ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2109/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 05 năm 2007
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH
CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ về việc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành
kèm theo Quyết định này Phương án Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự
nghiệp năm 2007 để áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Cục trưởng Cục
Thống kê, Thủ trưởng các sở - ban - ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ
sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 thành phố và Ban Chỉ đạo Tổng điều
tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 các quận - huyện, phường -
xã, thị trấn thuộc thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/TRƯỞNG
BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA CSKT - HCSN NĂM 2007
Nguyễn Trung Tín
|
PHƯƠNG
ÁN
TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP
NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban
nhân dân thành phố)
Căn cứ Phương án Tổng điều tra của
Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự
nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa Phương án Tổng điều tra cơ sở kinh tế,
hành chính, sự nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:
I. MỤC ĐÍCH TỔNG ĐIỀU TRA:
Tổng điều tra cơ sở kinh tế,
hành chính, sự nghiệp (sau đây gọi tắt là tổng điều tra cơ sở kinh tế) nhằm thu
thập những thông tin cơ bản về số cơ sở kinh tế, số lượng, trình độ của lực lượng
lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế; kết quả hoạt động; mức độ ứng dụng
công nghệ thông tin; sự phân bố các cơ sở kinh tế, phân bố lực lượng lao động
theo từng ngành kinh tế, theo địa bàn, theo cấp hành chính (phường - xã, thị trấn,
quận - huyện, thành phố và cả nước). Những thông tin trên sẽ được tổng hợp thành
nhiều chỉ tiêu thống kê phục vụ các yêu cầu sau:
1. Đánh giá, kiểm điểm giữa kỳ
một số mục tiêu quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2006 - 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ thành phố lần thứ VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các quận - huyện,
phường - xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung
các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển
cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải
cách hành chính trên địa bàn.
3. Biên soạn một số chỉ tiêu thống
kê tổng hợp của thành phố và cả nước;
4. Cung cấp dàn mẫu tổng thể phục
vụ các cuộc điều tra chọn mẫu của ngành thống kê và yêu cầu xây dựng hệ thống
thông tin bản đồ địa lý (GIS) về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp.
II. ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA:
Đơn vị điều tra trong tổng điều tra này
là “cơ sở kinh tế” với định nghĩa cơ sở kinh tế là:
1. Nơi trực tiếp diễn ra hoạt động
kinh tế (hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ) hoặc hoạt động quản
lý hành chính, sự nghiệp, hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội
- nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng...);
2. Có chủ thể quản lý hoặc người
chịu trách nhiệm thực hiện công việc tại đó;
3. Có địa điểm xác định;
4. Có thời gian hoạt động liên
tục hoặc định kỳ (theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh...).
Trên thực tế, cơ sở kinh tế
(đơn vị điều tra) có thể là doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất,
nhà hàng, cửa hàng, ki-ốt bán hàng, khách sạn, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể,
nhà ga, bến cảng,... hoặc cũng có thể là cơ quan Nhà nước như Ủy ban nhân dân
các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp, các sở - ban - ngành, các cơ quan Đảng,
đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp như các trường đại học, các trường phổ thông,
Trung tâm, Viện nghiên cứu khoa học, bệnh viện, trạm y tế, trường mẫu giáo, nhà
trẻ..., hoặc các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ sở tôn giáo
như nhà thờ, đền, chùa...
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU TRA:
1. Phạm vi điều tra:
1.1. Bao gồm các cơ sở kinh tế,
hành chính, sự nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
1.2. Theo ngành kinh tế, tổng
điều tra thu thập thông tin từ các cơ sở hoạt động trong hầu hết các ngành kinh
tế quốc dân, kể từ ngành “Khai khoáng” đến ngành “Hoạt động làm thuê các công
việc gia đình” (theo Hệ thống ngành kinh tế quốc dân ban hành kèm theo Quyết định
số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ). Riêng khối
doanh nghiệp, phạm vi điều tra bao gồm cả các cơ sở hoạt động trong các ngành
nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Loại trừ:
- Các hợp tác xã nông nghiệp,
các hộ sản xuất kinh doanh cá thể thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã
điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006;
- Các cơ sở thuộc đoàn ngoại
giao và các Đại sứ quán nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
- Các cơ sở kinh tế đã ngừng hoạt
động, đang chờ quyết định giải thể, phá sản hoặc ngừng lâu dài để chuyển hướng
hoạt động sang ngành nghề khác;
- Chỉ lập danh sách, không tiến
hành điều tra đối với các đơn vị cá thể hoạt động vận tải không có bến
bãi (xe ôm, xích lô, xe lôi…), sửa chữa, xây dựng không có địa điểm giao dịch,
buôn chuyến, bán hàng rong, cho thuê bất động sản, các cơ sở sản xuất kinh
doanh theo mùa vụ tại thời điểm điều tra chưa đến hoặc đã qua thời vụ nhưng cơ
sở vẫn có người quản lý;
- Các cơ sở kinh tế, hành
chính, sự nghiệp thuộc ngành quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
(tổ chức tiến hành điều tra riêng, theo ngành dọc của từng ngành).
