BAN
CHỈ ĐẠO TUẦN LỄ QUỐC GIA ATVSLĐ-PCCN TRUNG ƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
84/BCĐTLQG-BC
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2010
|
BÁO CÁO
KẾT
QUẢ TỔ CHỨC TUẦN LỄ QUỐC GIA AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG – PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ LẦN
THỨ 12
(Từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 3 năm 2010)
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh
lao động và Phòng chống cháy nổ lần thứ 12 (gọi tắt là Tuần lễ quốc gia lần thứ
12) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 21/3/2010 với chủ đề “An toàn và sức khỏe
tại nơi làm việc – Một trong những quyền cơ bản của người lao động” đã
được các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cả nước hưởng ứng sôi nổi.
Sau khi tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao
động và Phòng chống cháy nổ của 61 địa phương và 20 Bộ, Ngành, Tập đoàn, Tổng
công ty sản xuất, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương báo cáo Thủ tướng
Chính phủ kết quả tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 như sau:
I. HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
TUẦN LỄ QUỐC GIA TRUNG ƯƠNG
1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn
tổ chức Tuần lễ quốc gia của Ban Chỉ đạo
- Ngay từ đầu năm 2009, Ban Chỉ đạo
Tuần lễ quốc gia Trung ương đã sớm chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng
dẫn các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 12
(Công văn số 114/BCĐTLQG-ATLĐ ngày 14/1/2009 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thái
Nguyên về việc đăng cai Tuần lễ quốc gia lần thứ 12; Công văn số
3622/BCĐTLQG-ATLĐ ngày 29/9/2009 hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, doanh
nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ướng Tuần lễ quốc gia …).
- Ngày 08/10/2009 và ngày
23/12/2009 Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương đã họp để chuẩn bị triển
khai các hoạt động tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 12.
- Trong hai ngày 02 và 03/3/2010, Ban
Chỉ đạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo, họp giao
ban báo chí để thông tin về Tuần lễ quốc gia và công tác An toàn, vệ sinh lao
động và cháy nổ năm 2009.
- Ngày 17/8/2010 Ban chỉ đạo Tuần
lễ quốc gia Trung ương đã tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tổ chức
Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 và thống nhất các hoạt động chuẩn bị triển khai
Tuần lễ quốc gia lần thứ 13.
2. Tổ chức Phát động Tuần lễ
quốc gia lần thứ 12 và các hoạt động mang tính chất quốc gia
Sáng ngày 14/3/2010, tại Quảng
trường 20/8 của thành phố Thái Nguyên – Tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Tuần lễ
quốc gia Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia tỉnh Thái Nguyên
đã tổ chức trọng thể Lễ phát động Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 với sự tham gia
của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội – Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ
tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, đại diện lãnh đạo của
nhiều Bộ, ngành, địa phương. Tham dự lễ phát động còn có đại biểu quốc tế đến
từ các nước ASEAN, Cộng hòa liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, tổ
chức lao động quốc tế (ILO) và đặc biệt là sự có mặt của hơn 3.000 người lao
động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên
sóng VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam đã góp phần tuyên truyền công tác an toàn,
vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ rộng khắp trong cả nước. Tổ chức Lao
động quốc tế và đại biểu các nước tham dự Tuần lễ đã đánh giá cao hoạt động này
của Chính phủ Việt Nam.
II. HƯỞNG ỨNG CỦA CÁC BỘ, NGÀNH,
ĐỊA PHƯƠNG, DOANH NGHIỆP
Hưởng ứng phát động Tuần lễ quốc
gia của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt
động về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trước, trong và sau
Tuần lễ. Tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy: Hầu hết các
Bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, doanh
nghiệp trên địa bàn triển khai các hoạt động tổ chức Tuần lễ quốc gia; 61 địa
phương đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo địa phương và tổ chức phát động hưởng ứng
Tuần lễ quốc gia; Các hoạt động thông tin tuyên truyền, phát hành các ấn phẩm
truyền thông, huấn luyện cho người lao động, tổ chức các hội thi an toàn – vệ
sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức
khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát thực hiện an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh. Dưới đây là kết quả cụ
thể các hoạt động:
1. Hoạt động thông tin, tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành các ấn phẩm truyền
thông: Trước, trong và sau Tuần lễ, các cơ quan báo, đài phát thanh và
truyền hình ở Trung ương và địa phương đã đưa 2.305 tin, bài, phóng sự phản ánh
các hoạt động của Tuần lễ. Các địa phương như: Thái Nguyên, Hà Nội, Thành phố
Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình có hoạt động về
thông tin, truyền thông khá tốt và sôi nổi. Báo Lao động, Báo Lao động – Xã
hội, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Pháp luật, Báo Đầu tư, Tạp chí Lao động và
Công đoàn, tạp chí Bảo hộ lao động, và một số tạp chí, bản tin … đã phát hành
số chuyên đề hưởng ứng Tuần lễ quốc gia. 324 cuộc tọa đàm, phỏng vấn về công
tác an toàn – vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ được phát sóng trên các đài
phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.
