ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM 2003
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, kể từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với
lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc, đã tổ chức, vận động công nhân, viên
chức, lao động (CNVCLĐ) đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của
Tổ quốc, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phát huy truyền
thống tốt đẹp đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tổ chức, động viên
CNVCLĐ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức
và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng,
xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ
các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng
nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp của giai cấp công nhân, có chức năng:
Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tham gia
quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt
động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy
quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo,
có quan hệ hợp tác với Nhà nước và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và
các tổ chức xã hội khác; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, tăng cường và mở rộng hợp tác với công đoàn
các nước, các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc hữu nghị, đoàn kết, bình đẳng,
hợp tác cùng có lợi, phấn đấu cho mục tiêu: Vì lợi ích người lao động, vì hoà
bình, dân chủ, độc lập dân tộc, phát triển và tiến bộ xã hội.
Chương I.
ĐOÀN VIÊN
Điều 1.
CNVCLĐ Việt Nam làm công, hưởng lương; người lao động tự do hợp pháp, không
phân biệt nghề nghiệp, nam nữ, tín ngưỡng, nếu tán thành Điều lệ Công đoàn Việt
Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí
theo quy định thì được gia nhập công đoàn.
Điều 2. Người
gia nhập Công đoàn phải có đơn tự nguyện. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xét, ra
quyết định kết nạp và trao thẻ đoàn viên công đoàn. Khi đoàn viên ra khỏi Công đoàn,
Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xoá tên và thu lại thẻ đoàn viên.
Điều 3.
Đoàn viên có quyền:
1. Được thông tin, thảo luận, đề
xuất và biểu quyết công việc của công đoàn, ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh
đạo công đoàn; phê bình chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn, kiến nghị bãi miễn
cán bộ công đoàn có sai phạm.
2. Được yêu cầu công đoàn bảo vệ
nhân phẩm và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
3. Được công đoàn: Tư vấn miễn phí
về pháp luật lao động và công đoàn; hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề;
thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Được tham gia các
sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi do công đoàn tổ chức.
4. Khi nghỉ hưu, đoàn viên được nghỉ
sinh hoạt công đoàn, được công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn
địa phương nơi cư trú giúp đỡ, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng,
được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do công đoàn
giúp đỡ.
Điều 4.
Đoàn viên có nhiệm vụ:
1. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân,
góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Thực hiện các Nghị quyết của công
đoàn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt công đoàn, đóng đoàn phí, tuyên truyền
phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn.
3. Không ngừng học tập nâng cao trình
độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, tay nghề; rèn luyện phẩm chất giai cấp công
nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật
4. Giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình
độ nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và tổ chức tốt cuộc sống; đoàn kết giúp
nhau bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và của tổ chức
công đoàn.
Chương II.
NGUYÊN TẮC VÀ HỆ THỐNG TỔ
CHỨC CÔNG ĐOÀN
Điều 5.
Công đoàn tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, với nội dung
cơ bản như sau:
a) Cơ quan lãnh đạo các cấp của công
đoàn đều do bầu cử lập ra.
b) Quyền quyết định cao nhất của
mỗi cấp công đoàn thuộc về Đại hội công đoàn cấp đó. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan
lãnh đạo là Ban Chấp hành.
c) Ban Chấp hành Công đoàn các cấp
hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục
tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.
d) Nghị quyết của công đoàn các cấp
được thông qua theo đa số và phải được thi hành nghiêm chỉnh.
đ) Khi mới thành lập hoặc tách nhập
tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành Công
đoàn lâm thời. Thời gian hoạt động của Ban chấp hành lâm thời không quá 12
tháng.
Điều 6. Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương
(sau đây gọi là Liên đoàn Lao động
tỉnh, thành phố) và công đoàn ngành Trung ương.
- Công đoàn cấp trên cơ sở.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
Điều 7. Đại
hội công đoàn các cấp:
1. Nhiệm vụ của Đại hội công đoàn
các cấp:
a) Thảo luận, thông qua các báo cáo
của Ban chấp hành; quyết định phương hướng nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ tới.
b) Tham gia xây dựng văn kiện của
Đại hội Công đoàn cấp trên.
c) Bầu Ban Chấp hành Công đoàn mới
và bầu đại biểu đi dự Đại hội công đoàn cấp trên.
d) Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt
Nam ( đối với Đại hội Công đoàn toàn quốc )
2. Nhiệm kỳ Đại hội công đoàn các
cấp:
a) Đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp
đoàn 5 năm 2 lần. Đối với công đoàn cơ sở có số lượng đoàn viên đông, nhiều
công đoàn cơ sở thành viên hoạt động phân tán có thể 5 năm Đại hội 1 lần.
b) Đại hội công đoàn các cấp trên
cơ sở: 5 năm 1 lần.
c) Trường hợp đặc biệt, nếu được
công đoàn cấp trên đồng ý, Đại hội công đoàn các cấp có thể triệu tập sớm hoặc muộn
hơn, nhưng không quá 12 tháng đối với công đoàn cấp trên cơ sở và 6 tháng đối
với công đoàn cơ sở. Riêng đối với Đại hội Công đoàn toàn quốc thì do Ban Chấp
hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.
3. Số lượng đại biểu dự Đại hội cấp
nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập theo quy định của Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam. Thành phần đại biểu chính thức gồm:
a) Các uỷ viên đương nhiệm của Ban
Chấp hành cấp triệu tập.
b) Các đại biểu do Đại hội hoặc Hội
nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể công đoàn cấp dưới bầu lên.
c) Các đại biểu do Ban Chấp hành
cấp triệu tập chỉ định với số lượng không quá ba phần trăm (3% ) tổng số đại
biểu chính thức được triệu tập.
