CÔNG ƯỚC 150
CÔNG ƯỚC
VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG: VAI TRÒ, CHỨC
NĂNG VÀ TỔ CHỨC, 1978
Hội nghị của Tổ chức Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu
tập tại Giơ-ne-vơ ngày 7 tháng 6 năm 1978, trong kỳ họp thứ bốn mươi, và
Nhắc lại các điều khoản của các Công ước và khuyến nghị lao
động quốc tế, đặc biệt bao gồm Công ước về Thanh tra lao động ( nông nghiệp),
1969, và Công ước về Dịch vụ việc làm, 1948, các hoạt động quản lý lao động đặc
biệt, và
Xét rằng nên thông qua những văn bản thiết lập quy tắc hướng
dẫn cho toàn bộ hệ thống quản lý lao động, và
Nhắc lại những quy định của Công ước về chính sách việc làm,
1964, và Công ước về Phát triển nguồn nhân lực, 1975, đồng thời cũng nhắc lại
mục đích thực hiện toàn dụng lao động có trả công thích đáng và khẳng định sự
cần thiết của các chương trình quản lý lao động để đáp ứng mục đích này và thực
thi hiệu quả các mục tiêu đã được quy định trong các Công ước này, và
Thừa nhận sự cần thiết tôn trọng đầy đủ quyền tự quản của
các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động, nhắc lại về mặt
này các quy định của các Công ước và Khuyến nghị lao động quốc tế để bảo vệ
quyền liên kết, tổ chức và thương lượng tập thể, đặc biệt là Công ước về Tự do
hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, 1948, và Công ước về Quyền tổ chức và
thương lượng tập thể, 1949, cấm bất cứ sự can thiệp nào của các cơ quan có thể
hạn chế hoặc cản trở việc sử dụng hợp pháp các quyền đó và xét rằng các tổ chức
của người lao động và của người sử dụng lao động có vai trò thiết yếu trong
việc đạt tới các mục tiêu về tiến bộ kinh tế, xã hội và văn hoá, và
Sau khi đã quyết định chấp thuận một số đề nghị về quản lý
lao động: vai trò, chức năng và tổ chức, là vấn đề thuộc điểm thứ tư trong
chương trình nghị sự kỳ họp, và
Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình
thức một Công ước quốc tế,
Thông qua ngày 26 tháng 6 năm 1978, công ước dưới đây, gọi
là Công ước về Quản lý lao động, 1978.
Điều 1
Trong Công ước này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như
sau:
a) “quản lý lao động” là chỉ những hoạt động hành
chính quản lý nhà nước trong lĩnh vực chính sách quốc gia về lao động;
b) “hệ thống quản lý lao động” bao gồm mọi cơ quan
hành chính quản lý nhà nước có trách nhiệm và/ hoặc có hoạt động quản lý lao
động, dù đó là các cơ quan ở bộ hoặc các thể chế công cộng, kể cả cơ cấu nửa
nhà nước và các cơ quan hành chính khu vực hay địa phương, hoặc mọi hình thức
hành chính phi tập trung khác, cũng như mọi cấu trúc thể chế được thiết lập
nhằm phối hợp các hoạt động của những cơ quan đó và nhằm thực hiện việc tham
khảo ý kiến và sự tham gia của sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức
của họ.
Điều 2
Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này, theo pháp luật
hoặc thông lệ quốc gia, có thể uỷ nhiệm hoặc giao phó một vài hoạt động quản lý
lao động cho các tổ chức phi chính phủ, nhất là các tổ chức của người sử dụng
lao động và người lao động, hoặc nếu thích hợp, cho các đại diện của người sử
dụng lao động và của người lao động.
Điều 3
Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này có thể coi một số
hoạt động thuộc chính sách quốc gia về lao động của mình là những vấn đề mà
theo pháp luật hoặc thực tiễn quốc gia, được điều tiết bằng việc thương lượng
trực tiếp giữa các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động.
Điều 4
Bằng cách thích ứng với các điều kiện quốc gia, mọi Nước
thành viên phê chuẩn Công ước này phải bảo đảm việc tổ chức và hoạt động có
hiệu quả trên lãnh thổ của mình một hệ thống quản lý lao động, với những nhiệm
vụ và những trách nhiệm được phối hợp một cách thích đáng.
Điều 5
1. Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này phải có những
quy định phù hợp với các điều kiện quốc gia nhằm bảo đảm trong khuôn khổ của hệ
thống quản lý lao động sự tham khảo ý kiến, sự hợp tác và thương lượng giữa các
cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và của
người lao động hoặc nếu thích hợp thì giữa đại diện của người sử dụng lao động
và của người lao động.
2. Trong chừng mực phù hợp với pháp luật, quy định và thực
tiễn quốc gia, những sự chuẩn bị này phải được tiến hành ở cấp toàn quốc, vùng
và địa phương cũng như ở cấp mọi ngành hoạt động kinh tế.
