CÔNG ƯỚC 187
VỀ
CƠ CHẾ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG
Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao
động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của Văn
phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ, tại phiên họp lần thứ 95 vào
ngày 31 tháng 5 năm 2006,
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng
về thương tật lao động, bệnh nghề nghiệp và tử vong do lao động trên toàn cầu
và mức độ cần thiết nhằm có những hành động hơn nữa để làm giảm thương tật lao
động, bệnh nghề nghiệp và tử vong do lao động, và
Nhắc lại việc bảo vệ người lao
động trước những ốm đau, bệnh tật và tổn thương xảy ra do lao động là một trong
những mục tiêu của Tổ chức Lao động quốc tế đã được ghi trong Hiến pháp của
mình, và
Nhận thấy thương tật lao động,
bệnh nghề nghiệp và tử vong do lao động có ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất và
sự phát triển kinh tế và xã hội, và
Chú ý đến khổ III(g) trong Tuyên
bố Phi-la-den-phi quy định Tổ chức Lao động quốc tế có nghĩa vụ chính thức thúc
đẩy các quốc gia trong các chương trình thế giới đạt đến sự bảo vệ thích đáng
tính mạng và sức khoẻ người lao động trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, và
Suy xét đến Tuyên bố của Tổ chức
Lao động quốc tế về Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc và Sự tiếp
tục của Tuyên bố, 1998, và
Chú ý đến Công ước An toàn và vệ
sinh lao động, 1981 (số 155), Khuyến nghị về An toàn - vệ sinh lao động, 1981
và những văn kiện khác của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến cơ chế thúc
đẩy an toàn và vệ sinh lao động, và
Nhắc lại việc tăng cường an toàn
và vệ sinh lao động là một bộ phận của Chương trình Nghị sự việc làm nhân văn
cho tất cả của Tổ chức Lao động quốc tế, và
Nhắc lại các kết luận về các
tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến các hoạt động trong lĩnh
vực an toàn và vệ sinh lao động - chiến lược toàn cầu đã được Hội nghị Lao động
Quốc tế thông qua tại phiên họp thứ 91 (2003), đặc biệt liên quan đến việc bảo
đảm sự ưu tiên cho vấn đề an toàn và vệ sinh lao động trong các chương trình
nghị sự của quốc gia, và
Nhấn mạnh tầm quan trọng của
việc không ngừng thúc đẩy văn hoá an toàn và sức khoẻ phòng ngừa, và
Quyết định thông qua một số điều
khoản về an toàn và vệ sinh lao động, là vấn đề thứ tư trong chương trình nghị
sự của phiên họp, và
Xác định những điều khoản này
cần được thể hiện dưới hình thức một Công ước quốc tế;
thông qua vào ngày 15 tháng 6
năm 2006 Công ước sau, có thể được viện dẫn là Công ước về Cơ chế thúc đẩy an
toàn và vệ sinh lao động, 2006.
I. ĐỊNH NGHĨA
Điều 1
Trong Công ước này:
(a) thuật ngữ “chính sách
quốc gia” để nói đến chính sách quốc gia an toàn và vệ sinh lao động và môi
trường lao động được xây dựng phù hợp với những nguyên tắc của Điều 4 của Công
ước an toàn và vệ sinh lao động, 1981 (số 155);
(b) thuật ngữ “hệ thống quốc
gia về an toàn và vệ sinh lao động” hoặc “hệ thống quốc gia” để chỉ
cơ sở hạ tầng quy định cơ cấu tổ chức chính để thực hiện chính sách quốc gia và
chương trình quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động;
(c) thuật ngữ “chương trình
quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động” hoặc “chương trình” để chỉ
bất kì chương trình quốc gia nào có các mục tiêu cần đạt được trong một khoảng
thời gian xác định, các ưu tiên và phương tiện hoạt động được xây dựng nhằm cải
thiện an toàn và vệ sinh lao động, và các biện pháp để đánh giá sự tiến triển;
(d) thuật ngữ “văn hoá an
toàn và sức khoẻ phòng ngừa” để chỉ văn hoá trong đó quyền về môi trường
làm việc an toàn và lành mạnh được tôn trọng ở mọi cấp, ở đó chính phủ, người
sử dụng lao động và người lao động chủ động tham gia vào việc bảo đảm môi
trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua một hệ thống các quyền, trách
nhiệm và nghĩa vụ được xác định, và ở đó nguyên tắc phòng ngừa được ưu tiên cao
nhất.
II. MỤC TIÊU
Điều 2
1. Mỗi Thành viên gia nhập Công
ước này cần thúc đẩy việc cải thiện không ngừng an toàn và vệ sinh lao động để
ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tử vong do lao động, thông qua
việc xây dựng, hỏi ý kiến các tổ chức đại diện nhất của người sử dụng lao động
và người lao động về chính sách quốc gia, hệ thống quốc gia và chương trình
quốc gia.
