CÔNG ƯỚC SỐ 155
VỀ
AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Hội nghị toàn thể của Tổ
chức Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của Văn phòng
Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày mồng 3 tháng 6 năm 1981, trong kỳ
họp thứ sáu mươi bảy;
Sau khi quyết định chấp thuận một
số đề nghị về an toàn, vệ sinh và môi trường làm việc, là vấn đề thuộc điểm thứ
sáu trong chương trình nghị sự kỳ họp;
Sau khi quyết định rằng những đề
nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,
Thông qua ngày hai mươi hai tháng
sáu năm một nghìn chín trăm tám mươi mốt, Công ước dưới đây, gọi là Công ước về
An toàn lao động và Vệ sinh lao động, 1981.
I. PHẠM VI VÀ ĐỊNH NGHĨA
Điều 1.
1. Công ước này áp dụng cho tất cả
các ngành hoạt động kinh tế.
2. Mỗi Nước thành viên phê chuẩn
Công ước này, sau khi tham khảo trong một thời gian sớm nhất, ý kiến các tổ chức
đại diện hữu quan của người sử dụng lao động và của người lao động, có thể loại
ra khỏi phạm vi áp dụng một phần hoặc toàn bộ Công ước này một số ngành hoạt
động kinh tế đặc biệt, như ngành hàng hải hoặc ngành đánh cá, nếu việc áp dụng
này sẽ làm nảy sinh những vấn đề đặc biệt có tầm quan trọng đáng kể cho những
ngành đó.
3. Mỗi Nước thành viên phê chuẩn
Công ước này sẽ liệt kê, trong báo cáo đầu tiên về việc thực hiện Công ước theo
Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, mọi ngành hoạt động kinh tế nào được
miễn trừ áp dụng như quy định tại khoản 2, Điều này, nêu rõ lý do miễn trừ và trình
bày những biện pháp nhằm bảo vệ thích đáng những người lao động trong các ngành
đó, và nêu rõ trong các báo cáo tiếp theo những tiến triển trong việc mở rộng
phạm vi áp dụng của Công ước.
Điều 2.
1. Công ước này áp dụng cho mọi người
lao động trong các ngành hoạt động kinh tế thuộc phạm vi áp dụng của Công ước.
2. Mỗi Nước thành viên phê chuẩn
Công ước này, sau khi tham khảo trong một thời gian sớm nhất, ý kiến các tổ chức
đại diện hữu quan của người sử dụng lao động và của người lao động, có thể miễn
trừ áp dụng một phần hoặc toàn bộ Công ước này với một số loại người lao động,
nếu việc áp dụng sẽ gây ra những khó khăn đặc biệt cho họ.
3. Mỗi Nước thành viên phê chuẩn
Công ước này sẽ liệt kê trong báo cáo đầu tiên về việc thực hiện Công ước theo Điều
22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế; những loại người lao động được miễn
trừ áp dụng như quy định tại khoản 2, Điều này, nêu rõ lý do miễn trừ và nêu rõ
trong các báo cáo tiếp theo, mọi tiến triển trong việc mở rộng phạm vi áp dụng
của Công ước.
Điều 3. Theo mục đích của
Công ước này:
a) Từ "các ngành hoạt động
kinh tế" bao gồm tất cả các ngành có sử dụng lao động, kể cả ngành
công vụ;
b) Từ "người lao động"
bao gồm tất cả những người đang được sử dụng, kể cả công chức;
c) Từ "nơi làm việc"
bao gồm mọi nơi mà người lao động phải có mặt hoặc phải đến vì công việc của mình,
và được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của người sử dụng lao
động;
d) Từ "pháp quy"
bao gồm tất cả các quy định có hiệu lực pháp lý, do một hoặc nhiều nhà chức trách
có thẩm quyền ban hành;
đ) Từ "sức khỏe", liên
quan đến công việc, không chỉ là tình trạng không có bệnh tật, mà còn bao gồm cả
các yếu tố về thể chất và tinh thần có tác động đến sức khỏe và có liên quan trực
tiếp đến an toàn và vệ sinh lao động.
II. NHỮNG NGUYÊN TẮC TRONG CHÍNH
SÁCH QUỐC GIA
Điều 4.
1. Mỗi Nước thành viên theo điều
kiện, thực tiễn quốc gia và tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện tiêu biểu nhất
của người sử dụng lao động và của người lao động, sẽ hình thành, thực hiện và
sẽ định kỳ xem xét lại chính sách quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động
và môi trường làm việc.