2. Đối tượng điều tra:
2.1. Đối với khối sản xuất kinh doanh, đối tượng điều tra
là:
a) Doanh nghiệp đơn (không có
chi nhánh);
b) Trụ sở chính của doanh nghiệp
(trong trường hợp doanh nghiệp có ít nhất 1 chi nhánh đóng ở địa điểm khác với
trụ sở chính);
c) Chi nhánh hoặc văn phòng đại
diện của doanh nghiệp (kể cả trường hợp chi nhánh được thành lập theo quy định
của Luật Doanh nghiệp, hoặc là chi nhánh khác địa điểm do khuôn viên của trụ sở
chính của doanh nghiệp chật hẹp). Cụ thể, các chi nhánh của doanh nghiệp bao gồm
các chi nhánh trực tiếp, các chi nhánh cấp 2, cấp 3…, văn phòng đại diện (kể cả
các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài); các cơ sở sản xuất
kinh doanh do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp quản lý (không thành lập
doanh nghiệp);
d) Địa điểm sản xuất kinh
doanh: phân xưởng sản xuất ra thành phẩm hoặc phân xưởng là một đơn vị phụ trợ
(chỉ tham gia 1 công đoạn trong 1 dây chuyền sản xuất; ví dụ như phân xưởng cắt
của một xí nghiệp may);
đ) Kho hàng, bến, bãi để hàng
có người quản lý;
e) Điểm bán hàng, cửa hàng, quầy
hàng có địa điểm riêng (ngoài trụ sở chính) của công ty hoặc cửa hàng chính;
g) Các cơ sở sản xuất kinh
doanh cá thể.
2.2. Đối với khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đối
tượng điều tra là:
a) Các cơ quan Nhà nước, các cơ
quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cấp Trung ương, địa
phương;
b) Các đơn vị sự nghiệp;
c) Các cơ quan của các tổ chức
xã hội nghề nghiệp;
d) Các cơ quan của các tổ chức
xã hội;
đ) Các cơ sở hoạt động tôn
giáo, tín ngưỡng;
e) Các chi nhánh, đơn vị trực
thuộc của các cơ quan, tổ chức trên.
“Chi nhánh, đơn vị trực thuộc” trong khối này gồm:
- Cơ sở, chi nhánh khác địa điểm:
là cơ sở thuộc hệ thống tổ chức, quản lý của một cơ quan, nhưng do địa điểm của
cơ quan chật hẹp nên phải đóng ở nơi khác.
- Các đơn vị trực thuộc có thể
đóng tại cùng một địa điểm với cơ quan chủ quản hoặc không cùng địa điểm với cơ
quan chủ quản (cùng hệ thống tổ chức, quản lý của một cơ quan chủ quản), nhưng
khác cơ quan chủ quản về loại hình hoạt động, có tổ chức kế toán riêng (ví dụ:
các đơn vị sự nghiệp như Trung tâm, Viện nghiên cứu, Tạp chí, Báo... của cơ
quan Nhà nước; các phòng, ban chuyên môn của Ủy ban nhân dân quận - huyện có kế
toán riêng).
IV. NỘI DUNG ĐIỀU TRA:
1. Nội dung điều tra bao gồm các nhóm chỉ tiêu chính như
sau:
a) Nhóm thông tin nhận dạng cơ sở:
- Tên cơ sở;
- Địa chỉ;
- Mã số thuế hoặc mã số ngân
sách;
- Ngành hoạt động, sản xuất
kinh doanh chính (theo Hệ thống ngành kinh tế quốc dân ban hành kèm theo Quyết
định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ);
- Loại hình cơ sở (doanh nghiệp
và cơ sở phụ thuộc doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ quan Nhà
nước; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, các đơn vị sự nghiệp...).
b) Những thông tin về lao động:
- Thông tin về người đứng đầu
cơ sở;
- Lao động (phân tổ theo loại
lao động gia đình, lao động thuê ngoài, lao động là người nước ngoài, trình độ
đào tạo, giới tính, độ tuổi), thu nhập của người lao động (đối với cơ sở hành
chính, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội).
c) Nhóm thông tin về kết quả hoạt động, ứng dụng công nghệ
thông tin:
- Doanh thu (đối với cơ sở sản xuất
kinh doanh);
- Sản phẩm chủ yếu (đối với cơ
sở sản xuất kinh doanh);
- Ứng dụng công nghệ thông tin
(số lượng máy tính, số người biết sử dụng máy tính trong công việc, số cơ sở có
kết nối internet, thương mại điện tử...).
d) Một số thông tin bổ sung
về các khu vực kinh tế đặc thù như: Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công
nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống (quy mô, số doanh nghiệp, cơ sở, vốn
đầu tư, cơ sở hạ tầng...).