2. Mỗi Thành viên phải có các
bước đi chủ động để tiến đến môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua
một hệ thống quốc gia và chương trình quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động
phù hợp với những nguyên tắc trong các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế
liên quan đến cơ chế thúc đẩy an toàn và vệ sinh lao động.
3. Mỗi Thành viên, tham khảo ý
kiến các tổ chức đại diện nhất của người sử dụng lao động và người lao động,
định kỳ xem xét các biện pháp có thể được áp dụng để gia nhập các Công ước có
liên quan đến an toàn và vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế.
III. CHÍNH SÁCH QUỐC GIA
Điều 3
1. Mỗi nước Thành viên phải tăng
cường môi trường làm việc an toàn và lành mạnh thông qua chính sách quốc gia.
2. Mỗi nước Thành viên phải tăng
cường và thúc đẩy quyền của người lao động được làm việc trong môi trường lao
động an toàn và lành mạnh ở tất cả các cấp .
3. Trong chính sách quốc gia,
mỗi nước Thành viên, trong điều kiện và thực tiễn của quốc gia và tham khảo ý
kiến của tác tổ chức đại diện nhất của người sử dụng lao động và người lao
động, phải tăng cường các nguyên tắc cơ bản như đánh giá rủi ro và nguy cơ nghề
nghiệp; phòng trừ các rủi ro và nguy cơ ngay tại nguồn; xây dựng văn hoá quốc
gia về an toàn và vệ sinh có tính phòng ngừa bao gồm thông tin, tư vấn và huấn
luyện.
IV. HỆ THỐNG QUỐC GIA
Điều 4
1. Mỗi nước Thành viên phải
thiết lập, duy trì và phát triển không ngừng và định kỳ xem xét hệ thống quốc
gia về an toàn và vệ sinh lao động, có tham khảo ý kiến của các tổ chức đại
diện nhất của người sử dụng lao động và người lao động.
2. Hệ thống quốc gia về an toàn
và vệ sinh lao động phải bao gồm:
(a) luật và các qui định, các
thoả ước tập thể ở những nơi thích hợp, và các văn kiện có liên quan tới an
toàn và vệ sinh lao động;
(b) cơ quan chức trách hoặc một
tổ chức, hoặc các cơ quan chức trách và các tổ chức chịu trách nhiệm về an toàn
và vệ sinh lao động được lập ra theo luật và thực tiễn quốc gia;
(c) các cơ chế để đảm bảo việc
tuân thủ luật và các qui định của quốc gia, kể cả các hệ thống thanh tra; và
(d) việc thu xếp để tăng cường,
ở cấp doanh nghiệp, sự hợp tác giữa bộ phận quản lý, người lao động và đại diện
của họ như là nhân tố chính của các biện pháp phòng ngừa liên quan đến nơi làm
việc.
3. Hệ thống quốc gia về an toàn
và vệ sinh lao động cần bao gồm, ở những nơi phù hợp:
(a) một hội đồng hoặc các hội
đồng tư vấn 3 bên cấp quốc gia, tư vấn, xác định về các vấn đề an toàn và vệ
sinh lao động;
(b) các dịch vụ thông tin và tư
vấn về an toàn và vệ sinh lao động;
(c) việc cung cấp huấn luyện về
an toàn và vệ sinh lao động;
(d) các dịch vụ về vệ sinh lao
động theo luật và thực tiễn quốc gia;
(e) nghiên cứu an toàn và vệ
sinh lao động;
(f) cơ chế về thu thập và phân
tích các dữ liệu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, sử dụng các văn kiện có
liên quan của Tổ chức Lao động quốc tế;
(g) có sự hợp tác với các hệ
thống bảo hiểm hoặc an sinh xã hội có liên quan bảo hiểm tai nạn lao động và
bệnh nghề nghiệp;
(h) các cơ chế hỗ trợ cho việc
cải thiện không ngừng điều kiện an toàn và vệ sinh lao động ở cấp doanh nghiệp
vi mô và trong khu vực kinh tế không chính thức.
V. CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA
Điều 5
1. Mỗi nước Thành viên phải xây
dựng, thực hiện, kiểm soát, đánh giá và định kỳ xem xét chính sách quốc gia về
an toàn và vệ sinh lao động có tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện nhất
của người sử dụng lao động và người lao động.
