BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
171/2009/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2009
|
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ THI VÀ CẤP
CHỨNG CHỈ KIỂM TOÁN VIÊN VÀ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KẾ TOÁN BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT
ĐỊNH SỐ 94/2007/QĐ-BTC NGÀY 16/11/2007 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số
118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về Kiểm
toán độc lập;
Căn cứ Nghị định số 30/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 3
năm 2004 của Chính phủ về Kiểm toán độc lập;
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy chế thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ
hành nghề kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày
16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và
chứng chỉ hành nghề kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày
16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, như sau:
1.
Điểm b, khoản 1 Điều 2 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
"b) Có bằng tốt nghiệp đại
học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán";
2.
Điểm c khoản 1 Điều 2 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“c) Thời gian công tác thực tế về
tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học
hoặc sau đại học đến năm đăng ký dự thi”;
3.
Điểm b khoản 2 Điều 2 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
"b) Có bằng tốt nghiệp đại
học chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán; hoặc bằng tốt nghiệp đại học
chuyên ngành Kinh tế, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh có tổng số đơn
vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân
tích tài chính, Thuế từ 10% tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở
lên";
4.
Điểm c khoản 2 Điều 2 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“c) Thời gian công tác thực tế về
tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học
đến năm đăng ký dự thi; hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp
kiểm toán từ 4 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến năm
đăng ký dự thi”;
5.
Tiết c điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 sửa
đổi, bổ sung như sau:
"c) Các bản sao văn bằng,
chứng chỉ theo quy định tại điểm b, d, khoản 1 và điểm b, d khoản 2 Điều 2 của
Quy chế này, có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng. Nếu là bằng tốt
nghiệp đại học chuyên ngành Kinh tế, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh
thì phải nộp kèm theo bảng điểm có ghi rõ số đơn vị học trình (hoặc tiết học) của
tất cả các môn học. Trường hợp người dự thi để lấy Chứng chỉ hành nghề kế toán
nộp bằng sau đại học thì phải nộp kèm theo bảng điểm cao học có ghi rõ ngành học.
Bảng điểm phải có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng".
6.
Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“Điều 5: Thể thức thi
Mỗi chuyên đề thi trong các
chuyên đề thi (1), (2), (3), (4) quy định tại khoản 1 Điều 4
và các chuyên đề thi (1), (2), (3), (4), (5), (6) quy định tại khoản 2 Điều 4 của
Quy chế này, người dự thi phải làm một bài thi viết trong thời gian 180 phút.
Chuyên đề Tin học thực hành, người dự thi phải làm một bài thực hành trên máy
tính trong thời gian khoảng 30 phút; chuyên đề Ngoại ngữ, người dự thi phải làm
một bài thi viết trong thời gian 90 phút và trả lời vấn đáp trong thời gian khoảng
30 phút".
7.
Khoản 3 Điều 6 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“3. Trong thời hạn chậm nhất là
60 ngày kể từ ngày kết thúc thi, Hội đồng thi phải công bố kết quả thi và thông
báo cho người dự thi. Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian công bố, Chủ tịch
Hội đồng thi quyết định nhưng thời gian kéo dài không quá 15 ngày”.
8.
Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"1. Chuyên đề thi đạt yêu cầu:
Là những chuyên đề đạt từ điểm 5 trở lên chấm theo thang điểm 10. Điểm thi
chuyên đề Ngoại ngữ được tính theo thang điểm 10. Phần thi viết điểm tối đa là
7 (bảy), phần thi vấn đáp điểm tối đa là 3 (ba). Điểm thi chuyên đề Ngoại ngữ
được tính bằng điểm thi viết cộng điểm thi vấn đáp. Trường hợp chấm thi theo
thang điểm 100 thì Hội đồng thi sẽ quy đổi về thang điểm 10. Việc làm tròn điểm
áp dụng theo quy định hiện hành”.
9.
Khoản 3 Điều 7 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"3. Thi nâng điểm: Người dự
thi đã đạt yêu cầu cả 4 chuyên đề thi (1), (2), (3), (4) quy định tại khoản 1 Điều 4 hoặc đạt yêu cầu cả 6 chuyên đề thi (1), (2),
(3), (4), (5), (6) quy định tại khoản 2 Điều 4 hoặc đạt yêu
cầu cả 02 chuyên đề thi (1), (2) quy định tại khoản 3 Điều 4
nhưng tổng số điểm thi không đủ số điểm quy định tại khoản 4 Điều này thì được
lựa chọn các chuyên đề chưa thi đủ 3 lần để đăng ký thi nâng điểm. Trường hợp
thi nâng điểm thì kết quả thi lấy theo điểm thi cao nhất của các lần thi".