Các thông tin thuộc 4 nhóm
trên được thu thập theo 6 loại phiếu thu thập thông tin và 2 phụ biểu, gồm:
1. Phiếu 01/TĐT-DN - Phiếu thu
thập thông tin về cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp, áp dụng
cho cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phụ
thuộc cơ quan Nhà nước/đơn vị sự nghiệp/đoàn thể, hiệp hội.
2. Phụ biểu 01a/TĐT-KC - Phiếu
thu thập thông tin về cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực doanh nghiệp nằm
trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, cụm làng nghề.
3. Phiếu 02A/TĐT-CT - Phiếu thu
thập thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể (áp dụng đối với cơ sở sản
xuất kinh doanh cá thể ngành công nghiệp, xây dựng).
4. Phiếu 02B/TĐT-CT - Phiếu thu
thập thông tin về cơ sở kinh doanh cá thể (áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá
thể ngành vận tải).
5. Phiếu 02C/TĐT-CT- Phiếu thu
thập thông tin về cơ sở kinh doanh cá thể (áp dụng đối với cơ sở sản xuất kinh
doanh cá thể ngành thương mại, dịch vụ).
(Do đặc điểm hầu hết hoạt động
đơn ngành, Phiếu thu thập thông tin về cơ sở kinh doanh cá thể được thiết kế
thành ba loại riêng cho 3 nhóm ngành như trên).
6. Phụ biểu 02a - Phiếu thu thập
thông tin về cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nằm trong các khu công nghiệp,
khu chế xuất, cụm công nghiệp, cụm làng nghề...
7. Phiếu 03/TĐT - Phiếu thu thập
thông tin về cơ sở hành chính sự nghiệp, áp dụng cho các đơn vị cơ sở thuộc khối
hành chính, sự nghiệp.
8. Phiếu 04/TĐT-TG - Phiếu thu
thập thông tin về các cơ sở tôn giáo (do chỉ thu thập một số thông tin đơn giản
nên phiếu này được tách riêng).
9. Phiếu 05/TĐT-KCN - Phiếu thu
thập thông tin về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Khu Công
viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp, cụm làng nghề. Phiếu này do các Ban
quản lý của các đơn vị thực hiện.
10. Phiếu 06/TĐT-LN - Phiếu thu
thập thông tin về các cơ sở làng nghề thuộc khu vực thành thị. Phiếu này do Ủy
ban nhân dân các phường - xã, thị trấn có làng nghề thực hiện.
e) Thông tin về tài sản, vốn,
hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được kết hợp khai thác từ
kết quả cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2007 (đã được tiến hành vào thời điểm
ngày 01 tháng 02 năm 2007).
g) Thông tin về tài sản, vốn,
hiệu quả sản xuất kinh doanh, chi phí của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể
sẽ được điều tra mẫu vào thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2007.
2. Các bảng danh mục sử dụng trong tổng điều tra:
Có 6 loại bảng danh mục được sử
dụng để đánh mã số trong các phiếu điều tra, gồm:
a) Hệ thống ngành kinh tế quốc
dân;
b) Bảng danh mục các dân tộc Việt
Nam;
c) Bảng danh mục các đơn vị
hành chính Việt Nam;
d) Bảng danh mục nước và vùng
lãnh thổ;
đ) Bảng danh mục sản phẩm;
e) Bảng danh mục các cơ quan
Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
V. THỜI ĐIỂM TỔNG ĐIỀU TRA:
1. Thời điểm tổng điều tra: ngày 01 tháng
7 năm 2007.
2. Thời kỳ số liệu:
- Số liệu thời điểm: tính đến
ngày 01 tháng 7 năm 2007.
- Số liệu thời kỳ: lấy số liệu
cả năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007.
VI. QUY TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA:
ĐƯỢC CHIA THÀNH 5 BƯỚC:
1. Chuẩn bị điều tra;
2. Triển khai điều tra, thu thập
thông tin;
3. Tổ chức nghiệm thu phiếu điều
tra các cấp;
4. Xử lý, tổng hợp số liệu;
5. Biên soạn và công bố kết quả
tổng điều tra.
Bước 1: Chuẩn bị điều tra
1.1. Xây dựng phương án, kế hoạch tổng điều tra của thành
phố.
1.2. Tiến hành công tác tuyên truyền: Cuộc
tổng điều tra cơ sở kinh tế có liên quan đến tất cả các cơ sở sản xuất kinh
doanh, tất cả các cơ quan tổ chức trên địa bàn thành phố nên cần thiết phải tiến
hành công tác tuyên truyền rộng khắp để các đối tượng có liên quan và người dân
hiểu biết về cuộc tổng điều tra và hợp tác thực hiện tốt cuộc tổng điều tra (có
kế hoạch tuyên truyền riêng).
