoàn cơ sở:

- Công đoàn cơ sở cơ quan phòng giáo dục huyện.

- Công đoàn cơ sở ở các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở và các đơn vị trực thuộc phòng giáo dục huyện.

20.4. Công đoàn ngành địa phương theo Điều 25:

a. Công đoàn ngành địa phương trực tiếp quản lý, chỉ đạo các công đoàn cơ sở thuộc ngành tại địa phương.

b. Không thành lập công đoàn ngành địa phương khi không có công đoàn ngành trung ương.

c. Công đoàn viên chức tỉnh, thành phố:

Công đoàn viên chức tỉnh, thành phố là công đoàn ngành địa phương, tập hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các ban của Đảng; cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở cấp tỉnh, thành phố; cơ quan của các sở thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, nơi không có công đoàn ngành địa phương.

21. Thành lập và chỉ đạo công đoàn các tổng công ty theo khoản 4, Điều 28.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập, hoặc giải thể, chỉ đạo trực tiếp một số công đoàn tổng công ty, khi có đủ các điều kiện sau:

- Có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

- Có từ 20.000 đoàn viên trở lên.

- Có từ 30 Công đoàn cơ sở trở lên.

Chương 5.

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH, THÀNH PHỐ, CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG, TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

22. Tổ chức và hoạt động công đoàn ngành trung ương và tương đương theo Điều 31.

22.1. Công đoàn ngành Trung ương trực tiếp chỉ đạo công đoàn cơ quan bộ, công đoàn tổng công ty và cấp tương đương (công đoàn đại học quốc gia, đại học vùng, công đoàn cục, tổng cục,...) và các công đoàn cơ sở các đơn vị trực thuộc bộ.

22.2. Hoạt động công đoàn trong một bộ có công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Trong một bộ có nhiều công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thì công đoàn ngành Trung ương có đại diện tham gia ban cán sự đảng bộ được quyền đại diện để tham gia với lãnh đạo bộ. Việc phối hợp hoạt động giữa các công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trong cùng một bộ trực thuộc Tổng Liên đoàn được thực hiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

22.3. Công đoàn Viên chức Việt Nam:

Công đoàn Viên chức Việt Nam là công đoàn ngành Trung ương, tập hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị trực thuộc các ban của Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ nơi không có công đoàn ngành Trung ương.

23. Tổ chức và hoạt động của công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo Điều 32  thực hiện như sau:

23.1. Đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam trong Quân đội nhân dân Việt Nam gồm: Cán bộ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng (gọi chung là người lao động) đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Quân đội).

23.2. Việc thành lập công đoàn cơ sở trong Quân đội:

a. Công đoàn cơ sở trong Quân đội được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam khi có đủ hai điều kiện: cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và có ít nhất năm đoàn viên hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Không thành lập công đoàn cơ sở ở đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

b. Khi thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, Ban Công đoàn Quốc phòng có trách nhiệm thẩm định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận hoặc không công nhận về đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở theo Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và mục 13 của Hướng dẫn này.

c. Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của công đoàn cơ sở trong Quân đội, thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.

24. Tổ chức và hoạt động của công đoàn Công an nhân dân Việt Nam theo Điều 33 thực hiện theo Quy định liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an.

Chương 6.

CÔNG TÁC NỮ CÔNG

25. Công tác nữ công và ban nữ công công đoàn theo Điều 35, Điều 36.

25.1. Ban nữ công nghiệp vụ:

Được thành lập ở cơ quan công đoàn cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương trở lên theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

25.2. Ban nữ công quần chúng:

a. Ban nữ công quần chúng được thành lập ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở, do ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định thành lập và chỉ định các thành viên theo nhiệm kỳ của ban chấp hành cùng cấp. Đối với công đoàn cơ sở có dưới 10 nữ đoàn viên thì phân công một đồng chí trong ban chấp hành phụ trách công tác nữ công (không thành lập ban nữ công quần chúng).

b. Ban nữ công quần chúng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ban chấp hành công đoàn cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ nữ công của ban nữ công cấp trên. Ban chấp hành công đoàn phân công một nữ ủy viên ban thường vụ, hoặc ủy viên ban chấp hành phụ trách ban nữ công, hoặc trực tiếp làm trưởng ban nữ công

c. Số lượng thành viên ban nữ công quần chúng do ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định nhung tối đa không vượt quá hai phần ba (2/3) số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Cơ cấu ban nữ công quần chúng cấp trên trực tiếp cơ sở gồm đại diện một số ban nữ công cấp cơ sở và nữ cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở.

d. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban nữ công quần chúng:

- Tham mưu giúp ban chấp hành công đoàn cùng cấp xây dựng chương trình, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động triển khai công tác nữ công trong nhiệm kỳ và hàng năm.

- Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động và phản ánh, đề xuất, kiến nghị với ban chấp hành công đoàn cùng cấp; Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách lao động nữ, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động. Phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên nữ ưu tú để giới thiệu cho ban chấp hành công đoàn trong quá trình tham gia công tác quy hoạch, đào tạo và xem xét giới thiệu bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo các cấp. Đại diện cho nữ đoàn viên, người lao động tham gia các tổ chức hợp pháp có liên quan đến lao động nữ, trẻ em, dân số, gia đình, bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.

- Tuyên truyền, giáo dục nữ đoàn viên, người lao động về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và những nội dung có liên quan đến lao động nữ nói riêng. Tổ chức phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà trong nữ đoàn viên, người lao động. Vận động nữ đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động xã hội và các phong trào thi đua chung do công đoàn phát động.

Chương 7.

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CÔNG ĐOÀN

26. Quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo Điều 37, Điều 38.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hướng dẫn, quy định riêng về đóng đoàn phí của đoàn viên; thu, phân cấp thu, phân phối nguồn thu, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế, xây dựng cơ bản của công đoàn

Chương 8.

CÔNG TÁC KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN VÀ ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

27. Công tác kiểm tra của công đoàn theo Điều 39.

27.1. Công đoàn các cấp có nhiệm vụ tiến hành công tác kiểm tra ở cấp mình, cấp dưới và chịu sự kiểm tra của công đoàn cấp trên.

27.2. Ban chấp hành công đoàn các cấp quyết định chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra của cấp mình và chỉ đạo công đoàn cấp dưới xây dựng chương trình kế hoạch công tác kiểm tra toàn khóa, hàng năm về việc chấp hành Điều lệ công đoàn, thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chương trình của ban chấp hành cấp mình và cấp trên, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra.

27.3. Ban chấp hành công đoàn các cấp báo cáo công tác kiểm tra (trong báo cáo chung) trước đại hội

27.4. Ban thường vụ công đoàn các cấp chịu trách nhiệm trước ban chấp hành về tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra về chấp hành Điều lệ Công đoàn, thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chương trình của ban chấp hành cấp mình và cấp trên, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra.

28. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp theo Điều 40.

28.1. Ủy ban kiểm tra các cấp được thành lập từ công đoàn cơ sở trở lên, do ban chấp hành cùng cấp bầu, gồm một số ủy viên ban chấp hành và một số ủy viên ngoài ban chấp hành.

28.2. Số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra do ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định theo quy định sau:

- Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không quá 15 ủy viên.

- Ủy ban kiểm tra LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương không quá 11 ủy viên.

- Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 9 ủy viên.

- Ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không quá 7 ủy viên (công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận không có ủy ban kiểm tra). Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có dưới 30 đoàn viên thì cử một ủy viên ban chấp hành làm nhiệm vụ kiểm tra.

28.3. Tiêu chuẩn ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp: Vận dụng theo tiêu chuẩn như ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp, ngoài ra ủy viên ủy ban kiểm tra cần có sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, kinh tế, quản lý tài chính... có nghiệp vụ và kinh nghiệm làm công tác kiểm tra.

Không cơ cấu những cán bộ, đoàn viên là trưởng, phó ban, phòng tài chính công đoàn; kế toán trưởng, chủ tài khoản và người được ủy quyền chủ tài khoản của công đoàn cùng cấp tham gia ủy ban kiểm tra.

28.4. Nhiệm kỳ của ủy ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Thời gian hoạt động của ủy ban kiểm tra lâm thời không quá 12 tháng.

Nếu quá thời hạn 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thêm nhưng không quá 6 tháng, hoặc giải thể ủy ban kiểm tra lâm thời cũ và chỉ định ủy ban kiểm tra lâm thời mới.

28.5. Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra liên đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương phải là cán bộ công đoàn chuyên trách.

28.6. Bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

a. Bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, trong số ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn.

b. Trường hợp hội nghị lần thứ nhất ban chấp hành cùng cấp đã quyết định số lượng, cơ cấu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra phải triệu tập hội nghị lần thứ nhất của ủy ban kiểm tra để bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

c. Trường hợp bầu bổ sung phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra vượt quá số lượng do hội nghị lần thứ nhất ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định phải được sự đồng ý bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp.

28.7. Ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra phải được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn công nhận. Khi điều động chủ nhiệm ủy ban kiểm tra sang làm công tác khác phải báo cáo và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.

28.8. Bầu bổ sung, cho thôi ủy viên ủy ban kiểm tra:

a. Khi khuyết ủy viên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thì ủy ban kiểm tra báo cáo ban chấp hành cùng cấp và tiến hành thực hiện quy trình bầu bổ sung.

b. Cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, nếu là ủy viên ủy ban kiểm tra khi chuyển công tác không làm công tác kiểm tra thì thôi tham gia ủy ban kiểm tra.

c. Thôi tham gia và bầu bổ sung ủy viên ủy ban kiểm tra và các chức danh trong ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp thực hiện như thôi tham gia và bầu bổ sung ban chấp hành công đoàn các cấp.

29. Nhiệm vụ ủy ban kiểm tra công đoàn theo Điều 41.

29.1. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp có trách nhiệm giúp ban chấp hành, ban thường vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra theo kế hoạch.

