Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 165/2002/QĐ-BTC sáu (06) chuẩn mực kế toán Việt Nam

Số hiệu: 165/2002/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Văn Tá
Ngày ban hành: 31/12/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165/2002/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 165/2002/QĐ-BTC NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH VÀ CÔNG BỐ SÁU (06) CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM (ĐỢT 2)

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Kế toán và Thống kê công bố theo Lệnh số 06-LCT/HĐNN ngày 20/5/1988 của Hội đồng Nhà nước và Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước ban hành theo Nghị định số 25-HĐBT ngày 18/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, nâng cao chất lượng thông tin kế toán cung cấp trong nền kinh tế quốc dân và để kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác kế toán;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Chánh Văn phòng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành sáu (06) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 2) có số hiệu và tên gọi sau đây:

- Chuẩn mực số 01 - Chuẩn mực chung;

- Chuẩn mực số 06 - Thuê tài sản;

- Chuẩn mực số 10 - ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái;

- Chuẩn mực số 15 - Hợp đồng xây dựng;

- Chuẩn mực số 16 - Chi phí đi vay;

- Chuẩn mực số 24 - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;

Điều 2: Sáu (06) Chuẩn mực kế toán ViệtNam ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, các thành phần kinh tế trong cả nước.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2003. Các chế độ kế toán cụ thể phải căn cứ vào sáu chuẩn mực kế toán được ban hành kèm theo Quyết định này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 4: Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Quyết định này.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM

Chuẩn mực số 01

CHUẨN MỰC CHUNG
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và yêu cầu kế toán cơ bản, các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhằm:

a/ Làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán cụ thể theo khuôn mẫu thống nhất;

b/ Giúp cho doanh nghiệp ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán đã ban hành một cách thống nhất và xử lý các vấn đề chưa được quy định cụ thể nhằm đảm bảo cho các thông tin trên báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý;

c/ Giúp cho kiểm toán viên và người kiểm tra kế toán đưa ra ý kiến về sự phù hợp của báo cáo tài chính với chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán;

d/ Giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính hiểu và đánh giá thông tin tài chính được lập phù hợp với các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

02. Các nguyên tắc, yêu cầu kế toán cơ bản và các yếu tố của báo cáo tài chính quy định trong chuẩn mực này được quy định cụ thể trong từng chuẩn mực kế toán, phải được áp dụng đối với mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước.

Chuẩn mực này không thay thế các chuẩn mực kế toán cụ thể. Khi thực hiện thì căn cứ vào chuẩn mực kế toán cụ thể. Trường hợp chuẩn mực kế toán cụ thể chưa quy định thì thực hiện theo Chuẩn mực chung.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Các nguyên tắc kế toán cơ bản

Cơ sở dồn tích

03. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hoạt động Liên tục

04. Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.

Giá gốc

05. Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

Phù hợp

06. Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.

Nhất quán

07. Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm. Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Thận trọng

08. Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

a/ Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;

b/ Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;

c/ Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;

d/ Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.

Trọng yếu

09. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính. Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.

CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN ĐỐI VỚI KẾ TOÁN

Trung thực

10. Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Khách quan

11. Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.

Đầy đủ

12. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.

Kịp thời

13. Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ.

Dễ hiểu

14. Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Người sử dụng ở đây được hiểu là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.

Có thể so sánh

15. Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch.

16. Yêu cầu kế toán quy định tại các Đoạn 10, 11, 12, 13, 14, 15 nói trên phải được thực hiện đồng thời. Ví dụ: Yêu cầu trung thực đã bao hàm yêu cầu khách quan; yêu cầu kịp thời nhưng phải đầy đủ, dễ hiểu và có thể so sánh được.

CÁC YẾU TỐ CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH

17. Báo cáo tài chính phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp bằng cách tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có cùng tính chất kinh tế thành các yếu tố của báo cáo tài chính. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định tình hình tài chính trong Bảng cân đối kế toán là Tài sản, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến đánh giá tình hình và kết quả kinh doanh trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là Doanh thu, thu nhập khác, Chi phí và Kết quả kinh doanh.

Tình hình tài chính

18. Các yếu tố có liên quan trực tiếp tới việc xác định và đánh giá tình hình tài chính là Tài sản, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu. Những yếu tố này được định nghĩa như sau:

a/ Tài sản: Là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.

b/ Nợ phải trả: Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.

c/ Vốn chủ sở hữu: Là giá trị vốn của doanh nghiệp, được tính bằng số chênh lệch giữa giá trị Tài sản của doanh nghiệp trừ (-) Nợ phải trả.

19. Khi xác định các khoản mục trong các yếu tố của báo cáo tài chính phải chú ý đến hình thức sở hữu và nội dung kinh tế của chúng. Trong một số trường hợp, tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng căn cứ vào nội dung kinh tế của tài sản thì được phản ảnh trong các yếu tố của báo cáo tài chính. Ví dụ, trường hợp thuê tài chính, hình thức và nội dung kinh tế là việc doanh nghiệp đi thuê thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản thuê đối với phần lớn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, đổi lại doanh nghiệp đi thuê có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền xấp xỉ với giá trị hợp lý của tài sản và các chi phí tài chính có liên quan. Nghiệp vụ thuê tài chính làm phát sinh khoản mục "Tài sản" và khoản mục "Nợ phải trả" trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đi thuê.

Tài sản

20. Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản là tiềm năng làm tăng nguồn tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp hoặc làm giảm bớt các khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi ra.

21. Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản được thể hiện trong các trường hợp, như:

a/ Được sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng;

b/ Để bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác;

c/ Để thanh toán các khoản nợ phải trả;

d/ Để phân phối cho các chủ sở hữu doanh nghiệp.

22. Tài sản được biểu hiện dưới hình thái vật chất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá hoặc không thể hiện dưới hình thái vật chất như bản quyền, bằng sáng chế nhưng phải thu được lợi ích kinh tế trong tương lai và thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp.

23. Tài sản của doanh nghiệp còn bao gồm các tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp kiểm soát được và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, như tài sản thuê tài chính; hoặc có những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng có thể không kiểm soát được về mặt pháp lý, như bí quyết kỹ thuật thu được từ hoạt động triển khai có thể thỏa mãn các điều kiện trong định nghĩa về tài sản khi các bí quyết đó còn giữ được bí mật và doanh nghiệp còn thu được lợi ích kinh tế.

24. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ các giao dịch hoặc các sự kiện đã qua, như góp vốn, mua sắm, tự sản xuất, được cấp, được biếu tặng. Các giao dịch hoặc các sự kiện dự kiến sẽ phát sinh trong tương lai không làm tăng tài sản.

25. Thông thường khi các khoản chi phí phát sinh sẽ tạo ra tài sản. Đối với các khoản chi phí không tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai thì không tạo ra tài sản; Hoặc có trường hợp không phát sinh chi phí nhưng vẫn tạo ra tài sản, như vốn góp, tài sản được cấp, được biếu tặng.

Nợ phải trả

26. Nợ phải trả xác định nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhận về một tài sản, tham gia một cam kết hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý.

27. Việc thanh toán các nghĩa vụ hiện tại có thể được thực hiện bằng nhiều cách, như:

a/ Trả bằng tiền;

b/ Trả bằng tài sản khác;

c/ Cung cấp dịch vụ;

d/ Thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác;

đ/ Chuyển đổi nghĩa vụ nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu.

28. Nợ phải trả phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua, như mua hàng hoá chưa trả tiền, sử dụng dịch vụ chưa thanh toán, vay nợ, cam kết bảo hành hàng hoá, cam kết nghĩa vụ hợp đồng, phải trả nhân viên, thuế phải nộp, phải trả khác.

Vốn chủ sở hữu

29. Vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán, gồm: vốn của các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản.

a/ Vốn của các nhà đầu tư có thể là vốn của chủ doanh nghiệp, vốn góp, vốn cổ phần, vốn Nhà nước;

b/ Thặng dư vốn cổ phần là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành;

c/ Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận sau thuế giữ lại để tích luỹ bổ sung vốn;

d/ Các quỹ như quỹ dự trữ, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển;

đ/ Lợi nhuận chưa phân phối là lợi nhuận sau thuế chưa chia cho chủ sở hữu hoặc chưa trích lập các quỹ;

e/ Chênh lệch tỷ giá, gồm:

+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng;

+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi doanh nghiệp ở trong nước hợp nhất báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài sử dụng đơn vị tiền tệ kế toán khác với đơn vị tiền tệ kế toán của doanh nghiệp báo cáo.

g/ Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước, hoặc khi đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, cổ phần.

Tình hình kinh doanh

30. Lợi nhuận là thước đo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định lợi nhuận là Doanh thu, thu nhập khác và Chi phí. Doanh thu, thu nhập khác, Chi phí và Lợi nhuận là các chỉ tiêu phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

31. Các yếu tố Doanh thu, thu nhập khác và Chi phí được định nghĩa như sau:

a/ Doanh thu và thu nhập khác: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường và các hoạt động khác của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu.

b/ Chi phí: Là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

32. Doanh thu, thu nhập khác và chi phí được trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để cung cấp thông tin cho việc đánh giá năng lực của doanh nghiệp trong việc tạo ra các nguồn tiền và các khoản tương đương tiền trong tương lai.

33. Các yếu tố doanh thu, thu nhập khác và chi phí có thể trình bày theo nhiều cách trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để trình bày tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, như: Doanh thu, chi phí và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh thông thường và hoạt động khác.

Doanh thu và Thu nhập khác

34. Doanh thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp và thường bao gồm: Doanh thu bán hàng, doanh thu cung cấp dịch vụ, tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia...

35. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, như: thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng,...

Chi phí

36. Chi phí bao gồm các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp và các chi phí khác.

37. Chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, như: giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi tiền vay, và những chi phí liên quan đến hoạt động cho các bên khác sử dụng tài sản sinh ra lợi tức, tiền bản quyền,... Những chi phí này phát sinh dưới dạng tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khấu hao máy móc, thiết bị.

38. Chi phí khác bao gồm các chi phí ngoài các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, như: chi phí về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, các khoản tiền bị khách hàng phạt do vi phạm hợp đồng,...

Ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính

39. Báo cáo tài chính phải ghi nhận các yếu tố về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; trong các yếu tố đó phải được ghi nhận theo từng khoản mục. Một khoản mục được ghi nhận trong báo cáo tài chính khi thoả mãn cả hai tiêu chuẩn:

a/ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế hoặc làm giảm lợi ích kinh tế trong tương lai;

b/ Khoản mục đó có giá trị và xác định được giá trị một cách đáng tin cậy.

Ghi nhận tài sản

40. Tài sản được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi doanh nghiệp có khả năng chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai và giá trị của tài sản đó được xác định một cách đáng tin cậy.

41. Tài sản không được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi các chi phí bỏ ra không chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp thì các chi phí đó được ghi nhận ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi phát sinh.

Ghi nhận nợ phải trả

42. Nợ phải trả được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi có đủ điều kiện chắc chắn là doanh nghiệp sẽ phải dùng một lượng tiền chi ra để trang trải cho những nghĩa vụ hiện tại mà doanh nghiệp phải thanh toán, và khoản nợ phải trả đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.

Ghi nhận doanh thu và thu nhập khác

43. Doanh thu và thu nhập khác được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi thu được lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan tới sự gia tăng về tài sản hoặc giảm bớt nợ phải trả và giá trị gia tăng đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.

Ghi nhận chi phí

44. Chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí khác được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi các khoản chi phí này làm giảm bớt lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan đến việc giảm bớt tài sản hoặc tăng nợ phải trả và chi phí này phải xác định được một cách đáng tin cậy.

45. Các chi phí được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.

46. Khi lợi ích kinh tế dự kiến thu được trong nhiều kỳ kế toán có liên quan đến doanh thu và thu nhập khác được xác định một cách gián tiếp thì các chi phí liên quan được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở phân bổ theo hệ thống hoặc theo tỷ lệ.

47. Một khoản chi phí được ghi nhận ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ khi chi phí đó không đem lại lợi ích kinh tế trong các kỳ sau.

HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM

Chuẩn mực số 06

THUÊ TÀI SẢN
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với bên thuê và bên cho thuê tài sản, bao gồm thuê tài chính và thuê hoạt động, làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán thuê tài sản, ngoại trừ:

a) Hợp đồng thuê để khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như dầu, khí, gỗ, kim loại và các khoáng sản khác;

b) Hợp đồng sử dụng bản quyền như phim, băng vidéo, nhạc kịch, bản quyền tác giả, bằng sáng chế.

03. Chuẩn mực này áp dụng cho cả trường hợp chuyển quyền sử dụng tài sản ngay cả khi bên cho thuê được yêu cầu thực hiện các dịch vụ chủ yếu liên quan đến điều hành, sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cho thuê. Chuẩn mực này không áp dụng cho các hợp đồng dịch vụ không chuyển quyền sử dụng tài sản.

04. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Thuê tài sản: Là sự thoả thuận giữa bên cho thuê và bên thuê về việc bên cho thuê chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên thuê trong một khoảng thời gian nhất định để được nhận tiền cho thuê một lần hoặc nhiều lần.

Thuê tài chính: Là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.

Thuê hoạt động: Là thuê tài sản không phải là thuê tài chính.

Hợp đồng thuê tài sản không huỷ ngang: Là hợp đồng thuê tài sản mà hai bên không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, trừ các trường hợp:

a) Có sự kiện bất thường xẩy ra, như:

- Bên cho thuê không giao đúng hạn tài sản cho thuê;

- Bên thuê không trả tiền thuê theo quy định trong hợp đồng thuê tài sản;

- Bên thuê hoặc bên cho thuê vi phạm hợp đồng;

- Bên thuê bị phá sản, hoặc giải thể;

- Người bảo lãnh bị phá sản, hoặc giải thể và bên cho thuê không chấp thuận đề nghị chấm dứt bảo lãnh hoặc đề nghị người bảo lãnh khác thay thế của bên thuê;

- Tài sản cho thuê bị mất, hoặc hư hỏng không thể sửa chữa phục hồi được.

b) Được sự đồng ý của bên cho thuê;

c) Nếu 2 bên thoả thuận một hợp đồng mới về thuê chính tài sản đó hoặc tài sản tương tự;

d) Bên thuê thanh toán thêm một khoản tiền ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản.

Thời điểm khởi đầu thuê tài sản: Là ngày xẩy ra trước của một trong hai (2) ngày: Ngày quyền sử dụng tài sản được chuyển giao cho bên thuê và ngày tiền thuê bắt đầu được tính theo các điều khoản quy định trong hợp đồng.

Thời hạn thuê tài sản: Là khoảng thời gian của hợp đồng thuê tài sản không huỷ ngang cộng (+) với khoảng thời gian bên thuê được gia hạn thuê tài sản đã ghi trong hợp đồng, phải trả thêm hoặc không phải trả thêm chi phí nếu quyền gia hạn này xác định được tương đối chắc chắn ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản.

Khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu:

a) Đối với bên thuê: Là khoản thanh toán mà bên thuê phải trả cho bên cho thuê về việc thuê tài sản theo thời hạn trong hợp đồng (Không bao gồm các khoản chi phí dịch vụ và thuế do bên cho thuê đã trả mà bên thuê phải hoàn lại và tiền thuê phát sinh thêm), kèm theo bất cứ giá trị nào được bên thuê hoặc một bên liên quan đến bên thuê đảm bảo thanh toán.

b) Đối với bên cho thuê: Là khoản thanh toán mà bên thuê phải trả cho bên cho thuê theo thời hạn thuê trong hợp đồng (Không bao gồm các khoản chi phí dịch vụ và thuế do bên cho thuê đã trả mà bên thuê phải hoàn lại và tiền thuê phát sinh thêm) cộng (+) với giá trị còn lại của tài sản cho thuê được đảm bảo thanh toán bởi:

- Bên thuê;

- Một bên liên quan đến bên thuê; hoặc

- Một bên thứ ba độc lập có khả năng tài chính.

c) Trường hợp trong hợp đồng thuê bao gồm điều khoản bên thuê được quyền mua lại tài sản thuê với giá thấp hơn giá trị hợp lý vào ngày mua thì khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu (Đối với cả bên cho thuê và bên đi thuê) bao gồm tiền thuê tối thiểu ghi trong hợp đồng theo thời hạn thuê và khoản thanh toán cần thiết cho việc mua tài sản đó.

Giá trị hợp lý: Là giá trị tài sản có thể được trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.

Giá trị còn lại của tài sản cho thuê: Là giá trị ước tính ở thời điểm khởi đầu thuê tài sản mà bên cho thuê dự tính sẽ thu được từ tài sản cho thuê vào lúc kết thúc hợp đồng cho thuê.

Giá trị còn lại của tài sản thuê được đảm bảo:

a) Đối với bên thuê: Là phần giá trị còn lại của tài sản thuê được bên thuê hoặc bên liên quan với bên thuê đảm bảo thanh toán cho bên cho thuê (Giá trị đảm bảo là số tiền bên thuê phải trả cao nhất trong bất cứ trường hợp nào).

b) Đối với bên cho thuê: Là phần giá trị còn lại của tài sản thuê được bên thuê hoặc bên thứ ba có khả năng tài chính không liên quan với bên cho thuê, đảm bảo thanh toán.

Giá trị còn lại của tài sản thuê không được đảm bảo: Là phần giá trị còn lại của tài sản thuê được xác định bởi bên cho thuê không được bên thuê hoặc bên liên quan đến bên thuê đảm bảo thanh toán hoặc chỉ được một bên liên quan với bên cho thuê, đảm bảo thanh toán.

Thời gian sử dụng kinh tế: Là khoảng thời gian mà tài sản được ước tính sử dụng một cách hữu ích hoặc số lượng sản phẩm hay đơn vị tương đương có thể thu được từ tài sản cho thuê do một hoặc nhiều người sử dụng tài sản.

Thời gian sử dụng hữu ích: Là khoảng thời gian sử dụng kinh tế còn lại của tài sản thuê kể từ thời điểm bắt đầu thuê, không giới hạn theo thời hạn hợp đồng thuê.

Đầu tư gộp trong hợp đồng thuê tài chính: Là tổng khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu theo hợp đồng thuê tài chính (đối với bên cho thuê) cộng (+) giá trị còn lại của tài sản thuê không được đảm bảo.

Doanh thu tài chính chưa thực hiện: Là số chênh lệch giữa tổng khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cộng (+) giá trị còn lại không được đảm bảo trừ (-) giá trị hiện tại của các khoản trên tính theo tỷ lệ lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài chính.

Đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài chính: Là số chênh lệch giữa đầu tư gộp trong hợp đồng thuê tài chính và doanh thu tài chính chưa thực hiện.

Lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài chính: Là tỷ lệ chiết khấu tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu và giá trị hiện tại của giá trị còn lại không được đảm bảo để cho tổng của chúng đúng bằng giá trị hợp lý của tài sản thuê.

Lãi suất biên đi vay: Là lãi suất mà bên thuê sẽ phải trả cho một hợp đồng thuê tài chính tương tự hoặc là lãi suất tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản mà bên thuê sẽ phải trả để vay một khoản cần thiết cho việc mua tài sản với một thời hạn và với một đảm bảo tương tự.

Tiền thuê có thể phát sinh thêm: Là một phần của khoản thanh toán tiền thuê, nhưng không cố định và được xác định dựa trên một yếu tố nào đó ngoài yếu tố thời gian, ví dụ: phần trăm (%) trên doanh thu, số lượng sử dụng, chỉ số giá, lãi suất thị trường.

05. Hợp đồng thuê tài sản bao gồm các quy định cho phép bên thuê được mua tài sản khi đã thực hiện đầy đủ các điều kiện thoả thuận trong hợp đồng đó gọi là hợp đồng thuê mua.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Phân loại thuê tài sản

06. Phân loại thuê tài sản áp dụng trong chuẩn mực này được căn cứ vào mức độ chuyển giao các rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản thuê từ bên cho thuê cho bên thuê. Rủi ro bao gồm khả năng thiệt hại từ việc không tận dụng hết năng lực sản xuất hoặc lạc hậu về kỹ thuật và sự biến động bất lợi về tình hình kinh tế ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn. Lợi ích là khoản lợi nhuận ước tính từ hoạt động của tài sản thuê trong khoảng thời gian sử dụng kinh tế của tài sản và thu nhập ước tính từ sự gia tăng giá trị tài sản hoặc giá trị thanh lý có thể thu hồi được.

07. Thuê tài sản được phân loại là thuê tài chính nếu nội dung hợp đồng thuê tài sản thể hiện việc chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền quyền sở hữu tài sản. Thuê tài sản được phân loại là thuê hoạt động nếu nội dung của hợp đồng thuê tài sản không có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản.

08. Bên cho thuê và bên thuê phải xác định thuê tài sản là thuê tài chính hay thuê hoạt động ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản.

09. Việc phân loại thuê tài sản là thuê tài chính hay thuê hoạt động phải căn cứ vào bản chất các điều khoản ghi trong hợp đồng. Ví dụ các trường hợp thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính là:

a) Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê;

b) Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê.

c) Thời hạn thuê tài sản chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển giao quyền sở hữu;

d) Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn giá trị hợp lý của tài sản thuê;

đ) Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sữa chữa lớn nào.

10. Hợp đồng thuê tài sản cũng được coi là hợp đồng thuê tài chính nếu hợp đồng thoả mãn ít nhất một trong ba (3) trường hợp sau:

a) Nếu bên thuê huỷ hợp đồng và đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc huỷ hợp đồng cho bên cho thuê;

b) Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;

c) Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị trường.