1.3. Tiến hành lập danh sách đơn vị điều tra:
- Trong tổng điều tra, chỉ tiêu
số lượng đơn vị cơ sở là một chỉ tiêu rất quan trọng, vì vậy việc lập danh sách
là bước rất cần thiết để thực hiện việc đếm đầy đủ số lượng đơn vị điều
tra.
- Kết quả lập danh sách sẽ cho
biết cụ thể địa điểm, địa chỉ, loại đơn vị điều tra của từng cơ sở, số lượng cơ
sở phân theo các cấp quản lý hành chính (phường - xã, quận - huyện, thành phố) là
cơ sở để phân công điều tra viên, giám sát viên, tạo điều kiện thuận lợi cho điều
tra viên khi đi điều tra thu thập thông tin; giảm thiểu việc tính trùng hoặc bỏ
sót đơn vị điều tra.
- Số lượng các đơn vị điều tra
thu được qua công tác lập danh sách phục vụ việc phân bổ dự toán kinh phí, tài
liệu, phiếu điều tra, tuyển chọn số lượng điều tra viên, giám sát viên.
- Quy trình lập danh sách đơn vị
điều tra tiến hành theo 2 bước:
a) Liệt kê danh sách các cơ sở kinh tế theo địa bàn điều
tra:
Công tác lập danh sách thực tế
các đơn vị điều tra được tiến hành theo 2 phương pháp:
- Phương pháp gián tiếp:
Phương pháp này áp dụng cho các
cơ quan/tổ chức (gọi tắt là cơ quan) thuộc khối cơ quan Nhà nước (cấp Trung
ương, địa phương) như: Văn phòng đại diện của các cơ quan Trung ương đóng trên
địa bàn thành phố, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân…; Ủy ban nhân dân các cấp,
các sở - ban - ngành và các đơn vị phụ thuộc; các cơ quan Đảng, các cơ quan của
các tổ chức chính trị - xã hội..., và các đơn vị phụ thuộc của các cơ quan đó.
Khối các cơ quan trên được gọi
chung là “Khối A” (Danh sách cụ thể các cơ quan thuộc khối A xem trong “Danh mục
các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội”, trong cuốn
“Các danh mục sử dụng trong Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự
nghiệp năm 2007”). Danh sách các cơ sở thuộc khối A ở cấp Trung ương và
thành phố do Cục Thống kê thành phố lập; danh sách các cơ sở thuộc khối A ở quận
- huyện, phường - xã do Phòng Thống kê quận - huyện lập. Việc lập danh sách được
tiến hành thông qua đầu mối là cơ quan chủ quản (căn cứ hướng dẫn trong Quy
trình lập danh sách đơn vị điều tra).
Sau khi tổng hợp xong danh sách
đơn vị điều tra theo từng loại cơ sở (Mẫu biểu tổng hợp căn cứ Quy trình lập
danh sách đơn vị điều tra), danh sách các cơ sở này sẽ được trả về theo phường
- xã, quận - huyện để tổng hợp chung vào danh sách của cấp tương ứng; đồng thời
danh sách được lưu tại thành phố, quận - huyện để làm cơ sở phân công điều tra
viên thu thập phiếu.
- Phương pháp trực tiếp:
+ Liệt kê danh sách cơ sở kinh
tế theo địa bàn điều tra bằng phương pháp trực tiếp là việc đi thực tế theo từng
đường phố, khu phố, ấp để đếm số cơ sở, ghi tên, địa chỉ, ngành nghề hoạt động
của các cơ sở kinh tế thuộc từng loại đối tượng điều tra (theo biểu mẫu quy định)
đóng trên địa bàn.
+ Địa bàn điều tra được xác định
theo đơn vị hành chính là khu phố, ấp.
+ Để liệt kê đầy đủ, phân loại
đúng đối tượng, loại đơn vị điều tra, điều tra viên cần nắm vững yêu cầu lập
danh sách, các khái niệm, định nghĩa, nhận dạng được đơn vị điều tra; nắm vững
địa bàn, tập quán sản xuất kinh doanh của địa phương; có kỹ năng tiếp cận, quan
sát, phỏng vấn.
+ Điều tra viên được trang bị Sổ
liệt kê danh sách đơn vị điều tra; mẫu biểu tổng hợp đơn vị điều tra phân theo
9 loại danh sách.
