ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/CT-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 25 tháng 8 năm 2023
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố đã nghiêm túc tổ chức triển
khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015; Nghị định
số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Hàng năm, Ủy ban nhân dân
Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động
về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố với nhiều nội dung tập
trung vào công tác truyền thông, tuyên truyền; mít tinh, diễn tập các phương án
xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn; tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về
an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra an
toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động và thống kê, báo cáo định kỳ
về tình hình tai nạn lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động hàng năm cho
thấy việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của
một số doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố vẫn
chưa đảm bảo theo quy định; công tác chỉ đạo, phân tích, dự báo tình hình, phối
hợp triển khai các nội dung quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động giữa
các sở, ban, ngành Thành phố và quận, huyện, thành phố Thủ Đức chưa đạt hiệu quả
theo yêu cầu đề ra, vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục ngay.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật
An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các văn
bản hướng dẫn liên quan; đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ
ra, từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao
động đi vào nề nếp và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm việc phối hợp điều
tra tai nạn lao động ngày càng đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính
xác, kịp thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu người đứng đầu chính
quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vị trí,
vai trò và tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó tập
trung thực hiện hiệu quả những nội dung sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành
phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện có
hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính
phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm
tra, điều tra tai nạn lao động theo đúng quy định; nâng cao chất lượng công tác
quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường khả năng phân tích, dự
báo, cập nhật kịp thời tình hình an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tuyên truyền
bằng các ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu với nhiều hình thức phong phú, đa dạng,
phù hợp nhằm phục vụ kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu đề ra trong công tác chỉ
đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố và các cấp, các ngành.
b) Tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp số
32902/SLĐTBXH-CA-VKSND ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Công an Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố trong công tác
điều tra tai nạn lao động; căn cứ thực tiễn triển khai thực hiện thường xuyên
rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung quy chế phù hợp với tình hình thực tiễn của
địa phương và đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan tham gia điều
tra tai nạn lao động.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm
pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, nhân rộng các gương điển
hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn
Thành phố.
d) Kiện toàn, đảm bảo biên chế cho cơ quan thanh
tra lao động phù hợp với số lượng các doanh nghiệp thực tế trên địa bàn Thành
phố để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động
và điều tra tai nạn lao động theo quy định.
2. Sở Xây dựng
a) Tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng
công trình trên địa bàn Thành phố. Yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố tự thực hiện việc
kiểm tra quy trình an toàn về quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong thi công
xây dựng công trình.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành
phố Thủ Đức tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại
các công trình xây dựng, trong đó lưu ý đến các công trình xây dựng nhà ở riêng
lẻ, các nhà thầu tư nhân không có pháp nhân; kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ
thi công đối với các nhà thầu không tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động
trong công trình xây dựng.
c) Chủ trì tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá
nguyên nhân sự cố máy, thiết bị thi công; giám định nguyên nhân sự cố gây sập đổ
công trình, sập đổ một phần công trình gây mất an toàn lao động. Xem xét, quyết
định dừng, tạm dừng sử dụng đối với máy, thiết bị; dừng, tạm dừng thi công đối
với các hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo mức độ
và phạm vi ảnh hưởng của sự cố. Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo
quy định của pháp luật.
3. Sở Y tế
a) Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn
bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố; tuyên truyền,
vận động thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động,
đảm bảo môi trường lao động, điều kiện lao động cũng như các chế độ cho người
lao động; tham mưu xây dựng các chế độ, chính sách vệ sinh lao động phù hợp với
tình hình thực tiễn của địa phương.
b) Phối hợp cử thành viên tham gia Đoàn điều tra
tai nạn lao động Thành phố để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động chết
người xảy ra trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ
sinh lao động; tập trung tham mưu cho Đoàn điều tra tai nạn lao động các nội
dung về quản lý sức khỏe người lao động, các yếu tố có hại trong môi trường lao
động, công tác sơ cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn lao động.
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành
phố Thủ Đức và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao
động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố;
kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng về
vệ sinh lao động.
4. Liên đoàn Lao động Thành phố
a) Phối hợp cử thành viên tham gia Đoàn điều tra
tai nạn lao động Thành phố để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động chết
người trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh
lao động; tập trung giám sát đảm bảo các chế độ cho người lao động, bảo vệ các
quyền lợi của người lao động; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác an
toàn, vệ sinh lao động; tham mưu xây dựng chế độ, chính sách cho người lao động
phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
b) Chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận, huyện, thành phố
Thủ Đức, Công đoàn Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban
Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao
Thành phố thực hiện tốt chức năng giám sát, bảo vệ quyền lợi người lao động
cũng như tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động
trên địa bàn quản lý.
c) Kiểm tra, giám sát Công đoàn các doanh nghiệp,
cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố thực hiện chức năng giám sát, đảm bảo
các chế độ, chính sách cho người lao động; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt
công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.
