Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 272/BC-LĐTBXH Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Thế Thịnh
Ngày ban hành: 16/12/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UBND TỈNH QUẢNG NINH
SỞ LAO ĐỘNG - TB&XH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 272/BC-LĐTBXH

Quảng Ninh, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT NHẬP CẢNH SANG TRUNG QUỐC LÀM THUÊ

Thực hiện công văn số 6544/UBND-NC ngày 02/12/2013 của UBND tỉnh về việc kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý công dân Việt Nam xuất nhập cảnh sang Trung Quốc làm thuê, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo UBND tỉnh như sau:

1/ Tình hình lao động dịch chuyển qua Trung Quốc làm việc năm 2013

1.1. Thành phố Móng Cái

Do có vị trí địa lý thuận lợi, có cửa khẩu quốc tế, có hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện và các điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu nên khu vực này có một lượng lớn lao động địa phương và lao động ở các vùng lân cận đến làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa với thị trường Trung Quốc.

- Số người thường xuyên xuất cảnh qua lại biên giới buôn bán, làm việc khoảng 2.000 lượt người/ngày (sáng đi, chiều về).

- Số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động qua địa bàn Móng Cái là 827 người. Trong đó người có hộ khẩu ở địa phương khác là: 584 người; người có hộ khẩu tại Móng Cái là 243 người. Số lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc đều đi theo đường mòn, sông suối không qua cửa khẩu, không có giấy tờ xuất cảnh.

- Tình hình lao động xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm 11 tháng năm 2013:

+ Trung Quốc trao trả cho Việt Nam 11 tháng năm 2013 là 11 vụ, với 100 người nhập cư trái phép sang Trung Quốc làm việc, tìm việc làm;

+ Việt Nam trao trả cho thành phố Đông Hưng, Trung Quốc: 02 vụ, với 03 người nhập cư trái phép.

1.2. Huyện Hải Hà

Hải Hà có cửa khẩu Bắc Phong Sinh đồng thời là huyện có 16,3 km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với khu Phòng Thành - Trung Quốc với những mối quan hệ thân tộc, dân tộc qua lại lâu đời giữa đồng bào hai bên biên giới, bên cạnh đó Hải Hà lại là huyện giáp ranh thành phố Móng Cái nên việc qua lại biên giới làm việc của người địa phương rất thuận tiện. Mặt khác, kinh tế của huyện phát triển còn chậm, tiềm năng nông lâm nghiệp chưa được khai thác hợp lý, khu vực dịch vụ phần lớn là hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc, đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế. Vì vậy mà người lao động Hải Hà qua lại biên giới làm việc ngày một gia tăng và số người này chủ yếu sang làm các nghề gia công hàng điện tử, thủ công mỹ nghệ, may mặc, bốc vác hàng hóa trong các xưởng sản xuất, phát cỏ rừng, trồng cây, thu hoạch mía đường, xây dựng,... thu nhập bình quân khoảng 2.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương trên 6.000.000 đồng/tháng). Tính từ đầu năm 2013 đến nay, Hải Hà có 504 lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc.

1.3. Huyện Đầm Hà và Tiên Yên

Đây là hai huyện miền núi, ven biển phía bắc tỉnh Quảng Ninh. Tuy không có đường biên giới bộ với Trung Quốc nhưng lại nằm tiếp giáp với các huyện có tuyến đường biên giới bộ, biển tiếp giáp với Trung Quốc, giao thông đi lại thuận tiện và nhiều người tại địa phương có mối quan hệ thân tộc với những gia đình hoa kiều về nước những năm 1979-1980, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ở 02 huyện trên qua lại biên giới tìm và làm việc. Từ đầu năm đến nay, 02 huyện Đầm Hà và Tiên Yên có 301 lao động qua lại biên giới làm việc trong các nhà máy, công xưởng; bốc vác, vận chuyển hàng thuê; chế biến gỗ, đồ nhựa, sản xuất đồ chơi; xây dựng; trồng mía đường hoặc làm nông nghiệp cho các cá nhân, hộ gia đình, trang trại với mức lương bình quân khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/tháng (trong đó Tiên Yên có 138 người và Đầm Hà có 163 người).