2. Mục đích của chính sách quốc gia
là phòng ngừa tai nạn lao động và những tổn thương về sức khỏe phát sinh do công
việc, có liên quan tới công việc hoặc trong khi tiến hành công việc, bằng cách
giảm đến mức thấp nhất, trong điều kiện thực tế cho phép, những nguyên nhân rủi
ro vốn có trong môi trường làm việc.
Điều 5. Chính sách nói trong
Điều 4, Công ước này, phải xét đến những lĩnh vực hoạt động chủ yếu sau đây có
ảnh hưởng đến an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc:
a) Việc thiết kế, thử nghiệm, lựa
chọn, thay thế, lắp đặt, bố trí, sử dụng, bảo dưỡng các yếu tố vật chất của công
việc (nơi làm việc, môi trường lao động, dụng cụ, máy móc, thiết bị, các chất
và các tác nhân hoá học, vật lý, sinh học, các quá trình lao động);
b) Các mối quan hệ giữa các yếu tố
vật chất của công việc với những người thực hiện hoặc giám sát công việc, sự thích
nghi của máy móc, thiết bị, thời gian làm việc, việc tổ chức lao động, các quá trình
lao động với khả năng thể chất và tinh thần của người lao động;
c) Công tác đào tạo, kể cả các hoạt
động đào tạo bổ túc cần thiết, trình độ nghiệp vụ và động cơ của những người
tham gia công việc ở một cương vị nào đó nhằm đạt các mức độ thích đáng về an
toàn lao động và vệ sinh lao động;
d) Thông tin và cộng tác ở các nhóm
lao động, cơ sở sản xuất và ở tất cả các cấp tương ứng khác, kể cả ở cấp quốc
gia;
đ) Việc bảo vệ người lao động và
các đại diện của họ không bị xử lý kỷ luật do các hoạt động mà họ tiến hành một
cách thích đáng theo đúng chính sách đã được nêu trong Điều 4, Công ước này.
Điều 6. Việc hình thành chính
sách nêu trong Điều 4 Công ước này phải xác định rõ những chức năng và trách
nhiệm tương ứng về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc
của các nhà chức trách có thẩm quyền, của người sử dụng lao động, người lao
động và những đối tượng khác, bổ sung giữa những trách nhiệm nói trên cũng như
các điều kiện và tập quán quốc gia.
Điều 7. Theo định kỳ thích
hợp, tình hình an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc phải
được xem xét lại toàn bộ hoặc đối với từng lĩnh vực nhất định, nhằm phát hiện
những vấn đề tồn tại lớn, tìm ra các giải pháp có hiệu quả cho các vấn đề đó,
xác định những hoạt động cần ưu tiên tiến hành và có đánh giá kết quả.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG Ở CẤP QUỐC
GIA
Điều 8. Mỗi Nước thành viên,
bằng pháp luật, pháp quy hoặc bằng bất kỳ biện pháp nào khác phù hợp với các
điều kiện và tập quán quốc gia và tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện người
sử dụng lao động, người lao động, phải tiến hành những biện pháp cần thiết để
thi hành Điều 4, Công ước này.
Điều 9.
1. Việc thi hành pháp luật và pháp
quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc phải được bảo
đảm bằng một hệ thống thanh tra thích hợp, hoạt động có hiệu quả.
2. Hệ thống thi hành pháp luật phải
quy định các hình thức xử phạt thích đáng đối với những trường hợp vi phạm pháp
luật và pháp quy.
Điều 10. Phải có các biện
pháp hướng dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động để giúp họ tuân thủ
các nghĩa vụ theo pháp luật.
