Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều lệ
Nơi ban hành: *** Người ký: ***
Ngày ban hành: 30/07/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ĐIỀU LỆ

CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

(ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XI THÔNG QUA NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 2013)

 

Lời nói đầu:

Công đoàn Việt Nam, tiền thân là Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, được thành lập ngày 28 tháng 7 năm 1929, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và tính quần chúng, là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam Lãnh đạo, có quan hệ hợp tác với Nhà nước và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chức năng: Đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của Cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam luôn luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc, đồng thời phát huy truyền thông đoàn kết quốc tế, tăng cường và mở rộng hợp tác với Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc hữu nghị, đoàn kết, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, phấn đấu cho mục tiêu: Vì quyền, lợi ích người lao động, vì hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc, phát triển và tiến bộ xã hội.

Chương I

ÐOÀN VIÊN VÀ CÁN BỘ CÔNG ÐOÀN

Điều 1. Đối tượng và điều kiện kết nạp, công nhận đoàn viên Công đoàn Việt Nam

Người lao động Việt Nam làm việc trong Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp); người Việt Nam lao động tự do hợp pháp không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của Công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn.

Điều 2. Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên và chuyển sinh hoạt Công đoàn

1. Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên Công đoàn

a. Người gia nhập Công đoàn có đơn tự nguyện. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên xét, ra quyết định kết nạp hoặc công nhận đoàn viên và trao thẻ đoàn viên Công đoàn.

b. Nơi chưa có Công đoàn cơ sở, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn thông qua ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở tại Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi người lao động đang làm việc, hoặc thông qua cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để được xem xét kết nạp hoặc công nhận

2. Thủ tục chuyển sinh hoạt Công đoàn:

Khi chuyển nơi làm việc, đoàn viên xuất trình thẻ đoàn viên Công đoàn với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở nơi đến để được tiếp tục sinh hoạt Công đoàn. Trường hợp chưa có thẻ đoàn viên Công đoàn thì phải có giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt của Công đoàn cơ sở nơi chuyển đi.

3. Khi đoàn viên xin thôi tham gia Công đoàn thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên xóa tên và thu lại thẻ đoàn viên.

Điều 3. Quyền của đoàn viên

1. Được tham gia thành lập Công đoàn cơ sở và hoạt động Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Được yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

3. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn, đề xuất với Công đoàn kiến nghị với người sử dụng lao động về thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động. Được thông tin về các quy định của Công đoàn và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động.

4. Được ứng cử, đề cử, bầu cử Cơ quan Lãnh đạo Công đoàn; chất vấn cán bộ Công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ Công đoàn có sai phạm. Những đoàn viên ưu tú được Công đoàn giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp, giới thiệu để bầu vào Cơ quan Lãnh đạo của Đảng (nếu là đảng viên), của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội khác.

5. Được Công đoàn hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí về Pháp luật Lao động, Công đoàn; được Công đoàn đại diện tham gia tố tụng các vụ án về lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật.

6. Được Công đoàn hướng dẫn, giúp đỡ học nghề, tìm việc làm, ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do Công đoàn tổ chức; thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, khi gặp khó khăn. Được tham gia các sinh hoạt văn hóa, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.

7. Được nghỉ sinh hoạt Công đoàn khi nghỉ hưu, được Công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và Công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do Công đoàn giúp đỡ.

Điều 4. Nhiệm vụ của đoàn viên

1. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

2. Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết của Công đoàn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt Công đoàn, đóng đoàn phí, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

3. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân.

4. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả; cùng nhau chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Điều 5. Cán bộ Công đoàn

1. Cán bộ Công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ Tổ phó Công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại Đại hội hoặc Hội nghị Công đoàn; được cấp Công đoàn có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ Công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

2. Cán bộ Công đoàn gồm cán bộ Công đoàn chuyên trách và cán bộ Công đoàn không chuyên trách.

a. Cán bộ Công đoàn chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Công đoàn, được Đại hội, Hội nghị Công đoàn các cấp bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của Công đoàn bổ nhiệm, chỉ định.

b. Cán bộ Công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu vào các chức danh từ Tổ phó Công đoàn trở lên và được cấp có thẩm quyền của Công đoàn công nhận hoặc chỉ định.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ Công đoàn

Ngoài những nhiệm vụ và quyền của người đoàn viên, cán bộ Công đoàn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Nhiệm vụ của cán bộ Công đoàn:

a. Liên hệ chặt chẽ với đoàn viên và người lao động; tôn trọng ý kiến của đoàn viên và người lao động. Báo cáo, phản ánh và thực hiện thông tin hai chiều giữa các cấp Công đoàn, giữa người lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện của người sử dụng lao động.

b. Tổ chức đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động trong các Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc giữa tổ chức Công đoàn với đại diện của người sử dụng lao động.

c. Phát triển đoàn viên và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.

d. Đấu tranh chống những biểu hiện vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Công đoàn các cấp.

đ. Thực hiện các nhiệm vụ khác do tổ chức Công đoàn phân công.

2. Quyền hạn của cán bộ Công đoàn:

a. Là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

b. Được thực hiện các quyền của cán bộ Công đoàn trong quan hệ lao động theo quy định của Pháp luật Lao động, Công đoàn.

c. Tổ chức và Lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

d. Được bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn tại Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của Luật Công đoàn. Được Công đoàn bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do tổ chức Công đoàn phân công.

đ. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác Công đoàn.

e. Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

g. Cán bộ Công đoàn không chuyên trách khi có đủ điều kiện theo quy định và có nguyện vọng được xem xét ưu tiên tuyển dụng làm cán bộ Công đoàn chuyên trách khi Cơ quan tuyển dụng có nhu cầu.

Chương II

NGUYÊN TẮC VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Điều 7. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

1. Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan Lãnh đạo các cấp Công đoàn do bầu cử lập ra.

2. Quyền quyết định cao nhất của mỗi cấp Công đoàn là Đại hội Công đoàn cấp đó. Cơ quan Lãnh đạo của Công đoàn mỗi cấp giữa hai kỳ Đại hội là Ban Chấp hành.

3. Ban Chấp hành Công đoàn các cấp hoạt động theo nguyên tắc tập thể Lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.

4. Nghị quyết của Công đoàn các cấp được thông qua theo đa số và phải được thi hành nghiêm chỉnh.

Điều 8: Huy hiệu Công đoàn

1. Huy hiệu Công đoàn được sử dụng thống nhất trong các cấp Công đoàn theo mẫu sau:

Description: C:\Users\chiendx\Desktop\Layer-30_logo-cong-doan.jpg

2. Đặc điểm cơ bản của huy hiệu Công đoàn:

a. Bánh xe răng công nghiệp màu đen (có số lượng 13 răng không bị che lấp) đặt ở trung tâm quả địa cầu.

b. Phía trên bánh xe răng, có Quốc kỳ Việt Nam, lá cờ màu đỏ tươi, ngôi sao vàng tươi ở chính giữa lá cờ.

c. Thước cặp màu đen đặt bên trong bánh xe răng công nghiệp, trên nền màu xanh da trời.

d. Quyển sách màu trắng đặt chính giữa, phía trước, bên dưới bánh xe răng,

đ. Phần đế dưới quả địa cầu có chữ “TLĐ” trên nền dải cuốn cách điệu màu xanh công nhân.

e. Đường kinh tuyến, vĩ tuyến của quả địa cầu màu trắng, trên nền màu vàng kim loại.

Điều 9. Hệ thống tổ chức

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây:

1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương (sau đây gọi chung là Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương).

3. Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Công đoàn Tổng Công ty và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác (sau đây gọi chung là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở).

4. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn (sau đây gọi chung là Công đoàn cơ sở).

Điều 10. Đại hội Công đoàn các cấp

1. Nhiệm vụ của Đại hội Công đoàn các cấp:

a. Thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng nhiệm vụ của Công đoàn nhiệm kỳ tới.

b. Tham gia xây dựng Văn kiện của Đại hội Công đoàn cấp trên.

c. Bầu Ban Chấp hành Công đoàn mới và bầu đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên.

d. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (đối với Đại hội Công đoàn Việt Nam).

2. Nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn các cấp:

a. Nhiệm kỳ của Đại hội Công đoàn các cấp 5 năm 1 lần. Trường hợp Công đoàn cơ sở có ít đoàn viên hoặc thường xuyên biến động, nếu có đề nghị bằng văn bản của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thì Công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp quyết định nhiệm kỳ Đại hội của Công đoàn cơ sở 5 năm 2 lần.

b. Trường hợp đặc biệt, nếu được Công đoàn cấp trên đồng ý, Đại hội Công đoàn các cấp có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 12 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm và không quá 6 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm 2 lần. Đại hội Công đoàn Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

3. Số lượng đại biểu dự Đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thành phần đại biểu chính thức của Công đoàn mỗi cấp gồm:

a. Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm.

b. Đại biểu do Công đoàn cấp dưới bầu lên.

c. Đại biểu chỉ định với số lượng không quá ba phần trăm (3%) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

4. Đại biểu dự Đại hội phải được Đại hội biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, thì Ban Chấp hành cấp triệu tập xem xét, quyết định tư cách đại biểu và sau đó báo cáo cho đại hội biết. Người bị khởi tố, truy tố, tạm giam thì không đủ tư cách đại biểu.

Điều 11. Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể

1. Những nơi xét thấy cần thiết và được Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì Ban Chấp hành cấp đó được triệu tập Hội nghị đại biểu hoặc Hội nghị toàn thể.

2. Số lượng đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập Hội Nghị quyết định. Đại biểu dự Hội nghị phải được Hội nghị biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Thành phần đại biểu gồm:

a. Các Ủy viên đương nhiệm của Ban Chấp hành cấp triệu tập Hội nghị.

b. Các đại biểu do Đại hội (nếu trùng vào dịp Đại hội) hoặc do Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể Công đoàn cấp dưới bầu lên. Trường hợp không thể tổ chức được Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể và được Công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì Hội nghị ban Chấp hành Công đoàn cấp đó bầu.

c. Đại biểu chỉ định với số lượng không quá ba phần trăm (3%) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

3. Nội dung của Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể:

a. Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội; bổ sung phương hướng nhiệm vụ và chương trình hoạt động của Công đoàn khi cần thiết.

b. Tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội Công đoàn cấp trên.

c. Bổ sung kiện toàn Ban Chấp hành và bầu đại biểu đi dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn cấp trên (nếu có).

Điều 12. Nguyên tắc, hình thức bầu cử Cơ quan Lãnh đạo Công đoàn các cấp và đại biểu dự Đại hội, Hội nghị Công đoàn cấp trên

1. Đại hội, Hội nghị Công đoàn các cấp hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên được triệu tập tham dự.

2. Việc bầu Cơ quan Lãnh đạo Công đoàn các cấp và bầu đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.

3. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu thu về.

Điều 13. Ban Chấp hành Công đoàn các cấp

1. Ban Chấp hành là Cơ quan Lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội của mỗi cấp Công đoàn, do Đại hội Công đoàn cấp đó bầu ra. Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới phải được Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.

a. Trường hợp cần thiết, Công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền chỉ định bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành và các chức danh trong Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới.

b. Khi thành lập mới hoặc tách, nhập tổ chức Công đoàn hoặc những đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn hoặc chỉ định bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn hoặc công nhận Ban Chấp hành.

Thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn không quá
12 tháng.

2. Ban Chấp hành Công đoàn ở cấp nào là đại diện của đoàn viên và người lao động cấp đó. Ở Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.

3. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do Đại hội Công đoàn cấp đó quyết định và không vượt quá số lượng quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

a. Khi khuyết Ủy viên Ban Chấp hành ở cấp nào, thì Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể hoặc Ban Chấp hành cấp đó bầu bổ sung. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành bầu bổ sung trong nhiệm kỳ Đại hội đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên không vượt quá một phần ba (1/3) và Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không vượt quá một phần hai (1/2) số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.

b. Trường hợp đặc biệt cần bổ sung mà số Ủy viên Ban Chấp hành bầu bổ sung đã vượt quá số lượng quy định tại điểm a, khoản 3 điều này, hoặc vượt quá số lượng Đại hội đã thông qua, thì phải được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên trực tiếp, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc bầu bổ sung số Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt quá số lượng Đại hội Công đoàn toàn quốc đã thông qua do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định nhưng không quá ba phần trăm (3%) số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Đại hội Công đoàn toàn quốc quyết định.

c. Ủy viên Ban Chấp hành các cấp khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác thì đương nhiên thôi tham gia Ban Chấp hành, kể từ thời điểm nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác ghi trong quyết định.

d. Trường hợp Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ Công đoàn chuyên trách Công đoàn, khi thôi chuyên trách Công đoàn nhưng còn công tác tại ngành hoặc địa phương, đơn vị thì do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xem xét việc tiếp tục tham gia hoặc không tham gia Ban Chấp hành và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định.

đ. Trường hợp Ủy viên Ban Chấp hành có đơn xin thôi tham gia Ban Chấp hành thì do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xem xét và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định.

4. Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp:

a. Bầu các chức danh trong Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn.

b. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình.

c. Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Công đoàn cấp trên.

d. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động đối với Công đoàn cấp dưới.

đ. Đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn hoạt động; hướng dẫn, giúp đỡ, can thiệp và bảo vệ cán bộ Công đoàn khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng; Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thực hiện quyền tổ chức và Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật.

e. Định kỳ báo cáo tình hình tổ chức hoạt động Công đoàn cấp mình với cấp ủy đảng đồng cấp, Công đoàn cấp trên và thông báo cho Công đoàn cấp dưới.

g. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế Công đoàn theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

5. Hội nghị định kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp:

a. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, một năm họp hai lần. Trường hợp cần thiết có thể triệu tập họp bất thường.

b. Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở một năm họp ít nhất hai lần.

c. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn, Công đoàn cơ sở thành viên ba tháng họp ít nhất một lần.

Điều 14. Quyền hạn của Ban Chấp hành về tổ chức bộ máy làm việc

Ban Chấp hành Công đoàn các cấp căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, khả năng tài chính và các quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo với cấp ủy đảng cùng cấp (nếu có) trước khi quyết định tổ chức bộ máy; thông báo cho các Cơ quan chuyên môn, chủ doanh nghiệp hoặc chính quyền cùng cấp thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp

1. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp là Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành mỗi cấp. Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) Công đoàn cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu. Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) không quá một phần ba (1/3) tổng số Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó, gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

2. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được ra các Nghị quyết, Quyết định... để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện cho đoàn viên, người lao dộng kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.

3. Ban Thường vụ Công đoàn các cấp chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành; điều hành các hoạt động giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, báo cáo hoạt động của mình tại Hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Cơ quan và đơn vị trực thuộc; đại diện cho đoàn viên và người lao động tập hợp các kiến nghị để tham gia với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, bộ, ngành, Hội đồng Quản trị doanh nghiệp cùng cấp; cử đại diện tham gia vào các Cơ quan, tổ chức có liên quan.

4. Chủ tịch là người đứng đầu Ban Chấp hành có trách nhiệm điều hành hoạt động của Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) và là người đại diện theo pháp luật của Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.

Khi có quá một phần hai (1/2) là thành viên dự Đại hội yêu cầu thì Đại hội Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn được bầu trực tiếp Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Chủ tịch Nghiệp đoàn trong số Ủy viên Ban Chấp hành mới do Đại hội bầu ra.

Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thì Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn bầu bổ sung trong số các Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Ban Thường vụ thì Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cho phép bầu bổ sung trong số các Ủy viên Ban Chấp hành.

Chương III

CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VÀ NGHIỆP ĐOÀN

Điều 16. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của Công đoàn cơ sở

1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:

a. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

b. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất mười đoàn viên Công đoàn hoặc mười người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

2. Hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn:

a. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.

b. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.

c. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Công đoàn bộ phận, Nghiệp đoàn bộ phận.

d. Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.

3. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động, Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể.

Điều 17. Trình tự thành lập Công đoàn cơ sở

1. Người lao động thành lập Công đoàn cơ sở:

a. Người lao động tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và được Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ.

Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ đề nghị với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về hướng dẫn việc tuyên truyền, vận động, thu nhận đơn gia nhập Công đoàn của người lao động và chuẩn bị việc tổ chức Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

b. Khi có đủ số lượng người lao động tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Điều lệ này thì Ban vận động tổ chức Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

c. Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ công bố danh sách người lao động xin gia nhập Công đoàn; tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở; bầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.

d. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận đoàn viên và Công đoàn cơ sở.

đ. Hoạt động của Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chỉ hợp pháp sau khi có quyết định công nhận của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

2. Trách nhiệm của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thành lập Công đoàn cơ sở:

a. Cử cán bộ Công đoàn đến Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người lao động gia nhập Công đoàn; hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ người lao động tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

b. Xem xét, ra quyết định công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Văn bản đề nghị công nhận của Công đoàn cơ sở nêu tại điểm d, khoản 1, Điều này. Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì phải thông báo bằng văn bản với nơi đề nghị công nhận biết.

c. Trường hợp người lao động không đủ khả năng tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở, hoặc đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập Công đoàn cơ sở thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm vận động người lao động gia nhập Công đoàn và thực hiện các quy trình thành lập Công đoàn cơ sở như: Quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, chỉ định Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra lâm thời và các chức danh trong Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra lâm thời.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong các Cơ quan Nhà nước, Cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập

1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Vận động đoàn viên và người lao động nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong đoàn viên, người lao động.

3. Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong Cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia quản lý Cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước

1. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nghĩa vụ của người lao động; vận động người lao động chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

2. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; đại diện cho tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia xây dựng điều lệ hoạt động, các nội quy, quy chế, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với Giám đốc doanh nghiệp.

3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và Giám đốc doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, người lao động; tham gia với Giám đốc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi của đoàn viên, người lao động; vận động đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, tương trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

4. Giám sát việc thi hành pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Công đoàn, đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp; phát động, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong doanh nghiệp.

5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

6. Quản lý tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật và tổ chức Công đoàn.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

2. Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất kinh doanh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

4. Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động và Công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.

5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Tuyên truyền, phổ biến và vận động thành viên, người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Nghị quyết Đại hội thành viên và điều lệ hợp tác xã.

2. Đại diện người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động (không phải là thành viên) giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Giám sát Hội đồng Quản trị thực hiện chế độ, chính sách, phân phối thu nhập, lợi nhuận đối với thành viên;

3. Tham gia với Hội đồng Quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc) để có biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống, phúc lợi của thành viên và người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở về tổ chức và Lãnh đạo đình công; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong hợp tác xã; vận động thành viên và người lao động tham gia các hoạt động, văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn.

4. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

5. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

1. Tuyên truyền, phổ biến và vận động người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động, nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị và nghĩa vụ của người lao động.

2. Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động với người đứng đầu đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng của đơn vị có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; cùng với người đứng đầu đơn vị xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, hỗ trợ nhau trong công tác và khi gặp khó khăn.

3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động với người đứng đầu đơn vị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Phối hợp với người đứng đầu đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, Hội nghị người lao động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thay mặt người lao động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia xây dựng và giám sát thực hiện nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị, các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động;

5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Nghiệp đoàn

1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, hướng dẫn việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống và điều kiện hành nghề của người lao động. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa.

2. Đại diện cho đoàn viên Nghiệp đoàn quan hệ với chính quyền địa phương và Cơ quan chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.

3. Đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và đời sống. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội.

4. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Nghiệp đoàn vững mạnh.

5. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương IV

CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ

Điều 24. Công đoàn giáo dục huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Công đoàn giáo dục huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công đoàn giáo dục huyện) do Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thành lập hoặc giải thể sau khi có sự đồng ý của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.

2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn giáo dục huyện là đoàn viên và người lao động trong Cơ quan phòng giáo dục, các trường học (công lập và ngoài công lập), đơn vị thuộc phòng giáo dục cấp huyện quản lý.

3. Công đoàn giáo dục huyện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động huyện và sự chỉ đạo phối hợp về ngành của Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, thành phố.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn giáo dục huyện:

a. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Công đoàn. Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Công đoàn cấp trên và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình.

b. Tham gia với Cơ quan quản lý cùng cấp về định hướng phát triển ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên và các mục tiêu, kế hoạch giáo dục - đào tạo, các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong ngành.

c. Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

d. Phối hợp với các Cơ quan chức năng của cấp huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động trong ngành (bao gồm cả ngoài công lập).

đ. Quyết định thành lập hoặc giải thể các Công đoàn cơ sở trường học, đơn vị trực thuộc phòng giáo dục cấp huyện quản lý; phát triển đoàn viên, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

Điều 25. Công đoàn ngành địa phương

1. Công đoàn ngành địa phương do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và trực tiếp chỉ đạo; chịu sự chỉ đạo phối hợp của Công đoàn ngành Trung ương.

2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn ngành địa phương là đoàn viên và người lao động trong Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3. Công đoàn ngành địa phương quyết định thành lập hoặc giải thể các Công đoàn cơ sở thuộc ngành, theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn ngành địa phương:

a. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Công đoàn. Tổ chức triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

b. Tham gia với Cơ quan quản lý cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội của ngành địa phương, các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động thuộc phạm vi quản lý, chỉ đạo của ngành.

c. Phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách ngành, nghề, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong ngành; hỗ trợ Công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật; đại diện cho Công đoàn cơ sở hoặc người lao động khởi kiện hoặc tham gia vào các vụ án về lao động và Công đoàn khi được Công đoàn cơ sở hoặc người lao động ủy quyền. Đại diện cho người lao động của ngành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

d. Phát triển đoàn viên và Công đoàn cơ sở trong các thành phần kinh tế thuộc ngành, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, xây dựng Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn vững mạnh.

đ. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 26. Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Liên đoàn Lao động huyện)

1. Liên đoàn Lao động huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp.

2. Đối tượng tập hợp của Liên đoàn Lao động huyện là đoàn viên, người lao động trên địa bàn cấp huyện.

3. Liên đoàn Lao động huyện quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp Công đoàn giáo dục huyện; ra quyết định thành lập, giải thể hoặc công nhận và chỉ đạo trực tiếp các Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn đóng trên địa bàn (trừ những Công đoàn cơ sở đã trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác).