11. Phân loại thuê tài sản được thực hiện tại thời điểm khởi đầu thuê. Bất cứ tại thời điểm nào hai bên thoả thuận thay đổi các điều khoản của hợp đồng (trừ gia hạn hợp đồng) dẫn đến sự thay đổi cách phân loại thuê tài sản theo các tiêu chuẩn từ đoạn 06 đến đoạn 10 tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, thì các điều khoản mới thay đổi này được áp dụng cho suốt thời gian hợp đồng. Tuy nhiên, thay đổi về ước tính (ví dụ, thay đổi ước tính thời gian sử dụng kinh tế hoặc giá trị còn lại của tài sản thuê) hoặc thay đổi khả năng thanh toán của bên thuê, không dẫn đến sự phân loại mới về thuê tài sản.

12. Thuê tài sản là quyền sử dụng đất và nhà được phân loại là thuê hoạt động hoặc thuê tài chính. Tuy nhiên đất thường có thời gian sử dụng kinh tế vô hạn và quyền sở hữu sẽ không chuyển giao cho bên thuê khi hết thời hạn thuê, bên thuê không nhận phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu đất do đó thuê tài sản là quyền sử dụng đất thường được phân loại là thuê hoạt động. Số tiền thuê tài sản là quyền sử dụng đất được phân bổ dần cho suốt thời gian thuê.

GHI NHẬN THUÊ TÀI SẢN TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA BÊN THUÊ

Thuê tài chính

13. Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán với cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản. Nếu giá trị hợp lý của tài sản thuê cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản thì ghi theo giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu. Tỷ lệ chiết khấu để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản hoặc lãi suất ghi trong hợp đồng. Trường hợp không thể xác định được lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê thì sử dụng lãi suất biên đi vay của bên thuê tài sản để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu.

14. Khi trình bày các khoản nợ phải trả về thuê tài chính trong báo cáo tài chính, phải phân biệt nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

15. Chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính, như chi phí đàm phán ký hợp đồng được ghi nhận vào nguyên giá tài sản đi thuê.

16. Khoản thanh toán tiền thuê tài sản thuê tài chính phải được chia ra thành chi phí tài chính và khoản phải trả nợ gốc. Chi phí tài chính phải được tính theo từng kỳ kế toán trong suốt thời hạn thuê theo tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định trên số dư nợ còn lại cho mỗi kỳ kế toán.

17. Thuê tài chính sẽ phát sinh chi phí khấu hao tài sản và chi phí tài chính cho mỗi kỳ kế toán. Chính sách khấu hao tài sản thuê phải nhất quán với chính sách khấu hao tài sản cùng loại thuộc sở hữu của doanh nghiệp đi thuê. Nếu không chắc chắn là bên thuê sẽ có quyền sở hữu tài sản khi hết hạn hợp đồng thuê thì tài sản thuê sẽ được khấu hao theo thời gian ngắn hơn giữa thời hạn thuê hoặc thời gian sử dụng hữu ích của nó.

18. Khi trình bày tài sản thuê trong báo cáo tài chính phải tuân thủ các quy định của Chuẩn mực kế toán "TSCĐ hữu hình".

Thuê hoạt động

19. Các khoản thanh toán tiền thuê hoạt động (Không bao gồm chi phí dịch vụ, bảo hiểm và bảo dưỡng) phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh theo phương pháp đường thẳng cho suốt thời hạn thuê tài sản, không phụ thuộc vào phương thức thanh toán, trừ khi áp dụng phương pháp tính khác hợp lý hơn.

GHI NHẬN THUÊ TÀI SẢN TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA BÊN CHO THUÊ

Thuê tài chính

20. Bên cho thuê phải ghi nhận giá trị tài sản cho thuê tài chính là khoản phải thu trên Bảng cân đối kế toán bằng giá trị đầu tư thuần trong hợp đồng cho thuê tài chính.

21. Đối với thuê tài chính phần lớn rủi ro và lợi ích kinh tế gắn liền với quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cho bên thuê, vì vậy các khoản phải thu về cho thuê tài chính phải được ghi nhận là khoản phải thu vốn gốc và doanh thu tài chính từ khoản đầu tư và dịch vụ của bên cho thuê.

22. Việc ghi nhận doanh thu tài chính phải dựa trên cơ sở lãi suất định kỳ cố định trên tổng số dư đầu tư thuần cho thuê tài chính.

23. Bên cho thuê phân bổ doanh thu tài chính trong suốt thời gian cho thuê dựa trên lãi suất thuê định kỳ cố định trên số dư đầu tư thuần cho thuê tài chính. Các khoản thanh toán tiền thuê tài chính cho từng kỳ kế toán (Không bao gồm chi phí cung cấp dịch vụ) được trừ vào đầu tư gộp để làm giảm đi số vốn gốc và doanh thu tài chính chưa thực hiện.

24. Các chi phí trực tiếp ban đầu để tạo ra doanh thu tài chính như tiền hoa hồng và chi phí pháp lý phát sinh khi đàm phán ký kết hợp đồng thường do bên cho thuê chi trả và được ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ khi phát sinh hoặc được phân bổ dần vào chi phí theo thời hạn cho thuê tài sản phù hợp với việc ghi nhận doanh thu.

Thuê hoạt động

25. Bên cho thuê phải ghi nhận tài sản cho thuê hoạt động trên Bảng cân đối kế toán theo cách phân loại tài sản của doanh nghiệp.

26. Doanh thu cho thuê hoạt động phải được ghi nhận theo phương pháp đường thẳng trong suốt thời hạn cho thuê, không phụ thuộc vào phương thức thanh toán, trừ khi áp dụng phương pháp tính khác hợp lý hơn.

27. Chi phí cho thuê hoạt động, bao gồm cả khấu hao tài sản cho thuê, được ghi nhận là chi phí trong kỳ khi phát sinh.

28. Chi phí trực tiếp ban đầu để tạo ra doanh thu từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động được ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ khi phát sinh hoặc phân bổ dần vào chi phí trong suốt thời hạn cho thuê phù hợp với việc ghi nhận doanh thu cho thuê hoạt động.

29. Khấu hao tài sản cho thuê phải dựa trên một cơ sở nhất quán với chính sách khấu hao của bên cho thuê áp dụng đối với những tài sản tương tự, và chi phí khấu hao phải được tính theo quy định của Chuẩn mực kế toán "Tài sản cố định hữu hình" và Chuẩn mực kế toán "Tài sản cố định vô hình".

30. Bên cho thuê là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động theo từng thời hạn cho thuê.

Giao dịch bán và thuê lại tài sản

31. Giao dịch bán và thuê lại tài sản được thực hiện khi tài sản được bán và được chính người bán thuê lại. Phương pháp kế toán áp dụng cho các giao dịch bán và thuê lại tài sản tuỳ thuộc theo loại thuê tài sản.

32. Nếu bán và thuê lại tài sản là thuê tài chính, khoản chênh lệch giữa thu nhập bán với giá trị còn lại của tài sản phải phân bổ cho suốt thời gian thuê tài sản.

33. Nếu thuê lại tài sản là thuê tài chính có nghĩa bên cho thuê cung cấp tài chính cho bên thuê, được đảm bảo bằng tài sản. Khoản chênh lệch giữa thu nhập bán tài sản với giá trị còn lại trên sổ kế toán không được ghi nhận ngay là một khoản lãi từ việc bán tài sản mà phải ghi nhận là thu nhập chưa thực hiện và phân bổ cho suốt thời gian thuê tài sản.

34. Giao dịch bán và thuê lại tài sản là thuê hoạt động được ghi nhận khi:

- Nếu giá bán được thỏa thuận ở mức giá trị hợp lý thì các khoản lỗ hoặc lãi phải được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh;

- Nếu giá bán thấp hơn giá trị hợp lý thì các khoản lãi hoặc lỗ cũng phải được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh, trừ trường hợp khoản lỗ được bù đắp bằng khoản thuê trong tương lai ở một mức giá thuê thấp hơn giá thuê thị trường. Trường hợp này khoản lỗ không được ghi nhận ngay mà phải phân bổ dần vào chi phí phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó được dự kiến sử dụng;

- Nếu giá bán cao hơn giá trị hợp lý thì khoản chênh lệch cao hơn giá trị hợp lý phải được phân bổ dần vào thu nhập phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó được dự kiến sử dụng.

35. Nếu thuê lại tài sản là thuê hoạt động, tiền thuê và giá bán được thỏa thuận ở mức giá trị hợp lý, tức là đã thực hiện một nghiệp vụ bán hàng thông thường thì các khoản lãi hay lỗ được hạch toán ngay trong kỳ phát sinh.

36. Đối với thuê hoạt động, nếu giá trị hợp lý tại thời điểm bán và thuê lại tài sản thấp hơn giá trị còn lại của tài sản, khoản lỗ bằng số chênh lệch giữa giá trị còn lại và giá trị hợp lý phải được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh.

37. Các yêu cầu trình bày báo cáo tài chính của bên thuê và bên cho thuê các nghiệp vụ bán và thuê lại tài sản phải giống nhau. Trường hợp trong thoả thuận thuê tài sản có quy định đặc biệt thì cũng phải trình bày trên báo cáo tài chính.

TRÌNH BÀY BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Đối với bên thuê

38. Bên thuê tài sản phải trình bày các thông tin về thuê tài chính, sau:

a) Giá trị còn lại của tài sản thuê tại ngày lập báo cáo tài chính;

b) Tiền thuê phát sinh thêm được ghi nhận là chi phí trong kỳ;

c) Căn cứ để xác định tiền thuê phát sinh thêm;

d) Điều khoản gia hạn thuê hoặc quyền được mua tài sản.

39. Bên thuê tài sản phải trình bày các thông tin về thuê hoạt động, sau:

a) Tổng số tiền thuê tối thiểu trong tương lai cho hợp đồng thuê hoạt động không huỷ ngang theo các thời hạn:

- Từ một (1) năm trở xuống;

- Trên một (1) năm đến năm (5) năm;

- Trên năm (5) năm.

b) Căn cứ xác định chi phí thuê tài sản phát sinh thêm;

Đối với bên cho thuê

40. Bên cho thuê tài sản phải trình bày các thông tin về cho thuê tài chính, sau:

a) Bảng đối chiếu giữa tổng đầu tư gộp cho thuê tài sản và giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản phải thu vào ngày lập Báo cáo tài chính của kỳ báo cáo theo các thời hạn:

- Từ một (1) năm trở xuống;

- Trên một (1) năm đến năm (5) năm;

- Trên năm (5) năm.

b) Doanh thu cho thuê tài chính chưa thực hiện;

c) Giá trị còn lại của tài sản thuê không được đảm bảo theo tính toán của bên cho thuê;

d) Dự phòng luỹ kế cho các khoản phải thu khó đòi về khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu;

đ) Tiền thuê phát sinh thêm được ghi nhận là doanh thu trong kỳ.

41. Bên cho thuê tài sản phải trình bày các thông tin về cho thuê hoạt động, sau:

a) Khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu trong tương lai của các hợp đồng thuê hoạt động không huỷ ngang theo các thời hạn:

- Từ một (1) năm trở xuống;

- Trên một (1) năm đến năm (5) năm;

- Trên năm (5) năm.

b) Tổng số tiền thuê phát sinh thêm được ghi nhận là doanh thu trong kỳ;

HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM

Chuẩn mực số 10

ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC THAY ĐỔI TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán những ảnh hưởng do thay đổi tỷ giá hối đoái trong trường hợp doanh nghiệp có các giao dịch bằng ngoại tệ hoặc có các hoạt động ở nước ngoài. Các giao dịch bằng ngoại tệ và các báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài phải được chuyển sang đơn vị tiền tệ kế toán của doanh nghiệp, bao gồm: Ghi nhận ban đầu và báo cáo tại ngày lập Bảng cân đối kế toán; Ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái; Chuyển đổi báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài làm cơ sở ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho việc:

(a) Kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ;

(b) Chuyển đổi báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài khi hợp nhất các báo cáo này vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp bằng phương pháp hợp nhất hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu.

03. Các doanh nghiệp phải sử dụng Đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ kế toán, trừ trường hợp được phép sử dụng một đơn vị tiền tệ thông dụng khác.

04. Chuẩn mực này không quy định việc chuyển đổi báo cáo tài chính của một doanh nghiệp từ đơn vị tiền tệ kế toán sang một đơn vị tiền tệ khác để thuận tiện cho người sử dụng đã quen thuộc với đơn vị tiền tệ được chuyển đổi đó hoặc cho các mục đích tương tự.

05. Chuẩn mực này không đề cập đến việc trình bày các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ và từ việc chuyển đổi các luồng tiền của một hoạt động ở nước ngoài trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Quy định tại Chuẩn mực "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ").

06. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Hoạt động ở nước ngoài: Là các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh, hợp tác kinh doanh, hoạt động liên kết kinh doanh của doanh nghiệp lập báo cáo mà hoạt động của các đơn vị này được thực hiện ở một nước khác ngoài Việt Nam.

Cơ sở ở nước ngoài: Là một hoạt động ở nước ngoài, mà các hoạt động của nó là một phần độc lập đối với doanh nghiệp lập báo cáo.

Đơn vị tiền tệ kế toán: Là đơn vị tiền tệ được sử dụng chính thức trong việc ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

Ngoại tệ: Là đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán của một doanh nghiệp.

Tỷ giá hối đoái: Là tỷ giá trao đổi giữa hai đơn vị tiền tệ.

Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Là chênh lệch phát sinh từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi của cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo các tỷ giá hối đoái khác nhau.

Tỷ giá hối đoái cuối kỳ: Là tỷ giá hối đoái sử dụng tại ngày lập Bảng Cân đối kế toán.

Đầu tư thuần tại một cơ sở ở nước ngoài: Là phần vốn của doanh nghiệp báo cáo trong tổng tài sản thuần của cơ sở nước ngoài đó.

Các khoản mục tiền tệ: Là tiền và các khoản tương đương tiền hiện có, các khoản phải thu, hoặc nợ phải trả bằng một lượng tiền cố định hoặc có thể xác định được.

Các khoản mục phi tiền tệ: Là các khoản mục không phải là các khoản mục tiền tệ.

Giá trị hợp lý: Là giá trị tài sản có thể được trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Các giao dịch bằng ngoại tệ

Ghi nhận ban đầu

07. Một giao dịch bằng ngoại tệ là giao dịch được xác định bằng ngoại tệ hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ, bao gồm các giao dịch phát sinh khi một doanh nghiệp:

(a) Mua hoặc bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà giá cả được xác định bằng ngoại tệ;

(b) Vay hoặc cho vay các khoản tiền mà số phải trả hoặc phải thu được xác định bằng ngoại tệ;

(c) Trở thành một đối tác (một bên) của một hợp đồng ngoại hối chưa được thực hiện;

(d) Mua hoặc thanh lý các tài sản; phát sinh hoặc thanh toán các khoản nợ xác định bằng ngoại tệ;

(e) Dùng một loại tiền tệ này để mua, bán hoặc đổi lấy một loại tiền tệ khác.

08. Một giao dịch bằng ngoại tệ phải được hạch toán và ghi nhận ban đầu theo đơn vị tiền tệ kế toán bằng việc áp dụng tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ kế toán và ngoại tệ tại ngày giao dịch.

09. Tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch được coi là tỷ giá giao ngay. Doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá hối đoái thực tế tại ngày giao dịch. Ví dụ tỷ giá trung bình tuần hoặc tháng có thể được sử dụng cho tất cả các giao dịch phát sinh của mỗi loại ngoại tệ trong tuần, tháng đó. Nếu tỷ giá hối đoái giao động mạnh thì doanh nghiệp không được sử dụng tỷ giá trung bình cho việc kế toán của tuần hoặc tháng kế toán đó.

Báo cáo tại ngày lập Bảng cân đối kế toán

10. Tại ngày lập Bảng cân đối kế toán:

(a) Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phải được báo cáo theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ;

(b) Các khoản mục phi tiền tệ có gốc ngoại tệ phải được báo cáo theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch;

(c) Các khoản mục phi tiền tệ được xác định theo giá trị hợp lý bằng ngoại tệ phải được báo cáo theo tỷ giá hối đoái tại ngày xác định giá trị hợp lý.

11. Giá trị ghi sổ của một khoản mục được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán có liên quan. Ví dụ hàng tồn kho được xác định theo giá gốc, tài sản cố định được xác định theo nguyên giá cho dù giá trị ghi sổ được xác định trên cơ sở giá gốc, nguyên giá hay giá trị hợp lý, giá trị ghi sổ được xác định của các khoản mục có gốc ngoại tệ sau đó sẽ được báo cáo theo đơn vị tiền tệ kế toán phù hợp với quy định của chuẩn mực này.

Ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái

12. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hoặc trong việc báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ của một doanh nghiệp theo các tỷ giá hối đoái khác với tỷ giá hối đoái đã được ghi nhận ban đầu, hoặc đã được báo cáo trong báo cáo tài chính trước, được xử lý như sau:

(a) Trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để thực hiện đầu tư xây dựng và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được phản ánh luỹ kế, riêng biệt trên Bảng Cân đối kế toán. Khi TSCĐ hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng được phân bổ dần vào thu nhập hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian tối đa là 5 năm.

(b) Trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính sẽ được ghi nhận là thu nhập, hoặc chi phí trong năm tài chính, ngoại trừ chênh lệch tỷ giá hối đoái quy định trong đoạn 12c, 14, 16.

(c) Đối với doanh nghiệp sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái thì các khoản vay, nợ phải trả có gốc ngoại tệ được hạch toán theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh. Doanh nghiệp không được đánh giá lại các khoản vay, nợ phải trả có gốc ngoại tệ đã sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái.

13. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh được ghi nhận khi có sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa ngày giao dịch và ngày thanh toán của mọi khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Khi giao dịch phát sinh và được thanh toán trong cùng kỳ kế toán, các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái được hạch toán trong kỳ đó. Nếu giao dịch được thanh toán ở các kỳ kế toán sau, chênh lệch tỷ giá hối đoái được tính theo sự thay đổi của tỷ giá hối đoái trong từng kỳ cho đến kỳ giao dịch đó được thanh toán.

Đầu tư thuần vào cơ sở ở nước ngoài

14. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ về bản chất thuộc phần vốn đầu tư thuần của doanh nghiệp báo cáo tại một cơ sở ở nước ngoài thì được phân loại như là vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho đến khi thanh lý khoản đầu tư này. Tại thời điểm đó các khoản chênh lêch tỷ giá hối đoái này sẽ được hạch toán là thu nhập hoặc chi phí phù hợp với đoạn 30.

15. Một doanh nghiệp có thể có các khoản mục tiền tệ phải thu hoặc phải trả đối với cơ sở ở nước ngoài. Một khoản mục mà việc thanh toán không được xác định hoặc có thể không xảy ra trong một khoảng thời gian có thể đoán trước trong tương lai, về bản chất, làm tăng lên hoặc giảm đi khoản đầu tư thuần của doanh nghiệp ở cơ sở nước ngoài đó. Các khoản mục tiền tệ này có thể bao gồm các khoản phải thu dài hạn hoặc các khoản vay nhưng không bao gồm các khoản phải thu thương mại và các khoản phải trả thương mại.

16. Các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ được hạch toán như một khoản hạn chế rủi ro cho khoản đầu tư thuần của doanh nghiệp tại một cơ sở ở nước ngoài sẽ được phân loại như là vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho đến khi thanh lý khoản đầu tư thuần. Tại thời điểm đó các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái này sẽ được hạch toán là thu nhập hoặc chi phí phù hợp với đoạn 30.

BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI

Phân loại hoạt động ở nước ngoài

17. Phương pháp chuyển đổi các báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài tùy theo mức độ phụ thuộc về tài chính và hoạt động với doanh nghiệp báo cáo. Với mục đích này, các hoạt động ở nước ngoài được chia thành hai loại: "hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo" và "cơ sở ở nước ngoài".

18. Hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo thực hiện hoạt động kinh doanh của mình như một bộ phận của doanh nghiệp báo cáo. Ví dụ, hoạt động bán hàng nhập khẩu từ doanh nghiệp ở nước ngoài và chuyển số tiền thu được về doanh nghiệp báo cáo. Trong trường hợp này, sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền báo cáo và đồng tiền của nước có hoạt động ở nước ngoài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động của doanh nghiệp báo cáo. Do đó, sự thay đổi tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến từng khoản mục tiền tệ của hoạt động ở nước ngoài hơn là khoản đầu tư thuần của doanh nghiệp báo cáo trong hoạt động đó.

19. Cơ sở ở nước ngoài là đơn vị hoạt động kinh doanh độc lập, có tư cách pháp nhân ở nước sở tại, sử dụng đồng tiền của nước sở tại làm đơn vị tiền tệ kế toán. Cơ sở này có thể cũng tham gia vào các giao dịch bằng ngoại tệ, bao gồm cả giao dịch bằng đồng tiền báo cáo. Khi có một sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền báo cáo và đồng tiền của nước sở tại, chỉ có ảnh hưởng nhỏ hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến hiện tại và tương lai của các luồng tiền từ các hoạt động của cơ sở ở nước ngoài cũng như doanh nghiệp báo cáo. Thay đổi tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến khoản đầu tư ròng của doanh nghiệp báo cáo hơn là đối với các khoản mục tiền tệ và phi tiền tệ riêng lẻ của cơ sở ở nước ngoài.

20. Những đặc điểm nhận biết một cơ sở ở nước ngoài:

(a) Các hoạt động ở nước ngoài được tiến hành với mức độ độc lập cao với doanh nghiệp báo cáo.

(b) Các giao dịch với doanh nghiệp báo cáo chiếm tỷ trọng không lớn trong các hoạt động ở nước ngoài.

(c) Các hoạt động ở nước ngoài tự tài trợ là chính hoặc từ các khoản vay tại nước ngoài hơn là từ doanh nghiệp báo cáo.

(d) Các chi phí về lao động, nguyên vật liệu và các bộ phận cấu thành khác của sản phẩm hoặc dịch vụ của hoạt động ở nước ngoài được chi trả và thanh toán chủ yếu bằng đồng tiền của nước sở tại hơn là đơn vị tiền tệ của doanh nghiệp báo cáo.

