BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-BNV
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 08 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ CỦA CÔNG CHỨC,
VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỘ NỘI VỤ TRONG THỰC THI NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ
công vụ, công chức theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng
Chính phủ, nhằm nâng cao chế độ kỷ luật, duy trì trật tự kỷ cương và tinh thần
trách nhiệm trong hoạt động công vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu người đứng đầu,
công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và
trực thuộc Bộ Nội vụ thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:
a) Tập trung nghiên cứu, quán triệt,
chỉ đạo thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung, giải pháp được đề ra trong Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Quy định số 101-QĐ/TW ngày
07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;
b) Gương mẫu thực hiện nghiêm các quy
định về quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã được
quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và tại Nghị định số
157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của
Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;
c) Phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ
cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân công nhiệm
vụ cụ thể đối với từng công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ của từng người;
đánh giá đúng năng lực, trình độ của từng công chức, viên chức trong cơ quan, tổ
chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ để làm cơ sở thực hiện việc sắp xếp,
điều chuyển, bố trí phù hợp với vị trí việc làm, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt
động. Trong sắp xếp, điều chuyển phải xuất phát từ lợi ích chung và hiệu quả thực
thi nhiệm vụ, công vụ; tôn trọng, trọng dụng nhân tài, những người có năng lực,
trình độ và tận tụy, có trách nhiệm với công việc; không bè phái, cục bộ, không
vì lợi ích nhóm; không bao che, dung túng và kiên quyết thực hiện tinh giản số
công chức, viên chức thiếu năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định
của pháp luật;
d) Thực hiện công khai, minh bạch
trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí
công tác theo quy định của pháp luật; nâng cao trách nhiệm giải trình, đạo đức
công vụ của công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức;
đ) Đề cao tinh thần trách nhiệm,
gương mẫu thực hiện và quán triệt đến từng công chức, viên chức trong cơ quan,
tổ chức, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành thời gian làm việc theo đúng quy định;
quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng và kết
quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức thuộc quyền quản lý;
e) Gương mẫu thực hiện đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy chế dân chủ,
văn hóa công sở;
g) Khuyến khích, động viên, khen thưởng
hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời những công chức, viên chức
nghiêm túc chấp hành kỷ luật, làm việc có trách nhiệm, có năng suất, chất lượng,
hiệu quả; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng
thời giờ làm việc, về kỷ luật lao động, về thực thi nhiệm vụ, công vụ của công
chức, viên chức thuộc quyền quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
không xem xét hoặc đề nghị cấp có thẩm
quyền khen thưởng đối với công chức, viên
chức vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế, làm việc không hiệu quả, không đạt các
tiêu chuẩn, quy định khen thưởng.
2. Đối với công
chức, viên chức và người lao động:
a) Nỗ lực học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh; đấu tranh phòng, chống tiêu cực, phòng chống tham
nhũng, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng;
b) Trong khi thi hành nhiệm vụ, công
vụ phải thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức,
viên chức quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Trong giờ hành chính không uống rượu,
bia, không làm việc riêng, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện
nhiệm vụ, công vụ; không đi muộn về sớm;
d) Nâng cao ý thức trách nhiệm, tận
tâm, tận tụy trong giải quyết công việc,
phục vụ nhân dân. Giải quyết nhanh chóng, kịp thời công việc cho tổ chức, công dân. Không được kéo dài thời gian
giải quyết công việc; không được hách dịch, cửa quyền, tự ý đặt ra những quy định
trái pháp luật, trái với quy định của cấp có thẩm quyền để gây khó khăn phiền
hà, nhũng nhiễu cho nhân dân và các cơ quan, tổ chức khi thi hành nhiệm vụ,
công vụ;
đ) Tập trung hoàn thành tốt các nhiệm
vụ, công việc được giao. Phối hợp chặt chẽ
với đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả chất
lượng và đảm bảo tiến độ công việc.
3. Khen thưởng và
xử lý vi phạm:
a) Người đứng đầu, công chức, viên chức
và người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ, chấp hành tốt kỷ luật,
kỷ cương và tận tụy, tận tâm, trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ
thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật;
b) Người đứng đầu, công chức, viên chức
và người lao động khi vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy chế làm việc, vi phạm
quyền và nghĩa vụ khi thực thi nhiệm vụ, công vụ phải được làm rõ nguyên nhân,
xác định rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của
pháp luật và thông báo công khai kết quả xử lý vi phạm;
c) Người đứng đầu, công chức, viên chức
và người lao động vi phạm pháp luật quy chế làm việc trong khi thi hành nhiệm vụ,
công vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật thì cấp
trên trực tiếp quản lý người đứng đầu hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị có công chức, viên chức vi phạm phải uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời nhằm giáo
dục, ngăn ngừa tái phạm;
d) Các thành tích hoặc các vi phạm của
công chức, viên chức và người lao động phải được xem xét trong quá trình đánh
giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cá nhân có liên quan.
4. Tổ chức thực
hiện:
a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
đơn vị có trách nhiệm phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể
công chức, viên chức và người lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được biết và nghiêm túc chấp
hành thực hiện. Người đứng đầu phải làm gương trong việc thực hiện và phải thường
xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này;
b) Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối
hợp với Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Công chức - Viên chức theo
dõi, kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện Chỉ thị này của các cơ quan, tổ chức,
đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ;
c) Giao các cơ quan thông tin, báo
chí trong Bộ kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến; thường xuyên đưa tin,
bài (trường hợp cần thiết nêu tên cụ thể) phản ánh các biểu hiện sai phạm của
người đứng đầu, công chức, viên chức Bộ Nội vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ,
công vụ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề xuất hoặc có ý kiến khác, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị
và công chức, viên chức kịp thời báo cáo về Bộ trưởng Bộ Nội vụ (qua Vụ Tổ chức
cán bộ) để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng;
- Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ;
- Trang Thông tin điện tử Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, TCCB, CCVC (05).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Anh Tuấn
|