Điều 11. Để thi hành chính
sách nêu trong Điều 4, Công ước này, nhà chức trách hoặc những nhà chức trách
có thẩm quyền phải bảo đảm thực hiện từng bước những nhiệm vụ sau đây:
a) Ở những nơi mà tính chất và mức
độ rủi ro đòi hỏi, phải xác định các điều kiện quy định về thiết kế, xây dựng
và bố trí các cơ sở sản xuất, bắt đầu vận hành, sửa chữa có tác động lớn và
những sự thay đổi mục đích hoạt động của các cơ sở, mức độ an toàn của các thiết
kế kỹ thuật được sử dụng cũng như việc áp dụng các quy trình do các nhà chức
trách có thẩm quyền ấn định;
b) Phải xác định các quá trình sản
xuất, các chất có tác nhân nguy hiểm mà việc tiếp xúc phải bị cấm, bị hạn chế,
phải xin phép hoặc chịu sự kiểm soát của một hoặc nhiều nhà chức trách có thẩm
quyền. Những tác động có hại tới sức khỏe do phải tiếp xúc đồng thời với nhiều
chất hoặc nhiều tác nhân phải được xem xét đến;
c) Phải xác lập và thực hiện các
thủ tục khai báo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, do người sử dụng lao động
tiến hành, và khi cần thiết, có thể do các cơ quan bảo hiểm hoặc các cơ quan
liên quan trực tiếp tiến hành, và phải có thống kê hàng năm về tai nạn lao động
và bệnh nghề nghiệp;
d) Phải tiến hành điều tra trong
các trường hợp các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc các trường hợp tổn thương
sức khỏe khác xẩy ra trong quá trình làm việc hoặc do liên quan đến công việc,
cho thấy tình hình đang trở nên nghiêm trọng;
đ) Hàng năm phải xuất bản các thông
tin về các biện pháp đã sử dụng nhằm thực hiện chính sách nêu trong Điều 4,
Công ước này, về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các trường hợp vụ tổn thương
sức khỏe khác xẩy ra trong quá trình làm việc hoặc do liên quan đến công việc;
e) Phải sử dụng hoặc mở rộng các
hệ thống kiểm tra các tác nhân hoá học, vật lý và sinh học nguy hại cho sức khỏe
của người lao động, theo điều kiện và khả năng thực tế của đất nước.
Điều 12. Các biện pháp phù
hợp với pháp luật và tập quán quốc gia sẽ được tiến hành nhằm mục đích bảo đảm
những nhà thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, cung cấp hoặc chuyển giao máy, thiết bị
và các chất dùng trong lao động:
a) Phải tự chứng minh được, trong
chừng mực thực tế cho phép, các máy, thiết bị hoặc các chất đó sẽ không gây
nguy hiểm cho an toàn và sức khỏe của những người sử dụng đúng cách thức;
b) Phải cung cấp những chỉ dẫn về
lắp đặt và vận hành đúng cách thức các máy, thiết bị, việc sử dụng đúng cách thức
các chất; những chỉ dẫn về nguy cơ sử dụng các máy, thiết bị, về các đặc tính
nguy hiểm của các loại hoá chất, tác nhân hoặc sản phẩm vật lý, sinh học; những
chỉ dẫn về cách phòng tránh rủi ro;
c) Phải tiến hành các hoạt động nghiên
cứu, điều tra hoặc các hoạt động khác, nhằm theo kịp những kiến thức khoa học
và kỹ thuật cần thiết, để có thể tuân thủ những quy định tại các điểm a) và b),
Điều này.
Điều 13. Nếu một người lao
động tự mình rời bỏ nơi làm việc mà có lý do xác đáng chứng minh được rằng nơi
làm việc có mối nguy hiểm sắp xảy ra, đe doạ nghiêm trọng tính mạng hoặc sức
khỏe của mình, thì người đó phải được bảo vệ phù hợp theo điều kiện và tập quán
quốc gia, để khỏi chịu những hậu quả đáng tiếc.
Điều 14. - Với cách thức phù
hợp với các điều kiện và tập quán quốc gia, các biện pháp sẽ được tiến hành nhằm
thúc đẩy việc đưa vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm
việc vào mọi cấp giáo dục và đào tạo, kể cả cấp giáo dục cao đẳng về kỹ thuật,
y tế, chuyên môn, theo một cách thức đáp ứng được nhu cầu về đào tạo của mọi
người lao động.
Điều 15.
1. Với mục đích bảo đảm tính rõ ràng
chặt chẽ của chính sách nêu trong Điều 4 Công ước này và của các biện pháp áp
dụng chính sách, mỗi Nước thành viên, sau khi tham khảo ý kiến trong một thời
gian sớm nhất, các tổ chức đại diện tiêu biểu nhất của người sử dụng lao động,
người lao động và của các cơ quan thích hợp khác, phải có sự bố trí sắp xếp phù
hợp với điều kiện và tập quán quốc gia để bảo đảm có sự phối hợp cần thiết giữa
các nhà chức trách và các cơ quan có trách nhiệm thi hành các Phần II và III,
Công ước này.
