Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 12-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Lê Thanh Nghị
Ngày ban hành: 23/01/1970 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 1970 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ỐM ĐAU LÂU NGÀY TẠM THỜI MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Hiện nay ở nhiều xí nghiệp, công trường, lâm trường, nông trường và một số cơ quan hành chính sự nghiệp có một số khá đông công nhân, viên chức ốm đau, có bệnh kinh niên tạm thời mất sức lao động không tham gia sản xuất công tác được hoặc chỉ làm được rất ít ngày trong một tháng. Tình trạng trên đây là do phần đông công nhân, viên chức của ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến gay go, gian khổ. Mặt khác việc chăm lo cải thiện đời sống (ăn, ở, nghỉ ngơi, làm việc) cho công nhân, viên chức ở các cơ quan đơn vị cơ sở làm chưa được chu đáo; việc phòng bệnh, chữa bệnh của ngành y tế cũng làm chưa đầy đủ; việc quản lý lao động, quản lý tổ chức cũng lỏng lẻo. Tình hình này nếu kéo dài thì sẽ gây nhiều khó khăn cho bản thân người công nhân, viên chức, cho việc củng cố tổ chức, tăng cường quản lý, tăng năng suất lao động và hoàn thành kế hoạch sản xuất, công tác, do đó ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị và xã hội.

Để tăng cường việc chăm lo sức khỏe của công nhân, viên chức đang ốm đau lâu ngày, đồng thời góp phần ổn định tổ chức, tăng cường quản lý kinh tế, đẩy mạnh sản xuất hoàn thành kế hoạch Nhà nước, căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 07 tháng 10 năm 1969, Thủ tướng Chính phủ quyết định như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, con người là vốn quý nhất. Nhà nước ta một mặt luôn luôn chăm lo không ngừng cải thiện đời sống của người lao động và bảo vệ sức khỏe cho người lao động; mặt khác phải động viên toàn bộ lực lượng lao động xã hội, tăng số người trực tiếp lao động sản xuất ra của cải, sắp xếp và tổ chức lao động để mọi người làm việc và lao động sản xuất với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao.

Vì vậy đối với số công nhân, viên chức ốm đau lâu ngày, hiện nay tạm thời mất sức lao động thì phương hướng giải quyết là: tích cực điều trị, điều dưỡng chu đáo cho anh chị em, sau thời gian điều trị, điều dưỡng, tùy theo tình hình sức khỏe lúc bấy giờ, sẽ sắp xếp họ trở lại làm công việc mới thích hợp với sức khỏe hơn, hoặc cho nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành.

II. CHẾ ĐỘ VÀ BIỆN PHÁP

1. Đối tượng

Đối tượng được đi điều trị, điều dưỡnglà những công nhân, viên chức trong thời gian qua vì ốm đau, bệnh tật nên mỗi năm phải nghỉ việc từ 3 tháng trở lên và hiện nay không còn đủ sức khỏe để làm việc nữa. Còn những người đã qua điều trị, điều dưỡng chu đáo, nhiều lần mà sức khỏe vẫn không hồi phục, không tham gia sản xuất và công tác được nữa, và  những người già yếu đến tuổi về hưu thì xí nghiệp, cơ quan,…. . quyết định cho nghỉ việc vì mất sức lao động hoặc cho về hưu trí, mà không thuộc đối tượng đưa đi điều trị, điều dưỡng lần này.

Việc phân loại số công nhân, viên chức đi điều trị, điều dưỡng thì tiến hành ở cơ sở (xí nghiệp, cơ quan,…) do một Hội đồng khám sức khỏe quyết định. Hội đồng này phải cân nhắc kỹ càng, thận trọng từng trường hợp cho công bằng, hợp lý, làm cho người điều trị, điều dưỡng vui vẻ, an tâm và phấn đấu chóng lành, chóng khỏe để trở về làm việc.