4. Đại biểu dự Đại hội phải được
Đại hội biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ
hình thức khiển trách (theo quy định của Bộ luật Lao động) hoặc cảnh cáo ( đối
với với các trường hợp khác) trở lên, thì Ban Chấp hành cấp triệu tập xem xét,
quyết định tư cách đại biểu và sau đó báo cáo cho Đại hội biết. Người bị khởi
tố, truy tố, tạm giam thì không đủ tư cách đại biểu.
Điều 8. Hội
nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể.
1. Những nơi xét thấy cần thiết và
được Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì Ban Chấp hành Công
đoàn ở cấp đó được triệu tập Hội nghị đại biểu hoặc Hội nghị toàn thể.
2. Số lượng đại biểu do Ban Chấp
hành cấp triệu tập Hội nghị quyết định. Đại biểu dự Hội nghị phải được Hội nghị
biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Thành phần đại biểu gồm:
a) Các uỷ viên đương nhiệm của Ban
Chấp hành cấp triệu tập Hội nghị.
b) Các đại biểu do Đại hội ( nếu
trùng vào dịp Đại hội ) hoặc Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể, Công đoàn cấp
dưới bầu lên. Trường hợp không thể tổ chức được Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn
thể và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì Hội nghị Ban Chấp hành Công
đoàn cấp đó bầu.
c) Đại biểu chỉ định với số lượng
không quá ba phần trăm ( 3% ) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.
3. Nội dung của Hội nghị đại biểu,
Hội nghị toàn thể:
a) Kiểm điểm việc thực hiện Nghị
quyết Đại hội; bổ sung chương trình hoạt động của công đoàn cấp mình.
b) Tham gia xây dựng văn kiện Đại
hội công đoàn cấp trên.
c) Bổ sung kiện toàn Ban Chấp hành
và bầu đại biểu đi dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn cấp trên ( nếu
có).
Điều 9. Đại
hội, Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể, Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn các
cấp phải có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên được triệu tập đến dự
mới có giá trị. Việc bầu cơ quan lãnh đạo các cấp công đoàn và bầu đại biểu đi
dự Đại hội Công đoàn cấp trên đều phải tiến hành bỏ phiếu kín; người trúng cử
phải được quá một phần hai (1/2 ) số phiếu bầu.
Điều 10.
Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội của công đoàn mỗi cấp.
1. Ban Chấp hành Công đoàn cấp nào,
do Đại hội công đoàn cấp đó bầu ra. Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới phải được
Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Khi có quá một phần hai
(1/2) số thành viên dự Đại hội yêu cầu và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên
trực tiếp thì Đại hội công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn có thể bầu trực tiếp Chủ
tịch Công đoàn cơ sở, Chủ tịch nghiệp đoàn trong số Uỷ viên Ban Chấp hành.
2. Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành
cấp nào do Đại hội công đoàn cấp đó quyết định và không quá số lượng quy định
của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
a) Khi khuyết Uỷ viên Ban chấp hành
ở cấp nào, thì do Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể hoặc Ban Chấp hành cấp
đó bầu bổ sung. Số lượng uỷ viên Ban Chấp hành khuyết cần bầu bổ sung trong nhiệm
kỳ Đại hội không vượt quá một phần ba (1/3 ) số lượng uỷ viên Ban Chấp hành do
Đại hội quyết định.
b) Trường hợp đặc biệt cần bầu bổ
sung mà số uỷ viên Ban chấp hành vượt quá số lượng Đại hội đã thông qua, thì phải
được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp và không vượt quá số lượng quy
định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc bầu bổ sung số uỷ
viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt quá số lượng Đại hội
Công đoàn toàn quốc đã thông qua do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam xem xét, quyết định nhưng không quá ba phần trăm (3%) số lượng uỷ viên Ban
Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Đại hội Công đoàn toàn quốc
quyết định.
c) ủy viên Ban Chấp hành khi chuyển
công tác ra khỏi ngành hoặc địa phương, đơn vị thì thôi tham gia Ban Chấp hành
Công đoàn ở ngành, địa phương, đơn vị đó. ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn các
cấp khi nghỉ hưu, thôi việc thì thôi tham gia Ban Chấp hành.
d) Trường hợp ủy viên Ban chấp hành
là cán bộ chuyên trách công đoàn, khi chuyển công tác không là chuyên trách
công đoàn nữa thì do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xem xét việc tiếp tục tham
gia hay không tham gia Ban Chấp hành và đề nghị công đoàn cấp trên quyết định.
3. Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công
đoàn các cấp:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại
hội công đoàn cấp mình.
b) Thi hành Chỉ thị, Nghị quyết của
Đảng, công đoàn cấp trên.
c) Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động đối
với công đoàn cấp dưới.
d) Định kỳ báo cáo tình hình tổ chức
hoạt động công đoàn cấp mình với cấp uỷ Đảng đồng cấp, công đoàn cấp trên và
thông báo cho công đoàn cấp dưới.
đ) Quản lý tài chính, tài sản và
hoạt động kinh tế công đoàn theo quy định của Nhà Nước và Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam.