10.
Khoản 1 Điều 10 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“1. Thành phần Hội đồng thi bao
gồm: Chủ tịch Hội đồng thi là Thứ trưởng Bộ Tài chính hoặc lãnh đạo cấp Vụ trưởng
được Bộ trưởng Bộ Tài chính uỷ quyền; 01 Phó Chủ tịch thường trực là lãnh đạo Vụ
Chế độ kế toán và kiểm toán; 01 Phó Chủ tịch là lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ; Uỷ
viên thư ký và các Uỷ viên Hội đồng thi là đại diện của Hội nghề nghiệp và một
số đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Thành phần Hội đồng thi tối đa không quá 9 người;
Hội đồng thi được thành lập cho từng kỳ thi. Hội đồng kỳ thi sau phải thay đổi
ít nhất 1/3 số thành viên Hội đồng kỳ thi trước. Một cá nhân không được tham
gia là thành viên Hội đồng quá 3 kỳ thi liên tục trừ trường hợp Chủ tịch Hội đồng
thi là Lãnh đạo Bộ Tài chính”.
11.
Khoản 1 Điều 17 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"1. Những người có chứng chỉ
chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên của các tổ chức nghề nghiệp nước
ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận, muốn được cấp “Chứng chỉ kiểm toán
viên” hoặc “Chứng chỉ hành nghề kế toán” của Việt Nam thì phải dự thi sát hạch
kiến thức về luật pháp Việt Nam. Người dự thi sát hạch phải là người đang được
phép hành nghề của nước sở tại.
Trường hợp tổ chức cấp chứng chỉ
chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên là cơ quan nhà nước có thẩm
quyền (không phải là tổ chức nghề nghiệp) cho phép hành nghề tại nước sở tại
thì người dự thi phải là hội viên chính thức của tổ chức nghề nghiệp về kế
toán, kiểm toán và tổ chức nghề nghiệp đó phải là thành viên của Liên đoàn Kế
toán Quốc tế (IFAC). Nội dung học và thi để lấy chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc
chứng chỉ kiểm toán viên phải tương đương hoặc cao hơn nội dung học và thi theo
quy định tại Điều 4 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số
94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007".
12.
Khoản 1 Điều 18 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“1. Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:
a) Phiếu đăng ký dự thi;
b) Bản sao và bản dịch ra tiếng
Việt có công chứng: Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên
nước ngoài;
c) Giấy xác nhận của Hội nghề
nghiệp của nước sở tại là đang được phép hành nghề ở nước sở tại; Trường hợp chứng
chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên của người dự thi do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền (không phải là tổ chức nghề nghiệp) cấp thì trong hồ
sơ dự thi phải có giấy xác nhận của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán
xác nhận người dự thi là hội viên chính thức của tổ chức nghề nghiệp và đang được
phép hành nghề ở nước sở tại;
d) 03 ảnh màu cỡ 4 x 6 chụp
trong vòng 6 tháng, hai phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận;
đ) Bản sao Hộ chiếu do nước sở tại
cấp có xác nhận của đơn vị quản lý lao động;
e) Tài liệu chứng minh tổ chức
nghề nghiệp đã cấp Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên
là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC);
g) Tài liệu trình bày về nội
dung học và thi để lấy Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán
viên của tổ chức nghề nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp chứng
chỉ".
13.
Khoản 2 Điều 19 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“2. Đối với thi sát hạch để cấp
Chứng chỉ kiểm toán viên, bài thi đạt yêu cầu là bài thi đạt từ 70 điểm trở lên
hoặc từ 42 điểm trở lên đối với người được miễn thi phần (1), (3). Đối với thi
sát hạch để cấp Chứng chỉ hành nghề kế toán, bài thi đạt yêu cầu là bài thi đạt
từ 56 điểm trở lên. Kết quả thi được thông báo cho từng người dự thi”.
Điều 2.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định
khác tại Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành Quy chế thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành
nghề kế toán không được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này vẫn giữ nguyên hiệu lực
thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi,
bổ sung./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
- Các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán;
- Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam;
- Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam;
- Công báo;
- Website Chính phủ và Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ CĐKT.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|