THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1170/CĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2022
|
CÔNG ĐIỆN
VỀ CÁC
BIỆN PHÁP ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LINH HOẠT, HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG
VÀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
|
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan, thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
|
Trong thời gian gần đây, các cấp, các
ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và
nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các
giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tích
cực giải ngân vốn đầu tư, ổn định hoạt động doanh nghiệp, góp phần tạo việc
làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cơ cấu lại
và nâng cao hiệu quả thị trường lao động. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch
COVID-19, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển đổi số
và hội nhập quốc tế, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự suy giảm tăng
trưởng, thu hẹp thị trường và dấu hiệu suy thoái kinh tế ở một số quốc gia, khu
vực đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, dẫn đến
một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm,
thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động, trong khi thị trường lao
động chưa thực sự phát triển ổn định, bền vững trước những biến động cả bên
trong và bên ngoài.
Để bảo đảm việc
làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát
triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới,
nhất là việc tập trung chăm lo đời sống của người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải
pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu
sau:
1. Các bộ, ngành, địa phương theo
chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung
khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường lao động, kịp thời
khắc phục các hạn chế, bất cập; từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và thông
lệ các nước, bảo đảm cho thị trường lao động vận hành an toàn, ổn định, đồng
bộ, hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục
tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn
định các loại thị trường, tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực cho các động
lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đẩy mạnh phát triển kinh tế,
phát triển doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; có giải pháp cụ thể thúc đẩy tạo
việc làm, bảo đảm thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:
- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát
triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát
triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất
lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động
có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các
địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản
trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với
cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng
và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về lao động, việc làm,
an sinh xã hội.
- Tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu
nhân lực theo từng địa phương, từng vùng, từng ngành, từng
lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu
việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu
sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tăng
cường các biện pháp ổn định quan hệ lao động; hỗ trợ các bên đối thoại, giải
quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh; triển khai các biện pháp thích hợp
để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và
bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động,
các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài, giải quyết không dứt điểm
gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
3. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam:
- Xây dựng, triển khai hiệu quả phong
trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt
đời trong công nhân lao động. Tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật, tuyên
truyền cho người lao động không ngừng nâng cao trình độ,
kỹ năng nghề; hỗ trợ kịp thời chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động.
- Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng
cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao
động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho
người lao động theo đúng quy định pháp luật.
4. Đề nghị Liên đoàn Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường
các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng hoạt động sản
xuất, kinh doanh, tạo cơ hội và ổn định việc làm cho người lao động.
5. Để bảo đảm việc làm, chăm lo đời
sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu và đề nghị:
a) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm
tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động,
cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh
nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền
thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; hướng dẫn các địa phương khuyến khích
doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả quan tâm chăm lo cải thiện
đời sống vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo,
cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Chủ động có giải pháp cơ cấu
lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt
trong dịp Tết.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và các
cấp chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt
động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh
nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu
việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc
làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
c) Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Lao
động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình lao động, việc
làm, lương, thưởng, đời sống người lao động, việc đi lại của người lao động
trong dịp Tết để có các phương án
cơ cấu lại lực lượng lao động những nơi thừa, thiếu cục bộ và hỗ trợ kịp thời,
hiệu quả, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
d) Đề nghị Liên đoàn Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường
tính tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng kịp thời để
đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao
động.
đ) Các doanh nghiệp tích cực, chủ
động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo
đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người
lao động, nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm
thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thực hiện nghiêm các cam kết với người lao
động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể,
nội quy, quy chế và các thỏa thuận khác của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ,
ngành, địa phương và kêu gọi người dân, doanh nghiệp, người lao động chung sức,
đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn
trước mắt, vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo
đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Dương
lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão; góp phần quan trọng duy trì sự ổn định và
phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu
quả, bền vững, thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH,
QHĐP, TKBT;
- Lưu: VT, KGVX (02).
|
THỦ TƯỚNG
Phạm Minh Chính
|