4. Hội nghị thường kỳ của Ban Chấp
hành Công đoàn các cấp:
a) Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Ban Chấp hành
Công đoàn ngành Trung ương 1 năm họp 2 lần.
b) Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên
trực tiếp của công đoàn cơ sở 3 tháng họp 1 lần. Đối với Ban Chấp hành Công
đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có công đoàn cơ sở hoạt động trên nhiều tỉnh,
thành phố 6 tháng họp ít nhất 1 lần.
c) Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở,
Công đoàn cơ sở thành viên, Nghiệp đoàn 1 tháng họp 1 lần. Đối với những công
đoàn cơ sở lớn, có nhiều công đoàn cơ sở thành viên hoạt động trên nhiều địa
bàn 3 tháng họp ít nhất 1 lần.
Điều 11.
Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp.
1. Cơ quan thường trực của Ban Chấp
hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Đoàn Chủ tịch; cơ quan thường trực của
Ban Chấp hành Công đoàn các cấp là Ban Thường vụ. Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ)
công đoàn cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra. Số lượng uỷ viên Đoàn Chủ
tịch (Ban Thường vụ) nhiều nhất không quá một phần ba (1/3 ) số uỷ viên Ban
Chấp hành Công đoàn cấp đó, gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số uỷ
viên. Nếu số lượng ủy viên Ban Chấp hành chỉ có 3 người thì bầu 1 Chủ tịch; từ
4 đến 8 người thì bầu Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch.
Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) được
phân công một số đồng chí làm thường trực.
2. Ban Thường vụ công đoàn các cấp
có trách nhiệm thay mặt Ban Chấp hành chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành
và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành, điều hành các hoạt động
giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, báo cáo hoạt động của mình tại hội nghị thường
kỳ của Ban Chấp hành; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan và đơn vị trực
thuộc.
3. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị
nội dung các kỳ họp Ban Cchấp hành, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp
hành Tổng Liên đoàn. Đoàn Chủ tịch được ra các Nghị quyết hoặc Quyết định để tổ
chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam và các nghị
quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đoàn Chủ tịch trực
tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan Tổng Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc Tổng
Liên đoàn Lao Động Việt Nam.
4. Chủ tịch là người đứng đầu Ban
Chấp hành có trách nhiệm điều hành hoạt động của Đoàn Chủ tịch ( Ban Thường vụ).
a) Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch
hoặc ủy viên Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) thì Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó
đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cho bầu bổ sung trong số các uỷ viên Ban Chấp
hành.
b) Trường hợp cần thiết, công đoàn
cấp trên được quyền chỉ định bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành và các chức danh
trong cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới.
Điều 12.
Ban Chấp hành Công đoàn ở cấp nào là đại diện của đoàn viên, CNVCLĐ ở cấp đó.
Ban Chấp hành Công đoàn các cấp có
trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn hoạt động;
giúp đỡ, can thiệp và bảo vệ cán bộ công đoàn khi bị xâm phạm quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng.
Điều 13.
Ban Chấp hành Công đoàn các cấp căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, khả năng tài
chính và các quy định của Tổng Liên đoàn để tổ chức bộ máy làm việc.
Chương
III.
TỔ CHỨC CƠ SỞ CỦA CÔNG
ĐOÀN
Điều 14.
1. Tổ chức cơ sở của công đoàn gồm:
a) Công đoàn cơ sở được thành lập
ở các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,
dịch vụ; các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước; các cơ quan của tổ chức chính
trị, chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp, có 5 đoàn viên trở lên
và được công đoàn cấp trên quyết định thành lập.
b) Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của
công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được
thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động có 10 đoàn viên trở lên và
được công đoàn cấp trên quyết định thành lập.
2. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được
tổ chức theo 4 loại hình:
a) Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không
có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.
b) Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có
tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.
c) Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có
công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận
d) Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ
sở thành viên.
3. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không
đủ điều kiện tồn tại và hoạt động, được công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét
quyết định giải thể.
Điều 15.
Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự
nghiệp, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và tổ chức xã hội
nghề nghiệp.
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, pháp luật, khoa học kỹ thuật,
chuyên môn, nghiệp vụ.
2 Kiểm tra, giám sát việc thi hành
các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn
viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu
cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu
nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công
đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với thủ trưởng hoặc người
đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị
cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và
giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động. Cùng
với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc,
chăm lo đời sống của CNVCLĐ, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong
CNVCLĐ.
4. Tổ chức vận động CNVCLĐ trong
cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên
chức, lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và
thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
5. Phát triển đoàn viên, xây dựng
công đoàn cơ sở vững mạnh.
Điều 16.
Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp Nhà nước:
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, pháp luật, khoa học kỹ thuật,
nghề nghiệp.
2. Phối hợp với giám đốc tổ chức
thực hiện Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức Đại hội công nhân viên chức, đại
diện cho tập thể lao động ký kết thoả ước lao động tập thể và hướng dẫn người
lao động giao kết hợp đồng lao động; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và
giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và CNVCLĐ. Tham gia với giám đốc giải
quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống và
phúc lợi của CNVCLĐ, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong CNVCLĐ.
3. Kiểm tra, giám sát việc thi hành
các chế độ chính sách, pháp luật. Đấu tranh ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực,
tham nhũng, các tệ nạn xã hội. Phát hiện và tham gia giải quyết các tranh chấp
lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức vận động đoàn viên và
CNVCLĐ trong doanh nghiệp thi đua yêu nước, tham gia quản lý doanh nghiệp, phát
huy sáng kiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh
doanh.
5. Phát triển đoàn viên, xây dựng
công đoàn cơ sở vững mạnh.
Điều 17.
Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã sản xuất, dịch vụ
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật, tham gia xây dựng các nội
quy, quy chế quản lý hợp tác xã; giám sát thực hiện chính sách đối với đoàn
viên, xã viên và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
2. Phối hợp với Ban quản trị tổ chức
các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức Đại hội xã viên, đảm bảo việc làm, cải
thiện điều kiện lao động; nâng cao trình độ nghề nghiệp cho đoàn viên, xã viên,
người lao động, hướng dẫn người lao động (không phải xã viên) giao kết hợp đồng
lao động.
3. Phối hợp với Ban quản trị chăm
lo đời sống cho đoàn viên, xã viên, người lao động, tổ chức các hoạt động xã
hội, thăm hỏi, giúp đỡ đoàn viên khi gặp khó khăn; tổ chức nghỉ ngơi, thăm quan,
du lịch cho đoàn viên, xã viên, người lao động.
4. Phát triển đoàn viên, xây dựng
công đoàn cơ sở vững mạnh.
Điều 18.
Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân; công ty
trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; và
các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác.
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công
đoàn. Tuyên truyền phổ biến các chế độ, chính sách, giáo dục ý thức chấp hành
Pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên và người lao động, thực hiện các quyền
của Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn giúp đỡ người lao động
giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
3. Đại diện cho tập thể lao động
xây dựng và ký thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, giám sát việc
thi hành các chế độ chính sách, pháp luật, việc thực hiện các điều khoản đã
được ký kết trong thoả ước.
4. Đại diện cho tập thể lao động
tham gia Hội đồng hoà giải lao động cơ sở và tham gia giải quyết các tranh chấp
lao động theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức động viên đoàn viên và
lao động thi đua yêu nước để hoàn thành nhiệm vụ, tham gia các hoạt động xã hội;
giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống; phối hợp với người sử dụng lao
động chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đấu tranh ngăn
chặn các tệ nạn xã hội.
6. Tuyên truyền phát triển đoàn viên,
xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Điều 19.
Quyền hạn, nhiệm vụ, của nghiệp đoàn:
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức công
đoàn. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hoá. Phổ biến, hướng dẫn việc
thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống và điều
kiện hành nghề của người lao động.
2. Đại diện cho đoàn viên nghiệp
đoàn quan hệ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chăm lo bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên .
3. Đoàn kết tương trợ, giúp đỡ
nhau trong nghề nghiệp và đời sống. Đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
4. Phát triển đoàn viên, xây dựng
nghiệp đoàn vững mạnh.
Điều 20.
Công đoàn cơ sở thực hiện phân cấp về nhiệm vụ, quyền hạn cho công đoàn cơ sở
thành viên (nếu có); công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn qui định nhiệm vụ, quyền hạn
cụ thể cho công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn
theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương IV
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ
Điều 21.
Công đoàn ngành địa phương.
1. Công đoàn ngành địa phương là
công đoàn cấp trên cơ sở tập hợp CNVCLĐ cùng ngành, nghề thuộc các thành phần kinh
tế trên địa bàn tỉnh, thành phố
2. Công đoàn ngành địa phương do
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập (hoặc giải thể) sau khi
thống nhất với Công đoàn ngành Trung ương.
3. Công đoàn ngành địa phương chịu
sự chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và sự chỉ đạo về
ngành nghề của Công đoàn ngành Trung ương để chỉ đạo các công đoàn cơ sở trên
địa bàn.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn
ngành địa phương:
a) Tổ chức triển khai các chủ trương
công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, của Công đoàn ngành Trung ương
và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình.
b) Tham gia với cơ quan quản lý cùng
cấp về phát triển kinh tế - xã hội của ngành ở địa phương, các vấn đề có liên
quan đến trách nhiệm và lợi ích ngành, nghề, xây dựng đội ngũ công nhân, viên
chức và lao động trong ngành.
c) Hướng dẫn, thông tin về pháp luật
và các chế độ, chính sách, khoa học - kỹ thuật ngành, nghề, chỉ đạo công đoàn
cấp dưới thực hiện các chế độ, chính sách lao động ngành, nghề. Tổ chức các
phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của
Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Công đoàn và truyền thống,
nghĩa vụ, quyền lợi của CNVCLĐ trong ngành.
d) Phối hợp với Liên đoàn Lao động
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc
thực hiện các chế độ, chính sách ngành, nghề, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của CNVCLĐ trong ngành.
đ) Phát triển đoàn viên và công đoàn
cơ sở trong các thành phần kinh tế, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ theo
phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, xây dựng Công đoàn cơ sở, Nghiệp
đoàn vững mạnh.
Điều 22.
Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là LĐLĐ
huyện).
1. Liên đoàn Lao động huyện là Công
đoàn cấp trên cơ sở, tập hợp CNVCLĐ trên địa bàn huyện.
2. Liên đoàn Lao động huyện do Liên
đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập (hoặc giải thể) và chỉ đạo
trực tiếp.
3. Liên đoàn Lao động huyện quyết
định thành lập, giải thể và chỉ đạo trực tiếp Công đoàn cấp trên cơ sở là Công
đoàn Giáo dục huyện và công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn đóng trên địa bàn (trừ những
cơ sở đã trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành địa
phương và công đoàn Tổng Công ty).