(đ) Doanh thu của hoạt động ở nước ngoài chủ yếu bằng các đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ của doanh nghiệp báo cáo;

(e) Lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp báo cáo là biệt lập với các hoạt động hàng ngày của hoạt động ở nước ngoài, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động của hoạt động ở nước ngoài.

Phân loại hợp lý từng hoạt động ở nước ngoài có thể dựa trên các đặc điểm phân biệt nêu trên. Trong một số trường hợp, phân loại một hoạt động ở nước ngoài là một cơ sở nước ngoài hay là một hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với doanh nghiệp báo cáo có thể không rõ ràng, do đó cần phải đánh giá để phân loại hợp lý.

Hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo

21. Các báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo sẽ được chuyển đổi theo các quy định từ đoạn 7 đến đoạn 16 như là hoạt động của chính doanh nghiệp báo cáo.

22. Từng khoản mục trong báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài được chuyển đổi như giao dịch của hoạt động ở nước ngoài được thực hiệc bởi doanh nghiệp báo cáo. Nguyên giá và khấu hao tài sản cố định được quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua tài sản. Nếu tài sản tính theo giá trị hợp lý thì sử dụng tỷ giá tại ngày xác định giá trị hợp lý. Trị giá hàng tồn kho được quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm xác định trị giá hàng tồn kho. Khoản có thể thu hồi hoặc giá trị có thể thực hiện của một tài sản được chuyển đổi theo tỷ giá thực tế tại thời điểm các khoản này được xác định.

23. Trên thực tế, một tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại ngày diễn ra hoạt động giao dịch thường được sử dụng. Ví dụ tỷ giá trung bình trong tuần hoặc tháng có thể được sử dụng cho tất cả các giao dịch bằng ngoại tệ diễn ra trong thời kỳ đó. Tuy nhiên, nếu tỷ giá hối đoái dao động mạnh, việc sử dụng tỷ giá trung bình cho một giai đoạn là không thể áp dụng được.

Cơ sở ở nước ngoài

24. Khi chuyển đổi báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài để tổng hợp vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp báo cáo phải tuân theo những quy định sau:

a) Tài sản và nợ phải trả (cả khoản mục tiền tệ và phi tiền tệ) của cơ sở ở nước ngoài được quy đổi theo tỷ giá cuối kỳ;

b) Các khoản mục về doanh thu, thu nhập khác và chi phí của cơ sở ở nước ngoài được quy đổi theo tỷ giá tại ngày giao dịch. Trường hợp báo cáo của cơ sở ở nước ngoài được báo cáo bằng đồng tiền của một nền kinh tế siêu lạm phát thì doanh thu, thu nhập khác và chi phí được quy đổi theo tỷ giá cuối kỳ;

c) Tất cả các khoản chênh lệch hối đoái khi chuyển đổi báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài để tổng hợp vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp báo cáo phải được phân loại như là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp báo cáo cho đến khi thanh lý khoản đầu tư thuần đó.

25. Trường hợp tỷ giá trung bình xấp xỉ tỷ giá thực tế thì tỷ giá trung bình được sử dụng để chuyển đổi các khoản mục doanh thu, thu nhập khác và chi phí của cơ sở ở nước ngoài.

26. Các trường hợp phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái khi chuyển đổi báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài:

a) Chuyển đổi các khoản mục doanh thu, thu nhập khác và chi phí theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch, các tài sản và các khoản nợ phải trả theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ;

b) Chuyển đổi khoản đầu tư thuần đầu kỳ tại cơ sở ở nước ngoài theo một tỷ giá hối đoái khác với tỷ giá hối đoái đã được phản ánh kỳ trước;

c) Các khoản thay đổi khác liên quan đến vốn chủ sở hữu tại cơ sở nước ngoài.

Những khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái này không được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong kỳ. Những khoản thay đổi tỷ giá này thường có ít ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không trực tiếp đến các luồng tiền từ hoạt động hiện tại và trong tương lai của cơ sở ở nước ngoài cũng như của doanh nghiệp báo cáo. Khi một cơ sở ở nước ngoài được hợp nhất nhưng không phải là sở hữu toàn bộ thì khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái lũy kế phát sinh từ việc chuyển đổi và gắn liền với phần đầu tư vào cơ sở ở nước ngoài của cổ đông thiểu số phải được phân bổ và được báo cáo như là một phần sở hữu của cổ đông thiểu số tại cơ sở ở nước ngoài trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

27. Mọi giá trị lợi thế thương mại phát sinh khi mua cơ sở ở nước ngoài và mọi sự điều chỉnh giá trị hợp lý về giá trị ghi sổ của tài sản và nợ phải trả phát sinh trong quá trình mua cơ sở ở nước ngoài đều được xử lý như là:

a) Tài sản và nợ phải trả của cơ sở ở nước ngoài được chuyển đổi theo tỷ giá cuối kỳ như quy định tại đoạn 23.

b) Tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp báo cáo đã được thể hiện bằng ngoại tệ báo cáo, hoặc là khoản mục phi tiền tệ, được báo cáo theo tỷ giá tại ngày giao dịch như quy định tại đoạn 10(b).

28. Việc hợp nhất báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp báo cáo phải tuân theo các thủ tục hợp nhất thông thường, như loại bỏ các số dư trong tập đoàn và các nghiệp vụ với các công ty trong tập đoàn của một công ty con (Xem Chuẩn mực kế toán "Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản vốn góp vào các công ty con" và Chuẩn mực kế toán "Thông tin tài chính về các khoản vốn góp liên doanh"). Tuy nhiên, một khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong một khoản mục tiền tệ trong tập đoàn dù là ngắn hạn hay dài hạn cũng không thể loại trừ vào khoản tương ứng trong số dư khác trong tập đoàn bởi vì khoản mục tiền tệ này thể hiện một sự cam kết để chuyển đổi một ngoại tệ thành một ngoại tệ khác và đưa đến lãi hoặc lỗ cho doanh nghiệp báo cáo do thay đổi tỷ giá hối đoái. Vì vậy, trong báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp báo cáo, chênh lệch tỷ giá hối đoái được hạch toán là thu nhập hoặc chi phí, hoặc nếu nó phát sinh từ các trường hợp như trình bày ở đoạn 14 và 16 thì sẽ được phân loại như là vốn chủ sở hữu cho đến khi thanh lý khoản đầu tư thuần.

29. Ngày lập báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài phải phù hợp với ngày lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp báo cáo. Trường hợp không thể lập được báo cáo tài chính cùng ngày thì cho phép tổng hợp báo cáo tài chính có ngày khác biệt không quá 3 tháng. Trường hợp này, tài sản và nợ phải trả của cơ sở ở nước ngoài được chuyển đổi theo tỷ giá tại ngày lập Bảng cân đối kế toán của cơ sở ở nước ngoài. Khi có sự thay đổi lớn về tỷ giá hối đoái giữa ngày lập báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài so với ngày lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp báo cáo thì phải có sự điều chỉnh thích hợp từ ngày đó cho đến ngày lập Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp báo cáo theo Chuẩn mực kế toán "Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản vốn góp vào các công ty con" và Chuẩn mực kế toán "Thông tin tài chính về các khoản vốn góp liên doanh".

Thanh lý cơ sở ở nước ngoài

30. Khi thanh lý cơ sở ở nước ngoài, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái lũy kế đã bị hoãn lại (theo quy định tại đoạn 24.c) và liên quan đến cơ sở ở nước ngoài đó sẽ được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí cùng với kỳ mà lãi hoặc lỗ về việc thanh lý được ghi nhận.

31. Một doanh nghiệp có thể thanh lý khoản đầu tư tại một cơ sở ở nước ngoài thông qua bán, phát mại, thanh toán lại vốn cổ phần hoặc từ bỏ tất cả hoặc một phần vốn ở cơ sở đó. Thanh toán cổ tức là một hình thức thanh lý chỉ khi nó là một sự thu hồi khoản đầu tư. Trường hợp thanh lý từng phần, chỉ có chênh lệch tỷ giá hối đoái lũy kế liên quan đến phần vốn sở hữu được tính vào lãi hoặc lỗ. Một sự ghi giảm giá trị kế toán của cơ sở nước ngoài không tạo nên thanh lý từng phần. Trường hợp này, không có phần lãi hoặc lỗ nào về chênh lệch tỷ giá hối đoái hoãn lại được ghi nhận vào thời điểm ghi giảm.

Sự thay đổi trong việc phân loại hoạt động ở nước ngoài

32. Khi có sự thay đổi trong việc phân loại hoạt động ở nước ngoài, các quy định chuyển đổi báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài được áp dụng kể từ ngày thay đổi phân loại đó.

33. Việc phân loại hoạt động ở nước ngoài có thể thay đổi khi có sự thay đổi mức độ phụ thuộc về tài chính và hoạt động với doanh nghiệp báo cáo. Khi hoạt động ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo được phân loại lại như một cơ sở ở nước ngoài thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ việc chuyển đổi tài sản phi tiền tệ được phân loại như là vốn chủ sở hữu tại ngày phân loại lại. Khi một cơ sở ở nước ngoài được phân loại lại như một hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo, giá trị đã được chuyển đổi của những khoản mục tài sản phi tiền tệ tại ngày chuyển đổi được coi như là giá gốc của chúng trong kỳ thay đổi và các kỳ tiếp theo. Chênh lệch tỷ giá hối đoái hoãn lại không được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí cho đến khi thanh lý hoạt động.

Trình bày báo cáo tài chính

34. Doanh nghiệp phải trình bày trong báo cáo tài chính:

a) Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đã được ghi nhận trong lãi hoặc lỗ thuần trong kỳ;

b) Chênh lệch tỷ giá hối đoái thuần được phân loại như vốn chủ sở hữu (theo đoạn 12a, đoạn14) và phản ánh là một phần riêng biệt của vốn chủ sở hữu và phải trình bày cả khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đầu kỳ và cuối kỳ;

35. Khi đơn vị tiền tệ báo cáo khác với đồng tiền của nước sở tại mà doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp phải trình bày rõ lý do, kể cả khi thay đổi đơn vị tiền tệ báo cáo.

36. Khi có sự thay đổi trong việc phân loại hoạt động ở nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp báo cáo thì doanh nghiệp phải trình bày:

a) Bản chất của sự thay đổi trong việc phân loại;

b) Lý do thay đổi;

c) ảnh hưởng của sự thay đổi trong việc phân loại đến vốn chủ sở hữu;

d) Tác động đến lãi, lỗ thuần của kỳ trước có ảnh hưởng trong việc phân loại diễn ra ở đầu kỳ gần nhất.

37. Doanh nghiệp phải trình bày phương pháp được lựa chọn (theo quy định tại đoạn 27) để chuyển đổi các điều chỉnh về giá trị lợi thế thương mại và giá trị hợp lý phát sinh trong việc mua cơ sở ở nước ngoài.

HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM

Chuẩn mực số 15

HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng xây dựng, gồm: Nội dung doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng; ghi nhận doanh thu, chi phí của hợp đồng xây dựng làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán hợp đồng xây dựng và lập báo cáo tài chính của các nhà thầu.

03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Hợp đồng xây dựng: Là hợp đồng bằng văn bản về việc xây dựng một tài sản hoặc tổ hợp các tài sản có liên quan chặt chẽ hay phụ thuộc lẫn nhau về mặt thiết kế, công nghệ, chức năng hoặc các mục đích sử dụng cơ bản của chúng.

Hợp đồng xây dựng với giá cố định: Là hợp đồng xây dựng trong đó nhà thầu chấp thuận một mức giá cố định cho toàn bộ hợp đồng hoặc một đơn giá cố định trên một đơn vị sản phẩm hoàn thành. Trong một số trường hợp khi giá cả tăng lên, mức giá đó có thể thay đổi phụ thuộc vào các điều khoản ghi trong hợp đồng.

Hợp đồng xây dựng với chi phí phụ thêm: Là hợp đồng xây dựng trong đó nhà thầu được hoàn lại các chi phí thực tế được phép thanh toán, cộng (+) thêm một khoản được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên những chi phí này hoặc được tính thêm một khoản phí cố định.

04. Hợp đồng xây dựng có thể được thỏa thuận để xây dựng một tài sản đơn lẻ, như: Một chiếc cầu, một tòa nhà, một đường ống dẫn dầu, một con đường hoặc xây dựng tổ hợp các tài sản có liên quan chặt chẽ hay phụ thuộc lẫn nhau về thiết kế, công nghệ, chức năng hay mục đích sử dụng cơ bản của chúng, như: Một nhà máy lọc dầu, tổ hợp nhà máy dệt, may.

05. Trong chuẩn mực này, hợp đồng xây dựng còn bao gồm:

(a) Hợp đồng dịch vụ có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng tài sản, như: Hợp đồng tư vấn, thiết kế, khảo sát; Hợp đồng dịch vụ quản lý dự án và kiến trúc;

(b) Hợp đồng phục chế hay phá hủy các tài sản và khôi phục môi trường sau khi phá hủy các tài sản.

06. Hợp đồng xây dựng quy định trong chuẩn mực này được phân loại thành hợp đồng xây dựng với giá cố định và hợp đồng xây dựng với chi phí phụ thêm. Một số hợp đồng xây dựng có đặc điểm của cả hợp đồng với giá cố định và hợp đồng với chi phí phụ thêm. Ví dụ hợp đồng xây dựng với chi phí phụ thêm nhưng có thỏa thuận mức giá tối đa. Trường hợp này, nhà thầu cần phải xem xét tất cả các điều kiện quy định trong đoạn 23 và 24 để ghi nhận doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng.

Kết hợp và phân chia hợp đồng xây dựng

07. Các yêu cầu của chuẩn mực này thường áp dụng riêng rẽ cho từng hợp đồng xây dựng. Trong một số trường hợp, chuẩn mực này được áp dụng cho những phần riêng biệt có thể nhận biết được của một hợp đồng riêng rẽ hoặc một nhóm các hợp đồng để phản ánh bản chất của hợp đồng hay nhóm các hợp đồng xây dựng.

08. Một hợp đồng xây dựng liên quan đến xây dựng một số tài sản thì việc xây dựng mỗi tài sản sẽ được coi như một hợp đồng xây dựng riêng rẽ khi thỏa mãn đồng thời ba (3) điều kiện sau:

(a) Có thiết kế, dự toán được xác định riêng rẽ cho từng tài sản và mỗi tài sản có thể hoạt động độc lập;

(b) Mỗi tài sản có thể được đàm phán riêng với từng nhà thầu và khách hàng có thể chấp thuận hoặc từ chối phần hợp đồng liên quan đến từng tài sản;

(c) Có thể xác định được chi phí và doanh thu của từng tài sản.

09. Một nhóm các hợp đồng ký với một khách hàng hay với một số khách hàng, sẽ được coi là một hợp đồng xây dựng khi thỏa mãn đồng thời ba (3) điều kiện sau:

(a) Các hợp đồng này được đàm phán như là một hợp đồng trọn gói;

(b) Các hợp đồng có mối liên hệ rất mật thiết với nhau đến mức trên thực tế chúng là nhiều bộ phận của một dự án có mức lãi gộp ước tính tương đương;

(c) Các hợp đồng được thực hiện đồng thời hoặc theo một quá trình liên tục.

10. Một hợp đồng có thể bao gồm việc xây dựng thêm một tài sản theo yêu cầu của khách hàng hoặc hợp đồng có thể sửa đổi để bao gồm việc xây dựng thêm một tài sản đó. Việc xây dựng thêm một tài sản chỉ được coi là hợp đồng xây dựng riêng rẽ khi:

(a) Tài sản này có sự khác biệt lớn và độc lập so với các tài sản nêu trong hợp đồng ban đầu về thiết kế, công nghệ và chức năng; hoặc

(b) Giá của hợp đồng xây dựng tài sản này được thỏa thuận không liên quan đến giá cả của hợp đồng ban đầu.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Doanh thu của hợp đồng xây dựng

11. Doanh thu của hợp đồng xây dựng bao gồm:

(a) Doanh thu ban đầu được ghi trong hợp đồng; và

(b) Các khoản tăng, giảm khi thực hiện hợp đồng, các khoản tiền thưởng và các khoản thanh toán khác nếu các khoản này có khả năng làm thay đổi doanh thu, và có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

12. Doanh thu của hợp đồng xây dựng được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được. Việc xác định doanh thu của hợp đồng chịu tác động của nhiều yếu tố không chắc chắn vì chúng tuỳ thuộc vào các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Việc ước tính thường phải được sửa đổi khi các sự kiện đó phát sinh và những yếu tố không chắc chắn được giải quyết. Vì vậy, doanh thu của hợp đồng có thể tăng hay giảm ở từng thời kỳ. Ví dụ:

(a) Nhà thầu và khách hàng có thể đồng ý với nhau về các thay đổi và các yêu cầu làm tăng hoặc giảm doanh thu của hợp đồng trong kỳ tiếp theo so với hợp đồng được chấp thuận ban đầu;

(b) Doanh thu đã được thỏa thuận trong hợp đồng với giá cố định có thể tăng vì lý do giá cả tăng lên;

(c) Doanh thu theo hợp đồng có thể bị giảm do nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng xây dựng theo thỏa thuận trong hợp đồng;

(d) Khi hợp đồng với giá cố định quy định mức giá cố định cho một đơn vị sản phẩm hoàn thành thì doanh thu theo hợp đồng sẽ tăng hoặc giảm khi khối lượng sản phẩm tăng hoặc giảm.

13. Sự thay đổi theo yêu cầu của khách hàng về phạm vi công việc được thực hiện theo hợp đồng. Ví dụ: Sự thay đổi yêu cầu kỹ thuật hay thiết kế của tài sản và thay đổi khác trong quá trình thực hiện hợp đồng. Sự thay đổi này chỉ được tính vào doanh thu của hợp đồng khi:

(a) Có khả năng chắc chắn khách hàng sẽ chấp thuận các thay đổi và doanh thu phát sinh từ các thay đổi đó; và

(b) Doanh thu có thể xác định được một cách tin cậy.

14. Khoản tiền thưởng là các khoản phụ thêm trả cho nhà thầu nếu họ thực hiện hợp đồng đạt hay vượt mức yêu cầu. Ví dụ, trong hợp đồng có dự kiến trả cho nhà thầu khoản tiền thưởng vì hoàn thành sớm hợp đồng. Khoản tiền thưởng được tính vào doanh thu của hợp đồng khi:

(a) Chắc chắn đạt hoặc vượt mức một số tiêu chuẩn cụ thể đã ghi trong hợp đồng; và

(b) Khoản tiền thưởng có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

15. Một khoản thanh toán khác mà nhà thầu thu được từ khách hàng hay một bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá hợp đồng. Ví dụ: Sự chậm trễ do khách hàng gây nên; sai sót trong các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc thiết kế và các tranh chấp về các thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng. Việc xác định doanh thu tăng thêm từ các khoản thanh toán trên còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố không chắc chắn và thường phụ thuộc vào kết quả của nhiều cuộc đàm phán. Do đó, các khoản thanh toán khác chỉ được tính vào doanh thu của hợp đồng khi:

(a) Các thoả thuận đã đạt được kết quả là khách hàng sẽ chấp thuận bồi thường;

(b) Khoản thanh toán khác được khách hàng chấp thuận và được xác định một cách đáng tin cậy.

CHI PHÍ CỦA HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

16. Chi phí của hợp đồng xây dựng bao gồm:

(a) Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng;

(b) Chi phí chung liên quan đến hoạt động của các hợp đồng và có thể phân bổ cho từng hợp đồng cụ thể;

(c) Các chi phí khác có thể thu lại từ khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng.

17. Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng bao gồm:

(a) Chi phí nhân công tại công trường, bao gồm cả chi phí giám sát công trình;

(b) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, bao gồm cả thiết bị cho công trình;

(c) Khấu hao máy móc, thiết bị và các TSCĐ khác sử dụng để thực hiện hợp đồng;

(d) Chi phí vận chuyển, lắp đặt, tháo dỡ máy móc, thiết bị và nguyên liệu, vật liệu đến và đi khỏi công trình;

(đ) Chi phí thuê nhà xưởng, máy móc, thiết bị để thực hiện hợp đồng;

(e) Chi phí thiết kế và trợ giúp kỹ thuật liên quan trực tiếp đến hợp đồng;

(g) Chi phí dự tính để sửa chữa và bảo hành công trình;

(h) Các chi phí liên quan trực tiếp khác.

Chi phí liên quan trực tiếp của từng hợp đồng sẽ được giảm khi có các khoản thu nhập khác không bao gồm trong doanh thu của hợp đồng. Ví dụ: Các khoản thu từ việc bán nguyên liệu, vật liệu thừa, thu thanh lý máy móc, thiết bị thi công khi kết thúc hợp đồng.

18. Chi phí chung liên quan đến hoạt động của các hợp đồng xây dựng và có thể phân bổ cho từng hợp đồng, bao gồm:

(a) Chi phí bảo hiểm;

(b) Chi phí thiết kế và trợ giúp kỹ thuật không liên quan trực tiếp đến một hợp đồng cụ thể;

(c) Chi phí quản lý chung trong xây dựng.

Các chi phí trên được phân bổ theo các phương pháp thích hợp một cách có hệ thống theo tỷ lệ hợp lý và được áp dụng thống nhất cho tất cả các chi phí có các đặc điểm tương tự. Việc phân bổ cần dựa trên mức thông thường của hoạt động xây dựng. (Chi phí chung liên quan đến hoạt động của các hợp đồng và có thể phân bổ cho từng hợp đồng cũng bao gồm chi phí đi vay nếu thỏa mãn các điều kiện chi phí đi vay được vốn hóa theo quy định trong Chuẩn mực "Chi phí đi vay").