2. Tổ chức điều trị, điều dưỡng.

Việc điều trị, điều dưỡng cho người ốm đau, bệnh tật, mất sức lao động, trước hết là trách nhiệm của ngành y tế. Nhưng do cơ sở điều trị, điều dưỡng của  ngành y tế có hạn, cho nên các ngành khác ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và các đơn vị cơ sở phải có trách nhiệm đứng ra tổ chức việc điều trị, điều dưỡng cho công nhân, viên chức ốm đau, bệnh tật, mất sức lao động thuộc ngành mình địa phương mình, đơn vị mình, ngành y tế có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp cán bộ chuyên môn, cung cấp thuốc men,…

Về cơ sở điều trị, điều dưỡng phải tận dụng các bệnh viện, bệnh xá, cơ sở điều dưỡng sẵn có của các đơn vị, của các ngành, các địa phương, trường hợp cần thiết có thể tăng thêm giường hoặc lập thêm cơ sở mới. Riêng đối với các ngành hành chính, sự nghiệp và một số các ngành khác ở trung ương chưa có cơ sở điều trị, điều dưỡng và đối với một số loại bệnh chuyên khoa (như thần kinh, mũi, ho lao v.v…) mà bệnh viện, bệnh xã các ngành và địa phương không điều trị được, thì Bộ Y tế có trách nhiệm thu nhận vào những bệnh viện, viện điều dưỡng sẵn có do Bộ quản lý nếu thiếu thì tổ chức thêm cơ sở mới.

3. Chế độ điều trị, điều dưỡng.

Tiêu chuẩn thuốc men và bồi dưỡng trong thời gian điều trị, điều dưỡng vẫn theo chế độ hiện hành ở các bệnh viện, bệnh xá và viện điều dưỡng, nhưng phải tổ chức tốt việc cung cấp bằng hiện vật. Thời gian điều dưỡng tùy theo bệnh nặng nhẹ, nhưng nói chung không quá 6 tháng, trường hợp đặc biệt cũng không quá một năm.

4. Vấn đề quản lý công nhân, viên chức trong thời gian điều trị, điều dưỡng.

a) Công nhân, viên chức làm việc ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp trong thời gian điều trị, điều dưỡng được hưởng trợ cấp do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ và vẫn thuộc diện quản lý lao động của cơ quan; cơ quan vẫn có trách nhiệm quản lý và nói chung không được tuyển dụng hoặc điều động người ở nơi khác đến thay thế, trừ những trường hợp thật cần thiết được thủ trưởng các Bộ, các ngành ở trung ương (đối với các cơ quan thuộc trung ương quản lý) hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với các cơ quan thuộc địa phương quản lý) đồng ý và cho phép điều động trong nội bộ ngành hoặc địa phương.

b) Công nhân, viên chức ở các xí nghiệp, công trường,… trong thời gian điều trị, điều dưỡng được hưởng trợ cấp do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ và không thuộc kế hoạch lao động tiền lương của xí nghiệp, công trường…. Tuy vậy trong thời gian người công nhân, viên chức đi điều trị, điều dưỡng, thủ trưởng đảng ủy, công đoàn xí nghiệp, công trường… vẫn có trách nhiệm tiếp tục quản lý, theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe, tư tưởng của những anh chị em này, để có kế hoạch, phối hợp cùng cán bộ phụ trách các cơ sở điều trị, điều dưỡng động viên anh chị em chăm lo chữa bệnh để chóng lành mạnh, giải quyết những quyền lợi khác cho anh chị em (nhà cửa, hàng tiêu dùng, phân phối theo tiêu chuẩn…), giúp đỡ gia đình anh chị em khi gặp khó khăn và sắp xếp nhanh chóng công việc cho anh chị em sau khi điều trị, điều dưỡng về.