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn
Lao động huyện:
a) Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
b) Triển khai thực hiện các Chỉ thị,
Nghị quyết và chủ trương công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Chỉ
thị, Nghị quyết của cấp uỷ Đảng và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình. Tham
gia với cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước về các chủ trương phát triển kinh tế - xã
hội và các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của CNVCLĐ.
c) Tổ chức phong trào thi đua yêu
nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá,
hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
d) Vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham
gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn các hình thức, biện pháp chăm lo đời sống,
cải thiện điều kiện làm việc, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá,
đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
đ) Phối hợp với các cơ quan chức
năng của Nhà nước cấp huyện, Công đoàn ngành địa phương, công đoàn Tổng Công ty
để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại,
tố cáo, tranh chấp lao động đối với các cơ sở đóng trên địa bàn.
e) Thực hiện công tác phát triển
đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn, công tác tổ chức, cán bộ theo
phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; xây dựng công đoàn cơ sở vững
mạnh.
Điều 23.
Công đoàn các khu Công nghiệp, khu Chế xuất, khu Công nghệ cao (gọi chung là
Công đoàn KCN).
1. Công đoàn KCN là công đoàn cấp
trên cơ sở do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập, giải thể
và chỉ đạo trực tiếp.
2. Công đoàn KCN quyết định thành
lập, giải thể và chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thuộc các đơn vị do địa phương
thành lập hoạt động trong các khu công nghiệp; chỉ đạo công đoàn cơ sở thuộc
Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty của Trung ương hoạt động
trong các khu Công nghiệp.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của công
đoàn KCN:
a) Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà Nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn;
giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, pháp luật cho CNVCLĐ trong các
khu công nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ
thị, nghị quyết và chủ trương công tác của công đoàn cấp trên, Nghị quyết Đại
hội Công đoàn cấp mình.
b) Phối hợp với Ban quản lý các khu
công nghiệp, cơ quan quản lý lao động địa phương kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các chế độ, chính sách, pháp luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động,
đơn thư khiếu nại của CNVCLĐ trong các khu công nghiệp.
c) Hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn
cơ sở: Xây dựng, thương lượng, ký thoả ước lao động tập thể, tham gia xây dựng
nội quy lao động, thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, giải quyết tranh
chấp lao động; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, an toàn vệ sinh lao
động, các hoạt động văn hoá, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội; phối hợp với
người sử dụng lao động chăm lo đời sống CNVCLĐ.
d) Phát triển đoàn viên, thành lập
công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; thực hiện công tác quản lý
cán bộ công đoàn theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.
đ) Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn
cơ sở thuộc Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng Công ty của Trung ương
trong khu công nghiệp thực hiện các nội dung theo quy định tại điểm f, khoản 3,
Điều 28, Điều lệ này.
Điều 24.
Công đoàn Tổng Công ty (CĐTCT).
1. Công đoàn Tổng Công ty là công
đoàn cấp trên cơ sở tập hợp CNVCLĐ trong các cơ sở của Tổng Công ty.
2. Tổng Công ty do Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập thì CĐTCT đó do Liên
đoàn Lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp.
3. Tổng Công ty do Bộ quyết định
thành lập thì CĐTCT đó do Công đoàn ngành Trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp.
4. Tổng Công ty do Thủ tướng Chính
phủ quyết định thành lập thì việc thành lập và chỉ đạo CĐTCT đó do Đoàn Chủ
tịch Tổng Liên đoàn Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.
5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn
Tổng Công ty:
a) Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà Nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Chủ trương công tác của Công đoàn
cấp trên và Nghị quyết đại hội CĐTCT.
b)Tham gia với Hội đồng quản trị,
Tổng Giám đốc Tổng Công ty về quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh
tế của Tổng Công ty, tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội
quy, quy chế, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các quy định có liên quan đến
quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trong Tổng Công ty.
c) Phối hợp với Hội đồng quản trị,
Tổng Giám đốc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Đại hội công nhân,
viên chức; đại diện cho đoàn viên, CNVCLĐ ký thoả ước lao động tập thể với Tổng
Giám đốc Tổng Công ty phù hợp với các quy định của pháp luật, tham gia các Hội
đồng của Tổng Công ty để giải quyết các vấn đề có liên quan đến CNVCLĐ.
d) Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thuộc
CĐTCT thực hiện các hình thức tham gia quản lý, thực hiện pháp luật lao động và
luật Công đoàn, tổ chức phong trào thi đua yêu nước; giáo dục theo đặc điểm
ngành, nghề, hướng dẫn công tác bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
và các chế độ, chính sách ngành, nghề khác.
đ) Quyết định thành lập hoặc giải
thể các Công đoàn cơ sở thuộc CĐTCT. Thực hiện công tác cán bộ theo sự phân cấp
của công đoàn cấp trên, chỉ đạo xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.
e) Tiếp nhận ý kiến tham gia và chỉ
đạo của các Liên đoàn Lao động địa phương, công đoàn KCN đối với các công đoàn
cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên của Tổng Công ty đóng trên địa phương, thực
hiện các nội dung nhiệm vụ quy định tại điểm f, khoản 3, Điều 28, Điều lệ này.
Điều 25.
Việc thành lập các Công đoàn cấp trên cơ sở như: Công đoàn cơ quan một số Bộ,
Ban của Đảng, Đoàn thể Trung ương và cấp tương đương do Công đoàn ngành Trung
ương xem xét quyết định và hướng dẫn hoạt động theo đúng nguyên tắc của Điều lệ
Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam.
Điều 26.
Công đoàn ngành Trung ương.
1. Công đoàn ngành Trung ương tổ
chức theo đặc điểm ngành, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập (hoặc
giải thể) phù hợp với các quy định của Luật Công đoàn.
Trường hợp trong một bộ có Công đoàn
ngành Trung ương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, sẽ do Đoàn
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.