Một số Bộ, ngành đã có nhiều hoạt
động tuyên truyền hiệu quả như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp
với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật
số (VTC), Công ty nghe nhìn Hà Nội xây dựng và phát sóng thường xuyên các
chuyên mục “An toàn và sức khỏe người lao động”, “Tư vấn pháp luật”, các chương
trình thông điệp, cảnh báo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp … Bộ Quốc phòng
tổ chức 69 cuộc tọa đàm phỏng vấn trên chương trình Truyền hình Quân đội nhân
dân, xây dựng 272 phóng sự, 683 bài, tin đăng trên các báo, tạp chí của ngành.
Hệ thống công đoàn các cấp đã phát hành 497.835 tờ gấp, 515.962 tờ tranh các
loại về An toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ và các ấn phẩm thông
tin khác như sách báo, bản tin … tới người lao động.
Các trang Thông tin điện tử của Bộ
Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Công
an, Cục An toàn lao động … cũng đã đăng tải thông tin về Tuần lễ quốc gia. Gần
424.000 ấn phẩm, thông tin tuyên truyền về công tác An toàn, vệ sinh lao động
và phòng chống cháy nổ (tranh, tờ rơi, panô, áp phích …) đã được một số tập
đoàn, tổng công ty in và phát tới tận tay người lao động. Đặc biệt là một số
địa phương đã phát động cuộc thi “Vẽ tranh áp phích cổ động tuần lễ” thu hút
các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động cùng tham gia. Trong thời gian tổ chức
Tuần lễ, nhiều tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, khu công nghiệp đã treo panô khẩu
hiệu, và có nhiều chương trình cổ động, tuyên truyền rộng rãi về công tác đảm
bảo an toàn, vệ sinh lao động, đã tác động tích cực tới nhận thức của nhân dân.
2. Công tác thanh tra, kiểm tra,
tự kiểm tra và đo giám sát môi trường lao động đã được triển khai rộng
trên toàn quốc: Gần 7.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra
liên ngành và chuyên ngành; 5.300 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được tiến hành
đo và giám sát môi trường lao động; 11.671 doanh nghiệp thực hiện tự kiểm tra
về an toàn, vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ 1.501 lượt cơ sở được kiểm
tra về an toàn phòng cháy chữa cháy.
3. Công tác khám sức khỏe cho
người lao động: Theo báo cáo từ Cục Y tế dự phòng và Môi trường – Bộ Y tế,
đã có hơn 205.422 người lao động được khám sức khỏe định kỳ, trong đó có hơn
9.000 người được khám sàng lọc phát hiện bệnh nghề nghiệp.
4. Tổ chức các cuộc thi an toàn
– vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động: Các
Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 1.600 cuộc thi an toàn, vệ sinh lao động
và phòng chống cháy nổ, thi an toàn – vệ sinh viên giỏi các cấp thu hút gần
70.000 người lao động và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các đơn vị tiêu
biểu trong tổ chức các cuộc thi là: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Quốc
phòng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Trung ương hội Nông dân Việt Nam, Tổng công ty
Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than
khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Điện lực
Việt Nam, các địa phương: Hà Nội, Quảng Ninh, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh,
Thanh Hóa, Lâm Đồng, Ninh Bình, Nam Định …
5. Tổ chức thao diễn phòng cháy,
chữa cháy và cấp cứu người bị nạn: Gần 2.000 cuộc thao diễn phòng cháy,
chữa cháy và cấp cứu người bị nạn đã được tổ chức trong cả nước nhằm trang bị
kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp cho cán bộ
quản lý các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động: Thái Nguyên, Bình Phước, Đà
Nẵng, Gia Lai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Quốc
phòng, Bộ Y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt
Nam là những địa phương, đơn vị đã triển khai có hiệu quả hoạt động này.