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động huyện:

a. Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước.

b. Phối hợp với các Cơ quan chức năng của Nhà nước cấp huyện, công đoàn ngành địa phương và tương đương để kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động đối với các cơ sở đóng trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ, giúp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, tổ chức, Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật.

c. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở khi người lao động ở đó yêu cầu. Đại diện cho Công đoàn cơ sở hoặc người lao động khởi kiện hoặc tham gia vào các vụ án về lao động khi được Công đoàn cơ sở hoặc người lao động ủy quyền.

d. Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và chủ trương công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy đảng và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình; tham gia với cấp ủy đảng, Cơ quan Nhà nước về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động.

đ. Vận động đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn các hình thức, biện pháp chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

e. Thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn; công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; xây dựng Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn vững mạnh.

g. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 27. Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là Công đoàn các khu công nghiệp)

1. Công đoàn các khu công nghiệp do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp.

2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn các khu công nghiệp là đoàn viên, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là các khu công nghiệp).

3. Công đoàn các khu công nghiệp quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc các đơn vị do địa phương thành lập hoạt động trong các khu công nghiệp; phối hợp chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn cấp trên khác trong các khu công nghiệp.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn các khu công nghiệp:

a. Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước.

b. Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định Điều lệ; hướng dẫn, hỗ trợ, giúp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, tổ chức, Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật.

c. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở khi người lao động ở đó yêu cầu. Đại diện cho Công đoàn cơ sở hoặc người lao động khởi kiện hoặc tham gia vào các vụ án về lao động và Công đoàn khi được Công đoàn cơ sở hoặc người lao động ủy quyền.

d. Phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp, Cơ quan quản lý lao động địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật lao động; giải quyết đơn thư khiếu nại của đoàn viên, người lao động trong các khu công nghiệp.

đ. Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh; thực hiện công tác quản lý cán bộ Công đoàn theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.

e.Hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở thuộc các công đoàn cấp trên khác trong khu công nghiệp thực hiện các nội dung theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 30, Điều lệ này.

g. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 28. Công đoàn Tổng Công ty

1. Công đoàn Tổng Công ty (bao gồm các tập đoàn kinh tế Nhà nước) tập hợp đoàn viên và người lao động trong các cơ sở của Tổng Công ty.

2. Tổng Công ty do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thì tổ chức Công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

3. Tổng Công ty do Bộ, Ngành Trung ương thành lập thì tổ chức Công đoàn do Công đoàn ngành Trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

4. Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập thì việc thành lập tổ chức Công đoàn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập và chỉ đạo trực tiếp hoặc phân cấp quản lý.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Tổng Công ty:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương công tác của Công đoàn cấp trên và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình.

b. Tham gia với Hội đồng Quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc về quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế của Tổng Công ty, tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong Tổng Công ty.

c. Phối hợp với Hội đồng Quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị người lao động; đại diện cho đoàn viên và người lao động ký thỏa ước lao động tập thể với tổng Giám đốc phù hợp với các quy định của pháp luật, tham gia các hội đồng của tổng công ty để giải quyết các vấn đề có liên quan đến đoàn viên, người lao động. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước.

d. Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở và đơn vị trực thuộc tham gia quản lý; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

đ. Quyết định thành lập hoặc giải thể các Công đoàn cơ sở, đơn vị trực thuộc. Thực hiện công tác cán bộ theo sự phân cấp của Công đoàn cấp trên, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.

e. Phối hợp với Liên đoàn Lao động địa phương, Công đoàn các khu công nghiệp đối với Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở thành viên của Tổng Công ty đóng tại địa phương, hoặc khu công nghiệp thực hiện các nội dung nhiệm vụ quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 30 Điều lệ này.

g. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 29. Công đoàn Cơ quan Trung ương

1. Công đoàn Cơ quan Trung ương gồm: Công đoàn bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, các Ban Đảng, đoàn thể, tổ chức ở Trung ương tập hợp đoàn viên và người lao động trong các đơn vị thuộc Cơ quan Trung ương.

2. Công đoàn Cơ quan Trung ương là Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (khi có đủ điều kiện), do Công đoàn ngành Trung ương quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp.

3. Công đoàn Cơ quan Trung ương cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định thành lập, giải thể và trực tiếp chỉ đạo Công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 18, Điều 19 Điều lệ này.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Cơ quan Trung ương:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và chủ trương công tác của Công đoàn cấp trên; Chỉ thị, Nghị quyết của cấp Ủy đảng và Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình; tham gia với cấp ủy đảng, Lãnh đạo chuyên môn về công tác quản lý, Lãnh đạo Cơ quan về các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

b. Phối hợp với thủ trưởng Cơ quan thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị cán bộ công chức Cơ quan; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ sở trực thuộc Cơ quan.

c. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của Cơ quan; vận động đoàn viên và người lao động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và tham gia các hoạt động xã hội; hướng dẫn các hình thức, biện pháp chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng Cơ quan văn hóa, tham gia cải cách hành chính, đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

d. Phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo phân cấp của Công đoàn ngành Trung ương.

đ. Quản lý tài chính, tài sản Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương V

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH, THÀNH PHỐ, CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG, TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều 30. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố

1. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Đối tượng tập hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố là đoàn viên, người lao động trên địa bàn.

3. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo trực tiếp các Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), Công đoàn các khu công nghiệp và các Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn trực thuộc (kể cả Công đoàn cơ sở các đơn vị của Trung ương không có Công đoàn ngành Trung ương hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác).

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b. Đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Tham gia với cấp ủy Đảng, Cơ quan Nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của người lao động trên địa bàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội.

c. Phối hợp với các Cơ quan chức năng của Nhà nước, Công đoàn ngành Trung ương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động trong các Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn và chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động, tham gia hội đồng trọng tài lao động ở địa phương, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

d. Chỉ đạo các Công đoàn ngành địa phương, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn các khu công nghiệp, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố) và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 và Điều 28 Điều lệ này.

Phối hợp với Công đoàn ngành Trung ương và tương đương chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương và tương đương đóng trên địa bàn.

đ. Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc các Công đoàn cấp trên cơ sở khác đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố những nội dung sau đây:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

- Phối hợp với các Cơ quan chức năng của Nhà nước ở địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; điều tra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động; đại diện bảo vệ người lao động trong các vụ án về lao động và Công đoàn khi người lao động yêu cầu.

e. Tổ chức, vận động đoàn viên và người lao động rèn luyện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các cơ sở văn hóa công nhân, các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm và tư vấn pháp luật của Công đoàn theo quy định của Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

g. Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý.

h. Hướng dẫn, chỉ đạo Đại hội các Công đoàn cấp dưới; phát triển đoàn viên, xây dựng Công đoàn cơ sở và Nghiệp đoàn vững mạnh.

i. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

k. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 31. Công đoàn ngành Trung ương

1. Công đoàn ngành trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với đặc điểm của ngành.

Trường hợp trong một bộ có nhiều Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn ngành Trung ương là đoàn viên, người lao động trong Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành.

Công đoàn ngành Trung ương trực tiếp quản lý và chỉ đạo Công đoàn Cơ quan Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và tương đương thuộc bộ, ngành, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn ngành Trung ương:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

b. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành.

c. Nghiên cứu tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của ngành:

- Nghiên cứu tham gia với bộ, ngành về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, gắn với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lao động trong ngành.

- Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, Bảo hộ Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động cùng ngành, nghề; tham gia cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chông lãng phí.

- Đại diện cho người lao động thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể ngành.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách thuộc ngành, nghề; tham gia các hội đồng của ngành để giải quyết các vấn đề có liên quan đến người lao động; kiến nghị với Cơ quan Nhà nước bổ sung, sửa đổi và giải quyết những chế độ, chính sách ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.

- Phối hợp hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.

d. Nghiên cứu đề xuất với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp thuộc Công đoàn ngành; hướng dẫn chỉ đạo Đại hội các Công đoàn cấp dưới; thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp.

đ. Hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cấp dưới:

- Triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên, Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành Trung ương.

- Tham gia quản lý, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể.

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến đoàn viên và người lao động, vận động đoàn viên, người lao động nâng cao trình độ, nghề nghiệp. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.

e. Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn các Công đoàn ngành địa phương thực hiện các nội dung: Chế độ, chính sách lao động ngành; tuyên truyền, giáo dục truyền thông ngành; phương hướng nhiệm vụ phát triển ngành; thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cùng ngành.

g. Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo các Công đoàn cơ sở của ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

h. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

i. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 32. Công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam

1. Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là Công đoàn ngành Trung ương thuộc hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.

2. Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam tập hợp những cán bộ, công nhân viên chức Quốc phòng, người lao động đang làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

3. Tổ chức và hoạt động Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng trên nguyên tắc bảo đảm đúng các quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Điều 33. Công đoàn Công an Nhân dân Việt Nam

1. Công đoàn Công an Nhân dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công đoàn Công an) là Công đoàn ngành Trung ương thuộc hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, có đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

2. Công đoàn Công an tập hợp những cán bộ, công nhân, viên chức, lao động đang làm việc, hưởng lương trong các doanh nghiệp, Cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an.

3. Tổ chức và hoạt động của Công đoàn Công an do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an trên nguyên tắc bảo đảm đúng các quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

1. Quyết định chương trình, nội dung hoạt động của Công đoàn nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc và các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam; chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động của các cấp Công đoàn. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận Công đoàn, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động Công đoàn.

2. Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác có liên quan đến tổ chức Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động; tham gia các ủy ban quốc gia, hội đồng quốc gia về các vấn đề có liên quan đến người lao động.

3. Phối hợp với các Cơ quan của Đảng, Cơ quan Nhà nước, để bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phối hợp với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở Trung ương tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội trong đoàn viên và người lao động.

4. Quyết định phương hướng, biện pháp về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, chức danh cán bộ Công đoàn; Thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và chính sách cán bộ; bố trí cán bộ chuyên trách Công đoàn theo phân cấp quản lý.

5. Chỉ đạo các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của Công đoàn các cấp.

6. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế theo đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

7. Thông qua quyết toán, dự toán ngân sách hằng năm, quyết định các chủ trương biện pháp quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế Công đoàn.

Chương VI

CÔNG TÁC NỮ CÔNG

Điều 35. Công tác nữ công

Công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Ban nữ công Công đoàn

1. Ban nữ công Công đoàn có nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp về công tác xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ, công tác cán bộ nữ, dân số, sức khỏe sinh sản, gia đình, trẻ em; đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương được thành lập, chỉ đạo ban nữ công (ban nghiệp vụ) và bố trí cán bộ làm công tác nữ công theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở được thành lập và chỉ đạo hoạt động ban nữ công quần chúng.

Chương VII

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CÔNG ÐOÀN

Điều 37. Tài chính Công đoàn

1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tài chính của Công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

a. Đoàn phí Công đoàn do đoàn viên đóng hằng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương.

b. Kinh phí Công đoàn do Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng hai phần trăm (2%) quỹ tiền lương của người lao động. Tiền lương là tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội.

c. Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.

d. Các nguồn thu khác: Thu từ các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề tài, đề án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

2. Tài chính Công đoàn dùng để chi các khoản sau đây:

a. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

b. Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

c. Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh;

d. Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;

đ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn;

e. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động;

g. Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;

h. Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên Công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

i. Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

k. Trả lương cán bộ chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách;

l. Chi cho hoạt động của bộ máy Công đoàn các cấp;

m. Các nhiệm vụ chi khác.