Cách làm: Điều tra viên đi liệt
kê đơn vị điều tra vào Sổ liệt kê danh sách đơn vị điều tra; cuối ngày chép các
đơn vị điều tra (có ký hiệu mã số quy định) theo loại cơ sở vào 9 loại danh
sách tương ứng. Việc này cần thực hiện hàng ngày.
b) Tổng hợp danh sách đơn vị
điều tra: theo 9 loại danh sách sau đây:
- Mẫu 1A/DS-DN: Gồm các loại cơ
sở là: Trụ sở chính các doanh nghiệp Nhà nước, DN cổ phần có vốn Nhà nước, Công
ty TNHH có vốn Nhà nước (ký hiệu: NN); DN có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án
có vốn đầu tư nước ngoài (ký hiệu ĐTNN); các văn phòng đại diện công ty nước
ngoài (ký hiệu VPĐD).
- Mẫu 1B/DS-DN: Gồm các loại cơ
sở là: Doanh nghiệp ngoài Nhà nước gồm: Cty cổ phần tư nhân, hợp tác xã (trừ
HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản), Cty TNHH tư nhân, Công ty hợp danh, DN tư
nhân (ký hiệu NQD) và các chi nhánh của các loại hình doanh nghiệp đã được nêu ở
1A và 1B (ký hiệu CN).
- Mẫu 2A/DS-CSCT: Gồm các hộ sản
xuất kinh doanh cá thể công nghiệp và xây dựng (ký hiệu CNXD).
- Mẫu 2B/DS-CSCT: Gồm các hộ
kinh doanh cá thể ngành vận tải (ký hiệu VT).
- Mẫu 2C/DS-CSCT: Gồm các hộ
kinh doanh cá thể ngành thương mại và dịch vụ (ký hiệu TMDV).
- Mẫu 3A/DS-HCSN: Gồm các loại
cơ sở là: cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) cấp Trung ương (ký hiệu là TW), cơ
quan HCSN cấp thành phố (ký hiệu TP), văn phòng đại diện (văn phòng 2 của các Bộ,
ngành) của các cơ quan Trung ương (ký hiệu CNTW).
- Mẫu 3B/DS-HCSN: Gồm các loại
cơ sở là: cơ quan HCSN cấp quận/huyện (ký hiệu QH); chi nhánh của các cơ quan
HCSN 3 cấp: TP, Q/H, P/X... (ký hiệu CN3).
- Mẫu 3C/DS-HCSN: Gồm các loại
cơ sở là: cơ quan HCSN cấp phường/xã (ký hiệu XP).
- Mẫu 4/DS-CSTG: Gồm các cơ sở
tôn giáo, tín ngưỡng.
1.4. Tuyển chọn điều tra viên, Đội trưởng:
a) Điều tra viên:
- Điều tra viên là lực lượng quyết
định chất lượng cuộc điều tra. Do đó, điều tra viên phải là người có sức khỏe,
có trình độ văn hóa lớp 12 trở lên, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng vận động
thuyết phục để đối tượng điều tra cung cấp thông tin, có thời gian tập trung
cho công tác tổng điều tra; đặc biệt phải nắm được nội dung các chỉ tiêu và yêu
cầu của từng loại phiếu điều tra.
- Điều tra viên cấp nào do Ban
Chỉ đạo cấp đó tuyển chọn. Ban Chỉ đạo thành phố căn cứ vào các định mức quy định,
tình hình thực tế của mỗi khu vực, địa bàn để tính toán, phân bổ số lượng điều
tra viên.
- Trong cuộc tổng điều tra này,
điều tra viên cần được tuyển chọn riêng cho 2 công việc: Lập danh sách và điều
tra thu thập phiếu. Để lập danh sách nên tuyển chọn điều tra viên là cán bộ cơ
sở, tổ trưởng dân phố, cán bộ đoàn thể; để điều tra thu phiếu, cần chọn điều
tra viên có trình độ phù hợp cho từng loại phiếu.
b) Đội trưởng:
- Đội trưởng là người chịu
trách nhiệm kiểm tra, giám sát các công việc cụ thể được giao từ khi triển khai
đến khi kết thúc cuộc điều tra. Ngoài những tiêu chuẩn như điều tra viên, Đội
trưởng còn cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm, thông thạo
nghiệp vụ điều tra để giúp điều tra viên giải quyết khó khăn, vướng mắc trong
quá trình điều tra, hoặc chuyển tải được những ý kiến giải quyết của Ban Chỉ đạo
đến điều tra viên.
- Đội trưởng là người chịu
trách nhiệm giao nhận tài liệu, kiểm tra, thu phiếu của điều tra viên, là cầu nối
giữa điều tra viên và Ban Chỉ đạo.
- Sau khi kiểm tra thu phiếu của
điều tra viên, Đội trưởng cần phân loại phiếu và tiến hành tổng hợp nhanh một số
chỉ tiêu theo biểu mẫu quy định (xem Sổ tay Đội trưởng và Quy trình tổng hợp
nhanh).
- Mỗi Đội trưởng chịu trách nhiệm
phụ trách từ 6 đến 8 điều tra viên.