29.2. Ủy ban kiểm tra chủ động tìm hiểu, phát hiện, tổ chức kiểm tra và kiến nghị xử lý kịp thời khi tổ chức, cán bộ, đoàn viên công đoàn cùng cấp và cấp dưới có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công đoàn, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn.

29.3. Ủy ban kiểm tra chủ động kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật và tổ chức công đoàn.

29.4. Những khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn, ủy ban kiểm tra có nhiệm vụ giúp ban thường vụ, ban chấp hành tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước giải quyết theo quy định của pháp luật.

29.5. Ủy ban kiểm tra các cấp hoạt động theo quy chế, quy định do ban chấp hành cùng cấp ban hành.

29.6. Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hàng năm cho các ủy viên ủy ban kiểm tra cấp mình và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra công đoàn cấp dưới.

29.7. Ủy viên ban chấp hành được phân công làm công tác kiểm tra ở công đoàn cơ sở có dưới 30 đoàn viên có nhiệm vụ sau:

- Tiếp nhận và nghiên cứu, đề xuất với ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cơ sở giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Phát hiện và tham mưu, đề xuất với ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cơ sở kế hoạch kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công đoàn Việt Nam, kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn.

Chương 9.

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

30. Khen thưởng theo Điều 43.

30.1. Việc đề nghị khen thưởng của các cấp công đoàn thực hiện đúng Luật Thi đua khen thưởng, các văn bản hướng dẫn và những quy định khen thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

30.2. Cán bộ công đoàn các cấp có thành tích được xem xét khen thưởng, được tặng kỷ niệm chương công đoàn theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

31. Kỷ luật đối với tổ chức công đoàn, cán bộ, đoàn viên công đoàn theo Điều 44.

31.1. Kỷ luật một tổ chức công đoàn và cán bộ, đoàn viên công đoàn phải được xem xét tập thể, dân chủ và công khai.

31.2. Kỷ luật cán bộ công đoàn:

a. Cán bộ công đoàn tham gia giữ chức vụ nhiều cấp công đoàn khi vi phạm kỷ luật thì do công đoàn cấp trên trực tiếp cao nhất quyết định.

b. Cán bộ công đoàn chuyên trách không giữ chức vụ bầu cử, nếu vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của pháp luật.

31.3. Kỷ luật đoàn viên vi phạm Điều lệ do hội nghị tổ công đoàn đề nghị, ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét quyết định khi: Trong một năm đoàn viên bỏ họp 50% số kỳ họp; không đóng đoàn phí liên tục 6 tháng mà không có lý do chính đáng.

31.4. Hồ sơ đề nghị kỷ luật gồm:

- Văn bản đề nghị và biên bản hội nghị tổ công đoàn hoặc ban chấp hành công đoàn cấp đề nghị.

- Bản tự kiểm điểm của tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật.

- Các quyết định xử lý hình thức kỷ luật khác của cá nhân khi vi phạm pháp luật (nếu có).

31.5. Công nhận đoàn viên đã sửa chữa khuyết điểm: Sau 3 tháng kể từ khi có quyết định kỷ luật, đoàn viên bị kỷ luật có tiến bộ, có nguyện vọng trình bày rõ quá trình sửa chữa khuyết điểm của cá nhân trước tổ công đoàn. Tổ công đoàn đề nghị ban chấp hành CĐCS xem xét. Hội nghị ban chấp hành công đoàn xem xét và công nhận bằng văn bản (cấp nào ra quyết định kỷ luật cấp đó xem xét xóa quyết định kỷ luật).

31.6. Xem xét kỷ luật và chấp hành kỷ luật.

- Xem xét quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật phải thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp bỏ phiếu nếu không đủ trên 50% (trên 50% tính theo tổng số phiếu thu về) số phiếu tán thành kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thì phải báo cáo đầy đủ kết quả bỏ phiếu lên công đoàn cấp trên để xem xét giải quyết. Tổ chức công đoàn có thẩm quyền ký quyết định kỷ luật, phải kịp thời công bố hoặc ủy quyền cho cấp dưới công bố, chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày quyết định.

- Đối với tổ chức, cán bộ, đoàn viên vi phạm không thuộc thẩm quyền của cấp mình thì báo cáo và đề nghị cấp công đoàn có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Tổ chức, cán bộ, đoàn viên công đoàn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật. Nếu không đồng ý thì có quyền khiếu nại, nhưng khi chưa được tổ chức công đoàn có thẩm quyền giải quyết vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật đã công bố.

- Trường hợp công đoàn cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức hình thức kỷ luật, kỷ luật oan, sai thì công đoàn cấp trên phải xem xét giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật và xem xét trách nhiệm của công đoàn cấp đó.

- Trường hợp bị cách chức chủ tịch hoặc phó chủ tịch thì vẫn còn là ủy viên thường vụ, nếu cách chức ủy viên thường vụ thì vẫn còn ủy viên ban chấp hành; nếu cách chức ủy viên ban chấp hành thì đương nhiên không còn là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ. Nếu bị kỷ luật khai trừ đoàn viên công đoàn thì đương nhiên không còn là cán bộ công đoàn.

- Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

- Thời hạn xử lý kỷ luật từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật không quá 02 tháng, trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

Chương 10.

CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

32. Việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam theo Điều 45:

Các cấp công đoàn và đoàn viên có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trong quá trình thực hiện Hướng dẫn này nếu có vướng mắc báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung.

 

 

Nơi nhận:
- Các ủy viên BCH TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố;
- Các CĐ ngành TW và tương đương;
- Các CĐ Tcty trực thuộc TLĐ;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu ToC, VT TLĐ

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Hướng dẫn số 238 /HD-TLĐ ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

1. Mẫu số 01: Dùng cho đại biểu chính thức dự đại hội đại biểu công đoàn các cấp.

 

 

Ảnh

 

 

 

SƠ YẾU LÝ LỊCH

Mẫu số 01

 

- Họ và tên:

- Năm sinh:

- Quê quán:

- Trú quán:

- Dân tộc:

- Thành phần bản thân:

- Trình độ giáo dục phổ thông:

- Trình độ CM, KT, NV:

- Trình độ chính trị:

- Năm tham gia cách mạng:

- Năm tuyển dụng (vào làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp):

- Ngày vào Đảng CSVN:                                                             ngày chính thức:

 

TÓM TẮT NHỮNG CÔNG TÁC CHÍNH

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………

- Khen thưởng:……………………………………………………………...………

………………………………………………………………………………………

- Kỷ luật: ……………………………………………………………...……......…

…………………………………………………………………………………......

 

 

XÁC NHẬN CỦA CƠ SỞ NƠI CÔNG TÁC

 

2. MẪU PHIẾU BẦU CỬ:

2.1. Mẫu số 2a: Dùng trong bầu cử ban chấp hành tại đại hội công đoàn các cấp.

 

ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN
…………………….

( Dấu BCHCĐ )

Mẫu số 2a

 

PHIẾU BẦU CỬ

BAN CHẤP HÀNH …………………………………………………...(KHOÁ ……….)

STT

HỌ VÀ TÊN

CHỨC VỤ VÀ ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.2. Mẫu số 2b: Dùng trong bầu cử Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra.

 

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
CÔNG ĐOÀN
………….

( Dấu BCHCĐ )

Mẫu số 2b

 

PHIẾU BẦU CỬ

ĐOÀN CHỦ TỊCH (BAN THƯỜNG VỤ) …………………………...( KHOÁ ……….)

STT

HỌ VÀ TÊN

CHỨC VỤ VÀ ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.3. Mẫu số 2c: Dùng trong bầu cử ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành của hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

 

HỘI NGHỊ THÀNH LẬP
CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
….

(chữ ký của trưởng ban vận động thành lập CĐCS)

Mẫu số 2c

 

PHIẾU BẦU CỬ

BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ: ……………………………… ……….

STT

HỌ VÀ TÊN

CHỨC VỤ VÀ ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3. MẪU BIÊN BẢN

3.1. Mẫu số 3a: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử ban chấp hành tại đại hội công đoàn các cấp.

Mẫu số 3a

ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN
………………………

(Dấu BCH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn ……………khoá ……….

Chúng tôi được Đại hội lần thứ…………………Công đoàn …………….. bầu vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử Ban chấp hành Công đoàn ……………. ……………….. khoá ……………gồm:

- Đồng chí ……Trưởng ban và ………...uỷ viên. (có danh sách kèm theo).

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể đại hội bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Tổng số đại biểu chính thức được triệu tập về dự Đại hội là……. đại biểu

- Tổng số đại biểu chính thức có mặt dự Đại hội ………… đại biểu

- Tổng số đại biểu chính thức tham gia bỏ phiếu ……….. đại biểu

- Đại hội đã quyết định số lượng uỷ viên BCH ………………. khoá …….

là ……. đồng chí.

- Đại hội đã nhất trí danh sách bầu cử gồm ………. đồng chí (có danh sách kèm theo).

Trong đó:

- Ứng cử …………………………… đồng chí.

- Đề cử ……………………………..đồng chí.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ………   phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ………..  phiếu.

- Số phiếu hợp lệ ……………………………phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ …………………… phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả kiểm phiếu của từng người theo danh sách phiếu bầu như sau: (có danh sách kèm theo).

- Danh sách những đồng chí trúng cử vào BCH Công đoàn …… khoá………. có số phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp như sau: (có danh sách kèm theo).

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Đại hội.

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

3.2. Mẫu số 3b: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ) tại hội nghị ban chấp hành công đoàn các cấp.

Mẫu số 3b

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
CÔNG ĐOÀN…………………

(Dấu BCHCĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử Ban Thường vụ Công đoàn……………………khoá…………….

Chúng tôi được hội nghị ban chấp hành nhất trí cử vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử Ban Thường vụ Công đoàn……………..……. …..khoá ……………gồm:

- Đồng chí ……Trưởng ban và ………...uỷ viên. (có danh sách kèm theo).

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể hội nghị bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Số lượng uỷ viên Ban Thường vụ đã được hội nghị BCH quyết định là ….. đồng chí.