3. Quản lý tài chính Công đoàn:

a. Tài chính Công đoàn được quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Thực hiện phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm của Công đoàn các cấp.

b. Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) Công đoàn các cấp có nhiệm vụ quản lý tài chính theo đúng quy định của pháp luật và của tổ chức Công đoàn.

Điều 38. Tài sản của Công đoàn

1. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên Công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật.

3. Công đoàn các cấp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng các tài sản và chịu trách nhiệm trước Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trước pháp luật về việc sử dụng và quản lý các tài sản đó.

Chương VIII

CÔNG TÁC KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN VÀ ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

Điều 39. Công tác kiểm tra

Công tác kiểm tra của Công đoàn là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn mỗi cấp nhằm đảm bảo việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của tổ chức Công đoàn. Mỗi cấp Công đoàn phải tổ chức, tiến hành công tác kiểm tra ở cấp đó và chịu sự kiểm tra của Công đoàn cấp trên.

Điều 40. Ủy ban Kiểm tra Công đoàn

1. Ủy ban Kiểm tra là Cơ quan kiểm tra của Công đoàn được thành lập ở các cấp Công đoàn, do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó bầu ra và phải được Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.

2. Ủy ban Kiểm tra Công đoàn mỗi cấp chịu sự Lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó và sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cấp trên.

3. Số lượng ủy viên Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp quyết định, gồm một số ủy viên trong Ban Chấp hành và một số ủy viên ngoài Ban Chấp hành; số ủy viên Ban Chấp hành không được vượt quá một phần ba (1/3) tổng số ủy viên Ủy ban Kiểm tra.

4. Việc bầu Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu thu về.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn mỗi cấp, do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó bầu, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra do Ủy ban Kiểm tra bầu.

Tổ chức cơ sở của Công đoàn có dưới ba mươi đoàn viên thì cử một ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra.

5. Khi mới thành lập hoặc tách, nhập tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra lâm thời.

6. Nhiệm kỳ của Ủy ban Kiểm tra theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.

7. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các cấp là cán bộ chuyên trách Công đoàn khi thôi không là cán bộ chuyên trách Công đoàn thì thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra. Úy viên Ủy ban Kiểm tra khi chuyển công tác ra khỏi ngành hoặc địa phương, đơn vị thì thôi tham gia ủy ban kiểm tra công đoàn ở ngành, địa phương, đơn vị đó. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các cấp khi nghỉ hưu, thôi việc thì thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra kể từ thời điểm nghỉ hưu hoặc thôi việc ghi trong quyết định.

Điều 41. Nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn

1. Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn đối với Công đoàn cùng cấp và cấp dưới.

2. Kiểm tra Công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức, cán bộ và đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn.

3. Kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế của Công đoàn cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Giúp ban chấp hành, Ban Thường vụ: giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn; tham gia với các Cơ quan chức năng Nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra đối với ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cùng cấp và cấp dưới.

Điều 42. Quyền của Ủy ban Kiểm tra công đoàn

1. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra được tham dự các Hội nghị của Ban Chấp hành và Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn cùng cấp.

2. Báo cáo với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp về hoạt động kiểm tra Công đoàn và đề xuất các nội dung, chương trình công tác của Ủy ban Kiểm tra trong các kỳ họp thường kỳ của Ban Chấp hành.

3. Yêu cầu đơn vị và người chịu trách nhiệm của đơn vị được kiểm tra báo cáo, cung cấp các tài liệu cho công tác kiểm tra và trả lời những vấn đề do Ủy ban Kiểm tra nêu ra.

4. Báo cáo kết luận kiểm tra và đề xuất các hình thức xử lý với Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp. Những kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra không được Cơ quan thường trực giải quyết thì Ủy ban Kiểm tra có quyền báo cáo với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp và báo cáo lên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cấp trên.

5. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra được học tập, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về công tác kiểm tra.

Chương IX

KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

Điều 43. Khen thưởng

Cán bộ, đoàn viên Công đoàn, những người có công xây dựng tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn và Nghiệp đoàn có thành tích hoạt động xuất sắc được Công đoàn xét khen thưởng, theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 44. Kỷ luật

1. Đoàn viên, cán bộ Công đoàn, tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Ban Thường vụ Công đoàn các cấp, nếu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật công khai, chính xác và kịp thời.

2. Hình thức xử lý kỷ luật:

a. Đối với tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Ban Thường vụ Công đoàn các cấp: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

b. Đối với đoàn viên: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ.

c. Đối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách: khiển trách, cảnh cáo, cách chức (các chức vụ của Công đoàn).

d. Đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.

3. Thẩm quyền thi hành kỷ luật:

a. Việc khai trừ đoàn viên do tổ Công đoàn hoặc tổ Nghiệp đoàn đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn xem xét quyết định. Trường hợp đặc biệt do Công đoàn cấp trên quyết định. Đoàn viên bị kỷ luật khai trừ, sau khi đã sửa chữa khuyết điểm nếu có nguyện vọng thì được xét gia nhập lại Công đoàn.

b. Việc thi hành kỷ luật một Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cấp nào do Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xét và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định. Thi hành kỷ luật Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

c. Việc thi hành kỷ luật tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Ban Thường vụ do Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp xét và quyết định.

d. Việc thi hành kỷ luật Ủy ban Kiểm tra hay các ủy viên Ủy ban Kiểm tra áp dụng hình thức kỷ luật như đối với tập thể Ban Chấp hành và Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.

Chương X

CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ CONG ĐOÀN VIỆT NAM

Điều 45. Chấp hành Điều lệ

1. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) Công đoàn các cấp, cán bộ và đoàn viên Công đoàn phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong Điều lệ, giao cho Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét hướng dẫn cho phù hợp với tình hình chung.

3. Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Đại hội Công đoàn toàn quốc thông qua. Chỉ Đại hội Công đoàn toàn quốc mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam./.

 

CHARTER

OF VIETNAMESE TRADE UNION

(PASSED BY THE 11TH VIETNAMESE TRADE UNION CONGRESS ON JULY 30, 2013)

 

Preface:

The Vietnamese Trade Union originated from the Red Workers' General Union in Northern Vietnam, established on July 28, 1929, and is now the Vietnam General Confederation of Labour.

The Vietnam General Confederation of Labour (“VGCL”) is a large socio-political organization of the working class, officials, public employees, workers and other types of workers (hereinafter collectively referred to as “workers”) and voluntarily established with an aim to assembling and joining forces for the development of the Vietnamese working class.

The VGCL has the nature of the working class and the mass; is a member of the political system under the leadership of the Communist Party of Vietnam; has cooperative relation with the State and coordinating relation with socio-political organizations and other social organizations; and operates under the Constitution and law of the Socialist Republic of Vietnam.

Functions of the VGCL include: Protecting the legal and legitimate rights and interests of workers on their behalf; participating in state management, economic-social management, participating in inspection and supervision of operations of regulatory bodies, organizations, units and economic entities; educating and encouraging workers to learn and improve their professional skills and qualifications, comply with the law and contribute to the construction and defense of the Fatherland.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter I

 TRADE UNION MEMBERS AND TRADE UNION OFFICIALS

Article 1. Candidates and requirements for membership of Vietnamese Trade Union

Vietnamese workers of regulatory bodies, political organizations, socio-political organizations, socio-professional political organizations, socio-professional organizations, units, enterprises, cooperatives, other organizations employing workers as prescribed in occupational regulations, foreign bodies and organizations, international organizations operating in Vietnam (hereinafter collectively referred to as “regulatory bodies, organizations, enterprises”); and Vietnamese legal freelance workers, regardless of occupation, gender, religion, if they approve of the Charter of Vietnamese Trade Union, voluntarily participate in activities of a grassroots trade union and pay trade union fees according to regulations, are eligible for Trade Union membership.

Article 2. Procedures for admission and recognition of trade union members and transfer of trade union

1. Procedures for admission and recognition of trade union members

a. Persons applying to the Trade Union shall submit a voluntary application. Executive boards of grassroots trade unions or superior trade unions shall decide on admission or recognition of trade union members and issuance of trade union membership card.

b. If there is no grassroots trade union yet, workers shall submit their application to the board for establishment of grassroots trade union of their workplace or to an official of a superior trade union for decision on admission or recognition.

2. Transfer of grassroots trade union:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. When a member would like to withdraw from the Trade Union, the executive board of grassroots trade union or superior trade union shall remove the name and revoke the trade union membership card of said member.

Article 3. Rights of trade union members

Trade union members shall have the rights to:

1. Participate in establishment of grassroots trade unions and join trade union activities as prescribed herein.   

2. Request representation and protection from the Trade Union for legal and legitimate rights and interests upon violation of such rights and interests. 

3. Receive information, discuss, propose and vote on trade union activities; propose that the Trade Union recommends worker-related regimes, policies and regulations to employers; receive information on regulations of the Trade Union, guidelines of the Communist Party, policies and law of the State related to the Trade Union and workers.    

4. Self-nominate, nominate and elect leadership bodies of the Trade Union; question trade union officials; request disciplines be imposed upon trade union officials who commit violations. Exemplary members will be introduced by the Trade Union to be considered for admission to the Communist Party or election to leadership bodies of the Communist Party (if they are members of the Communist Party), of the State and other socio-political organizations.

5. Be offered guidance, advice and support on regulations related to trade unions and occupation from the Trade Union free-of-charge; be represented by the Trade Union in occupational cases to protect legal and legitimate rights and interests as prescribed by law.

6. Be offered guidance and assistance with apprenticeship and/or employment; prioritized for enrollment to schools and/or classes organized by the Trade Union; offered support during time of sickness or difficulty;  entitled to cultural, sports and travel activities organized by the Trade Union.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Duties of trade union members

Duties of trade union members include:

1. Fulfilling citizen obligations well, living and working in compliance with the Constitution and law, contributing to the construction and protection of the Fatherland.

2. Conforming to and implementing the Charter of Vietnamese Trade Union and Resolutions of trade unions, participating in trade union activities, paying trade union fees, building the Trade Union into a strong and stable organization.

3. Continuously learning to improve political qualifications and professional knowledge and skills; fostering the qualities of the working class.

4. Upholding solidarity, assisting colleagues with improving performance and professional skills and qualifications; collaborating in caring for and protection of the legal and legitimate rights and interests of workers and the Trade Union.

Article 5. Trade union officials

Trade union officials include:

1. Trade union officials are persons holding titles of deputy leaders of trade union teams and higher positions elected via voting in trade union congresses or trade union conferences; designated, recognized or appointed or assigned regular tasks to perform the functions and fulfill the duties of the Trade Union by competent trade union level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Full-time officials are persons in charge of regular tasks in the Trade Union, elected via voting in trade union congresses or conferences of all levels, or designated or appointed by competent trade union level.

b. Part-time officials are persons working on a part-time basis, elected into titles of deputy leaders of trade union teams or higher positions via votes of confidence from trade union members and recognized or designated by competent trade union level.