19. Các chi phí khác có thể thu lại từ khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng như chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí triển khai mà khách hàng phải trả lại cho nhà thầu đã được quy định trong hợp đồng.

20. Chi phí không liên quan đến hoạt động của hợp đồng hoặc không thể phân bổ cho hợp đồng xây dựng thì không được tính trong chi phí của hợp đồng xây dựng. Các chi phí này bao gồm:

(a) Chi phí quản lý hành chính chung, hoặc chi phí nghiên cứu, triển khai mà hợp đồng không quy định khách hàng phải trả cho nhà thầu.

(b) Chi phí bán hàng;

(c) Khấu hao máy móc, thiết bị và TSCĐ khác không sử dụng cho hợp đồng xây dựng.

21. Chi phí của hợp đồng bao gồm chi phí liên quan đến hợp đồng trong suốt giai đoạn kể từ khi ký hợp đồng cho đến khi kết thúc hợp đồng. Các chi phí liên quan trực tiếp đến hợp đồng phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng cũng được coi là một phần chi phí của hợp đồng nếu chúng có thể xác định riêng rẽ, có thể ước tính một cách đáng tin cậy và có nhiều khả năng là hợp đồng sẽ được ký kết. Nếu chi phí phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng đã được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi chúng phát sinh thì chúng không còn được coi là chi phí của hợp đồng xây dựng khi hợp đồng được ký kết vào thời kỳ tiếp sau.

Ghi nhận doanh thu và chi phí của hợp đồng

22. Doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng được ghi nhận theo 2 trường hợp sau:

(a) Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập báo cáo tài chính mà không phụ thuộc vào hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập hay chưa và số tiền ghi trên hóa đơn là bao nhiêu.

(b) Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, thì doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận trong kỳ được phản ánh trên hóa đơn đã lập.

23. Đối với hợp đồng xây dựng với giá cố định, kết quả của hợp đồng được ước tính một cách đáng tin cậy khi đồng thời thỏa mãn bốn (4) điều kiện sau:

(a) Tổng doanh thu của hợp đồng tính toán được một cách đáng tin cậy;

(b) Doanh nghiệp thu được lợi ích kinh tế từ hợp đồng;

(c) Chi phí để hoàn thành hợp đồng và phần công việc đã hoàn thành tại thời điểm lập báo cáo tài chính được tính toán một cách đáng tin cậy;

(d) Các khoản chi phí liên quan đến hợp đồng có thể xác định được rõ ràng và tính toán được một cách đáng tin cậy để tổng chi phí thực tế của hợp đồng có thể so sánh được với tổng dự toán.

24. Đối với hợp đồng xây dựng với chi phí phụ thêm, kết quả của hợp đồng được ước tính một cách tin cậy khi đồng thời thỏa mãn hai điều kiện sau:

(a) Doanh nghiệp thu được lợi ích kinh tế từ hợp đồng;

(b) Các khoản chi phí liên quan đến hợp đồng có thể xác định được rõ ràng và tính toán được một cách đáng tin cậy không kể có được hoàn trả hay không.

25. Doanh thu và chi phí được ghi nhận theo phần công việc đã hoàn thành của hợp đồng được gọi là phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) hoàn thành. Theo phương pháp này, doanh thu được xác định phù hợp với chi phí đã phát sinh của khối lượng công việc đã hoàn thành thể hiện trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

26. Theo phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) hoàn thành, doanh thu và chi phí của hợp đồng được ghi nhận trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là doanh thu và chi phí của phần công việc đã hoàn thành trong kỳ báo cáo.

27. Một nhà thầu có thể phải bỏ ra những chi phí liên quan tới việc hình thành hợp đồng. Những chi phí này được ghi nhận là các khoản ứng trước nếu chúng có thể được hoàn trả. Những chi phí này thể hiện một lượng tiền mà khách hàng phải trả và được phân loại như là công trình xây dựng dở dang.

28. Kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng chỉ có thể xác định được một cách đáng tin cậy khi doanh nghiệp có thể thu được lợi ích kinh tế từ hợp đồng. Trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng không thu được một khoản nào đó đã được tính trong doanh thu của hợp đồng và đã được ghi trong báo cáo kết quả kinh doanh thì những khoản không có khả năng thu được đó phải được ghi nhận vào chi phí.

29. Doanh nghiệp chỉ có thể lập các ước tính về doanh thu hợp đồng xây dựng một cách đáng tin cậy khi đã thỏa thuận trong hợp đồng các điều khoản sau:

(a) Trách nhiệm pháp lý của mỗi bên đối với tài sản được xây dựng;

(b) Các điều kiện để thay đổi giá trị hợp đồng;

(c) Phương thức và thời hạn thanh toán.

Doanh nghiệp phải thường xuyên xem xét và khi cần thiết phải điều chỉnh lại các dự toán về doanh thu và chi phí của hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng.

30. Phần công việc đã hoàn thành của hợp đồng làm cơ sở xác định doanh thu có thể được xác định bằng nhiều cách khác nhau. Doanh nghiệp cần sử dụng phương pháp tính toán thích hợp để xác định phần công việc đã hoàn thành. Tuỳ thuộc vào bản chất của hợp đồng xây dựng, doanh nghiệp lựa chọn áp dụng một trong ba (3) phương pháp sau để xác định phần công việc hoàn thành:

(a) Tỷ lệ phần trăm (%) giữa chi phí đã phát sinh của phần công việc đã hoàn thành tại một thời điểm so với tổng chi phí dự toán của hợp đồng;

(b) Đánh giá phần công việc đã hoàn thành; hoặc

(c) Tỷ lệ phần trăm (%) giữa khối lượng xây lắp đã hoàn thành so với tổng khối lượng xây lắp phải hoàn thành của hợp đồng.

Việc thanh toán theo tiến độ và những khoản ứng trước nhận được từ khách hàng thường không phản ánh phần công việc đã hoàn thành.

31. Khi phần công việc đã hoàn thành được xác định bằng phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) giữa chi phí đã phát sinh của phần công việc đã hoàn thành tại một thời điểm so với tổng chi phí dự toán của hợp đồng, thì những chi phí liên quan tới phần công việc đã hoàn thành sẽ được tính vào chi phí cho tới thời điểm đó. Những chi phí không được tính vào phần công việc đã hoàn thành của hợp đồng có thể là:

(a) Chi phí của hợp đồng xây dựng liên quan tới các hoạt động trong tương lai của hợp đồng như: Chi phí nguyên vật liệu đã được chuyển tới địa điểm xây dựng hoặc được dành ra cho việc sử dụng trong hợp đồng nhưng chưa được lắp đặt, chưa sử dụng trong quá trình thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp những nguyên vật liệu đó được chế tạo đặc biệt cho hợp đồng;

(b) Các khoản tạm ứng cho nhà thầu phụ trước khi công việc của hợp đồng phụ được hoàn thành.

32. Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng không thể ước tính được một cách đáng tin cậy, thì:

(a) Doanh thu chỉ được ghi nhận tương đương với chi phí của hợp đồng đã phát sinh mà việc được hoàn trả là tương đối chắc chắn;

(b) Chi phí của hợp đồng chỉ được ghi nhận là chi phí trong kỳ khi các chi phí này đã phát sinh.

33. Trong giai đoạn đầu của một hợp đồng xây dựng thường xảy ra trường hợp kết quả thực hiện hợp đồng không thể ước tính được một cách đáng tin cậy. Trường hợp doanh nghiệp có thể thu hồi được những khoản chi phí của hợp đồng đã bỏ ra thì doanh thu của hợp đồng được ghi nhận chỉ tới mức các chi phí đã bỏ ra có khả năng thu hồi. Khi kết quả thực hiện hợp đồng không thể ước tính được một cách đáng tin cậy thì không một khoản lợi nhuận nào được ghi nhận, kể cả khi tổng chi phí thực hiện hợp đồng có thể vượt quá tổng doanh thu của hợp đồng.

34. Các chi phí liên quan đến hợp đồng không thể thu hồi được phải được ghi nhận ngay là chi phí trong kỳ đối với các trường hợp:

(a) Không đủ điều kiện về mặt pháp lý để tiếp tục thực hiện hợp đồng;

(b) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng còn tuỳ thuộc vào kết quả xử lý các đơn kiện hoặc ý kiến của cơ quan có thẩm quyền;

(c) Hợp đồng có liên quan tới tài sản có khả năng bị trưng thu hoặc tịch thu;

(d) Hợp đồng mà khách hàng không thể thực thi nghĩa vụ của mình;

(đ) Hợp đồng mà nhà thầu không thể hoàn thành hoặc không thể thực thi theo nghĩa vụ quy định trong hợp đồng.

35. Khi loại bỏ được các yếu tố không chắc chắn liên quan đến việc ước tính một cách đáng tin cậy kết quả thực hiện hợp đồng thì doanh thu và chi phí có liên quan tới hợp đồng xây dựng sẽ được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành.

Những thay đổi trong các ước tính

36. Phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) hoàn thành được tính trên cơ sở luỹ kế từ khi khởi công đến cuối mỗi kỳ kế toán đối với các ước tính về doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng. ảnh hưởng của mỗi thay đổi trong việc ước tính doanh thu hoặc chi phí của hợp đồng, hoặc ảnh hưởng của mỗi thay đổi trong ước tính kết quả thực hiện hợp đồng được hạch toán như một thay đổi ước tính kế toán. Những ước tính đã thay đổi được sử dụng trong việc xác định doanh thu và chi phí được ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ xảy ra sự thay đổi đó hoặc trong các kỳ tiếp theo.

Trình bày báo cáo tài chính

37. Doanh nghiệp phải trình bày trong báo cáo tài chính:

(a) Phương pháp xác định doanh thu ghi nhận trong kỳ và phương pháp xác định phần công việc đã hoàn thành của hợp đồng xây dựng;

(b) Doanh thu của hợp đồng xây dựng được ghi nhận trong kỳ báo cáo;

(c) Tổng doanh thu luỹ kế của hợp đồng xây dựng được ghi nhận cho tới thời điểm báo cáo;

(d) Số tiền còn phải trả cho khách hàng;

(đ) Số tiền còn phải thu của khách hàng;

Đối với nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch quy định trong hợp đồng xây dựng (trường hợp quy định tại đoạn 22a) phải báo cáo thêm các chỉ tiêu:

(e) Phải thu theo tiến độ kế hoạch;

(g) Phải trả theo tiến độ kế hoạch.

38. Số tiền còn phải trả cho khách hàng là khoản tiền nhà thầu nhận được trước khi công việc tương ứng của hợp đồng được thực hiện.

39. Số tiền còn phải thu của khách hàng là khoản tiền đã ghi trong hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch hoặc hóa đơn thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện nhưng chưa được trả cho đến khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện chi trả theo quy định trong hợp đồng, hoặc cho đến khi những sai sót đã được sửa chữa.

40. Phải thu theo tiến độ kế hoạch là số tiền chênh lệch giữa tổng doanh thu luỹ kế của hợp đồng xây dựng đã được ghi nhận cho tới thời điểm báo cáo, lớn hơn khoản tiền luỹ kế ghi trên hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch của hợp đồng.

Chỉ tiêu này áp dụng đối với các hợp đồng xây dựng đang thực hiện mà các khoản doanh thu luỹ kế đã được ghi nhận lớn hơn các khoản tiền luỹ kế ghi trên hóa đơn thanh toán theo tiến độ tới thời điểm báo cáo.

41. Phải trả theo tiến độ kế hoạch là số tiền chênh lệch giữa tổng doanh thu luỹ kế của hợp đồng xây dựng đã được ghi nhận cho tới thời điểm báo cáo, nhỏ hơn khoản tiền luỹ kế ghi trên hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch của hợp đồng.

Chỉ tiêu này áp dụng đối với các hợp đồng xây dựng đang thực hiện mà các khoản tiền luỹ kế ghi trên các hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch vượt quá các khoản doanh thu luỹ kế đã được ghi nhận tới thời điểm báo cáo.

HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM

Chuẩn mực số 16

CHI PHÍ ĐI VAY
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với chi phí đi vay, gồm: ghi nhận chi phí đi vay vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ; vốn hoá chi phí đi vay khi các chi phí này liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán chi phí đi vay.

03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Chi phí đi vay: Là lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp.

Tài sản dở dang: Là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần có một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán.

04. Chi phí đi vay bao gồm:

(a) Lãi tiền vay ngắn hạn, lãi tiền vay dài hạn, kể cả lãi tiền vay trên các khoản thấu chi;

(b) Phần phân bổ các khoản chiết khấu hoặc phụ trội phát sinh liên quan đến những khoản vay do phát hành trái phiếu;

(c) Phần phân bổ các khoản chi phí phụ phát sinh liên quan tới quá trình làm thủ tục vay;

(d) Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính.

05. Ví dụ: Tài sản dở dang là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sản xuất, sử dụng; sản phẩm dở dang đang trong quá trình sản xuất của những ngành nghề có chu kỳ sản xuất dài trên 12 tháng.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Ghi nhận chi phí đi vay

06. Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hoá theo quy định tại đoạn 07.

07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này.

08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

Xác định chi phí đi vay được vốn hoá

09. Trường hợp khoản vốn vay riêng biệt chỉ sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá cho tài sản dở dang đó sẽ được xác định là chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các khoản vay trừ (-) đi các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay này.

10. Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay riêng biệt trong khi chờ được sử dụng vào mục đích có được tài sản dở dang thì phải ghi giảm trừ vào chi phí đi vay phát sinh khi vốn hoá.

11. Trường hợp phát sinh các khoản vốn vay chung, trong đó có sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì số chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá trong mỗi kỳ kế toán được xác định theo tỷ lệ vốn hoá đối với chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đó. Tỷ lệ vốn hoá được tính theo tỷ lệ lãi suất bình quân gia quyền của các khoản vay chưa trả trong kỳ của doanh nghiệp, ngoại trừ các khoản vay riêng biệt phục vụ cho mục đích có một tài sản dở dang. Chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ không được vượt quá tổng số chi phí đi vay phát sinh trong kỳ đó.

12. Nếu có phát sinh chiết khấu hoặc phụ trội khi phát hành trái phiếu thì phải điều chỉnh lại lãi tiền vay bằng cách phân bổ giá trị khoản chiết khấu hoặc phụ trội và điều chỉnh tỷ lệ vốn hoá một cách phù hợp. Việc phân bổ khoản chiết khấu hoặc phụ trội có thể sử dụng phương pháp lãi suất thực tế hoặc phương pháp đường thẳng. Các khoản lãi tiền vay và khoản phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội được vốn hoá trong từng kỳ không được vượt quá số lãi vay thực tế phát sinh và số phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội trong kỳ đó.

Thời điểm bắt đầu vốn hoá

13. Vốn hoá chi phí đi vay vào giá trị tài sản dở dang được bắt đầu khi thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:

(a) Các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bắt đầu phát sinh;

(b) Các chi phí đi vay phát sinh;

(c) Các hoạt động cần thiết trong việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đang được tiến hành.

14. Chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang bao gồm các chi phí phải thanh toán bằng tiền, chuyển giao các tài sản khác hoặc chấp nhận các khoản nợ phải trả lãi, không tính đến các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ liên quan đến tài sản.

15. Các hoạt động cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản vào sử dụng hoặc bán bao gồm hoạt động xây dựng, sản xuất, hoạt động kỹ thuật và quản lý chung trước khi bắt đầu xây dựng, sản xuất như hoạt động liên quan đến việc xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng hoặc sản xuất. Tuy nhiên những hoạt động này không bao gồm việc giữ một tài sản khi không tiến hành các hoạt động xây dựng hoặc sản xuất để thay đổi trạng thái của tài sản này. Ví dụ chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hoá trong kỳ khi các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó. Tuy nhiên, chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất đó để giữ mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hoá.

Tạm ngừng vốn hoá

16. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ được tạm ngừng lại trong các giai đoạn mà quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết.

17. Việc vốn hoá chi phí đi vay được tạm ngừng lại khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn một cách bất thường. Khi đó chi phí đi vay phát sinh được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ cho đến khi việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tiếp tục.

Chấm dứt việc vốn hoá

18. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành. Chi phí đi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh.

19. Một tài sản sẵn sàng đưa vào sử dụng hoặc bán khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đã hoàn thành cho dù các công việc quản lý chung vẫn có thể còn tiếp tục. Trường hợp có sự thay đổi nhỏ (như trang trí tài sản theo yêu cầu của người mua hoặc người sử dụng) mà các hoạt động này chưa hoàn tất thì hoạt động chủ yếu vẫn coi là đã hoàn thành.

20. Khi quá trình đầu tư xây dựng tài sản dở dang hoàn thành theo từng bộ phận và mỗi bộ phận có thể sử dụng được trong khi vẫn tiếp tục quá trình đầu tư xây dựng các bộ phận khác, thì việc vốn hoá các chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi tất cả các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa từng bộ phận vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành.

21. Một khu thương mại bao gồm nhiều công trình xây dựng, mỗi công trình có thể sử dụng riêng biệt thì việc vốn hoá sẽ được chấm dứt đối với vốn vay dùng cho từng công trình riêng biệt hoàn thành. Tuy nhiên, đối với xây dựng một nhà máy công nghiệp gồm nhiều hạng mục công trình trên một dây chuyền thì việc vốn hoá chỉ chấm dứt khi tất cả các hạng mục công trình cùng được hoàn thành.

Trình bày báo cáo tài chính

22. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải trình bày:

(a) Chính sách kế toán được áp dụng cho các chi phí đi vay;

(b) Tổng số chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ; và

(c) Tỷ lệ vốn hoá được sử dụng để xác định chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ.

HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM

Chuẩn mực số 24

BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của Chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc, phương pháp lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho việc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

03. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một bộ phận hợp thành của Báo cáo tài chính, nó cung cấp thông tin giúp người sử dụng đánh giá các thay đổi trong tài sản thuần, cơ cấu tài chính, khả năng chuyển đổi của tài sản thành tiền, khả năng thanh toán và khả năng của doanh nghiệp trong việc tạo ra các luồng tiền trong quá trình hoạt động. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ làm tăng khả năng đánh giá khách quan tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng so sánh giữa các doanh nghiệp vì nó loại trừ được các ảnh hưởng của việc sử dụng các phương pháp kế toán khác nhau cho cùng giao dịch và hiện tượng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dùng để xem xét và dự đoán khả năng về số lượng, thời gian và độ tin cậy của các luồng tiền trong tương lai; dùng để kiểm tra lại các đánh giá, dự đoán trước đây về các luồng tiền; kiểm tra mối quan hệ giữa khả năng sinh lời với lượng lưu chuyển tiền thuần và những tác động của thay đổi giá cả.

04. Các thuật ngữ trong Chuẩn mực này được hiểu như sau:

Tiền bao gồm tiền tại quỹ, tiền đang chuyển và các khoản tiền gửi không kỳ hạn.

Tương đương tiền: Là các khoản đầu tư ngắn hạn (không quá 3 tháng), có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền.

Luồng tiền: Là luồng vào và luồng ra của tiền và tương đương tiền, không bao gồm chuyển dịch nội bộ giữa các khoản tiền và tương đương tiền trong doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh: Là các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp và các hoạt động khác không phải là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính.

Hoạt động đầu tư: Là các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền.

Hoạt động tài chính: Là các hoạt động tạo ra các thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

05. Doanh nghiệp phải trình bày các luồng tiền trong kỳ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 3 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

06. Doanh nghiệp được trình bày các luồng tiền từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Việc phân loại và báo cáo luồng tiền theo các hoạt động sẽ cung cấp thông tin cho người sử dụng đánh giá được ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với tình hình tài chính và đối với lượng tiền và các khoản tương đương tiền tạo ra trong kỳ của doanh nghiệp. Thông tin này cũng được dùng để đánh giá các mối quan hệ giữa các hoạt động nêu trên.

07. Một giao dịch đơn lẻ có thể liên quan đến các luồng tiền ở nhiều loại hoạt động khác nhau. Ví dụ, thanh toán một khoản nợ vay bao gồm cả nợ gốc và lãi, trong đó lãi thuộc hoạt động kinh doanh và nợ gốc thuộc hoạt động tài chính.

Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh

08. Luồng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh là luồng tiền có liên quan đến các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp, nó cung cấp thông tin cơ bản để đánh giá khả năng tạo tiền của doanh nghiệp từ các hoạt động kinh doanh để trang trải các khoản nợ, duy trì các hoạt động, trả cổ tức và tiến hành các hoạt động đầu tư mới mà không cần đến các nguồn tài chính bên ngoài. Thông tin về các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh, khi được sử dụng kết hợp với các thông tin khác, sẽ giúp người sử dụng dự đoán được luồng tiền từ hoạt động kinh doanh trong tương lai. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động kinh doanh, gồm:

(a) Tiền thu được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ;

(b) Tiền thu được từ doanh thu khác (tiền thu bản quyền, phí, hoa hồng và các khoản khác trừ các khoản tiền thu được được xác định là luồng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính);

(c) Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ;

(d) Tiền chi trả cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, trả hộ người lao động về bảo hiểm, trợ cấp...;

(đ) Tiền chi trả lãi vay;

(e) Tiền chi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp;

(g) Tiền thu do được hoàn thuế;

(h) Tiền thu do được bồi thường, được phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng kinh tế;

(i) Tiền chi trả công ty bảo hiểm về phí bảo hiểm, tiền bồi thường và các khoản tiền khác theo hợp đồng bảo hiểm;

(k) Tiền chi trả do bị phạt, bị bồi thường do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng kinh tế.