- Số uỷ viên BCH có mặt tham gia bỏ phiếu…….. ..  đồng chí.

- Tổng số đại biểu chính thức tham gia bỏ phiếu ……đồng chí.

- Số uỷ viên BCH ứng cử và đề cử vào Ban Thường vụ là ……. đồng chí (có danh sách kèm theo).

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ………phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ……….. phiếu.

- Số phiếu hợp lệ ……………………………phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ …………………… phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả số phiếu của từng người theo phiếu bầu cử như sau: (có danh sách kèm theo).

- Danh sách những đồng chí trúng cử vào Ban Thường vụ Công đoàn …… khoá….. là ….. đồng chí, có số phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp như sau: (có danh sách kèm theo).

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Ban Chấp hành…

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

3.3. Mẫu số 3c: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử chức danh chủ tịch tại hội nghị ban chấp hành công đoàn các cấp.

Mẫu số 3c

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
CÔNG ĐOÀN…………………

(Dấu BCHCĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử chức danh Chủ tịch Công đoàn  ……………………… khoá………

Chúng tôi được hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn ………….. khoá …. … nhất trí cử vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử chức danh Chủ tịch Công đoàn…………….. ……. …..khoá ………

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể hội nghị bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Số người ứng cử và đề cử chức danh Chủ tịch Công đoàn....... là … đồng chí.

Gồm: (danh sách).

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ……… phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ……….. phiếu.

- Số phiếu hợp lệ …………………………   phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ ……………………phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả số phiếu của từng người theo phiếu bầu cử như sau: (danh sách).

- Căn cứ kết quả bầu cử, đồng chí: ................................... đã trúng cử Chủ tịch  Công đoàn ……............... khoá........:

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Ban Chấp hành….

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

3.4. Mẫu số 3d: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử chức danh phó chủ tịch tại hội nghị ban chấp hành công đoàn các cấp.

Mẫu số 3d

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
CÔNG ĐOÀN…………………

(Dấu BCHCĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử chức danh phó chủ tịch Công đoàn  ……………… khoá………

Chúng tôi được hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn ………….. khoá …. …nhất trí cử vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử chức danh phó chủ tịch Công đoàn…………….. ……. …..khoá ………

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể hội nghị bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Số lượng phó chủ tịch đã được hội nghị BCH quyết định là ….. đồng chí.

- Số người ứng cử và đề cử chức danh phó chủ tịch là ……… đồng chí.

Gồm: (danh sách).

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ……… phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ……….. phiếu.

- Số phiếu hợp lệ …………………………   phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ ……………………phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả số phiếu của từng người theo phiếu bầu cử như sau: (danh sách).

- Căn cứ kết quả bầu cử, các đồng chí sau đây đã trúng cử  phó chủ tịch Công đoàn ……............... khoá........:

(danh sách)

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Ban Chấp hành….

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

3.5. Mẫu số 3e: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử ủy ban kiểm tra tại hội nghị ban chấp hành công đoàn các cấp.

Mẫu số 3e

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
CÔNG ĐOÀN…………………

(Dấu BCHCĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử Uỷ ban kiểm tra Công đoàn  ……………………… khoá………

Chúng tôi được hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn ………….. khoá …. …nhất trí cử vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử Uỷ ban kiểm tra Công đoàn…………….. ……. …..khoá ………

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể hội nghị bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Số lượng uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra của Công đoàn ………….khoá……….  đã được hội nghị BCH quyết định  ….. đồng chí.

- Số người ứng cử và đề cử vào Uỷ ban kiểm tra là ……… đồng chí, gồm: (có danh sách kèm theo).

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ……… phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ……….. phiếu.

- Số phiếu hợp lệ …………………………   phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ ……………………phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả số phiếu của từng người theo phiếu bầu cử như sau: (có danh sách kèm theo).

- Danh sách những đồng chí trúng cử vào Uỷ ban Kiểm tra của Công đoàn …… khoá….. là ….. đồng chí, có số phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp như sau: (có danh sách kèm theo).

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Ban Chấp hành….

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

3.6. Mẫu số 3g: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tại hội nghị ban chấp hành công đoàn các cấp.

Mẫu số 3g

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
CÔNG ĐOÀN…………………

(Dấu BCHCĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Công đoàn  ……………………… khoá………

Chúng tôi được hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn ………….. khoá …. … nhất trí cử vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra của Công đoàn…………….. ……. …..khoá ………

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể hội nghị bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Số người ứng cử và đề cử Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra là ……… đồng chí.

Gồm: (danh sách).

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ……… phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ……….. phiếu.

- Số phiếu hợp lệ …………………………   phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ ……………………phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả số phiếu của từng người theo phiếu bầu cử như sau: (danh sách).

- Căn cứ kết quả bầu cử, đồng chí: ............................................ đã trúng cử Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra của Công đoàn ……............... khoá........:

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Ban Chấp hành….

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

3.7. Mẫu số 3h: Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tại hội nghị ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.

Mẫu số 3h

HỘI NGHỊ ỦY BAN KIỂM TRA
CÔNG ĐOÀN…………………

(Dấu BCHCĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU

Bầu cử chức danh phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn…………… khoá………

Chúng tôi được hội nghị Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ………….. khoá…... nhất trí cử vào Ban bầu cử để tổ chức bầu cử phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra của Công đoàn…………….. ……. ….. khoá………

Ban bầu cử đã phổ biến thể thức bầu cử để toàn thể hội nghị bỏ phiếu, việc bầu cử đã tiến hành đúng nguyên tắc và thể thức qui định. Sau khi kiểm phiếu Ban bầu cử đã nhất trí lập biên bản kiểm phiếu như sau:

- Số lượng phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra do Hội nghị BCH quyết định là .... đồng chí.

- Số người ứng cử và đề cử chức danh phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra là ……… đồng chí, gồm: (danh sách).

- Tổng số phiếu Ban bầu cử phát ra ……… phiếu.

- Tổng số phiếu Ban bầu cử thu về ……….. phiếu.

- Số phiếu hợp lệ …………………………   phiếu.

- Số phiếu không hợp lệ ……………………phiếu.

Kết quả kiểm phiếu:

- Kết quả số phiếu của từng người theo phiếu bầu cử như sau: (có danh sách kèm theo).

- Căn cứ kết quả bầu cử, các đồng chí sau đây đã trúng cử phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra của Công đoàn …… khoá........: (danh sách).

Biên bản này lập thành hai bản lưu vào hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Kiểm tra….

 

Làm tại ………hồi……giờ……..ngày ….tháng….năm……

 

TRƯỞNG BAN BẦU CỬ

 

4. Mẫu số 04: Danh sách trích ngang ban chấp hành, Đoàn Chủ tịch (ban thường vụ), ủy ban kiểm tra và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.
Mẫu số 04
DANH SÁCH TRÍCH NGANG
BAN CHẤP HÀNH (Ban thường vụ....) CÔNG ĐOÀN ........

STT

Họ và tên

Năm sinh

Giới tính

Chức vụ và đơn vị công tác

Đảng viên

Dân tộc

Trình độ

Giáo dục phổ thông

Chuyên môn, nghiệp vụ

Chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TM. BAN CHẤP HÀNH
(BAN THƯỜNG VỤ)
Ký tên, đóng dấu

 

 

VIETNAM GENERAL CONFEDERATION OF LABOR
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 238/HD-TLD

Hanoi, March 04, 2014

 

GUIDANCE

ON IMPLEMENTATION OF THE CHARTER OF VIETNAM TRADE UNION

Pursuant to the Charter of Vietnam Trade Union (hereinafter referred to as “Charter”) adopted by the 11th Congress of Vietnam Trade Union (in the period of 2013 – 2018), the Presidium of the Vietnam General Confederation of Labor (VGCL) provides the guidance on implementation of the Charter as follows:

Chapter 1.

UNIONISTS AND UNION OFFICIALS

1. Individuals eligible to enroll in the Vietnam Trade Union mentioned in Article 1 include:

1.1. Individuals eligible to enroll in the Vietnam Trade Union

Vietnamese working for and receiving salary in authorities, organizations, enterprises or cooperatives in accordance with regulations of the Law on Officials, the Law on Public employees and the Labor Code, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b. Employees working for authorities, enterprises or cooperatives.

c. Vietnamese working for representative offices of foreign/international/non-governmental organizations in Vietnam.

d. Vietnamese legal freelance workers wishing to participate in the trade union and enroll in the professionally based union.

dd. Persons that are appointed to be representatives to manage state capital and are leaders of non-public service providers, non-state-owned enterprises or foreign-invested enterprises.

e. Apart from the above-mentioned individuals, the following ones may be considered to enroll in the trade union or professionally based union if they are:

- Vietnamese legal freelance workers, including workers that competent state authorities have granted practice licenses to but do not hire workers working in industries, transportation, artisanal and small-scale industries, trade, services, health, etc.

- Vietnamese working abroad in accordance with labor contracts concluded by and between domestic and foreign authorities or enterprises for at least one year.

1.2. Individuals ineligible to enroll in the Vietnam Trade Union

a. Foreign employees working in Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c. Rectors, directors of institutes; deputy rectors or deputy directors of institutes authorized to manage their institutions or conclude labor contracts with employees working for non-public service providers.

d. Members of agricultural cooperatives.

dd. Prisoners.

1.3. Unionists that are now owners of non-state-owned enterprises or foreign-invested enterprises

Unionists that are now the individuals mentioned in Points b and c Section 1.2 this Guidance shall be non-unionists. In the cases where such non-unionists wish to continue participate in the trade union, the executive board of the grassroots trade union may consider recognizing honored unionists for them.

1.4. Rights and obligations of honored unionists:

a. Honored unionists shall be entitled to participate in activities of the union or receive rewards from the union; shall act as delegates to take part in the congress of grassroots trade unions.

b. Honored unionists shall not allowed to vote when participating in meetings, conferences or congresses of the trade union; to self-nominate or nominate someone to work for executive authorities of trade unions and to be delegates to take part in congresses of delegates or conferences of delegates of trade unions.

c. Honored unionists are encouraged to voluntarily pay union fees to their grassroots trade unions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.1. Procedures for admission and recognition of unionists:

a. An individual or a group of individuals shall agree on the Charter and make application forms for participating in the Vietnam Trade Union.