Article 6. Duties and powers of trade union officials

In addition to the duties and rights of trade union members, trade union officials shall carry the following duties and powers:

1. Duties of trade union officials are:

a. Keeping close relation with trade union members and workers; respecting the opinions of trade union members and workers. Reporting to and exchanging information between trade union levels, between workers and employers or representatives of employers.

b. Organizing dialogues between workers and employers of regulatory bodies, units, enterprises or between the Trade Union and representatives of employers.

c. Developing trade union members and building grassroots trade unions into strong and stable units.

d. Fighting against actions that violate guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and Resolutions of trade unions of all levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Powers of trade union officials are:

a. Being legal or authorized representatives of workers, protecting the legal and legitimate rights and interests of workers.

b. Being entitled to the rights of trade union officials in occupational relations according to occupational regulations and regulations of the Trade Union.

c. Organizing and acting as leaders of strikes as prescribed by law.

d. Being enabled to perform trade union tasks in regulatory bodies, organizations, enterprises in accordance with the Trade Union Law; entitled to protection, assistance and support when facing difficulties during the performance of assigned tasks.

dd. Participating in training and refresher courses to improve trade union operation.

e. Be entitled to regimes and policies as prescribed by the Communist Party, the State and the Trade Union.

g. Part-time officials who are eligible and wish to become full-time officials shall be prioritized for consideration upon request for recruitment of full-time officials.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. Organization and operation principles

1. The Vietnamese Trade Union is organized and operated according to the principles of democratic centralism. Leadership bodies of all trade union levels are elected by voting.

2. The highest decision-making authority of each trade union level is its trade union congress. The leadership body of each trade union level between two congresses is the executive board.

3. Executive boards of trade unions of all levels operate based on the principles of collective leadership, individual accountability, majority rule, command hierarchy and obedience to organization.

4. Resolutions of trade unions of all levels shall be passed by majority rule and must be strictly implemented.

Article 8. Badge of Trade Union

1. The following specimen of the Trade Union badge shall be used for trade unions of all levels:

Description: C:\Users\chiendx\Desktop\Layer-30_logo-cong-doan.jpg

2. Basic characteristics of the Trade Union badge:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b. Above the gear is the Vietnamese flag, which is bright red and has a bright yellow star in the middle.

c. A black caliper is placed inside the industrial gear on a blue background.

d. A white book is placed at the front and in the middle, under the gear.

dd. The base of the globe has the “TLĐ” letters on a worker-blue stylized strip.

e. The longitudes and latitudes of the globe are white and placed on a yellow metallic background.

Article 9. Organization

The VGCL is a unified organization and consists of the following basic levels:

1. The VGCL as the central level.

2. Federations of Labor of provinces and central-affiliated cities, national sector and equivalent trade unions (hereinafter collectively referred to as “province-level and equivalent Federations of Labor”).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Grassroots trade unions and workplace unions (hereinafter collectively referred to as “grassroots trade unions”).

Article 10. Congresses of trade unions of all levels

1. Duties of congresses of trade unions of all levels:

Duties of congresses of trade unions of all levels shall include:

a. Discussing and approving of reports of executive boards; deciding on orientations of the duties of trade unions for the next tenure.

b. Participating in formulation of documents of congresses of superior trade unions.

c. Electing new executive boards and electing delegates for congresses of superior trade unions.

d. Approving of the Charter of Vietnamese Trade Union (for Vietnamese Trade Union Congress).

2. Tenure of congresses of trade unions of all levels:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b. In special cases, with approval from superior trade unions, congresses of trade unions of all levels may be held sooner or later, but no later than 12 months for congresses held every 5 years and no later than 6 months for congresses held twice every 5 years. The VGCL shall decide on Vietnamese Trade Union Congresses.

3. The executive board of each level shall decide on the number of delegates and invite such delegates to its congress as prescribed by the presidium of the VGCL. Official delegates of congresses of trade unions of each level shall include:

a. Current members of the executive board.

b. Delegates elected by subordinate trade unions.

c. The number of designated delegates shall not exceed three percent (3%) of the total number of invited official delegates.

4. Delegates of a trade union congress must have their status of delegate recognized by such congress via voting. In case a delegate is disciplined in the form of reprimand or heavier, the executive board shall call on the delegate, decide on the status of delegate thereof and report to the congress. Persons who are being prosecuted or in detention are not eligible for delegation.

Article 11. Conference of delegates and plenary conference

1. The executive board of a trade union may convene a conference of delegates or plenary conference in case of necessity, with approval from the executive board of the superior trade union.

2. The number of delegates shall be decided on by the executive board that convenes the conference. Delegates of the conference must have their status of delegate recognized by the conference via voting. The delegates shall include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b. Delegates elected by subordinate congresses (if such congresses coincide with conference of delegates/plenary conference) or subordinate conferences of delegates or plenary conferences. In case such subordinate conferences fail to take place, with approval from the superior trade union, the delegates shall be elected via a conference of the executive board.

c. The number of designated delegates shall not exceed three percent (3%) of the total number of invited official delegates.

3. Contents of conference of delegates and plenary conference:

a. Reviewing the implementation of Resolutions of congresses; supplementing orientations for the duties and operation programs of trade unions if necessary.

b. Participating in formulation of documents of superior trade union congresses.

c. Strengthening executive boards and electing delegates for congresses or conferences of delegates of superior trade unions (if any).

Article 12. Principles and methods of voting for leadership bodies of trade unions of all levels and for delegates of congresses and conferences of superior trade unions

1. A trade union congress or conference is valid when at least two-thirds (2/3) of the invited delegates are present.

2. Leadership bodies of trade unions of all levels and delegates of superior trade union congresses are elected by ballot.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 13. Executive boards of trade unions of all levels

1. An executive board is a leadership body between two congresses of each level of trade union, elected by a congress of trade union of such level. The executive board of a trade union must be recognized by the executive board of its superior trade union.

a. If needed, the superior trade union has the rights to appoint additional members of the executive board and titles of the standing body of the executive board of its subordinate trade unions.

b. For establishment, division or merger of trade unions or units/enterprises yet to have a trade union, the superior trade union shall designate a provisional executive board, appoint additional members of a provisional executive board or recognize an executive board.

The operating period of a provisional executive board of trade union shall be no longer than 12 months.

2. The executive board of trade union of a level is the representative of trade union members and workers of that level. For regulatory bodies, organizations, enterprises that have yet to establish a grassroots trade union, the executive board of the superior trade union shall exercise the rights and fulfill the obligations of representation and protection of the legal and legitimate rights and interests of workers at the request of the workers thereof.

3. The number of members of the executive board of a trade union shall be decided on by its congress and shall not exceed the number prescribed by the presidium of the VGCL.

a. When there is any lack of member of the executive board of a level, the conference of delegates, plenary conference or executive board of such level shall carry out supplementary election. For superior trade unions, the number of supplementary executive board members of a congress tenure shall not exceed one-third (1/3) of the number of executive board members elected by the congress. For grassroots trade unions, such number shall not exceed half (1/2) of the number of executive board members elected by the congress.

b. Special cases where the number of supplementary executive board members exceeds the number prescribed in point a, clause 3 of this article or exceeds the number approved by a congress are subject to approval from the superior trade union as prescribed by the presidium of the VGCL. The executive board of the VGCL shall decide on cases where the number of supplementary members of the executive board of the VGCL exceeds the number approved by the National Trade Union Congress, but such number shall not exceed three percent (3%) of the number of executive board members elected by the National Trade Union Congress.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d. In case a member of the executive board is a full-time trade union official, upon end of full-time trade union service but still working in the same occupation or locality/unit, the executive board of the trade union of that level shall decide on executive board participation of such person or request the decision of the superior trade union.    

dd. In case an executive board member submits an executive board resignation letter, the executive board of the trade union of that level shall consider such request and acquire the decision of the superior trade union. The executive board of the VGCL shall decide on resignation of its members.

4. Duties of executive boards of trade unions of all levels include:

a. Electing titles of executive boards, inspection committees and heads of inspection committees of trade unions.

b. Organizing the implementation of Resolutions of congresses of trade unions of the same level.

c. Implementing Directives and Resolutions of the Communist Party and superior trade unions.

d. Providing guidance and inspecting operations of subordinate trade unions.

dd. Providing training and refresher courses for trade union officials and enabling their operation; providing guidance, supporting, intervening and protecting trade union officials upon violation of their legal and legitimate rights and interests; superior trade unions shall assist grassroots trade unions with exercising the rights to organize and act as leaders of strikes as prescribed by law.

e. Periodically reporting operations of trade unions of their level to executive committee of the Communist Party of the same level and superior trade unions and informing subordinate trade unions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Periodical conferences of executive boards of trade unions of all levels:

a. Executive board of the VGCL, executive boards of province-level Federations of Labor, executive boards of national sector and equivalent trade unions shall convene on a semi-annual basis. Ad hoc conferences may take place if necessary.

b. Executive boards of superior trade unions shall convene at least twice a year.

c. Executive boards of grassroots trade unions and affiliates of grassroots trade unions shall convene at least once every three months.

Article 14. Powers of executive boards on organizational structure

Based on duties, powers, financial capacity and regulations of the presidium of the VGCL, the executive board of trade unions of all levels shall report to the executive committee of the Communist Party of the same level (if any) before deciding on organizational structure; inform specialized authorities, enterprise owners or governmental authorities of the same level for fulfillment of related responsibilities as prescribed by law.

Article 15. Presidium of the VGCL, standing committees of trade unions of all levels

1. The presidium of the VGCL and standing committees of trade unions of all levels are the standing bodies of the executive board of each level. The presidium (standing committee) of a trade union level shall be elected by the executive board thereof. The number of members of a presidium (standing committee) of a trade union level shall not exceed one-third (1/3) of the total number of executive board members thereof, including the chairperson, deputy chairpersons and members.

2. The presidium of the VGCL shall prepare contents for executive board conferences, organize the implementation of the Resolution of the executive board of the VGCL. The presidium of the VGCL may issue Resolutions, Decisions, etc. for organizing the implementation of the Resolution of the National Trade Union Congress and Resolution of the executive board of the VGCL; directly manage the operation of the VGCL and affiliates thereof; representing trade union members and workers to recommend matters related to workers and trade unions to the Communist Party and the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The chairperson is the head and legal representative of an executive board, responsible for managing the operation of the presidium (standing committee).

When requested by more than half (1/2) of the congress delegates, the grassroots trade union congress may directly elect the chairperson of the grassroots trade union among the members of the new executive board elected by the congress.

When there is a lack of the chairperson, deputy chairpersons or members of the presidium of the VGCL, the executive board of the VGCL shall elect these positions from the members of the executive board of the VGCL at the request of the presidium of the VGCL.

When there is a lack of the chairperson, deputy chairpersons or members of the standing committee of a trade union, the trade union shall request its superior trade union for the permission to elect these positions from the members of its executive board.

Chapter III

GRASSROOTS TRADE UNIONS AND WORKPLACE UNIONS

Article 16. Requirements on establishment and types of grassroots trade unions

1. Requirements on establishment of grassroots trade unions

a. Grassroots trade unions are grassroots organizations of the Trade Union, established in regulatory bodies, organizations, enterprises when there are at least five trade unions members or five workers who voluntarily apply to the Vietnamese Trade Union.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Types of grassroots trade unions and workplace unions:

a. Grassroots trade unions/workplace unions that have no trade union team/workplace union team.

b. Grassroots trade unions/workplace unions that have trade union teams/workplace union teams.

c. Grassroots trade unions/workplace unions that have affiliated trade unions/workplace unions.

d. Grassroots trade unions that have affiliated grassroots trade unions.