Điều 6
1. Các cơ quan có thẩm quyền trong khuôn khổ hệ thống quản
lý lao động phải tuỳ từng trường hợp thích đáng, chịu trách nhiệm hoặc góp phần
chuẩn bị, quản lý, phối hợp, kiểm tra và xem xét lại chính sách lao động quốc
gia và phải hướng dẫn trong phạm vi quản lý nhà nước việc soạn thảo và thi hành
pháp luật, pháp quy, nhằm áp dụng chính sách đó.
2. Những cơ quan này, dựa theo những quy phạm lao động quốc
tế, phải:
a) Tham gia vào việc chuẩn bị, quản lý, hợp tác, kiểm tra và
xem xét lại chính sách việc làm quốc gia phù hợp với pháp luật, quy định và
thực tiễn quốc gia;
b) Nghiên cứu và theo dõi tình hình những người đã có việc
làm, những người thất nghiệp và những người thiếu việc làm, xét theo pháp luật,
quy định và thực tiễn quốc gia về những điều kiện lao động và sinh hoạt và điều
kiện việc làm, lưu ý tới những khiếm khuyết và những sự lạm dụng đối với những
điều kiện đó, và đề nghị những biện pháp để khắc phục những khiếm khuyết và lạm
dụng đó;
c) Tuỳ theo pháp luật, quy định hay thực tiễn quốc gia, tiến
hành những dịch vụ cho người sử dụng lao động và người lao động, và các tổ chức
đại diện của họ, nhằm xúc tiến ở cấp toàn quốc, vùng, địa phương, cũng như ở
cấp mọi ngành hoạt động kinh tế, việc tham khảo ý kiến và hợp tác hữu hiệu giữa
các cơ quan công cộng với các tổ chức của người sử dụng lao động và của người
lao động, cũng như giữa các tổ chức đó với nhau;
d) để đáp ứng những yêu cầu góp ý kiến về mặt kỹ thuật của
người sử dụng lao động và của người lao động, cũng như giữa các tổ chức tương
ứng của họ.
Điều 7
Nếu các điều kiện quốc gia đòi hỏi, để nhằm thoả mãn nhu cầu
của một số người lao động tối đa và trong chừng mực mà những hoạt động đó chưa
bảo đảm được, thì mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này phải xúc tiến việc
mở rộng, nếu cần thì mở rộng từng bước, những chức năng của hệ thống quản lý
lao động để sao cho bao gồm cả những hoạt động được tiến hành với sự cộng tác
của cơ quan có thẩm quyền khác và có liên quan đến những điều kiện lao động và
đời sống của những loại lao động nào mà pháp luật không coi là người làm công
ăn lương, cụ thể là:
a) người làm chủ nông trại không sử dụng lao động bên ngoài,
người lĩnh canh và những loại lao động nông nghiệp tương tự;
b) Người lao động độc lập không sử dụng lao động bên ngoài,
làm trong một khu vực phi cơ cấu theo cách hiểu của tập quán quốc gia;
c) xã viên hợp tác xã và người lao động trong các doanh
nghiệp do lao động tự quản;
d) người làm việc trong một khuôn khổ được xác định bởi tập
quán hoặc bởi các truyền thống của cộng đồng.
Điều 8
Trong chừng mực phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc gia,
các cơ quan có thẩm quyền nằm trong hệ thống quản lý lao động phải tham gia
việc chuẩn bị chính sách quốc gia về các vấn đề lao động quốc tế và việc đại
diện cho nhà nước về mặt này, đồng thời tham gia việc chuẩn bị những biện pháp
cần có trong nước về các vấn đề đó.
Điều 9
Để bảo đảm phối hợp thích đáng những nhiệm vụ và trách nhiệm
của hệ thống quản lý lao động, Bộ Lao động hoặc mọi cơ quan tương tự, tuỳ theo
phương cách được xác định theo pháp luật hoặc thực tiễn quốc gia, phải có những
phương tiện để xét xem những cơ cấu nửa nhà nước được giao một số hoạt động
trong lĩnh vực quản lý lao động và những cơ quan khu vực hoặc địa phương uỷ
quyền tiến hành những hoạt động đó có thi hành đúng với pháp luật quốc gia và
có bám sát những mục tiêu đã đặt cho họ không.
Điều 10
1. Những nhân viên làm trong hệ thống quản lý lao động phải
gồm những người có trình độ nghiệp vụ thích ứng với chức năng được giao, có thể
được huấn luyện cần thiết về các chức năng đó và không phụ thuộc mọi ảnh hưởng
không đúng đắn từ bên ngoài.
2. Những nhân viên này sẽ có một quy chế, những phương tiện
vật chất và những nguồn kinh phí cần thiết cho việc thi hành có hiệu quả những
chức năng của mình.
Các Điều từ 11 đến 18
Những quy định cuối cùng mẫu.