(Nhiệm vụ cụ thể của điều tra
viên, Đội trưởng cần xem Sổ tay Điều tra viên, Sổ tay Đội trưởng).
1.5. Tổ chức tập huấn:
Công tác tập huấn nghiệp vụ tổng
điều tra cơ sở kinh tế bao gồm công tác tập huấn lập bảng kê và tập huấn nghiệp
vụ ghi phiếu, các quy trình của tổng điều tra, được tiến hành 2 cấp:
- Ban Chỉ đạo thành phố tổ chức
tập huấn cho các Ban Chỉ đạo quận - huyện và các Đội trưởng, điều tra viên cấp
thành phố.
- Ban Chỉ đạo quận - huyện tổ
chức tập huấn trực tiếp cho Tổ thường trực quận - huyện, Ban Chỉ đạo phường
- xã và Đội trưởng, điều tra viên của quận - huyện, và điều tra viên phường -
xã.
Lưu ý:
- Để công tác điều tra đạt hiệu
quả cao, nên phân công điều tra viên theo từng loại đối tượng điều tra và tổ chức
tập huấn nghiệp vụ riêng cho điều tra viên của từng loại đối tượng điều tra.
- Chất lượng thông tin của cuộc
tổng điều tra phụ thuộc rất nhiều vào việc thu thập thông tin ban đầu từ đơn vị
điều tra. Để có thể khai thác, thu thập thông tin được đầy đủ, kịp thời, chính xác
theo yêu cầu của các phiếu điều tra thì ngoài tinh thần trách nhiệm, điều tra
viên, Đội trưởng, giám sát viên cần phải rất am hiểu và thông thạo về nghiệp vụ.
Do đó, khâu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên và Đội trưởng, giám
sát viên cần được tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ, kỹ lưỡng, đảm bảo tập huấn đủ thời
gian, đúng quy trình.
Bước 2: Tổ chức thu thập
thông tin
- Ban Chỉ đạo phường - xã
chịu trách nhiệm tổ chức điều tra thu thập thông tin của các cơ sở trên địa bàn
gồm có:
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh cá
thể: phiếu số 02A, 02B, 02C (phụ biểu 02a cụm làng nghề);
+ Cơ sở hành chính sự nghiệp cấp
phường - xã quản lý: phiếu 03;
+ Cơ sở tôn giáo: phiếu 04;
+ Cơ sở làng nghề thành thị,
các chợ do phường - xã quản lý: phiếu 06.
- Ban Quản lý Chợ (do quận
- huyện quản lý), Ban Quản lý Trung tâm thương mại, Ban Quản lý Siêu thị,
Ban Quản lý Cao ốc văn phòng chịu trách nhiệm tổ chức điều tra thu thập
thông tin của các đơn vị đóng tại các địa điểm trên gồm có:
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc
khối doanh nghiệp: phiếu số 01;
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh cá
thể: phiếu số 02A, 02B, 02C;
+ Cơ sở hành chính sự nghiệp:
phiếu 03;
- Ban Quản lý Khu chế xuất -
khu công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Công viên
Phần mềm Quang Trung chịu trách nhiệm tổ chức điều tra thu thập thông tin của
các đơn vị đóng trong các khu do các Ban trên quản lý gồm:
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc
khối doanh nghiệp: phiếu số 01 và phụ biểu 01a;
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh cá
thể: phiếu số 02A, 02B, 02C, phụ biểu 02a;
+ Cơ sở hành chính sự nghiệp:
phiếu 03;
+ Cơ sở là khu công nghiệp, khu
chế xuất, khu công nghệ cao, Khu Công viên Phần mềm Quang Trung …: Phiếu số 05;
- Ban Chỉ đạo quận - huyện
chịu trách nhiệm tổ chức điều tra thu thập thông tin của các đơn vị:
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc
khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh
nghiệp trong nước, các phân xưởng sản xuất, kho hàng, bến bãi,... đóng trên địa
bàn quận - huyện: phiếu số 01 và phụ biểu 01a (nếu trú đóng tại cụm
công nghiệp do quận - huyện quản lý);
+ Các đơn vị hành chính sự nghiệp
cấp quận/huyện quản lý, chi nhánh, các cơ sở phụ của các đơn vị hành chính sự
nghiệp cấp Trung ương, thành phố, quận - huyện đóng trên địa bàn: phiếu số 03;
- Ban Chỉ đạo thành phố
chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức điều tra thu thập thông tin của các đơn vị:
+ Các trụ sở chính của các
doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần có vốn Nhà nước, công ty TNHH có vốn Nhà
nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn đầu tư nước ngoài,
văn phòng đại diện nước ngoài (trừ các đơn vị nằm trong khu chế xuất, khu công
nghiệp, cao ốc văn phòng): Phiếu số 01;
+ Các đơn vị hành chính sự nghiệp
cấp Trung ương và Thành phố quản lý: Phiếu số 03;
Bước 3: Tổ chức nghiệm thu
phiếu điều tra các cấp
Việc nghiệm thu phiếu điều tra
được tổ chức như sau:
- Ban Chỉ đạo phường - xã, các
Đội trưởng có trách nhiệm nghiệm thu lần đầu các phiếu do điều tra viên giao nộp.