2. Chương trình quốc gia sẽ:
(a) đẩy mạnh sự phát triển văn
hoá an toàn và vệ sinh có tính phòng ngừa của quốc gia;
(b) đóng góp vào việc bảo vệ
người lao động thông qua việc loại trừ hoặc giảm thiểu tới mức có thể được các
nguy cơ và rủi ro liên quan đến lao động, phù hợp với luật và thực tiễn của
quốc gia để ngăn chặn tổn thương lao động và bệnh nghề nghiệp và chết do lao
động và tăng cường an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc;
(c) được hình thành và xem xét
trên cơ sở phân tích tình hình của quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động, kể
cả việc phân tích hệ thống quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động;
(d) bao gồm các mục tiêu, mục
đích và các chỉ số phát triển; và
(e) được hỗ trợ, khi có thể,
thông qua các chương trình và kế hoạch quốc gia bổ sung sẽ hỗ trợ đạt được một
cách tiến triển về môi trường lao động an toàn và lành mạnh.
3. Chương trình quốc gia phải
được công bố rộng rãi, càng rộng càng tốt, và cần được các cơ quan chức trách
quốc gia cấp cao nhất thông qua và phát động.
VI. CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 6
Công ước này không sửa lại các
Công ước và khuyến nghị quốc tế về lao động.
Điều 7
Việc gia nhập chính thức công
ước này phải được truyền đạt tới Tổng Giám đốc của Văn phòng Lao động quốc tế
để đăng ký.
Điều 8
1. Công ước này sẽ chỉ ràng buộc
những Thành viên của Tổ chức lao động quốc tế đăng ký gia nhập công ước với
Tổng Giám đốc.
2. Công ước có hiệu lực sau 12
tháng kể từ thời điểm có 2 nước Thành viên đăng ký gia nhập công ước với Tổng
Giám đốc.
3. Sau đó, Công ước này sẽ có
hiệu lực với bất kỳ nước Thành viên nào sau 12 tháng kể từ khi việc gia nhập
của nước đó được đăng ký.
Điều 9
1. Nước Thành viên gia nhập công
ước này có thể bãi ước sau khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có
hiệu lực lần đầu tiên bằng cách thông báo tới Tổng Giám đốc của Văn phòng Lao
động quốc tế để đăng ký.
2. Mỗi nước Thành viên gia nhập
Công ước này và không gia nhập, trong năm tiếp theo của kỳ hạn 10 năm được đề
cập ở khoản trên mà không sử dụng quyền bãi ước được đưa ra trong Điều này, thì
sẽ bị ràng buộc thêm 10 năm nữa, rồi sau đó mới có thể bãi ước Công ước này
trong năm đầu tiên của kỳ hạn 10 năm tiếp theo theo các qui định được đưa ra
trong Điều này.
Điều 10
1. Tổng Giám đốc của Văn phòng
Lao động quốc tế sẽ thông báo tới tất cả các Thành viên của Tổ chức Lao động
quốc tế việc đăng ký gia nhập và bãi ước bằng cách truyền đạt tới các Thành
viên của Tổ chức Lao động quốc tế.
2. Khi thông báo tới các Thành
viên của Tổ chức Lao động quốc tế việc đăng ký gia nhập thứ 2 mà mình đã được
truyền đạt, Tổng Giám đốc sẽ lưu ý các Thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế
thời điểm mà Công ước sẽ có hiệu lực.
Điều 11
Tổng Giám đốc của Văn phòng Lao
động quốc tế sẽ thông báo cho Tổng thư kí của Liên hợp quốc việc đăng ký theo
Điều 102 của Hiến chương Liên hợp quốc đầy đủ các chi tiết của tất cả về việc
gia nhập và bãi ước được đăng ký.
Điều 12
Mỗi khi xét thấy cần thiết, Hội
đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế sẽ đưa ra Hội nghị toàn thể một
bản báo cáo về việc triển khai Công ước này và sẽ xem xét có cần đưa vào chương
trình nghị sự của Hội nghị toàn thể vấn đề sửa đổi Công ước.
Điều 13
1. Hội nghị toàn thể cần thông
qua một Công ước mới sửa đổi Công ước này khi Công ước mới có:
(a) một nước Thành viên thông
qua Công ước sửa đổi mới sẽ có hiệu lực liên quan việc bãi ước ngay Công ước
này, không kể đến các điều khoản của Điều 9 ở trên, và khi đó Công ước sửa đổi
mới sẽ có hiệu lực;
(b) từ thời hạn mà công ước sửa
đổi mới có hiệu lực, sẽ dừng việc gia nhập Công ước này đối với các nước Thành
viên.
2. Công ước này sẽ vẫn có hiệu
lực với hình thức và nội dung của nó đối với các Thành viên gia nhập Công ước
khi mà chưa thông qua Công ước sửa đổi.
Điều 14
Bản tiếng Anh và tiếng Pháp của
Công ước này có giá trị như nhau.