5. Sau khi điều trị, điều dưỡng.

a) Công nhân, viên chức ốm đau sau khi điều trị, điều  dưỡng về mà sức khỏe đã phục hồi, thì các cơ quan, xí nghiệp, công trường phải có trách nhiệm tìm mọi cách sắp xếp nhanh chóng công việc cho anh chị em, nhất là đối với những thợ chuyên môn, nhân viên kỹ thuật. Các cơ quan, xí nghiệp, công trường phải xem đây là trách nhiệm của mình, kiên quyết chống xu hướng lấy lý do yếu sức để đưa anh chị em đó ra khỏi cơ quan, xí nghiệp, công trường, và lấy người khác thay thế. Nói chung là bố trí anh chị em làm lại việc cũ; trường hợp sức khỏe không thích hợp với việc cũ thì mới chuyển sang làm việc mới ít nặng nhọc hơn, nhưng cố sắp xếp vào những công việc gần gũi với nghề cũ để sử dụng và phát huy kiến thức và kinh nghiệm của anh chị em; hoặc tổ chức những phân xưởng phụ cho các anh chị em sản xuất. Trường hợp chuyển làm việc khác mà lương mới thấp hơn lương cũ thì được giữ mức lương cũ trong thời hạn một năm, sau đó làm việc gì hưởng lương việc ấy. Trường hợp đi học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, hoặc trường dạy nghề, thì hưởng theo chế độ hiện hành đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học. Sau khi học xong nghề mới hoặc tốt nghiệp thì làm việc gì hưởng lương theo việc ấy.

b) Trường hợp cơ quan xí nghiệp, công trường đã tìm mọi cách mà không thể sắp xếp được công việc thì các ngành chủ quản và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm như sau:

- Ngành chủ quản có trách nhiệm điều chỉnh giữa các xí nghiệp, công trường trong ngành, nhất là đối với thợ chuyên môn và nhân viên kỹ thuật. Đối với các xí nghiệp, công trường của trung ương đóng ở các tỉnh xa, thì ngành chủ quản có thể ủy quyền cho Ủy ban hành chính tỉnh để điều chỉnh những người này sang các xí nghiệp; công trường của địa phương.

- Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sắp xếp công việc cho những công nhân, viên chức thuộc cơ quan, xí nghiệp của địa phương.

Trường hợp các Bộ, Tổng cục chủ quản đã hết sức cố gắng nhưng vẫn không sắp xếp được thì báo cáo cho Bộ Lao động; Bộ Lao động có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban kế hoạch Nhà nước để điều chỉnh giữa các ngành.

c) Công nhân, viên chức tạm thời mất sức lao động sau khi đã được điều trị, điều dưỡng mà sức khỏe vẫn không được phục hồi, Hội đồng giám định y khoa xác nhận mất sức lao động từ 70% trở lên thì được nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội. Đối với những người này, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nên tổ chức những việc làm thích hợp để anh chị em có điều kiện góp phần tăng sản phẩm xã hội và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

6. Kinh phí để giải quyết vấn đề công nhân, viên chức ốm đau lâu ngày tạm thời bị mất sức lao động.

a) Khoản chi về trợ cấp bảo hiểm xã hội cho công nhân, viên chức trong thời gian điều trị, điều dưỡng vẫn lấy ở quỹ bảo hiểm xã hội do Tổng công đoàn quản lý, nếu thiếu thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp thêm. Các khoản chi khác do Bộ Tài chính cấp.

b) Các ngành chủ quản ở trung ương làm dự trù kinh phí cho ngành mình gửi Bộ tài chính xét duyệt, và kinh phí do ngân sách trung ương cấp phát. Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố dự trù kinh phí cho địa phương mình và kinh phí do ngân sách địa phương cấp phát.

c) Các xí nghiệp, công trường trích một phần quỹ phúc lợi của mình để chi phí thêm cho việc điều trị, điều dưỡng.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Việc cho công nhân, viên chức ốm đau đi điều trị, điều dưỡng lần này là biểu hiện sự chăm sóc của Đảng, của Chính phủ đối với sức khỏe của người lao động. vì vậy, sau khi tiếp được chỉ thị này:

- Các ngành chủ quản ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, các cơ quan, xí nghiệp có người đau ốm, mất sức sức lao động cần phải đề cao tinh thần phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ, trước công nhân, viên chức, làm tốt công tác giáo dục, tích cực giải quyết vấn đề tổ chức, phương tiện, kinh phí và có kế hoạch giải quyết tốt, chu đáo, gọn, cho xong trong năm 1970.