An application form for participating in the Vietnam Trade Union shall be an application form made by the individual (bearing his/her physical or electronic signature) or an application form made by the group of individual (bearing their signatures according to the list specified in the form).

b. The executive board of grassroots trade union shall make a decision on admission of unionists and organize a ceremony thereof. Multiple individuals may be admitted in a ceremony and they must be present at the ceremony (except for their special reasons). The grassroots trade union shall publish and give the decision on admission of unionists to employees. If the workplace has plenty of employees, the executive board of grassroots trade union may authorize a unionist, division or team affiliated to the trade union to organize the ceremony of unionist admission.

c. In the cases where the trade union has not been established in the workplace:

When employees submit the application form for participating in the trade union, the board establishing the grassroots trade union shall receive application forms and publish the list of employees participating in the trade union and request the superior trade union to recognize unionists. The recognition of unionists is provided in Section 13 Chapter III herein.

In the cases where the board establishing the grassroots trade union has not been organized, the superior trade union shall process application forms submitted by employees, consider the admission, organizing the ceremony of unionist admission and giving unionist’s cards to employees. After unionists are admitted, the superior trade union shall introduce the trade union club to unionists or the temporary club at the workplace where unionists are admitted until a trade union is established in their workplace.

The unionist that is no longer a member of the trade union and now wishes to re-enroll shall submit an application form and the executive board of grassroots trade union or superior trade union shall consider re-admission.

2.2. The unionist’s card shall be used in any of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The unionist presents the unionist’s card when being transferred to another trade union; participates in activities organized by the trade union (if required); needs help or assistance from trade unions.

- The unionist presents the unionist’s card to the superior trade union to temporarily participate in when the trade union has not been established in his/her workplace, when the trade union is dissolved or during the time when the unionist terminates his/her labor contract when he/she hasn't found a job.

2.3. Management of unionist’s cards:

- The Presidium of the VGCL shall ensure consistency of managing the specimen of unionist's cards and assign confederations of labor of provinces/cities, central and equivalent trade unions to manage giving of unionist's cards within their competence.

- Unionist’s cards shall be given to unionists in the admission ceremony or after the admission. The unionist receiving the unionist’s card shall comply with rules for using it. If the unionist’s card is lost or damaged, the unionist shall report immediately to his/her grassroots trade union for reissuing. If any fake unionist’s card is found, the unionist shall promptly report to the grassroots trade union or superior trade union.

- If the unionist is no longer a member of the trade union or expelled from the trade union, the grassroots trade union where the unionist participates in shall revoke the unionist's card and remove his/her name in the list of unionists.

- The unionist that retires or stops working shall be entitled to keep the unionist’s card.

2.4. Procedures for transfer of unionists:

- When moving to another workplace, the unionist shall present his/her card to participate in the trade union therein. If the unionist has not received the card, the trade union of the workplace where the unionist leaves shall provide the unionist with a written reference on the transfer of trade union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Rights of unionists mentioned in Article 3 shall be exercised as follows:

- The unionist of the workplace where the trade union has not been established shall be entitled to gather employees to set up the grassroots trade union in accordance with regulations of law and the Charter.

- The unionist shall be eligible to self-nominate or nominate someone to work for executive authorities of trade unions under regulations of the VGCL.

- The unionist that continues to work under the labor contract or a permanent employment contract after retiring shall continue to participate in the trade union of his/her workplace.

4. Regarding trade union officials mentioned in Article 5 and Article 6:

4.1. Trade union officials include: Trade union leaders and vice leaders, members of executive boards; members of trade union inspection committees, members of mass commissions of trade unions through election results or appointed by competent trade unions; officials working for trade organization structures.

4.2. Management of trade union officials:

- Full-time and part-time trade union officials shall be recognized by trade unions (according to each level).

- The full-time trade union official shall receive salary from trade union financial resources that the trade union directly and completely manages and provides benefits for officials under regulations and allocation of the Communist Party and the VGCL.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.3. Unionists that are chairpersons of boards of directors, chairpersons of boards of members, presidents, general directors, directors of enterprises or heads of administrative authorities or public service providers shall not be eligible to work as the chairpersons of equivalent trade unions.

Chapter 2.

RULES AND SYSTEM OF TRADE UNIONS

5. Rules for organization and operation mentioned in Article 7 shall be implemented as follows:

5.1. The Vietnam Trade Union shall organize and operate with the principle of democratic centralism, organize trade unions and unionists in the system of trade unions to comply with the Resolution of the Congress of the Vietnam Trade Union, the Resolution of the Executive Board of the VGCL, resolutions of congresses and resolutions of equivalent and superior trade unions. Resolutions of trade unions shall be valid only when over 50% of the participants consent.

5.2. Each trade union congress of each level shall decide missions of their trade unions in accordance with regulations of law and the Charter.

6. Badges of Vietnam Trade Union (hereinafter referred to as “Trade Union badges”) mentioned in Article 8 shall be implemented as follows:

6.1. Trade Union badges shall be used consistently and widely in operation of trade unions.

6.2. The use of Trade Union badges shall ensure consistency of colors and layouts specified in Article 8 of the Charter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Congresses of trade unions;

- Ceremonies of unionist admission, establishing ceremonies of trade unions or anniversaries of trade union traditional days;

- In headquarters or workplaces of trade unions;

- Published documents of at least superior trade unions.

7. Regarding levels of trade unions mentioned in Article 9:

The organizational system of the trade union includes the following basic levels:

7.1. Central level: The VGCL.

7.2. Provincial level and equivalent level consist of:

- Confederations of labors of provinces/central-affiliated cities (hereinafter referred to as "confederations of labor of provinces");

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7.3. Superior trade unions consist of:

- Confederations of labors of districts/towns/provincial cities (hereinafter referred to as "confederations of labor of districts");

- Education trade unions of districts/towns/provincial cities (hereinafter referred to as "education trade unions of districts");

- Local trade unions; trade unions of industrial parks, export-processing zones, high-tech zones and economic zones (hereinafter referred to as "trade unions of industrial parks");

- Trade unions of corporations affiliated to the VGCL.

- Trade unions of corporations affiliated to confederations of labor of provinces or central trade unions;

- Eligible central trade unions include:

+ Trade unions of boards of the Communist Party; the National Assembly’s office; the Government’s office.

+ Central trade unions of socio-political organizations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Trade unions of general departments, departments, national universities and regional universities.

- Other specific superior trade unions considered or decided by the Presidium of the VGCL.

- Professionally based unions.

7.4. Grassroots trade unions consist of:

- Trade unions of state authorities, political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations, socio-professional organizations, authorities, enterprises, cooperatives or other organizations hiring employees in accordance with regulations of law on labor; foreign authorities or organizations operating in the territory of Vietnam (hereinafter referred to as "authorities, organizations and enterprises").

- Professionally based unions.

8. Congresses and conferences of trade unions mentioned in Articles 10, 11 and 12:

8.1. Tenures of congresses of grassroots trade unions

a. The congress of grassroots trade union or professionally based union shall be held every 5 years. The tenure of affiliated grassroots trade union, professionally based union, affiliated trade union, affiliated professionally based union shall be as same as the tenure of grassroots trade union or professionally based union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The grassroots trade union has under 10 unionists.

- The grassroots trade union of non-state-owned enterprise or foreign-invested enterprise has the changed rate of the list of unionists from at least 20% or during the tenure of changing members of the executive board from at least 50%.

c. The trade union team or the professionally based union team shall hold a general conference twice every 5 years to vote for the trade union leader and vice leader and assess implementation of the grassroots trade union’s resolution or may hold an ad-hoc conference if necessary. The grassroots trade union shall recognize election results of trade union leader and vice leader.

8.2. How to calculate the congress tenure:

- The trade union when divided shall be entitled to inherit the tenure before the division.

- After the merger, the trade union keeping the name of another trade union shall be entitled to inherit the previous tenure of such union; if it has a new name, the tenure shall be the first one.

- If the grassroots trade union is upgraded to be a superior trade union, the tenure shall be the first one (not applying the tenure of the based level to the superior level).

8.3. Ad-hoc congresses of trade unions:

a. The ad-hoc congress shall be agreed by the superior trade union if any of the following cases arises:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The number of absent executive board members is over fifty percent (50%).

- The internal trade union has seriously disagreement or two-thirds (2/3) of the executive board members receive at least warning sanctions.

b. Participants in ad-hoc congresses:

- Participants in the plenary congress shall be the entire unionists.

- In terms of the congress of delegates: applying any of the following options:

+ Convening executive board members; delegates participating in the beginning of the tenure and having adequate qualifications of delegates. In the cases where the number of delegates participating in the beginning of tenure is inadequate, it is required to hold additional election in authorities where delegates are inadequate until they are adequate.

+ Voting the entire delegates in accordance with regulations of the Charter.

8.4. Options of holding congresses

There are two options of holding a congress: the congress of delegates and the congress of unionists.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- At least superior trade union.

- Grassroots trade union, affiliated grassroots trade union, professionally based union, affiliated trade union or affiliated professionally based union having at least 150 unionists. If fewer than 150 unionists disperse or hardly organize the plenary congress, they shall hold the congress of delegates when approved by the superior trade union.

b. The plenary congress is the congress of the entire unionists (except for unionists that receive at least warning sanctions, are prosecuted, kept in detention or imposed penalties by a court) and is held in the grassroots trade union, affiliated grassroots trade union, professionally based union, affiliated trade union or affiliated professionally based union having under 150 unionists. If at least 150 unionists request the holding of the plenary congress, the superior trade union shall consider deciding.