09. Các luồng tiền liên quan đến mua, bán chứng khoán vì mục đích thương mại được phân loại là các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Luồng tiền từ hoạt động đầu tư

10. Luồng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư là luồng tiền có liên quan đến việc mua sắm, xây dựng, nhượng bán, thanh lý tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động đầu tư, gồm:

(a) Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác, bao gồm cả những khoản tiền chi liên quan đến chi phí triển khai đã được vốn hóa là TSCĐ vô hình;

(b) Tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác;

(c) Tiền chi cho vay đối với bên khác, trừ tiền chi cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính; tiền chi mua các công cụ nợ của các đơn vị khác, trừ trường hợp tiền chi mua các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và mua các công cụ nợ dùng cho mục đích thương mại;

(d) Tiền thu hồi cho vay đối với bên khác, trừ trường hợp tiền thu hồi cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính; tiền thu do bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, trừ trường hợp thu tiền từ bán các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và bán các công cụ nợ dùng cho mục đích thương mại;

(đ) Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, trừ trường hợp tiền chi mua cổ phiếu vì mục đích thương mại;

(e) Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, trừ trường hợp tiền thu từ bán lại cổ phiếu đã mua vì mục đích thương mại;

(g) Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận nhận được.

Luồng tiền từ hoạt động tài chính

11. Luồng tiền phát sinh từ hoạt động tài chính là luồng tiền có liên quan đến việc thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động tài chính, gồm:

(a) Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu;

(b) Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp đã phát hành;

(c) Tiền thu từ các khoản đi vay ngắn hạn, dài hạn;

(d) Tiền chi trả các khoản nợ gốc đã vay;

(đ) Tiền chi trả nợ thuê tài chính;

(e) Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu.

Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp bảo hiểm

12. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp bảo hiểm, các luồng tiền phát sinh có đặc điểm riêng. Khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các tổ chức này phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động để phân loại các luồng tiền một cách thích hợp.

13. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, các luồng tiền sau đây được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh:

(a) Tiền chi cho vay;

(b) Tiền thu hồi cho vay;

(c) Tiền thu từ hoạt động huy động vốn (kể cả khoản nhận tiền gửi, tiền tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân khác);

(d) Trả lại tiền huy động vốn (kể cả khoản trả tiền gửi, tiền tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân khác);

(đ) Nhận tiền gửi và trả lại tiền gửi cho các tổ chức tài chính, tín dụng khác;

(e) Gửi tiền và nhận lại tiền gửi vào các tổ chức tài chính, tín dụng khác;

(g) Thu và chi các loại phí, hoa hồng dịch vụ;

(h) Tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi đã thu;

(i) Tiền lãi đi vay, nhận gửi tiền đã trả;

(k) Lãi, lỗ mua bán ngoại tệ;

(l) Tiền thu vào hoặc chi ra về mua, bán chứng khoán ở doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán;

(m) Tiền chi mua chứng khoán vì mục đích thương mại;

(n) Tiền thu từ bán chứng khoán vì mục đích thương mại;

(o) Thu nợ khó đòi đã xóa sổ;

(p) Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh;

(q) Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh.

14. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tiền thu bảo hiểm, tiền chi bồi thường bảo hiểm và các khoản tiền thu vào, chi ra có liên quan đến điều khoản hợp đồng bảo hiểm đều được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.

15. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp bảo hiểm, các luồng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính tương tự như đối với các doanh nghiệp khác, trừ các khoản tiền cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh vì chúng liên quan đến hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp.

PHƯƠNG PHÁP LẬP BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ

Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh

16. Doanh nghiệp phải báo cáo các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh theo một trong hai phương pháp sau:

(a) Phương pháp trực tiếp: Theo phương pháp này các chỉ tiêu phản ánh các luồng tiền vào và các luồng tiền ra được trình bày trên báo cáo và được xác định theo một trong 2 cách sau đây:

- Phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu và chi theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép kế toán của doanh nghiệp.

- Điều chỉnh doanh thu, giá vốn hàng bán và các khoản mục khác trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho:

+ Các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu và các khoản phải trả từ hoạt động kinh doanh;

+ Các khoản mục không phải bằng tiền khác;

+ Các luồng tiền liên quan đến hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

(b) Phương pháp gián tiếp: Các chỉ tiêu về luồng tiền được xác định trên cơ sở lấy tổng lợi nhuận trước thuế và điều chỉnh cho các khoản:

- Các khoản doanh thu, chi phí không phải bằng tiền như khấu hao TSCĐ, dự phòng...

- Lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện;

- Tiền đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu và các khoản phải trả từ hoạt động kinh doanh (trừ thuế thu nhập và các khoản phải nộp khác sau thuế thu nhập doanh nghiệp);

- Lãi lỗ từ hoạt động đầu tư.

Luồng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính

17. Doanh nghiệp phải báo cáo riêng biệt các luồng tiền vào, các luồng tiền ra từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính, trừ trường hợp các luồng tiền được báo cáo trên cơ sở thuần được đề cập trong các đoạn 18 và 19 của Chuẩn mực này.

Báo cáo các luồng tiền trên cơ sở thuần

18. Các luồng tiền phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính sau đây được báo cáo trên cơ sở thuần:

(a) Thu tiền và chi trả tiền hộ khách hàng:

- Tiền thuê thu hộ, chi hộ và trả lại cho chủ sở hữu tài sản;

- Các quỹ đầu tư giữ cho khách hàng;

- Ngân hàng nhận và thanh toán các khoản tiền gửi không kỳ hạn, các khoản tiền chuyển hoặc thanh toán qua ngân hàng.

(b) Thu tiền và chi tiền đối với các khoản có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn:

- Mua, bán ngoại tệ;

- Mua, bán các khoản đầu tư;

- Các khoản đi vay hoặc cho vay ngắn hạn khác có thời hạn không quá 3 tháng.

19. Các luồng tiền phát sinh từ các hoạt động sau đây của ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính được báo cáo trên cơ sở thuần:

(a) Nhận và trả các khoản tiền gửi có kỳ hạn với ngày đáo hạn cố định;

(b) Gửi tiền và rút tiền gửi từ các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính khác;

(c) Cho vay và thanh toán các khoản cho vay đó với khách hàng.

Các luồng tiền liên quan đến ngoại tệ

20. Các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch đó. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các tổ chức hoạt động ở nước ngoài phải được quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán của công ty mẹ theo tỷ giá thực tế tại ngày lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

21. Chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện phát sinh từ thay đổi tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra đơn vị tiền tệ kế toán không phải là các luồng tiền. Tuy nhiên, số chênh lệch tỷ giá hối đoái do quy đổi tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ hiện gửi phải được trình bày riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhằm mục đích đối chiếu tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ báo cáo.

Các luồng tiền liên quan đến tiền lãi, cổ tức và lợi nhuận thu được

22. Đối với các doanh nghiệp (trừ ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính), các luồng tiền liên quan đến tiền lãi vay đã trả được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh. Các luồng tiền liên quan đến tiền lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận thu được được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Các luồng tiền liên quan đến cổ tức và lợi nhuận đã trả được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính. Các luồng tiền này phải được trình bày thành chỉ tiêu riêng biệt phù hợp theo từng loại hoạt động trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

23. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính, tiền lãi đã trả, tiền lãi đã thu được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh, trừ tiền lãi đã thu được xác định rõ ràng là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Cổ tức và lợi nhuận đã thu được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Cổ tức và lợi nhuận đã trả được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính.

24. Tổng số tiền lãi vay đã trả trong kỳ phải được trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho dù nó đã được ghi nhận là chi phí trong kỳ hay đã được vốn hóa theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 16 "Chi phí đi vay".

Các luồng tiền liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp

25. Các luồng tiền liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh (trừ trường hợp được xác định là luồng tiền từ hoạt động đầu tư) và được trình bày thành chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Các luồng tiền liên quan đến mua và thanh lý các công ty con hoặc các đơn vị kinh doanh khác

26. Luồng tiền phát sinh từ việc mua và thanh lý các công ty con hoặc các đơn vị kinh doanh khác được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư và phải trình bày thành những chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

27. Tổng số tiền chi trả hoặc thu được từ việc mua và thanh lý công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác được trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo số thuần của tiền và tương đương tiền chi trả hoặc thu được từ việc mua và thanh lý.

28. Doanh nghiệp phải trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính một cách tổng hợp về cả việc mua và thanh lý các công ty con hoặc các đơn vị kinh doanh khác trong kỳ những thông tin sau:

(a) Tổng giá trị mua hoặc thanh lý;

(b) Phần giá trị mua hoặc thanh lý được thanh toán bằng tiền và các khoản tương đương tiền;

(c) Số tiền và các khoản tương đương tiền thực có trong công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác được mua hoặc thanh lý;

(d) Phần giá trị tài sản và công nợ không phải là tiền và các khoản tương đương tiền trong công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác được mua hoặc thanh lý trong kỳ. Giá trị tài sản này phải được tổng hợp theo từng loại tài sản.

Các giao dịch không bằng tiền

29. Các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hay các khoản tương đương tiền không được trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

30. Nhiều hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính tuy có ảnh hưởng tới kết cấu tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp nhưng không ảnh hưởng trực tiếp tới luồng tiền hiện tại, do vậy chúng không được trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ mà được trình bày ở Thuyết minh báo cáo tài chính. Ví dụ:

(a) Việc mua tài sản bằng cách nhận các khoản nợ liên quan trực tiếp hoặc thông qua nghiệp vụ cho thuê tài chính;

(b) Việc mua một doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu;

(c) Việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu.

Các khoản mục của tiền và tương đương tiền

31. Doanh nghiệp phải trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ các chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền đầu kỳ và cuối kỳ, ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ hiện giữ để đối chiếu số liệu với các khoản mục tương ứng trên Bảng cân đối kế toán.

Các thuyết minh khác

32. Doanh nghiệp phải trình bày giá trị và lý do của các khoản tiền và tương đương tiền lớn do doanh nghiệp nắm giữ nhưng không được sử dụng do có sự hạn chế của pháp luật hoặc các ràng buộc khác mà doanh nghiệp phải thực hiện.

33. Có nhiều trường hợp trong số dư tiền và các khoản tương đương tiền do doanh nghiệp nắm giữ nhưng không thể sử dụng cho hoạt động kinh doanh được. Ví dụ: Các khoản tiền nhận ký quỹ, ký cược; các quỹ chuyên dùng; kinh phí dự án...

PHỤ LỤC 1

(Mẫu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ áp dụng cho doanh nghiệp không phải là ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính)

BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ (MẪU 1)

(Theo phương pháp trực tiếp)

Đơn vị tính: ...........

Chỉ tiêu

Mã số

Kỳ trước

Kỳ này

1

2

3

4

I. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh

1. Tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác

01

2. Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ

02

3. Tiền chi trả cho người lao động

03

4. Tiền chi trả lãi vay

04

5. Tiền chi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

05

6. Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh

06

7. Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh

07

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

20

II. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư

1. Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác

21

2. Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác

22

3. Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác

23

4. Tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác

24

5. Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

25

6. Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

26

7. Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia

27

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư

30

III. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính

1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu

31

2. Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành

32

3. Tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được

33

4. Tiền chi trả nợ gốc vay

34

5. Tiền chi trả nợ thuê tài chính

35

6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu

36

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính

40

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (20 + 30 + 40)

50

Tiền và tương đương tiền đầu kỳ

60

Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ

61

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (50 + 60 + 61)

70

BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ (MẪU 2)
(Theo phương pháp gián tiếp)

Đơn vị tính: ...........

Chỉ tiêu

Mã số

Kỳ trước

Kỳ này

1

2

3

4

I. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh

1. Lợi nhuận trước thuế

01

2. Điều chỉnh cho các khoản

- Khấu hao TSCĐ

02

- Các khoản dự phòng

03

- Lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện

04

- Lãi, lỗ từ hoạt động đầu tư

05

- Chi phí lãi vay

06

3. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu

động

08

- Tăng, giảm các khoản phải thu

09

- Tăng, giảm hàng tồn kho

10

- Tăng, giảm các khoản phải trả (không kể lãi vay phải trả,

thuế thu nhập phải nộp)

11

- Tăng, giảm chi phí trả trước

12

- Tiền lãi vay đã trả

13

- Thuế thu nhập đã nộp

14

- Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh

15

- Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh

16

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

20

II. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư

1. Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác

21

2. Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác

22

3. Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác

23

4. Tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác

24

5. Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

25

6. Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

26

7. Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia

27

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư

30

III. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính

1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu

31

2. Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành

32

3. Tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được

33

4. Tiền chi trả nợ gốc vay

34

5. Tiền chi trả nợ thuê tài chính

35

6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu

36

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính

40

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (20 + 30 + 40)

50

Tiền và tương đương tiền đầu kỳ

60

Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ

61

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (50 + 60 + 61)

70

PHỤ LỤC 2

(Mẫu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ áp dụng cho ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính)

BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ
(Theo phương pháp trực tiếp)

Đơn vị tính: ...........

Chỉ tiêu

Mã số

Kỳ trước

Kỳ này

1

2

3

4

I. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh

1. Tiền chi cho vay

01

2. Tiền thu hồi cho vay

02

3. Tiền thu từ hoạt động huy động vốn

03

4. Trả lại tiền huy động vốn

04

5. Nhận tiền gửi và trả lại tiền gửi cho ngân hàng, tổ chức tín

dụng và tổ chức tài chính khác

05

6. Gửi tiền và nhận lại tiền gửi cho ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác

06

7. Thu và chi các loại phí, hoa hồng dịch vụ

07

8. Tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi đã thu

08

9. Tiền lãi đi vay, nhận tiền gửi đã trả

09

10. Lãi, lỗ mua, bán ngoại tệ

10

11. Tiền thu vào hoặc chi ra về mua, bán chứng khoán ở doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán

11

12. Tiền chi mua chứng khoán vì mục đích thương mại

12

13. Tiền thu từ bán chứng khoán vì mục đích thương mại

13

14. Thu nợ khó đòi đã xóa sổ

14

15. Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh

15

16. Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh

16

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

20

II. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư

1. Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác

21

2. Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác

22

3. Tiền chi mua các công cụ nợ của đơn vị khác vì mục đích

đầu tư

23

4. Tiền thu từ bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác vì mục đích đầu tư

24

5. Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

25

6. Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

26

7. Tiền thu cổ tức và lợi nhuận được chia

27

8. Tiền thu lãi của hoạt động đầu tư

28

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư

30

III. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính

1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu

31

2. Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành

32

3. Tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được

33

4. Tiền chi trả nợ gốc vay

34

5. Tiền chi trả nợ thuê tài chính

35

6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu

36

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính

40

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (20 + 30 + 40)

50

Tiền và tương đương tiền đầu kỳ

60

Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ

61

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (50 + 60 + 61)

70

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 165/2002/QD-BTC

Hanoi, December 31, 2002

 

DECISION

PROMULGATING AND PUBLICIZING SIX (06) VIETNAMESE ACCOUNTING STANDARDS (PHASE 2)

THE MINISTER OF FINANCE

Pursuant to the Accountancy and Statistics Ordinance promulgated under with Order No. 06-LCT/HDNN of May 20, 1998 of the State Council and the Charter of State Accountancy Organization, promulgated together with Decree No. 25-HDBT of the Council of Ministers (now the Government);
Pursuant to the Government’s Decree No. 86/2002/ND-CP of November 5, 2002 defining the functions, tasks, powers and organizational structures of the ministries and ministerial-level agencies;
Pursuant to the Government’s Decree No. 178/CP of October 28, 1994 on the tasks, powers and organizational apparatus of the Ministry of Finance;
In order to meet the requirements of renewal of the economic and financial management mechanisms, raise the quality of supplied accountancy information in the national economy and to supervise and control the quality of the accountancy work;
At the proposals of the director of the Accounting Regime Department and the director of the Office of the Ministry of Finance,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate six (06) Vietnamese accounting standards (phase 2) with the following codes and names:

- Standard No. 01 - General standard;

- Standard No. 06 - Leases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Standard No. 15 - Construction contracts;

- Standard No. 16 - Borrowing costs;

- Standard No. 24 - Cash flow statements;

Article 2.- The six Vietnamese accounting standards promulgated together with this Decision shall apply to all enterprises of all branches and economic sectors nationwide.

Article 3.- This Decision takes effect as from January 1, 2003. Concrete accounting regimes must be amended and/or supplemented appropriately to suit the six accounting standards promulgated together with this Decision

Article 4.- The director of the Accounting Regime Department, the director of the Office, and the heads of the concerned units under and attached to the Ministry of Finance shall have to guide and inspect the implementation of this Decision.

 

 

FOR THE MINISTER OF FINANCE
VICE MINISTER




Tran Van Ta

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

STANDARD NO. 01

GENERAL STANDARD
(Promulgated and publicized together with the Finance Minister’s Decision No. 165/2002/QD-BTC
of December 31, 2002)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the basic accounting principles and requirements, elements of the enterprises’ financial statements and the recognition thereof, in order to:

a/ Serve as a basis for formulating and perfecting specific accounting standards and accounting regimes after uniform models.

b/ Assist enterprises in making accounting entries and financial statements in a uniform manner according to the promulgated accounting standards and accounting regimes and handle matters not yet specified in order to ensure true and reasonable information in the financial statements.

c/ Assist auditors and accounting controllers in giving comments on the conformity of the financial statements with the accounting standards and accounting regimes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



02. The basic accounting principles and requirements as well as elements of the financial statements, which are prescribed in this standard and specified in each accounting standard must be applied to all enterprises of all economic sectors nationwide.

This standard shall not replace specific accounting standards. Implementation shall be based on specific accounting standards. For cases not yet prescribed in specific accounting standards, they shall comply with the general standard.

STANDARD CONTENTS BASIC ACCOUNTING PRINCIPLES

Accrual basis

03. All economic and financial operations of enterprises, which are related to assets, liabilities, owners’ equity, revenues, and costs must be recorded in accounting books at the time they arise, not at the time of the actual receipt or payment of cash or cash equivalents. Financial statements made on the basis of accrual shall reflect the financial status of enterprises in the past, at present and in the future.

Continuous operation

04. Financial statements must be made on the basis of the assumption that enterprises are operating continuously and will continue business activities normally in the near future, i.e., they have no intention or are not compelled to cease operation or to substantially downscale their operation. Where reality differs from the continuous operation assumption, the financial statements must be made on another basis, which must be explained.

Historical cost

05. Assets must be recognized according to their historical cost. The historical cost of an asset shall be calculated according to the cash amount or cash equivalent already paid or to be paid, or according to the reasonable value of the asset at the time the asset is recognized. The assets’ historical costs must not be modified except otherwise prescribed in specific accounting standards .

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



06. The recognition of revenues and that of costs must match. When a revenues is recognized, a corresponding cost related to the creation of such revenue must be recognized. Costs corresponding to revenues include costs of the period in which revenues are created and costs of the previous periods or payable costs related to the revenues of such period.

Consistency

07. The accounting policies and methods selected by enterprises must be applied consistently within at least one accounting year. Where appear changes in the selected accounting policies or methods, the reasons for and impacts of such changes must be presented in the explanations of financial statements.

Prudence

08. Prudence means the examination, consideration and anticipation needed to establish accounting estimates under uncertain conditions. The prudence principle requires that:

a/ The reserves must be set up, which must not be too big;

b/ The values of assets and incomes are not overestimated;

c/ The values of liabilities and costs are not underestimated;

d/ Revenues and incomes shall be recognized only when there are solid evidences of the possibility of obtaining economic benefits, while costs must be recognized when there are evidences of the possibility of arising costs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



09. Information shall be considered material in cases where the insufficiency or inaccuracy of such information may distort significantly the financial statements, thus affecting the economic decisions of the users of the financial statements. Materiality depends on the amount and nature of information or errors assessed in particular circumstances. The materiality of information must be examined both quantitatively and qualitatively.

BASIC REQUIREMENTS FOR ACCOUNTING

Honesty

10. Accounting information and data must be recorded and reported on the basis of adequate and objective evidences and true to the actual situation, content, nature and values of arising economic operations.

Objectivity

11. Accounting information and data must be recorded and reported according to reality, not be distorted nor falsified.

Fullness

12. All arising economic and financial operations related to the accounting period must be recorded and reported in full, not be omitted.

Timeliness

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Understandability

14. Accounting information and data presented in the financial statements must be explicit and easily understandable to users. Users mean people with average knowledge about business, economics, finance and accounting. Information on complicated matters in the financial statements must be expounded in the explanation part.

Comparability

15. Accounting information and data of different accounting periods of an enterprise and of different enterprises may be comparable only when they are calculated and presented in an uniform way. In case of lack of uniformity, expositions must be given in the explanation part so that the users of the financial statements may compare information of different accounting periods, different enterprises, or between execution information and projected or planned information.

16. The accounting requirements mentioned in paragraphs 10, 11, 12, 13, 14 and 15 above must be satisfied simultaneously. For example: The honesty requirement also embraces the objectivity, timeliness, fullness, understandability and comparability requirements.

ELEMENTS OF FINANCIAL STATEMENTS

17. The financial statements reflect the financial status of enterprises through summing up economic and financial operations of the same economic nature in their elements. The elements directly related to the determination of the financial status in the balance sheets include assets, liabilities and owners’ equity. The elements directly related to the assessment of the business situation and results in the statements on business results are revenues, other incomes, costs and business results.

Financial status

18. The elements directly related to the determination and evaluation of the financial status are assets, liabilities and owners’ equity. These elements are defined as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Liabilities mean the current obligations of an enterprise, arising from the past transactions and events, which must be settled by the enterprise with its own resources.

c/ Owners’ equity means the value of the enterprises’ capital, being equal to the difference between the value of the enterprise’s assets minus (-) its liabilities.

19. When determining the items in the elements of a financial statement, attention must be paid to their ownership forms and economic contents. In some cases, though assets do not fall under the enterprises’ ownership, they are still reflected in the elements of the financial statements due to their economic contents. For example, in case of financial leases, the economic form and content are that the lessee-enterprises obtain economic benefits from the use of leased assets during most of the useful life of the assets; in return the lessee-enterprises are obliged to pay a sum that approximates the reasonable value of the assets as well as related financial costs. The financial leasing operation gives rise to the item "Assets" and the item "Liabilities" in the balance sheets of the lessee-enterprises.