- Ban Chỉ đạo quận - huyện và
các Đội trưởng chịu trách nhiệm kiểm tra nghiệm thu tại quận - huyện 100% số
lượng phiếu điều tra các loại do điều tra viên cấp quận - huyện thực hiện,
phiếu điều tra do các phường - xã thực hiện và các phiếu điều tra do các Ban Quản
lý Chợ (cấp quận - huyện) trung tâm thương mại, siêu thị, cao ốc văn phòng trên
địa bàn quận - huyện thực hiện.
- Ban Chỉ đạo thành phố tiến
hành nghiệm thu các loại phiếu điều tra của điều tra viên cấp thành phố, các
phiếu điều tra của quận - huyện (đã được Ban Chỉ đạo quận - huyện nghiệm thu)
và các phiếu điều tra do các Ban Quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp, Khu
Công nghệ cao... thực hiện.
- Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức
nghiệm thu các loại phiếu điều tra tại thành phố (đã được Ban Chỉ đạo thành phố
nghiệm thu).
Cần lưu ý kiểm đủ số lượng,
sắp xếp đúng loại phiếu theo quy định trước khi nghiệm thu ở mỗi cấp.
- Sau khi Ban Chỉ đạo Trung
ương nghiệm thu, các loại phiếu được chuyển sang bộ phận nhập tin, xử lý số liệu.
(Chi tiết về công tác nghiệm
thu xem trong Quy trình nghiệm thu).
Bước 4: Xử lý, tổng hợp số
liệu
Việc xử lý, tổng hợp số liệu của
các đơn vị cơ sở được tiến hành theo 2 bước: xử lý tổng hợp nhanh và xử lý tổng
hợp chính thức.
a) Xử lý tổng hợp nhanh
Để kịp thời có những số liệu cơ
bản công bố vào tháng 12 năm 2007 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một
số chỉ tiêu được tổng hợp nhanh bằng phương pháp lập bảng kê (theo mẫu biểu hướng
dẫn). Việc lập bảng kê được tiến hành theo cấp điều tra (phường/xã, quận/huyện,
thành phố).
b) Tổng hợp chính thức
Các phiếu điều tra đã được Ban
Chỉ đạo Trung ương nghiệm thu sẽ được nhập tin theo chương trình thống nhất
chung toàn quốc (tại các Cục Thống kê hoặc tại 3 Trung tâm Tin học Thống kê
theo quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở năng lực hiện có của các
địa phương).
Sau khi hoàn thành khâu nhập
tin, toàn bộ dữ liệu của các địa phương được gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương -
Trung tâm Tin học Thống kê - qua đường truyền mạng để kiểm tra lần cuối và xử
lý tổng hợp.
Số liệu của các ngành quốc
phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổng hợp theo chương trình
chung sẽ được chuyển sang Tổng cục Thống kê - Cơ quan thường trực tổng điều tra
để tổng hợp vào số liệu chung của cả nước.
Bước 5: Biên soạn và công bố
kết quả tổng điều tra
Kết quả tổng điều tra được biên
soạn và công bố theo 2 bước:
a) Báo cáo kết quả tổng
hợp nhanh vào tháng 12 năm 2007, gồm một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng số cơ sở
kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số doanh nghiệp, chi nhánh, số cơ sở sản xuất
kinh doanh cá thể, số cơ sở hành chính, sự nghiệp; Số lao động phân theo loại
cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, theo các cấp hành chính tại thời điểm
ngày 01 tháng 7 năm 2007.
b) Kết quả chính thức của
cuộc tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7 năm 2008. Những chỉ tiêu cơ bản
của tổng điều tra với các phân tổ chi tiết sẽ được biên soạn thành các ấn phẩm,
CD-ROM; đồng thời cơ sở dữ liệu sẽ được xây dựng để có thể cung cấp số liệu
theo các yêu cầu đa dạng, chi tiết hơn của các sở - ban - ngành thành phố và quận
- huyện.
Kết quả tổng điều tra năm 2007
sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu tổng điều tra (kết quả tổng điều tra các cơ sở
kinh tế, hành chính, sự nghiệp 1995, 2002 và 2007) và kết hợp với kết quả các
cuộc điều tra doanh nghiệp, điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể 2007, các
cuộc điều tra khác để biên soạn và cung cấp những bộ số liệu phong phú, đáp ứng
các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.