3. Superior trade unions shall decide on dissolution of grassroots trade unions and workplace unions that fail to meet the requirements on establishment and operation.

Article 17. Procedures for establishment of grassroots trade unions

1. Workers establishing grassroots trade unions:

a. Workers shall organize a board for establishment of grassroots trade union in regulatory bodies, organizations, enterprises and be provided with assistance with dissemination, encouragement, guidance and support by the superior trade union.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b. When the number of workers approving the Charter of Vietnamese Trade Union and voluntarily participating in the Trade Union meets the provisions in clause 1, Article 16 herein, the board for establishment of grassroots trade union shall organize the conference for grassroots trade union establishment as prescribed herein.

c. The conference for grassroots trade union establishment shall publish the list of workers applying to the Trade Union; announce establishment of grassroots trade union and elect the executive board thereof.

d. Within 15 days, starting from the date of completion of the conference for grassroots trade union establishment, the executive board of the grassroots trade union shall submit an application for recognition of the trade union members and grassroots trade union to the superior trade union.

dd. Operation of the grassroots trade union and its executive board is legal starting from the time of recognition decision of the superior trade union.

2. Responsibilities of the superior trade union in grassroots trade union establishment include:

a. Assigning trade union officials to regulatory bodies, organizations, enterprises to disseminate, encourage, provide guidance on and support workers with joining the Trade Union; providing guidelines and assistance to workers for organization of the board for establishment of grassroots trade union.

b. Deciding on recognition of trade union members and grassroots trade union within 15 days, starting from the date of receipt of application for recognition from the grassroots trade union prescribed in point d, clause 1 herein. A written notification must be sent to the applicant if the application is rejected.

c. In case workers are unable to organize the board for establishment of grassroots trade union or request the superior trade union to establish a grassroots trade union, the superior trade union shall be responsible for encouraging workers to join the Trade Union and carry out procedures for grassroots trade union establishment such as decisions on member admission and grassroots trade union establishment, assignment of provisional executive board and inspection committee and titles thereof. 

Article 18. Duties and powers of grassroots trade unions of state authorities, political organizations, socio-political organizations, socio-professional political organizations, socio-professional organizations, armed forces and public service providers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Disseminating guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union. Encouraging trade union members and workers to improve their political, legal, scientific-technical, specialized and professional qualifications and knowledge.

2. Cooperating with heads of regulatory bodies and units in organizing the implementation of democracy, organizing conferences of officials thereof; assigning representatives to councils for consideration and fulfillment of rights of trade union members and workers. Providing guidance and assistance to workers for concluding labor contract and working contract. Cooperating with heads of regulatory bodies and units in improving working conditions and caring for daily life of trade union members and workers, organizing cultural, sports and social activities for trade union members and workers.

3. Inspecting and supervising the implementation of regimes, policies and law, ensuring rights of trade union members and workers. Acting against corruption, social evils and wastage. Detecting and participating in settlement of complaints, denunciations and occupational disputes and exercising the rights of grassroots trade unions as prescribed by law.

4. Organizing the encouragement for trade union members and workers of regulatory bodies and units to participate in patriotic emulation movements and for officials, public employees and workers to fulfill the obligations related to management of such bodies and units, improvement of working manners and administrative procedures so as to improve work quality and performance.

5. Developing and managing trade union members; building grassroots trade unions into strong and stable units and participating in building the Communist Party.

6. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Article 19. Duties and powers of grassroots trade unions of state-owned enterprises

Duties and powers of grassroots trade unions of state-owned enterprises include:

1. Disseminating guidelines of the Communist Party, policies and law of the State, duties of the Trade Union and obligations of workers; encouraging workers to comply with policies and law of the State, rules and regulations of enterprises and perform assigned tasks well.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Compiling legitimate and legal requests and wishes of trade union members and workers; organizing dialogues between workers and enterprise directors; providing guidance on concluding labor contract and working contract to workers; assigning representatives to councils for consideration and fulfillment of rights of trade union members and workers; cooperating with directors in unemployment alleviation, improvement of working conditions, healthcare for workers, increasing income, quality of life and benefits for trade union members and workers; encouraging trade union members and workers to participate in cultural, sports and social activities, assist each other in work and in time of difficulty, act against corruption and wastage, and prevent social evils.

4. Supervising the implementation of the law related to the rights and obligations of the Trade Union, trade union members and workers; participating in settlement of occupational disputes, exercise of the rights of grassroots trade unions, organization and acting as leaders of strikes as prescribed by law; organizing and managing safety and hygiene network and supervising occupational safety and hygiene and healthcare for workers in enterprises; disseminating and cooperating in organization of emulation movements in enterprises.

5. Developing and managing trade union members; building grassroots trade unions into strong and stable units and participating in building the Communist Party.

6. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Article 20. Duties and powers of grassroots trade unions of non-state-owned enterprises

Duties and powers of grassroots trade unions of non-state-owned enterprises include:

1. Disseminating and encouraging workers to implement guidelines of the Communist Party, policies and law of the State, duties of the Trade Union and rules and regulations of enterprises.

2. Representing worker collectives to negotiate, conclude and supervise the implementation of collective labor bargain; cooperating with employers or representatives of employers in implementing democracy, convening conferences of workers, formulating and signing regulations on cooperation in operation; providing guidance to workers on concluding labor contract or working contract. Representing worker collectives to settle occupational disputes, exercise the rights of grassroots trade unions, organize and act as leaders of strikes as prescribed by law.

3. Compiling legitimate and legal requests and wishes of trade union members and workers; organizing dialogues between workers and employers; cooperating with employers in organizing emulation movements, business development, caring for material and spiritual life of workers; encouraging workers to participate in cultural, sports and social activities, assist each other in work and in daily life and prevent social evils.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Developing and managing trade union members; building grassroots trade unions into strong and stable units and participating in building the Communist Party.

6. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Article 21. Duties and powers of grassroots trade unions of cooperatives and cooperative unions

Duties and powers of grassroots trade unions of cooperatives and cooperative unions include:

1. Disseminating and encouraging members and workers to implement guidelines of the Communist Party, policies and law of the State, duties of the Trade Union, Resolutions of congresses of members and cooperative charter well.

2. Representing workers to negotiate, conclude and supervise the implementation of collective labor bargain; providing guidance to non-member workers on concluding labor contract and working contract. Supervising the implementation of regimes and policies and distribution of incomes and profits to members of Boards of Directors;  

3. Cooperating with Boards of Directors, directors (general directors) in taking measures to improve working conditions of and provide healthcare to workers, increase income, quality of life and benefits of members and workers; participating in settlement of occupational disputes; exercising the rights of grassroots trade unions on organizing and acting as leaders of strikes; organizing and managing safety and hygiene network and supervising occupational safety and hygiene, providing healthcare to workers of cooperatives; encouraging members and workers to participate in cultural, sports and social activities, assist each other in work and in time of difficulty. 

4. Developing and managing trade union members; building grassroots trade unions into strong and stable units and participating in building the Communist Party.

5. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Disseminating and encouraging workers to implement guidelines of the Communist Party, policies and law of the State directly related to workers, rules, regulations and charter of units affiliated to non-public service providers and obligations of workers well. 

2. Formulating and signing cooperative regulations with heads of units affiliated to non-public service providers; assigning representatives to councils related to the rights and interests of workers; cooperating with heads of units in formulating and supervising the implementation of plans for training and improvement of specialized and professional qualifications, caring for material and spiritual life, improvement of working conditions and provision of healthcare to workers; cooperating in organizing emulation movements; encouraging workers to participate in cultural, sports and social activities, act against social evils and assist each other in work and in time of difficulty.

3. Compiling legal and legitimate requests and wishes of workers; organizing dialogues between workers and heads of units to resolve issues related to the rights and obligations of workers. Cooperating with heads of units in organizing the implementation of democracy, conferences of workers; providing guidance to workers on concluding labor contract and working contract, representing workers to negotiate and conclude collective labor bargain as prescribed by law.

4. Participating in formulation and supervision of rules, regulations and charter of units, regimes, policies and law related to the rights and interests of workers;

5. Developing and managing trade union members; building grassroots trade unions into strong and stable units and participating in building the Communist Party.

6. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Article 23. Duties and powers of workplace unions

Duties and powers of workplace unions include:

1. Disseminating and encouraging trade union members and workers to implement guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union, providing guidelines on implementation of regimes, policies and regulations related to daily life and work requirements of workers. Improving knowledge and political qualifications.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Fostering solidarity and mutual support in work and daily life. Proactively participating in social activities and acting against social evils.

4. Developing and managing trade union members and building workplace unions into strong and stable units.

5. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Chapter IV

SUPERIOR TRADE UNIONS

Article 24. Education trade unions of districts and district-level towns

1. Establishment or dissolution of education trade unions of districts and district-level towns (collectively referred to as “district-level education trade unions“) shall be decided on by Federations of Labor of districts and district-level towns as approved by province-level Federations of Labor.

2. District-level education trade unions gather trade union members and workers of education bureaus, schools (public and non-public) and units affiliated to district-level education bureaus. 

3. District-level education trade unions work under the direct management of Federations of Labor of districts and professional interdisciplinary management of province-level education trade unions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Duties and powers of district-level education trade unions include:

a. Disseminating guidelines and policies of the Communist Party, law of the State and duties of the Trade Union. Organizing the implementation of Resolutions of congresses of superior trade unions and Resolutions of congresses of trade unions of the same level.

b. Cooperating with management authorities of the same level in directing sector development; building official and teacher forces and education - training objectives and plans, matters related to the legal and legitimate rights and interests of workers of the sector.

c. Directing inspection and supervision on the implementation of regimes and policies related to rights and interests of workers; organizing emulation movements, carrying out campaigns of the Communist Party, the State and the Trade Union.

d. Cooperating with district-level competent authorities in inspecting and supervising the implementation of regimes and policies, and representing and protecting the legal and legitimate rights and interests of trade union members and workers of the sector (including non-public).

dd. Deciding on establishment or dissolution of grassroots trade unions of schools and units affiliated to district-level education bureaus; developing trade union members, building grassroots trade unions into strong and stable units and participating in building the Communist Party.

Article 25. Local sector unions

1. Province-level Federations of Labor shall decide on establishment or dissolution of local sector unions. Local sector unions work under the direct management of province-level Federations of Labor and interdisciplinary management of national sector unions.