8.5. Number of official delegates participating in congresses

a. The number of official delegates participating in the congress or conference of trade union delegates that the executive board of trade union convenes and decides according to the number of unionists, the number of grassroots trade unions or professionally based unions and specific situations of authorities shall comply with the following regulations:

- The number of delegates participating in the congress of the grassroots trade union, affiliated grassroots trade union or professionally based union shall not exceed 150 people; the number of delegates of the grassroots trade union having at least 5,000 unionists shall not exceed 200 people.

- Superior trade union congress: Not exceeding 200 delegates.

- Congress of trade union of province, city or central trade union having:

+ Under 80,000 unionists: Not exceeding 250 delegates.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ From 100,000 to 300,000 unionists: Not exceeding 400 delegates.

+ Over 300,000 unionists: Not exceeding 500 delegates.

- Trade union congress of the corporation affiliated to the VGCL: Not exceeding 250 delegates.

- The number of delegates of the Congress of Vietnam Trade Union shall be decided by the executive board of the VGCL.

The superior trade union may increase the number of official delegates if necessary provided that the increased number does not exceed 10% over the above-mentioned number of delegates.

b. Delegates participating in the trade union congress or congress of delegates of superior trade union shall be elected by congress of official delegates or the congress of inferior trade union.

- Where the delegates have been elected but the trade union is divided into some new trade union, the convening trade union may decide to organize additional election to find some delegates for new trade unions in accordance with regulations of Point a Section 8.5 Chapter II herein.

- Where the delegates have been elected but the trade union is affiliated to the new superior trade union due to division and the superior trade union has not held the congress, the convening trade union shall convene delegates transferred by the new trade union and added to the total convened delegates of the congress.

- Where the delegates have been elected but a decision on dissolution of the trade union is given, elected delegates shall no longer be official delegates participating in the superior trade union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The executive board convening the congress/conference shall only convene official delegates participating therein when:

- The delegates are appointed and delegates are elected by the congress/conference of the inferior trade union in accordance with election rules and regulations of the executive board of the convening trade union.

- The delegates are members of the current executive board of the convening executive board in the tenure and have participated in over 50% of the number of sessions.

8.7. Procedures for organizing trade union congresses

The trade union congress shall be organized in accordance with the following procedures:

- Saluting the flag.

- Voting for the presidium, secretariat and inspectorate of qualified delegates.

- Opening ceremony and delegates introduction.

- Adopting agendas and regulations of the congress.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Summarizing the past tenure and direction of the next tenure.

- Discussion about documents of the congress.

- Statements made by the superior trade union, respresentatives of executive committee of the Communist Party of Vietnam, local authorities and relevant authorities.

- Voting (performing the tasks in accordance with election procedures).

- Adopting the congress's resolution.

- Closing ceremony (saluting the flag).

8.8. Rules and procedures for executing congresses

a. The executive board of trade union convening the congress:

- The executive board shall draw up the agenda of congress; estimate the number, structure and the list of presidium, secretariat and inspectorate of qualified delegates of the congress and request the congress to discuss and adopt through voting by raising hands (voting the list once or voting each person separately). In the cases where any member of the presidium, secretariat or inspectorate disagrees, the representative of the executive board convening the congress shall re-present the estimated structure to the congress. If there is still disagreement, the executive board or congress shall be entitled to introduce another person and the congress shall adopt through voting by raising hands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b. The presidium of congress

- The presidium of congress shall be official delegates of the congress. The guests of congress may be invited to participate in the presidium as honored members (honored members of the presidium indirectly executing the congress), the number of honored members participating in the presidium shall not exceed one-fifth (1/5) of the total members of the presidium.

The presidium of congress shall have the following rights and responsibilities:

- Manage tasks of the congress, work with the principle of democratic centralism and majority rule.

- Assign members to mange tasks of the congress in compliance with the agenda and working regulations adopted by the congress, prepare contents for discussing, voting, leading and managing activities of the congress.

- Manage the voting and decide whether a person is eligible to be removed from the nominee list or not.

- Receive the voting result record and sealed ballots from the voting board to transfer them to the new executive board.

- Appoint the convener of the first session of the executive board after publishing the voting result of the trade union executive board.

c. Secretariat of the congress

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Record a minutes summarizing discussed opinions, drafts of documents on conclusion and resolution of the congress.

- Manage and publish documents related to the congress in accordance with the direction of the presidium of congress.

- Receive, retain and submit all official documents of the congress to the new executive board.

The chief of secretariat shall take responsibility to the presidium of congress for duties of the secretariat and shall assign specific duties to each member.

8.9. Inspection of qualified delegates and responsibilities of the inspectorate of congress

a. Inspection of qualified delegates: The delegate participating in the congress shall be consider qualified when there are over 50% of the total official delegates in the congress voting by raising hands. The plenary congress shall not vote for recognizing qualifications of delegates; the executive board of trade union convening the congress shall report to the congress on the number and qualifications unionists participating in the congress.

b. Inspectorate of qualified delegates: The inspectorate of qualified delegates shall be official delegates of the congress. The plenary congress shall not vote for the inspectorate of qualified delegates.

c. Responsibilities of the inspectorate:

- Study documents on delegates provided by the executive board convening the congress; consider qualifications of delegates according to standards of delegates and relevant rules; consolidate, analyze and report issues related to delegates (in cooperation with the secretariat of congress).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Report the inspection of delegates qualifications and conclude the consideration of complaints so that the presidium of congress will discuss and decide to vote by raising hands.

- The inspectorate of qualified delegates shall terminate their commission after the congress adopts qualifications of delegates.

d. The executive board convening the congress and considering deciding qualified delegates: If the delegate still receives at least warning sanction (discipline of the Communist Party, local authority, trade union or other unions), the executive board convening the congress shall consider and report qualifications of the delegate to the congress.

8.10. Congresses of delegates and plenary congresses

- The number of official delegates participating in the congress of delegates and inspectorate of qualified delegates shall comply with Sections 8.5 and 8.9 Chapter II herein.

- If the congress of delegates or plenary congress fails to be held, the superior trade union shall allow organizing an open congress of executive board to vote for delegates participating in the congress or conference of superior trade union and the number of delegates attending such open congress shall be decided the executive board convening the congress. The persons elected to attend the superior trade union congress/conference shall be the delegates present at the congress. The executive board convening the open congress shall report qualifications of delegates at the congress (not voting for qualifications of delegates).

8.11. Self-nomination and nomination to trade union executive boards and delegates attending superior trade union congresses or conferences

a. Self-nomination:

- The candidate that is not an official delegate and shall submit an application form with comments made by the executive board of the trade union where he/she is participating in and a résumé certified by a competent authority to the presidium of congress.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b. Nomination

- The executive board convening the congress shall have the rights to nominate participants in the new executive board or delegates attending the superior trade union congress (if any) and shall provide résumés of each person. The number of candidates participating in the new executive board of the superior trade union on the nomination list shall be more than ten percent (10%) compared to the number of members of executive board decided by the congress.

- Official delegates of the congress/conference shall have the rights to nominate delegates of congress/conference or unionists that are not delegates of congress/conference to the executive board.

- If the nominee to the executive board is not an official delegate of the congress, the person introducing the nominee shall provide the nominee’s résumé with comments made by the trade union where he/she is participating in and a compulsory written approval by the nominee.

- The nominee wishing to attend the superior trade union congress/conference shall be an official delegate of the congress.

- Self-nomination and nomination of the unionist that is a member of the Communist Party shall comply with regulations of the Communist Party of Vietnam.

8.12. Election

a. Election list

The presidium of congress shall fully consolidate and report the nomination/candidate list, list of persons applying for removing from the list and the presidium's decision whether the persons are eligible to be removed from the nomination/candidate list or not. The nomination list shall be adopted by the congress through voting by show of hands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

An election board includes official delegates of the congress whose names are not on the nomination list, introduced by the presidium of congress and adopted through voting by show of hands.

Responsibilities of the election board:

- Disseminate election rules and provide guidance on casting, giving and collecting ballots; check the ballot box before casting and seal the ballot box.

Check ballots (the election board shall not count the number of ballots before the congress), make a ballot check record and adopt it in the election board, publish the election result at the congress; seal ballots and transfer them to the presidium of congress.

- If ballots are checked by technical means, the election board shall be entitled to assign certain technicians that are not delegates of the congress to check the ballots. Apart from members of the election board, technicians and representatives of the superior trade union shall supervise the ballot check and the election board shall not allow any person not in charge to enter the ballot check area.

8.13. Ballots

a. Formality of ballots:

- Ballots shall specify full names, positions and workplaces of the candidates on the list of election list adopted by the congress alphabetically for the entire election list or in accordance with the business section. Write-in ballots may be applied in the cases where there are not many candidates approved by the congress.

- The executive board of trade union convening the congress shall bear a stamp on the top-left corner of each ballot.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b. Valid ballots include:

A ballot issued by the election board in accordance with the formality mentioned in Point a Section 8.13.

A ballot having adequate or inadequate number of members of the executive board adopted by the congress through voting.

c. Invalid ballots include:

- A ballot that is issued not in accordance with the formality stated in the election rules of the election board and is not issued by the election board.

- A ballot having no stamp borne by the executive board.

- A ballot having all the names struck through on the printed ballot or having no names specified in the write-in ballot.

- An abundant ballot approved by the congress through voting.

- A ballot specifying a candidate that is not on the election list adopted by the congress through voting.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- A torn or crumple ballot.

- A write-in ballot not specifying the first name, only specifying the last name or middle name of the candidate, not specifying the position or workplace of the candidate. A ballot shall also be considered invalid if there are multiple candidates having the same names on the election list adopted by the congress but the ballot only specifies first names and does not specify last names, middle names, positions or workplaces of candidates.

d. Ballot check:

- In the cases where the number of ballots collected is more than that issued by the election board, the election board shall report immediately to the presidium of congress.

- For printed ballots, the following cases shall be considered non-struck-through ballots:

+ Underlining or overlining full name of a candidate.

+ Striking through last name and middle name only, not striking through first name of the candidate.

+ Striking through the position and workplace only, not striking through full name of the candidate.