2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn
ngành Trung ương là đoàn viên, CNVCLĐ cùng ngành, thuộc các thành phần kinh tế.
Công đoàn ngành Trung ương trực tiếp
chỉ đạo các Công đoàn cơ quan Bộ, Công đoàn các Ban của Đảng, Đoàn thể Trung
ương, công đoàn Tổng Công ty và cấp tương đương thuộc Bộ, Ngành.
Đối tượng tập hợp, chỉ đạo của Công
đoàn Viên chức Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công
đoàn ngành Trung ương:
a) Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà Nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
b) Đại diện, bảo vệ các quyền, lợi
ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ thuộc ngành.
c) Nghiên cứu tham gia quản lý nhà
nước về kinh tế - xã hội của ngành và tham gia xây dựng các chế độ, chính sách
ngành:
- Nghiên cứu tham gia với Bộ, ngành,
các Ban của Đảng, đoàn thể Trung ương và đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, gắn với việc xây
dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CNVCLĐ trong ngành.
- Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp
luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác cho người lao động cùng
ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện
các chế độ, chính sách thuộc ngành, nghề; tham gia các Hội đồng của ngành để
giải quyết các vấn đề có liên quan đến CNVCLĐ. kiến nghị với cơ quan Nhà nước
bổ sung, sửa đổi và giải quyết những chế độ, chính sách ngành, nghề đáp ứng yêu
cầu phát triển ngành, nghề và lợi ích người lao động.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý
hướng dẫn, tổ chức các hình thức thi đua yêu nước theo đặc điểm ngành; tổ chức
các hoạt động xã hội.
d) Nghiên cứu đề xuất với Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam về hệ thống tổ chức, mô hình tổ chức, cụ thể hoá chức
năng, nhiệm vụ của mỗi cấp trong hệ thống công đoàn ngành. Hướng dẫn chỉ đạo
Đại hội các công đoàn cấp dưới. Thực hiện quy hoạch, quản lý đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp của Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam.
đ) Hướng dẫn chỉ đạo Công đoàn Tổng
Công ty, Công đoàn cơ quan Bộ, Công đoàn các Ban của Đảng, đoàn thể Trung ương,
Công đoàn cơ sở trực thuộc và cấp tương đương ( trực thuộc Công đoàn ngành):
- Nghiên cứu, cụ thể hoá triển khai
các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành Trung ương.
- Tổ chức các hình thức tham gia
quản lý và bảo vệ lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật; tổ chức
Hội nghị cán bộ, công chức cơ quan, Đại hội công nhân, viên chức, xây dựng và
ký thoả ước lao động tập thể, giao kết hợp đồng lao động.
- Tuyên truyền, giáo dục trong CNVCLĐ
nâng cao trình độ nghề nghiệp, thông tin về pháp luật, chính sách, nghĩa vụ,
quyền lợi của đoàn viên, CNVCLĐ trong ngành. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước
theo đặc điểm ngành, nghề.
e) Chủ động phối hợp với Liên đoàn
Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn các công đoàn ngành địa phương thực
hiện các nội dung: Chế độ, chính sách lao động ngành; tuyên truyền, giáo dục
truyền thống ngành; phương hướng nhiệm vụ phát triển ngành; thành lập công đoàn
trong các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh cùng ngành; tham gia thành lập hoặc giải
thể công đoàn ngành địa phương (nếu có ).
f) Chủ động phối hợp với Liên đoàn
Lao động tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo để hướng dẫn các
công đoàn cơ sở của ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
g) Thực hiện quan hệ đối ngoại
theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 27.
Công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân là những tổ chức
Công đoàn ngành nằm trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, tập hợp những công nhân,
viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các đơn vị sản xuất, khoa học,
kỹ thuật, hành chính sự nghiệp, dịch vụ trong lực lượng quốc phòng và an ninh.
Tổ chức và hoạt động của Công đoàn
trong Quân đội nhân dânViệt Nam và công đoàn trong Công an nhân dân do Đoàn Chủ
tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định sau khi thảo luận thống nhất với
lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trên nguyên tắc bảo đảm đúng các quy định
của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Điều 28.
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.
1. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành
phố được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố, do Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn quyết định thành lập (hoặc giải thể) phù hợp với các quy định
của Luật Công đoàn.
2. Đối tượng tập hợp của Liên đoàn
Lao động tỉnh, thành phố gồm đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
chỉ đạo trực tiếp các Liên đoàn Lao động huyện, công đoàn ngành địa phương, Công
đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), công đoàn các khu công nghiệp và các
Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn trực thuộc (kể cả Công đoàn cơ sở các đơn vị của
Trung ương không có Công đoàn ngành Trung ương hoặc công đoàn Tổng Công ty).