1.4. Huyện Bình Liêu

Bình Liêu là một huyện đặc thù, có chiều dài biên giới đường bộ là 42,845 km, với 43 vị trí cột mốc. Địa hình, khí hậu không thuận lợi chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, đất sản xuất nông nghiệp ít, đất rừng nghèo kiệt do bị xói mòn rửa trôi, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông kéo dài, hanh khô, rét đậm rét hại thường xảy ra, giao thông đi lại khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đây là những khó khăn đối với người dân địa phương trong quá trình tìm và làm việc trên địa bàn, bên cạnh đó đường biên giới thuận tiện, nhu cầu sử dụng lao động của phía Trung Quốc cao khiến dòng lao động địa phương đổ qua biên giới Trung Quốc làm việc ngày một tăng. Tính từ đầu năm đến tháng 11/2013, Bình Liêu đã có 18.000 lượt người Việt Nam xuất cảnh qua lại biên giới làm việc, 33.000 người nhập cảnh, số lao động đi sang Trung Quốc làm việc trái phép là 119 người, đã được trao trả trở về 66 người. Đây là những lao động phổ thông qua lại biên giới để làm những công việc phổ thông, giản đơn như thu hoạch hoa hồi, thụ phấn cho ớt, phụ hồ, khai thác gỗ, xây mương máng thủy lợi, trồng rừng, ... với thu nhập bình quân khoảng từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Tóm lại, tính từ tháng đầu năm 2013 đến nay, các huyện phía đông bắc Quảng Ninh có 1.751 người xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê, chủ yếu đều trong độ tuổi lao động và tập trung ở các địa phương như Móng Cái (827 người), Hải Hà (504 người), Đầm Hà (163 người), Tiên Yên (138 người), Bình Liêu (119 người).

2/ Nguyên nhân người lao động địa phương sang làm việc trái phép tại Trung Quốc

- Nguyên nhân chủ quan: lao động ở các xã, huyện biên giới Quảng Ninh sang Trung Quốc làm việc số đông có trình độ thấp, chưa qua đào tạo, một số là dân tộc thiểu số, hiểu biết về xã hội và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, vì vậy rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Đây là khu vực giáp biên giới, có vị trí địa lý thuận lợi, có cửa khẩu quốc tế, có hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện và các điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu thuận lợi cho lao động các vùng giáp biên di chuyển qua biên giới làm việc, trao đổi, buôn bán.

+ Cư dân biên giới vốn có quan hệ gần gũi dân tộc, thân tộc, giao thoa về phong tục tập quán, ngôn ngữ nên việc qua lại làm ăn là tất yếu xảy ra.

+ Khu vực biên giới Quảng Ninh kinh tế còn khó khăn, chưa có đủ công ăn việc làm cho dân hoặc việc làm hiệu quả thấp, khó có khả năng phát triển, trong khi các công việc phía Trung Quốc cơ bản có thu nhập cao hơn. Nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh của Trung Quốc vùng giáp biên ngày càng tăng do lao động bản địa di cư về các vùng đô thị lớn của Trung Quốc, chất lượng công việc tốt hơn.

+ Phía Trung Quốc không đòi hỏi yêu cầu trình độ chất lượng lao động, có nhu cầu đối với lao động phổ thông (như xây dựng, trồng trọt, thu hoạch mía). Mặt khác năm vừa qua việc cấm biên thường xuyên diễn ra nên lao động khu vực biên giới không có việc làm, sẵn có mối liên hệ trước đó nên càng dễ dàng sang lao động.

3/ Các vấn đề phát sinh đối với người lao động sang làm việc trái phép tại Trung Quốc

Việc người lao động Việt Nam qua biên giới tìm việc làm cũng có mặt tích cực, song những phát sinh tiêu cực là cơ bản:

- Phát sinh tích cực:

Việc qua lại biên giới làm việc góp phần giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển phong phú, thúc đẩy phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, trao đổi, tiếp thu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

- Phát sinh tiêu cực:

+ Đại bộ phận người lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc là tự phát, không thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng vì thế mà quyền lợi của người lao động không được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

+ Đa phần lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc đều là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề nên thường phải làm những công việc nặng nhọc, thời gian, cường độ lao động lớn nhưng điều kiện làm việc không đảm bảo, việc trả lương không đúng thỏa thuận hoặc đồng lương được trả không xứng với công sức bỏ ra, còn có trường hợp bị chủ sử dụng lao động người Trung Quốc quỵt tiền bằng nhiều thủ đoạn, bị một số đối tượng xấu đưa dẫn chiếm đoạt tiền, tài sản.

+ Một số đối tượng lợi dụng việc đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê đã có hoạt động vi phạm pháp luật như: buôn bán phụ nữ, trẻ em, vận chuyển hàng cấm qua biên giới,...

+ Việc sang Trung Quốc làm việc trái phép gây khó khăn trong công tác quản lý hộ khẩu, lao động tại địa phương (gia đình hoặc người lao động không báo cáo hoặc không báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương).

4/ Việc quản lý người lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc

Hoạt động qua lại biên giới làm việc tuy giải quyết được việc làm, có thu nhập cho người lao động ở các địa phương giáp biên song việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động tự ý qua biên giới làm việc, không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo vệ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm như buôn bán người, ma túy, các hàng cấm khác; cưỡng đoạt, cưỡng bức lao động và nhiều vấn đề an ninh trật tự phức tạp.