2. Local sector unions gather trade union members and workers of sectorial regulatory bodies, organizations, enterprises in provinces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Duties and powers of local sector unions:

Duties and powers of local sector unions include:

a. Disseminating guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union. Organizing the implementation of guidelines and Resolutions of province-level Federations of Labor, national sector unions and Resolutions of congresses of trade unions of the same level. Organizing patriotic emulation movements.

b. Participating with management authorities of the same level in socio-economic development of local sectors, matters related to employment and daily life of workers under sectorial management.

c. Cooperating with Federations of Labor of districts in providing guidance, directing and inspecting the implementation of sectorial regimes and policies and protection of the legal and legitimate rights and interests of trade union members and workers of sector; assisting grassroots trade unions in negotiating and concluding collective labor bargain, organizing and acting as leaders of strikes as prescribed by law; representing grassroots trade unions or workers to file lawsuits or participate in cases related to occupation and trade unions as authorized by grassroots trade unions or workers. Representing workers of sector to negotiate and conclude collective labor bargain as prescribed by law.

d. Developing trade union members and grassroots trade unions of sectorial types of ownership, implementing plans for official allocation as assigned by province-level Federations of Labor, building grassroots trade unions into strong and stable units.

dd. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Article 26. Federations of Labor of districts and district-level towns (collectively referred to as “district-level Federations of Labor”)

1. District-level Federations of Labor shall be organized according to the administrative boundaries of districts and district-level towns. Province-level Federations of Labor shall directly manage such organizations and decide on establishment or dissolution thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. District-level Federations of Labor shall directly manage district-level education trade unions and decide on establishment or dissolution thereof; decide on establishment/dissolution of or recognize and directly manage local grassroots trade union (except grassroots trade unions affiliated to province-level Federations of Labor, or other superior trade unions).

4. Duties and powers of district-level Federations of Labor include:

a. Disseminating and encouraging workers to carry out guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union. Organizing patriotic emulation movements.

b. Cooperating with district-level State authorities, local sector and equivalent trade unions in inspecting and supervising the implementation of regimes and policies; settling occupational complaints, denunciations and disputes for local trade unions; providing guidance and assistance to executive boards of grassroots trade unions for negotiation and conclusion of collective labor bargain, settlement of occupational disputes, organization of dialogues with employers, organizing and acting as leaders of strikes as prescribed by law.   

c. Representing, protecting the legal and legitimate rights and interests of workers of regulatory bodies, organizations, enterprises that have no grassroots trade union at the request of such workers. Representing grassroots trade unions or workers to file lawsuits or participate in occupational cases as authorized by grassroots trade unions or workers.

d. Implementing Directives, Resolutions and guidelines related to operation of province-level Federations of Labor; Directives and Resolutions of executive committee of the Communist Party and Resolutions of congresses of trade unions of the same level; cooperating with executive committee of the Communist Party and/or State authorities in guidelines for socio-economic development and matters related to employment and daily life of trade union members and workers.

dd. Encouraging trade union members and workers to participate in social activities, providing guidance on methods and measures for caring for daily life, betterment of working conditions, famine and poverty alleviation, fostering of civilized lifestyle, anti-corruption and acting against social evils.

e. Developing trade union members, establishing grassroots trade unions; carrying out plans for official allocation as assigned by province-level Federations of Labor; building grassroots trade unions into strong and stable units.

g. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Province-level Federations of Labor shall directly manage trade unions of industrial parks and decide on establishment or dissolution thereof.

2. Trade unions of industrial parks gather trade union members and workers of industrial parks, export processing zones, high-technology parks and economic zones (collectively referred to as “industrial parks”).

3. Trade unions of industrial parks shall decide on establishment or dissolution of grassroots trade unions of local units affiliated to industrial parks; cooperating in directing grassroots trade unions affiliated to other superior trade unions in industrial parks.

4. Duties and powers of trade unions of industrial parks include:

a. Disseminating and encouraging workers to carry out guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union. Organizing patriotic emulation movements.

b. Providing guidance and directing grassroots trade unions to carry out duties and powers as prescribed herein; providing guidance and assisting executive board of grassroots trade unions in negotiating and concluding collective labor bargain, settling occupational disputes, organizing dialogues with employers, organizing and acting as leaders of strikes as prescribed by law.

c. Representing, protecting the legal and legitimate rights and interests of workers of regulatory bodies, organizations, enterprises that have no grassroots trade union at the request of such workers. Representing grassroots trade unions or workers to file lawsuits or participate in cases related to occupation and trade unions as authorized by grassroots trade unions or workers.

d. Cooperating with management board of industrial parks and local occupational management authorities in inspecting and supervising occupational regimes, policies and regulations; settling complaints of trade union members and workers of industrial parks.

dd. Developing trade union members, establishing and building grassroots trade unions into strong and stable units; conducting official management as assigned by province-level Federations of Labor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Article 28. National corporate unions

1. National corporate unions (including state economic groups) gather trade union members and workers of units affiliated to national corporates.

2. For national corporates established by province-level people’s committees, province-level Federations of Labor shall establish and directly manage trade unions thereof.

3. For national corporates established by Ministries or ministry-level regulatory bodies, national sector unions shall establish and directly manage trade unions thereof.

4. For national corporates established by the Prime Minister, the presidium of the VGCL shall establish and directly manage trade unions thereof or devolve such management competence.

5. Duties and powers of national corporate unions include:

a. Disseminating guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union. Implementing Directives, Resolutions and guidelines related to operation of superior trade unions and Resolutions of congresses of trade unions of the same level.

b. Cooperating with Boards of Directors, Member Councils and/or general directors in planning, plans and objectives for economic development of national corporates, participating in formulating, inspecting and supervising the implementation of rules, regulations and regimes on salary and bonuses and regulations related to the legal and legitimate rights and interests of trade union members and workers of national corporates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d. Directing the participation in management of grassroots trade unions and affiliates thereof; carrying out duties and powers as prescribed by law and regulations of the VGCL.

dd. Deciding on establishment or dissolution of grassroots trade unions and affiliates thereof. Implementing plans for officials as assigned by superior trade unions, directing member development and building grassroots trade unions into strong and stable units.

e. Grassroots trade unions and affiliated grassroots trade unions of industrial parks or local branches of national corporates shall cooperate with local Federations of Labor and trade unions of industrial parks in implementing the duties prescribed in point dd, clause 4, Article 30 herein.

g. Managing finance, property and economic activities of trade unions according to the law and regulations of the VGCL.

Article 29. Central organization unions

1. Central organization unions include trade unions of ministries, ministry-level regulatory bodies, governmental agencies, the National Assembly, committees of the Communist Party and central-affiliated organizations that gather trade union members and workers of units affiliated to central organizations.   

2. Central organization unions are grassroots trade unions or superior trade unions (if meeting requirements). National sector unions shall directly manage such unions and decide on establishment or dissolution thereof.

3. Superior central organization unions shall decide on establishment or dissolution of and directly direct affiliated grassroots trade unions to carry out duties and powers prescribed in Article 18, Article 19 herein.

4. Duties and powers of central organization unions include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b. Cooperating with heads of regulatory bodies in implementing democracy, organizing conferences of officials of regulatory bodies; inspecting and supervising the implementation of regimes and policies, settlement of complaints and denunciations for units affiliated to regulatory bodies. 

c. Organizing patriotic emulation movements, contributing to the fulfillment of duties of regulatory bodies; encouraging trade union members and workers to participate in building an honest, strong and stable Communist Party and government, and participate in social activities; providing guidance on methods and measures for caring for daily life, betterment of working conditions, building of civilized regulatory bodies, participation in administrative reform, anti-corruption, anti-wastage and acting against social evils.  

d. Developing trade union members, establishing and building grassroots trade unions into strong and stable units, carrying out plans for official allocation as assigned by national sector unions.

dd. Managing trade union finance and property according to the law and regulations of the VGCL.

Chapter V

PROVINCE-LEVEL FEDERATIONS OF LABOR, NATIONAL SECTOR AND EQUIVALENT TRADE UNIONS, THE VIETNAM GENERAL CONFEDERATION OF LABOUR

Article 30. Province-level Federations of Labor

1. Province-level Federations of Labor shall be organized according to administrative boundaries of provinces and central-affiliated cities. The presidium of the VGCL shall decide on establishment or dissolution of such organizations in compliance with the law.

2. Province-level Federations of Labor gather local trade union members and workers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Duties and powers of province-level Federations of Labor:

Duties and powers of province-level Federations of Labor include:

a. Disseminating guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union. Implementing Directives and Resolutions of superior trade unions, Resolutions of province-level trade union congresses, Directives and Resolutions of the Communist Party, policies and law of the State.

b. Representing and protecting the legal and legitimate rights and interests of local trade union members and workers. Cooperating with executive committee of the Communist Party, province-level State authorities in guidelines and plans for socio-economic development and matters related to daily life, work and working conditions of local workers. Organizing patriotic emulation movements and social activities.

c. Cooperating with State authorities and national sector unions in inspecting and supervising the implementation of law and policies directly related to trade union members and workers in regulatory bodies, units and enterprises; providing guidance on and directing the settlement of occupational disputes, participating in local occupational arbitrary councils, investigating occupational accidents and diseases in local enterprises.

d. Directing local sector unions, district-level Federations of Labor, trade unions of industrial parks, province-level national corporate unions and other superior trade unions to carry out the duties prescribed in Article 25, Article 26, Article 27 and Article 28 herein.

Cooperating with national sector and equivalent trade unions in directing local grassroots trade unions affiliated to national sector and equivalent trade unions.

dd. Providing guidance and direction on the following contents for grassroots trade unions affiliated to other province-level superior trade unions:

- Implementation of Resolutions of the Communist Party, guidelines and plans for socio-economic development and national defense and security.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e. Organizing training courses and encouraging trade union members and workers to improve their specialized and occupational qualifications; managing and organizing cultural and sports activities, worker cultural institutions, vocational, employment and legal consultation institutions of trade unions as prescribed by the State and the Trade Union.

g. Planning, managing, training and providing refresher courses for officials and implementing policies for officials of each level.

h. Providing guidance on and directing congresses of subordinate trade unions; developing trade union members, building grassroots trade unions into strong and stable units.

Carrying out diplomatic work as prescribed by the presidium of the VGCL.

k. Managing finance, property and economic activities of trade unions according to the law and regulations of the VGCL.

Article 31. National sector unions

1. The presidium of the VGCL shall decide on establishment or dissolution of national sector unions as appropriate to the characteristics of each sector.

In case a Ministry has many national sector unions and/or national corporate unions affiliated to the VGCL, regulations prescribed by the presidium of the VGCL shall be upheld.

2. National sector unions gather trade union members and workers of regulatory bodies, organizations and enterprises of sectors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Duties and powers of national sector unions:

Duties and powers of national sector unions include:

a. Disseminating guidelines of the Communist Party, policies and law of the State and duties of the Trade Union.

b. Representing and protecting the legal and legitimate rights and interests of trade union members and workers of sectors.

c. Researching and participating in State management and socio-economic management of sectors, including:

- Research on and cooperation with ministries and regulatory bodies in strategies for socio-economic development of sectors, connecting with building, training and providing refresher courses for labor forces of sectors.

- Research on and participation in formulation of law, occupational and salary regimes and policies, occupational insurance, social insurance, medical insurance and other regimes and policies related to workers of each sector; participation in administrative reform, anti-corruption, anti-wastage.

- Representing workers to negotiate and conclude collective labor bargain of sector.

- Cooperation in inspecting and supervising the implementation of occupational regimes and policies; participation in sector councils to resolve worker-related issues; recommending amendments to and resolutions for occupational regimes and policies to State authorities, meeting requirements on sector development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d. Researching and giving recommendations to the presidium of the VGCL on organizational models; functions and duties of each level of sector unions; providing guidelines for congresses of subordinate trade unions; planning, managing, training and providing refresher courses for officials and implementing policies for officials of each level.

dd. Providing guidance and direction to subordinate trade unions, including:

- Implementation of Directives and Resolutions of superior trade unions and Resolutions of congresses of national sector unions.