2. Khi tình thế đòi hỏi và nếu điều
kiện, tập quán quốc gia cho phép, việc bố trí, sắp xếp phải bao gồm cả việc
thiết lập một cơ quan cấp Trung ương.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG Ở CẤP CƠ SỞ
SẢN XUẤT
Điều 16.
1. Ở các mức độ phù hợp với thực
tế, người sử dụng lao động phải bảo đảm cho nơi làm việc, máy, thiết bị và các công
đoạn sản xuất thuộc quyền kiểm soát của họ được an toàn, không có nguy cơ đe
dọa sức khỏe của người lao động.
2. Ở mức độ phù hợp với thực tế,
người sử dụng lao động phải bảo đảm các chất và các tác nhân hoá học, vật lý và
sinh học do họ kiểm soát sẽ không có nguy cơ đe dọa sức khỏe của người lao động
khi đã áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động thích hợp.
3. Mỗi khi cần thiết, người sử dụng
lao động phải cung cấp trang phục và thiết bị bảo hộ lao động thích đáng để
phòng ngừa ở mức độ phù hợp với thực tế, các nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động hoặc
các tác động có hại cho sức khỏe của người lao động.
Điều 17. Khi có từ 2 cơ sở
sản xuất trở lên cùng tham gia các hoạt động sản xuất trên cùng một địa bàn sản
xuất, các cơ sở sản xuất này phải cộng tác với nhau trong việc thực hiện các
yêu cầu của Công ước này.
Điều 18. Khi cần thiết, người
sử dụng lao động phải tiến hành các biện pháp để ứng phó với các trường hợp
khẩn cấp và các tai nạn, kể cả việc bố trí các phương tiện cấp cứu thích hợp.
Điều 19. Phải có sự bố trí,
sắp xếp ở cơ sở sản xuất, để sao cho:
a) Người lao động, trong quá trình
tiến hành công việc, hợp tác với người sử dụng lao động để người sử dụng lao
động hoàn thành được phần trách nhiệm của mình;
b) Các đại diện của người lao động
trong cơ sở sản xuất hợp tác với người sử dụng lao động trong lĩnh vực an toàn
lao động và vệ sinh lao động;
c) Các đại diện của người lao động
trong cơ sở sản xuất được cung cấp những thông tin đầy đủ về những biện pháp mà
người sử dụng lao động tiến hành để bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động
và có thể trao đổi ý kiến với các tổ chức đại diện của mình về những thông tin
này, với điều kiện không tiết lộ những bí mật kinh doanh;
d) Người lao động và các đại diện
của họ trong cơ sở sản xuất được đào tạo thoả đáng về an toàn lao động và vệ
sinh lao động;
đ) Người lao động hoặc đại diện của
người lao động, trong trường hợp cụ thể có thể là các tổ chức đại diện của người
lao động trong cơ sở sản xuất, tuỳ theo pháp luật và tập quán quốc gia, có thể
chất vấn và được người sử dụng lao động tham khảo ý kiến về mọi mặt của công
tác an toàn lao động và vệ sinh lao động có liên quan đến công việc của người
lao động; để đạt mục đích này, có thể sử dụng các cố vấn kỹ thuật từ bên ngoài
cơ sở sản xuất có sự thoả thuận của hai bên;
e) Người lao động phải báo cáo ngay
cho người trực tiếp kiểm soát công việc của mình biết về bất kỳ tình huống nào
mà mình có lý do xác đáng để chứng minh có mối nguy hiểm sắp xảy ra, đe doạ nghiêm
trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của mình. Cho tới khi thực hiện xong biện
pháp khắc phục tình huống đó, không cho phép người sử dụng lao động đòi hỏi
người lao động phải trở lại hiện trường vẫn đang còn có nguy hiểm sắp xảy ra,
đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.
Điều 20. Sự hợp tác giữa ban
quản lý với người lao động và/hoặc với các đại diện của người lao động trong cơ
sở sản xuất phải là nhân tố cốt yếu trong các biện pháp tổ chức và các biện
pháp khác, được tiến hành theo quy định tại các Điều 16 và 19, Công ước này.
Điều 21. Người lao động không
phải chịu bất kỳ một chi phí nào về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động và
vệ sinh lao động.
V. NHỮNG QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG
Điều 22. Công ước này không
sửa đổi bất kỳ một Công ước hoặc Khuyến nghị lao động quốc tế nào.