5. Công an Thành phố, Viện kiểm
sát nhân dân Thành phố
a) Chỉ đạo Công an, Viện kiểm sát nhân dân quận,
huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp số
32902/SLĐTBXH-CA-VKSND trong công tác điều tra tai nạn lao động; đẩy nhanh tiến
độ điều tra các vụ án tai nạn lao động, nâng cao hiệu quả, tính chính xác của
hoạt động điều tra tai nạn lao động; đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp,
phản hồi kết quả điều tra đối với các vụ tai nạn đã được Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội kiến nghị khởi tố.
b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
đánh giá công tác phối hợp điều tra tai nạn lao động, trao đổi tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp; từ đó góp ý sửa
đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động phù hợp với
điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
6. Ban Quản lý các Khu chế xuất
và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý
Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố
Chỉ đạo tổ chức công tác an toàn, vệ sinh lao động;
kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với
các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; chủ động lập danh sách, đề
xuất thanh tra, kiểm tra và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo
cáo về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 71 Luật An
toàn, vệ sinh lao động.
7. Các sở, ban, ngành Thành phố,
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức
a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động trên địa
bàn Thành phố về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các ngành,
nghề có nguy cơ cao về mất an toàn, vệ sinh lao động. Hướng dẫn các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải xây dựng các quy trình, biện pháp
làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; bố trí đủ cán bộ làm công tác an
toàn lao động; tăng cường tự kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay việc thực hiện
pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tốt việc huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
b) Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức
chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Hằng năm, bố trí nguồn
lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao
động trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; ưu tiên việc
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người
lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương.
c) Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm về an toàn, vệ sinh lao động, lưu ý trách nhiệm của người sử dụng lao động
và cán bộ quản lý an toàn lao động. Trong đó, tập trung vào các ngành, nghề có
nguy cơ cao về mất an toàn, vệ sinh lao động, các cơ sở sử dụng các loại máy,
thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt là các thiết bị
nâng, tời nâng, thang nâng hàng tự chế được lắp đặt trong các nhà hàng, cơ sở
kinh doanh, các thiết bị chịu áp lực phục vụ bơm, vá, rửa, sửa chữa xe, hàn cắt
kim loại,... Kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm
nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động.
8. Đối với các Báo, Đài Thành
phố
Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện
công tác an toàn, vệ sinh lao động bằng các ấn phẩm, chuyên đề chuyên sâu với
nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp nhằm phục vụ kịp thời, đáp ứng được
các yêu cầu đề ra trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành
phố và các cấp, các ngành.
9. Đối với các đơn vị, doanh
nghiệp và người sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố
a) Căn cứ các quy định của pháp luật lao động an
toàn, vệ sinh lao động và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để xây dựng
và ký ban hành đầy đủ các nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động, quy
trình an toàn vận hành, quy trình xử lý sự cố đối với các loại máy móc, thiết bị
phục vụ thi công và sản xuất; tổ chức hướng dẫn cho người lao động trước khi
phân công công việc theo đúng quy định. Thực hiện niêm yết nội quy, quy trình tại
nơi làm việc và phổ biến đầy đủ cho người lao động trước khi phân công công việc,
có biện pháp kiểm tra, giám sát buộc người lao động phải thực hiện đúng các nội
quy, quy định đã ban hành.
b) Phân công người có đầy đủ chuyên môn, năng lực
và có các chứng chỉ phù hợp quy định làm cán bộ giám sát an toàn theo đúng quy
định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác
an toàn vệ sinh lao động tại công trình để đề ra biện pháp loại trừ, giảm thiểu
các mối nguy hiểm trước khi phân công công nhân làm việc.
c) Tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và
hướng dẫn những quy định biện pháp làm việc an toàn cho người lao động theo
đúng quy định. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và
có biện pháp kiểm tra, giám sát buộc người lao động sử dụng đúng và đầy đủ các
phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân đã được cấp phát. Thực hiện quản lý, chăm
sóc sức khỏe cho người lao động, sơ cấp cứu tai nạn lao động, quan trắc môi trường
lao động, đảm bảo điều kiện lao động, chế độ cho người lao động làm việc tiếp
xúc với yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.
d) Chú trọng công tác thống kê, báo cáo, khai báo kịp
thời đối với những trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động
làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì có trách nhiệm báo cáo
ngay với cơ quan Công an quận, huyện (nơi xảy ra tai nạn) và Thanh tra Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định tại Điều
34, Điều 83, Điều 86 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
10. Đối với người lao động
a) Chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình và biện
pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết
về an toàn, vệ sinh lao động. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi
phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động; chủ động tham
gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng
cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động.
b) Tham dự các khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao
động để có thể nhận diện các nguy cơ, rủi ro, các yếu tố nguy hiểm từ đó nâng cao
ý thức phòng ngừa tai nạn lao động cho bản thân; kiên quyết từ chối làm việc
khi các điều kiện an toàn lao động chưa được đảm bảo. Sử dụng và bảo quản các
phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ
sinh lao động tại nơi làm việc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng
các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố
Thủ Đức và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thực hiện việc thuê mướn, sử
dụng lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Y tế, Bộ Xây dựng;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- TTUB: CT, các PCT;
- Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố;
- Công an Thành phố;
- Liên đoàn Lao động Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
- Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Thành phố;
- Các Báo, Đài Thành phố;
- VP UBND: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, (VX-HC).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Anh Đức
|