VII. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI:
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thành
phố; Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo thành phố trong tháng 3 năm 2007; Ban Chỉ đạo
quận - huyện trong tháng 4 năm 2007; BCĐ phường - xã, thị trấn chậm nhất là
ngày 15 tháng 5 năm 2007;
2. Lập danh sách các đơn vị điều
tra ban đầu (danh sách nền): Tháng 3 năm 2007;
3. Tập huấn của Trung ương cho
các địa phương về Lập danh sách trên địa bàn và phương án Tổng điều tra: Tháng
4 năm 2007;
4. Xây dựng phương án Tổng điều
tra của địa phương và xây dựng kế hoạch tuyên truyền: Tháng 5 năm 2007;
5. Tổ chức Hội nghị triển khai
Quyết định của Thủ tướng; phổ biến Quy trình, kế hoạch Tổng điều tra cho Ban Chỉ
đạo thành phố và quận - huyện: Đầu tháng 5 năm 2007;
6. Tập huấn của Tổ thường trực
Ban Chỉ đạo thành phố cho Tổ thường trực quận - huyện, cán bộ Phòng Thống kê quận
- huyện và Văn phòng Cục Thống kê về công tác lập bảng kê: Từ ngày 08 đến ngày
11 tháng 5 năm 2007;
7. Tuyển chọn điều tra viên, Đội
trưởng và tập huấn công tác lập bảng kê ở quận - huyện: Từ ngày 14 đến ngày 20
tháng 5 năm 2007;
8. Tiến hành công tác lập bảng
kê thực tế tại địa bàn: Từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 10 tháng 6 năm 2007;
9. Tập huấn của Tổ thường trực
thành phố cho Ban Chỉ đạo quận - huyện và Văn phòng Cục Thống kê về phương pháp
ghi phiếu điều tra: Từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 01 tháng 6 năm 2007;
10. Tập huấn của Ban Chỉ đạo quận
- huyện cho Tổ thường trực quận - huyện, Ban Chỉ đạo phường - xã và Đội trưởng,
điều tra viên: Từ ngày 04 tháng 6 đến ngày 15 tháng 6 năm 2007;
11. Tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng: Từ ngày 18 tháng 6 đến ngày 15 tháng 7 năm
2007;
12. Tiến hành công tác điều tra
thu thập phiếu: Từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 năm 2007;
13. Phúc tra một số địa bàn điều
tra: Tháng 8 năm 2007;
14. Kiểm tra, nghiệm thu, đánh
mã số: Tháng 8 đến tháng 10 năm 2007;
15. Tổng hợp nhanh: Tháng 11
năm 2007. Công bố kết quả tổng hợp nhanh: Tháng 12 năm 2007.
16. Nhập tin: Tháng 11 năm 2007
đến tháng 3 năm 2008.
17. Kiểm tra xử lý tại Tổng cục:
Tháng 4, 5, 6 năm 2008 (Ban Chỉ đạo Trung ương).
18. Công bố kết quả chính thức:
Tháng 7 năm 2008.
19. Biên soạn sách, đĩa CD,
phân tích kết quả: Quý IV năm 2008.
VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
1. Kinh phí cho các bước của quy trình điều
tra do ngân sách Trung ương cấp phát qua hệ thống ngành dọc của Tổng cục Thống
kê.
2. Kinh phí biên soạn,
in các ấn phẩm (sách, tờ bướm, đĩa CD) để công bố các kết quả tổng hợp và phân
tích dữ liệu thu thập từ Tổng điều tra trên địa bàn cấp nào thì do ngân sách cấp
đó cấp phát theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cùng cấp.
3. Giao Cục Thống kê
thành phố xây dựng chương trình phần mềm để quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu
tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 trên nền hệ thống
thông tin bản đồ địa lý (GIS) của thành phố. Kinh phí để thực hiện việc này do
ngân sách thành phố cấp.
IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Tổng điều tra các cơ sở kinh tế,
hành chính, sự nghiệp là cuộc tổng điều tra rất phức tạp, phạm vi rộng, liên
quan đến nhiều đối tượng khác nhau nhưng công tác thu thập số liệu chỉ diễn ra
trong thời gian ngắn.
Để cuộc tổng điều tra đạt kết quả
tốt, các Ban Chỉ đạo thành phố, quận - huyện, phường - xã, thị trấn phải tập
trung chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn; phối hợp chặt chẽ với Cục
Thống kê để chỉ đạo, hướng dẫn; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cơ sở nghiêm túc
thực hiện việc ghi phiếu điều tra, cung cấp số liệu cho điều tra viên trên địa
bàn theo yêu cầu của các loại phiếu điều tra cả về thời gian và chất lượng; đồng
thời, đảm bảo việc tuân thủ Phương án và các Quy trình Tổng điều tra do Ban Chỉ
đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo thành phố quy định./.