Assets

20. Future economic benefits of an asset are the potential to increase the sources of cash and cash equivalents of an enterprise or to reduce cash amounts to be paid by the enterprise.

21. Future economic benefits of an asset are demonstrated in such cases as :

a/ Being used in isolation or in combination with other assets in the manufacture of products for sale or in the provision of services for customers;

b/ For sale or exchange for another asset;

c/ For payment of liabilities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



22. Assets may have the physical form such as workshops, machinery, equipment, supplies, goods or the non-physical form, such as copyright or patents but must gain future economic benefits and are under the control of enterprises.

23. Assets of enterprises also include assets that enterprises do not own but can control them and gain future economic benefits therefrom, such as assets given for financial leases; or assets that enterprise own and can gain future economic benefits therefrom but may not control them legally, such as technical know-hows obtained from development activities, which may satisfy the conditions required in the asset definition when they are still kept secret and enterprises can still gain economic benefits therefrom.

24. Assets of enterprises are formed from the past transactions or events, such as capital contribution, procurement, self-production, grants or donations. Transactions or events expected to arise in future will not lead to an increase in assets.

25. Normally, when costs are incurred, they will create assets. Costs which do not bring about future economic benefits will not create assets; or in other cases, no costs are incurred but assets are still created, such as contributed capital, allocated or donated assets.

Liabilities

26. Liabilities determine the current obligations of an enterprise when it receives an asset, participates in a commitment or is bound to legal obligations.

27. The settlement of current obligations may be effected in many ways, such as:

a/ Payment in cash;

b/ Payment with another asset;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Replacement of this obligation with another;

e/ Conversion of the liability obligation into owners’ equity.

28. Liabilities arise from past transactions and events, such as purchase of goods without payment, use of services without payment, borrowing, to merchandise warranty commitment, contractual obligation commitment, payables to employees, remittable taxes, and other payables.

Owners’ equity

29. Owners’ equity is reflected in the balance sheets, including investors’ capital, equity surplus, retained profits, funds, undistributed profits, exchange rate differences and differences from asset revaluation.

a/ Investors’ capital may be enterprise owners’ capital, contributed capital, equities, and the State’s capital.

b/ Equity surplus is the difference between the share par value and the actual issuance prices;

c/ Retained profits are after-tax profits retained for capital supplementation;

d/ Funds include reserve fund, stand-by fund, development investment fund;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Exchange rate differences include:

+ Exchange rate difference arising in the construction investment process;

+ Exchange rate difference arising when enterprises in the country include the financial statements of their activities carried out abroad using accounting currency other than the accounting currency of the reporting enterprises.

g/ Difference from the asset revaluation is the difference between the book value of assets and the revalued value of assets under the State’s decisions, or when assets are contributed as joint-venture capital or shares.

Business situation

30. Profits are used as a measure of the business results of enterprises. The elements directly related to the profit determination are revenues, other incomes and costs. Revenues, other incomes, costs and profits are criteria reflecting the business situation of enterprises.

31. The elements of revenues, other incomes and costs are defined as follows:

a/ Revenues and other incomes: are the total value of economic benefits earned by an enterprise in the accounting period, arising from the enterprise’s normal production, business and other operations, contributing to increasing the owners’ equity, excluding capital contributions made by shareholders or owners.

b/ Costs are the total value of amounts which reduce economic benefits in the accounting period in the forms of amounts spent, asset depreciation amounts, or give rise to liabilities leading to a decrease in the owners’ equity, excluding amounts distributed to shareholders or owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



33. The elements of revenues, other incomes and costs may be presented in many ways in the reports on business results so as to describe the business situation of enterprises, such as revenues, costs and profits of normal business and other operations.

Revenues and other incomes

34. Revenues arises in the process of normal business operations of enterprises and often include: sales revenues, service provision revenues, interests, royalties, dividends and shared profits…

35. Other incomes include incomes arising from operations other than revenues-generating operations, such as incomes from liquidation or sale of fixed assets, fines collected from customers for their contract breaches…

Costs

36. Costs include production and business costs arising in the process of normal business operations of enterprises, and other costs.

37. Production and business costs arising in the process of normal business operations of enterprises, such as cost of goods sold, sale costs. enterprise management costs, costs for loan interests, and costs related to letting other parties use assets with yields, royalties… These costs arise in the form of cash and cash equivalents, inventories, machinery and equipment depreciation.

38. Other costs include costs other than production and business costs arising in the process of normal business operations, such as costs for liquidation and sale of fixed assets, fines imposed by customers for contract breaches, etc.

RECOGNITION OF THE ELEMENTS OF THE FINANCIAL STATEMENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Being certain to gain or reduce future economic benefits;

b/ Such item has some value which can be determined in a reliable manner.

Recognition of assets

40. Assets will be recognized in the balance sheets when enterprises are certain to gain future economic benefits therefrom and the value of such assets are determined in a reliable way.

41. Assets will not be recognized in the balance sheets when costs incurred are not certain to yield future economic benefits for enterprises and these costs will be recognized in the reports on business results as soon as they arise.

Recognition of liabilities

42. Liabilities will be recognized in the balance sheets when there are adequate conditions to ascertain that enterprises will have to spend a cash amount on the current obligations they have to pay for, and such liabilities must be determined in a reliable way.

Recognition of revenues and other incomes

43. Revenues and other incomes will be recognized in the reports on business results when they gain future economic benefits related to the increase in assets or decrease in liabilities, and such increased value must be determined in a reliable way.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



44. Production, business and other costs will be recognized in the reports on business results when these costs reduce future economic benefits related to the decrease in assets or increase in liabilities, and these costs must be determined in a reliable way.

45. Costs recognized in the reports on business results must comply with the principle of matching between revenues and cost.

46. When economic benefits expected to be obtained over many accounting periods are related to revenues and other incomes which are determined indirectly, the related costs will be recognized in the reports on business results on the basis of systematic or proportional amortization.

47. A cost will be immediately recognized in the reports on business results in the period if it fails to bring about economic benefits in subsequent periods.

STANDARD NO. 06

LEASES
(Promulgated and publicized together with the Finance Minister’s Decision No. 165/2002/QD-BTC
of December 31, 2002)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide for lessees and lessors the accounting principles and methods for financial lease and operating lease, serving as a basis for making accounting entries and financial statements.

02. This standard shall apply to the accounting of all leases, excluding:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Lease contracts for using copyrights of items such as motion picture films, video tapes, operas, copyrights and patents.

03. This standard shall apply also to the transfer of the right to use assets even when the lessors are requested to provide services mostly related to the operation, repair or maintenance of the leased assets. This standard shall not apply to service contracts not involving the transfer of the right to use assets.

04. The terms used in this standard are construed as follows:

A lease means an agreement between the lessor and the lessee whereby the lessor transfers the right to use an asset to the lessee for a certain period of time in return for a lease payment made in a lump sum or installments.

A financial lease is a lease whereby the lessor transfers most of the risks and rewards associated with the ownership over an asset to the lessee. The ownership over the asset may be transferred at the end of the lease term.

An operating lease is a lease other than a financial lease.

A non-cancelable lease contract is the one that the two involved parties cannot unilaterally terminate, except in the following cases:

a/ Upon the occurrence of unusual events, such as:

- The lessor fails to hand the leased asset on schedule;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The lessee or lessor breaches the contract;

- The lessee goes bankrupt or is dissolved;

- The guarantor goes bankrupt or is dissolved while the lessor rejects the lessee’s proposal on guaranty termination or substitute guarantor;

- The leased asset is lost or irreparably damaged.

b/ With the consent of the lessor;

c/ If the two parties enter into a new contract on lease of the same or similar asset;

d/ The lessee pays an additional amount immediately at the start of the lease.

The inception of the lease is the earlier date of either of the two dates: The date when the right to use the asset is transferred to the lessee and the date when the lease payment begins to be calculated under the provisions of the lease contract.

The lease term is the period of the non-cancelable lease contract plus (+) the duration for which the lessee have the option to continue leasing the asset as prescribed in the contract, with or without additional payment; this option is determined with relative certainty right at the inception of the lease.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For the lessee: They are the payments which the lessee must make to the lessor for a lease over the lease term (excluding service costs and taxes which have been paid by the lessor and must be reimbursed by the lessee, and a contingent rent), plus any value that the lessee or a party related to the lessee has guaranteed to pay.

b/ For the lessor: They are the payments which the lessee must make to the lessor over the lease term (excluding service costs and taxes which have been already paid by the lessor and must be reimbursed by the lessee, and a contingent rent) plus (+) any residual value of the leased asset, which has been guaranteed to be paid by:

- The lessee;

- A party related to the lessee; or

- An independent financially capable third party.

c/ Where the lease contract contains the provision on the lessee’s right to purchase the leased asset at a price lower than the reasonable value on the date of purchase, the minimum lease payments (for both lessor and lessee) shall include the minimum payment inscribed in the contract for the lease term and the payment required for the purchase of such asset.

Reasonable value is the amount for which an asset can be exchanged or the value of a liability which may be settled voluntarily between the knowledgeable parties in the par value exchange.

Residual value of a leased asset is the estimated value at the inception of the lease, which the lessor expects to obtain from the leased asset at the end of the lease.

Guaranteed residual value of a leased asset:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ For the lessor: It is the residual value of a leased asset, which is guaranteed to be paid by the lessee or a financially capable third party not related to the lessor.

Unguaranteed residual value of a leased asset: is the residual value of a leased asset, which is determined by the lessor and is not guaranteed to be paid by the lessee or a party related thereto or is guaranteed to be paid only by one party related to the lessor.

Economic life: is the period over which an asset is expected to be economically usable or the number of products or similar units expected to be obtained from the leased asset by one or more users.

Useful life is the remaining economic life of the leased asset, counting from the inception of the lease, but not restricted by the lease term.

Gross investment in the financial lease contract is the aggregate of the minimum lease payments under a financial lease contract (for the lessor) plus (+) the unguaranteed residual value of the leased asset.

Unearned financial revenue is the aggregate of the minimum lease payments plus (+) the unguaranteed residual value and minus (-) the present value of these amounts, calculated at the interest rate implicit in the financial lease.

Net investment in the financial lease is the difference between the gross investment in the financial lease and the unearned financial revenue.

The interest rate implicit in the financial lease contract is the discount rate used, at the inception of the asset lease, to calculate the present value of the minimum lease payment and the present value of the unguaranteed residual value to ensure that their aggregate is equal to the reasonable value of the leased asset.

Incremental borrowing interest rate is the interest rate the lessee must pay for a similar financial lease or that at the inception of the asset lease the lessee must pay to borrow for a similar term and with a similar security an amount necessary to purchase the asset.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



05. Lease contracts that include provisions permitting the lessees to purchase the assets upon the satisfaction of all conditions agreed in such contracts are called hire purchase contracts.

CONTENTS OF THE STANDARD

Classification of leases

06. The classification of leases adopted in this standard is based on the extent to which risks and rewards associated with the ownership of a leased asset are transferred from the lessors to the lessees. Risks include the possibilities of losses from idle production capacity or technological backwardness and of unfavorable changes in the economic situation, thus affecting the capital recoverability. Rewards are profits expected to be earned from the operation of the leased assets over their economic life and incomes expected to be gained from the increased value of the assets or the value recoverable from the assets’ liquidation.

07. Leases will be classified as financial leases if the contents of the lease contracts include the transfer of most of risks and rewards associated with the assets’ ownership. Leases will be classified as operating leases if the contents of the lease contracts do not include the transfer of most of risks and rewards associated with the assets’ ownership.

08. The lessors and lessees must determine the leases as financial or operating leases right at the inception of the asset lease.

09. The classification of leases as financial or operating leases must be based on the nature of the provisions of the contracts. Below are the examples of cases that normally lead to financial leases:

a/ The lessor transfers the asset’s ownership to the lessee at the end of the lease term;

b/ At the inception of the lease, the lessee has the right to purchase the leased asset at a price expected to be lower than the reasonable price at the end of the lease term;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ At the inception of the lease, the present value of the minimum lease payment accounts for most of the reasonable value of the leased asset;

e/ The leased asset is of a special-use type which can be used only by the lessee without major modification or overhaul.

10. Lease contracts will be also considered financial lease contracts if they fall into at least one of the following three cases:

a/ If the lessee cancels the contract and pays compensation for damage associated with the contract cancellation to the lessor;

b/ Incomes or losses from the change in the reasonable value of the residual value of the leased asset are associated with the lessee;

c/ The lessee is able to continue leasing the asset after the lease contract expires at a rent lower than market rents.

11. Lease classification shall be made at the inception of the lease. If at any time the lessee and the lessor agree to change the provisions of the contract (but not on the renewal of the contract), which leads to a different classification of the lease under the criteria in paragraphs 06 thru 10 at the inception of the lease, the revised provisions shall apply to the entire lease term. Changes in estimates (for example, changes in estimates of the economic life or of the residual value of the leased asset) or changes in the lessees’ payment capability, however, shall not result in a new classification of the lease.

12. Lease of assets being the right to use land and houses will be classified as operating or financial lease. Nevertheless, as land normally has an indefinite economic life and the ownership is not transferred to the lessees at the end of the lease term and the lessees do not accept most of risks and rewards associated with the land ownership, the lease of assets being the land use right will be usually classified as operating lease. The rents paid for assets being the land use right shall be amortized over the entire lease term.

Recognition of leases in the financial statements of lessees

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. At the inception of a financial lease, the lessee will recognize the financial leased asset as an asset and liability in its balance sheet with the same value equal to the reasonable value of the leased asset. If the reasonable value of the leased asset exceeds the present value of the minimum lease payments for the lease, the present value of the minimum lease payments shall be recorded. The discount rate used for calculating the present value of the minimum lease payments for the lease will be the interest rate implicit in the asset lease contracts or the interest rate inscribed therein. If the interest rate implicit in the lease contract is undeterminable, the lessee’s incremental borrowing interest rate will be used for calculating the present value of the minimum lease payments.

14. When presenting liabilities concerning financial leases in the financial statements, short-term and long-term liabilities must be distinguished.

15. Initial direct costs incurred in connection with financial leasing activities, such as costs for lease contract negotiation and signing will be recognized into the historical costs of the leased assets.

16. Payments for a financial lease of assets will be apportioned between financial costs and the amounts payable for debt principals. Financial costs must be calculated according to each accounting period of the entire lease term at a constant periodic interest rate on the remaining debit balance of each accounting period.

17. A financial lease shall give rise to asset depreciation costs as well as financial costs in each accounting period. The depreciation policy for a leased asset must be consistent with the depreciation policy for assets of the same kind under the ownership of the lessee-enterprises. If it is uncertain that the lessees would obtain the assets’ ownership by the end of the lease term, the leased asset will be depreciated over the shorter duration between the lease term and its useful life.

18. When presenting leased assets in the financial statements, the provisions of the accounting standard "Tangible fixed assets" must be complied with.

Operating leases

19. Payments for an operating lease (excluding service, insurance and maintenance costs) must be recognized as production and business costs by the straight line method during the entire asset lease term regardless of the payment mode, unless more reasonable calculation methods are applied.

Recognition of asset leases in the financial statements of lessors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



20. The lessors must recognize the value of financial leased assets in their balance sheets as a receivable equal to the value of net investment stated in the financial lease contracts.

21. For financial leases, most of risks and economic rewards are associated with the assets’ ownership transferred to the lessees, and, therefore, all receivables therefrom must be recognized as receivables for principal capital and financial revenues from the lessors’ investments and services.

22. The recognition of financial revenues must be based on the constant periodic interest rate on the total balance of net investment in financial leases.

23. The lessors shall amortize financial revenues over the entire lease term on the basis of the constant periodic interest rate over the balance of net investment in financial leases. Payments paid for financial leases in each accounting period (excluding costs for the provision of services) shall be allowed to be reduced from gross investment in order to reduce both the principal capital and the unearned financial revenues.

24. Initial direct costs to create financial revenues, such as commissions and legal fees incurred in the contract negotiation and signing, are often paid by lessors and shall be recognized as cost in the period as soon as they are incurred or be amortized into costs over the lease term in a way suitable to the recognition of revenues.

Operating leases

25. The lessors must recognize assets under operating leases in their balance sheets, using the method of classification of enterprises’ assets.

26. Revenues from operating leases must be recognized by the straight line method over the entire lease term, regardless of the payment modes, unless more reasonable calculation methods are applied.

27. Costs of operating leases, including depreciation of leased assets, will be recognized as costs in the period during which they are incurred.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



29. The depreciation of leased assets must be on a basis consistent with the lessors’ depreciation policy applicable to similar assets, and the depreciation costs must be calculated under the provisions of the accounting standards "Tangible fixed assets" and "Intangible fixed assets."

30. The lessors being manufacturing or trading enterprises shall recognize revenues from operating leases according to each lease term.

Asset sale and leaseback transactions

31. A asset sale and leaseback transaction is effected when an asset is sold then leased back by the same seller. The accounting method applicable to sale and leaseback transactions depends on the type of lease.

32. If an asset sale and leaseback transaction is a financial lease, the difference between the sale proceeds and the residual value of the asset must be amortized over the entire lease term.

33. If the asset leaseback is a financial lease, whereby the lessor provides finance for the lessee, with asset security. The difference between the proceeds from the sale of the asset and the residual value of the asset in the accounting books shall not be immediately recognized as a profit from the sale of the asset; instead it must be recognized as unearned income and amortized over the entire lease term.

34. Sale and leaseback transactions being operating leases will be recognized when:

- The sale price is agreed upon at the reasonable value, any profit or loss must be recognized immediately in the period during which it arises;

- If the sale price is lower than the reasonable value, any profit or loss must be also recognized immediately in the period during which it arises, except where the loss is offset with future lease payments lower than the market rent. In this case, the loss shall not be immediately recognized but must be amortized into costs corresponding to the lease payments over the entire period during which the asset is expected to be used;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



35. If an asset leaseback is an operating lease, and the rent and sale price are agreed at the reasonable value, that is, a normal sale transaction has been conducted, any profit or loss will be accounted immediately in the period during which it arises.

36. For operating leases, if the reasonable value of assets at the time of sale and leaseback is lower than the residual value thereof, the loss being the difference between the residual value and the reasonable value must be recognized immediately in the period during which it arises.

37. The requirements on the presentation of the financial statements of lessees and lessors regarding asset sale and leaseback operations must be alike. Where the lease agreements contain a special provision, it must be presented in the financial statements.

PRESENTATION OF FINANCIAL STATEMENTS

For the lessees

38. The lessees must present the following information on financial leases:

a/ The residual value of the leased asset on the financial statement date;

b/ Contingent rent recognized as a cost in the period;

c/ Bases for determining the contingent rent;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



39. The lessees must present the following information on operating leases:

a/ The total future minimum lease payments under non-cancelable operating lease contracts with the following terms:

- Of one year or under;

- Of between over one year and five years;

- Of over five years.

b/ Bases for determining contingent rent.

For the lessors

40. The lessors must present the following information on financial leases:

a/ The table of comparison between the total gross investment in leases and the present value of the minimum lease payments receivable on the financial statement date of the reporting periods, with the following terms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Of between over one year and five years;

- Of over five years.

b/ Unearned revenues from financial leases;

c/ The unguaranteed residual value of leased assets, calculated by the lessor;

d/ Accumulated reserve for the bad receivables regarding the minimum lease payments;

e/ Contingent rent recognized as revenues in the period.

41. The lessors must present the following information on operating leases:

a/ Future minimum lease payments under non-cancelable operating lease contracts with the following terms:

- Of one year or under;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Of over five years.

b/ Total contingent rent recognized as revenues in the period.

 

STANDARD NO. 10

EFFECTS OF CHANGES IN FOREIGN EXCHANGE RATES
(Promulgated and publicized together with the Finance Minister’s Decision No. 165/2002/QD-BTC
of December 31, 2002)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and methods of accounting the effects of changes in foreign exchange rates, applicable to enterprises which have foreign currency transactions or overseas activities. Foreign currency transactions and financial statements of overseas activities must be converted into the enterprises’ accounting currency, including initial recognition and reporting on the balance sheet date; recognition of the foreign exchange rate difference; and conversion of the financial statements of overseas activities as a basis for making entries in accounting books, making and presenting the financial statements.

02. This standard applies to:

a/ The accounting of foreign currency transactions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



03. Enterprises must use Vietnam dong as an accounting currency, unless they are permitted to use another common currency.

04. This standard does not prescribe the conversion of an enterprise’ financial statements from an accounting currency into another so as to facilitate the users that have been accustomed to the such converted currency or for similar purposes.

05. This standard does not mention the presentation of cash flows arising from foreign currency transactions and from the conversion of cash flow statements of an overseas activity in the cash flow statements (prescribed in the standard "Cash flow statements").

06. The terms in this standard are construed as follows:

Overseas activities are branches, subsidiaries, partnerships, joint-venture companies, business cooperation, and business association of the reporting enterprises, which operate in countries other than Vietnam.

Foreign-based establishments means activities in foreign countries, which operate independently from the reporting enterprises.

Accounting currency is a currency officially used in the making of accounting entries and financial statements.

Foreign currency is a currency other than the accounting currency of an enterprise.

Exchange rate is the rate of exchange between two currencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Closing exchange rate is the exchange rate used on the balance sheet date.

Net investment in a foreign-based establishment is the portion of capital of the reporting enterprise in the total net asset of such foreign-based establishment.

Monetary items are current cash and cash equivalents, receivables or liabilities in fixed or determinable cash amounts.

Non-monetary items are items other than monetary items.

Reasonable value is the value for which an asset can be exchanged or the value of a liability which may be settled voluntarily between knowledgeable parties in the par value exchange.