- For write-in ballots, the following cases shall be considered ballots:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ The ballot only specifies first name and does not specify last name, middle name, position or workplace of the candidate if there is no candidate having the same name on the election list adopted by the congress.

dd. Management of ballots

Finished ballots shall be sealed for 6 months. Only the executive board or standing committee (presidium) shall be entitled to unseal the ballots (if necessary). After 6 months, if there are no complaints about the election result, the standing committee (presidium) or executive board shall decide to remove ballots.

8.14. Election results

The winner shall achieve more than half (1/2) of the total votes cast.

- Where the number of candidates having more than half (1/2) of the total votes cast is more than the number of members of the executive board voted by the congress, the winners shall be chosen from the most to the fewest votes until the number of winners is satisfactory.

- In cases where there are more than half (1/2) of candidates having equal votes, only one or some candidates will be chosen to meet the election requirements, it is required to request the congress to continue electing those candidates to select ones having higher number of ballots. In such case, it is not required to reach the number of ballots more than half (1/2) over the total of ballots collected by the election board. If the number of ballots is still equal after the second election, the congress shall decide whether to hold another election or not.

- Where the number of candidates having more than half (1/2) of ballots is fewer than the required number of the election, the congress shall discuss and decide to continue to elect until the number of positions in the executive board is met; or not to elect and select the number of winners that is fewer than the number decided by the congress).

8.15. Election of delegates attending congresses or conferences of superior trade unions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The separate election of alternate delegates for the congress/conference of superior trade union shall be held only when the number of official delegates is satisfactory.

8.16. Transfer of alternate delegates to official ones of the congress shall be decided by the executive board or the standing committee (presidium) convening the congress/conference at the request of the executive board or the standing committee of the trade union having elected alternate delegates. Transfer of alternate delegates to official ones shall be specified in reported contents of the inspectorate of qualified delegates.

9. Regarding the executive boards of trade unions mentioned in Article 13:

9.1. The executive board of the affiliated grassroots trade union, affiliated trade union or affiliated professionally based union shall be recognized by the executive board of the grassroots trade union or professionally based union.

9.2. The number of members of the executive board of trade union of each level shall be decided by the trade union congress thereof as follows:

- The executive board of the affiliated trade union or affiliated professionally based union: 3 – 7 members.

- The executive board of the grassroots trade union, professionally based union or affiliated grassroots trade union: 3 – 15 members. The grassroots trade union having at least 3,000 unionists: not exceeding 19 members.

- The executive board of superior trade union: Not exceeding 27 members. The executive board of the corporation affiliated to the VGCL: not exceeding 35 members.

- The executive board of central or equivalent trade union or executive board of the confederation of labor of province affiliated to the VGCL: not exceeding 39 members; executive board of the central trade union or confederation of labor of province having at least 100,000 unionists: not exceeding 49 members. The executive board of the confederation of labor of Hanoi city or Ho Chi Minh city: not exceeding 55 members.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9.3. Assignment of provisional executive boards of trade unions:

a. The superior trade union shall be entitled to assign a provisional executive board of inferior trade union and titles in a standing authority of such executive board (through a physical decision) when:

- A superior trade union, grassroots trade union, affiliated grassroots trade union, professionally based union, affiliated trade union or affiliated professionally based union has just been established.

- The executive board is dissolved.

- A superior trade union, grassroots trade union, affiliated grassroots trade union, professionally based union, affiliated trade union or affiliated professionally based union is divided, merged or consolidated due to rearrangement of organization or business or change in administrative land boundaries, etc.

- The grassroots trade union is upgraded to the superior trade union.

- The superior trade union, grassroots trade union, affiliated grassroots trade union, professionally based union, affiliated trade union or affiliated professionally based union fails to organize the congress in accordance with the prescribed tenure.

- The number of inadequate executive boards of the superior trade union is more than one-third (1/3) or that of the grassroots trade union is more than half (1/2) causing failure to organize the ad-hoc congress mentioned in Section 8.3. Chapter II herein.

b. The time for operating the provisional executive board of trade union shall not exceed 12 months. If the congress fails to be organized after 12 months, the superior trade union shall consider making a physical decision on giving an extension for operating the provisional executive board provided that it does not exceed 6 months; or cease operation of the old provisional executive board of trade union and assign a new one.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9.4. Addition of members of executive boards of trade unions

Where inadequate or abundant members of the executive board are required to be added, the executive board of trade union thereof shall make a request and send it to the superior trade union for approval.

Procedures for voting additional members of the executive board:

- Publishing the decision on voting additional members of the executive board made by the superior trade union.

- Voting in compliance with election rules.

The person that is no longer a member of the executive board shall not be allowed to vote for additional members and titles in the board. The winner shall be entitled to self-nominate or nominate someone and vote right after he/she is announced to be a member of the executive board.

9.5. The executive board of the superior trade union shall exercise the rights to represent in the area where the grassroots trade union has not been established if required by employees in compliance with regulations of law and the presidium of VGCL.

10. Organizational structure and tenure of trade union officials mentioned in Article 14:

The organizational structure of each trade union and tenure of trade union officials in the trade union system shall ensure consistency with regulations of the presidium of VGCL and assignment of the Communist Party. The executive board of each trade union shall depend on its allocated financial resources and duties to organize the organizational structure and assign trade union officials in accordance with regulations of the VGCL. Every year, confederations of labor of provinces, central and equivalent trade unions and trade unions of corporations affiliated to the VGCL shall periodically report the organizational structure and tenure of trade union officials to the presidium of VGCL.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11.1. After the voting result of the new executive board is published, the presidium of congress shall assign a member of the executive board to act as a convener to arrange the first conference of the board. The convener shall organize the conference of the executive board to elect the presidium of the conference or take charge of the conference.

The first conference of the executive board shall elect the presidium (standing committee), elect chairperson, vice chairperson, inspectorate and head of inspectorate. The first conference of the executive board shall be held during the congress. If the first conference fails to be held during the congress, the convener shall call the first conference of the executive board to elect the presidium (standing committee) within 15 days from the closing date of the congress. During the time when the first conference has not been held, the convener shall directly manage tasks of the new executive board.

11.2. Election of chairpersons of executive boards

- The first conference of the executive board shall assign a chairperson (if the executive board has fewer than 15 members), the presidium of conference (if the executive board has at least 15 members) and secretariat of the conference through voting by show of hands. If the congress of the grassroots trade union elects the chairperson directly, such chairperson shall be the convener and chairperson of the conference.

The chairperson or the presidium shall report the agenda to the conference for approval. The conference of the executive board shall discuss and decide the number and structure of the presidium (standing committee) and the inspectorate. Self-nomination, nomination and election of the presidium (standing committee) shall follow procedures and rules as same as those of electing the executive board.

11.3. Voting order:

- Electing the presidium (standing committee) from members of the executive board.

- If the congress of grassroots trade union has elected the chairperson directly, the chairperson shall be included in the total number of members of the standing committee and shall not be re-elected.

- Electing the chairperson from members of the presidium (standing committee).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Electing the inspectorate.

- Electing head of the inspectorate from members of the inspectorate.

11.4. Direct election of the chairperson of the grassroots trade union or professionally based union at the congress shall be carried out as follows: When more than half (1/2) of the members attending the congress require direct election of the chairperson, the presidium of congress shall report it to the superior trade union and follow voting procedures as same as those of the executive board.

11.5. The presidium (standing committee), chairperson, vice chairperson, inspectorate and head of the inspectorate shall perform their duties after being elected; chairperson of the trade union or head of the inspectorate shall be entitled to conclude documents within his/her competence after being elected and receive the transfer from the presidium (standing committee) or the inspectorate of the previous tenure within 15 days.

11.6. Recognition of election results

After the congress, the standing committee or executive board (where the standing committee is not available) of the new tenure shall request the superior trade union to recognize election results of executive board, standing committee, chairperson, vice chairperson, inspectorate, head or deputy head of the inspectorate. The chairperson of the VGCL that has just been elected shall be eligible to conclude a decision on recognition of election results of the executive board, presidium, chairperson, vice chairpersons, inspectorate, head or deputy head of the inspectorate of the VGCL.

An application for recognition of the election result submitted to the superior trade union includes:

- Application form for recognition of election results of the executive board, standing committee, chairperson, vice chairperson, inspectorate, head or deputy head of inspectorate.

- Record on election of the executive board; conference minutes of the executive board on electing the standing committee, chairperson, vice chairperson, inspectorate or head of inspectorate; conference minutes of the inspectorate on electing the deputy head thereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Within 15 days from the day on which the application is received, the superior trade union shall consider recognizing election results. After the congress, if any violation against election standards, rules or procedures is found, the superior trade union shall have the rights to reject election results of the congress or of the inferior executive board and direct the re-election; if one or some elected title(s) fail(s) to comply with prescribed standards or rules, the superior trade union shall be entitled not to recognize one or some of such title(s).

Chapter 3.

GRASSROOTS TRADE UNION AND PROFESSIONALLY BASED UNION

12. Requirements for establishment and organization of grassroots trade unions mentioned in Article 16 shall be implemented as follows:

12.1. Grassroots trade unions shall be the foundation of trade unions.

a. Enterprises under types of ownership; cooperatives hiring employees in accordance with regulations of law on labor; authorities of communes/wards/towns; state authorities; public or non-public service providers aggregating separately; branches or representative offices of enterprises under types of ownership, foreign authorities, organizations or individuals hiring Vietnamese employees shall be eligible to establish grassroots trade unions when the two following requirements are satisfied:

- Having at least 5 unionists/employees voluntarily making application forms for participating in the Vietnam Trade Union.

- Having the status of a juridical person.

b. A combined grassroots trade union shall be allowed to establish in any of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Authorities have over 20 unionists/employees voluntarily participating in the trade union but fail to have full juridical person status.

- Enterprises having eligible unionists or full juridical person status but having the same owners or business lines establish affiliated grassroots trade unions if they wish to voluntarily combine.

12.2. The confederation of labor of district or local trade union shall decide to establish, dissolve and direct operation of the professionally based union.

