UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
|
Số: 08/CT-UBND
|
Quảng Nam,
ngày 20 tháng 3 năm 2014
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG THỰC
HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2012
Thời gian qua, việc thực hiện Bộ luật Lao động
trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt
được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của Bộ luật Lao
động, nhất là các nội dung về giao kết hợp đồng lao động, tiền lương, tiền
công, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm
việc và các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động. Một số ngành, địa phương
chưa làm tốt công tác quản lý, thiếu kiên quyết khi xử lý vi phạm. Việc thực
hiện pháp luật lao động chưa nghiêm đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp
của các bên trong quan hệ lao động, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao
động, nhất là tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công, làm hạn chế
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự an toàn
xã hội tại địa phương.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các
cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực
hiện Bộ luật Lao động năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, góp phần phát triển
kinh tế - xã hội bền vững; UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, cơ
quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Giám đốc, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp, các
tổ chức và cá nhân sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy
định của Bộ luật Lao động, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người
lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác
liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn
thể, đơn vị có liên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập
huấn các quy định pháp luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao
động, đảm bảo người lao động hiểu và nắm được những quy định của pháp luật về
quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản đã thoả
thuận trong Hợp đồng lao động, Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể và
các quy định khác của người sử dụng lao động, đảm bảo đúng quy định hiện hành
của nhà nước, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động cải thiện
điều kiện làm việc, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và
năng suất lao động, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.
- Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ phát
triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ
chức và cá nhân giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh tại doanh nghiệp
nhanh chóng, chính xác và đúng quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp đóng
trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật
lao động; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Nội quy lao động, Thỏa
ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, quy chế trả lương theo quy định.
- Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện
các quy định về Bộ luật Lao động năm 2012 của các cơ quan, đơn vị, địa phương,
định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm:
- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về
tuyển dụng, hợp đồng lao động, trả lương, trả công, trích nộp bảo hiểm xã hội
và thực hiện các chế độ, nghĩa vụ khác theo quy định; không để xảy ra các vi
phạm về pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh; xây dựng và đăng ký thang lương,
bảng lương với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; báo
cáo Nội quy lao động của đơn vị mình với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
theo quy định.
- Phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động
tại cơ sở tiến hành việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể theo
đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định; hỗ trợ để tổ chức Công đoàn được
thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn
Việt Nam; phối hợp với tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng liên quan
chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; giải quyết
các tranh chấp lao động ngay tại doanh nghiệp khi mới phát sinh theo đúng quy
định.
4. Đối với người lao động:
- Chủ động tìm hiểu và nắm rõ những quy định của
pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động.
- Chấp hành nghiêm những điều khoản đã thỏa
thuận trong hợp đồng lao động; nâng cao vai trò của người lao động và phối hợp
với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc, cải tiến kỹ thuật,
nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động.
- Liên hệ thường xuyên, trực tiếp và thực hiện
theo hướng dẫn của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở nhằm đấu tranh
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
5. Ban Quản lý các khu công nghiệp; Ban Quản lý
Khu kinh tế mở Chu Lai:
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền,
phổ biến các quy định của pháp luật đến người lao động và người sử dụng lao
động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế mở thuộc phạm vi quản lý.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương
binh và Xã hội và các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện pháp luật lao động, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động phát sinh
tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế mở.
6. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Hướng dẫn
các doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động
của tổ chức công đoàn cơ sở; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại doanh nghiệp; đồng thời đẩy
mạnh việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.
7. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tăng cường công tác
tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm xã hội; quản lý chặt chẽ công tác thu –
chi bảo hiểm xã hội, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời và đầy
đủ chế độ cho các đối tượng thụ hưởng. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội và các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giải quyết vướng mắc
phát sinh và kiến nghị khi thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người
lao động theo quy định của pháp luật.
8. Công an tỉnh: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và
Công an các huyện, thành phố thường xuyên nắm chắc tình hình, phát hiện kịp
thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp; chủ động có biện pháp
ngăn chặn, kiềm chế các hành động quá khích và xử lý kịp thời theo quy định của
pháp luật đối với những trường hợp kích động đình công, lãn công và gây mất
trật tự xã hội; ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu của kẻ xấu và các thế lực
thù địch lợi dụng đình công, lãn công để gây mất ổn định chính trị trật tự an
toàn xã hội trên địa bàn.
9. Sở Thông tin và Truyền thông: chủ trì, phối
hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam có trách nhiệm tổ
chức tuyên truyền, nêu gương những điển hình tốt, phê phán những đơn vị, cá
nhân chưa thực hiện tốt pháp luật lao động.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên
quan, các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao
động. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp
luật lao động đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại địa phương.
- Rà soát, tuyển chọn danh sách hòa giải viên
với số lượng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm việc theo chế độ
kiêm nhiệm, báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, đề xuất UBND
tỉnh xem xét, quyết định, đảm bảo hoạt động chất lượng và hiệu quả.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp và người lao
động trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Khánh Toàn
|