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn
Lao động tỉnh, thành phố.
a) Tuyên truyền đường lối, chủ trương
của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
b) Đại diện, bảo vệ các quyền, lợi
ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn
c) Triển khai thực hiện các Chỉ thị,
Nghị quyết của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và
Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng,
Chính sách, Pháp luật của Nhà nước. Tham gia với cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước
tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các
vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của CNVCLĐ
trên địa bàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội của
CNVCLĐ trên địa bàn.
d) Phối hợp với các cơ quan chức
năng của Nhà nước, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ trong các cơ
quan, doanh nghiệp. Tham gia hội đồng trọng tài lao động ở địa phương, hướng
dẫn và chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn
lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động trong các
doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
e) Chỉ đạo các công đoàn ngành địa
phương, công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), Liên đoàn Lao động huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công đoàn các khu công nghiệp và cấp tương
đương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 21, 22, 23 và 24 , Điều lệ
này.
f) Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn
cơ sở của Công đoàn Tổng Công ty thuộc Trung ương và các Công đoàn cơ sở trực thuộc
Công đoàn ngành Trung ương, đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố những nội dung
sau đây:
- Triển khai thực hiện Nghị quyết
của Đảng, các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc
phòng.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng
của Nhà nước ở địa phương; kiểm tra, thanh tra lao động; điều tra các vụ tai
nạn lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động; đại diện bảo
vệ người lao động trước người sử dụng lao động, cơ quan Nhà nước và trong quá
trình tham gia tố tụng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách
đối với người lao động.
g) Tổ chức giáo dục nâng cao trình
độ văn hoá và nghề nghiệp cho CNVCLĐ, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục
thể thao, quản lý nhà văn hoá công nhân, công đoàn; tổ chức các trung tâm giới
thiệu việc làm, văn phòng tư vấn pháp luật theo quy định của Nhà nước và Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam.
h) Thực hiện quy hoạch, quản lý,
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp của Tỉnh
uỷ, Thành uỷ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
i) Hướng dẫn, chỉ đạo đại hội các
công đoàn cấp dưới; xây dựng Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn vững mạnh.
k) Thực hiện quan hệ đối ngoại theo
quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 29.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Quyết định chương trình, nội dung
hoạt động của Công đoàn nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc
và các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam; chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động
của các cấp công đoàn. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Chỉ đạo công tác
nghiên cứu lý luận công đoàn, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt
động công đoàn.
2. Tham gia quản lý Nhà nước, quản
lý kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện chế
độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của công nhân,
viên chức và lao động; tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật
bảo hộ lao động. Cử đại diện tham gia các Uỷ ban, Hội đồng quốc gia về các vấn
đề có liên quan đến người lao động.
3. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện
các chương trình, biện pháp phối hợp với Nhà nước để bồi dưỡng nâng cao trình độ
văn hoá, chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp cho CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước. Phối hợp với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở Trung ương tổ chức các phong trào thi đua yêu và các hoạt động xã hội
trong CNVCLĐ.
4. Quyết định phương hướng, biện
pháp đổi mới tổ chức, cán bộ. Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và
các chính sách đối với cán bộ công đoàn.
5. Tổ chức quản lý các hoạt động
kinh tế, tài chính, tài sản công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam; chỉ đạo các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi
của Công đoàn các cấp.
6. Mở rộng quan hệ đối ngoại với
các tổ chức Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế theo đường lối, chính sách đối
ngoại của Đảng và Nhà nước.
7. Thông qua quyết toán, dự toán
ngân sách hàng năm, quyết định các chủ trương, biện pháp quản lý tài chính, tài
sản Công đoàn.
Điều 30.
Công tác vận động nữ CNVCLĐ được quán triệt trong mọi hoạt động của các cấp
Công đoàn, nhằm phát huy những vấn đề về giới và đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi
hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ theo quy định của Pháp luật. Ban Nữ công của
các cấp Công đoàn được đại diện cho nữ CNVCLĐ bàn bạc, giải quyết các vấn đề có
liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em.
Chương V
CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA
CÔNG ĐOÀN VÀ UỶ BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP
Điều 31. Công
tác kiểm tra của Công đoàn là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn mỗi cấp nhằm
lãnh đạo việc thực hiện Điều lệ Công đoàn, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định
của tổ chức Công đoàn. Mỗi cấp công đoàn phải tổ chức, tiến hành công tác kiểm
tra ở cấp đó và chịu sự kiểm tra của Công đoàn cấp trên.
Điều 32.
Uỷ ban Kiểm tra là cơ quan kiểm tra của Công đoàn được thành lập ở các cấp công
đoàn, do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó bầu ra và phải được công đoàn cấp trên
trực tiếp công nhận.
1. Uỷ ban Kiểm tra công đoàn mỗi
cấp chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó và sự chỉ đạo của Uỷ ban
Kiểm tra Công đoàn cấp trên.
2. Số lượng uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra,
do Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp quyết định, gồm một số uỷ viên trong Ban
Chấp hành và một số uỷ viên ngoài Ban Chấp hành; số uỷ viên Ban Chấp hành không
được vượt quá một phần ba (1/3) tổng số uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra.
3. Việc bầu Uỷ ban Kiểm tra, chủ
nhiệm, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người
trúng cử phải được quá một phần hai (1/2 ) số phiếu bầu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra công đoàn
mỗi cấp, do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó bầu, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra
do Uỷ ban Kiểm tra bầu.
Tổ chức cơ sở của công đoàn có dưới
30 đoàn viên thì cử 1 Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra;
dưới 10 đoàn viên thì cử 1 đoàn viên làm nhiệm vụ kiểm tra.
4. Khi mới thành lập hoặc tách nhập
tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Uỷ ban Kiểm tra, Chủ
nhiệm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra lâm thời.
5. Nhiệm kỳ của Uỷ ban Kiểm tra theo
nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.
6. Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra các cấp
là cán bộ chuyên trách Công đoàn khi chuyển công tác không là cán bộ chuyên trách
công đoàn thì thôi tham gia Uỷ ban Kiểm tra. Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra các cấp
khi nghỉ hưu, thôi việc thì thôi tham gia Uỷ ban Kiểm tra.
Điều 33.
Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn có nhiệm vụ:
1. Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường
vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn.