12.3. The grassroots trade union shall decide to establish the affiliated grassroots trade union after the superior trade union has approved. The grassroots trade union shall thoroughly direct and assign certain tasks and power to the affiliated grassroots trade union. The affiliated grassroots trade union shall be established when:

- The organization fails to have juridical person status and is directly controlled by an enterprise having the grassroots trade union.

- The grassroots trade union wishes to establish the affiliated grassroots trade union.

b. The grassroots trade union, affiliated grassroots trade union or professionally based union having different business lines may establish an affiliated trade union, affiliated professionally based union or trade union team (if necessary). The grassroots trade union, affiliated grassroots trade union or professionally based union shall direct operation and assign tasks to the affiliated trade union or affiliated professionally based union. The grassroots trade union, affiliated grassroots trade union or affiliated trade union shall establish and direct operation of the trade union team.

13. Procedures for establishing the grassroots trade union mentioned in Article 17 shall be implemented as follows:

13.1. The board establishing the grassroots trade union:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

When at least 3 employees working for the authority/organization/enterprise voluntarily make an application form for participating in the Vietnam Trade Union, they may gather and elect head of the board to mobilize the establishment of the grassroots trade union. An employee that is a unionist shall have the rights to convene other employees and become head of the board; if the number of unionist is more than that (under 5 unionists), head of the board shall be elected from such number of unionists.

The board establishing the grassroots trade union shall complete its duties after the executive board of the grassroots trade union has been elected.

b. Where the grassroots trade union is established by combining multiple authorities/organizations/enterprises, each unit shall have at least 3 employees voluntarily making application forms for participating in the Vietnam Trade Union and at least a representative of the board establishing the grassroots trade union.

13.2. Conference establishing the grassroots trade union:

a. The board establishing the grassroots trade union shall request the superior trade union to provide guidance on organizing the conference of establishing the grassroots trade union.

b. Contents of the conference establishing the grassroots trade union:

- Reporting the process of mobilizing employees to participate in the trade union and establishing the grassroots trade union.

- Reporting the list of employees making application forms for participating in the trade union.

- Making statement on establishment of the grassroots trade union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Adopting the operation of the grassroots trade union.

c. The election of the executive board of trade union at the conference of establishing the grassroots trade union shall be carried out by casting ballots and the winner shall achieve over half (1/2) of the number of elected ballots over the number of collected ballots. Such ballots shall have the signature of head of the board establishing the grassroots trade union borne on top-left corner of the ballots.

13.3. Application for recognition of unionists, grassroots trade union and executive board of grassroots trade union consists of:

a. An application form for recognition of unionists, grassroots trade union and executive board of grassroots trade union.

b. The list of unionists and application forms for participating in the Vietnam Trade Union submitted by employees.

c. Minutes of the conference establishing the grassroots trade union.

d. Record on ballot check (enclosed with the list of general information of candidates).

13.4. Within 12 months from the day on which the decision on recognition is given by the superior trade union, the executive board of the grassroots trade union elected by the congress establishing the grassroots trade union shall organize the first congress.

If the congress fails to be organized after 12 months, Point b Section 9.3 Chapter II herein shall be applied.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a. Superior trade union officials shall disseminate and mobilize employees to participate in the trade union.

b. The superior trade union shall provide guidelines and assist employees in establishing the grassroots trade union as follows:

When employees organize the board establishing the grassroots trade union or establish it upon a request, the superior trade union shall assign its officials to visit the authority/organization/enterprise where the grassroots trade union is going to be established in order to directly provide guidelines and assist organization of the board and the congress establishing the grassroots trade union. Each authority/organization/enterprise shall organize only one board establishing the grassroots trade union. Where employees organize multiple boards in the same authority/organization/enterprise, the superior trade union shall provide guidelines and assist employees in combining such boards together as one or assign members of the boards to establish the grassroots trade union.

c. The superior trade union shall inspect and decide whether to recognize unionists, grassroots trade union and executive board of grassroots trade union as follows:

Within 15 days from the day on which the application is received from the grassroots trade union, the superior trade union shall:

- inspect the process of organizing the board, gather employees, ensure voluntary principles and objectivity; the process of organizing the conference establishing the grassroots trade union and electing the executive board in accordance with regulations of the Charter and ensure the representation of employees.

- make the following decisions on recognition if applications are valid:

+ Decision on recognition of unionists based on the list of unionists.

+ Decision on recognition of grassroots trade union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If applications are rejected, the superior trade union shall notify unionists, the grassroots trade union or the executive board of the grassroots trade union of such rejection; assign trade union officials to directly disseminate and raise employees' awareness of voluntarily participating in the trade union; decide to admit unionists, establish the grassroots trade union, assign the executive board, provisional inspectorate of trade union and titles thereof mentioned in Point c Clause 2 Article 17 of the Charter.

14. Trade unions of state authorities, political organizations, socio-political-professional organizations, armed force authorities, public service providers (hereinafter referred to as “state grassroots trade unions”) mentioned in Article 18 include:

14.1. Grassroots trade unions of state administrative authorities.

14.2. Grassroots trade unions of authorities in communes/wards/towns.

14.3. Grassroots trade unions of political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations and socio-professional organizations receiving salary from the state budget and financial resources of the Trade Union.

14.4. Grassroots trade unions of public service providers including: Authorities operating in education, training, health, science and technology, culture, sports, etc. of the state and political organizations socio-political organizations.

15. Grassroots trade unions of state-owned enterprises mentioned in Article 19 include:

Grassroots trade unions of state-owned enterprises holding over 50% of charter capital.

16. Grassroots trade unions of non-state-owned enterprises mentioned in Article 20 include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

17. Grassroots trade unions of cooperatives mentioned in Article 21 include:

Grassroots trade unions of cooperatives, cooperative unions, cooperatives operating in the fields of industries, artisanal and small-scale industries, services, trade, transportation, etc. (excluding agricultural cooperatives).

18. Grassroots trade unions of non-public service providers mentioned in Article 22 include:

Grassroots trade unions of non-public service providers operating in the fields of education, training, health, science and technology, culture, sports, etc.

19. Responsibilities and power of affiliated grassroots trade unions, affiliated trade union and trade union team shall comply with guidelines provided by the presidium of VGCL.

Chapter 4.

SUPERIOR TRADE UNIONS

20. Superior trade unions shall be established in accordance with the provisions of Article 24, Article 25, Article 26, Article 27, Article 28 and Article 29.

20.1. Confederations of labor of provinces, central and equivalent trade unions shall be entitled to establish or dissolve superior trade unions in compliance with regulations of the Charter. It is required to develop projects and submit them to the presidium of VGCL for approval when superior trade unions have just been established. It is not allowed to establish other superior trade unions against regulations of the Charter. In special cases, if it is necessary to experiment with establishment of a superior trade union that is not included in regulations of the Charter, it must obtain approval from the presidium of VGCL.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

20.3. Education trade unions of districts mentioned in Article 24 shall directly manage and direct the following grassroots trade unions:

- Grassroots trade unions of sub-departments of education of districts.

- Grassroots trade union of kindergartens, primary schools, middle schools and authorities affiliated to sub-departments of education of districts.

20.4. Local trade unions mentioned in Article 25:

a. Local trade unions shall directly manage and direct grassroots trade unions in their provinces.

b. It is not allowed to establish local trade unions when there is no central trade union.

c. Public sector unions of provinces:

Public sector unions of provinces shall be local trade unions and shall gather officials, public employees and employees working for administrative authorities or public service providers affiliated to boards of the Communist Party; People’s Councils, People’s Committees; Vietnamese Fatherland Front and socio-political organizations, socio-political-professional organizations, socio-professional organizations of provinces; departments affiliated to People’s Committees of provinces where local trade unions are not available.

21. Establishment and direction of trade unions of corporations mentioned in Clause 4 Article 28:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Playing an important role in the socio-economic development.

- Operating nationwide.

- Having at least 20,000 unionists.

- Having at least 30 grassroots trade unions.

Chapter 5.

CONFEDERATIONS OF LABOR OF PROVINCES, CENTRAL AND EQUIVALENT TRADE UNIONS, VGCL

22. Organization and operation of local and equivalent trade unions mentioned in Article 31:

22.1. Central trade unions shall directly direct ministerial trade unions or trade unions of corporations and equivalent levels (trade unions of national universities or regional universities, trade unions of departments or general departments, etc.) and grassroots trade unions of ministerial authorities.

22.2. Operation of trade unions in a ministry having central trade unions or trade unions of corporations affiliated to the VGCL:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

22.3. Vietnam Public Sector Union:

The Vietnam Public Sector Union shall be the central trade union and shall gather officials, public employees and employees working for authorities affiliated to boards of the Communist Party; office of the National Assembly; office of the Government; central authorities of the Vietnamese Fatherland Front and socio-political organizations, socio-political-professional organizations, socio-professional organizations; ministries, ministerial and governmental authorities where central trade unions are not available.

23. Organization and operation of trade unions of the People's Army of Vietnam mentioned in Article 32 shall be implemented as follows:

23.1. Individuals admitted to the Vietnam Trade Union of the People's Army of Vietnam (hereinafter referred to as “army”) include: Officials, workers, public employees and employees ensuring national defense (hereinafter referred to as “employees”) working for administrative authorities, public service providers, science and technology institutions, producers, traders or service providers in the army.

23.2. Establishment of grassroots trade unions in the army:

a. Grassroots trade unions in the army shall be established in accordance with regulations of the Law on Trade union and the Charter when the two following requirements are fully met: each authority/enterprise has juridical person status and at least 5 unionists/employees making application forms for participating in the Vietnam Trade Union. It is not permitted to establish grassroots trade unions in the authorities that are ready for fighting.

b. When establishing grassroots trade unions, the trade union board of national defense shall inspect and request competent authorities to whether issue decisions on recognition or not for unionists, grassroots trade unions and executive boards thereof in accordance with Article 17 of the Charter and Section 13 herein.

c. Organizational structure and responsibilities of grassroots trade unions in the army shall comply with regulations of the Law on Trade union, Charter and competent authorities affiliated to the Ministry of National Defense.