6. Thăm gia đình nạn nhân bị tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Trong dịp tổ chức Tuần lễ quốc gia, các Bộ,
ngành, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức
thăm hỏi, tặng quà cho 2.024 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, góp phần động viên, an ủi các gia đình nạn nhân, đồng thời
cũng là dịp để nhắc nhở trách nhiệm của các nhà quản lý và toàn xã hội trong
việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất cho người
lao động.
7. Công tác huấn luyện: Đây
là hoạt động được các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp rất chú trọng nhằm
nâng cao nhận thức và kiến thức về an toàn – vệ sinh lao động cho người sử dụng
lao động và người lao động. Theo báo cáo của 61 Sở Lao động – Thương binh và Xã
hội các địa phương và 20 Bộ, ngành, tập đoàn, Tổng công ty, tính đến ngày
30/07/2010, đã có khoảng 1 triệu lượt người lao động được huấn luyện an toàn,
vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Một số đơn vị triển khai thực hiện tốt
như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cà Mau, Thái Nguyên, Nam
Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ
quốc gia đã thu hút và nhận được sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán
bộ quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất góp phần
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành; người sử dụng lao động
và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở công tác đảm bảo an toàn, sức
khỏe tại nơi làm việc. Một số doanh nghiệp quy mô lớn, có nguy cơ cao về tai
nạn lao động, cháy nổ đã không để xảy ra sự cố nghiêm trọng nào trong suốt thời
gian tổ chức Tuần lễ, đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Các
đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt nhiều hoạt động của Tuần
lễ như: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Tổng
Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; các tập đoàn, tổng công ty:
Điện lực, Thép, Thuốc lá, Xăng dầu; các địa phương: Lâm Đồng, Hà Nội, Phú Thọ,
Nam Định, Bắc Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Nam.
1. Ưu điểm
- Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 đã
trực tiếp nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; được các Bộ,
ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và doanh nghiệp trong cả
nước tích cực hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường công tác tự kiểm tra,
chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, có tác
động tốt tới người lao động. Tính quần chúng trong công tác an toàn, vệ sinh
lao động và phòng chống cháy nổ tiếp tục được phát huy;
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã
hội, với vai trò là cơ quan thường trực đã chủ động tham mưu giúp Ban chỉ đạo
Tuần lễ quốc gia Trung ương kịp thời hướng dẫn Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia
tỉnh Thái Nguyên, các Bộ, ban ngành và Ủy ban nhân dân địa phương triển khai kế
hoạch thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
– địa phương tổ chức Lễ phát động Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 đã phối hợp chặt
chẽ, đồng bộ với Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương trong việc xây dựng
chương trình, kế hoạch tổ chức và chủ động triển khai, chỉ đạo sát sao, kịp
thời và cụ thể tới các ban, tiểu ban tổ chức Tuần lễ. Chính vì vậy, Lễ phát
động Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 đã tổ chức thành công, đạt yêu cầu, mục đích
đề ra, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
- Sau khi kết thúc Tuần lễ quốc
gia, để đảm bảo an toàn và nâng cao trách nhiệm hơn nữa của doanh nghiệp, người
sử dụng lao động và người lao động, một số Bộ, ngành vẫn tiếp tục các hoạt động
kiểm tra, huấn luyện về việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ
sinh lao động và phòng chống cháy nổ như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,
Bộ Công Thương, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các địa phương.
- Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ
quốc gia năm nay được triển khai phong phú, hiệu quả, hướng về cơ sở. Nhiều Bộ,
ngành, địa phương tổ chức phát động Tuần lễ quốc gia ngay trên các công trình
công nghiệp trọng điểm như: Tại hồ chứa nước Tả Trạch (Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn), tại công trình cầu Phù Đổng 2 (Bộ Giao thông - Vận tải), tại Nhà
máy Z115 (Bộ Quốc phòng) …. Công tác thông tin, truyền thông trên các phương
tiện thông tin đại chúng đã được quan tâm, đẩy mạnh, hình thức tuyên truyền cũng
đa dạng hơn.