2. Kiểm tra Công đoàn cùng cấp và
cấp dưới khi tổ chức hoặc đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ
thị và các quy định của Công đoàn.
3. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng,
tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn cấp mình và cấp dưới.
4. Giúp Ban Chấp hành, Ban thường
vụ: Giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn;
tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo của
CNVCLĐ.
5- Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp
vụ cho cán bộ Công đoàn làm công tác kiểm tra.
Điều 34.
Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn có quyền:
1. Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra được tham
dự các hội nghị của Ban Chấp hành và được mời dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu
Công đoàn cùng cấp.
2. Báo cáo với Ban Chấp hành Công
đoàn cùng cấp về hoạt động kiểm tra Công đoàn và đề xuất các nội dung, chương
trình công tác của Uỷ ban Kiểm tra trong các kỳ họp thường kỳ của Ban Chấp hành.
3. Yêu cầu đơn vị và người chịu trách
nhiệm của đơn vị được kiểm tra báo cáo, cung cấp các tài liệu cho công tác kiểm
tra và trả lời những vấn đề do Uỷ ban Kiểm tra nêu ra.
4. Báo cáo kết luận kiểm tra và đề
xuất các hình thức xử lý với cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn cùng
cấp. Những kiến nghị của Uỷ ban Kiểm tra không được Ban Thường vụ giải quyết
thì Uỷ ban Kiểm tra có quyền báo cáo với Ban Chấp hành Công đoàn cấp mình và
báo cáo lên Uỷ ban Kiểm tra công đoàn cấp trên.
Chương VI.
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN
CÔNG ĐOÀN
Điều 35.
Công đoàn thực hiện quyền tự chủ và tự quản về tài chính theo quy định của pháp
luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1. Tài chính của Công đoàn gồm các
nguồn thu sau đây:
a) Đoàn phí Công đoàn do đoàn viên
đóng hàng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương hoặc tiền công.
b) Kinh phí công đoàn trích nộp theo
tỷ lệ phần trăm (%) quỹ tiền lương, tiền công, phụ cấp phải trả cho CNVCLĐ của
các doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ trích do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quy định.
c) Các khoản thu khác: Thu từ các
hoạt động văn hoá, thể thao, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ do công đoàn
tổ chức, các khoản tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài.
2. Tài chính Công đoàn dùng để chi
các khoản sau đây:
a) Chi trả lương cán bộ chuyên
trách, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn
b) Chi cho các hoạt động của
công đoàn.
c) Chi thăm hỏi, giúp đỡ đoàn viên
và làm công tác xã hội do công đoàn tổ chức.
d) Chi khen thưởng cho các tập thể,
cán bộ, đoàn viên và những người có công xây dựng tổ chức Công đoàn.
Điều 36.
Quản lý tài chính Công đoàn thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công
khai. Các cấp Công đoàn có nhiệm vụ quản lý tài chính theo quy định của pháp
luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hàng năm Ban Chấp hành Công
đoàn thông qua dự toán và quyết toán ngân sách của cấp mình.
Điều 37.
Những tài sản do nguồn vốn của Công đoàn, tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền
sở hữu cho Công đoàn là tài sản thuộc sở hữu công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam là chủ sở hữu mọi tài sản của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công đoàn các cấp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng
các tài sản và chịu trách nhiệm trước Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trước
pháp luật về việc sử dụng và quản lý các tài sản đó.
Chương
VII.
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 38.
Cán bộ, đoàn viên công đoàn, những người có công xây dựng tổ chức Công đoàn,
các cấp Công đoàn và Nghiệp đoàn có thành tích hoạt động xuất sắc được đề nghị
công đoàn xét khen thưởng.
Điều 39.
Những cán bộ, đoàn viên công đoàn vi phạm Điều lệ Công đoàn Việt Nam, không
thực hiện nhiệm vụ đoàn viên, gây mất đoàn kết, có hành vi gây ảnh hưởng xấu
đến tổ chức công đoàn, vi phạm pháp luật, không đóng đoàn phí hoặc bỏ sinh hoạt
nhiều kỳ, không có lý do chính đáng thì tuỳ theo mức độ khuyết điểm, sai lầm bị
xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ và thu hồi thẻ đoàn
viên. Đối với tổ chức nếu có sai phạm thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật:
khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
1. Việc khai trừ 1 đoàn viên do tổ
Công đoàn đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xem xét quyết định. Trường hợp
đặc biệt do công đoàn cấp trên quyết định. Đoàn viên bị kỷ luật khai trừ, sau
khi đã sửa chữa khuyết điểm nếu có nguyện vọng thì được xét gia nhập lại công
đoàn.
2. Việc thi hành kỷ luật 1 uỷ viên
Ban Chấp hành Công đoàn cấp nào do Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xét
và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định.Thi hành kỷ luật Uỷ viên Ban Chấp hành
Tổng Liên đoàn do Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.
3. Việc thi hành kỷ luật Uỷ ban Kiểm
tra hay các Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra áp dụng hình thức kỷ luật như đối với tổ
chức và Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.
Chương
VIII.
CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ CÔNG
ĐOÀN VIỆT NAM
Điều 40. Tổ
chức Công đoàn các cấp và cán bộ đoàn viên công đoàn phải chấp hành nghiêm
chỉnh Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Đại hội Công đoàn toàn quốc thông qua. Chỉ Đại hội Công đoàn toàn quốc mới có quyền bổ
sung, sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2003
ĐẠI
HỘI LẦN THỨ IX
CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
|