24. Organization and operation of trade unions of the Vietnam People’s Public Security mentioned in Article 33 shall conform to joint regulations between the presidium of VGCL and competent authorities affiliated to the Ministry of Public Security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

FEMINIST WORK

25. Feminist work and women’s union committee mentioned in Article 35 and Article 36:

25.1. Professional women’s committees:

Professional women’s committees shall be established in trade unions of provinces, central and equivalent trade unions in compliance with regulations of the presidium of VGCL.

25.2. Public women’s committee:

a. The public women’s committee shall be established in the superior trade union and the grassroots trade union by the executive board of the trade union at the same level and members shall be appointed in accordance with the tenure of the executive board at the same level. If the grassroots trade union has under 10 female unionists, a member of the executive board shall be assigned to take charge of feminist work (not establishing the public women's committee).

b. The public women’s committee shall be directed by the executive board of trade union at the same level and directed and guided on feminist work by the superior women’s committee. The executive board of trade union shall assign a female member of the standing committee or member of the executive board to be responsible for the women’s committee or to directly act as head of the women’s committee.

c. The number of members of the public women’s committee shall be decided by the executive board of trade union at the same level provided that it does not exceed two-thirds (2/3) of the number of members of the executive board of trade union at the same level. The superior women’s committee includes representatives of certain grassroots women’s committees and female officials of the superior trade union.

d. The public women’s committee shall have the following rights and obligations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Grasp the thoughts and expectations of female unionists and employees and report them to the trade union executive board at the same level; participate in inspecting and supervising the implementation of benefits for female employees, settling issues related to the legitimate rights and interests of female unionists and employees; identify and provide refresher courses for excellent female unionists to introduce to the trade union executive board in the process of participating in the planning and training and considering the appointment of leaders of all levels; represent female unionists and employees to take part in legal organizations related to female employees, children, population, families, gender equality and the development of women.

- Disseminate and educate the female unionists and employees about policies and resolutions of the Communist Party, the State's policies and laws in general and contents related to female employees in particular; organize the emulation movement of women being good at work and good at home; mobilize female unionists and employees to participate in social activities and general emulation movements launched by the trade union.

Chapter 7.

FINANCE AND PROPERTY OF TRADE UNIONS

26. Management of finance and property of trade unions mentioned in Article 37 and Article 38:

The presidium of the VGCL shall provide specific guidelines or regulations on payment for union fees by unionists; collect, assign collection of payment, transfer sources of collection, use and manage finance, property, economic activities and capital construction of the trade union.

Chapter 8.

INSPECTION OF TRADE UNIONS AND INSPECTORATES THEREOF

27. Inspection of trade unions mentioned in Article 39:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

27.2. Executive boards of trade unions shall decide inspection programs and plans for their levels and direct inferior trade unions to develop plans for inspection of the compliance with the Charter every tenure or every year, implement resolutions of congresses, resolutions or programs of executive boards at their levels and higher levels, settle complaints, develop and provide refresher courses for inspectors.

27.3. Executive boards of trade unions shall report the inspection (included in general reports) at congresses.

27.4. Standing committees of trade unions shall take responsible to executive boards for providing guidelines and fostering the implementation of programs or plans for inspection of the compliance with the Charter, carry out resolutions of congresses, resolutions or programs of executive boards at their levels or higher levels, settle complaints, develop and provide refresher courses for inspectors.

28. Inspectorates of trade unions mentioned in Article 40:

28.1. Inspectorates shall be established from at least grassroots trade unions and elected by executive boards at the same levels, including certain members and non-members of executive boards.

28.2. The number of members of inspectorates shall be decided by executive boards of trade unions at the same levels as follows:

- Inspectorate of VGCL: not exceeding 15 members.

- Inspectorate of confederation of province, central or equivalent trade union: not exceeding 11 members.

- Inspectorate of superior trade union: not exceeding 9 members.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

28.3. Standards of inspectors: Inspectors shall utilize the standards same as those of the executive board at the same level, have knowledge of law, economics, financial management, etc. and have qualifications and experience of conducting inspections.

The official or unionist that is head or deputy head of the finance department of the trade union; chief accountant, account holder or person authorized to be the account holder of the trade union at the same level shall not be appointed to participate in the inspectorate.

28.4. The tenure of the inspectorate shall be the tenure of the executive board at the same level. The time for operating a provisional inspectorate shall not exceed 12 months.

If the congress fails to be organized after 12 months, the superior trade union shall consider making a physical decision on giving an extension for operating the provisional inspectorate provided that it does not exceed 6 months, or dissolve the old provisional inspectorate and assign a new one.

28.5. Heads of inspectorates of provinces, central and equivalent trade unions shall be eligible trade union officials.

28.6. Election of deputy heads of inspectorates

a. Deputy heads of the inspectorate shall be elected from members of the inspectorate.

b. In the cases where the first congress of the executive board has decided the number and structure of deputy heads of the inspectorate, within 15 days from the closing date of such congress, head of the inspectorate shall convene the first congress of the inspectorate to elect deputy heads thereof.

c. If the election of additional deputy heads of the inspectorate exceeds the number of that decided by the first congress of the executive board of trade union, it is required to obtain a physical approval from the superior trade union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

28.8. Election of additional members of inspectorates or unparticipating in inspectorates:

a. If there is any lack of members, head or deputy head, the inspectorate shall inform the executive board and follow procedures for an additional election.

b. The inspector that is a member of the inspectorate but no longer conducts inspections shall unparticipate in the inspectorate.

c. Unparticipating and election of additional members and titles of inspectorates of trade unions shall be as same as those of executive boards of trade unions.

29. Responsibilities of inspectorates of trade unions mentioned in Article 41:

29.1. The inspectorate shall assist the executive board and the standing committee in developing inspection plans and carry out inspections on schedule.

29.2. The inspectorate shall actively investigate, detect, conduct inspections and report promptly when any violation against the Charter, resolutions, directives or regulations of the trade union committed by the organization, official or unionist at the same level or low level is found.

29.3. The inspectorate shall actively inspect collection, transfer, use or management of finance, property and economic activities of the trade union at the same level and lower level in accordance with regulations of law and the trade union.

29.4. The inspectorate shall assist the standing committee or the executive board in cooperating with state authorities in settling complaints that are beyond the trade union’s competence.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

29.6. The inspectorate of the superior trade union shall provide annual refresher courses and guidance on profession for members of its inspectorate and head, deputy head and officials responsible for conducting inspections of the inferior trade union.

29.7. The inspectorate's member responsible for conducting inspections in the grassroots trade union having under 30 unionists shall:

- receive and research or request the executive board or the standing committee of the grassroots trade union to settle complaints in compliance with regulations of law and the VGCL.

- detect and advise or request the executive board or the standing committee of the grassroots trade union to make inspection plans when any violation against the Charter is found, inspect management of finance or property of the trade union.

Chapter 9.

REWARDS AND DISCIPLINES

30. Rewards mentioned in Article 43:

30.1. The request for rewards of the trade union shall comply with the provisions of the Law on Emulation and commendation, written guidance and regulations on rewards issued by the VGCL.

30.2. Trade union officials having merits shall be considered rewarding or granting trade union medals in accordance with regulations of the presidium of VGCL.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

31.1. Disciplines imposed upon a trade union, official or unionist thereof shall ensure democracy and publicity.

31.2. Disciplines imposed upon the trade union official:

a. The official occupying multiple positions in multiple levels of trade unions and committing violations against regulations thereof shall be imposed disciplines by the highest-level superior trade union.

b. The official not occupying any elected position in the trade union and committing violations against disciplines shall be handled under regulations of law.

31.3. Disciplines imposed upon the unionist committing violations against the Charter shall be requested by the congress of trade union team, the executive board of the grassroots trade union shall consider deciding when the unionist does not attend 50% of the number of sessions or not pay for union fees for 6 consecutive months without any legitimate reasons.

31.4. Application for imposing disciplines consists of:

- An application form and written request made by the trade union team congress or the executive board of trade union.

- A statement made by the violator.

- Other decisions on disciplines imposed upon the violator (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

31.6. Consideration of and compliance with disciplines

- Consideration of the decision or request on imposing disciplines shall be implemented through casting ballots. If the casting of ballots does not account for more than 50% (over the total number of collected ballots) of the accepted ballots or disciplines, it is required to report all election results to the superior trade union. The trade union shall have the rights to conclude the decision on imposing disciplines, shall promptly publish or authorize the inferior trade union to publish the decision within 15 days from the day on which the decision is given.

- The trade union shall report and request a competent trade union to consider deciding to impose disciplines upon the violator beyond its competence.

- The violator shall strictly comply with such decision. The violator shall be entitled to file a complaint if disagreeing but shall strictly comply with the published decision on imposing disciplines when the competent trade union has not decided.

- If the inferior trade union fails to take actions against disciplines, the superior trade union shall consider taking actions in accordance with procedures specified in regulations of law and consider responsibilities of such trade union.

- The dismissed chairperson or vice chairperson shall still be the member of the standing committee; the dismissed member of the standing committee shall still be the member of the executive board; the dismissed member of the executive board shall be neither the chairperson, vice chairperson nor the member of the standing committee. The unionist that is expelled from the trade union shall no longer be the trade union official.

- The prescriptive period of imposing the discipline shall be 24 months from the day on which the violation is committed.

- The time limit for imposing the discipline from the day on which the violation is detected to the day on which the decision on imposing the discipline is given shall be 2 months. If the case has complex circumstances, such time limit may be prolonged provided that it does not exceed 4 months.

Chapter 10.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

32. Compliance with the Charter mentioned in Article 45:

Trade unions and unionists shall strictly comply with the Charter and this Guidance. Any issue arising during the course of implementation of this Guidance shall be reported to the presidium of VGCL.

 

 

ON BEHALF OF THE PRESIDIUM
CHAIRPERSON




Dang Ngoc Tung

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Guidance No. 238/HD-TLD dated March 04, 2014 on implementation of the Charter of Vietnam Trade Union

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.995

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.27.225
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!