2. Hạn chế
- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát của một số Bộ, ngành, địa phương tới các doanh nghiệp, đơn vị
trực thuộc trong việc tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia và đảm bảo an toàn, vệ
sinh lao động và phòng chống cháy nổ chưa sâu sát, cụ thể, thiếu sự giám sát,
đôn đốc thực hiện nên việc tổ chức còn mang tính hình thức, chưa đạt được mục
tiêu nâng cao nhận thức. Đồng thời, công tác kiểm tra và tự kiểm tra của nhiều
doanh nghiệp chưa được nghiêm túc, dẫn tới còn nhiều vụ tai nạn lao động, cháy
nổ vẫn xảy ra ngay trong quý I năm 2010 như: Quảng Ninh (46 vụ, 3 người chết,
23 người bị thương nặng); Bà Rịa – Vũng Tàu: (15 vụ, 3 người chết), Lào Cai: (9
vụ, 2 người chết), Quảng Bình: (4 vụ, 4 người chết).
- Một số doanh nghiệp ngoài quốc
doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức các hoạt động hưởng ứng còn thụ động,
nội dung chưa thiết thực, chưa phù hợp với tình hình của doanh nghiệp, ít có sự
đầu tư, đổi mới nên chưa có hiệu quả nhiều.
- Các hoạt động sau Tuần lễ quốc
gia chưa được duy trì thường xuyên; công tác tổng kết; báo cáo kết quả tổ chức
Tuần lễ quốc gia ở một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, còn
chậm so với thời hạn quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương. Cho đến nay, Ban Chỉ
đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương chưa nhận được báo cáo của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam, 02 địa phương: Bạc Liêu, Tiền Giang. Một số đơn vị có báo
cáo nhưng còn sơ sài, chưa có nhiều hoạt động như: Hưng Yên, Bình Định, Kiên
Giang, Lai Châu …. Một số địa phương gửi báo cáo quá chậm so với quy định như:
Vĩnh Phúc (ngày 22/07), Gia Lai (ngày 16/07), Quảng Ninh (ngày 21/07), Thành
phố Hồ Chí Minh (ngày 03/08), Hà Tĩnh (ngày 22/07) …
IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC TUẦN LỄ
QUỐC GIA LẦN THỨ 13, NĂM 2011
1. Tuần lễ quốc gia an toàn – vệ
sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 13 năm 2011 sẽ được phát động tại
tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp tục thực hiện phương châm chỉ đạo tổ chức Tuần lễ quốc
gia là: ‘Hướng về doanh nghiệp, cơ sở với các hoạt động thiết thực, hiệu quả,
tránh phô trương, hình thức’. Chủ đề phát động Tuần lễ quốc gia lần thứ 13 sẽ
là “An toàn vệ sinh lao động vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền
vững của doanh nghiệp”.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông
tin, tuyên truyền tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cho các tổ chức,
cá nhân và toàn xã hội trong công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống
cháy nổ. Phát động rộng rãi phong trào quần chúng tích cực tham gia các hoạt
động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ như: Xây dựng góc
bảo hộ lao động, tổ chức các cuộc thi tranh, áp phích, ảnh, thi an toàn – vệ
sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, tự kiểm tra,
giám sát điều kiện lao động.
3. Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia các
Bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp, lồng ghép các hoạt động hưởng ứng
Tuần lễ quốc gia với việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình quốc gia về
Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 – 2015 nếu
chương trình quốc gia kịp được Chính phủ phê duyệt. Trong công tác chỉ đạo,
điều hành, cần hướng dẫn cụ thể hơn nữa tới các doanh nghiệp, người lao động và
tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo trong
triển khai Tuần lễ và đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
trong thời gian tổ chức phát động Tuần lễ quốc gia.
4. Các doanh nghiệp cần tiếp tục
đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
công tác kiểm tra và tự kiểm tra phát hiện các mối nguy hiểm, có hại tại nơi
làm việc và có biện pháp kịp thời ngăn chặn, loại trừ những nguy cơ, rủi ro,
đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất; thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp
hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao
động tại nơi làm việc, cũng như tổ chức các hoạt động Tuần lễ quốc gia trong
những năm tiếp theo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo Bộ Kế hoạch
và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ).
Trên đây là kết quả các hoạt động
của Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần
thứ 12 năm 2010. Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương xin báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các thành viên Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương và cơ quan thành
viên Ban chỉ đạo (để báo cáo);
- Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia tỉnh Thái Nguyên
- Các Bộ, ngành
- Tổng công ty
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP;
- Hội Nông dân VN;
- Lưu VP, ATLĐ
|
KT.
TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
THỨ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Bùi Hồng Lĩnh
|