- Bộ Y tế chỉ đạo các ngành, các địa phương trong việc điều trị, điều dưỡng, phải cung cấp đủ thuốc men, phương tiện, cán bộ chuyên môn cho việc điều trị, điều dưỡng, hướng dẫn cách xác định tỷ lệ mất sức lao động, tiêu chuẩn đi điều trị hay điều dưỡng, tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ các Hội đồng giám định y khoa.

- Các ngành nội thương, lương thực, thực phẩm, các Ủy ban hành chính địa phương cần cung cấp đầy đủ các loại lương thực, thực phẩm (thịt, cá, trứng, đường, sữa, v.v….) và các hàng tiêu dùng cho các cơ sở điều trị, điều dưỡng, theo tiêu chuẩn điều trị, điều dưỡng tạo điều kiện cho bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng, rút ngắn thời gian điều trị, điều dưỡng để về tham gia sản xuất và công tác.

- Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp phát kinh phí và kiểm tra tài chính.

- Bộ Lao động hướng dẫn theo dõi, đôn đốc việc thi hành toàn diện chỉ thị này, phối hợp với Bộ Nội vụ, Tổng công đoàn và các ngành có liên quan để nghiên cứu trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ bổ sung gấp một số chế độ, chính sách đối với những người nghỉ việc vì mất sức lao động và những người đến tuổi về hưu để tạo điều kiện tốt cho anh chị em cải thiện đời sống và yên tâm về nghỉ.

- Tổng công đoàn Việt-nam hướng dẫn các công đoàn cơ sở giáo dục, động viên và tổ chức công nhân, viên chức thực hiện tốt chỉ thị này.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số người ốm đau, bệnh tật, mất lao động, từ nay về sau, các thủ trưởng đơn vị từ trung ương đến cơ sở và các tổ chức y tế phải có kế hoạch chăm lo bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức, nhất là đối với những người làm nghề nặng nhọc, độc hại, làm việc ở những nơi khí hậu xấu; phải tổ chức tốt đời sống – chủ yếu là việc ăn, ở, nghỉ ngơi, điều kiện làm việc – tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh cho người ốm đau. Mặt khác, khi tuyển dụng người vào làm việc phải chú ý bảo đảm điều kiện sức khỏe, chỉ được tuyển khi có giấy chứng nhận của ngành y tế do các y sĩ, bác sĩ chuyên trách, tránh tình trạng vì cảm tình, nể nang, vô trách nhiệm mà tuyển cả những người ốm đau, có bệnh kinh niên mãn tính vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước. Bộ Lao động, Bộ Y tế, Tổng công đoàn có trách nhiệm tăng cường kiểm tra tình hình bảo hộ lao động, bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức. Bộ Y tế, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra tình hình ăn uống và vệ sinh ăn uống ở các nhà ăn tập thể; thường kỳ báo cáo và kiến nghị với Thường vụ Hội đồng Chính phủ những biện pháp cần thiết và thích hợp để cải thiện đời sống cho công nhân, viên chức. Những cơ quan, xí nghiệp, công trường không làm tốt việc bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức để xảy ra tình trạng có nhiều người ốm đau kinh niên mãn tính, nghỉ việc kéo dài tái diễn hoặc không nghiêm chỉnh và tích cực thi hành chỉ thị này thì thủ tướng chịu trách nhiệm, nếu có khuyết điểm nặng thì phải chịu kỷ luật.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chỉ thị 12-TTg ngày 23/01/1970 về giải quyết vấn đề công nhân, viên chức ốm đau lâu ngày tạm thời mất sức lao động do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.676

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.53.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!