Để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật, quản lý, bảo vệ được quyền lợi của người lao động, đồng thời tăng cường, chủ động quản lý lực lượng lao động qua lại biên giới làm việc, hạn chế tối đa lao động qua biên giới bất hợp pháp, chủ động phòng ngừa các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu và thành phố Móng Cái đã và đang triển khai thực hiện một số các biện pháp quản lý như:

- Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thực hiện chỉ thị số 26-CT/TU ngày 29/4/2010 của Tỉnh ủy Quảng Ninh và văn bản số 4034/UBND-VX2 ngày 07/10/2011 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, ngăn chặn người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê: tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành đúng đường lối chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước; sâu sát, kịp thời nắm bắt tình hình dân cư, tập trung phát hiện đường dây, đối tượng tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép ra nước ngoài làm việc.

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động, tạo điều kiện phát triển quan hệ cung - cầu lao động, từ ngày 08/5/2010, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - TB&XH đã khai trương sàn giao dịch việc làm định kỳ vào ngày mùng 10 hằng tháng tại số 2 đường Hữu nghị thành phố Móng Cái.

Trong chương trình phát triển nông thôn mới, UBND các cấp đã xác định các chương trình kinh tế trọng điểm cần ưu tiên phát triển nhằm giải quyết việc làm cho dân. Nâng cao hiệu quả sử dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng mô hình, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động yên tâm làm việc tại địa phương.

5/ Kiến nghị về các biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động sang làm việc trái phép tại Trung Quốc:

Người lao động dịch chuyển qua biên giới tồn tại như một tất yếu khách quan và ngày càng gia tăng, vì vậy cần có sự phối hợp, quản lý chặt chẽ, tích cực của các chính quyền địa phương và các ngành chức năng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền biên giới lãnh thổ. Sở Lao động - TB&XH kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

5.1/ Đối với cấp tỉnh

- Đề nghị UBND giao cho Sở Ngoại vụ chuẩn bị nội dung đưa vào chương trình làm việc, phối hợp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vấn đề xây dựng cơ chế pháp lý giữa 02 địa phương về việc tạo điều kiện cho người lao động qua lại, quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động khi qua lại làm việc trong phạm vi quy định của hai bên. Hai bên thống nhất giao cho cơ quan đầu mối cung cấp thông tin thị trường lao động, chính sách pháp luật, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời phối hợp với phía bạn quản lý cư dân của mình.

- Cho phép UBND huyện Bình Liêu được cấp giấy thông hành sang Trung Quốc trong thời gian từ 10 đến 30 ngày thay vì đi lại trong ngày như hiện tại;

- Hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động ký các đơn hàng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp của Trung Quốc.

5.2/ Đối với cấp huyện

- Đề nghị UBND cấp huyện giao cho một đơn vị chức năng cấp huyện chủ trì phối hợp cùng với phòng Lao động - TB&XH, Công an, Biên phòng, Ban Quản lý cửa khẩu, UBND các xã tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân các xã, huyện biên giới về trách nhiệm bảo vệ an ninh biên giới, quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu; cung cấp các thông tin về lao động việc làm ... bằng đa dạng các loại hình: các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, thông qua các cộng tác viên công tác xã hội các thôn bản, hội viên các hội đoàn thể… đồng thời, vận động nhân dân thực hiện đúng các chính sách và các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, quy chế biên giới; vận động nhân dân phối hợp tuần tra biên giới, cung cấp thông tin về người lao động địa phương qua lại biên giới làm việc.

- Giao cho phòng Kinh tế chủ trì cùng với phòng Lao động - TB&XH và các ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện xây dựng trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù hỗ trợ lao động vùng giáp biên tạo công ăn việc làm, đảm bảo ổn định cuộc sống, giảm tình trạng tự do qua biên giới tìm việc.

- Cấp thẻ lao động cho tất cả cư dân biên giới từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động (nội dung gồm những thông tin cơ bản về cá nhân và những chỉ dẫn cần thiết khi người lao động đi sang biên giới tìm việc hoặc gặp rủi ro trong quá trình làm việc).

- Thành lập tổ liên ngành hỗ trợ, tư vấn lao động khu vực biên giới, bao gồm thành viên các ngành Lao động - TBXH, Công an, Biên phòng làm nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân phòng ngừa, đối phó với những nguy cơ khi qua biên giới làm việc, đồng thời hỗ trợ về nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động cho chính quyền các xã biên giới (giao Biên phòng làm tổ trưởng). Thiết lập đường dây nóng giữa tổ công tác với các địa phương và người lao động để kịp thời giải quyết những tình huống cấp thiết bảo vệ người lao động.

 

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh;
- Bộ Lao động - TB&XH;
- Phòng XNC - Công an tỉnh;
- Lưu: VT, LĐTL.

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thế Thịnh

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 272/BC-LĐTBXH ngày 16/12/2013 tình hình quản lý công dân Việt Nam xuất nhập cảnh sang Trung Quốc làm thuê do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.789

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.195.79
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!