- Management and implementation of democracy at grassroots level; representation and protection of the legal and legitimate rights and interests of workers; negotiation and conclusion of collective labor bargain.

- Dissemination of policies related to trade union members and workers, encouraging trade union members and workers to improve qualifications and professional knowledge. Organizing patriotic emulation movements and social activities suitable with the characteristics of each sector.

e. Proactively cooperating with province-level Federations of Labor in providing guidance to local sector unions for the implementation of: sectorial occupational regimes and policies; sector-related education; orientations and duties for sector development; establishment of trade unions of non-state-owned enterprises of the same sector.

g. Proactively cooperating with province-level Federations of Labor in formulating regulations on interdisciplinary direction for local grassroots trade unions of sectors.

h. Carrying out diplomatic work as prescribed by the presidium of the VGCL.

i. Managing finance, property and economic activities of trade unions according to the law and regulations of the VGCL.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Trade unions of Vietnam People’s Army are national sector unions affiliated to the organizational system of the Vietnamese Trade Union.

2. Trade unions of Vietnam People’s Army gather national defense officials and public employees and workers who enjoy salary in grassroots units and enterprises in the Vietnam People’s Army.

3. Organization and operation of trade unions of Vietnam People’s Army shall be decided on by the presidium of the VGCL in agreement with competent affiliates of the Ministry of National Defense on the basis of the Trade Union Law and Charter of Vietnamese Trade Union.

Article 33. Trade unions of Vietnam People’s Public Security

1. Trade unions of Vietnam People’s Public Security (“Public Security trade unions”) are national sector unions affiliated to the organizational system of the Vietnamese Trade Union and fully entitled to positions, roles, functions and duties of the Trade Union.

2. Public Security trade unions gather officials, public employees and workers who work in scientific - technical and service providing enterprises, state agencies and units or serve in Public Security forces and enjoy salaries.

3. Organization and operation of Public Security trade unions shall be decided on by the presidium of the VGCL in agreement with competent affiliates of the Ministry of Public Security on the basis of the Trade Union Law and Charter of Vietnamese Trade Union.

Article 34. Duties and powers of the Vietnam General Confederation of Labour

Duties and powers of the VGCL include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Participating in State management, socio-economic management; participating in formulating, inspecting and supervising the implementation of regimes, policies and regulations on economy and society, occupation, employment, salary, social insurance, medical insurance, occupational protection and other policies and regulations related to the Trade Union, rights and interests of workers as prescribed by law; organizing and managing research on occupational protection techniques; participating in national committees and national councils on worker-related matters.

3. Cooperating with affiliates of the Communist Party and the State in providing refresher courses on political, specialized and professional qualifications and knowledge to trade union members and workers, meeting requirements on industrialization and modernization of the country. Cooperating with the State, Vietnamese Fatherland Front and central-affiliated organizations in organizing patriotic emulation movements and social activities for trade union members and workers.

4. Deciding on orientations and measures for official allocation; formulating apparatus and titles for trade union officials; conducting planning, training, refresher courses for officials, management and use of officials and policies for officials; allocating full-time officials for each level.

5. Directing cultural, sports and travel activities of trade unions of all levels.

6. Promoting international cooperation with trade unions of other countries and international organizations on the basis of diplomatic guidelines and policies of the Communist Party and the State. 

7. Approving annual reports on actual expenses and budget estimate, deciding on guidelines and measures for management of finance, property and economic activities of trade unions.

Chapter VI

FEMINIST WORK

Article 35. Feminist work

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 36. Women’s union committee

1. Women’s union committees shall be responsible for advising executive boards of trade unions of the same level on formulation and implementation of policies and regulations related to female workers, genders, gender equality, for the interests of women, improvement of policies for women officials, population work, reproductive health, family and children; representing female workers or resolve matters directly related to female workers and children.

2. The VGCL, province-level Federations of Labor, national sector and equivalent trade unions shall establish and direct women’s union committees (professional committees) and assign officials for feminist work as prescribed by the presidium of the VGCL.

3. Executive boards of superior trade unions and grassroots trade unions may establish and direct public women’s committees.

Chapter VII

FINANCE AND PROPERTY OF TRADE UNIONS

Article 37. Finance of trade unions

1. Trade unions shall manage and use financial resources as prescribed by law and regulations of the VGCL. Trade union finance includes the following revenues:

a. Trade union fees contributed by trade union members on a monthly-basis. Each member contributes one percent (1%) of their salary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c. State budget allowances.

d. Other revenues from cultural, sports and economic activities of the Trade Union; from projects/plans assigned by the State; from aid, funding of domestic and foreign organizations and individuals.

2. Trade union finance shall be used for the following missions:

a. Disseminating guidelines and policies of the Communist Party, law of the State; improving specialized qualifications and professional skills for workers;

b. Organizing activities that represent and protect the legal and legitimate rights and interests of workers;

c. Fostering trade union members, establishing grassroots trade unions, building grassroots trade unions into strong and stable units;

d. Organizing emulation movements launched by the Trade Union;

dd. Training and fostering trade union officials; training and providing refresher courses for exemplary workers so as to develop a source of officials for the Communist Party, the State and the Trade Union;

e. Organizing cultural, sports and travel activities for workers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h. Caring for and providing benefits to trade union members and workers during time of sickness, pregnancy or difficulty; organizing other activities to care for workers;

i. Encouraging and rewarding workers and children of workers who have good study records or work achievements;

k. Paying salary to full-time trade union officials; responsibility allowances to part-time trade union officials;

l. Paying for operation of trade unions of all levels;

m. Other missions that require funding.

3. Management of trade union finance:

a. Trade union finance is managed based on the principles of democratic centralism, openness, transparency and decentralization, with powers of trade unions of all levels connected to responsibilities thereof.

b. Executive boards and presidiums (standing committees) of trade unions of all levels shall be responsible for finance management as prescribed by law and regulations of the Trade Union.

Article 38. Property of trade unions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The VGCL shall implement the rights and responsibilities of ownership of trade union property as prescribed by law.

3. Trade unions of all levels shall be assigned the duties of management and use of property by the VGCL and be answerable to the VGCL and the law for the use and management of such property.

Chapter VIII

TRADE UNION INSPECTION AND INSPECTION COMMITTEES FOR TRADE UNIONS OF ALL LEVELS

Article 39. Inspection

Trade union inspection is the duty of executive boards of trade unions of all levels so as to ensure the implementation of the Charter, Resolutions, Directives and regulations of the Trade Union. Each trade union level must organize and carry out inspection work at its level and be subject to inspection from its superior trade union.

Article 40. Trade union inspection committees

1. Inspection committees are inspection bodies of the Trade Union, established at each trade union level, elected by executive boards of trade unions of corresponding levels and recognized by superior trade unions.

2. Inspection committee of each level is under the leadership of the executive board of the trade union of such level and the management of its superior trade union inspection committee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Inspection committees, heads and deputy heads thereof shall be elected by ballot. The elected persons must receive more than half (1/2) of the total number of collected ballots.

Head of an inspection committee of a trade union of a level shall be elected by the executive board of such level, deputy-head(s) thereof shall be elected by the inspection committee. 

If a grassroots trade union has fewer than thirty members, a member of its executive board shall be appointed for inspection work.

5. Upon new establishment, division or merger of trade unions, superior trade unions shall appoint provisional inspection committees and heads and deputy heads thereof.

6. Tenure of an inspection committee is based on the tenure of the executive board of the trade union of the same level.

7. Members of inspection committees being full-time trade union officials, upon end of full-time service, shall stop participating in inspection committees. Members of inspection committees transferring to a different occupation, locality or unit shall stop participating in the inspection committees of their old occupation, locality or unit. Members of inspection committees of all levels shall, upon retirement or resignation, stop participating in inspection committees starting from the time of retirement or resignation stated in the decision thereof.  

Article 41. Duties of trade union inspection committees

Duties of an inspection committee of a trade union shall include:

1. Assisting the executive board and/or standing committee in inspecting the compliance of trade unions of the same level and subordinate level with the Charter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Inspecting the collection, distribution, use and management of finance, property and economic activities of trade unions of the same level and subordinate level according to the law and regulations of the VGCL.

4. Assisting the executive board and/or standing committee with settlement of complaints and denunciations under Trade Union's competence; cooperating with state authorities and employers in settling complaints and denunciations of trade union members and workers as prescribed by law.

5. Organizing refresher and training courses on inspection operation for members of inspection committees of trade unions of the same level and subordinate level.

Article 42. Rights of trade union inspection committees

Trade union inspection committees shall have the rights to:

1. Participate in executive board conferences and congresses or conferences of delegates of trade unions of the same level. 

2. Report to the executive board of the same level on trade union inspection work and recommend inspection contents and programs to regular meetings of the executive board.

3. Request the inspected unit and manager thereof to provide reports and documents for the purpose of inspection and answer questions of the inspection committee.

4. Compile inspection reports and recommend handling measures to the standing committee of the trade union executive board of the same level. If the inspection committee’s recommendations are not adopted by the standing committee, the inspection committee shall hold the rights to report to the executive board of the same level and superior inspection committee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IX

REWARDS - DISCIPLINES

Article 43. Rewards

Trade union officials, trade union members, persons with meritorious contribution to building the Trade Union, trade unions and workplace unions with excellent operational achievements shall be considered rewarding by the Trade Union as prescribed by law and regulations of the VGCL.

Article 44. Disciplines

1. Trade union members, trade union officials, trade unions, collectives of executive boards and standing committees of trade unions of all levels, upon violation of the Charter, any Resolution or regulation of the VGCL, shall be subject to public, appropriate and timely disciplines based on severity of the violation. 

2. Forms of discipline:

a. Trade unions, collectives of executive boards and standing committees of trade unions of all levels may be subject to reprimand, warning sanction and/or dissolution.

b. Trade union members may be subject to reprimand, warning sanction and/or expulsion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d. Full-time trade union officials may be subject to reprimand, warning sanction, salary level decrease, dismissal and/or sack.

3. Competence of discipline execution:

a. The executive board of a grassroots trade union shall decide on the expulsion of a trade union member at the request of its trade union or workplace union team. Superior trade unions shall decide on special cases. An expelled trade union member may be readmitted after corrective actions are taken.

b. Discipline imposed upon an executive board member shall be decided on by the superior trade union at the request of the conference of such executive board. The executive board of the VGCL shall decide on the discipline imposed upon any of its members.

c. Discipline imposed upon a trade union, a collective of executive board or standing committee shall be decided on by the executive board of its superior trade union.

d. Inspection committees and members thereof shall be subject to the same discipline forms imposed upon executive board collectives of the same level and members thereof.

Chapter X

COMPLIANCE WITH CHARTER OF VIETNAMESE TRADE UNION

Article 45. Compliance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. For arisen issues not provided for herein, the executive board of the VGCL shall be responsible for providing appropriate guidance.

3. The Charter of Vietnamese Trade Union was passed by the National Trade Union Congress. Only the National Trade Union Congress shall have the rights to make amendments to the Charter of Vietnamese Trade Union./.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Charter of Vietnamese Trade Union dated July 30, 2013

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


20.021

DMCA.com Protection Status
IP: 3.146.255.135
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!