CONTENTS OF THE STANDARD

FOREIGN CURRENCY TRANSACTIONS

Initial recognition

07. Foreign currency transactions are transactions determined in foreign currencies or requested to be paid for in foreign currencies, including transactions that arise when an enterprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Borrows or lends money amounts to be paid or received in foreign currencies;

c/ Becomes a partner (one party) to an unperformed foreign exchange contract;

d/ Purchases or liquidates assets; incurs or repays debts denominated in foreign currencies;

e/ Uses a currency for purchasing, selling or exchanging for another currency.

08. A foreign currency transaction must be accounted and initially recognized in the accounting currency by applying the exchange rate between the accounting currency and the foreign currency on the date of the transaction.

09. The exchange rate on the date of the transaction will be regarded as spot exchange rate. Enterprises may use an exchange rate that approximates the actual exchange rate on the date of the transaction. For example, the average exchange rate of a week or a month may be used for all transactions in each kind of foreign currency arising in such week or month. If the exchange rate fluctuates greatly the enterprises must not use the average exchange rate for the accounting work in the accounting week or month involved.

Reporting at the balance sheet date

10. On the balance sheet date:

a/ Monetary items of foreign currency origin must be reported at the closing exchange rate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Non-monetary items determined according to the reasonable value in foreign currencies must be reported at the exchange rate on the date of determination of the reasonable value.

11. The book value of an item will be determined in accordance with the relevant accounting standards. For example, inventories will be determined according to their original prices, fixed assets according to their historical costs even if their book values has been determined on the basis of the original prices, historical costs or reasonable values, the determined book values of items of foreign currency origin will then be reported in the accounting currency in accordance with the provisions of this standard.

Recognition of the exchange rate difference

12. The exchange rate difference that arises upon the settlement of monetary items of foreign currency origin or as a result of the reporting on monetary items of foreign currency origin by an enterprise using exchange rates different from the exchange rate initially recognized or already reported in the previous financial statements, shall be handled as follows:

a/ At the construction investment stage to form fixed assets of newly established enterprises, the exchange rate difference arising upon settlement of monetary items of foreign currency origin for making construction investment and the exchange rate difference arising upon re-valuation of monetary items of foreign currency origin at the end of the fiscal year will be reflected accumulatively and separately on the balance sheets.

When completely constructed fixed assets are put into use, the exchange rate arising at the construction investment stage will be amortized into income or production and business costs over the maximum period of five years.

b/ At the stage of production and business, including the construction investment to form fixed assets of the operating enterprises, the exchange rate difference arising upon settlement of monetary items of foreign currency origin and re-valuation of currency of foreign currency origin at the end of the fiscal year shall be recognized as income or costs in the fiscal year, except for the exchange rate difference prescribed in paragraphs 12c, 14 and 16.

c/ For enterprises using financial instruments for exchange rate risk reserve, all loans and liabilities of foreign currency origin shall be accounted according to the actual exchange rate at the time they occur. Enterprises must not re-valuate loans and liabilities of foreign currency origin for which they have used financial instruments for exchange rate risk reserve.

13. The arising exchange rate difference shall be recognized when the exchange rate changes between the transaction date and the date of settlement for all monetary items of foreign currency origin. When transactions occur and are settled in the same accounting period, exchange rate differences will be accounted in such period. If transactions are settled in subsequent accounting periods, exchange rate differences will be calculated on the basis of the change in the foreign exchange rate in each period till the period during which such transactions are settled.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



14. Exchange rate differences arising from monetary units of foreign exchange origin, which, in nature, belong to the reporting enterprises’ portion of net investment in foreign-based establishments shall be classified as owners’ equity in the enterprises’ financial statements till such investment is liquidated. At that point of time, all these exchange rate differences will be accounted as income or cost in accordance with paragraph 30.

15. An enterprise may have monetary items receivable from or payable to a foreign-based establishment. An item the settlement of which is not determined yet or is unlikely in an anticipated duration in future will, in nature, result in an increase or decrease in the enterprises’ net investment in such foreign-based establishment. These monetary items may include long-term receivables or loans but not commercial receivables and commercial payables.

16. Exchange rate differences arising from liabilities of foreign currency origin, which are accounted as an amount for restricting risks of the enterprise’s net investment in a foreign-based establishment, will be classified as owners’ equity on the enterprise’s financial statements till the net investment is liquidated. At that point of time, these exchange rate differences will be accounted as income or cost in accordance with paragraph 30.

THE FINANCIAL STATEMENTS OF OVERSEAS ACTIVITIES

Classification of overseas activities

17. The method of conversion of the financial statements of overseas activities will depend on their financial and operational dependence on the reporting enterprises. For this purpose, overseas activities shall be classified into two types: "Overseas activities inseparable from the operations of the reporting enterprises" and "foreign-based establishments."

18. Overseas activities inseparable from the operation of the reporting enterprises shall conduct their business operations as a component of the reporting enterprises. For example, the foreign-based enterprises sell imported goods and transfer the proceeds therefrom to the reporting enterprises. In this case, any change in the rate of exchange between the reporting currency and the currency of the foreign country where activities are carried out shall directly affect the cash flows from the reporting enterprises’ operation. Therefore, changes in the exchange rate will affect each specific monetary item of overseas activities more than the reporting enterprise’s net investment in such activities will.

19. Foreign-based establishments are independent business units, having the legal person status in the host countries and using the currencies of the host countries as their accounting currencies. These establishments may participate in foreign currency transactions, including transactions in the reporting currency. Any change in the rate of exchange between the reporting currency and the currency of the host country will only slightly affect or not directly at present or in future cash flows from the operations of the foreign-based establishments as well as of the reporting enterprises. Changes in the exchange rate will affect the reporting enterprises’ net investment more than specific monetary or non-monetary items of foreign-based establishments.

20. Characteristics for identification of a foreign-based establishment:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Transactions with the reporting enterprise account for not a large proportion in overseas activities;

c/ Foreign-based activities are mainly self-financed or financed with foreign loans more than from the reporting enterprises;

d/ Costs of labor, materials and raw materials and other components of products or services of overseas activities are paid and settled more in the currencies of the host countries than in the currency of the reporting enterprise;

e/ Revenues from overseas activities are mainly in currency other than the currency of the reporting enterprise;

f/ Cash flows of the reporting enterprise are separate from the daily operation of overseas activities and are not directly affected by the operation of overseas activities.

The reasonable classification of each overseas activity may be based on the above-said characteristics. In some cases, the classification of an activity carried out abroad as a foreign-based establishment or an overseas activity inseparable from the reporting enterprise may be unclear, it is, therefore, necessary to evaluate such activity to ensure reasonable classification thereof.

Overseas activities inseparable from the operation of the reporting enterprises

21. The financial statements of overseas activities inseparable from the operation of the reporting enterprises will be converted under the provisions in paragraphs 7 to 16 as for operations of the reporting enterprises.

22. Each item in the financial statements of overseas activities will be converted like transactions of overseas activities conducted by the reporting enterprises. The historical costs and depreciation of fixed assets will be converted at the exchange rate on the date the assets are purchased. If the assets are calculated according to their reasonable values, the exchange rate on the date such reasonable values are determined will be used. The value of inventories shall be converted at the exchange rate of the time such value is determined. Recoverable amounts or realizable values of an asset will be converted at the actual exchange rate at the time these amounts are determined.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Foreign-based establishments

24. When converting the financial statements of foreign-based establishments for inclusion in the financial statements of the reporting enterprises, the following provisions must be complied with:

a/ All assets and liabilities (including both monetary and non-monetary items) of foreign-based establishments will be converted at the closing exchange rate;

b/ Items of revenues, other incomes and costs of foreign-based establishments shall be converted at the exchange rate on the date of the transactions. If the reports of foreign-based establishments are denominated in the currency of a hyper-inflationary economy, revenues, other incomes and costs shall be converted at the closing exchange rate;

c/ All exchange rate differences arising upon the conversion of the financial statements of foreign-based establishments for inclusion in the financial statements of the reporting enterprises must be classified as owners’ equity of the reporting enterprises till such net incomes are liquidated.

25. Where the average exchange rate approximates the actual one, it will be used for converting the items of revenues, other incomes and costs of foreign-based establishments.

26. For cases where exchange rate differences arise upon the conversion of the financial statements of foreign-based establishments:

a/ Conversion of the items of revenues, other incomes and costs at the exchange rate on the date of the transaction; assets and liabilities at the closing exchange rate;

b/ Conversion of net investments at the beginning of a period in foreign-based establishments at an exchange rate other than the exchange rate already used in the previous period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



These exchange rate differences shall not be recognized as income or cost in the period. They often exert little or indirect impact on cash flows from present and future activities of foreign-based establishments as well as of reporting enterprises. When a foreign-based establishment is consolidated, which, however, does not result in entire ownership, the accumulated exchange rate difference arising from the conversion and associated with the minority shareholders’ investments in the foreign-based establishments must be amortized and reported as part of ownership of minority shareholders at the foreign-based establishments in the consolidated balance sheet.

27. All the values of commercial advantages arising from the purchase of foreign-based establishments and all adjustments of the reasonable value of the book value of assets and liabilities arising from the process of purchasing foreign-based establishments will be handled like:

a/ Assets and liabilities of foreign-based establishments will be converted at the closing exchange rate as prescribed in paragraph 23.

b/ Assets and liabilities of the reporting enterprises already denominated in the reporting foreign currency, or non-monetary items will be reported at the exchange rate on the date of the transaction as prescribed in paragraph 10 (b).

28. The inclusion of the financial statements of foreign-based establishments in those of the reporting enterprises must comply with the common inclusion procedures, such as exclusion of balances in a group and a subsidiary’s operations with companies in the group (see the accounting standard "Consolidated financial statements and accounting of capital contributed in subsidiaries" and the accounting standard "Financial information on capital contributions to joint ventures"). However, an exchange rate difference arising in a monetary item in the group, whether short-term or long-term, cannot be excluded into a corresponding item in another balance in the group because this monetary item demonstrates the commitment to convert one foreign currency into another foreign currency, thus giving rise to a profit or loss to the reporting enterprise as a result of the change in the foreign exchange rate. Therefore, in the consolidated financial statements of the reporting enterprises, exchange rate differences shall be accounted as income or as cost, or if they arise from the cases mentioned in paragraphs 14 and 16, they shall be classified as owners’ equity till the net investments are liquidated.

29. The financial statement dates of foreign-based establishments must match the financial statement dates of the reporting enterprises. Where financial statements cannot be made on the same day, it is permitted to consolidate financial statements with dates differing within three months. In this case, assets and liabilities of foreign-based establishments shall be converted at the exchange rate on the date of the balance sheets of foreign-based establishments. Where the exchange rate on the date of the balance sheet of a foreign-based establishment differs greatly from that on the date of the financial statement of the reporting enterprise, an appropriate adjustment must be made from such date to the date of the balance sheet of the reporting enterprise according to the accounting standard "Consolidated financial statements and accounting of capital contributed in subsidiaries" and the accounting standard "Financial information on capital contributions to joint ventures."

Liquidation of foreign-based establishments

30 When liquidating foreign-based establishments, the accumulated exchange rate differences already postponed (under the provisions in paragraph 24.c) and related to such foreign-based establishments will be recognized as income or as costs in the same period during which profits or losses from the liquidation are recognized.

31. An enterprise may liquidate its investment in a foreign-based establishment by selling, auctioning, repaying equities or abandon all or part of its capital in the establishment concerned. Settlement of dividends is a form of liquidation only when it is a recovery of investment. For partial liquidation, only the accumulated exchange rate difference related to owners’ equity can be calculated as profit or loss. The recording of a decrease in the accounting value of a foreign-based establishment will not constitute partial liquidation. In this case, no profit or loss regarding the postponed exchange rate difference shall be recognized at the time a decrease is recorded.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



32. When there is a new classification of overseas activities, the provisions on conversion of the financial statements of overseas activities will apply from the date of the new classification.

33. Overseas activities may be re-classified upon the change in the degree of financial and operational dependence on the reporting enterprises. When overseas activities constitute a part inseparable from the operation of the reporting enterprises are classified as foreign-based establishments, the exchange rate difference arising from the conversion of non-monetary assets will be classified as owners’ equity on the date of the re-classification. When a foreign-based establishment is classified as an overseas activity inseparable from the operation of the reporting enterprises, the converted values of non-monetary asset items on the date of the conversion shall be regarded as their historical costs in the period during which the change occurs and in subsequent periods. Postponed exchange rate differences will not be recognized as income or cost till the liquidation of the activities.

PRESENTATION OF THE FINANCIAL STATEMENTS

34. Enterprises must present in their financial statements the following:

a/ The amount of exchange rate difference already recognized in the net profit or loss in the period;

b/ The net exchange rate difference classified as owners’ equity (according to paragraphs 12a and 14) and reflected as a separate portion of the owners’ equity and the exchange rate differences at the beginning and the end of the period must be presented.

35. When the reporting currency is different from the currency of the country where the enterprises are operating, the enterprises must clearly state the reason therefor, even when they change the reporting currency.

36. Where the new classification of overseas activities greatly affects the reporting enterprises, the enterprises must present:

a/ The nature of the new classification;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Effects of the new classification on the owners’ equity;

d/ Impacts on the net profit or loss of the previous period, which affect the classification occurring at the beginning of the nearest period.

37. The enterprises must present the selected method (as prescribed in paragraph 27) for converting the adjustments of the value of commercial advantages and the reasonable value arising in the purchase of foreign-based establishments.

 

STANDARD NO. 15

CONSTRUCTION CONTRACTS
(Promulgated and publicized together with the Finance Minister’s Decision No. 165/2002/QD-BTC
of December 31, 2002)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and methods for accounting revenues and costs related to construction contracts, including: contents of revenues and costs of construction contracts; recognition of revenues and costs of construction contracts to serve as basis for recording accounting books and compiling financial statements.

02. This standard applies to the accounting of construction contracts and compilation of financial statements by contractors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A construction contract is written contract for the construction of an asset or combination of assets which are closely interrelated or interdependent in terms of their designing, technology, function or basic use purposes.

A fixed price construction contract is a construction contract whereby the contractor agrees to a fixed price for the whole contract or a fixed unit price on a finished product unit. In some cases where prices rise high, such fixed price may change depending on contract clauses;

A cost plus contract is a construction contract whereby the contractor is reimbursed the actual costs allowed to be paid, plus (+) an amount calculated in percentage (%) of these costs or a fixed amount of charge.

04. A construction contract may be reached to construct a single asset, such as: a bridge, a building, an oil pipeline or a road or to construct a combination of assets which are closely interrelated or interdependent in their designing, technology, function or basic use purposes, such as: an oil refinery, complex of textile and garment plants.

05. In this standard, construction contracts also include:

(a) Contracts for provision of services directly relating to the construction of assets, such as: consultancy, designing and survey contract; contract for project and architecture management services;

(b) Contracts for restoration or destruction of assets and rehabilitation of environment after the asset destruction.

06. Construction contracts specified in this standard are classified into fixed price construction contracts and cost plus construction contracts. A number of construction contracts have the characteristics of both fixed price construction contracts and cost plus construction contracts. For instance, cost plus construction contracts contain agreement on the maximum price. In this case, contractors need to consider all the conditions prescribed in paragraphs 23 and 24 for recognizing construction contract revenues and costs.

COMBINATION AND DIVISION OF CONSTRUCTION CONTRACTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



08. For a construction contract relating to the construction of a number of assets, the construction of each asset shall be considered a separate construction contract when it simultaneously meets the following three (3) conditions:

(a) Designs and cost estimates are determined separately for each asset and each asset can operate independently;

(b) Each asset may be separately negotiated with each contractor, and the customer may accept or reject the contractual part related to each asset;

(c) The cost and revenue of each asset can be determined.

09. A group of contracts signed with one customer or a number of customers shall be considered a construction contract when they simultaneously meet the following three (3) conditions:

(a) These contracts are negotiated as a package contract;

(b) These contracts are so closely interrelated that they are in fact different components of a project with equivalent estimated gross profits;

(c) These contracts are performed simultaneously or in a continuous process.

10. One contract may include the construction of one more asset at the request of customers or it may be amended to include the construction of such asset. The construction of one more asset shall be only considered a separate construction contract when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) The price of the contract for construction of such asset is agreed upon, which is not related to the price of the initial contract.

CONTENTS OF THE STANDARD

REVENUES OF CONSTRUCTION CONTRACTS

11. Revenues of a construction contract include:

(a) Initial revenue inscribed in the contract; and

(b) Increase and decrease amounts in the contract performance, bonuses and other payments, provided that these amounts are capable of changing the revenue and can be reliably determined.

12. Revenue of a construction contract is determined as the reasonable value of received or to be-received amounts. The determination of the contractual revenue is affected by many uncertain factors which depend on future events. The estimation must often be corrected upon the occurrence of such events and the settlement of uncertain factors. As a result, the contractual revenue may be increased or decreased in each specific period. For example:

(a) Contractors and customers may agree upon changes and requirements resulting in the increase or decrease of contractual revenue in the next period as compared with the initially agreed contract;

(b) Revenue already agreed upon in the fixed price contract may increase for the reason that prices rise high;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(d) When the fixed price contract sets a fixed price for a finished product unit, the contractual revenue shall increase or decrease when the product volume increases or decreases.

13. Changes at customers’ requests in the scope of works to be done under the contract. For example: changes in technical or designing requirements of assets and other changes in the contract performance. Such changes shall be accounted into the contractual revenue only when:

(a) It is highly probable that customers accept such changes and revenues arising therefrom; and

(b) Revenue can be reliably determined.

14. Bonuses are supplementary amounts to be paid to contractors if they perform the contracts according to or beyond the requirements. For example, the contract anticipates to pay the contractor a bonus for early contract fulfillment. Such bonus shall be accounted into the contract revenue when:

(a) A number of specific standards inscribed in the contract are surely attained or surpassed; and

(b) The bonus can be reliably determined.

15. Another payment received by the contractor from the customer or another party to offset costs is not included in the contractual price. For example: Delay caused by the customer; errors in technical or designing specifications, and disputes over changes in the contract performance. The determination of increased revenue from the above-said payments depends on numerous uncertain factors and usually depends on the results of many negotiations. Therefore, other payments shall only be accounted into the contractual revenue when:

(a) It is agreed that the customer will accept to make compensation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Costs of construction contracts

16. Costs of construction contracts include:

(a) Costs directly related to each specific contract;

(b) General costs related to activities of the contracts and can be distributed to each specific contract;

(c) Other costs which may be recovered from customers under contractual clauses.

17. Costs directly related to each specific contract include:

(a) Construction site labor costs, including cost for project supervision;

(b) Costs of raw materials and materials, including project equipment;

(c) Depreciation of machinery, equipment and other fixed assets used for the contract performance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(e) Rent for workshops, machinery and equipment for the contract performance;

(f) Expenses for designing and technical assistance directly related to the contract;

(g) Estimated expenses for project repair and maintenance;

(h) Other directly related costs.

Costs directly related to each contract shall decrease when there exist other incomes not included in the contractual revenue. For example: proceeds from the sale of superfluous raw materials and materials, liquidation of construction machines and equipment upon the contract conclusion.

18. General costs related to the activities of construction contracts and can be allocated to each specific contract, include:

(a) Insurance premiums;

(b) Costs for designing and technical assistance not directly related to a specific contract;

(c) General management costs in construction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



19. Other costs which may be retrieved from customers under contract clauses such as ground clearance cost, implementation cost that customers must reimburse to the contractors as provided for in the contract.

20. Costs which are not related to activities of contracts or cannot be allocated to construction contracts shall not be accounted into construction contract costs. These costs shall include:

(a) General administrative management costs, or research and development costs which must not be paid by customers to contractors as stated;

(b) Selling costs;

(c) Depreciation of machinery, equipment and other fixed assets not used for construction contracts.

21. Contract costs include costs related to contract throughout the period from the contract signing to the contract conclusion. Costs directly related to contract arising in the course of contract negotiation shall also be considered part of the contract costs if they can be separately identified, reliably estimated and it is highly probable that the contract will be signed. If costs arising in the course of contract negotiation have already been recognized as production and business costs in the period when they arise, they shall no longer be considered the construction contract costs when such contract is signed in the next period.

RECOGNIZATION OF CONTRACT REVENUES AND COSTS

22. Construction contract revenues and costs are recognized in the following two cases:

(a) Where a construction contract stipulates that the contractor is allowed to make payments according to the set schedule, and when the construction contract performance result is reliably estimated, the revenues and costs related to the contract shall be recognized by reference to the completed volume determined by the contractor on the date of compiling financial statement, regardless of whether invoices for payments according to the set schedule have been billed or not and how much money is inscribed on invoices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



23. For fixed price construction contracts, the contract results shall be reliably estimated when the following four (4) conditions are simultaneously met:

(a) Total contract revenue can be reliably calculated;

(b) Enterprises can get economic benefits from the contract;

(c) Costs for completing the contract and the work already completed at the time of compiling financial statements can be reliably calculated;

(d) Costs related to the contract can be clearly identified and reliably calculated so that actual total contract cost can be compared with the total cost estimates.

24. For cost plus construction contracts, the contractual results shall be reliably estimated when the following two conditions are simultaneously met:

(a) Enterprises can get economic benefits from the contract;

(b) Costs related to the contract can be clearly identified and reliably estimated regardless of whether they are reimbursed or not.

25. The method of recognizing revenues and costs according to the completed contractual work volume is called the completion percentage method. By this method, revenues shall be determined to match arising costs of the completed work volume reflected in the business operation result report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



27. A contractor may pay for the costs related to the formulation of a contract. These costs shall be recognized as advances if they can be reimbursed. These costs reflect money amounts to be paid by customers and classified as uncompleted construction projects.

28. Construction contract performance results shall only be reliably determined when the enterprises can receive economic benefits from the contracts. In cases where exist doubts about irrecoverability of certain amounts already counted into the contractual revenues and inscribed in the business result reports, such irrecoverable amounts must be recognized as costs.

29. Enterprises can only make reliable estimates of construction contract revenues when reaching agreement in contracts upon the following:

(a) Legal liability of each party for the constructed assets;

(b) Conditions for change of contract value;

(c) Payment mode and time limit.

Enterprises must regularly review and, when necessary, readjust the estimates of contractual revenues and costs in the course of contract performance.

30. Completed work volumes of contracts to serve as basis for determining revenues may be determined by different methods. Enterprises should use appropriate calculation methods to determine the completed work volume. Depending on the nature of construction contracts, enterprises shall select to apply one of the following three (3) methods to determine completed work volumes:

(a) Percentage (%) of costs of the work volume completed at a certain time on the total estimated costs of the contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(c) Percentage (%) of the completed construction and installation volume on the total construction and installation volume which must be completed under the contract.

The work-in-progress payments and advances received from the customers usually do not reflect the completed work volume.

31. When the completed work volume is determined by method of percentage (%) between costs of the work volume completed at a certain time and the total estimated costs of the contract, the costs related to the completed work volume shall be accounted into costs until that time. Costs not counted into the contract’s completed work volume may be:

(a) Costs of the construction contract related to future activities of the contract, such as: costs of raw materials and materials already transported to the construction site or spared for use in the contract but not yet installed or used in the course of contract performance, except for cases where such materials are exclusively manufactured for the contract;

(b) Advances to sub-contractors before the sub-contracted works are completed.

32. When the construction contract performance result cannot be reliably estimated:

(a) Revenue shall only be recognized to match the already arising contract costs, the reimbursement thereof is relatively sure;

(b) Contract costs shall only be recognized as in-period costs when they have already arisen.

33. In the initial stage of a construction contract, cases where contract performance results cannot be reliably estimated may often occur. In cases where enterprises can recover already paid contract costs, the contract costs shall only be recognized to the extent that the paid costs can be recovered. When contract performance results cannot be reliably estimated, no profit amount shall be recognized, even though the total costs for contract performance may exceed the total contract revenues.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(a) There are not enough legal conditions for continuing the contract performance;

(b) The continued contract performance depends on results of the settlement of petitions or opinions by competent agencies;

(c) The contract involves assets, which are likely to be requisitioned or confiscated;

(d) Contracts where the customers cannot perform their obligations;

(e) Contracts where the contractors cannot fulfill or perform their obligations inscribed therein.

35. When uncertain factors related to the reliable estimation of contract performance results are eliminated, revenues and costs related to construction contracts shall be recognized to match the completed work volume.

CHANGES IN ESTIMATIONS

36. The completion percentage (%) method shall be based on accumulation from the construction commencement to the end of each accounting period in respect of estimates of construction contract revenues and costs. Effect of each change in the estimation of contract revenues or costs, or effect of each change in the estimation of contract performance results shall be accounted as an accounting estimation change. Changed estimates shall be used in determining revenues and costs recognized in the business result report in the period when such changes occur or in subsequent periods.

PRESENTATION OF FINANCIAL STATEMENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(a) Method for determining revenues recognized in the period and method for determining the completed work volume of a construction contract;

(b) Construction contract revenues recognized in the reporting period;

(c) Total accumulated construction contract revenue recognized up to the reporting time;

(d) Payables to customers;

(e) Receivables from customers;

For contractors receiving work-in-progress payments as provided for in construction contracts (except for cases specified in Paragraph 22a), the following norms shall also be reported:

(f) Receivables according to scheduled progress;

(g) Payables according to scheduled progress.

38. Payables to customers are amounts received by contractors before corresponding work of the contract is performed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



40. Receivables according to the scheduled progress is the difference between the total accumulated revenues of the construction contract recognized up to the reporting time, which is larger than the accumulated amount inscribed in invoices of payments according to the scheduled progress of the contract.

This norm applies to on-going construction contracts whereby accumulated revenues already recognized are larger than accumulated amounts inscribed in invoices of progress payments up to the reporting time.

41. Payables according to the scheduled progress is the difference between the total accumulated revenues of the construction contract recognized up to the reporting time, which is smaller than the accumulated amount inscribed in invoices of payments according to the scheduled progress of the contract.

This norm applies to on-going construction contracts whereby accumulated amounts inscribed in invoices of progress payments exceed accumulated revenues recognized up to the reporting time.

 

STANDARD NO. 16

BORROWING COSTS
(Promulgated and publicized together with the Finance Minister’s Decision No. 165/2002/QD-BTC of December 31, 2002)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and methods for accounting borrowing costs, including: recognition of borrowing costs into production and/or business costs in the period; capitalization of borrowing costs when these costs directly relate to the construction investment or production of uncompleted assets which serve as basis for recording accounting books and compiling financial statements

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



03. The terms in this standard shall be construed as follows:

Borrowing costs are loan interest and other costs incurred in direct relation to borrowings of an enterprise.

Uncompleted assets are assets in the construction investment process and assets in the production process, which need a duration long enough (over 12 months) to be put to use according to the set purposes or to sale.

04. Borrowing costs include:

(a) Interests on short-term and long-term borrowings, including borrowing interest on overdraft amounts;

(b) Amortization of discounts or premiums related to borrowings through bond issuance;

(c) Amortization of ancillary costs incurred in relation to the arrangement of borrowing procedures;

(d) Financial costs of financial leasing assets.

05. For example: Uncompleted assets are those being in the construction investment process, which are either unfinished or finished but not yet put into production or use; unfinished products being in the production process of production lines with a production cycle of over 12 months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Recognition of borrowing costs

06. Borrowing costs should be recognized into production or business costs in the period in which they are incurred, unless they are capitalized according to provisions in paragraph 07.

07. Borrowing costs directly related to the construction investment or production of uncompleted assets shall be accounted into the value of such assets (capitalized) when the conditions prescribed in this standard are fully met.

08. Borrowing costs directly related to the construction investment or production of uncompleted assets shall be accounted into the value of such assets. Borrowing costs shall be capitalized when it is highly probable that enterprises can get future economic benefits from the use of such assets and the costs can be reliably determined.

Determination of borrowing costs to be capitalized

09. In cases where a particular borrowing is used only for the purpose of construction investment or production of an uncompleted asset, the borrowing cost fully eligible for capitalization for such uncompleted asset shall be determined as borrowing cost actually arising from borrowings minus (-) incomes earned from temporary investments of such borrowings.

10. Incomes from temporary investments of particular borrowings shall, pending the use thereof for the purpose of obtaining uncompleted assets, be offset against borrowing costs incurred upon the capitalization.

11. In case of joint capital borrowings, which are used for the purpose of investment in construction or production of an uncompleted asset, the borrowing costs eligible for capitalization in each accounting period shall be determined according to the capitalization rate for weighted average accumulated costs incurred to the investment in construction or production of such asset. The capitalization rate shall be calculated according to the weighted average interest rate applicable to the enterprise’s borrowings unrepaid in the period, except for particular borrowings for purpose of obtaining an uncompleted asset. The amount of borrowing costs capitalized during a period must not exceed the amount of borrowing costs arising during that period.

12. If any discount or premium arises upon the issuance of bonds, the borrowing interest shall be readjusted by amortizing the value of such discount or premium and readjusting capitalization rate in an appropriate manner. The amortization of the discount or premium may be effected by the actual interest rate method or straight line method. Borrowing interests and amortized discounts or premiums capitalized in each period must not exceed the actual borrowing interest amount and amortized discount or premium amount in that period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. The capitalization of borrowing costs into the value of an uncompleted asset shall commence when the following conditions are simultaneously satisfied:

(a) Expenses for investment in construction or production of the uncompleted asset start to arise;

(b) Borrowing costs are arising;

(c) Activities that are necessary to prepare the uncompleted asset for its intended use or sale are being conducted.

14. Costs of the investment in construction or production of an uncompleted asset include costs which must be paid in cash, transfer of other assets or the acceptance of interest-bearing liabilities, excluding subsidies or supports related to the asset.

15. Activities necessary to prepare the asset for its intended use or sale include the activities of construction, production, technical and general management prior to the commencement of construction or production, such as the activities related to the application for permits prior to the commencement of construction or production. However, such activities do not cover the holding of an asset when no construction or production that changes the asset’s state is taking place. For example, borrowing costs related to the purchase of a land plot requiring site preparation activities shall be capitalized in the period during which activities of preparing such site are conducted. However, borrowing costs incurred while such land plot is purchased for the purpose of holding without construction activities related to such land plot, shall not be capitalized.

Temporary cessation of capitalization

16. The capitalization of borrowing costs shall be temporarily ceased in periods during which the investment in construction or production of uncompleted assets is interrupted, except for cases where such interruption is necessary.

17. The capitalization of borrowing costs shall be temporarily suspended when the investment in construction or production of uncompleted assets is abnormally interrupted. At that time, incurred borrowing costs shall be recognized as in-period production or business costs until the investment in construction or production of uncompleted assets resume.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



18. The capitalization of borrowing costs shall terminate when the major activities necessary to prepare the uncompleted asset for its intended use or sale are completed. Borrowing costs arising afterward shall be recognized as in-period production or business costs.

19. An asset is ready for its intended use or sale when its construction or production is complete even though general management works might still continue. In cases where due to minor changes (such as the asset decoration at the purchaser’s or user’s request) these activities are not yet completed, the major activities are still considered complete.

20. When the investment in construction of an uncompleted asset is completed in parts and each completed part is capable of being used while the construction investment continues for the other parts, the capitalization of borrowing costs shall terminate when all major activities necessary to prepare that part for its intended use or sale are completed.

21. For a trade quarter comprising many buildings, each of which can be used separately, the capitalization shall terminate for borrowed capital used for each particular completed work. However, for the construction of an industrial plant involving many production items which are carried out in sequence, the capitalization shall terminate only when all production items are completed.

Presentation of financial statements

23. Enterprises must present in their financial statements:

(a) Accounting policy applicable to borrowing costs;

(b) Total amount of borrowing costs capitalized in the period; and

(c) Capitalization rate used for determining borrowing costs capitalized in the period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



STANDARD NO. 24

CASH FLOW STATEMENTS
(Promulgated and publicized together with the Finance Minister’s Decision No. 165/2002/QD-BTC
of December 31, 2002)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and methods for compiling and presenting cash flow statements.

02. This standard applies to the compilation and presentation of cash flow statements.

03. The cash flow statement is a constituent of a financial statement, it provides information to help users assess changes in net assets, financial structure, cash liquidity of assets, solvency and capability of enterprises for creating cash flows in their operations. Cash flow statements enhance the ability to objectively assess the business operation situation of enterprises and the comparability among enterprises because it can eliminate effects of the use of different accounting methods for the same transactions and events

The cash flow statement is used in assessing and forecasting the possibilities in terms of amount, timing and certainty of future cash flows; it is also used in re-checking the previous assessments and forecasts of cash flows, and examining the relationship between profitability and net cash flow as well as impacts of price fluctuation.

04. The terms in this standard are construed as follows:

Cash comprises cash in funds, cash on transfer and demand deposits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cash flows are inflows and outflows of cash and cash equivalents, excluding internal transfers between cash and cash equivalent amounts within enterprises.

Business activities are principal revenue-earning activities of enterprises and activities other than investment or financial ones.

Investment activities are activities of procuring, constructing, liquidating, assigning or selling long-term assets and other investments other than cash equivalents.

Financial activities are activities that result in changes in size and structure of the owners’ equity and borrowed capital of enterprises.

CONTENTS OF THE STANDARD

Presentation of cash flow statements

05. Enterprises shall have to present in-period cash flows in their cash flow statements upon three types of activities: business, investment and financial activities.

06. Enterprises may present their cash flows from business, investment and financial activities in a manner which is most appropriate to their business characteristics. The classification of and reporting on cash flows by activities shall provide information which help users assess impacts of those activities on the enterprises’ financial positions and on cash and cash equivalent amounts generated by the enterprises in the period. This information may also be used to evaluate the relationships among the above-said activities.

07. A single transaction may involve cash flows in different types of activities. For example, the repayment of a borrowing including both the principal and interest, in which the interest belongs to business activities and the principal belongs to financial activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



08. Cash flows arising from business activities are those relating to principal revenue-earning activities of an enterprise, and providing basic information to evaluate the enterprise’s capability to generate cash from their business activities to repay debts, maintain operation, pay dividends and make new investments without external financing sources. Information on cash flows from business activities, when being used in conjunction with other information, shall help users forecast cash flows from future business activities. Principal cash flows from business activities include:

(a) Cash receipts from the sale of goods and the provision of services;

(b) Cash receipts from other revenue-earning activities (royalties, fees, commissions and other revenues other than received cash amounts determined being cash flows from investment and financial activities);

(c) Cash payments to goods suppliers and service providers;

(d) Cash payments to employees as wages and bonuses, and those on behalf of employees such as insurance premiums, allowances, etc.;

(e) Cash payments of loan interests;

(f) Cash payment of enterprise income tax;

(g) Cash receipts from tax reimbursements;

(h) Cash receipts from compensations or fines paid by customers violating economic contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(j) Cash payments of fines or compensations imposed on enterprises for their breaches of economic contracts.

09. Cash flows relating to the purchase and sale of securities for commercial purposes shall be classified as cash flows from business activities.

Cash flows from investment activities

10. Cash flows arising from investment activities are those relating to the procurement, construction, assignment, sale or liquidation of long-term assets and investments other than cash equivalents. The principal cash flows from investment activities include:

(a) Cash payments to procure and/or construct fixed assets and other long-term assets, including those relating to development costs already capitalized as intangible fixed assets;

(b) Cash receipts from the liquidation, assignment or sale of fixed assets and other long-term assets;

(c) Cash payments to provide loans to third parties, other than loans of banks, credit institutions and financial institutions; cash paid to acquire debt instruments of other units, other than payments for those debt instruments considered to be cash equivalents and those for commercial purposes;

(d) Cash receipts from the recovery of loans provided to third parties, other than recovered loans of banks, credit institutions and financial institutions; cash receipts from the re-sale of debt instruments of other units, other than receipts from the sale of those instruments considered to be cash equivalents and those for commercial purposes;

(e) Cash payments of investments in capital contributions to other units, other than payments for the purchase of shares for commercial purposes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(g) Cash receipts from loan interests, dividends and earned profits.

Cash flows from financial activities

11. Cash flows arising from financial activities are those relating to the change in size and structure of owners’ equity and borrowed capital of enterprises. The principal cash flows from financial activities include:

(a) Cash proceeds from the issuance of shares or reception of capital contributed by owners;

(b) Cash repayments of contributed capital to owners or for redemption of shares by the issuing enterprises;

(c) Cash receipts from short- or long-term borrowings;

(d) Cash repayments of principals of borrowings;

(e) Cash repayments of financial leasing debts;

(f) Cash payments of dividends or profits to owners or shareholders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. For banks, credit institutions, financial institutions and insurance enterprises, their arising cash flows bear distinct characteristics. When making their cash flow statements, these organizations shall have to base themselves on their operation natures and characteristics to classify cash flows in an appropriate manner.

13. For banks, credit institutions and financial institutions, the following cash flows shall be classified as cash flows from business activities:

(a) Provided loan cash;

(b) Received loan cash;

(c) Cash receipts from capital mobilization (including deposits or savings received from other organizations and/or individuals);

(d) Cash refunds of mobilized capital (including repayments of deposits or savings of other organizations and/or individuals);

(e) Receipt of deposits from and repayment of deposits to other financial and credit institutions;

(f) Deposits and receipt of deposits at other financial and credit institutions;

(g) Receipts and payments of assorted service charges and commissions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(i) Payment of interests on borrowings and/or deposits;

(j) Profits or losses from the purchase and sale of foreign currencies;

(k) Receipts or payments in the purchase and sale of securities at securities-trading enterprises;

(l) Payments for the purchase of securities for commercial purposes;

(m) Proceeds from the sale of securities for commercial purposes;

(n) Recovery of bad debts already written off;

(o) Other receipts from business activities;

(p) Other payments for business activities.

14. For insurance enterprises, received insurance premiums and paid insurance indemnities as well as receipts and payments related to clauses of insurance policies shall all be classified as cash flows from business activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



METHODS OF MAKING CASH FLOW STATEMENTS

Cash flows from business activities

16. Enterprises shall have to report their cash flows from business activities by one of the following two methods:

(a) The direct method: Under this method, the norms indicating cash inflows and cash outflows are presented on statements and determined by one of the following two ways:

- Direct analysis and synthesis of cash receipts and payments upon each receipt or payment item according to the accounting records of enterprises.

- Readjustment of revenues, cost of goods sold and other items in the business result report, for:

+ Changes in the period in inventories, and receivables and payables from business activities;

+ Other non-cash items;

+ Cash flows relating to investment and financial activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Non-cash revenues and costs, such as depreciation of fixed assets, reserves, etc.;

- Gains and losses of unrealized exchange rate difference;

- Paid enterprise income tax amounts;

- Changes in the period in inventories, and receivables and payables from business activities (other than income tax and other payables after enterprise income tax);

- Profits or losses from investment activities.

Cash flows from investment and financial activities

17. Enterprises shall have to report separately cash inflows and cash outflows from investment and financial activities, except for those cash flows which are reported on a net basis and mentioned in paragraphs 18 and 19 of this standard.

Reporting on cash flows on a net basis

18. Cash flows arising from the following business, investment or financial activities shall be reported on a net basis:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Rentals received or paid on behalf of asset owners and those returned to them;

- Investment funds held for customers;

- Acceptance and repayment of demand deposits by banks, amounts transferred or paid via banks.

(b) Cash receipts and payments for items of which the turnover is quick and the maturities are short:

- Purchase and sale of foreign currencies;

- Purchase and sale of investments;

- Other borrowings and loans of a short-term of 3 months or less.

19. Cash flows arising from the following activities of banks, credit institutions and financial institutions shall be reported on a net basis:

(a) Acceptance and repayment of time deposits with fixed maturity dates;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(c) Provision of loans to customers and repayment of those loans by customers.

Foreign currency-related cash flows

20. Cash flows arising from foreign-currency transactions must be converted into the accounting currency at the foreign exchange rates at the time such transactions arise. Currencies in cash flow statements of institutions operating overseas must be converted into the accounting currency of the parent companies at the actual exchange rate of the cash flow statement date.

21. Unrealized exchange rate difference arising from the changes in exchange rates for converting foreign currencies into the accounting currency are not cash flows. However, the exchange rate difference due to the conversion of cash and cash equivalents currently deposited in foreign currencies must be separately presented on cash flow statements in order to compare cash and cash equivalents at the beginning and the end of the reporting period.

Cash flows relating to received interests, dividends and profits

22. For enterprises (other than banks, credit institutions and financial institutions), cash flows relating to already paid loan interests shall be classified as cash flows from business activities. Cash flows relating to received loan interests, dividends and profits shall be classified as cash flows from investment activities. Cash flows relating to already paid dividends and profits shall be classified as cash flows from financial activities. These cash flows must be presented as separate norms suitable to each type of activities on cash flow statements.

23. For banks, credit institutions and financial institutions, the already paid or received interests shall be classified as cash flows from business activities, other than received interests definitely identified to be cash flows from investment activities. The received dividends and profits shall be classified as cash flows from investment activities. The paid dividends and profits shall be classified as cash flows from financial activities.

24. The total amount of loan interest paid in the period must be presented in the cash flow statement whether it has been recognized as a cost in the period or capitalized in accordance with accounting standard No. 16 "Borrowing costs."

Cash flows relating to enterprise income tax

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cash flows relating to the acquisition and liquidation of subsidiary companies or other business units

26. Cash flows arising from the acquisition and liquidation of subsidiary companies or other business units shall be classified as cash flows from investment activities and presented as separate norms on cash flow statements.

27. The total amount of payments for and/or receipts from the acquisition and liquidation of subsidiary companies or other business units shall be presented in cash flow statements in net cash and cash equivalents paid for or received from the acquisition and liquidation.

28. Enterprises shall have to synthetically present in their financial statement explanations the following information on both the acquisition and liquidation of subsidiary companies or other business units in the period:

(a) Total purchase or liquidation value;

(b) Value portion of the purchase or liquidation paid in cash and cash equivalents;

(c) Cash and cash equivalent amounts actually available at subsidiary companies or other business units acquitisioned or liquidated;

(d) Value portion of assets and liabilities other than cash and cash equivalents at subsidiary companies or other business units acquitisioned or liquidated in the period. Value of such assets must be synthesized upon each type of asset.

Non-cash transactions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



30. Many investment and financial activities do not have a direct impact on current cash flows although they do affect the asset and capital source structure of enterprises. Therefore, they shall not be presented in cash flow statements but in financial statement explanations. For example:

(a) The purchase of assets by accepting related liabilities directly or through financial leasing operation;

(b) The acquisition of an enterprise by means of share issuance;

(c) The conversion of debts into owners’ equity.

Components of cash and cash equivalents

31. Enterprises shall have to present in their cash flow statements the norms of cash and cash equivalents at the beginning and the end of the period, effects of changes in foreign exchange rates for converting the currently held cash and cash equivalents in foreign currencies for comparison of the data in cash flow statements with the corresponding items on the balance sheets.

Other explanations

32. Enterprises shall have to present the value of and reasons for large cash and cash equivalent amounts that they have held and not been used due to limitations prescribed by law or other commitments which must be fulfilled by enterprises.

33. There are many circumstances in which cash and cash equivalent balances held by enterprises are not available for use for business activities. For example: Cash amounts accepted as deposits or into escrow accounts; special-use funds; project funding, etc.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

THE MINISTRY OF FINANCE
VICE MINISTER

 
 
 
 
Tran Van Ta

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 ban hành và công bố sáu (06) chuẩn mực kế toán Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


66.104

DMCA.com Protection Status
IP: 18.190.153.77
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!